Chiến lược thương hiệu của Gopro: Tập trung, khác biệt và bùng nổ

Quyền.Vũ
15/8/2022 8:49Phản hồi: 36
Chiến lược thương hiệu của Gopro: Tập trung, khác biệt và bùng nổ
Chiến lược thương hiệu của GoPro giúp chúng ta hiểu được cách mà một thương hiệu khởi nghiệp giải quyết được vấn đề của thị trường ngách, từ đó mở ra một ngành kinh doanh tỷ đô.

Khi bàn đến cạnh tranh trong kinh doanh, một sai lầm mà chúng ta hay gặp phải đó là xem “thương trường như chiến trường” – nơi chỉ có một vài người thắng, số khác buộc phải chấp nhận thất bại. Doanh nghiệp có thể không dẫn đầu, nhưng ít nhất cũng phải vượt xa so với đối thủ phía sau đã.

Trên thực tế, quan điểm này thường không dẫn doanh nghiệp đi đến đâu. Hoặc chúng ta sẽ bị cuốn vào nỗi ám ảnh “trở thành số 1”, hoặc chăm chăm tìm cách tăng trưởng doanh số mà bỏ qua việc cung cấp giá trị thật sự cho khách hàng. Tất cả đều không đảm bảo thành công dài hạn, thậm chí còn giới hạn khả năng của doanh nghiệp.

Do đó, sẽ hợp lý và bớt áp lực hơn nếu chúng ta xem cạnh tranh là con đường tìm ra sự khác biệt: một giải pháp khác biệt, một thị trường khác biệt, một ý tưởng khác biệt. Chúng ta có thể tạo ra cuộc chơi cho riêng mình và mở đường cho những mô hình kinh doanh chưa ai nghĩ đến. Đây mới là cạnh tranh theo quan điểm của chiến lược gia lỗi lạc Michael Porter.

Screen Shot 2022-08-15 at 15.48.27.png

Chiến lược thương hiệu của GoPro minh họa cách áp dụng chiến lược tập trung và khác biệt hóa vào thực tế (ảnh:tinhte.vn)

GoPro - cái tên hàng đầu trong lĩnh vực camera hành trình – là một case study cho định hướng trên. Khởi đầu là một công ty khởi nghiệp, nhà sáng lập Nick Woodman và GoPro đã từng bước chứng minh được năng lực bằng những chiến lược phù hợp, sản phẩm chất lượng cũng như các phương pháp truyền thông hiệu quả.

Dù đã và đang gặp nhiều thách thức từ đối thủ cạnh tranh, thị trường và những vấn đề trong việc phát triển sản phẩm, chúng ta cũng không thể phủ nhận câu chuyện đầy cảm hứng của GoPro: từ một ý tưởng chợt đến khi lướt sóng trở thành một biểu tượng toàn cầu. Nó mang lại nhiều bài học mà chúng ta có thể áp dụng vào bối cảnh của mình.

Chiến lược thương hiệu của GoPro bắt đầu từ việc tìm ra nhu cầu chưa được đáp ứng của một thị trường ngách, và cung cấp giải pháp cho nhu cầu đó.

Nhằm mang đến cho anh em tinhte kiến thức và góc nhìn cụ thể, Vũ sẽ chia sẻ bài viết phân tích chiến lược thương hiệu của GoPro, bao gồm những yếu tố chính làm nên sự thành công của thương hiệu này.

Câu chuyện của GoPro


GoPro là một thương hiệu đến từ Mỹ chuyên sản xuất thiết bị điện tử với dòng sản phẩm nổi tiếng nhất là các mẫu camera hành động có thể đeo trên người, cho phép người dùng quay phim hay chụp ảnh ở mọi góc độ, trong mọi thời điểm.

Tuy nhiên, GoPro không phải dự án kinh doanh đầu tiên của Nick Woodman – nhà sáng lập của thương hiệu. Ông đã thử sức với hai mô hình trước đó nhưng đều thất bại, và ý tưởng về GoPro cũng đến với Woodman theo cách vô cùng tình cờ.

Năm 2002, trong một lần du lịch đến Australia và tham gia bộ môn lướt sóng, Woodman đã rất thất vọng vì không thể chụp ảnh hay quay lại những khoảnh khắc “hành động” của ông. Bất kỳ thiết bị ghi hình nào thời điểm đó cũng đều đắt tiền và không có khả năng chống nước. Điều này khiến việc các nhiếp ảnh gia mang chúng ra giữa biển là bất khả thi, chứ đừng nói đến chuyện sử dụng.

