Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Nói về Stadia: Google lại chứng minh ném đống tiền vào một vấn đề không giải quyết được gì

P.W
1/3/2021 9:59Phản hồi: 66
Nói về Stadia: Google lại chứng minh ném đống tiền vào một vấn đề không giải quyết được gì
Hồi tháng 3/2019, CEO Sundar Pichai lên sân khấu tại sự kiện GDC ở San Francisco, nói rằng Google có được ngày hôm nay một phần nhờ chính những trò chơi điện tử. Nghe thì hơi vô lý, nhưng là sự thật. Dù Pichai thừa nhận mình không mê game đến mức ấy, nhưng xuất phát điểm của nhiều nhân sự Google đến với ngành khoa học máy tính. Cờ vua và cờ vây, rồi sau đó là StarCraft và DOTA 2 đã giúp DeepMind AI phát triển được như ngày hôm nay. Những hệ thống mô phỏng giống hệt như trò chơi điện tử đang giúp Waymo nghiên cứu công nghệ xe ô tô tự hành an toàn.

Lúc ấy, Pichai tuyên bố Google sẽ có một nền tảng chơi game đặt tên là Stadia, sử dụng hệ thống máy chủ đám mây của chính Google. Không chỉ dừng lại ở đó, Pichai hứa hẹn rằng Stadia sẽ có những tác phẩm do chính những studio thuộc Google tạo ra, phân phối qua hệ thống của tương lai mà Stadia sở hữu. Khi ấy, Google đã chính thức đặt chân vào ngành công nghiệp game, không chỉ phát hành mà còn tự phát triển game nữa.

Tham vọng thay đổi cả hiện tại lẫn tương lai


Một vấn đề nho nhỏ. Google là một tập đoàn công nghệ, không phải một công ty sản xuất nội dung. Khi Stadia ra mắt vào tháng 11/2019, hai tác phẩm Assassin’s Creed Odyssey và Destiny 2 dẫn đầu loạt game phân phối trên dịch vụ của Google. Dù đến nay, Google đã có hơn 170 game trên Stadia, nhưng tham vọng tự phát triển game độc quyền tự phân phối trên nền tảng của họ không thể thành hình. Đầu tháng 2 vừa rồi, Google tuyên bố họ đóng cửa Stadia Games and Entertainment, cho nghỉ hết 150 nhà phát triển game, một vài trong số đó vô cùng tài năng và từng giúp sức tạo ra những trò chơi anh em yêu mến trước kia. Tréo ngoe, nhiều người trong số đó thậm chí còn chẳng hiểu tại sao mình bị cho nghỉ việc.

[​IMG]

Nhiều nguồn tin không chính thức nói rằng, sau khi bỏ hàng chục triệu USD vào hai studio phát triển game, Google không chịu nổi nhiệt từ khoản chi phí và khoảng thời gian cần thiết đế những tài năng kể trên triển khai ý tưởng sáng tạo của họ, từ đó tạo ra nền tảng phát triển ra từng trò chơi xuất sắc. Điều đó, cộng thêm với số người đăng ký dịch vụ Stadia không mấy ấn tượng, đã khiến Google mất kiên nhẫn.
Một nhân viên làm việc cho dự án Stadia cho biết: “Tôi luôn thắc mắc liệu những vị giám đốc ở trên có hiểu họ đang làm gì hay không. Họ đưa ra cam kết, đôi khi là thái quá, để rồi họ lộ ra điểm yếu không giữ được chính những cam kết ấy.”

