Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Cơ thể cần đáp ứng tế bào T nào để chống lại virus?

tvhieu.hcmus
29/8/2021 13:34Phản hồi: 47
Cơ thể cần đáp ứng tế bào T nào để chống lại virus?
Nhắc lại thông tin mình đã nói lần trước.
Tế bào lympho B: tế bào sản xuất kháng thể, và chỉ có tác dụng khi tác nhân gây bệnh đang ở trong máu.
Tế bào lympho T: tế bào phụ trách đáp ứng khi tác nhân gây bệnh trốn vào trong tế bào.

Khi các tác nhân xâm nhiễm bị bắt bởi bạch cầu (tế bào tua/đại thực bào), chúng sẽ được xử lý và cung cấp thông tin cho tế bào lympho T giúp đỡ (T/CD4) và tuỳ theo điều kiện khi cung cấp mà tế bào lympho T này sẽ chuyển thành Th1 hay Th2 (tế bào T giúp đỡ loại 1 hay 2).
Tế bào Th1 sẽ tiết các cytokine (IFN-g, TNF-a) để điều khiển hoạt động miễn dịch bao gồm:
- kích thích tế bào lympho B tiết kháng thể nhiều hơn cả về số lượng lẫn chủng loại (IgM, IgA, IgG);
- kích thích tế bào lympho T gây độc (T/CD8) tấn công và tiêu huỷ các tế bào bị nhiễm tác nhân gây bệnh.

Tế bào Th2 ngược lại sẽ tiết các cytokine (IL-4/5/9/10/13) gây ức chế hoạt động của tế bào Th1.

Tuy bản thân tế bào lympho B có thể tự tiết kháng thể nhưng khi có sự giúp đỡ của tế bào Th1 thì tế bào lympho B tiết kháng thể nhiều hơn cả về số lượng lẫn chủng loại.

image.png
Hình 1: Quá trình đáp ứng của lympho bào T giúp đỡ, T gây độc, và B với tác gây xâm nhiễm (ví dụ trong trường hợp này là virus SARS-CoV-2)

Tóm lại, nếu tác nhân xâm nhập sống bên ngoài tế bào (chủ yếu là vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng) thì kháng thể (IgM) có thể giúp chống lại các tác nhân này. Một khi tác nhân này xâm nhập vào tế bào (virus, vi khuẩn nội bào) thì kháng thể có rất ít tác dụng mà phải cần đến hoạt động của tế bào lympho T, cụ thể là tế bào Th1 để kích thích tế bào lympho T gây độc (T/CD8) tấn công và tiêu huỷ các tế bào bị nhiễm virus/vi khuẩn cũng như giúp tế bào lympho B tạo được kháng thể mạnh hơn và nhiều loại hơn, nhất là chuyển sang tiết IgG (kháng thể hoạt động tốt nhất trong máu).

Vậy rõ ràng rằng tuỳ theo tác nhân xâm nhiễm là virus hay vi khuẩn mà chúng ta có thể chỉ cần hoạt hoá tế bào lympho B hay phải cần hoạt hoá cả tế bào lympho B lẫn tế bào lympho T giúp đỡ, và tế bào lympho T gây độc. Và việc nắm rõ các thông tin này sẽ giúp tạo ra vaccine “điều khiển” được tế bào lympho mong muốn. Đó là vấn đề cốt lõi nhất của vaccine.

Thế nên, mình hay nói đùa
Một lym(pho) làm chẳng nên non
Ba lym(pho) chụm lại nên hòn núi cao.


Các thông tin trong ngoặc chỉ cung cấp thêm tên khoa học để bạn có thể tìm hiểu thêm nếu có nhu cầu thôi. Lướt qua nó cũng không ảnh hưởng gì đến việc hiểu thông tin mình cần chuyển tải.