Quảng cáo



Như cách mà mọi ý tưởng kinh doanh nên được bắt đầu, Woodman đã tìm hướng giải quyết cho bài toán trên. Tuy nhiên, giải pháp ban đầu của ông tương đối đơn giản: tạo ra những dây buộc để cố định camera trên cổ tay.

Phương pháp này nhanh chóng bộc lộ vấn đề. Thứ nhất, dây buộc không phải là một cách cố định quá chắc chắn, đặc biệt nhóm khách hàng ở đây là những người chuyên lướt sóng – tức hoạt động với cường độ cao. Thứ hai, các mẫu camera ngày ấy tương đối nặng nếu đặt trên cổ tay của người dùng và tất nhiên, không chống nước hiệu quả.

Screen Shot 2022-08-15 at 15.46.25.png
Giải pháp đầu tiên của Nick Woodman là tạo ra những dây buộc để cố định camera trên cổ tay (ảnh: Camera Zone)

Woodman sau đó đã hình dung về một thiết bị camera nhỏ gọn, dễ dàng mang đi nhưng vẫn đủ khả năng để chụp được những bức ảnh hành động chất lượng, ở nhiều góc độ khác nhau. Trở về California, ông sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm và vay một khoản từ gia đình để thành lập công ty riêng của mình.

GoPro Inc chính thức ra đời. Cái tên GoPro được lấy cảm hứng từ khao khát trở thành những người lướt sóng chuyên nghiệp của Woodman và nhóm bạn (Go Pro tạm dịch là “trở thành chuyên nghiệp”). Nó cũng thể hiện tinh thần dám theo đuổi đam mê, tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của thương hiệu và nhà sáng lập.

Quảng cáo


Hai năm sau, tức vào năm 2004, GoPro cho ra mắt camera hành động đầu tiên. Công ty thu về hơn 350.000 đô la doanh số bán hàng trong năm đầu kinh doanh.

Đến năm 2006, thương hiệu công bố sản phẩm GoPro Digital Hero kết hợp tính năng chụp hình và quay video. Đây cũng là sản phẩm đánh dấu thời điểm tăng trưởng trong quá trình kinh doanh của hãng. Kể từ đó, GoPro luôn nằm trong top những thương hiệu camera hành động hàng đầu thế giới.
Screen Shot 2022-08-15 at 15.46.33.png
Sản phẩm GoPro Digital Hero được ra mắt năm 2006 (ảnh: the8percent)

Bắt nguồn từ một vấn đề không nhiều người để ý, Nick Woodman đã mở ra một ngành công nghiệp mới, có giá trị lên đến hàng tỷ đô la. Nhiều thương hiệu khác sau đó cũng bước vào cuộc chơi, mang đến đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng, nhưng GoPro vẫn duy trì vị thế hàng đầu của mình.

Vậy những điểm mấu chốt mà chúng ta có thể rút ra được từ chiến lược thương hiệu của GoPro là gì?


Theo quan điểm của Vũ, có những ý sau đây ta cần tập trung khi phân tích chiến lược thương hiệu của GoPro: tập trung vào thị trường ngách – trải nghiệm của khách hàng – tận dụng nội dung của người dùng để truyền thông cho thương hiệu.

Vũ sẽ làm rõ các luận điểm này trong phần tiếp theo của bài viết về chiến lược thương hiệu của GoPro.

Chiến lược thương hiệu của GoPro tập trung vào thị trường ngách


Tập trung vào một thị trường cụ thể là yếu tố chính góp phần làm nên thành công trong chiến lược thương hiệu của GoPro.

Chúng ta hãy nhớ lại cách mà Woodman tìm ra vấn đề cần giải quyết. Ông nhận thấy có một nhóm khách hàng – trong đó có ông – muốn ghi lại những khoảnh khắc hành động, mạo hiểm đáng nhớ. Nhưng đáng tiếc, không thiết bị nào thời điểm bấy giờ có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Như Vũ đã chia sẻ trong loạt bài viết về chiến lược cạnh tranh, có 03 chiến lược cạnh tranh phổ quát được giáo sư Michael Porter giới thiệu: chiến lược tối ưu chi phí, chiến lược khác biệt hóa và chiến lược tập trung. Nhà lãnh đạo có thể lựa chọn một hoặc kết hợp nhiều chiến lược từ 03 chiến lược phổ quát, nhằm có định hướng phù hợp cho doanh nghiệp.

