Ống kính T-stop là gì? Tại sao ống kính chụp ảnh vẫn dùng F-stop

Nhà Của Cáo
31/5/2021 10:52Phản hồi: 26
Ống kính T-stop là gì? Tại sao ống kính chụp ảnh vẫn dùng F-stop
Tiếp nối chủ đề về khẩu độ, ở bài fact trước mình đã nói về ký hiệu f-stop (f/2, f/4, f/5.6 …) mà anh em thường thấy, anh em có thể xem lại tại bài viết F-Stop là gì? Trong fact này mình sẽ nói về T-stop, và nó mang lại lợi ích gì cho ngành sản xuất video và điện ảnh.

Tại sao ống kính Cine sử dụng T-stop thay vì F-stop như máy ảnh?

khẩu_T_cine_lens_2.jpg


Một chiếc ống kính cine của Fujifilm - Fujinon Premista 28-100mm.

Lý do lớn nhất khiến ống kính cine sử dụng T-stop thay vì F-stop như ống kính máy ảnh là vì:
  • Lượng ánh sáng đi qua các ống kính T-stop là bằng nhau, và có thể dễ dàng đồng bộ thông số.
  • T-stop là một thông số được tính toán chính xác trên từng ống kính cụ thể, còn F-stop chỉ là một phương trình toán học mang tính lý thuyết.

khẩu_T_cine_lens_1.jpeg
Bên trên là set lens cine prime (1 tiêu cự) khẩu T1.5 và T1.3 thuộc dòng Sumire Prime của nhà Canon. Tại một giá trị khẩu T nào đó thì lượng ánh sáng đi qua các ống kính trên là như nhau. (Ảnh Canon).

t-stop-vs-f-stop-2-1600x1000.jpg
Khi ánh sáng đi qua ống kính sẽ có sự hao hút, lượng ánh sáng hao hụt này của mỗi ống kính là khác nhau.

Cụ thể, vì F-stop chỉ là một phương tình toán học mang tính lý thuyết, lượng ánh sáng đi qua tại một F-stop giữa các ống kính không giống nhau. Còn ống kính T-stop sẽ được tính toán, xác định rõ ràng và đưa ra thông số chính xác, nhầm đảm bảo tại mỗi giá trị khẩu độ T, lượng ánh sáng đi qua giữa các ống kính là bằng nhau.

khẩu_T_cine_lens_4.jpg
Một số trang thông tin, đánh giá ống kính cũng thường sẽ tính ra T-Stop của ống kính ở mục thông số Transmission. Nhà sản xuất ống kính máy ảnh thường không nhắc đến và không đảm bảo sự chính xác của thông số này. (Ảnh DXOmark).

Cho nên nếu không sử dụng ống kính T-stop thì khi quay video và thay đổi ống kính, dẫn tới lượng ánh sáng đi qua không giống nhau, thông số thay đổi, set-up phải thay đổi.

5362832_IMG_7670.jpeg
Một shot quay profile nhẹ nhàng của mình, để anh em dễ hiểu.

Quảng cáo


Bạn có thể hình dung các nhà làm phim thường phải làm việc với nhiều môi trường và bối cảnh khác nhau, mỗi bối cảnh là một set-up ánh sáng khác nhau, rất phức tạp, bên cạnh đó họ cũng phải liên tục thay đổi nhiều ống kính.

Cho nên việc đồng bộ giữa các ống kính là điều cực kì cần thiết, sử dụng các ống kính có cùng lượng ánh sáng đi qua giúp họ kiểm soát thông số được tốt hơn.
khẩu_T_cine_lens_3.jpg
Một set lens cine khác của nhà Leica, có ngoại hình và cân nặng đồng bộ (ảnh Leica).

Chưa kể đến là ngoại hình, kích thước và cân nặng cũng phải đồng bộ, để khi thay lens một set máy nặng sẽ không phải thay đổi trọng tâm, không cần cân máy lại. Điều này tạo ra cái gọi là set lens cine, để hiểu rõ hơn về lens cine và khác lens chụp ảnh như thể nào, mời xem thêm tại đây.


