Bob Marley – Ngọn cờ đi đầu cho phong trào tự do và chống phân biệt chủng tộc

AudioPsycho
19/5/2020 2:55Phản hồi: 1
Bob Marley – Ngọn cờ đi đầu cho phong trào tự do và chống phân biệt chủng tộc
Bob Marley và tín ngưỡng Rastafari chính là lá cờ tiên phong của phong trào tự do, chống phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới. Giống như hầu hết những người Jamaica trong những năm ’50 ~ ’60, Bob Marley cũng theo đạo Thiên Chúa, hát những bài thánh ca và sáng tác những ca khúc gospel với The Wailers để tôn sùng Chúa Trời. Điều này khiến chúng ta cảm thấy thực sự bất ngờ khi ông quyết định đi theo một tín ngưỡng mới, tuy được người nghe thế giới đón nhận nhưng lại bị chính quê hương Jamaica xem như tội đồ. Những tác phẩm như Exodus, Rastaman Chant hay War được Bob Marley thể hiện tuyệt vời để đưa thông điệp Rastafari mở rộng toàn cầu, và ngược lại chính Rastafari cũng là nền móng cho âm nhạc của ông đến với thính giả yêu nhạc.

Sự mở đầu của Rastafari


Những ca khúc của Bob Marley luôn mang thông điệp có tính truyền đạt cộng đồng. Single đầu tiên Judge Not (1962) hay sau đó là Simmer Down (1964) chính là những ví dụ dễ thấy nhất, được truyền tải với thông điệp ôn hòa và đầy thuyết phục. Rude BoyGood Good Rudie lôi kéo sự chú ý đến hiện tượng hooligan Jamaica của những năm ’60, cũng như các nhạc phẩm gospel (Straight And Narrow Way, Let The Lord Be Seen In You...) cũng thể hiện rõ nét xu hướng tín ngưỡng của Bob Marley.



Bước ngoặt to lớn nhất xảy ra vào năm 1966 khi Hoàng đế Haile Selassie của Ethiopia đến Jamaica. Cộng đồng Rastafari ở Jamaica xem Hoàng đế Haile Selassie như một vị thánh sống, người một ngày nào đó sẽ dẫn dắt và cứu rỗi cho người châu Phi. Cái tên Rastafari được ghép từ Ras (nghĩa là Chúa) và Tafari (tên gia tộc của Selassie). Hoàng đế Haile Selassie đáp máy bay xuống Kingston và được đón tiếp bởi triết gia Mortimer Planno, cũng là một thành viên Rastafari được nể trọng. Ngoài ra còn có hơn 100.000 giáo dân Rastafari đến chào mừng Hoàng đế Haile Selassie.


Người Jamaica đi theo tín ngưỡng Rastafari vì những suy nghĩ mới mẻ của nó, trong đó có sự bác bỏ các tàn dư của một xã hội nô lệ và những giá trị xưa cũ lỗi thời, thay vào đó là tầm nhìn tân tiến hơn. Rastafari cũng trích dẫn theo Kinh Cựu Ước để có nét tương đồng với đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên đối với cộng đồng chủ đạo ở Jamaica thì Rastafari chỉ là “một bọn con nghiện tóc dài, bẩn thỉu và lười biếng”.



Sự phát triển từng ngày của Rastafari trái lại đã khiến cộng đồng Jamaica phải chú ý đến nó dù muốn hay không. Carolina (The Folks Brothers) trở thành một bản hit lớn ở Jamaica, làm tiền đề cho đường phố đầy những kiểu tóc bện (dreadlocks) nô nức đi đón vị Hoàng đế và thánh sống Haile Selassie. Bob Marley lúc đó đang làm việc ở Delaware (Mỹ) những cũng không quên viết thư dặn vợ mình là bà Rita đi xem Hoàng đế Haile Selassie để chiêm ngưỡng vẻ thần thánh toát ra từ vị thánh này.

Tự do tín ngưỡng Rastafari


Khi Bob Marley trở về Jamaica, Rita đã hoàn toàn cải đạo sang Rastafari và bà chính là người đã thuyết phục ông theo tín ngưỡng mới. Bob Marley theo học đạo từ Mortimer Planno và sau đó cùng ban nhạc The Wailers sáng lập nên nhãn thu Wail ’N Soul ’M. Hai thành viên Bunny Wailer và Peter Tosh cũng cải đạo sang Rastafari, cho ra đời những ca khúc sùng đạo như Rasta Shook Them Up hay I Stand Predominate thể hiện tinh thần cháy bỏng của tín ngưỡng này. Một số single khác như Bus Dem Shut (Pyaka), Selassie Is The Chapel hay Freedom Time cũng có nhắc đến chế độ nô lệ, sau đó được biên soạn lại lời nhạc để đưa vào Crazy Baldhead trong album Rastaman Vibration (1976).

Wail ’N Soul ’M tuy vậy không đạt được nhiều thành công do không có được sự ủng hộ từ thính giả Jamaica, những người chưa sẵn sàng để đón nhận Rastafari. Bob Marley lúc đó phải vô cùng vất vả để tìm kiếm nhà sản xuất âm nhạc và nhãn thu có cùng lý tưởng với mình, và người đó cuối cùng đã xuất hiện: Lee Perry. Sau khi phát hành hai album, The Wailers chính thức đặt được nền móng cho các thành công trong tương lai.



