Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Máy tạo Oxy tại nhà là gì? Lưu ý gì khi sử dụng? Máy tạo Oxy có phải là máy thở không?

Nam Air
9/8/2021 16:26Phản hồi: 72
Máy tạo Oxy tại nhà là gì? Lưu ý gì khi sử dụng? Máy tạo Oxy có phải là máy thở không?
Có lẽ với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, một số anh em lo xa đã chuẩn bị các máy tạo Oxy cá nhân để phòng bất trắc. Mình xin dịch bài viết từ FDA Hoa Kỳ về máy tạo Oxy và máy đo nồng độ Oxy trong máu SpO2.

Nội dung bài từ nguồn này: Pulse Oximeters and Oxygen Concentrators: What to Know About At-Home Oxygen Therapy

Nội dung bài này dưới dạng đọc / video:


// Bắt đầu bài dịch

“Đưa vào người quá nhiều hoặc quá ít oxygen đều nguy hiểm."

Hãy tham vấn với bác sĩ trước khi sử dụng máy đo nồng độ Oxy trong máu và máy tạo Oxy tại nhà”


Con người cần có Oxy để tồn tại, phổi sẽ đưa Oxy vào máu đi khắp cơ thể. Đôi khi lượng Oxy trong máu tụt xuống thấp hơn ngưỡng bình thường. Các bệnh như suyễn, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn, cúm, Covid19 vv có thể là nguyên nhân khiến lượng Oxy trong máu sụt giảm. Khi nồng độ Oxy trong máu giảm xuống quá thấp, ta cần phải bổ sung Oxy cho cơ thể.

Một trong những cách bổ sung Oxy cho cơ thể là dùng máy cô đặc Oxy (máy tạo Oxy). Máy tạo Oxy là dụng cụ y tế, chỉ bán và sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Bạn không nên sử dụng máy tạo Oxy tại nhà nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý dùng Oxy không qua tham vấn có thể gây hại cho cơ thể. Bạn có thể đưa vào người quá nhiều hoặc quá ít Oxy.

Tự dùng máy tạo Oxy có thể dẫn đến các hệ quả sức khỏe nghiêm trọng ví dụ như nhiễm độc Oxy. Với các bệnh nhân Covid19, việc cung cấp Oxy tại nhà có thể làm chậm quá trình cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến diễn tiến bệnh.

Không khí bạn thở có 21% là Oxy, hít thở Oxy liều lượng cao có thể gây hư hại phổi. Ngược lại, nếu cơ thể không nhận đủ Oxy có thể ảnh hưởng đến tim, não và các cơ quan nội tạng khác.

Nếu bạn cần điều trị Oxy, tốt nhất nên tham vấn với bác sĩ về liều lượng sử dụng, thời gian sử dụng để tránh tác hại.

Những điều cần biết về máy tạo Oxy tại nhà

Quảng cáo


Máy tạo Oxy tại nhà sẽ lấy không khí trong phòng, loại bỏ khí Ni tơ và cho ra Oxy với nồng độ cao, dùng để điều trị y tế.

Máy tạo Oxy có nhiều kích cỡ to nhỏ và giá tiền khác nhau. Vào thời điểm này, FDA chưa phê chuẩn cho máy tạo Oxy nào với mục đích sử dụng tại nhà mà không có toa bác sĩ.

  • Khi dùng máy tạo Oxy hoặc bình Oxy: Lưu ý tránh xa lửa, tia lửa.
  • Để máy nơi thoáng đãng, tránh hiện tượng máy bị quá nhiệt.
  • Không được chặn các van hay cửa gió trên máy.
  • Kiểm tra thông tin trên máy để đảm bảo lượng Oxy cung cấp ra đủ dùng.

Nếu bạn được chỉ định điều trị bằng Oxy nồng độ cao, hoặc có triệu chứng Covid19, cần tham vấn với bác sĩ trước khi điều chỉnh liều lượng Oxy từ máy tạo Oxy.

Máy đo nồng độ Oxy cá nhân là gì?


Máy đo nồng độ Oxy cá nhân (SpO2 - pulse oximeter) là thiết bị thường kẹp vào đầu ngón tay, máy sẽ dùng ánh sáng đo nồng độ Oxy trong máu.

Máy đo bằng ánh sáng nên có thể xảy ra hiện tượng đo không chính xác. Còn tùy thuộc vào màu da, độ dày của da, nhiệt độ da, hút thuốc, sơn móng tay vv cũng đều có thể ảnh hưởng đến kết quả đo. Các máy đo nồng độ Oxy cá nhân hiện nay đều chưa được FDA phê duyệt cho mục đích y tế, kết quả đo chỉ có giá trị tham khảo.

Quảng cáo


Nếu bạn dùng máy đo nồng độ Oxy và thấy kết quả đáng ngại, cần liên lạc với bác sĩ. Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả từ máy đo. Cần phài xem xét thêm triệu chứng và cảm nhận của cơ thể, cần liên lạc với y tế nếu triệu chứng của bạn trở nên xấu đi.

