Thảo luận: Chuyện đồ chơi, đồ dùng trẻ em và bảo vệ môi trường

Lê Q Khánh
18/1/2022 3:13Phản hồi: 40
Thảo luận: Chuyện đồ chơi, đồ dùng trẻ em và bảo vệ môi trường
Anh em nào có con nhỏ và con đang đi học chắc cũng hiểu được chuyện đồ chơi và đồ cá nhân. Mỗi tháng hoặc không quá lâu chúng ta mua cho con đồ chơi mới, dụng cụ học tập mới. Con lớn hơn một chút nữa thì cần mua cho nó một cái điện thoại. Rất nhiều lần các bạn nhỏ làm mất, và chúng ta lại mua thay thế. Không chỉ làm mất, mà sau một thời gian, cha mẹ lại đi mua đồ chơi mới để phù hợp với lứa tuổi. Đồ chơi trẻ em bây giờ đa phần là đồ nhựa. Nếu quan tâm về tác động của những đồ chơi này đến môi trường, cha mẹ sẽ cảm thấy hơi khó chịu vì rác thải nhựa nhiều quá. Không chỉ là rác thải nhựa đơn thuần, mà còn là rác thải điện tử nữa.

toysgarbage_1.jpg

Trẻ con bây giờ có nhiều đồ chơi hơn so với anh em mình ngày xưa. Mình còn nhớ lúc nhỏ cũng chẳng có đồ chơi gì mấy, ngoài mấy cuốn truyện tranh mượn được và một trái banh nhựa đá bóng chung với 20 thằng bạn đồng trang lứa trong xóm. Học hành thì cũng không có nhiều dụng cụ học tập, chủ yếu là sách vở và bút thước thôi. Sách vở nhiều khi cũng không mua mới mà mùa hè thường là mùa đi xin sách các anh chị học lớp trên để tiếp tục học. Sách tham khảo thì vô cùng hiếm luôn. Mình nhớ lúc lên cấp 3 mới biết được cuốn sách tham khảo là như thế nào chứ cấp 1 và cấp 2 thì chỉ có sách giáo khoa thôi. Vì đồ đạc cá nhân rất ít nên cái cảm giác gìn giữ nó cao lắm, muốn xài đồ trong thời gian lâu nhất có thể. Còn bây giờ, trẻ em có rất nhiều lựa chọn, từ đồ chơi, đồ dùng học tập đến đồ cá nhân. Nếu không thích cái này thì mua cái khác và ít khi gắn bó lâu với một loại đồ chơi nào cả. Nhà ở trở thành nhà trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cha mẹ cũng dành nhiều công sức để dọn nhà vì đồ chơi vương vãi khắp nơi.
toysgarbage_5.jpg
Nhưng trẻ em không phải là người chúng ta đổ lỗi. Trẻ em bây giờ có quá nhiều thứ để chúng để tâm đến: nào sách vở, nào thiết bị điện tử, thiết bị nghe nhìn, đồ chơi, hàng hóa tiêu dùng, vân vân và vân vân. Đầu óc chưa ý thức nhiều về xung quanh của trẻ em làm cho chúng dễ để đồ lung tung và làm mất đồ. Con mình nhiều lần bỏ đồ chơi ở đâu đó mà tìm hoài không ra, mất thời gian quá, nên đi mua cái mới thay thế. Nhiều loại đồ chơi bây giờ rất rẻ nên cha mẹ thường có xu hướng mua thêm hoặc mua thay thế cho những cái đã mất. Và như thế, vô hình chung, chúng ta lại thải ra môi trường nhiều rác thải nhựa hơn. Nếu gia đình nào có điều kiện, việc mua đồ chơi mới và thải loại hay làm mất đồ chơi cũ không phải là một vấn đề quá lớn nhưng liệu làm như thế có công bằng với những gia đình không có điều kiện để làm điều đó? Và làm điều đó có công bằng với những gia đình hay cộng đồng đang phải gồng mình chống chịu với biến đổi khí hậu hay mùa màng thất bát vì khi chúng ta thải loại nhiều đồ chơi bằng nhựa như thế, vô hình chung, chúng ta đang phần nào đó tác động đến môi trường chung. Đó là những câu hỏi không dễ có câu trả lời thỏa đáng phải không anh em?
toysgarbage_2.jpg

Thêm một câu hỏi nữa đó là, liệu quá nhiều đồ chơi như thế có giúp trẻ thông minh hơn, phát triển trí tuệ hơn? Mình nhấn mạnh ở đây là QUÁ NHIỀU, chứ mình không phủ nhận đồ chơi phù hợp sẽ giúp trẻ em phát triển tốt hơn về thể chất và trí tuệ. Quan điểm của mình, với sự giúp đỡ của Google, có QUÁ NHIỀU đồ chơi và đồ đạc xung quanh làm ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của trẻ em. Bộ não non nớt của chúng không thể ghi nhớ cái gì ở đâu. Ở Mỹ, nền giáo dục phát triển một ngành mới, gọi là organisational tutoring (tạm dịch là rèn luyện tính tổ chức), theo đó người hướng dẫn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sắp xếp các ưu tiên và hoàn thành mục tiêu cũng như cách bỏ qua các yếu tố gây xao nhãng như điện thoại hay tivi.