Phải thừa nhận, Stadia trong năm 2020 đang có cơ hội phát triển quá lớn vì những lý do sau:

  • Không cần bỏ tiền mua phần cứng mạnh mới chơi được game đỉnh, chỉ cần bỏ tiền mua game là đã được trải nghiệm dịch vụ Stadia gần như miễn phí, mất mỗi tiền mua game.
  • Công nghệ và cơ sở hạ tầng đường truyền internet giờ đã đủ để giấc mơ chơi game đám mây thành hình, mọi lúc mọi nơi, dù đó là smartphone, smart TV hay laptop cấu hình thấp. Đón đầu công nghệ 5G, Google chỉ việc hoàn thiện công nghệ là yên tâm ngồi đếm tiền.
  • Đại dịch COVID-19, mọi người phải ở nhà, không có nhiều tiền mua phần cứng mới để phục vụ thú vui giải trí với game, một dịch vụ đám mây như Stadia hoàn toàn có thể thay thế được cả PC lẫn console.
  • Năm 2020 đối với anh em gamer hơi dữ dội, muốn mua card đồ họa hay PS5 đều khó vì tình trạng đầu cơ.

Nhưng cả bốn điều đó, như anh em đã thấy (hoặc không thấy vì Stadia bom xịt quá, chẳng ai để tâm) đều không giúp tham vọng của Stadia trở thành hiện thực.

Tinhte_Stadia2.jpg

Stadia cũng chỉ là một trong những dịch vụ chơi game đám mây khác. Amazon có, Nvidia có, Microsoft cũng có. Họ đều muốn tận dụng nền tảng điện toán đám mây khổng lồ của mình để tạo ra một dịch vụ mới hướng đến người dùng đầu cuối. Nhưng nhìn kỹ hơn, thất bại của Google với Stadia, chí ít là ở phần phát triển nội dung, đã mô tả rõ ràng việc họ không thể dung dưỡng những nhà phát triển game xuất sắc, không thể tạo ra chiến lược phát triển nội dung trong một môi trường tối ưu nhất cho các nhân viên.

Amazon thật ra cũng chẳng kém phần long trọng về mặt thất bại. Sau khi đâm hàng trăm triệu USD để “giành chiến thắng trong ngành game”, Amazon Game Studios đến giờ vẫn chưa có một tác phẩm nào ra hồn. Thậm chí họ có cả một game chưa kịp ra mắt chính thức đã bị hủy hoàn toàn, đấy là Crucible. Một dự án khác tiềm năng hơn thì năm nay mới ra mắt, đó là New World, một MMO hành động.

Tinhte_Stadia10.jpg

Quảng cáo


Trong khi đó, không còn coi Sony là đối thủ trực tiếp, Microsoft vung tiền tấn mua lại hàng loạt studio game thành công: Mojang (Minecraft) hay Bethesda (Fallout, Doom, The Elder Scrolls, Dishonored).
Google cứ tưởng mạnh gạo bạo tiền là sẽ có thể làm khác. Giống hệt như nhiều lần trước, họ cứ nghĩ ném đủ tiền vào vấn đề sẽ khiến nó biến mất.

Trao đổi với Wired, 4 nhân sự từng làm việc cho Stadia cho rằng, dù bỏ tiền tấn để đầu tư và tuyển dụng, nhưng Google không thể nào hiểu được quy trình phát triển một trò chơi điện tử. Google quản lý tốt những dịch vụ trực tuyến của họ ra sao, thì họ lại lúng túng với những cái gánh xiếc đúng nghĩa đen, nơi ý tưởng triệu Đô có thể được nghĩ ra, chấp thuận để rồi bị hủy bỏ chỉ trong vài ngày khi nó không phù hợp với toàn bộ kết cấu trò chơi.

Tinhte_Stadia3.jpg

Năm 2018, Google mời Phil Harrison về làm việc. Ông từng nắm giữ chức vụ giám đốc quản lý ở cả Sony lẫn Microsoft, và được mời về để dẫn đầu dự án Stadia. Tầm nhìn của Harrison rất tham vọng: Những trung tâm dữ liệu siêu mạnh đem nội dung game đến mọi thiết bị ở khắp mọi nơi, tốc độ cực nhanh, đặc biệt là với những người không có điều kiện sở hữu console hay PC truyền thống. Chỉ với 10 Đô mỗi tháng, anh em có thể stream mọi game trên đó về điện thoại hoặc máy tính bảng kết nối WiFi. Từ hạ tầng, thiết kế, quy mô, chất lượng, Google thừa sức biến tầm nhìn này trở thành hiện thực.

