#TinhteLookBack: Tổng hợp các sự kiện thiên văn ấn tượng năm 2020

4/12/2020 4:19Phản hồi: 11
#TinhteLookBack: Tổng hợp các sự kiện thiên văn ấn tượng năm 2020
Chi phí đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và chinh phục vũ trụ tăng mạnh trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, kéo theo đó là hàng loạt sự kiện thiên văn thú vị đã xảy ra trong năm nay. Cùng mình điểm qua những sự kiện thiên văn ấn tượng trong năm 2020 này nhé.

Phóng tàu thăm dò Solar Orbiter - Vật thể nhân tạo bay gần Mặt Trời nhất của nền văn minh nhân loại


Tàu thăm dò Solar Orbiter được phóng lên từ căn cứ không quân Cape Canaveral vào ngày 10/02 năm nay. Với trọng lượng gần 2000kg, tàu đã cần tới sự trợ giúp của tên lửa đẩy Atlas V 411 và một khi đã vào được quỹ đạo của Mặt Trời cuối năm 2021, đây sẽ là vật thể thiên văn nhân tạo bay gần Mặt Trời nhất của con người.

solarorbiter.jpg

Solar Orbiter là kết quả của sự hợp tác và nghiên cứu giữa NASA và ESA để nghiên cứu về ngôi sao chủ của Thái Dương Hệ. Vào thời điểm bay gần cực đại, tàu thăm dò này chỉ còn cách Mặt Trời 0.3 đơn vị thiên văn, tương đương 45 triệu km. Mỗi tín hiệu gửi từ tàu về sẽ tốn khoảng 16.5 phút để đi tới Trái Đất và ngược lại. Theo kế hoạch, nhiệm vụ của tàu sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 11/2021 và tới tháng 12/2026, tàu sẽ được sử dụng cho cho những nhiệm vụ mở rộng khác.

Solar_Orbiter_journey_around_the_Sun_pillars.jpg

Kính viễn vọng Hubble hoạt động được 30 năm - Tròn 50 năm kể từ ngày tàu Apollo 13 gặp sự cố nổi tiếng


Thấm thoát đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 24/4/1990, Kính viễn vọng Hubble vẫn hoạt động bền bỉ, liên tục và góp công rất lớn vào việc giúp con người quan sát các thiên thể, ngôi sao hay các thiên hà xa xôi. Hồi tháng 4 vừa rồi NASA cũng đã tổ chức một sự kiện kỉ niệm sinh nhật Hubble bằng cách cho người ta biết kính thiên văn Hubble đã quan sát thấy gì trong vũ trụ vào ngày sinh nhật của họ. Hiện tại thì NASA đang lên kế hoạch thay thế Hubble bằng kính viễn vọng James Webb. Kính viễn vọng mới này có trọng lượng nhỏ hơn đáng kể nhưng gương quan sát sẽ to hơn gấp 3 lần, cùng với đó độ nhạy và độ phân giải cũng cao hơn. Dự kiến James Webb sẽ bắt đầu sứ mệnh của mình vào Q1/2021

hubble.jpg

Cũng trong tháng 4 đó là kỉ niệm 50 năm ngày Apollo 13 gặp sự cố, đánh dấu một trong những sự kiện vũ trụ đáng nhớ nhất trong lịch sử loài người. Sau hơn 48 giờ hoạt động bình thường kể từ lúc phóng, Apollo 13 bỗng bị nổ một bình oxy và làm nhiều module máy móc bị hư hại. NASA buộc phải kết thúc nhiệm vụ và tìm cách đưa 3 phi hành gia trở lại Trái Đất an toàn. Bằng sự thông minh của mình, các phi hành gia đã tận dụng bộ đẩy của khoang đáp và lợi dụng trọng lực của Mặt Trăng để trở về Trái Đất an toàn vào ngày 17/4, sau 88 giờ lưu lạc ngoài vũ trụ.



apollo13crew.jpg

Phát hiện ra siêu tân tinh lớn nhất từng được biết đến trong vũ trụ


Vụ nổ của của ngôi sao SN2016aps được xem là siêu tân tinh lớn nhất mà con người từng biết đến. Vụ nổ sao này lớn và sáng hơn bất kì vụ nổ nào mà chúng ta từng biết. Cho anh em chưa biết, siêu tân tinh là một vụ nổ cực lớn của một ngôi sao trong giai đoạn cuối cùng của nó. Phân tích các số liệu, các nhà khoa học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn cho biết vụ nổ của Sn2016aps diễn ra cách Trái Đất 4.5 tỷ năm ánh sáng và lớn hơn trung bình các vụ nổ tới 200 lần.