Để đạt kết quả đo nồng độ Oxy tốt nhất, cần lưu ý:

  • Cần tham vấn với bác sĩ về số lần đo, thời gian đo thích hợp.
  • Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thiết bị đo.
  • Khi kẹp máy đo nồng độ Oxy, chú ý để tay ấm, thư giản, bàn tay thấp hơn tim. Ngón tay không sử dụng sơn móng.
  • Ngồi yên, không cử động cánh tay có gắn máy đo.
  • Chờ vài giây đến khi số hiện trên máy đo đứng yên, không dao động.
  • Ghi lại số Sp02, thời gian đo, để tham chiếu với lần đo sau.

Một số biểu hiện của thiếu Oxy trong máu:

  • Da mặt xanh, môi tái, móng tay tái xanh.
  • Hơi thở ngắn, khó thở, ho kéo dài không cải thiện.
  • Bồn chồn, kém thoải mái.
  • Đau tức ngực, thắt ngực.
  • Nhịp tim cao bất thường.
  • Lưu ý rằng nhiều người có nồng độ Oxy trong máu thấp nhưng lại không có các biểu hiện trên.

// Hết bài dịch.
14-2.jpeg
Một ví dụ về máy tạo Oxy

Trên đây là bài dịch của mình từ nguồn FDA, ở Việt Nam hiện nay thì tình hình dịch bệnh căng thẳng nên chắc sẽ có anh em mua máy tạo Oxy phòng xa. Anh em đọc bài và tham khảo, lưu ý trước khi dùng máy cố gắng tham vấn với bác sĩ nhé anh em.

Vậy Máy tạo Oxy có phải là Máy thở không?


Máy tạo Oxy là Oxygen concentrator, máy thở là Ventilator, máy tạo Oxy không phải là Máy thở.

Máy tạo Oxy chỉ đưa Oxy ra ống hoặc mũ chụp, người dùng phải chủ động hít thở Oxy vào người.
Máy thở thì sẽ có thiết bị chủ động đưa không khí vào phổi người sử dụng. Và máy thở sẽ có 2 loại là xâm lấn và không xâm lấn.

Máy thở không xâm lấn (NIV - Non Invasive Ventilaton)

Non-invasive-ventilation.jpeg

Thường đi kèm theo một mũ chụp lên mặt, mô tơ bơm hoặc bóng thở sẽ hỗ trợ người mang máy thở dễ dàng hơn. Khi áp dụng chế độ thở này bắt buộc bệnh nhân phải tỉnh táo và cơ hô hấp còn hoạt động được và tránh được phải dùng máy thở xâm lấn, có thể gây nhiều biến chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân.

20200421_body_3.jpeg

Máy thở xâm lấn là hình thức thông khí nhân tạo qua nội khí quản hoặc mở khí quản, phương thức này áp dụng cho bệnh nhân không tự thở được. Máy thở xâm lấn được chỉ định trong hầu hết các suy hô hấp cấp, khi bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp do chấn thương đụng dập phổi, do đuối nước vv…

Việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.

Máy thở không phải là dụng cụ y tế cá nhân, gần như không thể sử dụng máy thở hiệu quả tại nhà nếu không có chuyên môn.

Theo Bộ Y Tế:

Chuyên gia của Bộ Y tế đã có cảnh báo việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Hơn nữa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành (Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/en/web/guest/-/6847426-5942).

Bên cạnh đó nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến, còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.

///===

Trên đây là tổng hợp của mình, quyết định mua máy hay không là do bản thân và hoàn cảnh mỗi người anh em nhé!

Mến chúc anh chị em khỏe mạnh, vượt dịch an toàn! Mến chúc anh em chẳng bao giờ phải cần đến các thứ máy này!!!

Cập nhật: Một người bạn bác sĩ đang công tác chống dịch nhắn với mình: "có một thực tế cần lưu ý là máy tạo oxy tại nhà nó có cái khuyết điểm rất lớn là nếu anh set nó ở 1-2 L/phút, thì cái chất lượng oxy nó cao, từ 90% trở lên, nhưng từ 3-4-5L/ph thì nó sẽ bị giảm xuống, nên có trường hợp bệnh nhân thở 5L/phút bằng máy tạo oxy tại nhà lại không khoẻ không cải thiện bằng bệnh nhân thở 3L/phút bằng bình oxy nén."