Và rồi thực tại đưa Google về mặt đất


Những người từng làm việc cho Stadia Games and Entertainment cho biết họ bị lôi cuốn bởi ý tưởng mà Stadia thêu dệt nên, đó là một công nghệ mang tính bình đẳng, tạo ra một nền tảng phân phối nội dung mang tính cách mạng. Họ tin rằng Google có thể thay đổi ngành công nghiệp game, cũng như môi trường làm việc truyền thống, vốn đầy rẫy những lần cắt giảm nhân sự, hủy bỏ dự án, và tồi tệ nhất là thực trạng làm việc thêm giờ, nơi những nhà phát triển phải ngồi làm việc 60 đến 80 tiếng, thậm chí hơn, để kịp deadline. Những nhà phát triển game lão thành muốn một mái nhà mới để sáng tạo. Họ muốn tạo ra những tác phẩm tuyệt vời, trong một môi trường không bị những thứ độc hại ảnh hưởng đến cả sức khỏe lẫn tâm lý của họ.

Quảng cáo


Tinhte_Stadia4.jpg

Không chỉ dừng ở Phil Harrison, Google còn mạnh tay mời cả Jade Raymond, nhà sáng lập Ubisoft Toronto, nhà sản xuất Assassin’s Creed II, rồi sau đó là cả Shannon Studstill, nhà sản xuất góp công đem tới cho chúng ta kiệt tác God of War năm 2018, cựu giám đốc SIE Santa Monica Studio. Họ đảm nhiệm quản lý hai studio phát triển game của Google tại Toronto, Canada và Los Angeles, Mỹ.

Đến lúc ấy, Google đã bỏ ra vài năm phát triển nền móng cho dịch vụ Stadia, và đến ngày 19/11/2019, Stadia chính thức ra mắt.

Hai nguồn tin nói với Wired rằng, sai lầm đầu tiên mà Google tạo ra chính là đảo lộn vai trò của hai nhóm phát triển công nghệ và phát triển game trong Stadia. Bỏ tiền tấn thuê nhiều nhân sự ngay từ đầu đã thể hiện rõ ràng ưu tiên của Google trong dự án này, và điều đó tạo ra sự mất đoàn kết giữa Google với những kỹ sư phát triển công nghệ để Stadia “bắn” game tới từng thiết bị di động, với những nhà làm game đại tài.

Tinhte_Stadia5.jpg

Google là một tập đoàn với kết cấu vô cùng cố định, và sự tồn tại của Google phụ thuộc rất nhiều vào chính kết cấu này. Trong khi đó phát triển game lại là một quá trình rối rắm. Chúng ta có họa sỹ, có coder, có nhà thiết kế màn chơi, có diễn viên lồng tiếng, có cả những cái đầu chỉ nghiên cứu sáng tạo để kết hợp những mảnh ghép kể trên thành một tác phẩm xuất sắc. Làm game yêu cầu quá nhiều mảng sáng tạo khác biệt, sử dụng những phần mềm và công cụ chuyên biệt riêng. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách Google vận hành cả chục năm nay, đến mức đôi khi muốn xin dùng một phần mềm nào đó để phục vụ phát triển game cũng không được Google chấp thuận vì lý do bảo mật.

