Bỏ phụ kiện thì giảm chi phí, nhưng liệu có bảo vệ môi trường?

Phi-Nhan
20/10/2020 10:12Phản hồi: 0
Bỏ phụ kiện thì giảm chi phí, nhưng liệu có bảo vệ môi trường?
View attachment Thread Pix.jpg
Quyết định loại bỏ bộ sạc và tai nghe trong hộp iPhone 12 mới của Apple rõ ràng là tốt về mặt lợi nhuận, nhưng liệu nó sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực nào đến hành tinh xanh thì còn nhiều tranh cãi. Một điều ai cũng thấy ngay là Apple có thể tiết kiệm chi phí như chính hãng cũng thừa nhận trong buổi ra mắt iPhone 12. Tuy nhiên, tác động của việc này đối với môi trường hoàn toàn có thể trở nên “lợi bất cập hại” trong trường hợp người dùng nô nức mua thêm tai nghe và bộ sạc mới.

Apple chính thức đưa ra thông báo về việc loại bỏ hai phụ kiện nói trên trong sự kiện ngày 13 tháng 10 – dù tin đồn thì đã xuất hiện từ lâu trước đó. Khác với các thế hệ tiền nhiệm của mình, bộ tứ sản phẩm iPhone 12 sẽ chỉ còn được bán kèm một phụ kiện là cáp USB-C-Lightning (và thậm chí các iPhone khác Apple còn đang bày bán – iPhone SE 2020, iPhone XR, iPhone 11 - cũng sẽ chịu chung số phận). Tập đoàn công nghệ này lý giải rằng bằng cách bỏ đi bộ sạc và tai nghe, hãng sẽ giúp giảm bớt tác động của việc khai thác tài nguyên, đóng gói, và khí thải CO2 vào môi trường. Apple cũng cho biết họ nhận được sự khen ngợi từ các nhóm bảo vệ môi trường nhờ vào nỗ lựa cắt giảm rác thải điện tử, một vấn đề đang ngày càng trầm trọng mà thẳng thắn mà nói thì chính Apple cũng chịu một phần trách nhiệm do dòng sản phẩm nào được hãng tung ra cũng đều được người dùng chào đón nồng nhiệt. Thông báo cắt giảm phụ kiện của Apple lần này là động thái mới nhất mà Apple công bố thực hiện để trở thành một công ty thân thiện hơn với môi trường và theo đuổi cam kết cắt giảm khí thải nhà kính mà họ đưa ra hồi tháng 7 năm nay.

Angelo Zino, chuyên viên phân tích ngành của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA Research cho biết: “Apple nói và quảng bá điều này (cắt giảm phụ kiện - ND) như một nguyên tắc thân thiện với môi trường của hãng. Nhưng động thái giảm thiểu rác thải ra môi trường của Apple cũng là một nước đi tài chính khôn ngoan. Xét cho cùng thì còn nhiều vấn đề khác có liên quan đến việc cắt giảm phụ kiện."

Các nhà phân tích công nghệ nói với The Verge rằng việc chuyển đổi sang 5G là một lý do quan trọng giải thích vì sao Apple có thể đang tìm cách tiết kiệm chi phí bằng cách trang bị ít phụ kiện hơn cho chiếc điện thoại đầu bảng của mình. Lần đầu tiên, toàn bộ dòng điện thoại mới của Apple sẽ hỗ trợ 5G. Điều đó khiến việc sản xuất iPhone 12 trở nên tốn kém hơn so với iPhone 11 vì các linh kiện 5G vốn dĩ phức tạp và đắt đỏ hơn. Zino ước tính rằng chỉ riêng các thành phần tần số vô tuyến trong iPhone 12 mới đã đắt hơn từ 30 đến 35% so với những chiếc iPhone trước đó. Ông nói: “Apple sẽ tìm cách cắt giảm chi phí ở các bộ phận khác của chiếc điện thoại.”

Quyết định không bán kèm cục sạc và AirPods với điện thoại mới chính là một cách để Apple tiết kiệm chi phí sản xuất. Gene Munster, đối tác quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures, cho biết điều đó chỉ có thể làm tăng tổng lợi nhuận trên mỗi điện thoại của công ty lên hơn 1%. Nhưng nó vẫn đáng để tiết kiệm. “Tôi cho rằng điều này là một động thái giúp Apple duy trì tỷ lệ lợi nhuận hiện tại của iPhone,” Munster nói.

Khi một doanh nghiệp có thể áp dụng quy trình sản xuất mang lại lợi ích cho chính họ và hành tinh xanh thì đó sẽ là một lựa chọn đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, dường như Apple đang giả định rằng những người mua iPhone mới đã có sẵn tai nghe và bộ sạc cũ để sử dụng.

Nếu mọi người quyết định mua AirPods bởi vì họ chưa có tai nghe, đó sẽ là kịch bản lý tưởng cho cổ đông của Apple nhưng rất tiếc không phải cho Trái Đất. Giả sử doanh số iPhone năm nay gần bằng năm 2018 - khoảng 217 triệu chiếc - và chỉ 5% người dùng trong số đó quyết định tậu thêm AirPods, Táo khuyết dễ dàng kiếm thêm 700 triệu USD lợi nhuận gộp theo ước toán của Munster.