Một set máy nặng nề mà cứ mỗi lần thay lens thì lại phải cân lại, và set lại ánh sáng thì sẽ như một cực hình. (Ảnh Canon)

Tóm lại, các ống kính sử dụng hệ T-stop nhằm mục đích chính là khi cùng một giá trị T-stop thì lượng ánh sáng đi vào cảm biến ở mọi lens T-stop là như nhau.

Quảng cáo



Định nghĩa T-stop là gì?




T-stop với T là viết tắt của ‘Transmission’ (tạm dịch là: truyền qua), T-stop là khái niệm thể hiện chính xác một lượng ánh sáng đi qua ống kính vào tới cảm biến.

Dẫn tới việc cùng một T-stop trên ống kính A sẽ cho lượng ánh sáng đi qua và tới cảm biến BẰNG với lượng ánh sáng đi qua và tới cảm biến của ống kính B.

Ví dụ thông số khẩu độ T4 trên ống kính 50mm T1.5 cũng sẽ cho lượng ánh sáng đi qua bằng với T4 trên ống kính 85mm T1.5.

Để làm ra một chiếc ống kính sử dụng T-stop, sẽ khó hơn, tính toán nhiều hơn và giá chắc chắn sẽ cao hơn ống kính sử dụng F-stop.

Vì sao máy ảnh vẫn dùng ống kính F-stop


[​IMG]
Có hai lý do chính cho việc máy ảnh vẫn dùng f-stop:
  • Khi chụp ảnh, người ta không quan trọng việc thay đổi thông số hay lượng ánh sáng nhiều hay ít hơn giữa tấm ảnh trước và sau. Dù có thay đổi một ít, thì chúng ta cũng dễ dàng khắc phục ở phần hậu kì, từ ngày xưa ảnh phim cũng đã bù trừ dễ dàng rồi.
  • Thứ 2 là ống kính F-stop rẻ hơn T-stop rất nhiều, các hãng máy ảnh cũng không muốn tăng giá ống kính cho một tính năng mà người dùng không cần tới.

Kết


[​IMG]
Lý thuyết là như vậy, nhưng hiện tại các ống kính F-stop dành cho máy ảnh đang dần lấn sân và có khả năng quay video cực kì tuyệt vời. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một ống kính máy ảnh có giá vài nghìn USD, cho khả năng chụp và cả quay video cực kì chất lượng, cho nên các khái niệm trên chỉ có người trong ngành và một số anh em thích tìm tòi quan tâm mà thôi.
26 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

mcjambi
ĐẠI BÀNG
3 năm
F1.5 trên Samsung S9 không giống F1.5 trên ống kính Sony của tui 😁
vitkon
CAO CẤP
2 năm
@mcjambi Cái cảm biến trên điện thoại nó chưa bằng cái móng tay, còn trên máy ảnh nó như cái con tem. Khác nhau là đúng rồi.
@mcjambi Cùng 1 lens zoom, lens L Canon hẳn hoi mà ở tiêu cự khác nhau với cùng 1 khẩu độ thì T cũng khác nhau rồi chứ chưa cần nói là 2 lens khác nhau!
@Brandon T Cùng 1 lens ở 2 tiêu cự khác nhau còn khác nhau mà bác. Mình dùng 16 35 L II cũng gặp thế!
@tranngocminh1990 Uhm. Ví dụ bữa chụp sản phẩm. Vừa thay lens macro ra để cắm con lens thường vào chụp vui. Thì nó sáng cháy. Con lens macro bị mất sáng nặng.
Hay, gigiờ mình mới biết T Stop luôn, cám ơn mod
Giờ mới biết có T, nào giờ chỉ biết có F.
nhd1986
TÍCH CỰC
2 năm
@SoGetSu Mình thì lại ngỡ là dân tinhte đã biết cái này hết rồi.
@nhd1986 Nào giờ có va chạm lần nào đâu mà biết.
mấy cái lens quay phim này đều là 1 gia tài
@nguyenducbinbin Làm gì mà cả gia tài. He he he
image.jpg
Thực ra, theo mình hiểu thì T-Stop thực chất là F-stop nhưng được tính thêm hệ số là Focal Length của ống kính cũng như hệ số truyền qua của tất cả các thấu kính thành phần, nhằm đảm bảo với các ống kính có tiêu cự khác nhau thì lượng ánh sáng đi vào là giống nhau. F-stop chỉ đảm bảo lượng ánh sáng đi vào sensor là giống nhau với 2 ống kính có cùng tiêu cự thôi
Thực ra công thức của F-stop cũng nói lên điều đó rồi, F1.8 của lens 50 sẽ cho Entrance Pupil Diameter = 50/1.8 = 27.78mm, trong khi F1.8 của lens 85 sẽ cho EPD = 85/1.8= 47.22mm . Đó là lý do cùng một F-stop nhưng lens 85mm bạn chụp ảnh thấy "sáng" hơn lens 50mm 😆
Về EPD, mình dùng từ này thay cho kích thước khẩu, bởi vì đây là kích thước của lỗ khẩu đó khi nhìn từ mặt phẳng vật chụp ảnh (object space), chứ không phải kích thước vật lý của lỗ khẩu đó https://en.wikipedia.org/wiki/Entrance_pupil#:~:text=The entrance pupil of the,/2.1) in the dark .
gabeohp91
TÍCH CỰC
2 năm
@Nguyễn Trí Dân hiểu sai bản chất rồi. bài viết đã viết rõ thế kia nhưng mấy bác lại suy luận linh tinh. Bản chất công thức tính F-stop đã là tỷ lệ giữa Focal Lengh / Aperture Diameter, bác lại còn tính thêm cái gì nữa?. T-stop bản chất chính là F-stop thôi. Nhưng F-stop là lý thuyết, còn T-stop là thực tế của F-stop sau khi bị trừ hao vì hệ thấu kính hấp thụ ánh sáng (điều này bài viết đã nói rồi).

