Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Hệ thống âm thanh ô tô cơ bản có gì?

SimonNguyen97
20/9/2021 10:32Phản hồi: 4
Hệ thống âm thanh ô tô cơ bản có gì?
Hệ thống âm thanh trên ô tô là trang thiết bị tiện nghi, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu nghe nhạc cơ bản của người lái cũng như hành khách trong quá trình di chuyển, và cao hơn là để thỏa mãn niềm đam mê với âm thanh trên “xế cưng” của người dùng.

Một dàn âm thanh ô tô chất lượng giúp mọi người thư giãn trong lúc lái xe, thậm chí có thể tái hiện một sân khấu âm nhạc sống động ngay trước mặt chúng ta. Hay cũng có thể nghe nhạc trong những buổi chiều cắm trại, ngắm hoàng hôn trên bãi biển từ chính chiếc xe thân yêu của chính mình. Còn gì tuyệt vời hơn những khoảnh khắc nên thơ đó.

Tuy nhiên các dòng xe thông dụng ở thị trường Việt Nam như Hyundai Santafe, Honda CR-V, Ford Everest, Ford Ranger, Toyota Innova, Toyota Vios, Toyota Camry, Toyota Fortuner, Mazda CX5, … v.v đều được trang bị những hệ thống âm thanh có chất lượng thấp hoặc trung bình, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

1. Các khái niệm âm thanh cơ bản


Để hiểu hơn về một hệ thống âm thanh bên trong chiếc “xế cưng”, chúng ta cần tìm hiểu một vài khái niệm cơ bản dưới đây. Các khái niệm này được dùng chung trong âm thanh gia đình nên cũng khá quen thuộc với hầu hết mọi người.

Dải tần số âm thanh:


Thông thường, một hệ thống âm thanh cơ bản phải thể hiện đủ và rõ nét cả 3 dải âm (một bài hát luôn có đủ cả 3 dải):
  • Dải trầm (Bass): liên quan đến âm thanh tần số thấp như tiếng trống, guitar bass, bom nổ…;
  • Dải trung (Mid): như tiếng người (tiếng hát, tiếng rao);
  • Dải cao (Treble): âm thanh đạo cụ bằng kim loại như tiếng chuông, dế kêu, chim hót… Âm thanh càng cao cấp thì tiếng phát ra càng trung thực.
Sound system 2.jpg

Tần số các dải âm:

  • Dải Bass: 20 Hz – 500 Hz.
  • Dải Mid: 500 Hz – 6 kHz.
  • Dải Treble (Tweeter): 6 kHz – 20 kHz. (Tần số từ 20kHz trở lên là quãng siêu âm, ở quãng tần số này tuy tai người không nghe được nhưng vẫn cảm nhận được. Vì vậy mà nhiều loa chất lượng cao vẫn có dải đáp ứng tần số lên đến 40 kHz, thậm chí 60 kHz).

Các thể loại nhạc trên thị trường:


Để chọn ra cấu hình âm thanh phù hợp với gu nghe nhạc của mỗi người, chúng ta cũng nên biết đặc trưng của từng thể loại nhạc. Một số thể loại nhạc thường thấy như:
  • Nhạc vàng, trữ tình (chậm): Đòi hỏi độ chi tiết các dải, đặc biệt là mid tốt để thể hiện giọng ca sĩ, bass không cần công suất lớn nhưng phải mềm và sâu (đánh chậm) thì mới tối ưu được phần trình bày bài hát. Nhưng cùng 1 cách đánh bass này, nếu chơi nhạc dance sẽ yếu.
  • Nhạc trẻ, dance (nhanh): đòi hỏi bass phải khỏe, căng để đáp ứng tiếng trống dồn dập. Âm thanh không cần quá chi tiết. Do đó bass không cần mềm và sâu (ngược ở trên vì với thiết bị tạo tiếng bass dồn dập thì sẽ khó có thể xuống sâu được).
  • Nhạc không lời: đòi hỏi thể hiện chi tiết từng nhạc cụ. Phần lớn thiên về dải trung, cao (tập trung ở loa Mid và loa Treble).
Cũng giống như âm thanh trong nhà, từng cấu hình khác nhau sẽ phục vụ từng thể loại nhạc khác nhau chứ không thể đòi hỏi 1 dàn âm thanh có thể đánh tốt được hết các thể loại dù là đắt tiền. Không thể đòi hỏi bộ âm thanh chuyên trữ tình mà chơi nhạc dance xuất sắc, hoặc ngược lại.