Vấn đề ai cũng biết là việc mua riêng bộ sạc hoặc tai nghe đồng nghĩa với việc có thêm nhiều rác thải từ hộp đựng cũng như khí thải từ vận chuyển, hậu cần. Những hoạt động đó sẽ làm tăng lượng khí thải carbon cho chính Apple và/hoặc những thương hiệu khác nếu người tiêu dùng quyết định mua phụ kiện riêng không phải của Apple. Hay nói cách khác, tổng lượng khí thải có thể sẽ vẫn không giảm; thay vào đó nó chỉ phân tán từ Apple sang các công ty khác nhau. Avi Greengart, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích hàng đầu tại công ty tư vấn Techsponential, cho biết: “Đây sẽ là một món hời to, ít nhất là trong ngắn hạn, dành cho các nhà sản xuất phụ kiện đang bán bộ sạc USB-C.”

Đó là do cáp đi kèm với iPhone 12 không tương thích với các bộ sạc trong nhiều thế hệ iPhone trước đây. Người dùng nào chưa có bộ sạc tương thích sẽ cần mua bộ sạc USB-C hoặc sạc không dây cho chiếc điện thoại mới của mình.

Ngoài ra, còn một lý do nữa có thể khiến việc loại bỏ phụ kiện không nhất thiết đồng nghĩa với việc cắt giảm khí nhà kính như Apple dự đoán. IPhone 12 mới được vận chuyển trong các hộp chứa nhỏ hơn. Điều đó cho phép thêm hãng có thể vận chuyển nhiều hơn khoảng 70% số hộp trên cùng một pallet. Theo Apple, nhiều hộp hơn trên mỗi pallet sẽ dẫn đến ít chuyến giao hàng hơn và nhờ vậy, ít ô nhiễm từ khí thải giao thông hơn. Tuy nhiên, Sara Behdad, phó giáo sư khoa học kỹ thuật môi trường tại Đại học Florida, cho rằng đời thực có thể không diễn ra như cách mà Apple công bố.

Số lượng iPhone vận chuyển trên pallet được căn cứ trên đơn hàng thực tế, thay vì chỉ để tìm cách chở càng nhiều iPhone trên pallet càng tốt. Behdad nói: “Việc vận chuyển (iPhone) đến cửa hàng dựa trên nhu cầu của họ. Hay nói cách khác, các pallet có được lấp đầy hay không trong quá trình vận chuyển tùy thuộc vào ước tính doanh số cũng như diện tích kho chứa của mỗi cửa hàng. Vì vậy, bao bì iPhone nhỏ hơn không nhất thiết dẫn đến giảm đáng kể lượng khí thải trong quá trình vận chuyển.
Một phát kiến về bền vững có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ rất nhiều yếu tố khác nhau. “Chúng ta gần như không thể định lượng chính xác tiêu chí bền vững của một sản phẩm nào đó,” Behdad nói.
Và do đó người ta có quyền hoài nghi về các tuyên bố của Apple - đặc biệt là khi nói đến những thay đổi dần dần nhằm giải quyết các vấn đề mang tính vĩ mô như biến đổi khí hậu hay chất thải điện tử. “Việc bán iPhone 12 mới bao gồm/không bao gồm tai nghe/airpods và cục sạc khiến chúng ta xao lãng khỏi câu hỏi lớn hơn: tại sao Apple và các công ty điện tử khác không chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc tái sử dụng và tái chế các sản phẩm của họ mà phần lớn vẫn còn bị vất đi (không tái chế được) ở Mỹ và trên toàn cầu,” Scott Cassel, Giám đốc điều hành của Viện Quản lý Sản phẩm phi lợi nhuận, cho biết trong một email gửi cho The Verge.

Quảng cáo


Doanh nghiệp sẽ mang lại những tác động lớn hơn nếu họ làm cho các sản phẩm của mình dễ dàng tân trang lại hơn để chúng không trở nên “lỗi thời và cũ nát chỉ sau vài năm”, Cassel viết. Ví dụ AirPods của Apple có vòng đời sử dụng ngắn hơn nhiều so với tai nghe truyền thống vì sản phẩm này rất khó thay pin lithium-ion bên trong.

Việc loại bỏ phụ kiện là một trong những bước đi nhỏ mà Apple đã và đang thực hiện trong nỗ lực bảo vệ môi trường của mình. Vào tháng 7, hãng cam kết sẽ không còn phát thải carbon vào năm 2030 và ra mắt một robot mới có tên “Dave” để tháo rời iPhone cũ và thu hồi các vật liệu có thể sử dụng lại.

Zino nói với The Verge: “Dựa trên những gì đã xảy ra, tôi cho rằng Apple đã thực sự đi đầu trong việc nói về biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của công ty đối với ngành công nghiệp và hành vi của người tiêu dùng đã đặt Apple vào một vị trí với rất nhiều trách nhiệm. "Và vì vậy, họ vẫn còn nhiều điều cần làm thêm nữa."

(Theo The Verge)
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019