Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Cyberpunk 2077 sau 1 năm: Hãng game hứa cuội, hay công nghệ chưa đủ chín?

P.W
25/12/2021 11:32Phản hồi: 30
Cyberpunk 2077 sau 1 năm: Hãng game hứa cuội, hay công nghệ chưa đủ chín?
Đúng thời điểm này một năm về trước, CD Projekt RED phát hành Cyberpunk 2077. Sau thành công rực rỡ của The Witcher 3, tác phẩm được coi là một trong những game xuất sắc nhất mọi thời đại, không nhiều người nghi ngờ vào khả năng của người Ba Lan khi tạo ra một trò chơi nhập vai ấn tượng, chưa kể thế giới game dù nhiều tác phẩm lấy bối cảnh xã hội phản địa đàng Cyberpunk, nhưng hiếm có tác phẩm nào toàn diện được như tầm nhìn của tác giả xưa kia.

Hỡi ôi, khi Cyberpunk 2077 ra mắt, đời không như mơ. Từ lỗi game, cho đến cách chơi hoàn toàn không giống như những gì CD Projekt RED đã hứa hẹn trước đó. Tệ hơn cả, trên nền tảng được cho là sẽ có nhiều người trải nghiệm trò chơi này nhất, là PS4 và Xbox One, Cyberpunk 2077 là một đống hổ lốn đầy lỗi game và khựng giật. Mãi đến bây giờ khi bản vá 1.31 ra mắt, game mới tạm thời chơi ổn trên console thế hệ cũ, còn trước đó thì có khi game chỉ chạy ở tốc độ từ 18 đến 20 khung hình mỗi giây.

[​IMG]

Cũng phải thừa nhận, trước khi Cyberpunk 2077 phiên bản next gen trên PS5 và Xbox Series X được phát hành, thì PC vẫn là nền tảng tốt nhất để trải nghiệm trò chơi. Mà ngay cả thế, mình cũng phải dùng đến tận RTX 3080 Ti mới chơi được game này mượt, tối thiểu 60 FPS mọi lúc mọi nơi. Còn với RTX 3070, chạy xe vào trung tâm thành phố Night City thì cứ xác định là 30 đến 40 FPS, có khi còn tệ hơn. Cũng may là, game không đòi hỏi CPU quá nhiều, tầm i5 hoặc i7 chơi ultra là đủ.

Cảm giác chơi Cyberpunk 2077 của mình rất kỳ dị. Anh em đã bao giờ có cảm giác vừa yêu vừa ghét một thứ gì đó chưa? Mình bị cuốn hút bởi đồ họa của game, thứ mà CD Projekt RED đã kỳ công tạo ra trong suốt ngần ấy năm kể từ sau quá trình phát triển The Witcher 3 kết thúc. Thế giới của game cũng quá hoàn hảo về mặt bố cục, mô tả hoàn hảo cái thế giới nơi các tập đoàn làm bá chủ và cư dân thì sống chen chúc trong thành phố khổng lồ. Nhưng cùng lúc, cốt truyện và chuỗi nhiệm vụ phụ của game không thực sự tạo ra cảm giác “hóa thân thành huyền thoại” của Night City, và cũng không tạo ra nhiều tác động đối với nhân vật chính, ngoại trừ chuỗi nhiệm vụ chính theo cốt truyện.


[​IMG]

Sau khi chơi lại game đến lần thứ 2, mình nhận ra một điều. Dù rằng Cyberpunk 2077 rõ ràng không hoàn hảo, nhưng những điều khiến tựa game này vượt qua được cái bóng của The Witcher 3 không hoàn toàn chỉ đến từ lỗi của CD Projekt RED. Có những khía cạnh hãng game đã quá tự tin dẫn đến tình trạng “hứa cuội”, kết quả cuối cùng hoàn toàn không như lời quảng cáo. Nhưng cũng có những khía cạnh, công nghệ phát triển game hiện giờ vẫn chưa thể tạo ra thế giới ảo như người Ba Lan kỳ vọng.
Dù sao đi nữa, cũng thật tiếc khi một tác phẩm game nhận được nhiều điểm 9, điểm 10 từ giới phê bình như vậy mà không trở thành ứng cử viên cho danh hiệu game xuất sắc nhất năm.