Muốn tạo ra một tác phẩm mang tính cách mạng trên nền tảng Stadia đòi hỏi từ 3 đến 5 năm nghiên cứu sáng tạo. Điều này đồng nghĩa với việc Stadia không thể ra mắt với game độc quyền, thứ sản phẩm tốt nhất để kích thích người dùng đến với nền tảng này. Không có game độc quyền, thì một hệ máy chơi game gần như mất đi 2/3 sức hút. Nhưng Stadia lại không có được thứ đó khi nó ra mắt. Thay vào đó, Stadia ra mắt với vài game AAA do các hãng khác phát hành trước đó: Final Fantasy XV, NBA 2K20, Wolfenstein: YoungBlood…

Tinhte_Stadia6.jpg

Cộng đồng đón nhận Stadia không nồng hậu như Google mong muốn, và đến tận năm 2020, Stadia được cho là không đạt số user như đã đặt ra trong mục tiêu nội bộ của Google.

Việc thiếu đi những game độc quyền khi ra mắt vẫn luôn là một vấn đề lớn của Stadia. Những studio thuộc Sony hay Microsoft trong khoảng thời gian ấy liên tục cho ra mắt những dự án mới để giữ sức hút trong cộng đồng. Nhưng với Stadia, những nguồn tin từng làm việc cho dự án này nói rằng quy trình phát triển game của Stadia bị cầm chừng, cứ như nó tồn tại chỉ để làm một phần phụ vụng về hỗ trợ cho nỗ lực hoàn thiện công nghệ stream game đám mây. Các nhà phát triển phải tạo ra những demo giới thiệu ý tưởng kết hợp với những tính năng riêng trong Stadia, mô tả tiềm năng điện toán đám mây hay tính năng chia sẻ màn chơi với người khác.

Những nhà làm game khi ấy cứ ngỡ rằng Google bỏ tiền phát triển game để bán sản phẩm Stadia, chứ không phải để bán game như truyền thống.

Tinhte_Stadia7.jpg

Nhắc lại điều ở trên, giấc mơ một mái nhà không có làm tăng ca, tự do sáng tạo, không lo bị cho nghỉ vì dư thừa nhân sự hoặc hoạt động không hiệu quả đã khiến rất nhiều nhà phát triển game đến với Stadia Games and Entertainment. Nhưng rồi COVID-19 càn quét.

Tháng 4/2020, một tháng sau khi Google tuyên bố mở cửa studio ở Los Angeles, họ bắt đầu quy trình ngừng tuyển dụng. Phát triển game chưa bao giờ là một trong những điểm Google tập trung và coi nó là chiến lược quan trọng cả.

Thật ra Amazon cũng đang rơi vào cái bẫy y hệt với Luna và Amazon Game Studios


Giống hệt như Google, Amazon cũng tuyển những nhân tài giỏi nhất, như Clint Hocking (Far Cry 2), John Smedley (EverQuest) hay Kim Swift (Portal), những người bị lôi kéo bởi tấm séc tiền lương khổng lồ mà Amazon hứa hẹn. Mục tiêu của Amazon, theo nhiều nguồn tin, cũng giống hệt Google, đó là tạo ra một dịch vụ game qua đó quảng bá sức mạnh của Amazon Web Services, engine game của chính họ tạo ra, và cả nền tảng xem game Twitch của họ.

Tinhte_Stadia8.jpg

Đấy là một mục tiêu mà nhiều người nói rằng vô cùng kiêu ngạo. Họ có tham vọng “giành chiến thắng ở thị trường game”, tạo ra những game AAA chất lượng cao cùng lúc, trong khi Amazon lại chẳng có chút kinh nghiệm nào trước đó ở ngành công nghiệp này. Giám đốc Amazon Game Studios, Mike Frazzini là dân khoa học dữ liệu, không có một tí kinh nghiệm nào về phát triển game. Tham vọng cao xa, kết hợp với lối tư duy đã trở thành thương hiệu của Amazon, đó là tự mình phát triển mọi thứ, cũng như đánh giá thành công chỉ bằng thước đo con số, đã khiến Amazon nhận được hết thất bại này đến thất bại khác. Hiện giờ họ đã phải hủy ít nhất ba dự án: Project Luna, Breakaway và Crucible. Riêng Crucible chỉ ra mắt được có 5 tháng là bị ngừng phát triển.