PGS.TS. Trần Văn Hiếu

Quảng cáo


Nhóm nghiên cứu Y sinh học GMIF, Trường ĐH. KHTN TPHCM.
47 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Một bài viết có tính chuyên môn mà lại dễ hiểu, thanks anh, không biết bao giờ mình mới có thể viết như anh ấy 😁
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Hassler Cũng đơn giản lắm em. Anh tích luỹ kiến thức này ở ThS -TS mất tầm 7 năm á em. Xong cần cỡ 3 năm để học cách diễn đạt một vấn đề phức tạp thành dễ hiểu. Em muốn thử hông? Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm =)))
Fara
ĐẠI BÀNG
3 năm
@tvhieu.hcmus cái mà "diễn đạt một vấn đề phức tạp thành dễ hiểu" em cũng muốn đọc a ơi
vuhungkt881
ĐẠI BÀNG
3 năm
Cảm ơn bác, bài viết rất dễ hiểu.
Theo em hiểu thì vaccine mRNA và vector virus có khả năng sinh miễn dịch loại T tốt hơn subunit hoặc inactivated.
Lý do là spike protein của mRNA và vector virus được sinh ra bên trong tế bào và sau khi ra bên ngoài, một lượng đáng kể spike protein sẽ bám luôn vào thành tế bào và kích thích miễn dịch loại T.
Còn subunit hoặc inactivated là đưa spike protein từ bên ngoài cơ thể vào, sẽ có 1 lượng đáng kể spike protein bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch trước khi bám được vào thành tế bào.
Bác xem giải thích của em có vấn đề gì k?
@Joshua_Tree mình cũng hiểu như bạn.
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Joshua_Tree Chưa chính xác lắm bạn ơi.
Đúng là ưu điểm của mRNA hay vector virus là có thể mô phỏng quá trình xâm nhập nên thông tin về virus được chính tế bào cơ thể tạo ra nên thu hút được tế bào T.
Subunit hay inactivated không mô phỏng lại quá trình xâm nhiễm nhưng vẫn bị các thực bào (tế bào bắt vật lạ) bắt lấy, xử lý và chia sẻ thông tin cho tế bào T nên vẫn có đáp ứng qua tế bào T bình thường.
Vấn đề nằm ở chỗ những gì chứa trong vaccine (gọi là tá dược/nôm na là chất hỗ trợ) sẽ giúp hay ngăn chặn việc các thực bào bắt lấy, xử lý và chia sẻ thông tin cho tế bào T hay không mà thôi.
Còn tế bào B vẫn độc lập nhận thông tin tạo ra kháng thể.
Vậy nên tá dược mới là bí mật công nghệ của mỗi hãng và có những tá dược đã chứng minh là nó chặn luôn con đường đáp ứng qua tế bào T.
Còn vaccine mRNA, vector virus, subunit hoặc inactivated đều có một giai đoạn được đưa từ ngoài cơ thể vào trong cơ thể thông qua tiêm mà. Chắc ý bạn là ngoài hay trong tế bào ha?
@tvhieu.hcmus "Còn vaccine mRNA, vector virus, subunit hoặc inactivated đều có một giai đoạn được đưa từ ngoài cơ thể vào trong cơ thể thông qua tiêm mà. Chắc ý bạn là ngoài hay trong tế bào ha?" :
Em hiểu thì quá trình xâm nhập của mRNA và vector virus khác với coronavirus thông thường. mRNA sử dụng lipid bao bọc lấy mRNA, trong khi vector virus dùng virus cảm cúm để vận chuyển. Em nghĩ là các phương thức vận chuyển đó giúp qua mặt đại thực bào tốt hơn là coronavirus kia.

"Subunit hay inactivated không mô phỏng lại quá trình xâm nhiễm nhưng vẫn bị các thực bào (tế bào bắt vật lạ) bắt lấy, xử lý và chia sẻ thông tin cho tế bào T nên vẫn có đáp ứng qua tế bào T bình thường."
Em đọc bài của bác thì cũng hiểu là đại thực bào chia sẻ thông tin cho T-cell để có đáp ứng miễn dịch loại T. Nhưng em nghĩ là phải có antigen (spike protein) bám trên bề mặt tế bào để tăng số lượng tế bào T. Bởi vì một lượng spike protein từ subunit và inactivated sẽ bị ăn bởi đại thực bào nên lượng spike protein bám được vào bề mặt tế bào sẽ không nhiều như mRNA hay viral vector.