Cùng 1 F-Stop thì về lý thuyết thì lens ở tiêu cự nào cũng ra ảnh có độ sáng như nhau cả thôi. Bác nói đường kính lỗ khẩu (EPD) to hơn thu sáng nhiều hơn là sai khi tiêu cự 2 lens là khác nhau, Vì sao? Vì góc thu sáng của 2 lens đã khác nhau rồi. Lens 85 có góc thu sáng hẹp hơn là lens 50 -> lượng sáng đi vào ống 85 luôn nhỏ hơn ống 50. Lỗ khẩu giống như cái van thắt lại, do đó EPD của ống 50 phải bé đi thì mới giúp lượng ánh sáng đến cảm biến bớt đi và tương đương với ống 85. vậy nên F-stop sinh ra chính 1 công thức quy đổi này để đảm bảo lượng ánh sáng cảm biến thu nhận đc là như nhau trên mọi tiêu cự. Nếu 2 ống kính với tiêu cự khác nhau nhưng cùng 1 EPD thì ống 50 mới lớn hơn.
@gabeohp91 Uhm bạn nói đúng, mình hiểu sai rồi, tự gạch 😆) T-Stop cuối cùng là F-Stop và tính thêm transmission của ống kính, chứ bản chất của F-Stop là lượng ánh sáng như nhau bất kể dùng lens khẩu độ là bao nhiêu rồi 😃))
vitkon
CAO CẤP
2 năm
Về lý do cho máy ảnh dùng ống kính vẫn dùng F-Stop, mình nghĩ mod nên nghiên cứu thêm một chút. Máy ảnh và máy quay sử dụng hệ ống kính khác nhau là có lý do của nó:
- Khi chụp ảnh, ngoài độ mở ống kính (f-stop) thì có cả thời gian phơi sáng (time exposure). Người chụp ảnh tính toán lượng ánh sáng theo 2 tiêu chí để ra tấm ảnh "đủ sáng" theo ý đồ nghệ thuật của mình.
- Khi quay phim, người quay phim cơ bản không có lựa chọn về thời gian phơi sáng. Thời gian phơi sáng bị giới hạn bởi tốc độ khung hình/giây (frame per second), nó tương đối ổn định trong cả shot hình. Vì thời gian cố định vậy các ống kính quay phim bắt buộc phải lựa chọn về thông lượng ánh sáng (T-stop) đã được nhà sản xuất tính toán tối ưu cho loại máy quay cũng như định dạng chuẩn của video xuất ra.

