Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Một Sony lạ lẫm ở triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2023

AmbitiousMan
26/1/2023 16:55Phản hồi: 54
Một Sony lạ lẫm ở triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2023
Tại triển lãm CES 2023 vừa diễn ra, hàng loạt sản phẩm đáng chú ý được ra mắt. TV và màn hình gaming công nghệ OLED nở rộ chưa từng có, đặc biệt QD-OLED có thêm những model mới đầy hứa hẹn. Nhiều món đồ gia dụng độc lạ xuất hiện, hoặc các giải pháp tích hợp AI mới,... Song, gần như lại thiếu vắng Sony, 1 cái tên thường góp mặt ở CES bằng TV, loa di động, tai nghe,...

Đây được nhận định là điều bất thường, theo phóng viên Hàn Quốc Kwon Taek-kyung. Còn The Verge mô tả việc công ty Nhật Bản không giới thiệu TV mới tại CES 2023 là “điều lạ lùng chưa từng có tiền lệ.”

Thực vậy, giữa 1 triển lãm điện tử tiêu dùng, họ trở nên lạc lõng khi giới thiệu hàng loạt ứng dụng sản phẩm và công nghệ vào hoạt động sản xuất nội dung. Từ máy quay VENICE, máy ảnh Alpha, drone Airpeak cho tới trường quay ảo lắp đặt màn hình LED.



Và khi họ chiếu đoạn teaser Gran Turismo lên sân khấu, Sony đã cho thấy 1 diện mạo hoàn toàn mới. Đây là bộ phim do Sony Pictures sản xuất và thực ra chẳng liên quan gì tới CES 2023, chuyển thể dựa trên franchise đua xe nổi tiếng gắn liền hệ máy PlayStation. Tính tới cuối năm 2022, tổng doanh số dòng game Gran Turismo đã đạt tới 90 triệu bản, là game PS bán chạy nhất lịch sử.



*Lưu ý: Bài viết rất dài, hãy cân nhắc trước khi đọc!​

Công ty giải trí sáng tạo


Teaser Gran Turismo phản ánh sự thay đổi diễn ra bên trong công ty từng nổi tiếng với máy nghe nhạc Walkman hay TV Bravia. Từ tập trung cải tiến và đổi mới sản phẩm phần cứng chuyển dịch thành nhà cung cấp nội dung giải trí đa phương tiện. Một cây cầu gắn kết 3 doanh nghiệp bên trong tập đoàn - hãng phim Sony Pictures, hãng đĩa Sony Music và hãng game Sony Interactive (sở hữu thương hiệu PlayStation).

Cùng nhau, 3 doanh nghiệp này tạo thành 1 tổ hợp giải trí đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt Sony. Theo hàng chục giám đốc điều hành cấp cao đã và đang công tác tại Sony được phỏng vấn bởi Reuters, 3 đơn vị từng kinh doanh riêng rẽ này bây giờ lại phối hợp chặt chẽ với nhau trong nhiều dự án.

IR 2022 23.jpeg
Music, Pictures và Interactive tạo thành tổ hợp giải trí mũi nhọn, được thúc đẩy bởi công nghệ và thiết bị do bên điện tử cung cấp

Trong khi đó, Sony Electronics và bộ phận bán dẫn đóng vai trò làm hậu phương, cung cấp những thiết bị và giải pháp công nghệ cho tổ hợp giải trí mũi nhọn. Nếu bạn mong chờ sản phẩm tiêu dùng mới như những gì được Samsung, LG, Asus,... giới thiệu, câu trả lời của Sony lại không nằm ở triển lãm vừa diễn ra.

