Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Lịch thiên văn tháng 10]

5/10/2020 3:40Phản hồi: 0
[Lịch thiên văn tháng 10]
Đây là một trong những tháng có rất nhiều sự kiện đang mong chờ dành cho các bạn
Sau tháng 9 im ắng, trong tháng 10 này người yêu thiên văn sẽ chiêm ngưỡng hai trận mưa sao băng cỡ nhỏ Draconids và Orionids. Đến giữa tháng, hành tinh Đỏ sẽ tỏa sáng lộng lẫy trên bầu trời khi đạt đến vị trí xung đối.

(*) Thời gian trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam

Ngày 1 tháng 10 – Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía Tây
Nằm ở vị trí ly giác cực đại phía Tây, Sao Thủy sẽ cách Mặt Trời 25,8 độ. Đây cũng chính là thời điểm quan sát sao Thủy tốt nhất bởi nó sẽ nằm ở điểm cao nhất trên đường chân trời vào buổi sáng. Vì thế, đừng quên dõi mắt về hướng Đông trước lúc bình minh để tìm kiếm hành tinh này.

Ngày 2 tháng 10 – Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, mặt hướng về phía Trái Đất của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ. Pha này diễn ra vào lúc 04:06.

Rơi vào đúng thời điểm lá đang rụng và các loài thú đã đạt được kích thước phù hợp cho mùa săn bắn, nên đợt trăng trọn này được các bộ lạc bản địa Châu Mỹ xưa kia gọi là Trăng Thợ Săn (Full Hunters Moon). Ngoài ra thì lần trăng tròn này còn có tên gọi Trăng Du hành (Travel Moon) hay Trăng Máu (Blood Moon). Người ta cũng gọi nó là Trăng Thu hoạch (Harvest Moon) – kỳ trăng tròn gần Thu Phân nhất trong năm.

Ngày 7 tháng 10 – Mưa sao băng Draconids
Draconids là một mưa sao băng nhỏ, với chỉ khoảng 10 vệt sao băng mỗi giờ. Người ta cho rằng trận mưa này là hệ quả của các hạt bụi còn sót lại từ một sao chổi có tên 21P Giacobini-Zinner, được phát hiện năm 1900.

Draconids là trận mưa sao băng khác thường vì thời điểm quan sát tốt nhất là chiều tối thay vì rạng sáng như những trận mưa sao băng khác. Mưa sao băng này sẽ diễn ra vào khoảng 06/10 -10/10 hàng năm và đạt cực đại vào đêm 07/10 năm nay.

Đầu buổi tối, khi trăng khuyết cuối tháng chưa lên ,sẽ là thời điểm quan sát lý tưởng. Quan sát tốt nhất lúc chiều tối từ một nơi cách xa ánh đèn đô thị. Những vệt sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Draco (Thiên Long), nhưng vẫn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Mưa sao băng Draconids. Tác giả: Pere Soler
Ngày 13 tháng 10 – Sao Hỏa ở vị trí xung đối
Hành tinh Đỏ sẽ tiến đến gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng tối đa. Sao Hỏa sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm và có thể thấy suốt cả đêm dài. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Hỏa. Chỉ cần một chiếc kính thiên văn cỡ trung bình là bạn có thể tự mình nhìn thấy những đường nét sẫm màu nằm trên bề mặt màu cam của hành tinh này.

Quảng cáo


Ngày 17 tháng 10 – Trăng mới
Nhìn từ Trái Đất, chúng ta sẽ không thể thấy được Mặt Trăng bởi nó sẽ nằm cùng phía Mặt Trời. Pha này diễn ra vào 02:32. Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát những thiên thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao vì không có ánh trăng tác động.

Ngày 21, 22 tháng 10 – Mưa sao băng Orionids
Orionids là một mưa sao băng cỡ trung bình với khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ ở thời điểm cực đại. Người ta cho rằng trận mưa này là hệ quả của các hạt bụi còn sót lại từ một sao chổi đã được biết đến từ thời cổ đại: sao chổi Halley. Hàng năm, trận mưa sao băng này sẽ diễn ra từ ngày 02/10 đến 07/11.

Đêm ngày 21, rạng sáng 22 năm nay là thời điểm trận mưa sao băng đạt cực đại. Trăng lưỡi liềm lặn trước lúc nửa đêm sẽ để lại bầu trời tối, rất hoàn hảo cho việc quan sát. Quan sát tốt nhất từ một địa điểm tối từ sau nửa đêm. Những vệt sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Orion (Lạp Hộ), nhưng trên thực tế có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Mưa sao băng Orionids trên bầu trời Nội Mông, Trung Quốc. Tác giả: Yin Hao
Ngày 31 tháng 10 – Trăng tròn, Trăng Xanh
Mặt Trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, mặt hướng về phía Trái Đất của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ. Pha này diễn ra vào lúc 21:51.

Quảng cáo


Đây là lần trăng tròn thứ hai trong tháng cùng một tháng và thường được gọi là “trăng xanh”. Trăng xanh chỉ là tên gọi cho một kỳ trăng tròn đặc biệt, không phải chỉ sự thay đổi màu sắc của Mặt Trăng.

Ngày 31 tháng 10 – Sao Thiên Vương ở vị trí xung đối
Hành tinh xanh này sẽ ở gần Trái đất nhất và bề mặt của nó sẽ được Mặt trời chiếu sáng tối đa. Hành tinh này sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và sẽ được nhìn thấy trong suốt đêm dài.

Đây chính là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Thiên Vương. Do khoảng cách xa xôi, nó sẽ trông chỉ như một chấm nhỏ màu xanh kể cả khi quan sát bằng các kính thiên văn mạnh nhất.
Theo Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS)
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019