Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Thú vui sưu tầm linh kiện PC trong thời điểm khan hiếm. Cùng nhau thảo luận, chia sẻ và tư vấn!

phamtuananh2085
18/11/2021 7:37Phản hồi: 39
Thú vui sưu tầm linh kiện PC trong thời điểm khan hiếm. Cùng nhau thảo luận, chia sẻ và tư vấn!
(Nhờ bạn nào có chức năng di chuyển bài này vào mục thích hợp do lúc trước lập bài đã chọn nhầm vào mục "Thông tin công nghệ" nhưng sau đó không thay đổi được. Xin cám ơn!)

Tôi có thú vui hay sưu tầm linh tinh khá nhiều thứ bao gồm các thể loại khác nhau, trong số đó có một số linh kiện máy tính. Tôi chợt nảy ra ý tưởng xả strees cho mình bằng cách đưa danh sách linh kiện hiện có lên diễn đàn và chia sẻ các trải nghiệm trong quá trình sưu tầm như kiểu viết một nhật ký để những ai có cùng thú vui, có kinh nghiệm qua, cùng tham khảo, chia sẻ với nhau, tích lũy thêm kinh nghiệm.

Danh sách những linh kiện máy tính hiện đang có:

CPU:
  • CPU AMD Ryzen 9 5900X
  • CPU AMD Ryzen 9 5950X
  • CPU Intel Core i9 12900K

MAINBOARD:

  • ASRock B550 Extreme4
  • Gigabyte Aorus Master X570S
  • Gigabyte Z690 Aourus AX Elite DDR4.
  • Asus Z690 Rog Strix E-Gaming Wifi (DDR5).
  • Asus Z690 Rog Maximus Fomula.

RAM:
  • Corsair Dominator Plantinum White DDR4 32GB (2x16) 3200MHz Cl16-18-18-36 Chip Micron D-die 1.35V.
  • G.Skill Trident Z Neo DDR4 64GB (2x32) 3600MHz Cl18-22-22-42 Chip Hynix 1.35V.
  • G.Skill Trident Z Royal Elite DDR4 Gold 32GB (2x16) 4000MHz Cl16-19-19-39 Chip SamSung B-die 1.4V.
  • Kingston Furry DDR5 32GB (2x16) 5200MHz Cl40. 1.2V

SSD:
  • Kingston NV1 M.2 PCle Gen 3.0 x 4 NVMe M.2 2280 1TB.
  • Samsung 970 EVO Plus Gen 3.0 x 4 NVMe V-NAND M.2 2280 500GB.
  • 2 x Samsung 980 Pro PCIe Gen 4.0 x4 NVMe V-NAND M.2 2280 1TB.

VGA CARD:
  • Gigabyte Vision OC RTX 3090.
  • Evga RTX 3090 FTW3 ULTRA GAMING.

PSU:
  • Asus ROG Thor 80 Plus Platinum 1200W.
  • Corsair AX1600i 80 Plus Titanium 1600W.
  • Nguồn cổ ACbel R9 80 Plus Gold 1100W.

Coolers:
  • Noctua NH-D15 chromax black.
  • AIO NZXT X73.
  • AIO Gigabyte Aorus waterforce X 360.

Case:
  • Asus TUF Gaming GT501.
  • Cooler Master Cosmos C700P Black Edition.
  • Case cổ NZXT H2 Silent.

Display:
  • Gigabyte Gaming G27F 27inch FHD IPS (1920 x 1080) 144Hz.
  • Samsung Odyssey G5 WQHD (3440 x 1440) 34 inch mã LC34G55 165Hz.
  • Samsung Super Ultra-Wide (5120 x 1440) 49 inch mã C49RG90SSE 120Hz.
Một số linh kiện khác:
  • Wifi card Intel Wifi 6E AX210 Bluetooth 5.2 M2. (Cái này gắn cho mainboard ASRock B550 Extreme4 vì nó không có wifi tích hợp nhưng có khe M2 dành riêng cho wifi card).
  • 2 x Riser cable Cooler Master 20 cm + Asus 24cm.
  • Router DrayTek Vigor 2925
  • Router Wifi Tenda AC23 dual-band AC2100.
  • Router Wifi6 Asus RT-AX86U AX5700.
  • Cùng một số linh kiện kết nối khác…

Quảng cáo


Số link kiện trên tôi cũng đã từng cho ghép nối thử một số với nhau, đan xen, thay đổi qua lại để test thử. Cũng có một số chưa đụng tới và đang lên kế hoạch cho hoạt động. Về cơ bản có thể chia làm 3 bộ PC hoàn chỉnh, chỉ còn thiếu thêm một VGA card hiện cũng đang tìm kiếm với ưu tiên VGA RTX 3090 FE để sưu tầm hoặc một mẫu RTX 3090 nào đó chạy warterforce (có tích hợp sẵn tản nhiệt nước). Về phần này, ai có sản phẩm hợp nhu cầu muốn chia sẻ thì hãy nhắn tin cho tôi. Ai có kinh nghiệm trải nghiệm đối với những sản phẩm bên trên cũng có thể tham gia chia sẻ các vấn đề liên quan đến chất lượng cũng như các chọn lựa phối ghép. Rất hoan nghênh học hỏi thêm kiến thức từ mọi người và xin cảm ơn trước nếu có chia sẻ!

Về phần tìm mua các linh kiện trong năm nay với tình hình nguồn cung ít, giá cả tăng đột biến, vận chuyển khó khăn vì dịch bệnh nên trong khoảng thời gian sưu tầm cũng có khá nhiều vấn đề mà hiện tại tôi cũng không biết nên bắt đầu từ đâu. Mọi người có thể đặt câu hỏi để tìm được câu trả lời thích hợp từ những người biết hoặc từ tôi (nếu như tôi biết). Phương thức tìm và mua hàng của tôi đa số là tìm thông tin sản phẩm trên mạng qua các chia sẻ của những người dùng trước sau đó liên hệ các shop để mua, thanh toán bằng chuyển khoản và vận chuyển trong ngày bằng Grab hoặc Ahamove. Tôi thường không chọn mua những sản phẩm đặt hàng, vận chuyển qua ngày, những sản phẩm không có hàng sẽ được thay thế bằng những sản phẩm khác tương đương đang có sẵn.

Ở thời điểm hiện tại, dù rằng tình trạng khan hàng đang tiếp tục tăng nhưng tất cả sản phẩm trên vẫn có thể tìm được khi liên hệ nhiều nơi khác nhau chỉ có điều giá cả sẽ là rào cản lớn nhất, đôi khi sẽ thấy sự vô lý đến khó tin nên thú vui sưu tầm sẽ phải trả một cái giá rất, rất đắt, tôi vẫn khuyên mọi người không nên chi tiêu vào thú vui này trong thời điểm này .

Đối với các linh kiện mới của bên Intel vừa ra mắt gần đây. Qua tham khảo từ nhiều nguồn tôi nhận thấy vấn đề khó khăn nhất khi thu thập các linh kiện là DDR5 và tản nhiệt phù hợp với Socket 1700 mới. DDR5 hiện tại chỉ mang giá trị mới mẻ trong việc được sở hữu công nghệ mới và cũng có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách thay thế DDR4 với hiệu năng từ bằng cho đến hơn DDR5 trên Windows 10 và gần như nhau trong Windows 11. Khó khăn lớn nhất còn lại là vấn đề tương thích tản nhiệt lắp trên socket 1700 đối với những CPU loại này khi không kèm theo tản nhiệt. Vấn đề chờ đợi việc hỗ trợ của các hãng tản nhiệt lớn đối với những dòng tản nhiệt cũ đã được người dùng mua sẽ trở thành dai dẳng và cũng có thể biến thành con số 0 ít nhất là trên thị trường Việt Nam, ví dụ như Noctua, một hãng lớn được mệnh danh là có dịch vụ hỗ trợ mạnh mẽ cho khách hàng. Theo liên hệ với các chỗ mua hàng thì những sản phẩm Noctua được mua bán ở Việt Nam và thậm chí ở đa số thị trường Châu Á (theo nhân viên chuyên về mảng tản nhiệt của một shop kinh doanh linh kiện máy tính cho biết) sẽ không được hỗ trợ bổ sung phụ kiện tương thích với socket 1700 mới của Intel qua kênh nhà phân phối. Vì thế những người dùng Việt Nam đã được sở hữu các tản nhiệt Noctua cũ muốn gắn vào socket 1700 chỉ có thể tự liên hệ trực tiếp với Noctua để yêu cầu cung cấp bộ gắn mới thông qua biểu mẫu có sẵn trên trang chủ của hãng hoặc chờ đợi phụ kiện được nhập về được bán riêng để tìm mua nếu cần giải quyết nhanh. Về tản nhiệt của Corsair được phân phối chính thức thì được tin sẽ được hỗ trợ miễn phí phụ kiện nhưng có lẽ sẽ phải chờ đợi lâu, còn NZXT thì để các shop liên hệ lại và phải hồi sau, nhưng chắc tình hình không khả quan hơn Noctua. Hiện tại trên thị trường Việt Nam và trên trang chủ của các hãng làm tản nhiệt cũng đã xuất hiện khá nhiều mẫu mới hỗ trợ socket 1700 có sẵn từ trong hộp. Đối với một số hãng sản xuất, những model tản nhiệt mới thường được lấy trùng tên với các model cũ chỉ thêm ký tự “ II ” vào tên nên nếu chỉ lướt sơ qua tên có thể rất dễ nhầm lẫn, thậm chí nhân viên bán hàng nếu không để ý (hoặc có thể không biết luôn vì quá nhiều mẫu mã được đưa lên quảng cáo trên trang web chính của họ) sẽ có thể nhầm lẫn. Các bạn nên chịu khó để ý về phần này chút để tránh nhầm lẫn dẫn đến việc vận chuyển qua lại phiền phức không đáng có.