Đồ họa: Thưởng thức trên PC vẫn là nhất


Có hai quan điểm trên mạng xã hội xoay quanh Cyberpunk 2077 mà mình hoàn toàn đồng ý. Thứ nhất là CD Projekt RED nên lờ hết đi những lo ngại của các cổ đông, hoãn game đến khi nào nó thực sự đủ chất lượng rồi mới phát hành, thay vì hoãn vài lần nhưng vẫn cố gắng cho ra mắt tác phẩm này vào năm 2020. Cả năm 2021, hãng game Ba Lan phải hoãn hết cả hai dự án The Witcher 3 và Cyberpunk 2077 cho console next gen, vì chỉ có mỗi một việc sửa lỗi trong bản game trên phần cứng PS4, Xbox One và PC cũng cần tới toàn bộ nhân sự của studio. Quan điểm thứ hai mà mình đồng ý về mặt công nghệ thuần túy, đó là hãng game không nên phát hành Cyberpunk 2077 trên PS4 và Xbox One, xét trên sức mạnh xử lý của hai thế hệ máy game đã có tuổi đời hơn 7 năm này.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.20 - 00.55.12.73.jpg

Đối với The Witcher 3, chí ít thì game còn chạy ổn trên PS4 và Xbox One (sau không ít bản vá lỗi kể từ lúc game phát hành năm 2015). Lý do cũng đơn giản, thế giới mở của The Witcher 3 ấn tượng, nhưng hầu hết thời gian chỉ có anh em bầu bạn với chú ngựa Roach, chứ không phải chu du trong một thành phố quy mô khổng lồ với đầy ắp dân cư.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.20 - 00.57.51.27.jpg

Một trong những gánh nặng khủng khiếp nhất đổ lên CPU của máy game, hay thậm chí là cả PC khi chơi Cyberpunk 2077 là vẽ khung đa giác cũng như mô phỏng AI của từng nhân vật NPC khi anh em tản bộ trên đường. Quá nhiều nhân vật cùng xuất hiện, CPU sẽ phải làm việc quá tải, cùng lúc vẫn phải vẽ đa giác của những tòa nhà, đường xá, xe cộ, và mô phỏng AI của xe chạy trên đường. Và hậu quả là khi chơi game trên PS4, anh em sẽ được chào đón đến một thế giới vắng vẻ, hoàn toàn không có chất cyberpunk chút nào, khi đáng lẽ ra Night City phải là nơi dân nghèo sống chen chúc trong từng ngóc ngách của thành phố khổng lồ.

Quảng cáo



Ấy vậy mới nói, đáng lẽ Cyberpunk 2077 không nên ra mắt trên PS4 và Xbox One, mà thay vào đó hãng game nên phát hành tác phẩm này trên PC trước, rồi tập trung tối ưu cho PS5 và Xbox Series X. Từ đầu bài đến giờ, những tấm screenshot mình chia sẻ đều khắc họa một tác phẩm ở tầm kinh điển về chất lượng đồ họa. Gần như không tìm thấy góc chết khi thưởng thức trò này trên PC.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.20 - 01.09.35.15.jpg

Chất lượng texture, chất lượng hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, phản chiếu, cũng như mật độ cư dân trong Night City, hay chính bản thân chi tiết đồ họa của từng nhân vật NPC đều không thể chê vào đâu được.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Một tập đoàn lớn như CD Projekt dĩ nhiên không thể bỏ qua cộng đồng người sử dụng PS4 và Xbox One, với tổng số máy đang có trên thị trường toàn cầu ngót nghét… 150 triệu máy. Ra mắt game trên càng nhiều nền tảng, thì doanh thu của trò chơi sẽ càng ấn tượng. Đó là điều không cần phải tranh cãi xét trên góc độ kinh doanh.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.20 - 01.34.19.45.jpg