Do sự khác nhau về nguyên tắc và sản phẩm cuối cùng, nên máy ảnh và máy quay sử dụng 2 loại ống kính khác nhau. Nó không phải F-Stop là "phương trình lý thuyết", hay là "không quan trọng lượng ánh sáng ít nhiều".
Nói thẳng ra, nếu (cố tình) gắn ống T-Stop lên máy ảnh thì chụp sẽ rất tù, thậm chí không chụp được trong một số trường hợp.
@vitkon Mod viết là đúng rồi đó, bạn mới là người chưa hiểu được vai trò của T-stop. Khi quay ví dụ quay 2 máy ở 2 góc khác nhau thì cần phải đồng bộ về exposure, thì lúc này T-stop phát huy đc vai trò, chỉ cần set 2 T stop là đồng bộ được rồi. Còn nếu cắm 2 lens xài F-stop thì có khi set cùng Fstop nó lại ra 2 exp khác nhau. Đúng là quay phim bị giới hạn tốc độ nhưng bạn quên mất là quay thì còn khống chế được ánh sáng, ko thì Iso, ND filter, còn cái T-stop này thì nó ảnh hưởng đến DOF nên cũng thay đổi trong giới hạn thôi. Còn bạn bảo gắn ống T-stop lên máy ảnh chụp tù, không chụp được là trong trường hợp nào?
hoanlkpr
TÍCH CỰC
2 năm
@vitkon T-stop nó đúng chuẩn ánh sáng với đồng bộ khẩu độ từng ống kính thôi bác giống nhau, do bác ít tiếp cận nên chưa thấy 1 số ống kinh nhảy khẩu lung lung có một số ống có khâu 1.6, T-stop nó chuẩn chung 10 ống tiêu cự khác nhau nhưng exposure của 1 mỗi khẩu như 1 thôi. còn bạn kêu ko chụp dc thì chắc quên tháo nắp lens , chứ cùng ngàm chỉnh dc khẩu độ focus thì ống nào chã chụp dc
tad diatone
ĐẠI BÀNG
2 năm
"Dẫn tới việc cùng một T-stop trên ống kính A sẽ cho lượng ánh sáng đi qua và tới cảm biến BẰNG với lượng ánh sáng đi qua và tới cảm biến của ống kính B.

Ví dụ thông số khẩu độ T4 trên ống kính 50mm T1.5 cũng sẽ cho lượng ánh sáng đi qua bằng với T4 trên ống kính 85mm T1.5."

Câu này hơi khó hiểu.
Theo cách hiểu của tôi, thì lượng ánh sáng đi qua lens 35, 50, 85, .. hay bất kỳ lens nào (s.x với tiêu chuẩn T-stop), là như nhau, ở khẩu độ nhất định bằng nhau của tất cả các lens? Theo đó, thì điều này phụ thuộc khá lớn vào thấu kính, chất lượng quang học của thấu kính và ... nhiều thứ bên trong lens để tạo thành?
@tad diatone Bạn hiểu đúng rồi đó, đó là lý do T-stop đắt, bởi vì quá trình đo đạc cũng như hiệu chỉnh mất thời gian hơn nhiều so với F-Stop lens
Capture.PNG
T hay F cũng chỉ là đơn vị để phục vụ cho các mục đích khác nhau của quay phim và chụp ảnh thôi, chứ nó ko phải là yếu tố làm cho ống kính quay phim mắc hơn và khó chế tạo hơn ống kính chụp ảnh.
hoanlkpr
TÍCH CỰC
2 năm
@tranngocminh1990 F-stop của các hãng chưa chắc đồng đều vs nhau hãng A vs hãng B có thể nhỉnh hay thiếu nữa, cùng tiêu cự 50mm khẩu 2.8 trên ống zoom sẽ thấy nó yếu sáng hơn ống 1 tiêu cự 50 khẩu 2.8 ,dễ nhất là chụp đèn nhiều chỉnh áp profile thấy lệt nếu thay ống, còn để máy ảnh auto thì hãng đã chỉnh rồi ko thấy dc
@hoanlkpr Thì thế đó b, nên phải quy về 1 đơn vị là T-stop để đồng bộ thôi.
Kiến thức hay mod ạ

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019