Quảng cáo


sn2016aps.jpg

Người ta ước tính ngôi sao bị nổ có khối lượng gấp hơn 100 lần Mặt Trời và mức năng lượng mà nó giải phóng ra lớn gấp 10 lần năng lượng phát ra từ Mặt Trời từ trước tới giờ. Không chỉ lớn và sáng, đây cũng là siêu tân tinh tồn tại lâu nhất khi mà thông thường, một siêu tân tinh chỉ tồn tại trong vòng vài tháng còn SN2016aps được phát hiện lần đầu từ năm 2016 cơ, tuy nhiên tới nay thì người ta mới đầy đủ cơ sở để kết luận về nguồn gốc của siêu tân tinh này. Điều này rất có ý nghĩa với các nhà thiên văn vì nó giúp họ có thể nghiên cứu được những ngôi sao siêu to đã tồn tại từ thưở sơ khai của vũ trụ.

Quan sát Nhật Thực tại Việt Nam ngày 21/6 vì 11 năm sau chúng ta mới có thể quan sát lại được


Nhật Thực xảy ra vào ngày 21/6 năm nay là Nhật Thực một phần, có nghĩa là Mặt Trăng không che hoàn toàn Mặt Trời. Tuy nhiên đợt Nhật Thực này vẫn có một mức độ che phủ lớn với tối đa 79% và có thể quan sát bằng mắt thường. Đây được xem là sự kiện đáng mong chờ nhất trong quan sát thiên văn năm nay vì phải tận 11 năm sau chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng lại hiện tượng Nhật Thực một phần với độ che phủ cao như thế này.

nhatthuc.jpg
Hình của bạn @huyenblade . Lưu ý không phải đêm đâu mà Nhật Thực là nó tối lại vậy đó anh em

Sau ngày 21/6, lần gần nhất có Nhật Thực sẽ là vào năm 2023, tuy nhiên Việt Nam lại không quan được vì độ che phủ chỉ đạt có 5%, tương tự năm 2027 và 2028 cũng sẽ có sự kiện này nhưng độ che phủ tối đa cũng chỉ là 30% mà thôi.

Quảng cáo


Liên tục phát hiện "anh em" của Trái Đất


Trong năm nay cũng đã rất nhiều lần các nhà khoa học vũ trụ tìm ra những người anh em song sinh với Trái Đất, cả về hình dáng, cấu trúc và kích thước. Hồi tháng 6 năm nay, một nhóm nghiên cứu tại Viện Max Plank đã phát hiện ra một hành tinh "giống như gương" nếu so với Trái Đất là KOI-456.04. Người ta kì vọng hành tinh này có thể tồn tại chất lỏng hay xa hơn là sở hữu các điều kiện của sự sống.

kepler.jpg

KOI-456.04 cũng quay quanh một ngôi sao mẹ, nhận được một lượng ánh sáng bằng 93% so với lượng mà Trái Đất nhận từ Mặt Trời. Hành tinh này lớn gấp 1.9 lần Trái Đất và một năm của nó kéo dài 378 ngày. Người ta cho rằng hành tinh này nhiều khả năng sẽ có nhiệt độ bề mặt phù hợp cho sự sống hay còn gọi là "Vùng sống được".

KOI-45604-2.jpg

Trước đó 1 tháng, người ta cũng công bố thông tin về hành tinh Kepler-1649c, và gọi đây là hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay. Hành tinh này cách Trái Đất chỉ 300 năm ánh sáng, lớn hơn TĐ khoảng 1.06 lần và cũng nhận được lượng ánh sáng tương đương 75% ánh sáng Trái Đất nhận từ Mặt trời. Tuyệt vời hơn nữa là người ta cho rằng Kepler-1649c nằm trong vùng sống được của ngôi sao chủ vì mặt dù lượng ánh sáng nhận được ít hơn, nhưng nó lại nằm gần ngôi sao chủ hơn nên dẫn tới các điều kiện bề mặt có thể tương đồng. Tuy nhiên, Kepler-1649c lại mất chỉ khoảng 19.5 ngày để quay hết một vòng quanh ngôi sao trung tâm, nhanh hơn khá nhiều so với chúng ta.

Lần đầu tiên quan sát được hành tinh mới đang hình thành


Người ta đã lần đầu tiên quan sát được một đĩa vật chất xoắn ốc đang tụ hợp lại nằm cách chúng ta khoảng 520 năm ánh sáng. Đây được xem là một sự kiện tụ tập các vật chất lại để hình thành một hành tinh mới. Ở phần lõi của khối vật chất này là một mật độ dày đặc các khí gas và bụi vũ trụ, tạo thành một cấu trúc hình xoắn ốc được các nhà thiên văn đặt tên là AB Aurigae.

ngoisaohinhthanh.jpg

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu Observatoire de Paris nói rằng: "Chúng ta đã từng quan sát được rất nhiều ngoại hành tinh xa xôi, nhưng lại có rất ít hiểu biết về cách mà chúng được hình thành". Việc quan sát được một hành tinh đang hình thành có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp con người sáng tỏ học thuyết về sự hình thành của các hành tinh.