Định dạng file âm thanh:

Sound system 3.png


Về định dạng dữ liệu âm thanh (file nhạc). Hiện nay trên thị trường có 2 loại định dạng chính là:
  • Lossy compression – nén không bảo toàn dữ liệu: trong quá trình nén thành file, các dãy âm thừa, âm quá cao hoặc quá thấp đều sẽ bị loại bỏ. Do đó chất lượng âm thanh của loại file này đã bị giảm đi rất nhiều so với âm thanh gốc. Các định dạng file này thường rất nhẹ, chúng ta có thể dễ dàng tải về, chia sẻ trên Website hay mạng xã hội. (Một số định dạng phổ biến: MP3, WMA, AAC, …)
  • Lossless compression – nén bảo toàn dữ liệu: đây là định dạng âm thanh chất lượng cao nhờ sử dụng phương pháp nén âm thanh mà không làm mất dữ liệu. Tức là âm thanh từ CD gốc sẽ được nén bằng kỹ thuật hiện đại để tạo file nén với một dung lượng lớn. Vì thế, chất lượng âm thanh của các định dạng âm thanh lossless thực sự rất tốt, chân thực không thua kém âm thanh trong đĩa CD. Tuy nhiên dung lượng file nhạc lại khá nặng và ít được trao đổi trên các trang mạng. Các dạng file nhạc này thường được bán trên các ứng dụng đặc thù. (Một số định dạng phổ biến: WAV, FLAC, DSD, …)

Lưu ý chọn đầu phát cho ô tô


Khi chọn đầu phát cho ô tô, chúng ta cũng nên lưu ý về các định dạng file mà đầu phát có thể đọc được. Thông số này cũng rất quan trọng vì để có được một hệ thống âm thanh hay thì ít nhất âm thanh đầu vào phải tốt.

Quảng cáo


Đặc trưng của âm thanh xe hơi


Với Home – âm thanh gia đình, chúng ta có không gian yên tĩnh và ngồi giữa vị trí các loa để thưởng thức. Loa trong nhà được kê ở độ cao sao cho dải Mid và Treble rót đúng vào tai người nghe, âm thanh khi đó đến tai người nghe cùng một lúc. Không gian trong nhà cũng thoáng nên việc lắp đặt, thay thế khá dễ dàng.

Trái lại, âm thanh xe hơi lại khác hẳn, phải chịu ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân bất khả kháng như tiếng ồn, rung, lắc, nhiễu điện… Vị trí người ngồi rải đều trong không gian xe nên khoảng cách từ các loa đến tai khác nhau, gây hiện tượng âm thanh đến tai người nghe không đồng đều… Thêm nữa loa thường ở vị trí thấp hơn hẳn so với tai người nghe (loa được gắn ở vị trí 4 cánh cửa của xe). Những nhược điểm này ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Không gian lắp đặt trong ô tô hạn chế cộng với hệ thống điện phức tạp dẫn đến việc thi công thay thế và lắp mới trở nên khó khăn hơn.
Sound system 13.png
Một hệ thống âm thanh chuẩn chỉ trên xe hơi sẽ phát ra chủ yếu từ phía trước, trên mặt taplo. Nhờ vào công nghệ căn chỉnh âm thanh tiên tiến, bài hát sẽ được tái hiện như ca sĩ đứng hát trên sân khấu, ngay trước mặt chúng ta. Tốt nhất chúng ta cứ nhắm mắt để cảm nhận nguồn âm thanh đến từ đâu.