Kết luận là nên kiểm tra kỹ ở các mức công suất cao, ví dụ 5L/ phút thì chất lượng Oxy thế nào, 7L/ phút thì chất lượng Oxy thế nào, nếu chỉ còn thấp dưới 90% thì cái máy đó không có tác dụng nhiều.
72 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hôm bữa mình cũng nghĩ tới việc mua dự phòng, mà thấy hại nhiều hơn lợi nên thôi
@1920x1080 bác sĩ nào nói bạn thế, cho mình xin info
hacrot3000
TÍCH CỰC
3 năm
@Duy Luân "có một thực tế cần lưu ý là máy tạo oxy tại nhà nó có cái khuyết điểm rất lớn là nếu anh set nó ở 1-2 L/phút, thì cái chất lượng oxy nó cao, từ 90% trở lên, nhưng từ 3-4-5L/ph thì nó sẽ bị giảm xuống, nên có trường hợp bệnh nhân thở 5L/phút bằng máy tạo oxy tại nhà lại không khoẻ không cải thiện bằng bệnh nhân thở 3L/phút bằng bình oxy nén."

Nếu đúng thì cần mua 3-5 cái máy, thực tế khi cần dùng 3L-4L thì lắp 3 cái vào 😁
@hacrot3000 cái này mình không biết, không dám bàn :D này mình không biết gì
hacrot3000
TÍCH CỰC
3 năm
@Duy Luân Giỡn thôi mà bác, tuy nhiên thực sự thì dùng máy tạo oxi trước hết cần bác sỹ khám và chẩn đoán, còn khi đã có y lệnh và rõ bệnh rồi thì dùng dễ thôi. Trước đây bà ngoại mình cũng phải dùng, khi đã quen rồi thì không cần bác sỹ cũng tự biết lúc nào nên dùng lúc nào không.
Nhưng covid thì nhiều thông tin mông lung, kinh nghiệm "thực chiến" không mấy ai có nên có máy chưa chắc đã giải quyết được vấn đề.
Lép1102
ĐẠI BÀNG
3 năm
Sao clip này a nói chuyện thở dữ vậy a Nam 😦😦😦
@Lép1102 Không thở là chết đó
@Lép1102 Thể hiện đúng tính chất của bài: thiếu oxi 🙄
Thank anh
KㅤEㅤN
ĐẠI BÀNG
3 năm
Có 2 mặt của vấn đề:

- Ko trang bị máy thở cá nhân: hiện trạng BV quá tải đa phần vì thiếu máy thở, vậy trong trường hợp nguy cấp, bệnh trở nặng mà ko có 1 ai đến đưa đi điều trị theo đúng quy trình, lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra?

- Trang bị máy thở: dù ko đc khuyến khích nhưng chí ít cũng cứu đc mạng sống lúc nguy cấp, tránh phụ thuộc vào hệ thống y tế đã & đang quá tải.

Mình theo dõi mấy ngày qua trên FB thì thấy hiện giờ đa phần mọi người đều chọn cách tự trang bị mọi vật dụng, thuốc men... để tự điều trị tại nhà. Thấy cảnh ở BV với khu cách ly, người sống nằm cạnh người chết, thiếu đủ thứ trang thiết bị chỉ có nằm chờ chết... thì ai cũng sinh ra tâm lý đề phòng thôi.