Một game AAA muốn thành hình cần kinh phí từ 100 đến 200 triệu USD. Nhưng đôi khi những tài năng kiệt xuất có thể gom góp những ý tưởng từ một dự án đã thất bại để tạo ra một quả bom tấn hàng triệu người yêu mến, như cách Blizzard đã làm với Project Titan, đem những ý tưởng gameplay từ dự án đó để tạo ra Overwatch. So với thiết kế sản phẩm ở các tập đoàn công nghệ, làm game là một cái hố chôn tiền, thời gian, và tài năng.

Tinhte_Stadia9.jpg

Cả Google lẫn Amazon đều lầm tưởng rằng, làm game giống hệt như làm dịch vụ công nghệ, và cứ đủ tiền là họ sẽ tạo ra được những kiệt tác hệt như trên PS4 hay Xbox. Nhưng chính sự ngây thơ và thiếu hiểu biết về toàn bộ quá trình đã dẫn tới thực trạng như ngày hôm nay. Stadia không được công bố con số user, nhưng sức hút của dịch vụ đó chỉ tóm gọn trong một cái subreddit nhỏ nhoi với 100 nghìn thành viên. Không có game độc quyền, thì không có lý do gì những gamer truyền thống lựa chọn công cụ của tương lai này cả, ấy là chưa kể đến giờ Stadia vẫn chưa được triển khai trên mọi vùng lãnh thổ.

Việc Stadia Games and Entertainment bị đóng cửa sẽ chỉ là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho sự suy tàn của Stadia, và giống như rất nhiều dự án đầy tiềm năng trước đó, như Google Glass, Project ARA hay Project Tango, mọi người trong vòng chục năm tới sẽ nhắc đến cái tên Stadia như một dịch vụ đi trước thời đại, hoặc sẽ nhắc đến nó như một ví dụ khác của việc đổ tiền tấn vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề của Google.

Tham khảo Wired, Fortune
66 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Khổ thân. Lúc ra mắt hoành tráng như thế, vậy mà h te tua cmnr. Amazon cũng mới có bài phân tích hôm nọ - họ có cả tá sản phẩm thành công, ngoại trừ game.

Ấy đọc bài mới thấy, ko phải cứ bơm tiền là cầm chắc thành công. 1 cty công nghệ có thể làm rất tốt ở khâu phát triển dịch vụ hay phần cứng, nhưng đụng vô content thì...
- Microsoft thành công vs game PC, nhưng console bèo quá ko ăn lại đc exclusive của bọn jav. Nên từ Series S/X đã giác ngộ kách mệnh, đi theo tiếng gọi của cloud và mua cả mớ studio về, bơm content cho Game Pass. Coi như đầu hàng đại đế và đồng bọn, bỏ lại console war quá lệ thuộc vào exclusive để đánh all-in vào cloud gaming và multiplatform game. Cơ mà so vs đám tay ngang tập đú làm game thì anh sốp vẫn ăn đứt, thâm niên mấy chục năm trong ngành nên vẫn cầm trong tay mớ IP xịn.
- Google thì như bài.
- Amazon cũng mờ nhạt nốt, như bài.
- Facebook mua lại Oculus nên tính ra vẫn khá hơn 2 anh trên, mua cả studio làm beat saber nữa. Nhưng ex IP vẫn chưa có.
*Nếu tính doanh thu phát sinh từ game thì Google vẫn có, thu thuế 30% từ chợ. Nhưng bảo tạo ra content xịn thì đúng chịu.