Mình cũng từng viết trong một bài trước đây, tất cả các hãng game trên toàn thế giới đều có một mục đích duy nhất, đó là kiếm tiền chứ không phải làm game. Những trò chơi điện tử họ tạo ra chỉ đơn thuần là công cụ để tập đoàn kiếm tiền mà thôi. CD Projekt RED cũng không phải là ngoại lệ. Đặt bản thân vào vị trí của một giám đốc quản lý, sẽ chẳng có ai ngốc nghếch đến mức lờ đi cộng đồng hàng trăm triệu người đang gắn bó với thế hệ console cũ cả.

Quảng cáo


Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.20 - 01.32.28.00.jpg

Hậu quả là, Cyberpunk 2077, một trò chơi vốn được triển khai với mục tiêu nghiêm túc là định hình chất lượng đồ họa của tương lai, vận hành rất tệ trên phần cứng gần 8 năm tuổi.


Thế giới: Thứ đáng khen ngợi nhất của trò chơi


Khi nhắc đến thế giới mở Night City, CD Projekt RED hoàn toàn không lờ đi bất kỳ một góc nào cả. Những tòa nhà chọc trời, những con đường đầy đèn neon và biển hiệu quảng cáo chằng chịt phủ ánh sáng xuống mặt đường nhựa ướt sũng vì mưa, những góc xóm ổ chuột hay những khu nhà ở khổng lồ chen chúc, cả người lẫn rác rưởi, hay những góc đường với những hàng quán vỉa hè phục vụ mọi người, những “farm” sản xuất thức ăn nhân tạo hay cánh đồng bát ngát những tấm panel điện mặt trời cung cấp năng lượng cho thành phố, tất cả đều được khắc họa ở chất lượng cao nhất so với tiêu chuẩn đồ họa hiện tại.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.24 - 03.26.08.74.jpg

Thế giới ảo của Cyberpunk 2077 phải thừa nhận là không góc chết, và cùng lúc mô tả hoàn hảo khoảng cách giàu nghèo quá xa trong thế giới giả tưởng này. Dân thường thì cố gắng sống qua ngày, còn những kẻ siêu giàu thì ở những căn penthouse chọc trời nhìn xuống thành phố xám xịt, chằng chịt hệ thống đường xá trên cao.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.25 - 00.11.16.77.jpg
Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.24 - 03.32.52.63.jpg
Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.24 - 03.27.27.98.jpg

Cùng lúc, những phong cách riêng của từng đối tượng NPC cũng được thể hiện rất tốt. Những người làm việc cho các tập đoàn khổng lồ quần là áo lượt, những “cựu chiến binh” Neo-Militarism, hay những người trẻ ăn mặc phong cách kỳ dị. Nói là kỳ dị nhưng phong cách Kitsch trong game thực sự cũng đã và đang ảnh hưởng rất mạnh tới xu hướng thời trang street style của thế giới thực tại. “Cơn nghiện” những linh kiện nâng cấp cho cơ thể, khiến con người mạnh hơn, đẹp hơn cũng hiện diện như một dấu mốc không thể thiếu trong diễn ngôn cyberpunk, sử dụng máy móc với lời hứa tạo ra cuộc sống tươi đẹp hơn cho con người. Dĩ nhiên có tươi đẹp thật hay không thì lại là chuyện khác.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.25 - 00.07.20.66.jpg

Điểm đáng tiếc nhất trong việc khắc họa thế giới mở của game, là cái linh hồn của thế giới, là dàn nhân vật NPC đa dạng lại có sự hiện diện không hoàn hảo chút nào. Nếu như trên PS4, thành phố vắng tanh vắng ngắt, thì trên PC, NPC vẫn có những lỗi không chấp nhận nổi, ví dụ như tình trạng pop in trong những cảnh game quan trọng, hay nhân vật máy bỗng nhiên biến mất ngay trước mắt người chơi… Những lỗi này 1 năm sau khi game ra mắt vẫn hiện diện, khá buồn.