Bác nghĩ sao ạ? (Em ko anti vaccine nào đâu, chỉ muốn trao đổi để lấy thêm kiến thức)
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Joshua_Tree Cả mRNA và vector virus đều xâm nhập nhiều tế bào khác nhau trong đó có đại thực bào nên không có gì là tốt hơn hay qua mặt virus cả bác. Chỉ là nó chui được vào trong tế bào thì cơ thể tự động kích hoạt tế bào T/CD8 thôi.
Thực ra nhiều không phải là vấn đề lớn, vấn đề là cấu hình của subunit có đủ cồng kềnh để cơ thể xem nó là vật lạ và nguy hiểm không thôi. Nếu không thì sẽ để theo máu qua gan lọc bỏ thôi.
Tóm lại, nếu con nào chui thẳng vào tế bào thì nó kích hoạt được T/CD8. Còn nếu bị bắt bởi đại thực bào hay tế bào B thì nó cần một quá trình phức tạp hơn thông qua T/CD4 rồi mới qua B và/hay T/CD8 được. Quá trình này gọi là trình diện chéo (nó khá là sâu nên mình trong có trình bày ra).
Không biết giải đáp này giúp bác hiểu hơn chưa?
Ai hỏi thì mình trả lời thôi. Mình chỉ không tranh cãi thôi. Bác an tâm. Việc có anti hay không là quyền của mỗi người bác ơi.
@tvhieu.hcmus Cảm ơn sự nhiệt tình của bác. Em là dân kĩ thuật nhưng có chút hứng thú về sinh học. Biết đọc và cop nhặt từ nhiều nguồn thông tin, nhưng thiếu kiến thức nền tảng để xây dựng được bức tranh đầy đủ. May mà được bác làm rõ vấn đề.
Cần ăn gì nào?
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@HvyPh Câu hỏi rất hay nha. Có những nghiên cứu cho thấy nên ăn loại thức ăn gì để giúp cơ thể tạo đáp ứng Th1 nhiều hơn Th2 và ngược lại.
Chắc cần một bài chia sẽ khác chứ không mn lại rối.
Enmie
ĐẠI BÀNG
3 năm
@tvhieu.hcmus Làm một bài về topic này bác ơi. Nhất là sau vụ chích xong không uống bia 7-14 ngày lần đầu và 3-7 ngày lần sau để gan tập trung chính sự ấy. Nghe bác xong em mới chích mũi 2 về mua dược bổ gan về tẩm bổ nè
Ớn nhất là vụ Cytokine, nhớ ông phi công người Anh cũng bị triệu chứng này, may lúc đó Việt Nam chưa bùng dịch nên tập trung bsy, máy móc cho ổng.!
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@BinBon2020 Nên cytokine là con dao hai lưỡi đó bạn. Nhiều quá cũng không tốt mà ít quá cũng không được. Và việc "chơi" với nó cần "tính toán" rất kỹ về liều lượng và phát đồ.
Enmie
ĐẠI BÀNG
3 năm
Cần lắm thêm một chuỗi vài bài về cách boost immune system 😆
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Enmie Rất đúng nhưng mà hơi khó vì tui rất sợ bị lợi dụng cắt ghép để quảng cáo cho sản phẩm nào đó.
@Enmie "Badgering the witness" để boost the immune system cho an toàn bạn nhé!
Mày vui tính vãi
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Black Mamba Nói gì khó hiểu vại? Nói dễ hỉu hơn coi nèo.
kun1709
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bài của bác dễ hiểu và hay. Mong bác ra thêm nhiều bài như này về chủ đề sức khỏe
Cái lympho T CD8 có vẻ khủng nhỉ bác, nó cũng tiêu diệt cả các tế bào ung thư và các tế bào bị nhiễm virus HIV nữa đúng không bác.
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Black Mamba Đúng rồi bác. Nó còn có đứa "em họ" là sát thủ giết không cần hỏi/giết tự nhiên (Natural Killer cell) nữa. Hai đứa này mà song kiếm hợp bích cho tế bào ung thư hay tế bào nhiễm thì rất hay. T/CD4 chỉ giỏi làm chỉ huy thôi. T/CD8 "làm gỏi" đứa khác tốt hơn.
Triệu hồi kỹ sư tri thức Mỹ pham harry gi do