Mình ko hề muốn suy nghĩ tiêu cực trong giai đoạn này, nhưng sự thật là sự thật... hệ thống y tế đang quá tải! Nếu có điều kiện nên sắm 1 máy thở tại nhà & tham khảo kĩ ý kiến tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn để đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào!
vtkhang
ĐẠI BÀNG
3 năm
@confidential17 ý bạn ấy là chuẩn bị được gì thì chuẩn bị dù có thể ko hiệu quả thôi, chứ cái máy thở thực thụ phải có bác sĩ HSTC mới dùng dc.
KㅤEㅤN
ĐẠI BÀNG
3 năm
@confidential17 Mình đã tham khảo rồi, mình cũng đọc nhiều bài viết về vấn đề này chứ ko chỉ 1 bài này. Ý mình như bạn @vtkhang đã nói bên trên. Hãy chủ động chuẩn bị mọi thứ trong khả năng... khi còn có thể. Mình ko có thói quen nhìn mọi thứ màu hồng, hy vọng nhiều thì thất vọng càng lớn. Cơn bùng dịch lần này chắc chắn ko thể ổn cho ít nhất 1 năm nữa, đó là quan điểm của mình.
KㅤEㅤN
ĐẠI BÀNG
3 năm
@cuhiep Đồng quan điểm với bạn, và cũng nên có cái nhìn đa chiều chứ ko nên chỉ nghe theo báo đài. Kiến thức bao la mà Google thì luôn miễn phí, đọc từ nhiều nguồn rồi sàng lọc tự đưa ra quyết định có lợi cho bản thân & gia đình trước. Vào lúc này bản thân mình ổn, gia đình mình ổn đã là góp phần cho xã hội rồi.
@KㅤEㅤN Mình xem tivi thấy ngân hàng (quên mất tên) tặng 1BV TP HCM 40 cái máy thở họ tự mua về của Đức, giá 1 tỉ/01 máy; vậy chỉ đại gia mới có tiền trang bị máy thở thôi.
Mà máy thở này thấy rất phức tạp, phải có BS mới biết mình thở ra sao để set chế độ. Chứ cứ mua về là tự thở đc đâu.
Nên mình nghĩ bạn phân tích kỹ hơn về "máy thở" cũng như tham khảo cách sử dụng rồi hãy khuyên mọi người mua máy thở chứ nhỉ...
vtkhang
ĐẠI BÀNG
3 năm
NIV hình minh họa dành cho những người bị triệu chứng ngưng thở lúc ngủ chứ ko phải máy thở oxy.
Bố mình bị COPD nên nhà có cả máy tạo oxygen lẫn BPAP
NgoHaiLong
ĐẠI BÀNG
3 năm
@THIENGBP Bạn viết một bài về kinh nghiệm của bạn khi sử dụng tại nhà cho người thân được không? Đây là kinh nghiệm quý giá cho cho mọi người đó.
@NgoHaiLong Thường thì khi nào cảm thấy khó thở sẽ dùng máy đo SPO2 để kiểm tra nồng độ Oxy trong máu, nếu dưới 85% thì sẽ thở Oxy còn khi xuống dưới mức 70% thì dùng máy BPAP để hỗ trợ thở. Giờ thì bố mình quen rồi, khi nào mệt thì lắp máy vào thở thôi chứ nhiều khi cũng chẳng cần đo cũng biết
functionlake
ĐẠI BÀNG
3 năm
Mình nghĩ trong tình huống các cơ sở y tế ở địa phương quá tải dẫn đến người bị khó thở không được cấp cứu kịp thời, việc sử dụng máy tạo oxy cũng không phải là lựa chọn tồi cho những ai có điều kiện, dĩ nhiên tùy thuộc vào tình trạng người bệnh, mà làm sao biết được ngày mai thế nào. Mình có thể kéo dài thêm thời gian, thời gian là vàng, thêm được bao nhiêu thì thêm, trước khi được cấp cứu. Cơ thể người bệnh cần thêm thời gian để hồi phục khi phổi bị tổn thương, hít thở khí giàu oxy cũng giúp nồng độ oxy trong máu bình thường trở lại, duy trì dấu hiệu sinh tồn. Tóm lại, có điều kiện thì cứ mua thôi, chắc chắc nó rẻ hơn cái mạng của mình. Nếu mình may mắn chưa bị thì có thể giúp hàng xóm.
vtkhang
ĐẠI BÀNG
3 năm
@functionlake ah, cái này như ad cũng nói phải dùng đúng. Thực ra cách thở trong tình huống khó thở như của suyễn, COPD rất quan trọng: Hít vào dc mà thở ra ko dc, nên bình tĩnh thở chậm vào ra từ từ, ra nên ra càng hết càng tốt (coi cách hướng dẫn của bs Trương Hữu Khanh), máy thở oxy chỉ hiệu quả lúc này, cộng thêm thuốc uống điều trị triệu chứng, nếu may sẽ qua. Trở nặng thì buộc phải đặt nội khí quản, dùng máy thở thực thụ.
@functionlake cho thở máy tạo oxy chưa chắc là sống nha bạn, ống nước đang tắc mà bạn cứ bơm nước vô thì nước cũng ko chảy đi ra đâu
mtcn4ever
ĐẠI BÀNG
3 năm
@confidential17 Trong trường hợp phổi bị tổn thương nhưng chưa hoặc không tràn dịch thì máy tạo Oxy luồng ~ 5L/phút với độ tinh khiết >90% giúp được rất nhiều bạn nhé!
Chưa hẳn trường hợp nào phổi cũng bị tắc như vòi nước mà bạn đang ví von đâu! Cho thở máy Oxy chưa chắc là sống, nhưng trong trường hợp 1 bệnh nhân có thể sống nếu kịp thời được cung cấp đủ oxy tinh khiết thì...
