ROBOT HÚT BỤI CỦA iROBOT SẼ KHÔNG CÒN GẮN NHÃN "MADE IN CHINA"

Eva Adam
7/5/2021 21:48Phản hồi: 0
ROBOT HÚT BỤI CỦA iROBOT SẼ KHÔNG CÒN GẮN NHÃN "MADE IN CHINA"

Công ty Mỹ sở hữu dòng sản phẩm robot hút bụi Roomba dự kiến sẽ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Malaysia để tránh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

iRobot đã cắt đứt quan hệ hợp tác sản xuất với công ty Hồng Kông Kin Yat vì tác động của chiến thanh thương mại Mỹ - Trung.

Kin Yat là công ty hợp tác với iRobot trong phát triển và sản xuất dòng robot hút bụi Roomba. Theo đó, iRobot đã chuyển dần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Julie Zeiler, phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc tài chính của iRobot cho biết: "Kế hoạch tăng đáng kể sản lượng của chúng tôi ở Malaysia trong năm nay đang tiến triển tốt. Vào cuối năm 2021, chúng tôi ước tính dây chuyền sản xuất ở Malaysia sẽ đáp ứng phần lớn các yêu cầu sản lượng ở Bắc Mỹ trong năm 2022".

Với thay đổi mới nhất, công ty tự tin có thể tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Trung Quốc hiện tại và giảm thiểu các rủi ro địa chính trị khác khi sản xuất robot tại Trung Quốc.

Zeiler tiết lộ, Washington đã khôi phục mức thuế 25% đối với robot Roomba nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu năm 2021. Nếu như không thay đổi nơi đặt dây chuyền, chi phí có thể tăng thêm 3,4 triệu USD trong ba tháng đầu năm.

Việc iRobot chuyển địa điểm sản xuất robot hút bụi cho thấy, an ninh và các vấn đề địa chính trị ảnh hưởng rất lớn đến các công ty công nghệ, đặc biệt khi các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc luôn bị đặt nghi vấn gắn thiết bị theo dõi.

Hôm 4/5, nhật báo Nikkei đưa tin cho biết, NTT, hãng viễn thông lớn nhất Nhật Bản đã bắt đầu hạn chế việc sử dụng drone của DJI, hãng sản xuất thiết bị bay không người lái hàng đầu của Trung Quốc và trên thế giới và hiện đang nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ.

Bản thân Kin Yat đã và đang mở rộng sang Malaysia. Báo cáo thường niên của công ty đã ghi nhận việc chuyển địa điểm sản xuất động cơ cho một khách hàng Hàn Quốc giấu tên. Ngoài ra công ty cho biết sẽ xem xét mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á, bao gồm cả Myanmar nhằm giảm tác động bất lợi của tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Khi được hỏi tại sao cơ sở sản xuất ở Malaysia của Kin Yat không được xem xét trong cuộc đàm phán với iRobot, đại diện công ty chia sẻ với tờ Nikkei rằng, các nhà máy của họ ở Đông Nam Á không nhằm phục vụ sản xuất robot hút bụi nên không phù hợp để làm nơi sản xuất robot cho iRobot.

Sự phụ thuộc của Kin Yat vào iRobot là rất lớn. Thời điểm kết thúc năm tài chính vào tháng 3/2019, doanh thu từ sản xuất robot cho iRobot đã chiếm tới 65% tổng doanh thu, tương đương 342,47 triệu USD. Con số này đã giảm xuống chỉ còn 218 triệu USD vào năm 2020. Kin Yat cho biết, iRobot là một trong những khách hàng lớn của công ty và chiếm tới 55% tổng doanh thu tính tới tháng 3/2020. Công ty bắt đầu hợp tác với iRobot để phát triển và sản xuất Roomba vào năm 2007.

(Theo Nikkei)
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019