Năm mới, cầu cho thế giới điện thoại không còn rối rắm trong cách đặt tên nữa

ND Minh Đức
12/2/2021 12:19Phản hồi: 90
Năm mới, cầu cho thế giới điện thoại không còn rối rắm trong cách đặt tên nữa
Đặt tên cho từng dòng sản phẩm tương ứng với phân khúc và giá trị nó mang lại là việc làm cực kỳ quan trọng để tạo sự dễ dàng cho người dùng khi lựa chọn sản phẩm. Điều đó cần phải được đảm bảo đặc biệt đối với thế giới smartphone vốn na ná nhau như hiện tại, cũng đều nhôm kính hoặc nhựa, cũng 2, 3, 4 camera, cũng màn hình giọt nước hay khoét nốt ruồi,... Trớ trêu thay vì những lý do nào đó mà cách đặt tên của những thương hiệu smartphone và cả những thương hiệu con của các công ty này đang ngày càng rối tung lên, khiến cho việc phân biệt trở nên ngày càng đau đầu.

Đối với những anh em theo dõi kỹ và thích tìm hiểu thì sẽ phân biệt các mẫu điện thoại thường qua bảng cấu hình, xài chip gì, RAM bao nhiêu, ROM bao nhiêu, camera có gì đặc biệt, có zoom mấy x, pin bao nhiêu, sạc nhanh hay chậm,... Tuy nhiên mình quan sát đại đa số người thân, bạn bè và các anh em hay gặp mình sẽ chỉ phân biệt chủ yếu dựa vào ngoại hình bên ngoài (nhìn máy có đẹp không, của hãng nào, giá bao nhiêu, chơi game hay coi phim đã không, pin lâu không).

Đó là những câu hỏi mà nếu chỉ dựa vào tên gọi vốn cứ Redmi, Redmi Note, C, V, M,... rồi còn hậu tố Pro, 5G, Snapdragon edition, Pro Max, Ultra,.... lại còn tùy phiên bản thị trường, chính hãng hay xách tay,... mà việc lựa chọn sẽ hỗn loạn cực kỳ. Nếu như đối với các máy Flagship chúng ta đã đủ đau đầu khi phân biệt giữa các hãng, rồi phân biệt giữa các máy con trong dòng flagship ra mắt cùng 1 đợt, thì đối với phân khúc dưới sẽ càng rắc rối hơn nữa.

Chưa kể là tên gọi của cùng 1 chiếc máy lại khác nhau chỉ vì đó được gắn 2 brand của cùng 1 công ty mẹ, rồi lại khác nhau giữa các thị trường. Nên nếu chỉ dựa vào 1 cái tên mà đi Google có khi ra thông số sai hết dù bạn coi trang VN hay nước ngoài. Nhiều anh em đã nói với mình vụ này. Giờ mình nhìn lại thử coi cách đặt tên phức tạp cỡ nào nha. Lấy thí dụ "không quá khó" như Xiaomi nhé.

Xiaomi


Khi xưa Xiaomi đã từng là có cách đặt tên khá rõ ràng và dễ nhận biết. Dòng giá thấp sẽ là Redmi và được phân loại một cách cụ thể với những tiền tố và hậu để nhận biết. Redmi hậu tố A là rẻ nhất, sau đó là C cao hơn một bậc và nếu chỉ là Redmi không thì cao nhất dòng này. Tiếp đến là Redmi Note và Note Pro tất nhiên là được định vị cao cấp hơn. Một thí dụ, 9 Series sẽ lần lượt có thứ tự "cao cấp" từ thấp đến cao là Redmi 9A, Redmi 9C, Redmi 9, Redmi Note 9 và Redmi Note 9 Pro. Tiếp theo đó là Mi và Mi Note được định vị là nằm ở khúc trên nữa, cao cấp hơn. Dễ hiểu đúng không anh em?

5035143_cover_redmi_note9.jpg

Tuy nhiên chưa đâu, vì cái đó là chúng ta chưa xét tới các biến thể khác tùy theo vùng.