Trong trường hợp chiến lược thương hiệu của GoPro, ta dễ dàng nhận ra rằng thương hiệu đã áp dụng chiến lược tập trung kết hợp khác biệt hóa. Máy ảnh thời điểm những năm 2000 đã tương đối phổ biến. Những người yêu thích việc đi đây đi đó đều có thể mang theo một chiếc Canon, Nikon để lưu giữ kỷ niệm.

Thế nhưng, việc ghi lại những bức hình trong lúc lướt sóng hay nhảy dù không phải là nhu cầu của người du lịch phổ thông. Đây là “pain point” của nhóm người đam mê khám phá, trải nghiệm và tận hưởng những cảm giác mới lạ.

Screen Shot 2022-08-15 at 15.46.40.png
Chiến lược thương hiệu của GoPro hướng đến nhóm người yêu thích việc trải nghiệm, khám phá và phiêu lưu (ảnh: Ruben Galante)

Nói cách khác, thị trường mà Woodman hướng đến là một thị trường ngách: nhóm người ưa mạo hiểm. Từ phân khúc khách hàng đã chọn, GoPro đã tạo ra một sản phẩm dành riêng cho họ, một thiết bị nhỏ gọn, phù hợp với nhiều môi trường và dễ dàng mang theo bên mình.

Định hướng này trong chiến lược thương hiệu của GoPro vô cùng hợp lý và nó thể hiện đúng bản chất của cạnh tranh: tìm ra một con đường mới so với những người khác. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thương hiệu “mới nổi” GoPro kinh doanh những sản phẩm hướng đến mọi phân khúc khách hàng? Hay sẽ thế nào nếu GoPro hướng đến việc sản xuất một chiếc camera tương tự như Canon và dành cho nhóm người ưa mạo hiểm?

Chúng ta không thể nào chắc chắn được vì lịch sử không diễn ra theo kịch bản như vậy. Ta chỉ có thể dự đoán rằng, thành công của GoPro, nếu có, cũng không rực rỡ như thời điểm huy hoàng nhất của thương hiệu. Vì sao có thể khẳng định như thế?

Thứ nhất, nếu lựa chọn phân khúc khách hàng tương tự như nhiều thương hiệu khác, GoPro sẽ gặp khó khăn hơn trong việc định vị. Tại sao khách hàng phổ thông lại chọn GoPro trong khi có nhiều giải pháp khác còn chất lượng và vượt trội hơn?

Khi không thể khác biệt hóa thương hiệu, GoPro rất dễ rơi vào cái bẫy cạnh tranh về giá, cụ thể là giảm giá đến mức thấp hơn thị trường để khách hàng lựa chọn. Nhưng đây là một cách làm không hiệu quả về lâu dài, như Vũ đã phân tích trong bài viết về chiến lược chi phí tối ưu. Một thương hiệu khởi nghiệp cạnh tranh về giá với những tập đoàn hùng hậu thì chẳng khác nào tự sát.

Mặt khác, nếu tạo ra một sản phẩm giống như Canon nhưng lại dành cho nhóm đối tượng ưa mạo hiểm, GoPro cũng gần như không thể đạt được thành công. Vì chính Woodman cũng biết rằng các máy ảnh những năm đầu thập niên 2000 không thể nào giải quyết triệt để vấn đề của khách hàng.

Screen Shot 2022-08-15 at 15.46.45.png
Chiến lược thương hiệu của GoPro bắt đầu từ việc giải quyết nhu cầu của một phân khúc thị trường riêng biệt (ảnh: Jamie Fenn)

Do đó, điểm đầu tiên mà chúng ta có thể rút ra được từ chiến lược thương hiệu của GoPro là:

Lựa chọn một thị trường cụ thể, đào sâu vấn đề của họ và cung cấp một giải pháp khác biệt cho vấn đề này.

Chiến lược trên không chỉ có GoPro áp dụng, nhiều thương hiệu nổi tiếng khác cũng đi theo cách làm tương tự và đạt được thành công, RedBull là một ví dụ.

Thế nhưng, khi thương hiệu tạo ra một sản phẩm mới và đạt được kết quả khả quan, nó đồng thời cũng báo hiệu cho những doanh nghiệp khác biết rằng đây là một mảnh đất màu mỡ, sinh lợi. Vậy làm sao để chiến lược thương hiệu của GoPro duy trì được lợi thế cạnh tranh và trở thành biểu tượng của những tín đồ yêu mạo hiểm? Câu trả lời sẽ có trong phần tiếp theo.

