Những cách hiểu chưa phù hợp về những điều quen thuộc

11/5/2020 11:15Phản hồi: 0
Người xưa nói rằng “Sai một li, đi một dặm”. Nếu vô tình, bạn đã có một cách hiểu chưa phù hợp ở cấp độ cốt lõi thì sự không phù hợp này sẽ bị khuếch đại, lan rộng ra toàn thế giới quan của bạn. Điều này làm giảm tính hiệu quả khi tư duy, nhìn nhận, đánh giá, thậm chí có thể gây phản tác dụng. Sau đây là một số cách hiểu mà tôi nghĩ là chưa phù hợp:

1. Nguyên lý âm dương là cái bất biến: Hẳn bạn đã từng nghe câu nói quen thuộc của nguyên lý âm dương đó là “Lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến” phải không? Cái vạn biến là cái làm thế giới đa dạng hơn nhưng cũng hỗn loạn hơn, còn cái bất biến làm cho thế giới yên ổn hơn, đơn giản hơn. Có lẽ mọi người từ xưa đến nay đều mặc định hai yếu tố âm dương là cái bất biến để dựa vào. Mọi kiến thức về nguyên lý âm dương như Ngũ Hành, Bát Quái, Kinh Dịch đều được xây dựng dựa trên hai yếu tố này. Nguyên lý âm dương nói rằng vạn vật được hình thành theo trình tự: Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm và Dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái và Bát Quái biến hóa khôn lường. Theo tôi thấy, cái yếu tố chưa phù hợp ở đây chính là đoạn đầu, “Vô Cực sinh Thái Cực”. Các đoạn sau thì từ “sinh” này có lẽ đúng nhưng đoạn đầu này thì có vẻ chưa ổn. Nếu dùng ngôn ngữ toán học, bạn phát biểu lại điều này như sau: Số 0 sinh số 1, số 1 sinh số 2, số 2 sinh số 4, số 4 sinh số 8 và số 8 sinh ra các bội số lớn hơn nữa cho tới vô hạn. 1+1=2, 2+2=4, v.v. Đúng là từ “sinh” này sẽ phù hợp với các số từ 1 trở đi. Nhưng số 0 mà sinh số 1 thì hình như không phải. 0+0=0, 0x0=0, 0-0=0, 0:0=0. Chỉ từ số 0, bạn sẽ không xác định được phép tính nào mà tạo ra được số 1 cả. Vì vậy, có lẽ Vô Cực không sinh ra Thái Cực như người xưa đã hiểu. Bên cạnh đó, số 0 nhân với số nào cũng bằng 0, còn số 1 nhân với số nào thì sẽ bằng số đó. Giá trị 0 là giá trị của sự bất biến, còn giá trị 1 là giá trị của sự vạn biến. Vô Cực là bất biến, Thái Cực là vạn biến. Một đứa con sinh ra được coi là thừa hưởng các đặc điểm của cha mẹ. Nếu Thái Cực là con của Vô Cực thì sẽ giống Vô Cực. Dựa vào Thái Cực sẽ chính là dựa vào Vô Cực. Nhưng nếu Thái Cực không phải là con của Vô Cực thì dựa vào Thái Cực không có nghĩa là dựa vào Vô Cực. Vô Cực và Thái Cực là hai hiện thực khác nhau. Vô Cực là tâm của cơn bão, nơi yên bình nhất, còn Thái Cực là vùng rìa tâm bão, nơi bão tố dữ dội nhất. Nếu tư duy của bạn lấy Thái Cực làm gốc thì sẽ bị chi phối mạnh mẽ bởi bão tố. Nếu tư duy của bạn lấy Vô Cực làm gốc thì sẽ dễ dàng đạt được sự bình an, thông suốt. Nếu biểu tượng của Thái Cực là vòng tròn được tạo nên bởi hai con cá đen và cá trắng thì biểu tượng của Vô Cực sẽ chỉ là một vòng tròn an toàn và viên mãn mà thôi.