Ghét nhất là những chiếc máy Xiaomi tại Ấn Độ, nhiều khi đọc tin smartphone mà rối não luôn vì cứ máy tại thị trường Ấn Độ mới ra là phải coi kỹ specs để coi nó là con nào tương ứng với Trung Quốc hay Quốc tế. Một chiếc Redmi 9 Ấn Độ và Remi Mi 9 bản Châu Âu là 2 chiếc máy hoàn toàn khác nhau. Bản chất chiếc Redmi 9 ở Ấn Độ là chiếc Redmi 9C ở những nơi khác của thế giới, ngược lại tại Ấn Độ cũng không hề có chiếc máy nào mang tên Redmi 9C nào bán ra. Nhưng thực ra, nếu muốn mua Redmi 9C vốn đang được bán ở phần còn lại của thế giới thì xin thưa, anh em phải ra tiệm và bảo cần mua Redmi 9 Prime vì đó chính là chiếc Redmi 9C quốc tế mà anh em cần mua. Rối chưa.

Chưa hết, nếu như Redmi 9 bản Ấn Độ và bản thị trường ngoài là giống nhau, thì các biến thể dòng Pro lại khác nhau. Tại Ấn Độ, Xiaomi bán ra Redmi Note 9 và Redmi Note 9 Pro Max với thiết kế đều rất giống nhau nhưng Pro Max lại có cấu hình nhỉnh hơn nhờ vào thông số camera và bộ nhớ trong. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói khi mà chiếc Redmi Note 9 đang bán ở Ấn Độ nói trên thực ra là chiếc Redmi Note 9S đang được bán ở Châu Âu, trong khi đó chiếc Redmi Note 9 Pro Max Ấn Độ lại chính là chiếc Redmi Note 9 Pro bán ở châu Âu.

Xiaomi Smartphone 2020.png

Tiếp nữa cũng dòng 9 series, cụ thể là chuyện chiếc Redmi Note 9 5G ở Trung Quốc. Redmi Note 9 5G và Redmi Note 9 Pro 5G nhìn vào tên thì thấy có vẻ chỉ là bảng nâng cấp có 5G của Redmi Note 9 và Redmi Note 9 Pro? Hóa ra không phải thế mà thậm chí, đó còn là những chiếc máy hoàn toàn khác nhau. Thực ra, Redmi Note 9 5G và Redmi Note 9 Pro 5G thậm chí là SoC cũng khác nhau. Rồi Xiaomi cũng làm ra chiếc Redmi Note 9 4G (mà thực tế Redmi Note 9 cũng có 4G còn gì) chạy chip Snapdragon 662 để tăng thêm phần rắc rối hay gì. Và chưa dừng lại ở đây, chiếc Redmi Note 9 Pro 5G bán tại Trung Quốc lại chính là chiếc Mi 10i tại Ấn Độ.

Và không chỉ tạo sự phức tạp trong các dòng điện thoại thương hiệu Xiaomi mà họ còn đạp chân lên chính các thương hiệu con khác của họ. POCO C3, POCO M3 và POCO M2 Pro đều bán ra ở Ấn Độ và nó gần như là những chiếc Redmi 9, Redmi 9 Prime và Redmi Note 9 Pro tại đây. Nói cách khác, họ bán những chiếc máy giống hệt nhau với những nhãn hiệu khác nhau tại cùng một thị trường. Những khác biệt về cấu hình rất nhỏ giữa những máy POCO và Redmi cho thấy rằng mặc dù đã tách thương hiệu con ra những tất cả rồi cũng chung một mẹ, chung chuỗi cung ứng, R&D và kết quả là sự giống giống nhau của các máy cũng là điều dễ hiểu.

Quảng cáo


Câu chuyện của Xiaomi vẫn chưa dừng lại ở đó, dưới đây chỉ là bảng tương quan của các máy dòng 9 series của Xiaomi tại các thị trường khác nhau, chưa tính tới các dòng khác với một đống biến thể như Mi 10, Redmi K30 nữa nha,...