Cốt truyện: Ý tưởng đẳng cấp, nhưng triển khai hơi lỗi


Ý tưởng ở đây là, biến một cá nhân chẳng có số má gì trong hàng triệu người đang sống ở Night City và đặt người đó vào trung tâm của một câu chuyện ở tầm đẳng cấp như hai bộ phim Blade Runner bom tấn.

Vì sao lại có thể so sánh như thế?

Nếu đã từng xem Blade Runner 2049, anh em hẳn đã thấy cuồng vọng biến con người trở thành Chúa trời của nhà sản xuất “người nhân bản”, tạo ra những sinh vật nhân tạo nhưng lại có khả năng sinh sản, thứ mà chỉ có đấng tạo hóa mới làm được. Còn trong Cyberpunk 2077, cuồng vọng trở thành Đấng tạo hóa của con người, cụ thể hơn là những kẻ đứng đầu tập đoàn Arasaka, là tìm ra cách để loài người trở nên bất tử, kết hợp linh hồn với máy móc để lưu trữ và vận hành ý thức của một cá nhân nhờ vào công nghệ, thậm chí còn có thể… ghi đè ý thức của một người lên não của một người khác. Thể xác có thể lão hóa và suy tàn, nhưng ý thức thì luôn hiện diện.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.25 - 00.12.37.86.jpg

Game ra mắt 1 năm rồi, nên mình cũng mạnh dạn spoil nội dung cốt truyện của Cyberpunk 2077 luôn.
Cú twist của game đến khá sớm, khi thí nghiệm đầu tiên để lưu trữ ý thức của một con người vào máy móc được… cài vào đầu của nhân vật chính. Đó chính là nhân vật rocker Johnny Silverhand, với ảo ảnh hiện ra trong đầu nhân vật chính. Bỗng chốc, mục tiêu của V đang từ việc biến thành một “huyền thoại” của thế giới ngầm Night City trở thành chuyến hành trình ngăn chặn cuồng vọng của Arasaka, khi anh em biết được rằng, vì là một thử nghiệm lỗi, rốt cuộc ý thức của Johnny Silverhand hoặc sẽ chiếm lấy hoàn toàn thể xác của V, hoặc V sẽ tử vong vì những hư tổn mà con chip lưu trữ ý thức của Silverhand gây ra cho não bộ.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.24 - 23.57.31.60.jpg

Vốn đã có quá nhiều kinh nghiệm khi thiết kế nhiệm vụ trong game nhập vai sau ba phần The Witcher, CD Projekt RED đổ toàn bộ công sức để thiết kế một hệ thống nhiệm vụ chính tuyến tuyệt vời, có chiều sâu và sánh ngang với chất lượng đồ họa của trò chơi (chí ít là đối với phiên bản PC). Từ chuyến hành trình đánh cắp con chip chứa ý thức của Silverhand, những mất mát của nhân vật V, cho đến việc tìm đến và nhờ sự trợ giúp của những người bạn mới, cùng lúc giúp đỡ họ với những nhiệm vụ riêng, game thể hiện được chiều sâu đáng nể.

Tuyến nhiệm vụ chính này phần nào mô tả được thế giới phản địa đàng của diễn ngôn cyberpunk, những khó khăn của con người trong bối cảnh đó, và sự thống trị của những tập đoàn khổng lồ, trong trường hợp này là Arasaka, Militech hay Kang Tao…