Việt Nam dân trí thấp đến chữa bệnh cũng theo trend. Máy thở chỉ dùng trong bv cũng đú mua về nhà tự dùng. Lại thêm ông nhà nước toàn lũ ăn hại. Covid là virus cần chữa triệu chứng gấp giống cảm cúm, HiV ức chế virus thì lại tuyên dương dùng thuốc dược liệu ( thuốc nam) để chữa. Toàn phát minh ngược với thế giới. Toàn lũ tiến sỹ giấy, giáo sư chạy = tiền có khác. Ko thấy phát minh nào lên tầm thế giới vẫn là tiến sỹ, giáo sư. Cứ thấy người gốc Việt nào có tầm là nhận sang bắt quàng làm họ. Thời buổi này quan trọng là hệ thống giáo dục, dân trí. Có còn là phong kiến ngu dân đâu mà quan trọng dòng dõi. Xô đổ chế độ phong kiến và lập nên chế độ phong bì có khác
@vtkhang Xin lỗi bạn vợ tôi làm trực tiếp trong phòng nghiên cứu vắc xin lẫn kip thử nhanh của VN đợt 2019 bạn nhé. Số 1 Nghiêm Xuân Yêm ấy. Làm tốt công tác chống dịch là làm gì?? 30/4-1/5 cả châu á bùng phát dịch nhưng vẫn cho dân nghỉ đi máy bay khắp nơi... vì đại hội đảng, 1 cái bầu cho có khi bọn tôi ai cũng biết kết quả bầu từ 6 tháng trước rồi =)). Nên ko phong toả sân bay. Nếu bạn chịu khó quan tâm đến tình hình kinh tế xã hội. Bạn đocj lại những phát ngôn chống dịch của ông Đam, của những người của Đảng xem... như 1 trò hề. Khi may mắn chống dc dịch thì là công lao của Đảng chỉ đạo, còn khi dịch bùng phát là do ý thức người dân kém. Vậy nói rõ xem ý thức người dân dc hình thành do đâu nào? Không phải do hệ thống giáo dục, chế tài pháp luật, do hệ thống truyền thông ư? Tôi chưa từng thấy cái gì tốt đẹp, đúng đắn, tiến bộ mà cần cấm tự do truyền thông như Tầu, Việt Nam, Triều Tiên ... cả. Hãy tìm thử xem có kip test nhanh Việt Nam sản xuất bán ở đâu ko nhé. Năm ngoái kêu sản xuất dc và xuất khẩu ấy =))
@quangnguyen333666 tiếp tục hóng cho nanocovax
Cười ra nước mắt
Congcu
CAO CẤP
3 năm
@quangnguyen333666 GS TS giấy là có thật, nhưng ko nên đánh đồng hết họ. Nếu bạn làm việc liên quan KHKT, như một nhà khoa học thì bạn sẽ hiểu họ, khá nhiều % sống cống hiến vì khoa học. Sở dĩ có ít công trình quốc tế vì cơ sở hạ tầng yếu kém, tiền ít, hệ thống hỗ trợ kém (vd việc tiếp cận các bài báo, hội nghị quốc tế, phần mềm bản quyền đặc đụng, etc.) Nếu không đứng được lên vai người khổng lồ thì không bao giờ có công trình “cạnh tranh” với nước ngoài được. Nếu làm cái cơ bản thì ko ai cho tiền, nếu làm cái cao siêu thì ko đủ phụ trợ, cũng mo đủ tiền nốt.
huybinh
ĐẠI BÀNG
3 năm
Mình đã đặt mua 1 máy 5L nhập dự phòng, không cần thiết nhưng lỡ trong xóm có chuyện thì lấy cho bà con xài !
@pisnguyen Lúc mua máy phải xem kĩ là ở mức công suất 5l-7l-9l/min thì tỉ lệ oxy nó còn bao nhiêu %... nhiều máy dỏm nó quảng cáo cho cố mà ở mức tối đa nó còn có 2x % thì chả khác gì ngồi hả họng trước cái quạt...
WhatsApp Image 2021-08-10 at 12.42.47.jpeg
pisnguyen
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Koma Satomi chuẩn đấy bác. Vấn đề quan trọng là phải biết đc máy nào cho ra đúng chuẩn dùng cho y tế, và lượng oxy với nồng độ thực tế đúng như công bố sản phẩm.
Máy này đc gọi là Thiết bị y tế thì phải tuân theo tiêu chuẩn y tế và phải đc Y tế chỉ dẫn mức phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, ko thể tự xài đc đâu.
mtcn4ever
ĐẠI BÀNG
3 năm
@pisnguyen Bạn muốn biết máy có đúng chuẩn Thiết bị Y tế không thì bạn yêu cầu người bán cung cấp: "giấy phân loại công bố thiết bị Y tế" của sản phẩm!
Còn muốn tìm hiểu về thông số của máy và công dụng, mình có bài viết sau:
Lưu ý quan trọng về việc sử dụng và lựa chọn máy thở Oxy:
1. Sử dụng:
- Máy tạo và thở Oxy chỉ phát huy hiệu quả điều trị CoVid-19 đối F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tới trung bình. Việc sử dụng máy thở Oxy để điều trị phải được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ xa của Bác sĩ.
- Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân lập tức phải được đưa đến bệnh viện. Máy thở Oxy lúc này chỉ có thể hỗ trợ duy trì tình trạng tốt nhất có thể cho bệnh nhân đến khi được tiếp nhận chữa trị từ cơ sở y tế, hoàn toàn không có tác dụng chữa trị hoặc cải thiện tình trạng sức khoẻ, đừng cố gắng trì hoãn thời gian!