Mới đây, họ đã âm thầm giới thiệu 2 mẫu Walkman mới thuộc phân khúc tầm trung, dòng ZX700 và A300. Song đã không mang tới CES 2023. Tương tự, dải TV năm 2023 cũng sẽ được ra mắt trong 1 sự kiện riêng vào tháng 2. Mẫu cao cấp nhất năm nay là A95L dự kiến nhập về Việt Nam để cạnh tranh với TV QD-OLED của Samsung. Ngoài ra, còn có thêm một số tai nghe không dây giá rẻ khác. Tất cả đều không xuất hiện tại CES 2023 mà phải chờ đến sau sự kiện.

“Tôi đã quán triệt tinh thần rằng Sony phải trở thành 1 công ty giải trí sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ vững mạnh” - CEO Kenichiro Yoshida nói. “Sáng tạo”“công nghệ” sẽ song hành cùng nhau trong chiến lược của hãng Nhật Bản kể từ bây giờ.

Quảng cáo


Yoshida by Getty Images.jpg
CEO Kenichiro Yoshida

Lợi thế độc nhất vô nhị


Trong 5 năm qua, Sony đã giảm đáng kể đầu tư vào lĩnh vực điện tử để tái tổ chức nguồn lực, nhằm “bơm” tới 10 tỷ USD vào kho nội dung giải trí trải dài từ âm nhạc, video game, anime cho tới phim ảnh. Sở hữu nhiều công ty sản xuất nội dung ở nhiều ngành khác nhau, tập đoàn Nhật Bản được đánh giá là 1 trong các công ty truyền thông phong phú và toàn diện nhất.

Trailer Gran Turismo cho thấy rõ hơn bao giờ hết chiến lược mới của Sony, khi hãng game và hãng phim hợp tác với nhau trong 1 kế hoạch dài hơi nhằm chuyển thể các trò chơi PlayStation, còn trong chiều ngược lại thì studio có thêm nguồn tài nguyên mới để làm phim và kiếm tiền. Chiến lược này thực ra đã được đề cập đến trong 2 bài viết cũ trên Tinh Tế.

Gran Turismo là 1 trong 10 dự án chuyển thể mà Sony Pictures thực hiện dựa trên kho IP PlayStation của Sony Interactive. Chúng gồm các phim chiếu rạp sẽ do chính Sony Pictures sản xuất và phân phối, còn phim truyền hình lại được mang đi “chào hàng” các nền tảng streaming video khác đầu tư mua quyền phát hành (do Sony Pictures không mở dịch vụ riêng).
IR 2021 33.jpg

Để theo đuổi kế hoạch dài hơi này, Sony Interactive đã thành lập hẳn PlayStation Productions để tham gia vào sản xuất phim. Thực chất Sony Pictures đã có ý tưởng làm phim từ game PlayStation từ lâu, song phải tới gần đây họ mới quyết liệt trong việc hiện thực hóa thay vì chỉ là ý tưởng trên giấy suốt nhiều năm. So với các hãng game khác, Sony có lợi thế nội tại hơn hẳn.

Quảng cáo


Dưới sự dẫn dắt của hãng phim đứng trong hàng ngũ Big 5 Hollywood, studio của Interactive thực hiện 5 dự án chuyển thể phim chiếu rạp các game Uncharted; Gran Turismo; Days Gone; Ghost of Tsushima; Gravity Rush. Đây là khác biệt rõ ràng so với các công ty game khác, thường bán quyền làm phim cho Hollywood xong là hết trách nhiệm. Trong đó, Uncharted đã ra rạp và đạt được thành công thương mại nhất định.