Thực ra cũng khó trách mấy ông này, toàn non tay nhảy vào bảo sao rủi ro thất bại cao. Ngay cả đại đế và đồng bọn trong ngành cũng gặp khó khăn trong phát triển IP mới. Mở rộng IP nổi tiếng sẵn có thì dễ rồi, tạo ra IP mới hoàn toàn mà lại phải chất lượng căng lắm. Điển hình là Nintendo, cty được coi là sáng tạo nhất ngành game, vừa bị chỉ trích là quá dựa dẫm vào các IP sẵn có như Mario, Pokémon, Zelda,... mà ít ra IP mới trong năm ngoái. Tương tự là đám Blizzard, Activision,... Ông Square Enix thì vừa dính ngay phốt Avengers xong, toang cả cái IP. CDPR cũng ngã dập mặt vì Cyberpunk. Vì thế game indie gần đây lên ngôi chứ AAA đang hiếm IP mới quá. Đại đế năm vừa rồi ăn đc 1 con sushima.

Cuối cùng cũng chỉ còn mỗi đại đế đạt tới tầm tu vi tech-tent 1 nhà, sở hữu dải sản phẩm bao trùm cả 2 lĩnh vực. Technology cũng top mà content cũng bá. Độc cô cầu bại, duy ngã độc tôn. Chẳng ai có cùng đẳng cấp tu vi nữa.
- IP Content: game, music, film, anime (ko cần kể ra vì nhiều quá).
- Tech product: professional for creator, consumer for end-user.

P/s: Nhân tiện ae cho hỏi, Apple Arcade dạo này ko thấy báo chí nhắc đến nữa, h nó ntn rồi?
@buihai83 Remote được ah ngon
Remote play rất là ngon trên iPad Pro 12.9 .... mượt mà 1080p high FPS luôn, chơi còn thích hơn trên trên TV
BAA81574-4741-4494-A5F2-8B23E2C1C9F2.jpg
@buihai83 oh hay thế 😆 Mình chỉ thấy dùng qua stream thì có chạy nhưng chỉ pc này sang pc kia chứ không thấy qua iPad.
@bomduc Đang chiến lại game này, quay về tuổi thơ 😁 Thời còn cầy PS1 với PC....
IMG_1854.JPG
trungking
TÍCH CỰC
3 năm
chỉ cần bỏ tiền mua game là đã được trải nghiệm dịch vụ Stadia gần như miễn phí, mất mỗi tiền mua game