Đây là thứ lạnh nhất vũ trụ, gần đạt độ 0 tuyệt đối


Tinh vân Boomerang hay còn được gọi với cái tên PGC 3074547 được xem là thứ lạnh nhất vũ trụ với nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 1 độ K (-272.15 độ C). Gần 20 năm nay các nhà khoa học luôn tìm cách để lý giải xem tại sao tinh vân này lại có nhiệt độ thấp đến như thế, vì thậm chí mức nhiệt độ này còn thấp hơn cả nhiệt độ của bản thân của vũ trụ nữa.

boomerang.jpg

Lý do cuối cùng được các nhà khoa học đưa ra là do ngôi sao ở giữa lõi của tinh vân này đã va chạm với một ngôi sao khác, gây ra vụ nổ lớn. Vụ nổ này đã đẩy các khối khí và vật chất ra không gian với một năng lượng rất lớn. Theo ước tính, khối khí này hiện vẫn đang tiếp tục di chuyển ra xa phần lõi hơn với tốc độ 540 ngàn km/h. Vì sự thất thoát vật chất với tốc độ chóng mặt này, nơi đây trở thành nơi có nhiệt độ cực thấp, thậm chính là thấp hơn cả bức xạ của chính nó. Tuy nhiên hiện tại người ta ước lượng rằng phần trung tâm của tinh vân đang trong giai đoạn nóng dần lên và có khả năng Boomerang sẽ mất danh hiệu là nơi lạnh nhất vũ trụ trong tương lai.

Phát hiện vật chất trên Trái Đất còn lớn tuổi hơn cả Hệ Mặt Trời


Bằng cách sử dụng kính hiển vi electron, phân tích đồng vị và các phương pháp đo đạc kĩ thuật khác, các nhà khoa học đã xác nhận lớp bột silicon carbide được trích xuất ra từ mảnh thiên thạch Murchison chính là vật chất lâu đời nhất Hệ Mặt Trời từng được phát hiện. Phân tích đồng vị Heli 3 và Neon 21 cho thấy các tinh thể bụi sao từ Murchison có niên đại từ 4.6 cho tới 7 tỷ năm, lớn hơn so với thời gian hình thành Hệ Mặt Trời.

stardust.png

Người ta đưa ra lý thuyết rằng cách đây hàng tỷ năm, trước khi có Thái Dương Hệ, một ngôi sao đã nổ tung và bụi từ nó đã bay ra ngoài không gian. Sau đó một phần bụi này đã "mắc bẫy" của một thiên thạch mà sau nó nó đã đâm sầm vào Trái Đất năm 1969. Kết quả là chúng ta có thể tìm ra vật chất trên Trái Đất nhưng niên đại của nó còn già hơn Mặt Trời. Được biết người ta ước tính chỉ có 5% các thiên thạch mang trong nó những vật chất cổ xưa như thế này mà thôi.

Tinhte LookBack sẽ nhìn lại sự kiện, sản phẩm đáng chú trong năm qua, cung cấp những nhận định chuyên sâu, các phân tích đậm chất công nghệ. Nhân dịp cuối năm, mời anh em thưởng thức các bài LookBack rất hay nhé.

11 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Vụ nhật thực mình có tham gia 😁
Mấy hôm nữa còn có màn sao Thổ đè sao Thủy gì đó nữa, looking forward 😁
duong8x
TÍCH CỰC
3 năm
Thiếu LỖ ĐEN VŨ TRỤ
mình không biết về vụ hành tinh đang hình thành 😔
@Mỹ.
TÍCH CỰC
3 năm
Vũ trụ là một cái gì đó gọi là Vô cùng. Không giới háng, á lộn giới hạn. 😁😁😁
Vũ trụ thật rộng lớn.
Mấy chú phi hành gia cũng giỏi và lì quá
Hoaphongba59
ĐẠI BÀNG
3 năm
Vô cùng tò mò, không hiểu vũ trụ có giới hạn không?
Vũ trụ rộng lớn thật
Jos AT
TÍCH CỰC
3 năm
Tìm thấy hành tinh giống trái đất mà cách xa 300 năm ánh sáng. 🤣🤣🤣🤣
thuansdc
ĐẠI BÀNG
3 năm
Mặt trời gọi Trái đất bằng cụ rồi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019