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.24 - 03.36.30.46.jpg

Cứ kỳ vọng rằng, với hệ thống nhiệm vụ chính tuyến như vậy, CD Projekt RED sẽ có thêm một hệ thống nhiệm vụ phụ với chiều sâu tương đương. Tiếc thay điều đó không trở thành hiện thực. Ngoài trừ vài chuỗi nhiệm vụ phụ với các nhân vật nổi bật, chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuyệt đại đa số những nhiệm vụ khác đều chỉ là cò con, làm việc theo yêu cầu của các “Fixer” của từng vùng, và chẳng tạo ra được bất kỳ tác động nào đối với nhân vật chính chứ đừng nói là với thế giới, ngoài việc chúng cho phép anh em kiếm thêm một khoản, tìm được những trang bị ngon hơn và đôi lúc kiếm được cả những cỗ xe mới nữa.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.25 - 00.04.39.49.jpg

So với Cyberpunk 2077, lựa chọn logic mà các nhà thiết kế màn chơi đưa vào những cảnh quan trọng nhất của cốt truyện phức tạp hơn nhiều. Nhưng kết cục đưa ra những lựa chọn ấy cuối cùng đưa anh em đến với 1 trong số 4 kết thúc của trò chơi. Chúng khác nhau, nhưng hầu hết đều không tạo ra cảm giác thỏa mãn sau khi đã bỏ ra gần 40 giờ đồng hồ trong game.

Có một điểm rõ ràng là hãng game “hứa cuội”, không giữ được lời đã nói ra. Đó là lời hứa tạo ra một chuyến hành trình mô phỏng cuộc sống của một con người trong thế giới cyberpunk, với khả năng thay đổi cơ thể, độ xe, tương tác với môi trường nhiều hơn, và quan trọng nhất là được làm chủ cuộc sống của họ trong thế giới mở. Thay vào đó, Cyberpunk 2077 tập trung quá nhiều đến cốt truyện chính tuyến, thay vì tạo ra một phiên bản GTA của tương lai.

Cyberpunk 2077 Screenshot 2021.12.20 - 00.56.23.56.jpg

Đơn cử mỗi một việc là chiến nhau với cảnh sát. Anh em sẽ phải đối mặt với những nhân vật máy tốc độ cực cao sau khi vi phạm pháp luật. Nhưng sau khi lên ô tô để chạy, hoàn toàn không có chiếc xe cảnh sát nào đuổi theo, mà thay vào đó là hệ thống ngăn chặn tội phạm tích hợp trong từng tòa nhà sẽ đảm nhận nhiệm vụ bắn nổ chiếc xe anh em đang điều khiển. Khá nhạt.

Tinhte_CP.jpg

Nhưng cũng không thể đổ lỗi hết cho CD Projekt RED. Có những khía cạnh mà công nghệ AI game hiện tại chưa thể phục vụ tham vọng của họ, ví dụ như tạo ra một thế giới thực sự sống động và đa sắc màu, cho phép người chơi tương tác tự do và thoải mái với từng cá nhân anh em bắt gặp trên đường. Cái này đến GTA V và The Witcher 3 còn chưa làm được. Để tạo ra được một hệ thống AI kiểm soát hàng nghìn cá thể nhân vật NPC trong cùng một thế giới mở, tạo ra sự hòa hợp giữa khung cảnh và cái hồn của thành phố, cùng lúc vận hành ổn định trên những thế hệ CPU hiện tại, có lẽ phải đợi thêm vài năm nữa.


Tạm kết


Tiềm năng của Cyberpunk 2077, theo mình, cũng lớn hệt như kỳ vọng của cộng đồng hâm mộ. Có những khía cạnh game đã làm rất tốt, ví dụ như khắc họa thế giới, hay một vài tuyến nhiệm vụ chính và phụ đậm chất điện ảnh cũng như mang đậm tính hiện sinh, khiến người chơi thực sự chìm nghỉm trong những luồng tư duy định hình giá trị của một con người.