Realme


5191986_cover_trentay_realme7i.jpg

Và không chỉ có Xiaomi, một thương hiệu khác là Realme cũng có sự phức tạp và bất nhất giữa các thị trường khác nhau trong việc đặt tên máy. Họ bán một chiếc điện thoại tại nhiều thị trường khác nhau với những cái tên khác nhau và đôi khi, còn lấn lên cả những chiếc máy tương tự được bán bởi OPPO.

Điển hình như Realme V5 5G, chạy Mediatek Dimensity 720 5G, 8GB RAM và 128GB ROM, pin 5000 mAh, camera chính 48MP, cũng có ống siêu rộng, đo độ sâu và macro, màn hình 1080 FullHD+, tốc độ làm tươi 90Hz với tỷ lệ 20:9. Đây có thể nói là một chiếc điện thoại 5G tầm trung đáng chú ý, giá có thể dễ dàng tiếp cận để thức đẩy sự phát triển của 5G. Máy được bán tại Trung Quốc và nếu cũng chịu đi thêm một vòng kiếm tại thị trường này, anh em sẽ thấy chiecs OPPO K7x cũng giống hệt, chỉ là bán ra dưới brand OPPO mà thôi.

Realme Smartphone 2020.png

Một case khác là Realme 7 và Realme 7 5G. Suy nghĩ thông thường thì từ cách đặt tên có thể thấy 7 5G là một nâng cấp thêm kết nối 5G của Realme 7 đúng không anh em? Nhưng khoan, nếu như Realme 7 chạy Helio G95 của Mediatek thì Realme 7 5G chạy Dimensity 800U, lại có màn hình 120Hz, camera 48MP trong khi Realme 7 chỉ có màn hình 90Hz, camera chính 64 hoặc 48 tùy thị trường.

Quảng cáo



Và rồi lại có thêm Realme 7 Pro, mặc dù không có 5G nhưng chạy Snapdragon 720G với hiệu năng thấp hơn con Dimensity 800U, màn hình kích thước nhỏ hơn, dùng tấm nền AMOLED 60Hz, pin cũng nhỏ hơn với 4500mAh, tuy nhiên có hơn là camera 64MP và sạc nhanh 65W. Và qua đó, rõ ràng là 7 và 7 Pro là hoàn toàn khác nhau, gần như là 2 mẫu máy chứ không hề có liên quan gì với nhau để chung định danh 7 series cho rối đội hình người đi lựa máy hết.

Chữ Pro theo suy nghĩ xưa giờ vẫn nên dùng để chỉ 1 máy khác chung dòng với, chia sẻ nhiều specs với máy thấp hơn, chỉ là nhỉnh một chút về cấu hình thay vì dùng cho 2 máy độc lập nhau như tình huống nói trên. Ah, chưa kể tới là còn có Realme 7i và Realme 7 Pro Special Edition với cấu hình cũng khác nữa đó anh em. Nếu nhìn bảng so sánh cấu hình thì có thể, chúng ta sẽ thích con 7 5G hơn Realme 7 hay 7 Pro, tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào cách gọi tên thì rõ ràng, chữ Pro sẽ cực gây khó chọn với 5G.

OnePlus


OnePlus mà chúng ta biết từng là Flagship Killer, chỉ 1 máy đánh tất cả các máy cao cấp khác, tập trung vào cấu hình và giao diện Android thuần túy, sạch sẽ. Nhưng chỉ là tới năm ngoái. Bây giờ cũng như bao công ty khác, họ bắt đầu đa dạng hóa các dòng sản phẩm và Nord xuất hiện đe dọa phá vỡ đi quy tắc đơn giản vốn có xưa giờ.

5195684_tinhte-danh-gia-OnePlus-Nord-10.jpg

Một cách rõ ràng, Nord xuất hiện như một chiếc máy ổn, tầm trung bên cạnh chiếc OnePlus 8 hay 8 Pro ra mắt trước đó. Nord chạy Snapdragon 765G, RAM có tùy chọn lên tới 12GB,... xứng đáng là một chiếc mid-range killer, giá vừa phải. Tuy nhiên đến sự xuất hiện của Nord N10 5G, N100 và 8T thì câu chuyện không còn đơn giản vậy nữa.