Chiến lược thương hiệu của GoPro hướng đến trải nghiệm


GoPro đã làm rất tốt trong việc nhận ra nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng và giải quyết chúng trong thời gian đầu. Hàng triệu người đã sử dụng camera của GoPro để ghi lại những khoảnh khắc nhào lượn, nhảy dù, lặn biển,…

Tuy nhiên, một sự thật ai cũng nhận ra là việc GoPro không phải thiết bị duy nhất dùng để chụp ảnh hay quay phim. Sự xuất hiện của smartphone và những người khổng lồ tạo ra chúng tác động rất nhiều đến cuộc chơi. Điện thoại thông minh có gần như mọi thứ: GPS, mạng xã hội, các phần mềm theo dõi bước chân, và đặc biệt, camera của điện thoại không thua kém gì máy ảnh. Ngoài ra, đối thủ của GoPro cũng nhảy vào cuộc đua khi cho ra mắt những sản phẩm tương tự: Canon, DJI, Insta360,…

Tất cả những yếu tố trên khiến việc GoPro huy động gần 500 triệu đô la từ nhà đầu tư và được định giá gần 3 tỷ đô trong đợt IPO đầu tiên trở thành một điều có vẻ bất thường. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn ta sẽ nhận ra GoPro không chỉ bán cho khách hàng những thiết bị điện tử, họ còn mang đến một thứ không dễ dàng bị thay thế: trải nghiệm sử dụng.

Điều này rất quan trọng trong việc tìm hiểu về chiến lược thương hiệu của GoPro. Chúng ta ngoài mua sản phẩm ra thì còn mua cả trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm. Cảm giác thỏa mãn về tinh thần sẽ luôn được ưu tiên hơn, một khi mà các giải pháp liên quan đến tính năng đã được đáp ứng.

Screen Shot 2022-08-15 at 15.46.52.png
Chiến lược thương hiệu của GoPro hướng đến trải nghiệm của người dùng (ảnh: Pexels)

Những thương hiệu thời trang như Gucci, Chanel hay Zara từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng và địa vị. Vì thế, dù có giá rất cao, các thương hiệu trên vẫn thu hút được lượng lớn khách hàng sẵn sàng chi tiền để sở hữu trải nghiệm cao cấp. Nhóm khách hàng này tin rằng, những bộ quần áo, trang sức cao cấp họ mang trên người sẽ nói lên nhiều điều về bản thân, phong cách và giá trị của họ.

Chiến lược thương hiệu của GoPro cũng hướng đến cách làm tương tự. GoPro không chỉ bán một chiếc máy quay, họ còn bán trải nghiệm về những chuyến đi trượt tuyết, leo núi – những khoảnh khắc mạo hiểm đáng nhớ. Đến mức mà nhiều khách hàng còn cho rằng, khi họ nhìn thấy một người đeo một chiếc GoPro Hero 3 trước ngực, đó dường như là tín hiệu cho cả thế giới biết rằng người này chuẩn bị thực hiện một việc điên rồ – điên rồ và tuyệt vời.

Nhưng để truyền tải được những giá trị vô hình, thương hiệu cần đến những cách làm rõ ràng và cụ thể. Đăng một trăm dòng trạng thái trên mạng xã hội không hề gợi lên một cảm xúc nào trong nhận thức khách hàng. Chi hàng đống tiền để chạy quảng cáo sẽ trở thành một sự lãng phí nếu phần nội dung kém đặc sắc hay thiếu định hướng.

Đặc biệt với nhóm người ưa mạo hiểm, khám phá, họ cần trải nghiệm khác biệt hơn người bình thường. Đó phải là những nội dung thực tế, bùng nổ, đủ để khiến họ phải khao khát được ra ngoài kia và tận hưởng thế giới.

Vì thế, đây là thời điểm chúng ta tìm hiểu một yếu tố nổi bật khác trong chiến lược thương hiệu của GoPro: tận dụng nội dung từ chính người dùng.

Chiến lược thương hiệu của GoPro tận dụng nội dung của người dùng


Thương hiệu nếu được xây dựng và phát triển theo những chiến lược phù hợp sẽ có khả năng tạo dựng nên một cộng đồng cho riêng mình. Con người có xu hướng kết nối hơn với những người có điểm chung với họ. Khi được ở trong một nhóm, chúng ta sẽ dễ dàng hòa nhập vì cùng chia sẻ những giá trị, quan điểm, sở thích giống nhau.