Công nghệ âm thanh xe hơi hiện nay vẫn được các nhà sản xuất nghiên cứu phát triển nhằm mục đích khắc phục những mặt hạn chế, xóa dần khoảng cách so với âm thanh gia đình.

2. Tổng quan hệ thống âm thanh xe hơi


Vậy chúng ta có gì cho hệ thống âm thanh trên 1 chiếc xe phổ thông tại thị trường Việt Nam hiện nay?

Quảng cáo


Nguồn phát âm thanh CD, DVD:

Sound system 4.jpg


Đầu phát theo xe của các xe dòng phổ thông hiện nay phục vụ các chức năng chính như:
  • Đọc nhạc từ USB. Tuy nhiên chỉ đọc được các file nhạc chất lượng thấp như MP3, WMA, … Do đó chất lượng nhạc không cao.
  • Kết nối nguồn nhạc bằng đường AUX. Kết nối này cho chất lượng nhạc cũng không cao và khá bất tiện.
  • Kết nối nhạc qua Bluetooth. Kiểu kết nối này là thông dụng nhất vì tính tiện lợi. Tuy nhiên yếu tố đường truyền cũng ảnh hưởng làm cho chất lượng âm thanh không đảm bảo.
Có một số loại xe giá trên 1 tỷ được trang bị các đầu phát hãng như JVC, Pioneer, Kenwood, Alpine, …vv tùy từng phiên bản. Còn lại các loại đầu phát theo xe hay đầu phát Android tích hợp nhiều tính năng công nghệ, tuy nhiên điểm yếu là chất lượng âm thanh kém.

Loa ô tô theo xe:

Sound system 5.jpg


Trong một hệ thống âm thanh, loa ô tô có tầm ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh. Tiếc rằng, loa nguyên bản của hầu hết các xe thuộc hạng xe phổ thông đều được làm ở dạng loa toàn dải (loa full range), sản xuất một cách tối giản để sao cho giá thành thấp nhất có thể, công suất thấp (tối đa khoảng từ 25W đến 40W). Nếu các bạn có cơ hội cầm thử một chiếc loa hãng và loa zin theo xe thì sẽ dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt. Một chiếc loa của hãng cầm vô sẽ thấy chắc, nặng, thiết kế cũng bắt mắt, còn chiếc loa zin thì hoàn toàn ngược lại.

Hệ thống loa thông dụng trên xe:

Sound system 11.jpg
Hệ thống loa cơ bản trên các dòng xe thông dụng thường có 4 loa ở 4 cánh cửa xe, trong đó 2 loa cửa trước có loa Tweeter rời. Một số xe được lắp thêm 1 loa trung tâm ở mặt taplo phía trước.

Một đặc điểm rất dễ nhận thấy khi nghe nhạc trên các xe này là người nghe luôn cảm thấy bị thiếu hụt ở phần âm bass (cả low-bass và mid-bass) và âm treble. Nếu bật to loa sẽ bị rè, tiếng méo và âm thanh sẽ rối. Trong khi đó, dòng xe cao cấp thường được trang bị bằng những cặp loa phân tần (2-way, 3-way thậm chí là 4-way) để cải thiện hơn so với những dòng xe phổ thông, song vẫn chưa đạt đến mức yêu cầu của những người thích nghe nhạc với chất lượng âm thanh cao cấp.

Cách âm cũng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng âm thanh xe hơi. Thùng loa gia đình phổ biến sử dụng gỗ. Nhưng với xe hơi, để tận dụng không gian, các cách cửa xe được tận dùng làm thùng loa. Các xe thông thường có vỏ tôn mỏng, cách âm kém, bị rung, ồn nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thanh. Chưa kể một số dòng xe còn có lớp nilong tạo tiếng lẹt phẹt khi loa đánh. Các dòng xe sang thì hệ thống cách âm tốt hơn, do vỏ dày hơn và được dán thêm các vật liệu chống ồn, tiêu âm… ví dụ như dòng xe Vinfast của nước ta cũng được cách âm khá tốt.