Tất nhiên tất cả những chiếc máy này một cách độc lập đều mang những hương vị mà chúng ta yêu thích OnePlus xưa giờ, bao gồm cả cấu hình, màn hình AMOLED, giao diện Oxygen tuyệt vời,... Tuy nhiên, trong khía cạnh chung mà chúng ta xét nãy giờ thì cách đặt tên lại bắt đầu tạo sự rối rắm, khiến cho việc xác định phân khúc máy dựa vào tên gọi là điều khó khăn hơn trước đây rất nhiều. Qua phân tích sơ cấu hình thì có thể thấy Nord là cao cấp nhất, tiếp theo là đến N10 và cuối cùng là N100.

5102412_cover_5102169_mo-hop-tren-tay-Oneplus8-Pro-tinhte-7.jpg

Rõ ràng là khá rối để người dùng bình thường có được sự so sánh nếu chỉ dựa vào tên gọi như thế này. Và khoan, ấy là chưa kể sau hết thì họ cũng có OnePlus 8T ra mắt, một bảng nâng cấp mà theo mình là chưa cần thiết so với OnePlus 8 / 8 Pro ra mắt trước đó không lâu, tập trung chủ yếu vào camera vốn dĩ có specs cũng na ná như N100. Và nếu theo đúng quy trình như vậy thì có thể, năm nay sẽ chứng kiến sự gia tăng của loạt máy phân khúc cầu nối, có thể sẽ là bộ đôi OnePlus 9, 9 Pro, sau đó là một chiếc 9E thấp hơn chút trong bộ flagship. Tiếp theo có thể lại là một chiếc 9T ra mắt vào đoạn gần cuối năm như kịch bản của 8T, cũng bằng việc nâng cấp nhẹ cấu hình như năm ngoái.

Và rồi dòng Nord bên dưới, liệu OnePlus sẽ cho ra N20, N200 hay thêm một cách đặt tên nào khác nữa khi mà N10, N100 đã tạo ra tiền lệ trong năm nay. Tất nhiên, OnePlus cũng có lý do của họ khi đa dạng hóa sản phẩm của công ty nhưng cũng vì thế, OnePlus đơn giản và có trọng tâm mà chúng ta từng biết có thể sẽ chỉ là quá khứ.

OPPO


Lẽ ra OPPO không nằm trong danh sách này khi mà trước đây họ đều đặt tên một cách khá hệ thống. Nhưng rồi những chiếc Reno sau này lại đi theo con đường phân loại, đặt tên theo thị trường khiến cho mọi thứ khó phân biệt hơn rất nhiều. Nếu như Reno hay Reno 2 cũng đều khá hợp lý trong sự ủng hộ sáng tạo, những hướng đi mới thì tới Reno 3 thì mọi chuyện bắt đầu khác. Reno 3 và Reno 3 Pro bản Trung Quốc và bản ra tại những nơi khác kỳ thực rất khác nhau, thậm chí là không so sánh được về mặt hiệu năng.

5020579_5012238_tren_tay_Reno_3_tinhte_-12.jpg

Nếu như Reno 3 Pro Trung Quốc chạy Snapdragon 765G, có 5G thì những nơi khác, bao gồm cả Việt Nam, Reno 3 Pro mà chúng ta biết lại chạy Helio P95 của MediaTek. Rồi sau đó, những biến thể của Reno 3 Pro tại Trung Quốc được cho ra mắt quốc tế với những phân khúc khác, bao gồm cả việc dùng làm máy cận cao cấp thuộc dòng Find như Find X2 Neo, Find X2 Lite. Ấy là chưa kể những biến thể Reno với mặt lưng màu đặc biệt tại thị trường Trung Quốc càng khiến mọi thứ rối hơn bao giờ hết.

Rồi cũng trong năm vừa rồi, Reno 4 cũng được ra mắt, bảng 5G ra trước và 4G ra sau và cả 2 gần như là 2 chiếc máy hoàn toàn khác nhau. Và tương tự như trường hợp của Xiaomi, nếu không follow và tìm hiểu thật kỹ từng thị trường, bao gồm cả việc nghiên cứu kỹ trang web chính hãng của từng thị trường, thì đôi khi chúng ta sẽ mua lầm mà không hề biết.