Tinhte_CP2.jpg

Dù vậy, Cyberpunk 2077 giống như một vòng tròn âm dương, vừa tạo ra trải nghiệm sâu sắc, lại vừa mỉa mai vì đôi khi anh em sẽ có cảm giác điều khiển một nhân vật chẳng có chút tác động nào đến với thế giới khổng lồ của game, trái ngược hoàn toàn so với mục tiêu ban đầu khi các nhà phát triển bắt tay vào thiết kế Cyberpunk 2077. Kết hợp với sự lệch lạc chất lượng giữa nhiệm vụ chính và phụ, với những lỗi đồ họa đã mô tả ở trên, kết quả là vô cùng đáng tiếc cho một tác phẩm đáng lẽ ra đã có thể định hình lại toàn bộ ngành game nhập vai. Có những khía cạnh đúng là CD Projekt RED, vì quy trình phát triển quá rắc rối, vừa làm game vừa nâng cấp bộ engine phát triển, nên đã phải lược bỏ khỏi tác phẩm thương mại hóa. Nhưng cũng có những khía cạnh, đơn giản là công nghệ làm game hiện giờ trên thế giới vẫn chưa đủ đáp ứng cho tham vọng của người Ba Lan.
30 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

iristhang
TÍCH CỰC
2 năm
game khá nhiều lỗi như đang bị cảnh sát đuổi chạy quay màn hình ra chỗ khác r quay lại là hết bị đuổi nữa 😆
@iristhang Game đã khắc phục rất nhiều rồi, và đánh giá đang tích cực dần
cybepunk.png
vull
ĐẠI BÀNG
2 năm
Game này chơi trên PS5 rất ổn 60fps
Chắc là vội theo kịp tiến độ thôi chứ cấu hình ps4 hay xbox mình nghĩ vẫn ngon cho game này. Năm ngoái mình chơi the witcher 3 trên switch và rất ngạc nhiên nhà phát triển có thể nhét 1 game như thế vào thiết bị như switch, vậy nên theo thời gian, các bản patch sẽ giải quyết đc các vấn đề
grozar
CAO CẤP
2 năm
Cuội thôi chứ công nghệ gì ở đây, cảnh sát mãi ko biết lái xe thua cả cái game GTA từ thời ơ kìa, NPC lái xe bị chặn đường thì đứng đó luôn ko biết rẽ để tránh 😆
Game này hồi mới ra chơi trên PS4 Pro đúng là khủng khiếp ,hình ảnh đầy răng cưa , di chuyển nhân vật thì khựng khựng như 24 khung hình/s chứ chả được 30. Chơi được 30 p chóng mặt quá phải dẹp luôn .
Cái này mình nghĩ không phải do phần cứng PS4 hay Xbox yếu đâu mà do lập trình kém , như trò Red Dead 2 cũng thế giới mở , tương tác vật lý kinh hồn hơn cái 2077 này nhiều và chơi trên PS4 vẫn đẹp vãi lúa mà lại ít lỗi , trình làm game của mấy anh Rock Star nó ở một đẳng cấp hơn Chim Đỏ rất nhiều .
Quảng cáo kinh khủng làm mình háo hức ( đầu tư cả con 3080) để chơi nó. Kết qả chơi xong chỉ thấy nhạt và hụt. Fall out hoặc Stalker hay hơn hànv trăm lần.
@justbenice Y chang mình, giờ này năm ngoái mình đang tậu 3080 với giá 24 củ (may quá) chỉ để đón tết cùng Cyberbug
Rồi mình drop con game luôn vì mình thấy nó hơi nhạt, k đủ kiên nhẫn ( có lẽ mình do mong đợi nó hơi nhiều)
@chuoitaykohot Bán 3080 giá 42 chưa bạn tôi =))
@chuoitaykohot Tôi đã bán 3080 giá 40tr và mua 3080ti v2 ở Hanoicomputer giá 36.5 . Lần đầu tiên trong đời xài vga có lời.
Huqa
Trứng
2 năm