2. Chọn máy tạo và thở Oxy phù hợp:
- Lưu ý quan trọng nhất cần hiểu: Bệnh nhân COVID cần nồng độ Oxy cao hơn 90% với lưu lượng ít nhất 3-5L/phút và trên 10L/phút khi bị suy hô hấp cấp tính. Cung cấp nồng độ Oxy trên 90% là BẮT BUỘC!
- Các loại máy tạo và thở Oxy cho gia đình trên thị trường:
a) Máy tạo Oxy nhỏ, thích hợp cho bệnh nhân COPD (phổi tắc nghẽn, khó thở mạn tính - cần Oxy 24h bất kể tình trạng nào): dòng máy này có thể điều chỉnh từ 1-9L/phút, nhưng nồng độ Oxy tinh khiết cao hơn 90% chỉ đạt được ở lưu lượng thấp từ 1L đến 2L trên phút. Khi chúng ta tăng lưu lượng lên cao hơn 1L/phút (hoặc 2L/phút), nồng độ Oxy giảm xuống còn khoảng 30%. Vì vậy, những loại máy này phù hợp với bệnh nhân COPD, nhưng không phù hợp với bệnh nhân COVID.
b) Máy tạo Oxy trung bình: có thể dễ dàng tạo ra lượng Oxy tinh khiết có nồng độ cao hơn 90% ở lưu lượng từ 1L đến 5L trên phút (phù hợp cho bệnh nhân COVID có triệu chứng nhẹ đến trung bình).
c) Máy tạo Oxy lớn: có thể dễ dàng tạo ra lượng Oxy tinh khiết có nồng độ cao hơn 90% ở lưu lượng từ 1L đến 10L trên phút (lý tưởng cho bệnh nhân COVID và cho bệnh nhân nặng khác - hoặc cho 2 bệnh nhân sử dụng cùng lúc với các phụ kiện phù hợp).
*** Để chọn đúng loại máy phù hợp, điều kiện quan trọng nhất là đảm bảo máy có thể cung cấp được Oxy tinh khiết có nồng độ cao hơn 90% ở mức lưu lượng cao nhất không thấp hơn 5L/phút.
3. Khuyến nghị lựa chọn máy tạo và thở Oxy:
- Đối với gia đình nhỏ, không có nhiều hơn 1 người cao tuổi, máy 5L/phút (Oxy tinh khiết cao hơn 90%) có thể đủ dùng.
- Đối với gia đình lớn hoặc có nhiều hơn 2 người cao tuổi, máy 10L/phút (Oxy tinh khiết cao hơn 90%) có thể đủ dùng, vì nó có thể hỗ trợ 2 bệnh nhân cùng lúc nếu có nhu cầu. Ngoài ra, máy còn có thể hỗ trợ người cao tuổi trong quá trình chăm sóc quan trọng tại nhà nếu phát sinh nhu cầu.
4. Khuyến nghị sử dụng máy tạo và thở Oxy:
- Người lớn (không triệu chứng): có thể không cần hoặc cần lưu lượng Oxy tinh khiết ít hơn 5L/phút để duy trì độ bão hòa Oxy trong máu trên 94% (SPO2).
- Người lớn (triệu chứng nhẹ đến trung bình): nhu cầu Oxy tinh khiết có thể được đáp ứng bằng máy tạo Oxy có lưu lượng 5L - 10L/phút tại nhà DƯỚI SỰ GIÁM SÁT Y TẾ, với mục tiêu giữ độ bão hòa Oxy trên 94%. Nếu SPO2 vẫn tiếp tục giảm xuống dưới mức 94%, phải gọi ngay cho cơ quan Y tế gần nhất để nhập viện và nhận được sự chăm sóc Y tế thích hợp!
- Người lớn (triệu chứng nặng): vui lòng KHÔNG DỰA VÀO MÁY TẠO OXY ĐỂ TỰ ĐIỀU TRỊ, bệnh nhân cần phải được đưa đến bênh viện, máy thở Oxy lúc này chỉ đóng vai trò trong việc hỗ trợ, giữ cho tình trạng bệnh nhân không chuyển biến xấu quá nhanh trước khi nhập viện "an toàn", hoặc di chứng sau khi đã điều trị khỏi bệnh thành công!
*** Lưu ý: các khuyến nghị trên chỉ dành cho người lớn nói chung), chúng không áp dụng cho trẻ em, phụ nữ đang mạng thai hoặc người lớn có bệnh nền!
#CoVid19 ,
#may_tho_dieu_tri_CoVid_19 ,
#may_tao_oxy ,
#may_tho_oxy ,
#may_tho_cho_f0_khong_trieu_chung
#OVMED_0989988212
pisnguyen
ĐẠI BÀNG
3 năm
@mtcn4ever Cảm ơn thông tin chi tiết của bác.
Cái này đúng là cái mình nghĩ nên bổ sung vào bài viết gốc, vì nếu ko nắm rõ sẽ dẫn đến việc mua đại 1 máy theo quảng cáo và nghĩ là khi bị covid khó thở mà ó máy rồi thì sẽ ko sao.
Dạo quanh các seller chào hàng, máy 5L bèo bèo cũng 8tr, máy 7L 9L toàn hơn 10tr, có loại gần 20tr. Ko nắm rõ cách dùng và liều lượng cần thiết, rất dễ vì thấy loại 5L 7L giá rẻ hơn mà mua về ko đúng yêu cầu bệnh, lại khiến mạng sống thêm nguy cấp.
M43-nhl
TÍCH CỰC
3 năm
Nếu sợ F0 thiếu ô xy (tại nhà) thì cách dự phòng rẻ nhất là trữ 1 bình ô xy (ô xy y tế nhé, to cỡ bình cứu hỏa), hết đi đổi bình như đổi gas, 1 bình thở cũng vài chục phút đến hàng giờ, tùy lượng ô xy xả để sử dụng . Cách sử dụng để thở giống y như dùng ô xy từ cái máy tạo ô xy mà rẻ hơn nhiều (tất nhiên là với máy tạo ô xy thì trước tiên cần vận hành máy).