LG


LG ít ra máy nhưng họ cũng dính vào chuyện đặt tên rối rắm, điển hình như LG Velvet. Velvet được công ty cho ra mắt trong năm ngoái để thay thế dòng G trước đây, hứa hẹn mang tới một chiếc máy cao cấp mà không tốn quá nhiều tiền, đặc biệt là không cần tốn quá nhiều tiền cho Snapdragon 865 đầu bảng. Tuy nhiên, khi chuyển xuống dùng Snapdragon 765G thì sự rắc rối cũng xuất hiện do họ có thêm lựa chọn 5G hay không.

5027320_trentay-lg-velvet-tinhte7.jpg

Đúng như thế, LG Velvet có tận 3 phiên bản là 4G, 2 phiên bản 5G. Phiên bản đầu tiên hỗ trợ 5G và chạy con chip Snapdragon 765G tầm trung, rõ ràng là phù hợp với tinh thần ban đầu của Velvet, xứng đáng thay thế cho dòng G. Tuy nhiên, vấn đề là lại có thêm một chiếc Velvet 4G chạy Snapdragon 845, mặc dù hiệu năng tương tự như Snapdragon 765G nhưng dù sao đi nữa thì 845 vẫn quá cũ, đã 3 năm tuổi và đã từng được LG dùng trên G7 ThinQ hồi 2018. Và sau đó, chúng ta còn có một chiếc Velvet khác cũng hỗ trợ 5G bán ra bởi T-Mobile, chạy MediaTek Dimensity 1000C.

Dòng V vẫn còn được LG giữ lại và vẫn được xếp vào phân khúc hướng tới người dùng cao cấp, đòi hỏi nhiều hơn về mặt thông số kỹ thuật. Tuy nhiên thay vì ra mắt vào dịp cuối năm để đối trọng với Note của Samsung thì giờ đây, V Series chuyển sang đầu năm. Tuy nhiên một số thông tin nói rằng dòng V cũng sẽ được LG định hướng tương tự như dòng G, hướng tới các máy tầm trung có hỗ trợ 5G nhiều hơn. LG hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu và chuyển đổi nên cũng không chắc rằng liệu sẽ có những chiếc máy nào ra mắt trong năm 2021 này. Hiện mọi sự quan tâm đều dồn về Wing với thiết kế độc đáo, mong là họ vẫn tập trung và giữ được sự đơn giản đó đôi khi lại là một ý hay.

Thế giới Android, hãy học theo Samsung, Apple hay chí ít là Nokia


Samsung


Dù có số lượng máy cho ra mắt không phải là ít, nhưng Samsung cũng là hãng làm rất tốt trong việc đặt tên máy để phân biệt rõ ràng các máy cao cấp, tầm trung và phổ thông của họ. Nếu khi hồi xưa, cách đặt tên của một số máy Samsung còn phụ thuộc vào nhà mạng, gây không ít rắc rối nhưng thời đó đã qua, giờ đây mọi thứ đã được đưa vào quỹ đạo một cách bài bản, thống nhất.

5304528_cover_tren_tay_S21_tinhte-4.jpg

Samsung có Galaxy S được định vị như một máy cao cấp phổ thông, mainstream,... trong khi đó dòng Note được định vị là dành cho fan cứng thực sự, những người đòi hỏi flagship có nhu cầu cao hơn, được trang bị những đặc điểm duy nhất như bút S Pen. Tương lai hơn nữa là dòng Z với các máy gập màn hình, chia thành Fold và Flip. Tất cả đều là những máy cao cấp và tất nhiên, mỗi dòng chính cũng được thêm vào các hậu tố để làm dấu chỉ cho sự khác biệt về kích thước hay cấu hình camera, bao gồm Plus và Ultra, cái nào có 5G thì có thêm hậu tố 5G vào đằng sau. Mặc dù họ cũng có dòng FE nhưng nó không gây rối mà được định hình như một dòng add on vào các line sản phẩm chính.