(Đã cập nhật lại thông tin hỗ trợ của Noctua và nhà phân phối về việc hỗ trợ socket 1700 cho các sản phẩm đã mua nhưng chưa có bộ phận kết nối)
39 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Đã gần 10 năm tôi hầu như không đụng vào một cấu hình PC nào mới kể từ những năm 2013. Những bộ PC còn sót lại là CPU i7 2600K kết hợp với main AsRock cùng một vài CPU AMD K10 kết hợp với một số main BIOSTAR. Tất cả đều ngủ đông trong kho từ năm 2013, mãi cho đến đợt chuyển nhà gần đây, nhân lúc tôi vắng nhà, đã được vợ tôi chuyển nhượng cho một thiếu nữ buôn ve chai xinh đẹp. Rất may mắn, CPU 2600K cùng tòa tháp đôi" vẫn được bảo toàn do thất lạc trong mớ đồ hỗn độn.
20211128_162150.jpg
Buổi ban đầu, sau khi nhận được máy chơi game PS5, tôi chợt tò mò: " không biết một PC chơi game bây giờ có sức mạnh như thế nào? ". Với suy nghĩ tò mò đó, tôi lên mạng tìm hiểu thông tin của các linh kiện gần đây, và ... sự hứng thú lùa về... Vâng, tôi đã sa lầy bắt đầu từ đây! Để đùn đẩy trách nhiệm tôi sẽ nói: "Tất cả chỉ tại cái PS5!"

CPU:

- AMD Ryzen 9 5900X: Ở thởi điểm đó, mẫu CPU mới nhất trên thị trường là 4 mẫu CPU của AMD: Ryzen 5 5600X, Ryzen 7 5800X, Ryzen 9 5900X và 5950X. Thị trường VN lúc đó chỉ có hàng 2 mẫu 5600X và 5900X cùng với một loạt mẫu CPU Intel 10th. Đương nhiên CPU 5600X - 300 USD là ứng cử sáng giá nhất trong loạt CPU đang có trên thị trường tại thời điểm đó và nó đã quá dư dả để phục vụ mọi nhu cầu nhưng tâm lý mua hàng thường sẽ không bao giờ đủ đối với những thú vui như thế này vì thế tôi quyết định sẽ đi với 5900X - 550 USD. Tôi đã phải chi trả gần 14,6 triệu với giá mua lẻ cho 1 con chip duy nhất. Không thể tin được! Vào năm 2012 tôi chỉ cần 2,3 triệu để sở hữu được con chip CPU Intel core i7 2600K TRAY - hàng xách tay nobox - thuộc hàng top bảng với khá năng ép xung khủng bố, nhưng vào năm 2020 tôi phải bỏ ra gần 15 triệu cho một con chip CPU mới ra mắt với độ "hot" phỏng tay. Rất may, tôi thật sự hài lòng về những gì 5900X mang lại, không có gì để phàn nàn về nó, và hiện tại CPU này cũng đã hạ nhiệt với mức giá tham khảo khoảng 480 USD (Giá thực tế trên thị trường, đặc biệt là Việt Nam thì tốt nhất là không bàn về nó, nói về nó chỉ làm mỏi miệng, không làm giá hạ được).

- AMD Ryxen 9 5950X: không có lý do nào để sở hữu CPU này với mức giá 800 USD xuất xưởng đặc biệt là khi đã sở hữu 5900X thì mọi lý do cần thiết đều trở thành vô lý. Nếu thật sự cần cưỡng ép để cho ra một lý do mua nó thì tôi nghĩ lý do đơn giản nhất là "Tôi chưa sở hữu nó", đó chỉ là một thú vui, vậy thôi! 5900X và 5950X là như nhau với các công việc hằng ngày, thậm chí 5900X còn nhỉnh hơn chút xíu khi chơi game. Tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với những trường hợp làm bộc phát hết khả năng của CPU 5950X này, về trải nghiệm sử dụng thì đương nhiên là không thể phàn nàn gì vì nó được đánh giá hơn 5900X cơ mà. Khi dùng CPU AMD tôi chỉ có cảm giác sướng nhất là khi giải nén những source dung lượng lớn từ vài chục cho tới vài trăm GB, một cảm giác rất đã! 5950X hiện tại cũng đã hạ nhiệt với mức giá rơi vào khoảng 710USD.

- Intell core I9 12900K: đây sẽ là phần ngắn gọn. Nó mới ra nên không thể không có. Ngoài ra tôi cũng chưa chạy nó do chưa có thời gian. Tôi sẽ dành riêng một chuyên mục nói về nó sau. Chỉ biết rằng hiện tại với mức giá được Intel đưa ra rơi vào khoảng 590 USD thì đây là một sự cám dỗ cực lớn đối với những người cần xây dựng một PC mới khi có sự so sánh với những CPU đầu bản hiện có của AMD. Tôi đã chi trả khoản 17 triệu đồng để sở hữu được CPU này và mức giá đó chắc chắn sẽ làm đắn đo đối với bất kỳ ai đang có ý định chi trả cho một chip CPU trong tầm giá này khi so sánh với giá khoảng 15 triệu cho CPU AMD 5900X và 21 triệu cho 5950X hiện đang có trên thị trường Việt Nam.

Xét về phạm vi sức mạnh đi kèm với giá cả thì hiện tại tôi đánh giá cao CPU Intel core I5 12600K - 289 USD và I5 12600KF - 264 USD. Intel core I5 12th đã chiếm ngôi vị sáng giá của 5600X với giá không đổi 300 USD ở hiện tại. Tôi sẽ không chọn và cũng không có ý kiến về các dòng CPU trước đó của cả Intel và AMD vì thực tế trên thị trường hiện nay dù là model cũ hay mới giá cả đều có thể là vô lý, nếu đã chấp nhận sự vô lý đó thì không có lý do gì chọn những sản phẩm cũ hơn. Duy nhất dòng Threadripper ở những model gần đây, nó cũng khá thú vị khi có mặt trong bộ sưu tập dù rằng thực tế tôi cũng không có lý do gì để phải dùng tới nó.
MAINBOARD:

Đây là thành phần khó lựa chọn nhất trong hệ thống vì có quá nhiều chủng loại, quá nhiều thông số cần phải đắn đo, so sánh nên việc lựa chọn một mainboard ưng ý và phù hợp cùng với việc cân đối giá thành của sản phẩm cũng gây ra không ít đau đầu. Chỉ một câu hỏi nhỏ " Nên lựa chọn mainboard của hãng nào?" thì đã có thể tạo ra một cuộc thảo luận dài dăng dẳng, liên miên không dứt rồi, chưa cần đề cập đến các vấn để khác. Thông số kỹ thuật và điểm số thực tế đối với các mainboard phổ biến gần như đã có rất nhiều trên mạng cũng như qua các video review, tôi chỉ muốn chia sẽ những cảm nhận thực tế khi chọn lựa, tìm mua và sử dụng. Tôi sẽ có thể chia sẻ những điểm số của hệ thống mình lên sau này khi tôi có thời gian thực hiện.