2. Cái chung là tập hợp của những cái riêng: Vào buổi tối, khi bạn đang thả bộ trên đường, hãy thử nhìn lên bầu trời, bạn sẽ thấy mặt trăng luôn đi theo bạn. Nếu có ai đó đang đi ngược hướng với bạn và cũng ngước nhìn mặt trăng trên bầu trời thì cũng sẽ thấy mặt trăng đang đi theo người đó. Vậy mặt trăng là cái chung. Mọi yếu tố là cái chung tự nhiên đều giống như mặt trăng và mặt trời, có thể thỏa mãn cho từng cá nhân khác nhau cùng một lúc mà không gây ra sự tranh giành, đấu đá. Một yếu tố vốn là cái riêng bẩm sinh, nếu chúng ta thống nhất cho nó làm cái chung thì có lẽ sẽ gây ra mâu thuẫn, xung đột mạnh hơn. Phong vương cho một cái riêng không có nghĩa là nó có thể đảm nhận vai trò của cái chung. Trong thế giới toán học, +1 khác với -1 còn +0 giống -0 nên số 1 là cái riêng, còn số 0 là cái chung. +1 và -1 là hai mặt của cùng một đồng tiền. Không có mặt nào đúng hơn mặt nào. Một đồng tiền chỉ có một mặt thì không xài được. Thường thì bạn dễ coi +1 là tiêu chuẩn bởi dấu cộng nghĩa là được thêm, còn dấu trừ của -1 nghĩa là mất mát. Thực tế, +1 là cái giúp tiến tới còn -1 là cái giúp kìm hãm. Nếu cuộc sống giống như một chuyến hành trình trên một chiếc xe thì +1 là cái bàn đạp ga, còn -1 là cái bàn đạp phanh. Bàn đạp phanh vốn dĩ không phải để làm chiếc xe đi chậm hơn mà thực chất là để giúp chiếc xe đi nhanh hơn. Không phải lúc nào cuộc đời của bạn cũng nằm trên đường cao tốc thẳng tắp để bạn có thể phóng tẹt ga được. Luôn có những khúc cua, ngã rẽ mà bạn phải nhấn phanh để giảm tốc thì mới cua, mới rẽ được thành công. Nếu cứ đạp ga phóng nhanh mà không đạp phanh thì chỉ có tông vào lề đường. Cái phanh còn phát huy tác dụng nếu lúc nào đó bạn cần dừng khẩn cấp để tránh tông phải chướng ngại vật hoặc ai đó đang qua đường. Số 0 đóng vai trò là “tay lái lụa” để điều khiển chiếc xe. Khi nào cần nhấn ga và khi nào cần nhấn phanh đều là do tài xế chiếc xe quyết định. Nếu quyết định này chính xác, phù hợp thì chiếc xe sẽ đi đến đích an toàn, nhanh chóng mà không gặp phải vấn đề gì. Mọi sự kiện trong vũ trụ có thể là +1 với người này nhưng lại là -1 với người kia. Không ai giống ai hoàn toàn. Cái chung tự nhiên, bẩm sinh chính là người tài xế mà tất cả chúng ta cần để dựa vào. Một khi bạn đã xác định được những cái chung tự nhiên này là cái gì rồi thì cứ dựa vào chúng. Điểm tựa đó sẽ tự động giúp bạn tận dụng được mọi sự kiện trong vũ trụ này để làm lợi cho bạn.

3. Trải nghiệm chính là kinh nghiệm: Cuộc sống của mỗi người đều chứa đựng rất nhiều vấn đề. Mỗi vấn đề là một bài toán. Chắc hẳn bạn đã từng học giải phương trình toán học. Bạn phải tìm đúng nghiệm để phương trình có thể cân bằng. Nếu nghiệm bạn xác định là sai thì phương trình không cân bằng. Bản thân các sự kiện xảy ra không phải vấn đề mà vấn đề xuất hiện ở chính khâu xử lý thông tin trong tâm trí. Khi một sự kiện xảy ra, nếu bạn có thể đưa ra ngay lập tức một cách nhìn nhận sao cho thông suốt cũng như biết phải phát sinh hành động thích hợp nào thì bạn chẳng thấy có gì phải sợ cả. Người có kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó chính là người không sợ hãi khi làm việc trong lĩnh vực đó. Nghiệm đúng làm phương trình cân bằng, do đó, một cách hiểu phù hợp sẽ khiến tâm lý bạn cân bằng. Nếu bạn đưa một nhận định mà khiến bạn sợ hãi thì có lẽ nhận định đó vẫn chưa phải là nhận định phù hợp. Có lẽ bạn vẫn chưa thực sự hiểu rõ điều mà bạn đang nói tới. Mỗi trải nghiệm của bạn trong cuộc sống sẽ đưa tới một số bài toán. Bạn có thể gặp 10 bài toán nhưng có thể chỉ biết cách giải có 2 bài. Kết quả của 2 bài toán giải được là kinh nghiệm của bạn. 8 bài toán chưa giải được thì bạn nên coi như những trải nghiệm mà bạn chưa thực sự rút được kinh nghiệm. Khi bạn nghĩ về những trải nghiệm này, bạn vẫn chưa thể thấy thông suốt được mà chỉ có thể nhận định bằng nỗi lo âu, sợ hãi.