4862887_COVER.jpg

Tuy nhiên, ở phân khúc dưới nữa, Samsung có rất nhiều máy và nếu không được đặt tên phân loại kỹ càng, mọi thứ sẽ rối lên ngay. May mắn là chúng ta vẫn có thể xác định được tầm trung có dòng Galaxy A, theo sau đó là con số nhằm quy định mức độ phân cấp của máy. Bắt đầu từ Galaxy A01x, bước nhảy cơ số 10 cho các máy cao cấp hơn, thí dụ như lên tới A7x. Con số thứ 2 biểu thị cho thế hệ của máy, thí dụ như năm nay là Galaxy Ax1 thì năm sau bản nâng cấp của dòng đó sẽ là Galaxy Ax2. Mặc dù chúng ta cũng có một số biến thể hơi phức tạp chút như Galaxy M30s, Galaxy M31s hoặc M50s, nhưng cũng không quá gây rối bởi có thể dễ nhận ra đó là biến thể với mức cấu hình thay đổi nhẹ so với máy gốc ban đầu.

Tương tự như vậy đối với các máy phổ thông dòng Galaxy M hoặc F, cũng đều tuân theo cách đặt tên như của dòng A, chỉ khác là một số dòng M hoặc F sẽ được bán ra ở một số khu vực hoặc thị trường đặc biệt nào đó, hoặc chỉ bán online. Dù vậy, nó không đạp chân hoặc là phiên bản đặt tên lại của các máy quốc tế hoặc của những thị trường khác. Và tất nhiên, do sở hữu lượng máy khá lớn nên cách thiết kế, cấu hình và một số thông số khác của các máy trong phân khúc này cũng chia sẻ và ít nhiều giông giống nhau. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì trong thế giới Android, Samsung dù với số lượng máy lớn nhưng nhờ tuân thủ cách đặt tên khoa học nên có thể được xếp vào nhóm đặt tên dễ nhận biết.

Nokia


4791762_Tren_tay_Nokia_7.2_tinhte_-14.jpg

Tương tự như logic đặt tên của Samsung, Nokia cũng có cách đặt tên rất khoa học, tương ứng với các máy từ phân khúc thấp tới cao dựa vào việc tăng số đếm. Máy Nokia cũng có cấu trúc theo kiểu Nokia x.y, thí dụ như Nokia 7.2, sẽ được hiểu là Nokia 7 Series thế hệ thứ 2. Tất cả các máy từ phổ thông chạy Android Go cho tới các máy dòng cao của họ đều đặt tên theo cách này. Mặc dù khi hợp tác phát hành với các nhà mạng nhưng lúc đó, họ có thể sẽ chọn một tên gọi khác hoàn toàn cho từng case, hoặc gắn vào chung luôn tên của nhà phân phối. Nói chung là vẫn được xếp vào nhóm đặt tên một cách khoa học và dễ hiểu.

Apple


5199954_tinhte_iphone_12_all_color_-01.jpeg

Không cần phải nói, Apple không có quá nhiều máy từ trước giờ, cho tới năm 2020 thì số lượng máy mới tăng lên đáng kể. iPhone trước đây dù là 11, 11 Pro hay 11 Pro Max thì tên gọi đã nói lên tất cả, nghe tên là xác định được đâu là máy cao nhất trong tất cả các máy. Cho tới năm nay, có thêm sự xuất hiện của iPhone 12 Mini nhưng rõ ràng, các đặt tên cũng sẽ cho phép người dùng dễ dàng nhận diện ra từ tên gọi. Duy chỉ có SE 2020 và SE cũ sẽ bắt người dùng gọi tên thêm dài hơn nhưng chung quy lại, tên gọi cũng dễ hình dung và không gây lẫn lộn so với phần còn lại của thế giới.