Còn với phim truyền hình, tác phẩm đầu tiên tấn công màn ảnh nhỏ là The Last of Us. Dự án chuyển thể được sản xuất bởi nhóm các công ty Sony Pictures TV, PlayStation Productions, Naughty Dog, Word Games và The Mighty Mint. Phần âm nhạc OST do Milan Records của Sony Music phân phối. Đơn vị phát hành độc quyền là Warner Bros. thông qua nền tảng streamning HBO Max và kênh truyền hình HBO.
TLOU TV series 2.jpg
top 5 tv series IMDb.png
“The Last of Us” hiện đang là TV series phổ biến nhất trên IMDb do Sony Pictures TV sản xuất

Sau khi chiếu 2 tập đầu tiên, The Last of Us đã nhận về phản hồi tích cực. Điểm đánh giá trên các chuyên trang cực cao: IMDb 9.3/10; Rotten Tomatoes 97% và Metacritic 84. Phim thu về hơn 10 triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày, số người xem tập 2 còn nhiều hơn tập 1, đồng thời kích thích doanh số bán game tăng vọt. Nhiều tạp chí và tờ báo nhận định, TV series có tiềm năng trở thành tác phẩm chuyển thể từ game xuất sắc nhất.

Đây là tiền đề rất tốt cho các dự án truyền hình sau này của hãng phim, bao gồm God of War (Amazon), Horizon (Netflix), Twisted Metal (Peacook). Trước đây, công ty đã thực hiện một số dự án chuyển thể game của Capcom gồm live-action chiếu rạp Resident EvilMonster Hunter. Song từ bây giờ, game PlayStation sẽ trở thành át chủ bài mới để họ dẫn đầu thể loại này. Sự kết hợp ngay từ bên trong giúp họ có lợi thế hơn phần còn lại của ngành công nghiệp trò chơi và phim ảnh.

*Xem thêm: Bạn có đang đánh giá quá thấp Sony?

TSMC ngành phim


Các dự án hợp tác chéo trọng điểm trong tập đoàn từng rất khó xảy ra, ít nhất là cho tới 3 năm trước. Mãi tới khi ông Yoshida bắt tay vào tái tổ chức theo hướng trở thành “công ty giải trí sáng tạo”, nhiều cuộc họp thảo luận giữa các nhà lãnh đạo mới dần phổ biến, nhằm tìm ra cách làm việc chung hiệu quả hơn. Cuối cùng, họ đi tới điểm kết nối chung giữa Pictures và Interactive, sau đó thúc đẩy kế hoạch làm phim chuyển thể từ game.
IR 2022 36.jpeg
Nhà cung ứng nội dung lớn nhất ngành công nghiệp, TSMC của ngành phim

Sony không tham gia đua streaming video cạnh tranh với Netflix, điều mà Disney, Universal, Paramount theo đuổi. Cùng với đó, họ cũng khước từ lời kêu gọi bán hoặc tách riêng hãng phim của 1 quỹ phòng hộ Mỹ - muốn dồn nguồn lực vào lĩnh vực điện tử. Theo hình dung của ông Yoshida, Sony Pictures nói riêng và lĩnh vực giải trí nói chung là 1 phần không thể tách rời. Vấn đề là làm sao tận dụng được những tài sản truyền thông giải trí này 1 cách tối ưu nhất.

*Xem thêm: CEO Sony: Sony Pictures is not for sale.

Trong bối cảnh đó, nhằm xoa dịu áp lực từ cổ đông muốn tập đoàn làm việc hiệu quả hơn giữa thời đại phát trực tuyến lên ngôi, công ty đã đi tới quyết định - trở thành 1 tay buôn nội dung trong thời đại streaming video bùng nổ. Nói cách khác, họ chọn đóng vai là 1 TSMC của ngành phim - chuyên sản xuất nội dung rồi đem bán cho người chịu trả giá cao. Để làm được như vậy, hãng cần trở thành đại siêu thị với nguồn nội dung phong phú, nhằm lôi kéo khách mua tới shopping.

Đây là chỗ để lợi thế độc nhất vô nhị ở trên phát huy, theo tầm nhìn của CEO cũng như chiến lược tổng thể của tập đoàn Nhật Bản. Họ có kho game PlayStation danh tiếng và 1 hãng phim đang “khát” chất liệu làm phim, còn gì phù hợp hơn? Interactive cần mở rộng và phát triển các trò chơi vượt ra khỏi khuôn khổ console, trở thành thương hiệu truyền thông giải trí ăn khách. Pictures thì cần bổ sung nguồn phim để đem bán cho những dịch vụ streaming có nhu cầu.