4. Trời và đất là những bậc cai trị: Trong mọi nền văn hóa của con người từ trước tới nay, chúng ta luôn thấy đất và trời được miêu tả như những hệ thống chính quyền, những bậc cai trị, trong đó, trời được coi là mạnh hơn đất trong việc cai trị. Dưới đất thì to nhất là diêm vương, trên trời thì to nhất là ngọc hoàng. Cách hiểu này chỉ là sự phóng chiếu từ tư tưởng trong thời đại phong kiến, thời đại vua quan nắm quyền lực cao nhất mà thôi. Nếu bây giờ bạn coi trời và đất là hai nền tảng nuôi dưỡng mọi sinh vật sống trên trái đất thì bạn sẽ thấy một bức tranh khác. Đất và trời là hai người mẹ luôn luôn muốn nâng đỡ và che chở cho mọi sinh vật sống, nhưng hai nền tảng này có tính chất khác nhau. Đất gần gũi với các sinh vật sống hơn nên trực tiếp nâng đỡ cho sự sống. Tuy nhiên, đất rất dễ bị tổn thương, khó tự phục hồi và tái tạo. Nếu nền tảng đất bị bệnh, bị ô nhiễm thì mọi sinh vật sống trên nền tảng đất, bao gồm cả con người, đều sẽ bị bệnh theo. Trời cũng là một nền tảng, một nền tảng bao dung nhưng thật xa vời. Trời đâu chỉ ngang tầm với những đám mây mà trời là cả không gian bao la vô cùng vô tận. Nếu trời là không gian thì trời luôn ở đây với chúng ta. Ở đâu mà chẳng có không gian, nhưng có lẽ yếu điểm của không gian là tính tương tác. Vũ trụ này nếu chia làm hai phần thì chỉ có vật chất và không gian. Biểu diễn bằng toán học, vật chất là thế giới đa phần tử còn không gian là thế giới chỉ có một phần tử duy nhất nhưng lớn tới vô hạn. Thế giới mà chỉ có một phần tử thì an toàn, an bình vô hạn mà chẳng cần một luật lệ nào để điều chỉnh, quản lý. Không gian là tự do. Nền tảng trời là nền tảng của sự thanh thoát và tự do, không thể bị tổn hại. Nếu thế giới đa phần tử của vật chất mà dựa được vào thế giới chỉ có một phần tử của không gian thì sẽ đạt được sự an bình. Giải thích bằng ngôn ngữ số, số 1 có bội số nên số 1 là giá trị của thế giới đa phần tử, số 0 không có bội số nên số 0 là giá trị của thế giới chỉ có một phần tử. Vật chất là nền tảng đất, tương ứng với giá trị 1. Không gian là nền tảng trời, tương ứng với giá trị 0. Số 1 có hai chiều là -1 và +1. +1 là được, còn -1 là mất. -1 nằm phía dưới số 0 còn +1 nằm phía trên số 0. Có thể nói, nếu số 0 làm nền tảng nâng đỡ số 1 thì số 1 là +1, còn khi không có số 0 làm nền tảng thì số 1 là -1. Nếu nền tảng trời chăm sóc cho nền tảng đất thì nền tảng đất có thể phục hồi sức khỏe. Nếu nền tảng trời không chăm sóc cho nền tảng đất thì nền tảng đất sẽ bị hao mòn sức khỏe dần dần. Tuy nhiên, không gian lại có tính tương tác khá thấp. Đây là giới hạn của nền tảng trời. Có thể nói, mọi đau khổ của các sinh vật sống trên trái đất, trong đó có con người, đều là do giới hạn của nền tảng đất và nền tảng trời. Chỉ cần con người có thể bổ sung cho hai nền tảng này, giúp hai nền tảng này vượt qua được giới hạn của mình thì sẽ đảm bảo sức khỏe của trái đất và các sinh vật sống được phục hồi và gìn giữ tốt nhất. Trên là thiên, dưới là địa, ở giữa là nhân. Có lẽ sứ mệnh của con người chúng ta là kết nối giữa nền tảng trời và nền tảng đất để trời và đất có thể tương hỗ cho nhau, tạo nên sự phát triển bền vững.