Vsmart


5196868_cover.jpg

Mặc dù khi mới ra mắt, các phiên bản Vsmart được phân cấp một cách khá bài bản thông qua các tên gọi Star, Joy, Active, có thêm Bee và sau này là Aris cao cấp nhất. Theo sau đó là các hậu tố đánh số thứ tự cũng là một lựa chọn thông minh để người dùng phân biệt được các thế hệ máy. Tuy nhiên, sự xuất hiện của plus ở lác đác ở vài thế hệ máy và sau đó là loạt nâng cấp nhẹ với các phiên bản 2GB RAM lên 3GB RAM vô tình tạo ít nhiều sự rắc rối nhẹ cho người dùng khi lựa chọn máy. May mắn là các máy được bán theo đợt và do đó, ảnh hưởng cũng không quá lớn. Đặc biệt là khi sự ra đời của Aris, chúng ta chỉ có 2 bản là thường và Pro với sự khác biệt khá rõ rệt về tính năng: camera ẩn dưới màn hình. Hy vọng rằng họ tiếp tục theo đuổi cách đặt tên này để tạo sự thuận lợi cho người dùng khi "thấy mặt đặt tên".

Và tất nhiên, còn dó những hãng khác cũng có cách đặt tên góp phần tạo nên sự rối như tơ vò của cả thế giới smartphone Android, có thể kể tới như Huawei, Honor, Vivo và cả Moto,... Và ngay cả các cái tên như Samsung, Nokia hay Vsmart nằm trong danh sách đặt tên hiệu quả như khó tính hơn, họ vẫn là những bên có "tỷ lệ đặt tên đúng" cao nhất, vẫn còn đó nhiều dị bản làm ảnh hưởng tới tính nhất quán trong cách đặt tên của hãng.

Tất nhiên phân tích trên đây đứng chủ quan dưới góc độ đặt tên các dòng máy trong sự tương quan với tính dễ nắm bắt cấu hình và đặc điểm chung của máy, đặc biệt là định vị được vị trí của nó trong các phân khúc, đời máy. Còn đó nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới các quyết định này. bao gồm cả những yếu tố về kinh doanh, chiến lược martketning,... hoàn cảnh của từng hãng và còn nhiều thứ khác nữa.

Nếu hiểu về tất cả những điều đó, chúng ta sẽ hiểu được tại sao cùng một máy Xiaomi lại dược đặt 3 cái tên khác nhau cho 3 thương hiệu khác nhau, tại sao Reno tại thị trường Trung Quốc lại khác với phần còn lại của thế giới? Tại sao tất cả các máy bán ra ở khắp mọi nơi đều giống nhau.

Qua đó có thể thấy, thực trạng này sẽ cực kỳ khó thay đổi do suy cho cùng, đó chính là sản phẩm của mô hình kinh doanh đã được định hình rõ ràng của các bên. Tuy nhiên, ở tầm nhìn dài hơn, thì cả đống bùi nhùi mà Xiaomi, có thể sẽ đẩy thương hiệu Redmi hay Redmi Note mà họ đã xây dựng trước đó bị hòa tan vào chính những thiết bị khác mà họ chạy theo ra mắt.