- MAINBOARD ASROCK B550 EXTREM4: https://www.asrock.com/mb/AMD/B550 Extreme4/index.asp Ở buổi đầu, sau khi nhận được CPU R9 5900X, theo một tâm lý tự nhiên, tôi liền muốn cho nó kết hợp ngay với một mainboard chipset X570. Thật không may, thời điểm đó bo mạch X570 rất ít hàng trên thị trường, chỉ còn sót lại một vài mẫu main không nằm trong sở thích của tôi nên sự chọn lựa buộc phải chuyển sang bo mạch chipset B550. Nói đến B550, dù được cho là một chipset có một số cắt giảm để mang lại giá trị kinh tế hơn về giá cả so với chipset X570 nhưng điều kỳ lạ là ngay từ buổi đầu ra mắt dòng main này lại có giá không hề thua kém so với bo mạch X570 thậm chí còn có những mẫu main B550 cao cấp với giá cao ngất ngưỡng. Đây cũng là thời điểm giá cả linh kiện máy tính đang dần tăng đột biến, hàng hóa bắt đầu khan hiếm nên bo mạch B550 cũng chẳng có mấy lựa chọn ưng ý. Bo mạch Asrock B550 Extreme4 cũng vừa ra mắt gần trong khoảng thời gian này và cũng mới được nhập về Việt Nam. Đương nhiên, ngay lập tức nó được đưa vào danh sách lựa chọn hàng đầu của tôi, vì trong lịch sử sử dụng PC của tôi dòng main Asrock Extreme luôn là dòng main chủ lực bởi hiệu năng nó mang lại so với giá thành của nó luôn là hợp lý. Với giá xuất xưởng khoản 160USD cùng với cơ bão giá tràn về, ngày lên kệ bo mạch này nằm vào khoảng 180 USD và bắt đầu tăng tùy theo thị trường. Nhưng xét những gì Asrock B550 Extreme4 mang lại tại thời điểm đó gần như là một lựa chọn lý tưởng trong phạm vi giá 200 USD đối với bo mạch B550. Thậm chí ở phạm vi giá cả này bo mạch B550 nói chung, dù thông số kỹ thuật không bằng X570 nhưng dường như chất lượng xây dựng lại có vẻ tốt hơn X570. Tại thị trường Việt Nam tôi đã phải chi trả 5 triệu đồng cho bo mạch này kèm theo một khuyến mãi không được từ chối là tặng kèm 1 SSD Kingston 256GB với giá niêm yết bán lẻ khoảng 1,2 triệu. Tôi không quan tâm đến SSD được tặng kèm này vì dù sao qua quá trình trao đổi linh kiện với một số cửa hàng, SSD này cũng được một cửa hàng thu lại với mức giá đó, như vậy trong trường hợp này sau khi đã khấu trừ SSD tặng kèm, giá thực tể của Asrock Extreme B550 đã trở nên hợp lý hơn. Tuy nhiên sau đó để tiện trong việc bê tảng PC ra quán cà phê ngồi sử dụng (nghe hơi vô lý nhưng thời gian đó cũng là thời gian laptop bị trục trặc) nên tôi có đầu tư cho nó một cái wifi card M2. WIFI6E 210 của intel cũng vừa được ra mắt với giá 500 ngàn đồng. Nói chung tất cả đều hoạt động rất tốt và tôi có thể khẳng định rằng Asrock B550 Extreme chạy tốt 2 CPU 5900X và 5950X cùng với VGA RTX 3090 không hề thua kém bất kỳ một main board X570 nào trong tầm giá 7tr đổ xuống. Khả năng ép xung RAM không phải quá cao, nhưng dù sao với một hệ thống AMD điều này cũng không cần thiết lắm. Nhưng khả năng ép xung CPU tốt.

Mainboard Asrock thường có những khuyết điểm sau:
- Giao diện BIOS của nó từ xưa giờ không mấy thân thiện lắm.
- Bo mạch rất hay "nhạy điện" nên tốt nhất khi lắp vào thùng máy nên kiếm long đền giấy lót dưới chỗ tiếp xúc mấy lỗ ốc với vách thùng máy. Thậm chí lỗ ốc gần với khe PCIE bắt VGA, nằm bên dưới bảng I/O đằng sau theo chiều dựng đứng để tránh phiền phức phát sinh có thể đừng bắt ốc. Hiện tượng nhận biết là vào một ngày đẹp trời bấm nguồn sao cũng không chạy, đôi khi rút điện cắm lại thì chạy, đôi khi phải tháo hẳn main ra khỏi thùng máy và tất cả các dây kết nối với bo mạch thì mới chạy.(Không chạy chứ không hề chết nhé, lúc vui thì bấm lại chạy lại thôi! Lót ốc đầy đủ sẻ không bị). Main B550 Extreme4 này thì chưa thấy hiện tượng đó nhưng các main Asrock dùng trước đây thì thường hay thế.
- Cũng có hiện tượng kén RAM đối với một số RAM lạ cho dù là chạy CPU Intel.

Một kinh nghiệm xương máu khi mua hàng online đối với các mẫu main mới không có chức năng flash BIOS qua USB bằng nút riêng biệt (đặc biệt là khi dùng CPU AMD) thì nên nhắc các nhân viên thật thật thật nhiều lần rằng hãy kiểm tra BIOS của main trước. Mainboard mới khui trong hộp ra có thể sẽ không nhận CPU, SSD hoặc thậm chí là RAM mới với những phiên bản BIOS cài đặt sẵn từ nhà máy. Cho dù rằng nhân viên khẳng định rằng đã kiểm tra thì cũng nên nhắc lại lần nữa, các anh ấy công to việc lớn rất bận rộn nên đừng bao giờ tin các anh ấy! Trước khi giao mainboard này tôi đã nhắc nhân viên bán hàng rất nhiều lần về vấn đề này, thậm chí cũng đã copy hẳn ghi chú của hãng để gửi cho anh ấy và anh ấy cũng khẳng định rằng "Anh cứ yên tâm, tụi em đã kiểm tra từng cái một khi nhập hàng và sẽ kiểm tra lần nữa khi giao cho khách." Tôi cũng đã tin và kết quả sau khi nhận được main, gắn vào hệ thống đầy đủ các linh kiện: CPU, tản nhiệt, VGA, dây nhợ,.. tôi đã phải ngậm ngùi bê nguyên bộ PC từ Bình Dương ngược lên thành phố Hồ Chí Minh chỉ để các anh ấy tháo toàn bộ ra và dùng một CPU khác mà main nhận được rồi cập nhật lại BIOS. Tất cả chỉ nhận được câu trả lời "Em xin lỗi anh, em tưởng là lô hàng mới đã được hãng cập nhật BIOS rồi...!". Nếu có thể vẫn nên lựa chọn những mẫu main có chức năng flash BIOS được mà không cần CPU, điều đó sẽ đỡ được rất nhiều phiền phức khi xảy ra sự cố về BIOS.

Ở thời điểm hiện tại, main Asrock B550 Extrem4 này cũng không còn giữ được vị trí sáng giá nhất trong dòng main B550 nữa. Vị trí đó được tôi thay thế bằng đội ngũ của Gigabyte và MSI với những mẫu mainboard B550 ra mắt sau này được bổ sung thêm nhiều tính năng cũng nằm gần trong phạm vi giá như thế, đặc biệt là Gigabyte, họ đang làm rất tốt trên phương diện chất lượng, thiết kế và giá cả. Có một điều, tôi không hiểu tại sao mẫu main Asrock B550 Extreme4 này hiện tại vẫn có mức giá trải dài từ 130 - hơn 200 USD trên khắp các thị trường khác nhau, thậm chí có nơi đạt mốc 300 USD. Nhưng không quan trọng lắm, vì hiện tại mẫu main này đang làm việc rất tốt với tôi, không có gì phàn nàn khi sử dụng nó cho đến nay.
20211129_205334.jpg
20211129_225624.jpg
20211129_225818.jpg
20211129_205922.jpg
- MAINBOARD GIGABYTE X570S AORUS MASTER: https://www.gigabyte.com/Motherboard/X570S-AORUS-MASTER-rev-10#kf Không có một sự biện minh nào khi phải chi tiền cho CPU R9 5950X sau khi đã sở hữu 5900X, nhưng tôi thích nó, tôi quyết định sẽ dành cho nó một sự ưu ái hơn so với 5900X. Vì thế trong cuộc tìm kiếm cho nó một " mảnh đất để cắm cọc " tôi chỉ lưu tâm đến phân khúc các mainboard trong phạm vi giá cả từ 400 USD đổ lên. Như đã nói bên trên, dù rằng ngay cả Asrock B550 Extreme4 vẫn không hề cho cảm giác thiếu thốn khi kết hợp cùng 5950X nhưng tôi muốn cho nó một căn nhà tiện nghi hơn.