Bob Marley kết hợp tuyệt vời xu hướng âm nhạc mới cùng chất soul sẵn có trong giai đoạn ông hoạt động nghệ thuật ở Mỹ. Những ca khúc như Corner StoneSmall Axe có ảnh hưởng sâu sắc từ thuyết Rastafari, khuyến khích những người bị xã hội ruồng bỏ phải đứng lên vì bản thân mình, hay Kaya chào đón thuốc phiện như một sự ủng hộ tinh thần cần thiết. 400 Years thì nói về các ảnh hưởng sâu xa vẫn còn bên trong tâm trí của đại bộ phận người da đen.

Quảng cáo



Vào khoảng cuối năm 1971, The Wailers lập nhãn thu thứ hai mang tên Tuff Gong để tiếp tục theo đuổi sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật và cả tài chính. Các ca khúc như Redder Than Red hay Satisfy My Soul Jah Jah vẫn đi theo thiên hướng Rasta, ngay cả khi nhóm ký hợp đồng cùng Island Records để mở rộng danh tiếng hơn nữa thì The Wailers vẫn không hề quên đi sứ mệnh của mình. Concrete Jungle, Midnight Ravers... tiếp tục truyền tải những thông điệp của Sách Khải Huyền, ngoài ra cũng không thể không nhắc đến album đầu tiên được đặt tên Catch A Fire (1973) ám chỉ sự thiêu cháy trong địa ngục.

Lời kêu gọi hợp nhất

Các album Burnin’Rastaman Chant tiếp tục nhắc đến chế độ nô lệ và mang âm nhạc Rastafari trải rộng trên phạm vi toàn thế giới. Peter Tosh và Bunny Wailer sau đó rời nhóm nhưng Bob Marley vẫn tiếp tục với sự hỗ trợ từ The I-Threes. Natty Dread (1974) nói về sự tồn tại của cộng đồng tín ngưỡng Rastafari ở Jamaica dù bị xã hội khinh rẻ và bỏ rơi. Corner StoneSo Jah Seh cũng truyền tải thông điệp tương tự, cho thấy sự quyết tâm của người theo đạo Rastafari ngay cả khi lạc lõng trong chính cộng đồng đất nước mình.



Rastaman Vibration (1976) còn đi một bước xa hơn với single War nhắc đến bài thuyết giáo của Đức ngài Haile Selassie ở UN năm 1963. Crazy Baldheads thì cười nhạo những kẻ sống theo khuôn phép cứng nhắc với hình ảnh baldhead ám chỉ cảnh sát, chính trị gia, những tên chủ nô và những kẻ không để tóc bện. Bob cũng tưởng nhớ Hoàng đế Haile Selassie băng hà vào ngày 27/8/1975 với ca khúc Jah Live mang thông điệp cuộc sống trường tồn vì tín ngưỡng Rasta không tin vào cái chết.

Quảng cáo



Exodus (1977) được thu âm tại London sau khi Bob chuyển đến đây do suýt bị ám sát ở Jamaica. Biến chuyển này khiến ông mở rộng tầm nhìn của mình hơn và càng đấu tranh cho tín ngưỡng Rastafari hơn nữa, điển hình với các ca khúc như GuiltinessThe Heathen. Ca khúc One Love/People Get Ready của The Wailers vào giữa những năm ’60 cũng được hồi sinh lại một cách mạnh mẽ và đanh thép hơn trước.

Chiến đấu cho phong trào tự do

Phong trào tự do luôn phải được đấu tranh trên mọi mặt trận và Bob Marley hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Album Survival (1978) với ca khúc Babylon SystemWake Up And Live chính là những lời cảnh tỉnh tha thiết nhất cho kẻ u mê. Zion Train trong album Uprising (1980) cũng mang thông điệp tương tự, và Forever Loving Jah càng nhấn mạnh hơn nữa sự trung thành với Chúa (Jah). Redemption Song là lời răn đau đáu cuối cùng của Bob Marley trước khi ông qua đời vào tháng 5/1981 vì bệnh ung thư, nhưng chắc chắn đối với ông đây không phải là kết thúc vì người theo đạo Rasta không hề tin vào cái chết.



Album Confrontation (1983) được phát hành sau khi Bob Marley qua đời sở hữu các ca khúc được người nghe rất yêu thích như Buffalo Soldier, Blackman RedemptionJump Nyabinghi đều nhấn mạnh đức tin Rastafari của ông. Có thể nói Bob Marley đã truyền đạo bằng chính âm nhạc của mình, mang đến cho thế giới và cả cộng đồng Jamaica cái nhìn rõ ràng hơn về tín ngưỡng Rastafari. Nhiều thế hệ người nghe đã và sẽ mãi say mê với các giai điệu của Bob Marley. Sự nghiệp âm nhạc của ông sẽ mãi trường tồn như đức chúa của đạo Rastafari vậy.

Nguồn udiscovermusic
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ChillaGuy
TÍCH CỰC
4 năm
Boom draw - Julian Marley

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019