Thế ko trả tiền cho dịch vụ stadia à @@
CitaTo
TÍCH CỰC
3 năm
@trungking Stadia free cho steam 1080p thì phải, muốn xịn xò nâng lên 4K và có thêm free game thì mua gói thuê bao.
trungking
TÍCH CỰC
3 năm
@CitaTo Có cái là game đã mua rồi lên stadia chơi thì lại phải mua lại @@
Game mua trên stadia thì chết cứng trên đó, ko đem đi đâu đc
CitaTo
TÍCH CỰC
3 năm
@trungking Giống như game bạn mua trên Steam hay Uplay hay Epic... Bạn cũng phải mua lại thôi chứ đem đi đâu được 😁
trungking
TÍCH CỰC
3 năm
@CitaTo Đem đi được tất cả các máy PC khác và các dịch vụ stream khác
Ví dụ cho bác như shadow cũng là game stream nhưng cho đem game của Steam, Uplay, Epic, v.v lên chơi
CitaTo
TÍCH CỰC
3 năm
Ơ, bạn mua trên Stadia là bạn đem lên phone, ipad, thậm chí tivi chơi cũng đc mà. Còn Shadow bạn nói mình lần đầu tiên nghe được có thể mua game ở dịch vụ khác rồi lên Uplay mà tải game về chơi.
lý do ném tiền vào vấn đề không giải quyết dc nó vì tiền không phải là vấn đề.
@Nam Air 10 cái được 1-2 cái là ngon rồi. Đó là quan điểm của người đầu tư.
Kahny La
TÍCH CỰC
3 năm
phải nói là cái title hack não
@Kahny La Tít mà tinh tế thì đã không phải tinh tế
Cười ra nước mắt
Kahny La
TÍCH CỰC
3 năm
@Dr.Son Nói thế hơi nặng lời. Chỉ là k có khả năng diễn đạt bằng văn bản thôi
Ngay từ đầu stadia đã mang lại cảm giác thấy vọng cho người chơi rồi, người dùng bây giờ có quá nhiều lựa chọn để họ cho nhà sản xuất nào đó một cơ hội làm lại. Trải nghiệm ban đầu tệ, youtube reviewer đánh giá tệ là xác định nên đóng cửa luôn sản phẩm, dịch vụ đó luôn đi
Bh có vung tiền hốt các studio thôi. Tầm này GG hay Aamzon và Apple mua về cũng phế, MS đủ tiền mua 😃 và cũng không phế . Sony toàn các anh Nhật buff gà nhà rồi nên đếch cần.
schalke04
TÍCH CỰC
3 năm
Đọc mãi mới hiểu được tiêu đề
@schalke04 em sửa rùi 😔
Google cũng đầy thứ làm dở ẹc: google +, hangout...
zzvilzz
TÍCH CỰC
3 năm
@Jackie Lee 1981 Google+ đúng là hẻo thật nhưng có nhiều cty nó xài Hangouts cho công việc lắm. Đã từng làm với vài cty đến từ Mỹ và gần nửa số đó xài Hangouts vào những năm 2010-2016. Sau đó thì dần chuyển sang Teams
@zzvilzz Bên mình cũng bắt đầu sử dụng Teams từ 2021 nhưng thấy không sướng bằng skype business ngày trước
akb48
TÍCH CỰC
3 năm
dữ án thất bại thứ n của Google, gần đây chỉ thấy có Pixel là thành công
Vụ có quy trình/ công nghệ/ công cụ rồi tưởng là làm sáng tạo nội dung sẽ thành công thì m đã gặp rồi nên không ngạc nhiên khi biết thông tin này. Hehe...dân làm nội dung có máu nghệ sỹ mà mấy nhà quản lý các ngành khác khi coi họ như nhân lực thông dụng là chết chắc!
Không biết Google đã tiêu tốn bao nhiêu cho Stadia, chứ như bài viết thì vài chục triệu hay vai trăm triệu thì thật sự là con số khiêm tốn (chỉ 1 game như GTA5 chi phí phát triển và quảng cáo chắc chắn với con số hàng trăm triệu $). Muốn có đc vị trí trong nghành game thì ngân sách phải tiền tỷ $ và phải mất ít nhất 5-10 năm mới có được thành tựu, đây mới là tiền và thời gian, còn những vấn đề khác như định hướng và quản lý thì bài viết đề cập rồi
Chắc sẽ còn lâu lâu nữa thì các dịch vụ kiểu này mới được phổ cập và đến tay người dùng Vietnam
ronglua83
ĐẠI BÀNG
3 năm
Đẹp đẹp
Ờm, mảng game vốn cạnh tranh gay gắt rồi. Các ông ngoài bộ tam MS, Sony, Nintendo thì cũng lóe lên rồi phai dần. Dự là H2 năm nay sẽ đầy dự án khởi động go cloud của mấy studio.
Vấn đề lớn nhất của Google là giới hạn quốc gia, lãnh thổ.
@JerryKist Này cũng phải chịu thôi bác. Hãng cũng phải tính đến các vấn đề đường truyền, thị trường rồi mới quyết định đặt máy chủ ko, mình từng dùng thử Geforce Now của Nvidia thấy cũng ổn mà vẫn chỉ có ở một vài thị trường.
game hot game trend mấy năm trở lại đây toàn indie. ngoài GOT với sekiro mình chả nhớ được cái tên game nào khác do hãng lớn phát triển. chắc do toàn bom xịt hoặc series vắt sữa bò
Bỏ 20-30 tỉ $ mua steam thì may ra
@Phan Chi Dung 😆 20-30 tỷ. đô thì đơn giản vs đội này lắm.
Chắc phải tuyển các chuyên gia hàng đầu của Sony và Microsoft may ra có hy vọng, chứ Google toàn siêu sao cả nhưng gaming không phải thế mạnh thì cũng chịu thôi.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019