Hy vọng rằng rồi cuối cùng, thế giới Android sẽ có một cú hích gì đó để thúc đẩy họ đồng loạt chuẩn hóa cách đặt tên một cách có hệ thống cho toàn bộ các máy của họ. Nếu không, những người đam mê tìm hiểu điện thoại như hiện giờ còn cảm thấy khí theo dõi hết toàn cục, thì làm sao những người tiêu dùng bình thường có được một phép so sánh đúng và chính xác khi cần mua máy mà chỉ ra cửa hàng hoặc Google một chút.
90 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bài viết rất công phu
tien4112004
ĐẠI BÀNG
3 năm
Rối nhất ông Xiaomi với realme, chán
@tien4112004 Thằng xiaomi hình như méo biết đặt tên con. Khai sinh xong thì năm sau quên luôn
@Jackie Lee 1981 đúng xiaomi tên rối tại nhiều thị trường khác nhau. đội ngũ rd nó sieng thiệt đổi spec chút rùi xào qua đảo lại.
Trừ lhi là reviewer hay người bán điện thoại chứ người dùng 1-2 năm đổi điện thoại như mình thì kệ, ông thích đặt tên gì kệ ông 😃
Pro max plus
@chickeyone ít ra Apple biết đếm số chứ ko như bọn CN =))
Chu Liêu
TÍCH CỰC
3 năm
Mong đừng có 3 4 5 6 7 cái cam là đk 😂
Bài viết công phu quá
Ở Nokia hiện tại thì hoàn toàn nhầm rồi nha, đặt rất rối luôn á, còn thêm dấu chấm giữa rất khó khi tag trên mạng xã hội 🤣
Ifan mới quan tâm là bờ rồ hay bờ rồ mắc. Còn điện thoại android 6 7tr trở xuống thì chả quan tâm lắm đến cái tên đâu. Anh em quan tâm cái giá thôi
sói thỏ
ĐẠI BÀNG
3 năm
😂 androi hiện tại quan tâm mỗi sam , nokia và Vin
Bphone đc đặt tên rất khoa học, giản dị và hoàn toàn thuyết phục. Rất tự hào.
@Đại Việt 2020 Em lạy anh. Đừng lôi thêm bp vào
@Đại Việt 2020 chưa lập nick Đại Việt 2021 à , t thấy số 2021 rất khoa học thuyết phục và rất tự hào đó .
@Đại Việt 2020 Thì có bán được quái đâu thì tên chỉ có thế thôi 😃
Như Nokia ngày xưa 4 số dễ chịu, ví dụ 3310, 8310 v.v...
Nokia nó còn rối hơn cả galaxy bây giờ.
Khiếp đọc gia phả nhà Mi mà xoắn cả não
Đây là cách đặt tên của mình:
Thương hiệu/Tên dòng/Thế hệ/hậu tố
đây cũng có thể là lý do ngày càng có người ta chọn iphone, ví dụ muốn mua đt mới mỗi hãng có vô vàn loại ví dụ như sam cũng có ti tỷ A,... rồi S rồi note hãng khác thì nhiều hơn nữa, thật sự ko biết nên chọn cái gì nếu bạn ko bị khống chế bởi tài chính xem cái đt dòng A và S na ná nhau, với người dùng phổ thông thì chíp snap 730, 760 và 888 chẳng có gì khác nhau chẳng biết mua cái gì mua cái tầm 5 triệu thì lo có dùng đc lâu dài ko, mua cái 20 triệu thì thấy nó cũng ko hơn cái 5 triệu là bao ( nói về chức năng với người dùng phổ thông kiểu chơi game nhẹ, face,...) liệu có phí tiền
còn iphone lại là 1 nước cờ thông mình đơn giản và nhanh cũng như mang lại lợi nhuận cao cho hãng, chỉ có gần như là 1 loại, ví dụ chọn iphone 12 thì dư giả thì chọn loại max nhất, ko thì loại thấp hơn, nói chung kiểu như là đói vào tiệm bánh bán 1 loại duy nhất bạn ăn nhiều mua bánh to, ko thì vừa ăn ít thì chọn loại nhỏ. Nói không phải khen các hãng nên đơn giản dòng máy có khi ổn hơn, Nghĩ lại thì tôi đã vài lần vác cái bụng đói đi từ hà nội về nhà hơn 40km vì không biết nên ăn gì 😁 có nhiều lựa chọn quá, cuối cùng về nhà nấu mì ăn
@cuocsanlung nói gì lung ta lung tung za, câu trước đá câu sau
@cuocsanlung Nói nhảm gì đấy. Văn vẻ như ...
tranquan94
ĐẠI BÀNG
3 năm
@cuocsanlung Nhưng iphone lại đéo có cái giá 5-7tr 😆)
@cuocsanlung nói nhảm ít thôi ông ei, mà lần sau nói ngắn gọn thôi, viết dài như sớ vậy. Ai đi chọn điện thoại vì cái tên, cứ khoảng giá + cấu hình + thương hiệu mà xem, hợp thì quất
cuderth
TÍCH CỰC
3 năm
cứ iphone số to nhất mua khỏi phải nghĩ 😆
Samsung đang bị lẫn dần dòng M và A. Cảm nhận riêng thôi.
mq091109
ĐẠI BÀNG
3 năm
Công nhận mod viết bài rất kỹ lưỡng
Cầu cho kèm sạc
Mr Dulo
CAO CẤP
3 năm
Cười vô mặt

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019