Trong cơn bão giá, dường như công thức phối ghép xưa kia : "giá trị main = 1/2 giá trị chip" đã trở nên quá lỗi thời. Mặc dù đã xác định trước một định mức ngân sách, nhưng tôi vẫn không thoát khỏi sự lăn tăn trong việc lựa chọn. Các mẫu bo mạch hiện giờ nhiều như nấm, và vẫn đang tăng lên từng ngày về số lượng, trải dài trong tất cả các phạm vi giá. Bạn có thể bỏ ra vài ngày vẫn không thể ghi nhớ hết các tên gọi của mọi mainboard của một hãng duy nhất được xây dựng trên nền tảng một dòng chipset duy nhất. Bạn cũng phải mất thời gian để cân đối từng main cụ thể lọc vào trong tầm mắt và đôi khi sẽ ngạc nhiên vì không hiểu rằng sự chênh lệch giá cả đã đi đâu trong sự khác biệt nhỏ nhoi giữa 2 mainboard cụ thể. Một sự tinh chỉnh nhỏ cũng có thể được các hãng cho ra một mẫu mainboard mới với giá khác nhau thậm chí có thể chỉ là về ngoại hình và màu sắc. Vâng, thật là buồn cười! Nhưng nó đang diễn ra như thế.

Sau khi tìm hiểu sơ lược hàng loạt thông tin, thông số dựa trên giá cả mainboard X570 của các hãng khác nhau, Gigabyte nhanh chóng được đưa vào danh sách lựa chọn chính của tôi. Gigabyte thật sự làm khá tốt trong các sản phẩm gần đây của mình, đặc biệt là dòng main Aorus Master có thiết kế và chất lượng xây dựng rất hợp với sở thích của tôi. Xét riêng các sản phẩm của Gigabyte trên cùng một chipset, dòng main Aorus Master này giá cả không hề rẻ nhưng nó được Gigabyte gài vào ở thế trung gian rất hay! Bước qua nó bạn sẽ lập tức chạm ngay cái đỉnh mà sẽ không có thêm một bước nhỏ trong khoảng cách đó, đó là dòng main Aorus Extreme với giá cả thường là gấp đôi. Vâng gấp đôi ngay lập tức, không nói nhiều, không lựa chọn gì thêm cả. Nếu bạn ngập ngừng ngay ở cái giá trị bạn có được so với cái giá hàng đầu điên rồ đó, bạn có thể lùi bước về sau nó. Nhưng lùi lại, mức giá sẽ là giảm dần rất chậm kèm theo sự gia tăng nhanh dần về sự mất mát ở giá trị bạn có được so với mức giá của sản phẩm. Sự cách biệt này sẽ càng gia tăng khi so sánh với sản phẩm của một số thương hiệu được ưu chuộng hiện nay, đặc biệt là Asus khi có kèm theo các ký tự hot "ROG STRIX". Nếu bạn cho rằng thật là phi lý khi phải chi trả cho một phần giá cả cho cái chữ "AORUS" so với các sản phẩm thông thường thì chữ "ROG STRIX" sẽ không có sự biện minh nào hợp lý.

Vì thế, tôi đã quyết định đi với Aorus Master. Ngay thời điểm đó, Giagabyte cũng vừa ra mắt mẫu Aorus Master với chipset X570S có một số tinh chỉnh nhỏ không đáng kể so với chipset X570 với giá đề xuất khoảng 390 USD và tôi đã sở hữu nó với giá 9,1 triệu đồng không kèm khuyến mãi gì, đây là mức chi trả có thể chấp nhận được so giá được đề xuất . Bo mạch này cũng được quảng cáo là bo mạch X570S duy nhất có hỗ trợ wifi 6E và có số khe cắm M2 cho SSD nhiều nhất trong thời điểm đó (4 khe). Nhưng số cổng LAN lại bị các giảm đi, chỉ còn 1 cổng so với 2 cổng của Aorus Master X570 và có ít cổng kết nối SATA 3 so với bo mạch của Asus và Asrock(6 so với 8). Ngoại hình được thiết kế lại có đôi chút khác với mẫu Aorus Master X570 cũ. Bo mạch chắc chắn với sự gia công kim loại bao bọc ở nhiều khe cắm PCIE và khe RAM, cùng hệ thống tản nhiệt SSD, chipset và lớp thép bảo vệ sau lưng cho cảm giác rất cao cấp. Đây là bo mạch tôi cảm thấy ưng ý nhất về ngoại hình so với các bo mạch cùng dòng Aorus Master khác, không có nhiều chi tiết cầu kỳ, sự đơn giản làm tăng nét đẹp của nó.

Một đặc điểm nổi trội dễ nhận thấy nhất của dòng main Aorus Master về mặt thông số là khả năng cung cấp nguồn năng lượng khổng lồ với VRM có thiết lập 14 pha (12 cho Vcore + 2 cho SOC) cũng giống như phiên bản Aorus Master X570. X570S sử dụng bộ điều khiển PWM Infineon XDPE132G5C có khả năng chạy tối đa 16 kênh. Từ EPS 8 chân, nguồn đi qua bộ điều khiển Infineon đến TDA1472 MOSFETs, khả năng chịu tải 70A .Như vậy theo lý thuyết thì cấu hình này có thể cho CPU lên đến 840A (12x70A), đây là một con số dư thừa chỉ có tác dụng trong quảng cáo, bạn có thể thử giả sử rằng AMD có một con CPU có khả năng OC lên tới 500W với điện áp 1.3V +-, với một phép tính tương đối về công suất thì nó cũng chỉ cần khoảng 385A chưa bằng phân nửa so với con số 840A kia. Ngoài ra để phục vụ đầy đủ cho những tín đồ cuồng trong thú vui Overlocking, bo mạch này đầy đủ các chân đế cung cấp nguồn phục vụ cho việc làm mát cả hệ thống được phân bố khắp nơi từ đầu bo mạch - giữa - cuối bo mạch bao gồm: 1 x đầu cắm quạt CPU, 1 x đầu cắm quạt tản nhiệt nước CPU, 4 x đầu cắm quạt hệ thống, 4 x hệ thống quạt / máy bơm làm mát nước, tất cả đều cung cấp 2A/24W, bạn có thể dễ dàng biến PC của mình thành một chiếc máy lọc không khí trong phòng nếu muốn. Ngoài ra các thông số và số lượng các kết nối khác như USB A+C (phía trước và sau), M2-SSD, cảm biến nhiệt, micro thu tiếng ồn để điều chỉnh tốc độ quạt,... tất cả đều nằm trong top đầu so với các bo mạch cao cấp khác (để rút ngắn bớt nội dung tôi không liệt kê chi tiết tất cả ở đây, bạn có thể tham khảo chi tiết tại link chính thức của Gigabyte bên trên). Tóm lại, mọi thông số của nó đều khủng, đôi khi quá mức cần thiết, nhưng tôi thích điều đó bởi vì tất cả được Gigabyte cung cấp chỉ trên một bo mạch có giá rẻ nhất trong những bo mạch được gọi là phân khúc cao cấp khác. Việc tích hợp các nút vật lý riêng biệt hỗ trợ nhanh như Q Flash và Reset Bios trên bảng I/O phía sau cũng hữu ích khá nhiều cho tôi trong việc lặp lại tinh chỉnh nhiều lần các thông số BIOS trong quá trình ép xung RAM và CPU, đặc biệt là nút Reset BIOS, sẽ là một cực hình nếu bạn thực hiện công việc này trên một mainboard không có nút Reset BIOS riêng với đầy đủ các phần cứng kết nối trong một cái case chật chội, ví dụ như mainboard Asrock B550 Extreme4 của tôi ở trên.