Cân bằng giữa việc làm cha mẹ và lý tưởng cá nhân không hề dễ dàng. Chúng ta quan tâm đến môi trường nhưng chúng ta lại mua đồ chơi (nhựa) thường xuyên cho con của mình. Liệu có quá sớm để chúng ta nói cho chúng biết về ảnh hưởng của quá nhiều đồ chơi lên môi trường và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến những bạn nhỏ khác trên thế giới? Không dễ để trả lời phải không anh em?

Một điều chúng ta hay làm đó là mua đồ gây quỹ cho một chương trình gì đó nhưng phần lớn sản phẩm mà chương trình bán ra thì không thân thiện với môi trường một chút nào cả: đa phần là không phân hủy được; và những món đồ đó trước khi đến tay chúng ta (hay con em chúng ta) cũng đã tiêu tốn về nhân lực và tài nguyên của Trái Đất rất nhiều. Liệu chúng ta có nói với con em mình những điều đó?
toysgarbage_3.jpg

Sự vui vẻ của một cá nhân chắc chắn sẽ cụ thể hơn và dễ hiểu hơn những sự thật đen tối ngoài kia nên việc nói tất cả một lần về tác hại của quá nhiều đồ chơi chắc chắn sẽ làm bọn trẻ không tiếp thu được. Nhưng dần dần, có lẽ chúng ta nên nói với bọn trẻ những gì đang diễn ra ngoài kia có liên quan đến những gì chúng ta có ở đây, để thế hệ chúng nó và thế hệ sau nữa có được một môi trường tốt đẹp hơn.
40 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mình thì mua những món đồ có thể dùng được lâu, không dùng có thể bán hay tặng tiếp hạn chế mua mấy món rẻ quá nhanh hỏng, rồi vứt ra môi trường
phuan
TÍCH CỰC
2 năm
Con mình vừa hơn một tuổi, mình mua những đồ chơi thương hiệu vtech hoặc toys of people. suy nghĩ về môi trường nên mua xong chơi chán cái nào cũ thì cho bà con họ hàng, chứ không bán ve chai tái chế. Những sản phẩm của thương hiệu trên rất bền và chắc chắn.

Anh em mua những sản phẩm cho con nhỏ thì đọc kỹ hướng dẫn dành cho trẻ bao nhiêu tuổi. Cái này quan trọng.
Các mod đừng đưa hình trẻ em lên, không tốt lắm 😃
@nva_nk Con gái chủ tịch đó, chắc xin phép rồi.
@nva_nk ổng đưa hình con của ổng mà
@ahihidongocahiahi dù là con ai, mình nghĩ tấm hình đó là tài sản riêng của đứa trẻ, nó chưa ý thức được sự nguy hiểm khi hình ảnh của nó lan trên mạng thôi
mroctober
ĐẠI BÀNG
2 năm
Nhà mình đang sử dụng quá nhiều sản phẩm từ nhựa. Cụ thể là từ các bộ lego duplo & lego city cho các bạn trẻ từ 2 tuổi đến 5 tuổi.
Ngoài ra, 1 số bạn đỡ trẻ cỡ 35~36 tuổi vẫn ham muốn mấy sản phẩm nhựa chế tác bởi lego như bộ Sân vận động Old Trafford & Camp Nou 😔
@mroctober Hợp lý và đúng mà bạn 😁 lego để trưng bày quá đẹp, miễn sao đến lúc chẳng may không còn nhu cầu thì mình tìm cách tái sử dụng nó (cho tặng người khác) hoặc tái chế thay vì vất nó đi nhằm giảm thiểu được việc sản sinh ra thêm rác thải (3R - Reduce, Reuse and Recycle) hehee
iamcuong
TÍCH CỰC
2 năm
@mroctober Có bán không bạn? Mình đang cần mua
mroctober
ĐẠI BÀNG
2 năm
@iamcuong Bọn trẻ nhà em vẫn đang chơi bác ạ.
iolna
TÍCH CỰC
2 năm
Nhiều bác trên này còn nghiện cả "ma túy nhựa" cơ. Mấy cái đồ chơi này ăn thua gì 🤣.
cảm ơn khanh
traitay95
TÍCH CỰC
2 năm
Sinh ra trên đời là một đống rác rồi
Idearaising hay đó bạn, hi vọng anh em hiểu và chỉ thảo luận trong giới hạn chứ không đem những thứ đao to búa lớn hơn vào để gạch đá nhau.
Quan điểm của mình là cứ cái gì mình góp phần được để bảo vệ môi trường dù chỉ 1 ít thôi hay rất nhỏ thôi thì mình vẫn cố gắng làm để góp được 1 hạt cát vào sa mạc (đơn giản như từ chối dùng ống hút nhựa, mang bình cá nhân, dùng túi tái sử dụng, hạn chế đồ dùng bằng nhựa, kể cả 1 lần hay nhiều lần để thay bằng các vật liệu khác có thể tái sử dụng hoặc thân thiện hơn với môi trường . . .)