Cảm ơn bạn, bài viết khá hay. Trên PS5 ngoài việc chạy được ở 60fps ra thì lỗi không khác gì trên PS4, góc nào cũng có bug. Kết hợp với việc game bị khóa ở góc nhìn thứ nhất, aim assist tệ cùng tiết tấu quá nhanh làm cho trải nghiêm game gần như không thể chơi nổi. Ý tưởng game thì hay đấy nhưng ôm đồm quá nhiều thứ. Giờ thì chỉ có một bản remake cho next gen mới cứu được game này thôi.
Game bắn súng theo cốt truyện hiện tại thấy mỗi 4A Games với Metro là có tâm nhất. Làm game chăm chút từng chi tiết chân thực, cốt truyện logic có chiều sâu. Còn lại là toàn mì ăn liền...
1050 2gb đã chơi đc rồi nhưng thi thoảng vẫn giật
i3 8100 là ok rồi
o0magiz0o
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Nguyen Bao Chau 2010 thật ko bạn ? mình i3 gen 10 vs 1650 super mà ko dám tải vì sợ chơi ko nổi đây 😔
@o0magiz0o chơi thừa
Nó cần cpu i5 3570k ram 8gb vga 1060 3gb
1080p low setting
còn 720p thì 1050 thường với i5 6100 cân hết
Game goc nhin thu nhat nen nhin chan ghe, nhat la may doan cutscenes, ko co cam giac nhu coi phim, quay lai voi The witcher choi tiep vay =)))
không hiểu sao em chơi game này cảm giác cứ buồn nôn haha, trong khi chơi GTA thì không bị 😁
Red mà code đc game thành sandbox thì đúng là đỉnh của đỉnh
Thế giới trong game rất rộng +đẹp, nhưng chỉ để ngắm chứ k tương tác đc, vd 1 toà nhà trọc trời ko có lối vào
xe bay trên đầu cũng nhiều nhưng người chơi chỉ chạy xe đc trên mặt đất...
htux
CAO CẤP
2 năm
@deptraithu2TT Cái này mình nhớ trước khi ra khoảng 1 năm bọn red nổ tung trời là có thể đi vào mọi toà nhà. Thực tế khi chơi thì thế giới thì vô hồn Npc chỉ đc lập trình đi đúng 1 lộ trình tử A-B
rốt cuộc thì đây vẫn là bom xịt đáng nhớ nhất trong những năm gần đây, giờ trở thành game test cấu hình 😁
lil_rok
TÍCH CỰC
2 năm
sau 1 năm chơi thấy game cũng khá ổng định rồi. Bớt lỗi nhiều. Cốt Truyện hay
C Ab
ĐẠI BÀNG
2 năm
tưởng hứa cuội chỉ có ở vn
Ai chê thì chê chứ mình chơi từ ngay thời gian đầu tiên khi game mới phát hành thì mình thấy rất ổn, chất lượng hình ảnh tuyệt vời, mình chơi max setting 4K luôn,. Cốt truyện khá hay và logic, trong quá trình chơi mình chỉ bị văng game mấy lần thôi, chơi 1 lèo 1 tháng hết game luôn, đang mong chờ từng ngày game ra DLC mới
shit game of the year, chơi đến buổi thứ 3 thì không chịu nổi bug nên định refund lại rồi nhưng dặn lòng chắc update sẽ ổn nhưng update lên vẫn còn lỗi ạ 😃 drop chả thèm đếm xỉa. 3 năm sau quay lại mong là có thể chơi như cách Chim đỏ nó quảng cáo
Quan trọng là game này hình như đem lại lãi đậm cho tụi phát triển. Đúng là game hay không bằng game tồi nhưng marketing hay =))
Giáp Nam
ĐẠI BÀNG
2 năm
Thế là có nên mua ko ae? Đang tính kiếm 1 game chơi Tết, bình thường đi làm ko có thời gian chơi game. Đang phân vân 2,3 game. Red Dead Redemption 2, Cyperpunk 2077, Battlefield™️ 2042. Ae cho vài gợi ý.
o0magiz0o
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Giáp Nam RDR2

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019