Cuối cùng, đối với Gigabyte, cái mà người dùng e ngại nhất không phải là chất lượng phần cứng mà lại nằm ở chất lượng phần mềm. Những phần mềm được Gigabyte cung cấp đặc biệt là BIOS chưa bao giờ được người dùng đánh giá cao nói đúng hơn là đa số người dùng đều cảm thấy bực bội khi bắt buộc phải dùng nó. Khả năng tương thích phần cứng của Gigabyte cũng kém khi sử dụng với phần mềm của bên thứ 3 (chính xác là có một chút độc quyền ở đây) cũng làm người dùng khó chịu khi họ buộc phải sử dụng những cái không thích chỉ để phần cứng "chạy được", vâng chỉ để chạy được thôi, chưa bàn đến vấn đề chạy ngon hay dở. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi cũng phải cho Gigabyte một điểm cộng nhỏ (rất nhỏ thôi nhưng nó vẫn là cộng chứ không phải là trừ) ở những bước cải tiến đối với phần mềm của họ. BIOS main của họ cũng vậy, tuy có phần chậm chạp so với việc tương thích các phần cứng mới được ra mắt liên tục gần đây nhưng nó cũng đã dễ sử dụng hơn lúc trước nhiều. Mainboard X570X đã được trang bị phiên bản Bios mới nhất của Gigabyte tại thời điểm đó nên ngay khi khui hộp nó đã hoạt động hoàn hảo đối với những phần cứng của tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào. Gần đây cũng có thêm vài phiên bản BIOS mới được Gigabyte đưa lên trang chủ, tôi cũng đã cập nhật và mọi thứ đều ổn không có gì phải phàn nàn, nó cũng tương thích tốt với Windows 11. Điểm cộng nữa là trong nền tảng Windows, App Center đã được thay thế Aorus Engine với nhiều tính năng tổng hợp hơn, giao diện trực quan, dễ dùng hơn, kèm theo đó lại tiện ích Easy tuner cũng đã cải tiến khá tốt, tôi có thể dùng nó dễ dàng để tinh chỉnh 5950X và RTX 3090 Vision mà không cần phải dùng thêm phần mềm nào khác.

Cùng với Aorus Master X570S, xung quanh cũng có một vài lựa chọn đáng quan tâm như:
- Gigabyte X570S AERO G với các tính năng hữu ích hơn trong thực tế sử dụng. Bo mạch này sẽ rất lý tưởng cho người dùng có nhu cầu chính về phục vụ công việc nhưng khả năng giải trí và ép xung cũng không hề kém cạnh so với bất kỳ bo mạch nào. Chỉ là tôi thích thiết kế ngoại hình của Aorus Master hơn.
- Asrock Taichi X570: đây là một bo mạch khá tốt, với hiệu năng cao, giá thành hiện cũng dễ tiếp cận hơn, đương nhiên đổi lại là nó không thể có những thông số khủng như Aorus master nhưng tôi cho là vẫn khá dư dùng. Asrock là có chất lượng tốt nhưng dường như họ lại có khuyết điểm là hay tự tin quá mức về khả năng trên các sản phẩm của họ nên sản phẩm của họ có thể đạt được mức hiệu năng từ bằng hoặc cao hơn với mức giá rẻ hơn đáng chú ý so với đối thủ nhưng khi hiệu năng đạt tới mức đỉnh thì độ ổn định lại không vững chắc bằng. Đó cũng là điều không thể đòi hỏi với mức giá như vậy. Thiết kế ngoại hình của Taichi cũng không nằm trong sở thích của tôi và tôi cũng không có cảm tình với cái quạt tản nhiệt chipset gắn liền trên bo mạch của dòng main X570.
- Asus ROG X570 Crosshair Serries và MSI X570 MEG Serries: Đây là những mẫu main được ưu chuộng nhất hiện nay với chất lượng phần cứng tốt và phần mềm cũng được đánh giá tốt nhất so với các đối thủ khác. Tuy nhiên ở mức giác cao hơn đáng quan tâm, tôi không cảm thấy nhận được gì nhiều so với Aorus Master của Gigabyte. Đối với Asus và MSI tôi đánh giá cao các mẫu main: Asus Tuf X570 Gaming, Asus Rog Strix F X570 Gaming và MSI MPG X570 GAMING EDGE WIFI với mức giá dễ tiếp cận hơn.
20211201_092556.jpg
20211201_092213.jpg
20211201_092511.jpg
Giải quyết sao đây?
20211201_093650.jpg
Câu chuyện mới về CPU Intel mới, dòng main chip set Z690 mới, Ram DDr5 mới:

Vâng tất cả đều mới, những thứ này sẽ làm xáo trộn tất cả mọi thứ nếu bạn quyết định đi với nó ngay bây giờ. Có rất nhiều vấn đề để nói về những thứ này, tất nhiên, nó đang là một trong những chủ đề hot nhất hiện nay để thỏa sức bàn tán. Tôi đang cố gắng nói về những điểm chính nhất có thể, mặc dù hiện tại cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, nó có quá mới, vẫn còn rất nhiều thông tin mà tôi chưa thể nắm được, tôi cũng cần phải bổ sung thêm rất nhiều kiến thức về nó từ những người đã có kinh nghiệm.

CPU Intel Core i9 12th 12900K: https://ark.intel.com/content/www/us/en/ark/products/134599/intel-core-i912900k-processor-30m-cache-up-to-5-20-ghz.html Trước tiên, bạn sẽ không cần phải nâng cấp lên CPU này từ những dòng CPU gần đây, thậm chí là bắt đầu từ i5 10th 10600K hoặc Ryzen5 5600X với nhu cầu chơi game và làm việc thông thường. Có thể qua các điểm số so sánh trên hàng loạt các diễn đàn, các trang công nghệ, ... bạn sẽ thấy được sự hấp dẫn không thể cưỡng lại nhưng trên thực tế lợi ích bạn nhận được so với giá trị bỏ ra trong quá trình nâng cấp sẽ không được nhiều như bạn tưởng tượng. Thậm chí nếu hệ thống cũ của bạn đã không còn đáp ứng được nhu cầu hiện tại và việc đầu tư một hệ thống mới là cần thiết bạn cũng có thể loại CPU này ra khỏi tầm ngắm. Đối với những PC Gaming lựa chọn kinh tế hợp lý nhất vẫn là i5 10600K và ryzen 5600. Bạn có thể dư dả muốn thêm chút chi tiêu cho một chip CPU thì sẽ là i5 12600K, ở tầm giá này i5 12600K sẽ đánh bại mọi thứ xung quanh kể cả các CPU Intel 11th và ryzen 5800. Thật xấu hổ khi tôi đã từng đánh giá i5 12600K sáng giá hơn ryzen 5600 trong phạm vi giá nhưng hiện tại tôi nhận ra rằng điều đó chỉ đúng với giá niêm yết của sản phẩm, với giá cả thực tế hiện tại trên thị trường thì với khoảng 6 triệu đồng bạn có thể sở hữu được một chip ryzen 5600G nhưng i5 12600K lại có khoảng giá từ 8 triệu cho đến trên dưới 10 triệu chỉ một chip CPU với tình trạng không có hàng hoặc phải kèm theo một số ràng buộc không thể từ chối nếu muốn sở hữu ngay. Hơn nữa việc muốn sở hữu một chip Intell 12th mới ở thời điểm này cũng đồng nghĩa phải chấp nhận kéo theo một hệ lụy bão giá không thể khống chế trên từng linh kiện tương thích mới với CPU này.

Bỏ qua tất cả các mối quan tâm về chi phí, bạn vẫn muốn xây dựng mới một hệ thống máy tính mạnh mẽ nhất, mới nhất, hot nhất hiện tại thì, ok, Intel Core i9 12900K sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất hiện tại. Sức mạnh của I9 12900K thì gần đây cũng không còn xa lạ, tôi cũng sẽ không cần quan tâm nhiều đến thế trận dằn co hiện tại về sức mạnh của nó so với ryzen9 5950X ở các lĩnh vực khác nhau, tôi sẽ lập tức nhìn vào nó đầu tiên, con chip CPU mạnh nhất, mới nhất hiện tại của Intel với mức giá trên dưới 17 triệu so với mức giá trên 19 triệu của 5950X, một con chip đã được AMD giới thiệu vào năm trước. Tất nhiên, vẫn giữ lập trường ban đầu, đây là lựa chọn chỉ có giá trị đối với việc xây dựng MỚI một hệ thống, nó sẽ không có giá trị gì trong việc nâng cấp, tận dụng những thứ có sẵn, thậm chí nó sẽ là một giá trị âm, tồi tệ, nếu bỏ 5900X hay 5950X đang sử dụng để cố đổi thành i9 12900K chỉ vì nghe nói nó mạnh hơn, ngon hơn.
Sau khi nhận lấy CPU mới của Intel (trong trường hợp này, tôi đã đi với i9 12900K), ta sẽ phải chọn mainboard chipset mới để chạy nó. Z690 là chipset mới nhất và cũng là lựa chọn duy nhất ở thời điểm hiện tại để chạy những CPU này. Tới đây, cũng có khá nhiều vấn đề cần được định hướng trước nên ta sẽ cần phải nhìn lại những thiết bị đang có sẵn có thể được tận dụng khi xây dựng hệ thống mới này, việc lựa chọn tận dụng lại một số thiết bị đang có trong tay cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định xuống tay đối với bo mạch Z690 nào.