Quay trở lại chuyện đồ chơi trẻ em, mình chưa có con nhưng mình đã có 1 gia tài đồ chơi nho nhỏ cho con mình rồi 😁 vì đơn giản là từ bé mình chỉ thích chơi ô tô và được bố mẹ mua cho ô tô bằng kim loại (hotwheels, tomica... tất nhiên vẫn có chi tiết nhựa) mỗi năm chắc chỉ được 1 - 2 xe thôi, anh em đừng nghĩ rich-kid nhé, xưa có gì xài nấy không đòi hỏi đâu. Và mình vẫn giữ cái gia tài đó đến tận bây giờ, dù cũng bán bớt đi một ít và chỉ giữ lại những chiếc mình thật sự thích rồi :D

Trong này có những cái xe mình được bố mẹ mua cho từ 2003, đến giờ vẫn chơi tốt. Bố mẹ mình thời điểm đó có lẽ không phải lựa chọn đồ chơi cho mình vì những lý tưởng liên quan đến môi trường, chỉ đơn giản là khi đó bằng cách nào đó họ đã truyền cảm hứng cho mình về chất lượng hơn số lượng và điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến mình và lựa chọn đồ chơi của mình lúc bấy giờ. Đến cả bây giờ, thậm chí mình còn đẩy lý tưởng về chất lượng lên cao hơn so với bố mẹ mình ngày xưa nữa.

Hồi bé mình không chơi siêu nhân hay các loại đồ chơi khác, chỉ thích ô tô và lego thôi, sau này lego mình cũng bán lại và cho mấy trường mẫu giáo rồi (lego toàn lego tàu, có 1-2 bộ hịn thôi nhưng vẫn hữu ích chứ không vô dụng). Nhớ hồi bé xíu còn hay chế ô tô từ bao thuốc lá, gấp giấy origami một vườn thú để chơi, rồi tự chế tàu thuyền từ bìa nhựa, chế súng ống từ bút bi hỏng . . ., chắc cũng góp phần giúp não mình phát triển và "Cũng may là cha mẹ nghèo để con biết tiền làm ra khó - Đen Vâu" nên hay phải tự làm đồ chơi để chơi

Còn xa xôi hơn như câu hỏi của bài viết, quan điểm của mình là tất cả hoạt động của con người đều sẽ có phần nào đó ảnh hưởng và tác động đến môi trường (bạn nào không tin cứ comment bất kỳ một hoạt động nào của con người mà bạn nghĩ không ảnh hưởng gì đến môi trường, mình sẽ liên kết nó đến tác động với môi trường cho các bạn), trực tiếp hay gián tiếp, và tất nhiên nhóm yếu thế hơn trong môi trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là những nhóm mạnh, cái này anh em có thể tự mở rộng ra và cũng tự thu gọn lại được về quy mô, địa lý, thang đo, nhưng mình thấy sự ảnh hưởng đều sẽ có. Và tất nhiên con người không thể nào dừng mọi hoạt động của mình để "bảo vệ môi trường" tuy nhiên có thể thay đổi hành động để "giảm thiểu" những ảnh hưởng của mình đến môi trường. Vì thế đôi khi chỉ 1 hành động nhỏ của anh em thôi cũng sẽ phần nào đem lại được ích lợi ở một nơi nào đó cho một ai đó bằng một cách nào đó, vì thế nếu làm được gì, dù ít hay nhỏ, anh em vẫn cứ nên làm
IMG_9034.JPG
7lov3
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Ngon Bổ Xẻ Đống xe sau này đẻ con gái có cho chơi ko ông??? :D
@ppthanh Nếu con mình thích, gái hay trai gì chả chơi ô tô được, và đương nhiên sẽ chỉ được chơi sau khi đã được trainning về chuyện bảo quản giữ gìn, hoặc chỉ nhỏ giọt cho chơi 1-2 cái thôi. Không giữ được thì đừng hòng đụng vô chỗ còn lại haha. Còn nếu may mắn mà con gái không thích thì mình vẫn sẽ có đồ chơi của mình ahihi
DKez
TÍCH CỰC
2 năm
@Ngon Bổ Xẻ bác nhầm về việc bảo quản giữ gìn rồi, vì trẻ con ko phải người lớn thu nhỏ. 1 trong những việc phát triển khả năng học hỏi tư duy của trẻ là đập phá và vứt đồ, tùy từng đứa mà phá nhiều hay ít 😁
@DKez Em có nói rõ rồi bác, em sẽ cho chơi đống ô tô của em sau khi được trainning về việc bảo quản giữ gìn. Em không nói đến chuyện đập phá và vứt, giai đoạn đó em cho chơi cái khác. Chỗ ô tô này em bảo quản giữ gìn từ khi còn là một đứa trẻ :D
Lắm chữ thật 😁
Bọn trẻ cũng nói: mấy ông chơi xe điện gây hại môi trường khác gì đồ chơi.
1 số thứ nói vừa thì ổn. Nói quá thành ra làm lố bỏ mẹ
Bác nên nói khi cảm nhận con mình đủ kiến thức để tư duy về môi trường.