Nhiều thương hiệu như Harley Davidson, Apple, Puma,… đã áp dụng điều này trong chiến lược của họ. Nó mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc truyền thông, quảng bá, và tất nhiên là cả lợi ích kinh tế cho thương hiệu.

Chiến lược thương hiệu của GoPro đã thành công trong việc tạo được một cộng đồng như thế. Nick Woodman từng phát biểu như sau:

GoPro tôn vinh phong cách sống năng động và chia sẻ nó đến tất cả mọi người.​

Như đã chia sẻ ở trên, GoPro không chỉ bán camera, họ còn bán trải nghiệm. Và GoPro không làm điều này bằng những tuyên bố suông như “Chúng tôi sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm tuyệt vời nhất”. GoPro biết khách hàng của mình cần gì và nghĩ gì.

Đầu tiên, khách hàng của GoPro cần đảm bảo về chất lượng sản phẩm trước khi chi tiền. Tiếp theo, họ muốn biết mình có thể làm được những gì với GoPro. Cuối cùng, họ muốn biết đánh giá của những người đã mua và sử dụng GoPro.

Chiến lược thương hiệu của GoPro đã giải quyết gọn gàng cả 3 vấn đề trên. GoPro khuyến khích những người đã sử dụng sản phẩm tham gia các thử thách mạo hiểm và chia sẻ về những chuyến phiêu lưu của họ lên mạng xã hội, đi kèm với đó là việc thành lập những nhóm cộng đồng riêng dành cho người hâm mộ GoPro.

Screen Shot 2022-08-15 at 15.46.58.png
Chiến lược thương hiệu của GoPro tận dụng tối đa hiệu quả từ nội dung do người dùng sáng tạo ra (ảnh: GoPro)

Các chiến dịch giới thiệu sản phẩm của GoPro ít khi sử dụng những nội dung của hãng, mà đa phần là tổng hợp các khoảnh khắc được chia sẻ bởi người dùng. Từ nguồn nội dung cực kỳ phong phú như thế, GoPro dần củng cố và định vị hình ảnh thương hiệu trong nhận thức của khách hàng.

Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2014, thống kê của Youtube cho biết người dùng đã xem tổng cộng hơn 50 triệu giờ video có xuất hiện yếu tố thương hiệu của GoPro (logo, tiêu đề, mô tả,…). Mỗi nội dung không chỉ đóng vai trò chứng thực về chất lượng sản phẩm, mà còn là một phương pháp marketing du kích, mang đến cho khách hàng tiềm năng lý do vì sao họ nên “tậu” một chiếc GoPro.

Để hiểu mức độ thành công trong chiến lược thương hiệu của GoPro khi tận dụng nội dung do người dùng tạo ra, chúng ta cần biết rằng đến năm 2013, chỉ có 2% trong số 5000 kênh Youtube hàng đầu thuộc về các thương hiệu. Nhưng thời điểm đó GoPro đã sở con số gần 2 triệu người theo dõi trên kênh của hãng, với mức độ tương tác và chia sẻ rất cao. Đến nay, con số này là hơn 10 triệu người.

Việc tận dụng nội dung của người dùng đã mang đến những giá trị to lớn cho chiến lược thương hiệu của GoPro, biến nó từ một thương hiệu mới nổi trở thành một trong những người dẫn đầu lĩnh vực camera hành động, và gắn liền với những trải nghiệm mạo hiểm. Từ đó, thương hiệu ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường và trong cả nhận thức của khách hàng.

Lời kết


Mọi thứ không phải lúc nào cũng màu hồng. Hành trình của GoPro dần xuất hiện những khó khăn vì mức độ cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, mức độ bão hòa của ngành và cả những lỗ hổng trong quản trị sản phẩm. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận những điểm đáng học hỏi từ chiến lược thương hiệu của GoPro.

Không nhiều người có thể tìm ra được một thị trường riêng và giải quyết đúng nhu cầu của thị trường như cách Nick Woodman và GoPro đã làm được. Ông đã rất đúng đắn khi không lựa chọn cạnh tranh với những gã khổng lồ khác, mà tự tạo dựng nên cuộc chơi của riêng mình. Các thương hiệu khởi nghiệp có thể xem chiến lược thương hiệu của GoPro như một tham chiếu trong quá trình hoạch định con đường cho mình.