Đầu tiên tôi sẽ phải quyết định xem nên dùng loại tản nhiệt nào cho CPU vì socket 1700 mới sẽ khác với những socket tôi đang dùng. Hiện tại tôi đang dư ra một tản nhiệt khí Noctua NH-D15 Chromax Black và tôi muốn tận dụng nó. Dù rằng có thể D15 sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu ép xung đối với CPU này (vì tôi nghe nói nó hoạt động khá nóng) nhưng đối với tôi tản nhiệt khí luôn có sự quyến rũ kỳ lạ về mặt thẩm mỹ, tôi thích nhìn thấy vẻ đẹp cơ khí hoành tráng của một tản nhiệt khí trong một hệ thống máy tính hơn là các ống nước chạy tới chạy lui trong case của mình, dù sao thì một hệ thống tản nhiệt nước custom cố định cũng sẽ không mang lại lợi cho nhu cầu tháo lắp linh kiện thường xuyên của tôi. Vậy muốn dùng Noctua D15 này trên hệ thống mới, tôi phải lựa chọn như thế nào? Có vài cách để giải quyết vấn đề này:

- Cách thứ nhất tôi sẽ đi với một bo mạch của Asus, với bo mạch Asus tôi sẽ có thể tận dụng lại bộ phận kết nối socket 1200 để gắn nó liên kết với socket 1700 trên bo mạch. Hiện nay Asus là hãng duy nhất hỗ trợ vấn đề này trên dòng mainboard Z690 của họ. Nhưng lại có số một vấn đề nhỏ xảy ra, bo mạch Z690 của Asus với thiết kế mới tản nhiệt VRM gắn liền trên main sẽ có nhiều mẫu main không tương thích với các bộ tản nhiệt khí kích thước lớn như Noctua D15, cụ thể là chiều cao của tản nhiệt VRM trên main sẽ cấn với ống tản nhiệt của D15 và các tản nhiệt khí có kích thước tương tự. Đối với những mẫu main này nếu miễn cưỡng lắp tôi sẽ phải xoay D15 90 độ so với cách gắn thông thường, có nghĩa là quạt tản nhiệt sẽ hút khí nóng từ VGA Card thổi thẳng vào CPU và thổi lên trên hoặc ngược lại, lưng VGA Card sẽ là vật cản luồng không khi lưu thông của D15. Điều này không hợp lý lắm vì nó sẽ làm giảm đi rất nhiều luồng không khí mát cần thiết để làm mát CPU, vì vậy nếu muốn dùng D15 trên bo mạch Asus tôi sẽ phải lựa chọn một lần nữa các mẫu tương thích dựa trên thông tin cung cấp từ Noctua hoặc Asus (https://ncc.noctua.at/motherboards). Một điều nữa, mặc dù giải pháp tận dụng lại bộ phận kết nối socket 1200 trên socket 1700 của Asus là một hành động rất đáng hoan nghênh nhưng theo một số thông tin phản ánh thì độ cao của socket 1200 khi lắp CPU vào có khác biệt đôi chút so với socket 1700 mới nên việc tận dụng này có thể ảnh hưởng đến áp lực nén giữa tiếp xúc 2 mặt CPU và tản nhiệt không được tốt, ảnh hưởng đến hiệu quả tản nhiệt cho CPU. Chà! phức tạp nhỉ.

- Cách thứ hai là tôi phải trực tiếp liên hệ với Noctua để được hãng hỗ trợ gửi cho tôi bộ phận NM-i17xx-MP83 kết nối D15 với Socket 1700. Đây là vấn đề tôi đã có đề cập qua ở bài viết đầu tiên phía trên, tôi cũng đã cập nhật việc xác nhận thông tin với Noctua và phía nhà phân phối tại Việt Nam, phản hồi của họ cũng đã làm tôi khá hài lòng. Nhưng với khoản thời gian chờ đợi để nhận được bộ phận mới có lẽ tôi nên nghĩ tới việc mua thêm bộ phận này để giải quyết nhanh vấn đề kết nối. Bộ phận này được Noctua đưa ra giá bán lẻ khoảng 9 USD và tôi cũng đã nhận được thông tin hiện có thể đã có hàng tại Việt Nam với giá khoảng hơn 300 ngàn đồng.

- Tôi cũng đã có một giải pháp dự phòng trường hợp D15 không đáp ứng đủ với nhiệt độ khá nóng của i9 12900K bằng một bộ tản nhiệt nước AIO của Giagabyte - Waterforce X 360. Hy vọng nó sẽ đủ dùng, ở thời điểm mua hàng dường như đây là mẫu tản nhiệt AIO duy nhất có hỗ trợ socket 1700 ngay từ trong hộp và có hàng. Các hãng khác chưa có hàng. Và NZXT kraken X73 có sẵn của tôi, sau khi liên hệ với bên bán hàng về hỗ trợ socket 1700 cũng chưa nhận được một phản hồi nào từ khi đó.
Screenshot 2021-12-04 085516.jpg
Screenshot 2021-12-04 085031.jpg
Screenshot 2021-12-04 085153.jpg
Vài hình ảnh sơ bộ về tản nhiệt Giagabyte Warterforce X 360 hỗ trợ socket 1700:
20211124_224025.jpg
20211124_224102.jpg
20211124_224239.jpg
20211124_224308.jpg
20211124_224211.jpg
20211124_224345.jpg
Gigabyte warterforce X 360 so ngoại hình với NZXT kraken X73
20211124_225104.jpg
20211124_225210.jpg
20211124_224909.jpg
20211124_225425.jpg
20211124_225539.jpg
20211124_225734.jpg
Hỗ trợ socket 1700:
20211124_230137.jpg
20211124_225941.jpg
20211124_230145.jpg
20211124_230235.jpg
20211124_230613.jpg
20211124_230438.jpg
20211124_230248.jpg
Dành cho thắc mắc Noctua D15 chromax có vừa kích thước với i9 12900K hay không:
20211124_233614.jpg
20211124_233719.jpg
20211124_233754.jpg
Noctua D15 trên main Z690 Gigabyte Elite AX DDR4: Đây là gá thử để xem có bị cấn main không thôi nhé. Nó cần phải có bộ phận NM-i17xx-MP83 mới từ Noctua mới có thể gắn vào các main Z690 khác ngoài Asus.
20211124_234155.jpg
20211124_234131.jpg
20211124_234414.jpg
Noctua D15 Chromax black tận dụng kết nối socket 1200 để gắn vào socket 1700 trên bo mạch Asus Z690 Rog Strix E Gaming WIFI. Tản nhiệt này lắp vừa vặn trên main này, ống tản nhiệt trên D15 Chormax Black vừa khẽ chạm sát với tản nhiệt trên main. Thật kỳ lạ, trên web Noctua lại nói rằng nó không tương thích với bo mạch này. Chắc tôi sẽ phải kiểm tra kỹ lại phần này khi có bộ phận kết nối chính thức cho 1700 của Noctua. Có một số chi tiết không rõ ràng lắm đối với mẫu tản nhiệt này vì nó có đến mấy biến thể với kích thước có khác nhau đôi chút: D15, D15 Chromax Black, D15S, D15S Chromax black, D15SE-AM4. Có một vấn đề là đối với các mẫu main mới gần đây, trong đó có các mainboard Z690, phần tản nhiệt gắn liền bảng I/O phía sau thường được gắn thêm vỏ bọc nhựa bên ngoài, có tích hợp led, điều này làm cho độ cao thấp ở mỗi main khác nhau và thường là cao hơn các main thông thường nên nếu gắn quạt 14cm trên tản nhiệt ở mặt này sẽ làm đẩy quạt lên cao hơn bình thường, mặt bên kia thì cũng vướng RAM (với độ cao mỗi RAM khác nhau). Như vậy nếu quạt lên cao quá lại ảnh hưởng đến nắp bên hông của case (tùy theo chiều rộng của từng case). Tóm lại, là khá nhiều vấn đề cho loại tản nhiệt khí có kích thước lớn như Noctua D15 này, các mẫu main mới có vẻ không ưu ái cho lắm đối với tản nhiệt khí loại này.
20211201_102415.jpg
20211201_100631.jpg
20211201_102350.jpg
20211201_102655.jpg
20211201_102645.jpg
20211201_102930.jpg
20211201_102912.jpg
Screenshot 2021-12-04 123135.jpg
Noctua D15 cũng lắp vừa vặn trên Asus Z690 Maximus Fomular, cũng có thể tận dụng bộ phận kết nối socket 1200 cho 1700. Các mẫu main khác của Asus phải xem kỹ độ tương thích vì sẽ bị cấn với tản nhiệt có sẵn trên main.
20211201_094610.jpg
20211129_225818.jpg
20211201_095059.jpg
20211201_095205.jpg
20211201_103626.jpg
20211201_095149.jpg
20211129_225624.jpg
Như vậy là phần tản nhiệt cho dòng CPU mới của Intell đã xong, ít nhiều cũng đã có hướng giải quyết, hơn nữa từ thời điểm tôi nhận được CPU i9 12900K đến nay thị trường chắc cũng đã về thêm một số mẫu tản nhiệt mới có hỗ trợ socket 1700. Việc tiếp theo sẽ là lựa chọn mainboard Z690.