Cả 2 nguồn ô xy nói trên chỉ hữu ích với F0 có thể tự thở được. Bị nặng hơn phải có máy thở hỗ trợ thở mới được.
hoang_geo
ĐẠI BÀNG
3 năm
@mtcn4ever Mình cũng có hỏi bạn mình, thì nói máy này quảng cáo vậy thôi nhưng oxy chỉ được khoảng 90% thôi. Nói chung là an tâm về tâm lí, và có thể dùng cho trường hợp nhẹ thôi ạ. Còn lại phải vào viện hết bác ạ.
hoang_geo
ĐẠI BÀNG
3 năm
@mtcn4ever Cảm ơn hướng dẫn của bác chi tiết quá.
@mtcn4ever cám ơn bác, thông tin rấc bổ ích!
Newsolder
ĐẠI BÀNG
2 năm
@mtcn4ever Bác này tư vấn chuẩn nhất này. Tôi đã mua 2 máy 5 lít cho Sài gòn và Hà nội và kinh nghiệm của tôi là dựa theo thông tin trên trang công khai đấu thầu của Bộ y tế mà mua theo để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật chứ nhiều hàng dỏm quảng cáo tràn lan trên thị trường rất khó phân biệt.
Ở ngoài người ta chỉ bán máy đo nồng độ OXY trong máu thôi. Chứ máy tạo oxy thì chắc phải được bộ y tế cấp phép mới cho dùng. Nghe thấy oxy lại nghĩ đến bắt lửa, dễ gây cháy nổ nếu không đề phòng
Có ông bạn nhờ NK máy thở không xâm lấn 1000 bộ, giá ncc bán 250USD/bộ (CIF VN) nhập về Vn bán rẻ nhất cũng 1K😃
tuan8888
ĐẠI BÀNG
3 năm
khi covid xâm nhập vào cơ thể bạn nó sẽ tấn công phổi của bạn làm giảm thiểu chức năng chính của lá phổi là lọc, lấy oxy trong không khí đi nuôi dưỡng cơ thể của bạn. Oxy trong không khí chiếm tỷ lệ khoảng 20% với lá phổi khoẻ mạnh thì việc lọc lấy là không thành vấn đề nhưng khi nó bị suy yếu thì khả năng cung cấp oxy cho cơ thể sẽ kém hẳn đi. lúc này cần các biện pháp cung cấp oxy trực tiếp cho cơ thể vừa giảm tải cho phổi vừa duy trì lượng oxy cần thiết cho các bộ phận khác của cơ thể tránh tình trạng suy đa tạng. Vì vậy mình nghĩ có máy tạo oxy ở trong nhà cũng rất có tác dụng, rất hữu ích cho rất nhiều trường hợp!
Thừa tiền thì cứ sắm một cái máy tạo oxy, không dùng đợt này thì dùng vào đợt khác, rừng chặt hết rồi tương lai oxy sẽ giảm,giống như đường ống dẫn nước bị yếu, bạn có máy hút về nhà bạn,
@Duy Phạm dinh Phát biểu linh tinh cái gì vậy bạn?
Kinh vãi
Lovetech36
TÍCH CỰC
3 năm
Nhiều người chả hiểu gì chỉ được dư tiền mua về. Vừa lang phí vừa làm loạn thị trường.
mtcn4ever
ĐẠI BÀNG
3 năm
Lưu ý quan trọng về việc sử dụng và lựa chọn máy thở Oxy:
1. Sử dụng:
- Máy tạo và thở Oxy chỉ phát huy hiệu quả điều trị CoVid-19 đối F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tới trung bình. Việc sử dụng máy thở Oxy để điều trị phải được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ xa của Bác sĩ.
- Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân lập tức phải được đưa đến bệnh viện. Máy thở Oxy lúc này chỉ có thể hỗ trợ duy trì tình trạng tốt nhất có thể cho bệnh nhân đến khi được tiếp nhận chữa trị từ cơ sở y tế, hoàn toàn không có tác dụng chữa trị hoặc cải thiện tình trạng sức khoẻ, đừng cố gắng trì hoãn thời gian!
2. Chọn máy tạo và thở Oxy phù hợp:
- Lưu ý quan trọng nhất cần hiểu: Bệnh nhân COVID cần nồng độ Oxy cao hơn 90% với lưu lượng ít nhất 3-5L/phút và trên 10L/phút khi bị suy hô hấp cấp tính. Cung cấp nồng độ Oxy trên 90% là BẮT BUỘC!
- Các loại máy tạo và thở Oxy cho gia đình trên thị trường:
a) Máy tạo Oxy nhỏ, thích hợp cho bệnh nhân COPD (phổi tắc nghẽn, khó thở mạn tính - cần Oxy 24h bất kể tình trạng nào): dòng máy này có thể điều chỉnh từ 1-9L/phút, nhưng nồng độ Oxy tinh khiết cao hơn 90% chỉ đạt được ở lưu lượng thấp từ 1L đến 2L trên phút. Khi chúng ta tăng lưu lượng lên cao hơn 1L/phút (hoặc 2L/phút), nồng độ Oxy giảm xuống còn khoảng 30%. Vì vậy, những loại máy này phù hợp với bệnh nhân COPD, nhưng không phù hợp với bệnh nhân COVID.
b) Máy tạo Oxy trung bình: có thể dễ dàng tạo ra lượng Oxy tinh khiết có nồng độ cao hơn 90% ở lưu lượng từ 1L đến 5L trên phút (phù hợp cho bệnh nhân COVID có triệu chứng nhẹ đến trung bình).
c) Máy tạo Oxy lớn: có thể dễ dàng tạo ra lượng Oxy tinh khiết có nồng độ cao hơn 90% ở lưu lượng từ 1L đến 10L trên phút (lý tưởng cho bệnh nhân COVID và cho bệnh nhân nặng khác - hoặc cho 2 bệnh nhân sử dụng cùng lúc với các phụ kiện phù hợp).
*** Để chọn đúng loại máy phù hợp, điều kiện quan trọng nhất là đảm bảo máy có thể cung cấp được Oxy tinh khiết có nồng độ cao hơn 90% ở mức lưu lượng cao nhất không thấp hơn 5L/phút.
3. Khuyến nghị lựa chọn máy tạo và thở Oxy:
- Đối với gia đình nhỏ, không có nhiều hơn 1 người cao tuổi, máy 5L/phút (Oxy tinh khiết cao hơn 90%) có thể đủ dùng.
- Đối với gia đình lớn hoặc có nhiều hơn 2 người cao tuổi, máy 10L/phút (Oxy tinh khiết cao hơn 90%) có thể đủ dùng, vì nó có thể hỗ trợ 2 bệnh nhân cùng lúc nếu có nhu cầu. Ngoài ra, máy còn có thể hỗ trợ người cao tuổi trong quá trình chăm sóc quan trọng tại nhà nếu phát sinh nhu cầu.
4. Khuyến nghị sử dụng máy tạo và thở Oxy:
- Người lớn (không triệu chứng): có thể không cần hoặc cần lưu lượng Oxy tinh khiết ít hơn 5L/phút để duy trì độ bão hòa Oxy trong máu trên 94% (SPO2).
- Người lớn (triệu chứng nhẹ đến trung bình): nhu cầu Oxy tinh khiết có thể được đáp ứng bằng máy tạo Oxy có lưu lượng 5L - 10L/phút tại nhà DƯỚI SỰ GIÁM SÁT Y TẾ, với mục tiêu giữ độ bão hòa Oxy trên 94%. Nếu SPO2 vẫn tiếp tục giảm xuống dưới mức 94%, phải gọi ngay cho cơ quan Y tế gần nhất để nhập viện và nhận được sự chăm sóc Y tế thích hợp!
- Người lớn (triệu chứng nặng): vui lòng KHÔNG DỰA VÀO MÁY TẠO OXY ĐỂ TỰ ĐIỀU TRỊ, bệnh nhân cần phải được đưa đến bênh viện, máy thở Oxy lúc này chỉ đóng vai trò trong việc hỗ trợ, giữ cho tình trạng bệnh nhân không chuyển biến xấu quá nhanh trước khi nhập viện "an toàn", hoặc di chứng sau khi đã điều trị bệnh thành công!
*** Lưu ý: các khuyến nghị trên chỉ dành cho người lớn nói chung), chúng không áp dụng cho trẻ em, phụ nữ đang mạng thai hoặc người lớn có bệnh nền!
#OVMED_0989988212
D8962836-45E4-48CF-B2B1-966DE17E8104.jpg
@mtcn4ever cám ơn bạn, thông tin thực sự rất bổ ích!!!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019