Những thương hiệu loa theo xe nổi tiếng trên thế giới:


Chúng ta hãy cùng điểm qua một số hệ thống loa nguyên bản theo xe nổi tiếng trên thế giới. Tất nhiên những hệ thống loa nguyên bản hay thì thường lắp trên những thương hiệu xe phân khúc cao như Mercedes, MBW, Porsche, Range Rover, Audi, Lexus, … Những dòng loa này có phân tần (đủ 3 dải), chất âm tốt, công suất lớn hơn và có amply đi kèm.

Đầu tiên phải kể đến dòng loa Burmester đến từ Đức.

Sound system 6.jpg


Hiện nay loa Burmester được trang bị trên tất cả các dòng xe của Mercedes và một số dòng xe khác như Porsche, Bugatti. Và hệ thống loa trên các dòng xe trên còn được thiết kế theo hệ thống âm thanh vòm, tạo nên một không gian âm thanh vô cùng cuốn hút.

Dòng loa Harman-Kardon.

Sound system 7.jpg


Harman-Kardon là thương hiệu của Harman International Industries, là nhà sản xuất thiết bị âm thanh gia đình và âm thanh cho xe hơi danh tiếng. Hãng được thành lập vào năm 1953 bởi Sidney Harman và Bernard.

Trong những năm gần đây, hãng Harman International ngày càng khẳng định vị thế tên tuổi của mình khi lần lượt mua lại các công ty âm thanh danh tiếng như JBL, AKG, Infinity, Lexicon và Revel…

Dòng loa B&W.

Sound system 8.jpg


Bowers&Wilkins là nhà sản xuất thiết bị âm thanh ôtô đến từ Anh. Những khách hàng sở hữu hệ thống âm thanh Bowers&Wilkins đều hài lòng với chất lượng âm thanh tuyệt hảo. Mẫu xe sang BMW 7 Series thế hệ mới đã có sự chuyển dịch từ hệ thống âm thanh Bang&Olufsen sang Bowers&Wilkins.

Dòng loa Meridian.

Sound system 9.jpg


Meridian là một hãng chuyên về âm thanh khác và có một số đối tác trong ngành công nghiệp ôtô. Thương hiệu Anh có thể được tìm thấy trên các mẫu xe đồng hương như Land Rover, Range Rover, Jaguar và McLaren.

Cuối cùng, không thể thiếu đó là dòng loa Alpine.
Sound system 10.jpg
Alpine là thương hiệu âm thanh đến từ Nhật Bản. Với hơn 50 năm lịch sử phát triển, Alpine đã và đang chứng minh được vị thế tại những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, … Thương hiệu loa của Nhật Bản đã từng gắn trên những dòng xe cao cấp của Dodge, Jaguar, Volvo. Hiện tại, các dòng xe như SUV Wrangler và dòng bán tải Gladiator của hãng xe Jeep được trang bị hệ thống loa từ Alpine.

Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu hơn về dàn âm trên chiếc xe thân yêu của mình. Trong bài tiếp theo mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm từ A-Z cách nâng cấp dàn âm thanh ô tô sao cho hiệu quả với chi phí tối ưu nhất.
4 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

nên bổ sung thêm thông tin về ampli và sub trên xe. Hiện nay một số dòng xe có trang bị thêm 2 thành phần này ở các bản nâng cấp.
@StevenLe165 Tks bác nhé. Em sẽ bổ sung ở bài sau.
@SimonNguyen97 có thời gian đầu tư thêm bài cấp độ 2 và 3 luôn đi bác 😁
@StevenLe165 :D Em đang viết bài 2 đây. Tuần này có nha bác

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019