Mọi người cũng đều biết, dòng CPU mới của Intel có khả năng hoạt động được với cả hai loại RAM DDR4 và DDR5, nhưng hiện tại bo mạch chính Z690 chỉ hỗ trợ một trong hai loại RAM đó, nên việc lựa chọn bo mạch Z690 ở đây chính là tùy thuộc vào ta muốn dùng loại RAM nào với i9 12900K.

Cho đến bây giờ việc so sánh, sức mạnh của RAM DDR4 và DDR5 trong thực tế khi dùng với CPU i9 12900K đã được thực hiện rất nhiều, cũng có vô số cuộc thảo luận, bàn cãi về vấn đề này trên mạng. Tôi sẽ không cố chứng minh lại những gì nhiều người đã làm trước đó và sẽ mặc định coi như i9 12900K khi dùng với DDR4 hoặc DDR5 đều là như nhau, sẽ không có một sự hy sinh về sức mạnh nào của hệ thống có thể nhận thấy được khi dùng DDR4 so với các mẫu DDR5 mới ra mắt trong thời gian gần đây. Để thuyết phục hơn tôi xin đưa 2 link đánh giá khá chi tiết và kỳ công về so sánh DDR4 và DDR5 trên một hệ thống, và đây chỉ là 2 trong vô số các bài đánh giá khác mà bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng internet:

- bài đánh giá của techpowerup: https://www.techpowerup.com/review/intel-core-i9-12900k-alder-lake-ddr4-vs-ddr5/ - bài đánh giá của guru3d: https://www.guru3d.com/articles-pages/core-i9-12900k-ddr4-versus-ddr5-performance-review,1.html Như vậy lựa chọn của chúng ta bây giờ sẽ không còn ảnh hưởng bởi sự đắn đo về lợi ích sức mạnh của RAM mà ta sẽ cân đối với lợi ích của việc tận dụng, nâng cấp, và phát triển ... nói dài dòng, thật ra mối quan tâm lớn nhất là CÁI GIÁ! Người ta thường hay kháo với nhau rằng đi với CPU mới của Intel sẽ kéo theo một hệ thống đắt đỏ, với giá thành cao gấp đôi, gấp ba ở các link kiện mới. Đúng như thế! Các linh kiện công nghệ mới giá rất cao so với các linh kiện công nghệ cũ, nhưng với cơn bão giá và tình trạng khan hiếm hàng hiện tại thì cái "đắt đỏ" cũng đúng với các linh kiện cũ nên đã xác định mua thời điểm này thì mua cái gì cũng đắt. Tôi đam mê công nghệ nên mua nhiều linh kiện máy tính cũng xem như là một thú vui, sẽ không bàn tới điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người ở đây, nhưng thực tế trong tay tôi cũng đã sở hữu sẵn nhiều bộ RAM DDR4 vì vậy bài toán kinh tế nhất là tôi sẽ chọn đi với bo mạch Z690 DDR4 và những người nào đang có sẵn DDR4 thì đây cũng là một lựa chọn hợp lý. Nhưng đối với những người mua mới hoàn toàn linh kiện để xây dựng một hệ thống mới thì sao? Dòng CPU mới không phải để mục đích nâng cấp từ những dòng CPU cũ trước đó 1 năm, 2 năm hoặc thậm chí là 3,4 năm. Nó cũng không phải để lôi kéo các fan từ đội "đỏ" qua đội "xanh" hay ngược lại. Nó ra mắt để đưa ra cho người dùng một sự lựa chọn khi có quyết định xây dựng mới một hệ thống hoàn toàn, nó sẽ lôi kéo họ từ đây. Đối với những người dùng muốn xây dựng một hệ thống mới hoàn toàn, nếu như đã quyết định chọn dòng CPU mới thế hệ 12 của Intel tôi thật sự khuyên nên đi với bo mạch Z690 hỗ trợ DDR5. Nếu lựa chọn đi với bo mạch Z690 DDR4 để giảm chi phí hiện tại thì trong thời gian sau này, khi có quyết định nâng cấp hay phát triển thêm trong hệ thống cho phù hợp với công nghệ bạn sẽ một lần nữa đối mặt với bài toán thay đổi toàn bộ hệ thống. Bo mạch Z690 DDR4 hiện tại mặc dù mới được ra mắt nhưng nó sẽ không có giá trị nâng cấp gì sau này cho i9 12900K khi mà hệ thống DDR5 phát triển hoàn thiện và thay thế dần DDR4. Có thể vì một thôi thúc mạnh mẽ, bạn muốn sở hữu được dòng CPU mới của Intel và lựa chọn DDR4 với những linh kiện rẻ nhất bây giờ để dùng tạm, bạn sẽ nâng cấp mọi thứ sau này khi giá thành sản phẩm giảm xuống bình thường. Đây cũng là một lựa chọn hợp lý! Nhưng, hãy nhìn lại giá cả tất cả những linh kiện bây giờ, bạn hãy cho tôi biết, cái nào đang là rẻ? Vì vậy nếu có ý định như thế, tôi thành thật khuyên bạn đừng quyết định bây giờ mà hãy đợi tiếp cho đến sau này rồi hãy quyết định.

Thời điểm trước khi cơn bão giá thực sự lan rộng, linh kiện thậm chí đã có dấu hiệu tăng giá trước đó. Ở thời điểm đó một kit Ram Corsair Dominator DDR4 32GB (2x16GB) 3200Mhz Cl16 White có giá từ 150-170 USD, tôi phải trả chi phí 4,5 triệu để sở hữu, hiện tại nó có giá khoảng 245 USD tại trang web của Corsair vào được rao giá trên thị trường Việt Nam từ khoảng 6,5 triệu cho đến hơn 7 triệu. Gskill 3600 Mhz 32GB (2x16GB) rơi vào khoảng 4,5 triệu - 7,5 triệu tùy loại, Gskill Royal Elite 4000MHz 32GB (2x16) sẽ có giá hơn 9 triệu, các kit Ram 64GB (2x32GB) sẽ là từ 9 triệu trở lên, tất cả đều rơi vào tình trạnh hên xui, nơi nào rẻ nhất thì xác suất có hàng sẽ thấp nhất. Đối với DDR5 hiện tại phổ biến nhất là của Kingston dòng Furry Beast với kit 32GB (2x16GB) (4800Mhz Stock- 5200Mhz XMP) cl40 giá trên dưới 8 triệu điều kiện ràng buộc là phải mua kèm theo main, CPU hoặc cũng có nơi phải mua luôn cả một bộ máy hoàn chỉnh, loại này hiện tại cũng khá ít hàng. Cũng có một số nơi nhập lẻ một vài kit RAM DDR5 Gskill hoặc Corsair 32GB (2x16GB) với giá cực kỳ cao.