5. Chúng ta là chủ động: Nếu bạn là động vật có vú, bạn sẽ thấy mình chủ động khi đi trên mặt đất bởi bạn có chân. Nếu bạn là cá, bạn sẽ thấy mình chủ động khi bơi dưới nước bởi bạn có vây. Nếu bạn là chim, bạn sẽ thấy mình chủ động khi cưỡi gió bởi bạn có cánh. Nếu động vật có vú bị rơi vào giữa dòng nước lũ, cảm giác chủ động của động vật có vú sẽ biến mất mà thay vào đó là cảm giác bị động. Cá mà bị quẳng lên cạn thì cũng có cảm giác bị động y như thế. Như vậy, sự chủ động có lẽ không có thật mà chỉ là cảm giác mà chúng ta có được khi dựa vào một nền tảng nào đó phù hợp. Trong thế giới tâm trí, có lẽ mọi người đều cảm thấy có lúc chủ động, có lúc bị động. Chúng ta thấy chủ động hay bị động trong thế giới tâm trí là do độ chắc chắn của ý niệm. Một ý niệm mà bạn tin là tuyệt đối, bạn sẽ cảm thấy chủ động hơn khi suy nghĩ, đánh giá ý niệm đó. Một ý niệm mà bạn cảm thấy chỉ là tương đối thì sẽ khiến bạn cảm thấy bị động hơn. Đánh giá bằng ngôn ngữ toán học, một hệ phương trình mà có nhiều hằng số, ít biến số thì sẽ dễ giải hơn và có xu hướng giải ra kết quả có nghiệm. Một hệ phương trình mà có nhiều biến số, ít hằng số thì nhiều lúc sẽ không có đủ cơ sở để giải hoặc nếu giải ra được thì kết quả cũng có xu hướng là vô nghiệm. Hằng số tương ứng với những ý niệm bạn có thể khẳng định chắc chắn. Biến số tương ứng với những ý niệm mà bạn không thể khẳng định chắc chắn. Nếu số lượng các ý niệm hằng số trong tâm trí bạn nhiều hơn so với số lượng các ý niệm biến số trong tâm trí bạn thì bạn sẽ có cảm giác chủ động hơn khi suy nghĩ, đánh giá. Những sự vật tĩnh như đồ đạc trong nhà, công cụ lao động chắc chắn là hằng số. Khi làm việc với các sự vật tĩnh này, bạn sẽ có cảm giác chủ động hơn, có cảm giác có bước tiến. Những ý niệm về tâm lý con người thì có vẻ là biến số, khiến bạn dễ hoang mang, không chắc chắn. Bởi vậy, khi người với người tương tác, làm việc cùng nhau, sẽ có những lúc có cảm giác mệt mỏi, bị động, bế tắc do không thông suốt được. Ý niệm về các nguyên tắc xã giao trong một tập thể hoặc cộng đồng thì có thể được coi là hằng số và khi bạn nắm bắt được các nguyên tắc xã giao này thì bạn thấy chủ động hơn. Cho dù bạn thấy mình không giống một cỗ máy nhưng có lẽ bạn chính là một cái máy đang hoạt động với những cơ chế vật lý nào đó. Thế giới này, vũ trụ này cũng là một cái máy đang hoạt động với các cơ chế vật lý khác nhau. Tiếp cận theo hướng vật lý học, bạn sẽ thấy mọi sự kiện xảy ra với bạn và với thế giới đều chỉ là những xu thế tự nhiên mà thôi, chứ có lẽ không phải do bàn tay ai chủ động tạo ra cả. Bạn và các thực thể khác dường như chỉ là những đường dẫn hoặc môi trường cho các sự kiện đó xảy ra mà thôi.

6. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy: Câu nói này thường được dùng theo nghĩa phê phán, áp dụng trong những trường hợp thấy ai đó làm một việc xấu. Người xưa sử dụng quan hệ nhân/quả để răn dạy con cháu đời sau rằng một người có thể chủ động tạo nên điều tốt đẹp cho bản thân mình nếu người đó làm việc tốt. Nếu người đó chọn làm việc xấu thì sẽ phải lãnh hậu quả trong tương lai. Yếu tố chưa ổn trong cách hiểu này đó là chỉ nhìn nhận tính chủ động mà không xét đến tính bị động. Không ai trên đời chủ động tuyệt đối được mà luôn tồn tại cái bị động. Khi gieo trồng, một người nông dân thường biết rõ mình đang gieo hạt giống gì và sẽ thu hoạch được sản phẩm nông sản gì, chẳng hạn, trồng lúa thì sẽ cho ra gạo. Nhưng thực tế, kết quả của nhiều hành động do bạn phát sinh ra có thể chẳng giống gì so với bạn đã tưởng tượng trước đó. Một số hành động của bạn thì là do bộc phát nhất thời, không kìm chế được, còn nông dân thì có thể chủ động chọn loại hạt giống để gieo trồng. Cái mà người nông dân lo lắng không phải là loại hạt giống mà họ đã gieo trồng mà là không thu hoạch được sản phẩm nông sản do điều kiện thời tiết bất lợi. Người nông dân có thể mất trắng cả một vụ mùa nếu có hạn hán hay lũ lụt. Thời tiết không phải là yếu tố mà người nông dân có thể chủ động tác động được. Trong cuộc sống, tính thuận lợi, may mắn mới là yếu tố mang lại tính hiệu quả cao nhất. Sự nỗ lực và tư duy dường như vẫn không thể thay thế được yếu tố may mắn. Có những việc bạn nỗ lực rất nhiều mà lại xôi hỏng bỏng không. Có những việc bạn lại tình cờ được hưởng lợi mà chẳng hề do đã nỗ lực hay tính toán gì trước đó. Hên xui chính là cái yếu tố bị động mà quan hệ nhân/quả đã không xét đến. Để bao hàm cả tính chủ động lẫn tính bị động, có lẽ quan hệ thượng nguồn/hạ nguồn sẽ tốt hơn quan hệ nhân/quả. Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại quan hệ này đó là quan hệ thượng nguồn/hạ nguồn nhấn mạnh tính bị động nhiều hơn, còn quan hệ nhân/quả lại nhấn mạnh tính chủ động nhiều hơn. Mọi sự kiện trong vũ trụ đều là những dòng chảy. Một dòng chảy thì có thượng nguồn và hạ nguồn. Trạng thái của thượng nguồn quyết định trạng thái của hạ nguồn. Nếu thượng nguồn bị nhiễm độc thì hạ nguồn cũng bị nhiễm độc. Trong quan hệ nhân/quả, đối tượng phát sinh sự kiện và đối tượng chịu hậu quả là một. Trong quan hệ thượng nguồn/hạ nguồn, đối tượng phát sinh sự kiện khác với đối tượng hứng chịu hậu quả. Tất cả chúng ta luôn là thượng nguồn của một số sự kiện nào đó và là hạ nguồn của một số sự kiện khác. Trong số các sự kiện mà chúng ta là hạ nguồn, sẽ có những sự kiện có thượng nguồn tích cực và có những sự kiện có thượng nguồn tiêu cực. Nếu số lượng thượng nguồn tiêu cực nhiều hơn thì cuộc sống của bạn sẽ gặp nhiều bất lợi, xui xẻo. Điều mà bạn có thể chủ động làm đó là hãy tránh xa những dòng chảy sự kiện tiêu cực, nếu có thể, và dâng hiến bản thân cho những thượng nguồn sự kiện tích cực. Chẳng hạn, một người có thể lựa chọn trở thành tín đồ của một tôn giáo khác mà họ cảm thấy phù hợp với họ hơn so với tôn giáo hiện tại của họ. Bạn hãy nỗ lực tìm kiếm và suy ngẫm kỹ lưỡng về những điều hay những nơi mà bạn muốn dâng hiến bản thân. Điều đó sẽ mang lại thuận lợi cho bạn để át đi những điều tiêu cực do các thượng nguồn sự kiện tiêu cực gây ra.