Mặt khác, khi thị trường dần trở nên chật chội và tính năng sản phẩm không còn là một lợi thế cạnh tranh, chiến lược thương hiệu của GoPro chuyển hướng vào việc tập trung mang lại những trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, tận dụng nội dung từ người dùng là một phương pháp đã chứng minh hiệu quả, không chỉ với GoPro, mà còn là nhiều cái tên nổi tiếng khác như Adobe, Starbucks,…

Vũ hy vọng anh em đã hình dung được những yếu tố chính làm nên sự thành công trong chiến lược thương hiệu của GoPro. Đây là một case study minh họa rõ nét chiến lược tập trung và khác biệt hóa trong cạnh tranh. Nó nói lên rằng một doanh nghiệp, nếu sở hữu một ý tưởng đột phá và chiến lược phù hợp, sẽ đủ sức làm nên những điều bất ngờ.

Xin chân thành cảm ơn,

Nguồn bài viết: https://vudigital.co/chien-luoc-thuong-hieu-cua-gopro-tap-trung-khac-biet-va-bung-no.html

Chiến lược thương hiệu của Gopro: Tập trung, khác biệt và bùng nổ - Vũ Digital

Chiến lược thương hiệu của GoPro giúp chúng ta hiểu được cách mà một thương hiệu khởi nghiệp giải quyết được vấn đề của thị trường ngách, từ đó mở ra một
vudigital.co
36 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cái cốt lõi là chất lượng sản phẩm tốt nữa. Không thì quên đi 😆))
@ChuNguyen0382 đã chém gió thì cái nào thành công sẽ là ví dụ =))
cái thứ đi rãi link mà nói không làm PR không làm marketing mà cũng tin à 😁
Linh_istnu
TÍCH CỰC
2 năm
GoPro có 1 tgian từng suýt thì phá sản.
Cốt lõi là chúng ta có 1 thiết kế đơn giản, gọn nhẹ.
Chất lượng gia công sản phẩm rất tốt qua năm tháng ( những câu chuyện về Gopro bị thất lạc sau 1 tgian tìm thấy vẫn hoạt động)
Nội dung chia sẻ trải nghiệm do người dùng lan tỏa ( các video do thường có đoạn intro gopro) phần nào đã ăn sâu và mở rộng đến khách hàng cả mới và cũ.
Chất lượng Video tốt.
Sau khi có tất cả những cái trên thì MKT hay chiến lược bán hàng ms là cái cần bàn đến chứ sp dở ẹc thì mkt bao nhiêu cũng chỉ đc 1 tgian ngắn mà thôi
@Linh_istnu làm gì nhìn được vấn đề cốt lõi của thành công là sản phẩm đầu tiên
mấy thằng làm thương hiệu gió đi rãi link diễn đàn cũng như bài viết nó share thôi, được cái vỏ
@choigiky muốn biết vậy thì phải đợi sau vài năm người dùng đánh giá 1 cách thật chi tiết ưu nhược điểm thì mới biết được điểm mạnh điểm yếu của sản phẩm là gì bác nhỉ,chứ cái hồi lúc mới ra ông nào cũng nổ tung trời,hic
@toilachi9 vấn đề là cái thằng viết bài, nó chém gió đủ thứ mà quên rằng gopro thành công là nhờ cái cam của nó chứ cách marketing của nó chả ăn thua gì, sau đó từ đời 4 thì nó mới làm mạnh marketing

có thể nói nó viết cho vui để chém gió lùa gà chứ biết vẹo gì mấy cái sản phẩm nầy, lấy kết quả có sẵn xong quay vòng lịch sử chém thì đúng thứ trời ơi của ngành
Linh_istnu
TÍCH CỰC
2 năm
Lựa chọn một thị trường cụ thể, đào sâu vấn đề của họ và cung cấp một giải pháp khác biệt cho vấn đề này.

Chiến lược trên không chỉ có GoPro áp dụng, nhiều thương hiệu nổi tiếng khác cũng đi theo cách làm tương tự và đạt được thành công, RedBull là một ví dụ.