Nhưng để được như vậy thì phải quay qua hỏi ngược lại ba mẹ

Đã có lý tưởng sống chưa, kim chỉ nam của ba mẹ là gì

Từ đó mới hướng trẻ nhỏ theo đúng hướng “sống đúng giá trị”

Còn muốn hiểu rõ hơn thì học lớp “Dạy con 3 gốc” của Thầy Trần Việt Quân



Chúc bác xem hào hứng
"Mình còn nhớ lúc nhỏ cũng chẳng có đồ chơi gì mấy, ngoài mấy cuốn truyện tranh mượn được và một trái banh nhựa đá bóng chung với 20 thằng bạn đồng trang lứa trong xóm. Học hành thì cũng không có nhiều dụng cụ học tập, chủ yếu là sách vở và bút thước thôi. Sách vở nhiều khi cũng không mua mới mà mùa hè thường là mùa đi xin sách các anh chị học lớp trên để tiếp tục học. Sách tham khảo thì vô cùng hiếm luôn. Mình nhớ lúc lên cấp 3 mới biết được cuốn sách tham khảo là như thế nào chứ cấp 1 và cấp 2 thì chỉ có sách giáo khoa thôi. " Đúng thời của mình cũng như vậy
@Kim Ủn Ỉn thời đó đúng thiếu thốn mà vui bạn nhỉ.
@lequockhanh1987 kk, giờ mới để ý thấy năm sinh của bạn. Cũng same same thời của mình. Vui và có nhiều kỷ niệm về tuổi thơ. 1 quyển truyện tranh cũng phải chờ bạn đọc xong rồi mới cho mình mượn đọc. Dũng sĩ Hezman, dấu ấn rồng thiêng ...
Trẻ con nhằm nhò gì. Người lớn còn hơn cả thế.
Túi bọc dăm ba cái điện thoại, nhà dăm ba con robot hút bụi, dăm ba laptop/pc, dăm ba máy hút, mỗi ngày buồn buồn shopping 1 mớ về review xong vứt xó, nhãn hàng bơm tiền viết review xong vứt xó, buồn buồn tự nghĩ ra đề tài nhảm/rác nhằm gây lộn câu view, tạo rác xong lại thanh mình không tạo rác để ngụy biện thế là lại câu view câu chửi lần n,... đầy thứ nó còn vô hình hơn mớ đồ chơi linh tinh của trẻ con.
@bibinguyen CáC bÁc CỨ đÁ XOÁy mOd khánh THẾ.
iamcuong
TÍCH CỰC
2 năm
Cứ mua đồ chơi xếp hình, bé thì loại Lego to, lớn hơn rồi thì Lego nhỏ. Thích cái nào thì xếp cái đấy, chán lại tháo ra. Nhà mình không mua đồ chơi khác mấy
nhiều khi mua cho con những thứ đồ chơi vô bổ thật, nó chơi xong đc một hôm là nó vứt chẳng thèm đoái hoài đến, nhưng cất đi một thời gian sau nó lại chơi lại.
ok k
mặt bé này coi lanh lợi nè ko như Cu Khang coi nhiều màn hình quá hay sao dạo này coi ko nhanh nhẹn như trc
thế hệ 9x tụi mình toàn chơi mấy món vài chục nghìn ở trước cổng trường là sịn rồi :v hôm nào nhịn ăn để mua đc robot bắn bi, súng hơi, banh nhựa 2-3 lốp :v hình dán, bài đập rồi mấy con Pokemon 5k chứ làm gì được như mấy đứa cháu tui toàn chơi Lego, Ciku, Tomyca này kia, mỗi lần mua toàn được dắt vô mykingdom mua còn tui toàn vô đó xin mấy cuốn catalog về ngắm cho đở thèm 😆

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019