Như vậy, hiện tại Ram DDR5 rất khó mua và cũng chỉ có ram của Kingston với giá hơn 8 triệu. Bạn cũng có thể lựa chọn DDR4 rẻ nhất cũng của Kingston với 1 thanh duy nhất dung lượng 8GB 3200Mhz với giá 1 triệu đồng, tôi sẽ không chọn cách này và cũng khá buồn cười khi bản thân đưa ra lựa chọn này để ghép với CPU i9 12900K, tương ứng tuổi đời của DDR4 thì tôi đưa ra dự đoán rằng khoản 3-4 năm nữa kit Ram DDR5 Kingston 32GB hiện tại sẽ có được giá tốt như thanh 8G DDR4 bây giờ.
Thêm vài câu chuyện vui bên lề xem như thêm trải nghiệm trong quá trình tìm kiếm DDR5 và cũng để nói lên độ "hot" của nó ở thị trường Việt Nam:

Câu chuyện thứ nhất:
Sau mấy ngày tìm hỏi nhưng DDR5 vẫn chưa có hàng tại Việt Nam, vào một buổi sáng, tôi tình cờ hỏi một cửa hàng và được biết kit DDR5 của Kingston 32GB đã về hàng bán với giá 8,2 triệu nhưng phải mua cùng bộ pc. Mua lẻ giá sẽ là 10 triệu. Tôi hỏi:
-Vậy giờ anh mua main cao cấp + Ram thì có xem như mua lẻ không? (Lúc này tôi cũng đang hỏi mua main Gigabyte Aorus Extreme tại cửa hàng đó với giá hơn 25 triệu)
- Dạ có anh.
- Vậy anh mua main + ram + CPU có được xem là 1 bộ không?
- full bộ luôn a, case nguồn tản ổ cứng.
- Thôi vậy, 10 triệu cũng được, anh lấy main + 2 kit Ram vậy. (Main + 2 kit RAM = 45 triệu)
- Dạ cũng ko dc a. Tụi em nhập 1 kit ram kẹp 10 ram ddr4 lận.
...

Câu chuyện thứ hai:
Cũng vào trưa hôm đó tôi nhận được tin nhắn từ một cửa hàng có chi nhánh ở HCM:
- Anh ơi, Hà Nội vừa về 2 kit RAM DDR5 Gskill bus 6000. Khắp miền Bắc chỉ có 2 kit, bên em lấy một kit.
- Giá nhiêu em?
- Dạ, 11.5 triệu.
- Vậy em chuyển vào cho anh. (Thông thường tôi không bao giờ mua hàng qua ngày, đây là trường hợp duy nhất chấp nhận vì thật sự là không có hàng).
... 5 phút sau.
- Dạ ngoài HN có khách chốt rồi anh. Khổ thật hàng hot quá!
- Thôi không sao em.
... 17h chiều về đến nhà. Chi nhánh cửa hàng ngoài HN nhắn tin cho tôi:
- Em về ram DDR5 xịn rồi đó. Gskill bus 6000 giá 14.990.000đ.
- sao lúc trưa HCM nó nói ngoài khách chốt rồi. Làm anh hỏi lòng vòng từ trưa tới giờ. Không là anh đã lấy từ lúc trưa rồi.
- nhưng mà, con này chỉ bán theo máy thôi anh. Có 1 cặp duy nhất ở Việt Nam ạ!
....

Đã từng kinh doanh linh kiện máy tính vào những năm 98 - 2005 ở khu vực Thanh Đa nên kinh nghiệm hỏi mua hàng cũng có ít nhiều nhưng ở thời điểm này tôi cũng ... không biết đường nào mà lần!
Sau khi định hướng và lựa chọn được loại RAM để đi chung với dòng CPU mới của Intel thì tiếp đến sẽ là lựa chọn bo mạch chủ. Vì nên lựa chọn của tôi phần lớn là phục vụ cho đam mê của mình nên tôi đi theo cả 2 hướng DDR4 và cả DDR5 (dù trong trường hợp của tôi lựa chọn bo mạch DDR4 sẽ là lựa chọn kinh tế và hợp lý hơn nhiều nhưng phải thú nhận rằng một hệ thống DDR5 mới mẻ vẫn có được sức hút mạnh mẻ đối với những người có niềm đam mê giống như tôi, việc sở hữu cả 2 hệ thống cũng sẽ giúp tôi có được trải nghiệm đầy đủ hơn). Giờ đây việc lựa chọn, cân đối theo giá cả của tôi sẽ được nhân đôi, và đây cũng là lần lựa chọn bo mạch chủ căng thẳng nhất của tôi từ trước tới nay với quá nhiều thông số cần phải tham khảo khắp mọi nơi. Tôi sẽ phân thành 2 hướng riêng biệt cho các bạn dễ theo dõi.
Lựa chọn mainboard Z690 DDR4:

Trước tiên, tôi phải thú nhận rằng việc lựa chọn cân đối về bo mạch Z690 DDR4 trong thời điểm này là rất nhiều, có rất nhiều mẫu mã, thông số lẫn giá cả được các hãng main công bố đầy đủ để thực hiện việc so sánh, nhưng tất cả chỉ được tôi thực hiện trên giấy tờ về mặt lý thuyết trong nhiều ngày liền. Việc mua hàng thực tế chỉ xảy ra trong khoảng 20 phút và gần như lại không có sự chọn lựa. Thời điểm đó, trên thị trường Việt Nam chỉ có hàng duy nhất một vài mẫu main Z690 của Gigabyte Aorus thuộc dòng Elite Serries với khác biệt duy nhất ở phần có hoặc không có kết nối Wifi, cũng có một vài chổ có thêm mẫu main Z690 Rog Strix A Gaming Wifi D4 với giá thành cao không hợp lý so với những gì nó mang lại. Tôi đã đi với mẫu main Gigabyte Aorus Elite Wifi DDR4 phiên bản AX - 270 USD với giá mua lẻ ở Việt Nam là 7,8 triệu và mặc dù là có hàng nhưng tôi phải mất 20 phút liên hệ với hơn chục cửa hàng mới tìm được chỗ có sẵn hàng. Tuy thời điểm tôi mua không có sự lựa chọn nhưng việc so sánh lựa chọn cũng sẽ phải được thực hiện, bởi thị trường sẽ khác từng ngày và hiện tại asus, asrock, và cả msi cũng đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Dòng main Z690 xuất xưởng có giá cao hơn các dòng main trước ở mức trung bình khoảng từ 40 đến 50 USD và cũng có một số mẫu main có giá vượt mức đáng kinh ngạc. Nhưng một lần nữa, Gigabyte lại dẫn đầu bảng với giá thành hợp lý nhất trên phần lớn các sản phẩm của mình. Đối với mẫu main Z690 DDR4 thì mẫu main Gigabyte Z690 UD là main có giá thành hợp lý nhất trong tầm giá 200 USD, dù nó mẫu main rẻ nhất của Gigabyte và cũng được Gigabyte lược bỏ hết những trang bị cao cấp như tản nhiệt SSD, cổng quang âm thanh, Thunderbolt,... nhưng về mặt các thông số cơ bản dường như không có gì thực sự thiếu trên nó. Bo mạch này cũng có khá nhiều biến thể DDR4 hoặc DDR5 và các lựa chọn bổ sung như Bluetooth, Wifi và có vẻ như hiện tại chưa thực sự có hàng ở Việt Nam dù rằng vẫn được niêm yết với giá trên dưới 6 triệu đồng, tôi e ngại rằng mức giá thực tế này sẽ còn thay đổi theo chiều hướng tăng nếu như có hàng và cũng sẽ không rẻ đối với những biến thể của nó khi được tích hợp thêm Wifi/Bluetooth.

Ở mức giá dưới 200 USD, ASRock cũng đưa ra một vài mẫu mainboard như ASRock Z690 Pro RS - 190 USD với một số cắt giảm về thiết kế, âm thanh, năng lượng cung cấp, mẫu ASRock Z690 Phantom Gaming 4 -180 USD được cắt giảm mạnh hơn thêm ở phần kết nối như, giảm xuống cổng LAN Gigabit thay vì 2.5Gbps, giảm cổng SATA (chỉ còn 4 cổng), thậm chí ở phiên bản mATX - ASRock Z690M Phantom Gaming 4 còn cắt giảm luôn khe PCIE 5.0 xuống PCIE 4.0, và bỏ luôn cổng kết nối USB Type C, điều này khiến tôi nghi ngờ tính thực tế của cụm từ "Gaming" kèm theo ở 2 mẫu mainboard này. Ở mức giá này, với sự cắt giảm mạnh, tôi sẽ bỏ qua vì không có gì đáng quan tâm đặc biệt là khi áp dụng mức giá thực tế trong cơn bão giá hiện tại vào thì các sản phẩm như thế này cũng không được còn được gọi là rẻ và hợp lý nữa.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019