Thế nhưng, khi thương hiệu tạo ra một sản phẩm mới và đạt được kết quả khả quan, nó đồng thời cũng báo hiệu cho những doanh nghiệp khác biết rằng đây là một mảnh đất màu mỡ, sinh lợi. Vậy làm sao để chiến lược thương hiệu của GoPro duy trì được lợi thế cạnh tranh và trở thành biểu tượng của những tín đồ yêu mạo hiểm? Câu trả lời sẽ có trong phần tiếp theo.
Nên phân tích sâu vào Redbull tài trợ cho thể thao để quảng bá thương hiệu.
và trong thể thao, gopro cũng rất nổi tiếng.
Chứ ko nên chung chung như thế này
@Linh_istnu nó biết mịa gì mà nói nên chỉ nói được thế đã mừng
chém gió làm thương hiệu mà bản thân đi rãi link lại không dám nhận 😁
mình thích Insta360 hơn vì chụp 360 vui vẻ & có app ngon hơn.
@vinhphucng25 sao không mua bản ver2 ngon hơn nhiều vậy bạn nhỉ
Khi nào ra gopro 12 đây😂
boyintel
ĐẠI BÀNG
2 năm
@nem nướng nha trang Cuối năm mới ra 11, bạn lại đòi 12 :v
hatrhieu
ĐẠI BÀNG
2 năm
@nem nướng nha trang Sau Gopro11, mà giờ xài Gopro7 vẫn còn tốt chắc chờ Gopro12 chung với bác😎
kuzjnvn
ĐẠI BÀNG
2 năm
Mém tí phá sản ... hên đó
Hyper But
TÍCH CỰC
2 năm
Thị trường ngách
GoPro vẫn có điểm yếu so với các camera Smartphone là không quay Livestream trực tiếp hoặc quay xong Up lên mạng xã hội hoặc Cloud. Vì như thế sẽ tương tác người xem nhiều hơn.
Nếu trong tương lai có một phiên bản dành cho MXH như quay Livestream Tik Tok, Youtube sẽ có nhiều khách hàng hơn.
Nếu Gopro không làm chắc chắn Xiao Mĩ sẽ nhảy vào làm. Lúc đó cơ hội ngon ăn của Gopro rất thấp vì Xiao Mi nổi tiếng là bán giá cạnh tranh cho so với các đối thủ cùng thị trường.
@NgoHongMInh9981 Vãi đạn cầm Gopro nói chuyện, vậy thì đâu còn là Gopro và chỉ một nhóm người mua còn nhóm cần dùng chính cho mục đích quay hành động nó quay lưng luôn 😁
Syter
TÍCH CỰC
2 năm
Gần 10 năm trước lúc còn chơi thể thao mạo hiểm thì đã dùng GoPro 2 cho tới 4 từ Silver tới black, bây giờ vẫn còn GoPro 4 Silver và GoPro 4 black kèm đống phụ kiện lỉnh kỉnh đang đắp bụi.
Về sau làm freelance thì cứ mỗi năm lại mua mới 1 cái dù độ ứng dụng không cao so với tính chất công việc, chỉ biết là mình thấy cần thiết để có trong bộ đồ nghề.
3 năm trở lại đây mấy ông tinhte khen Yi Cam, chửi GoPro làm giá - mình thì không giỏi thuyết phục người khác nên bỏ tinhte 1 thời gian. Hôm nay thấy bài này nên ngóc đầu lên, cám ơn anh tác giả, giá mà trước kia mình cũng có suy nghĩ này.

Bây giờ hết freelance nên không có nhu cầu nữa, nhưng vẫn luôn theo dõi GoPro mỗi khi ra sản phẩm mới. Một công ty hiếm hoi có tâm, biết lắng nghe khách hàng, mạo hiểm đầu tư vào những mảng kinh doanh còn rất mới: 360 camera, FPV camera module system, mấy cái này chắc chắn lỗ, nhưng nó tạo cảm giác yên tâm ở chỗ: Nhu cầu ở đâu, GoPro đáp ứng ở đó, mà tao còn vượt trội hơn bất kì hãng nào khác (trừ mảng Drones haha). GoPro xứng đáng với mọi thành công mà họ đã khổ công xây dựng, vẫn giữ được phong độ và tiêu chuẩn cao sau bao năm sóng gió dù có thời điểm sắp phá sản đến nơi.
Long live the king.
Go pro rất tốt nhưng nếu ko thay đổi rất dễ bị DJI cho ra chuồng gà sớm với hệ sinh thái đa dạng của họ, chưa kể sức mạnh brand và truyền thông tốt hơn, h mỗi khi nhắc tới cam hành trình lại nhớ ngay tới DJI và gimbal của họ, tiếc cho 1 thương hiệu từng nổi đình đám.
@namnguyen1011 Cam hành trình cho cái gì vậy, trên ô tô đâu có mấy ai xài cái DJI đâu vậy 😁
@namnguyen1011 DJI của TQ nên nhiều khách hàng không thích dùng vì vấn đề bảo mật.
Như vừa rồi War Nga- Ukr phe Ukr phải bỏ hết đồ DJI vì bi phe Nga check lộ GPS chết mất mớ lính.
@ducleminh vloger bây giờ toàn xài DJI pocket và action nhiều lắm bác có thể họ quen với drone rồi nên mua chung vì hệ sinh thái.
ljonh3art
TÍCH CỰC
2 năm
Mỗi năm tới tháng 9 là ngồi hóng Gopro ra sản phẩm mới.
Công nhận năm nào cũng bị hấp diêm thị giác, từ đời Hero 7 có chống rung điện tử cho tới Hero 10 thì choáng ngợp luôn.
Riêng năm nay bà con đang kỳ vọng sensor Hero 11 sẽ lên đc 1" nhưng có vẻ khó 😃
Nhưng nếu ko nâng cấp như vậy thì khó cạnh tranh lại dòng Osmo Pocket.