7. Nguyên nhân giống với ý nghĩa: Trong cuộc sống, không ai là không trải qua một số chuyện không vui, thậm chí không muốn nhớ lại. Tuy nhiên, đó là ký ức của bạn và đôi khi bạn vẫn có thể tình cờ nhớ lại nó. Có một cách hay để những ký ức buồn không còn là một vết thương lòng đó là hãy tìm kiếm cho những ký ức đó một ý nghĩa. Ý nghĩa là điều tích cực xuất hiện trong tâm trí của riêng bạn. Bạn có thể coi những trải nghiệm tiêu cực là một bài học để bạn sống tốt hơn trong tương lai. Bạn cũng có thể xác định những ích lợi, thuận lợi mà bạn có được từ những trải nghiệm đó. Bằng cách xác định ý nghĩa cho một điều tiêu cực, bạn đã làm cho điều đó trở thành tích cực trong tâm trí bạn. Nhưng khi bạn biến ý nghĩa tích cực này thành nguyên nhân thì đó lại là chuyện khác. Ví dụ, nếu bạn hay bị la mắng vô lý, bạn sẽ cảm thấy bối rối và tổn thương. Để hết tổn thương, bạn coi đây là động lực để bạn tìm hiểu về tâm lý học. Khi hiểu được rằng sự la mắng của người khác với bạn có thể chẳng liên quan gì đến bạn, bạn sẽ thấy bớt tổn thương. Tuy nhiên, nếu bạn coi ý nghĩa mà bạn xác định này là nguyên nhân để bạn la mắng người khác thì bạn sẽ có thể gây ra điều tồi tệ. Có thể bạn nghĩ người ta cũng giống bạn, nhờ bị mắng mà đúc rút được điều gì đó. Nhưng người bị bạn la mắng có thể vì quá ức chế mà trở thành người xấu. Theo nguyên tắc “Tái ông mất ngựa”, bất cứ điều tiêu cực gì cũng tồn tại một khía cạnh tích cực tiềm ẩn nào đó. Khía cạnh tiêu cực là phần trội, còn khía cạnh tích cực là phần lặn. Cái trội sẽ được biểu hiện ra kiểu hình và sẽ thường quyết định hành động. Cái lặn không quyết định được hành động. Nếu bạn không may gặp phải một điều tiêu cực, hãy hướng đến tìm ra khía cạnh tích cực của điều đó, đưa nó lên làm phần trội. Khía cạnh tích cực đó chính là ý nghĩa. Ý nghĩa sẽ luôn là tích cực và mang tính chủ động. Còn nguyên nhân của một điều tiêu cực sẽ chỉ là một điều tiêu cực khác. Đôi khi, bạn sẽ không giải quyết được nguyên nhân đó, kể cả có tìm ra nó đi chăng nữa. Do đó, để cuộc sống là tích cực và chủ động, bạn nên đầu tư thời gian vào xác định ý nghĩa thay vì nguyên nhân. Có điều, bạn nên thận trọng khi biến ý nghĩa trở thành tiền đề để phát sinh một hành động tiêu cực. Khi ý nghĩa bị biến thành nguyên nhân, nó sẽ trở nên tiêu cực. Những điều tiêu cực xảy ra theo hiệu ứng domino. Nguyên nhân của một điều tiêu cực sẽ không thể là tích cực. Mấy câu thơ sau sẽ lột tả được sự khác biệt giữa nguyên nhân và ý nghĩa:

Nguyên bị động lắm ai ơi

Chẳng rõ do đâu đến đẩy mình

Tìm hoài không thấy kẻ khởi xướng

Ai gặp cũng bảo là nạn nhân.

Quảng cáo


Ý nghĩa do ta thật đơn giản

Chủ động đề ra để ........

Ý nghĩa vốn thường không ra trước

Trẻ sinh ra đã mới thành ai.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019