@giang a bong
Cười vô mặt
sakuraba
ĐẠI BÀNG
3 năm
bạn Hiếu cho mình hỏi, mình đã tiêm 1 mũi Sinopharm rồi, nhưng thật sự ko thấy an tâm lắm, liệu có nên tiêm lại 1 mũi Astra ko?
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@sakuraba Sinopharm hay gì cũng không có vấn đề gì, cần phải tiêm 2 mũi nha. Bộ chưa cho tiêm trộn nhưng chắc sẽ cho.
Hiện chưa khuyến khích trộn Sino với AZ, nên với các loại khác.
sakuraba
ĐẠI BÀNG
3 năm
@tvhieu.hcmus cảm ơn bạn, vậy có lẽ nên chờ tiêm mũi 2 Sinopharm cùng loại và cuối năm làm thêm 1 mũi Pfizer có vẻ sẽ an toàn hơn nhỉ. Hiện tại trên thế giới cũng chưa có bất kì dữ liệu nào về việc tiêm trộn Sinopharm với các loại khác. Có thấy đưa tin Cambodia tiêm trộn giữa Sinopharm/SinoVac với Astra nhưng hiệu quả hay phản ứng đến đâu thì không thấy đưa tin.
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@sakuraba Nếu được vậy thì quá ổn rồi bác
caoanh666
ĐẠI BÀNG
3 năm
đọc bài của bác e có mấy cái thắc mắc:
- có phải khi bị bệnh vảy nến thì cơ thể bị một tác nhân nào đó kích thích dấn tiết ra chất Th1 gây độc đối với tế bào da và làm chết các tế bào này.
-thứ hai là cơn bão cytokine xuất hiện khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào gây độc Th1 đúng không ạ
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@caoanh666 Bệnh vảy nến có nhiều nguyên nhân, một trong đó là protein của da bị tế bào nhận nhầm là vật lạ nên đáp ứng thông qua Th1 nhưng không phải Th1 gây độc mà nó tiết cytokine kích thích các tế bào khác gây tổn thương mô. chỉ có T/CD8 mới gây độc (giết tế bào) được thôi.
Tương tự trên khi Th1 quá mức thì các cytokine nó tạo ra là các tế bào khác bị hoạt hoá, khi hoạt hoá thì các tế bào này lại tiết cytokine và vòng xoáy cytokine ngày một mở rộng thêm đó bác. Khi đó Th1 chỉ là đứa khơi mào.
@tvhieu.hcmus Thế khi có "bão cytokine" thì lúc đó Th2 không hoạt động để ức chế Th1 nữa hay nó vẫn hoạt động nhưng không kip/đủ mạnh?
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@sskkb Một khi đã chuyển thành Th1 thì nó ức chế Th2 rồi nên Th2 không làm được gì cả. Nên chỉ có thể uống thuốc ức chế miễn dịch phổ rộng, và cần thiết phải lọc máu thôi.
chiase83
ĐẠI BÀNG
3 năm
Nếu có video để mình hoạ như phim hoạt hình thì tuyệt!
Hun cái nè
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@chiase83 Hehe, cái này mình hông làm được.
Trong mấy phim xã hội thâm thì Th2 như kiểu chú sát thủ đc boss thuê để khử chú sát thủ Th1, là người mà cũng được boss thuê để khử kẻ thù của boss
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@sskkb Thiệt là xoắn não
Mày vui tính vãi
Hay quá 😃
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@vn_ninja Cảm ơn bác.
Enmie
ĐẠI BÀNG
3 năm
Á à, đã thấy phây búc giáo sư. Follow phát nào. Chăm đăng trên tút nữa GS ạ.
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Enmie Nếu không có bạn cùng thì mình thường bỏ qua =))
Cứ ngỡ tập đoàn Um bờ re la chứ, hehe!
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Nguyễn.Thanh.Liêm Là sao bạn?
@tvhieu.hcmus Trong game Resident Evil
tvhieu.hcmus
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Nguyễn.Thanh.Liêm Mình không có chơi game nên hợi bị gà tin này.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019