Xem cuộc chạy đua công nghệ của các hãng DJI, Gopro, Zhiyun, Feiyu,... đúng là quá đã.
@ljonh3art insta360 v2 ngon hơn nhiều bác nhỉ
ljonh3art
TÍCH CỰC
2 năm
@toilachi9 Ko biết bác nói dòng nào, nếu dòng Go v2 thì nó vẫn thua thiệt với H11 mà.
Nếu so với thì so với con One R 1" thì Insta ăn rồi.
Gopro cảm biến nhỏ nên quay low-light vẫn ko thể chất lượng đc.
Không rõ con 11 bao giờ mới ra ở VN nhỉ?
Odinnguyen
TÍCH CỰC
2 năm
Bài viết của anh hình như lạm dụng hơi nhiều "chiến lược thương hiệu", lấn sang cả bên chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm. Nhất là chỗ chọn thị trường ngách là bên chiến lược kinh doanh và sản phẩm, anh lại mang sang chiến lược thương hiệu... thương hiệu phải dựa trên sản phẩm thực tế, hỗ trợ thực hiện chiến lược kinh doanh của cty. GoPro ở đây họ tìm thấy lỗ hỏng của thị trường, nên quyết định tạo ra dòng Gopro chuyên phục vụ quay phim vận động cá nhân. Thương hiệu này xây để định vị thương hiệu số 1 camera hành động cá nhân, đối tượng khách hàng chính là người yêu thích hành động mạo hiểm như anh nói.
Bài nào anh cũng chiến lược thương hiệu. Tuy rằng thương hiệu hiện nay trải rộng vai trò và thường được nâng tầm quan trọng, nhưng căn bản của doanh nghiệp là chiến lược kinh doanh đúng, sản phẩm phù hợp thị trường. Còn thương hiệu đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ thực hiện. RIêng cách dùng chiến lược thương hiệu cho việc chọn thị trường ngách là thấy anh bỏ sót/ cố tình bỏ qua các căn bản, chủ động PR cho cái từ "thương hiệu".
engadget.com
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Odinnguyen Người ta làm branding thì phải cố nhét chữ "thương hiệu" vào cho ng đọc thấy được tầm quan trọng của nó bạn ơi. Giống như nói nhà văn phải có tư duy toán học, ko thì viết lách ko logic => toán rất cần cho văn 🤣
@Odinnguyen người ta làm thương hiệu nhưng đi rãi link diễn đàn khoe bản thân thì lại không nhận là "đang làm thương hiệu"
nó áp dụng chiêu trò rẻ tiền là bài viết nào cũng nhét vào từ "chiến lược thương hiệu" để gây "ám thị" cho khách hàng
rất tiếc là từ nội dung chia sẽ đến cách trả lời comment đều thể hiện đạo đức và văn hoá thấp
mình bỏ gopro từ tời 7 đến nay đều xài insta360
Đang xài con Go10 để đi trekking và gắn làm camera trên nón moto phượt, em nó dầm mưa dãi nắng phải gọi là trâu bò điều mà điện thoại ko làm dc; bữa đi trekking Tà Giang đang lội suối em nó rớt xuống trôi theo dòng suối gần 10m; may là lấy lên dc và vẫn quay tiếp dc;
Tui cần Gopro sensor 1 inches
noxdbx
ĐẠI BÀNG
2 năm
Bài hay và bổ ích. Cám ơn bác!
đồng tình với việc dùng ngon lành, chất lượng tốt, chống rung, chống nước ok, nhưng ghét cái vụ nó đẻ như vịt mà nó đẻ cũng chả có chương trình thu đổi trợ giá nên báy bay lun rồi. Ra đồ mới hoài tiền nào chịu nổi. Y rang Sony

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019