IR 2021 28.jpg
Thời đại phát trực tuyến bùng nổ, hàng loạt dịch vụ ra đời như Disney+; HBO Max; Paramount+; Peacook; Apple TV+; Netflix; Hulu và Prime Video, đẩy nhu cầu sản xuất nội dung mới tăng vọt

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén!

Game PlayStation giờ không còn cần mác “game độc quyền PS5” nữa. Mà hướng tới thành thương hiệu truyền thông hiện diện qua nhiều hình thức giải trí, ở console thì vẫn độc quyền PlayStation, nhưng sẽ tấn công sang cả nền tảng PC gaming để tiếp cận nhóm khách hàng mới. Đồng thời, chuyển thể phim để giới thiệu tới những khán giả chưa chơi game, lôi kéo họ tìm hiểu nguyên tác trò chơi hòng thúc đẩy doanh số.

Trong chiều ngược lại, Pictures có quyền chuyển thể game PlayStation thành phim mà không công ty nào khác có, đây là những nội dung “độc quyền” chỉ tìm thấy ở Sony. Các dịch vụ streaming video thì luôn bận rộn cạnh tranh nhau để lôi kéo khán giả đăng kí, chắc chắn rất “đói” nội dung mới. Việc tìm đến Sony để hợp tác mua phim chuyển thể tất yếu sẽ xảy ra.

Ngoài lợi thế này, công ty còn sở hữu bản quyền chuyển thể phim từ truyện tranh Marvel xoay quanh nhân vật Spider-Man. Từ đó, cho họ quyền truy cập hơn 900 nhân vật trong các đầu truyện về anh hùng đầu tơ, như Doctor Octopus, Green Goblin, Mary Jane hay Aunt May,... Điều đó dẫn đến thỏa thuận hợp tác với Amazon, sản xuất hàng loạt TV series về những nhân vật Marvel này để chiếu độc quyền trên Prime Video.
IR 2022 5.png
Hiện tại, Sony Pictures là hãng duy nhất còn quyền sản xuất live-action dựa trên truyện tranh Marvel ngoài Disney/Marvel Studios, đã thế lại chính là siêu anh hùng nổi tiếng nhất Spider-Man

Kết quả, công ty đã kí hàng loạt hợp đồng với Netflix, Disney+, HBO Max, Prime Video và Apple TV+. Sony Pictures giờ là một phiên bản của TSMC trong ngành phim ảnh. Triết lý của những công ty pure-play như TSMC là: không cạnh tranh trực tiếp với chính khách hàng của mình. Không sở hữu dịch vụ trực tuyến riêng, nắm quyền làm phim dựa trên kho game PlayStation và nhân vật Spider-Man của Marvel, Sony thoải mái chào mời khách hàng đầu tư cho mình.

Kho báu bỏ quên


Lãnh đạo cao nhất của Pictures hiện là ông Tony Vinciquerra, nhậm chức Chairman vào năm 2017. Đó là thời điểm tương đối khó khăn với bộ phận phim ảnh.

Họ vừa có bom xịt phòng vé là Ghostbusters (2016) lỗ hơn 70 triệu USD, khiến hãng dừng ngay kế hoạch thực hiện sequel cho bản reboot mang đậm màu sắc nữ quyền này. The Magnificent Seven thì không thành công lắm. Trước đó, IP lớn nhất là Spider-Man lại không đạt kì vọng với The Amazing Spider-Man 2 (2014), khiến phần thứ 3 đáng lẽ phải ra rạp lúc này bị hoãn vô thời hạn (mà chúng ta biết là đã bị hủy). Doanh thu từ đĩa vật lý DVD và Blu-ray cũng giảm mạnh.

Lúc mà ông lên làm Chairman của Pictures, bộ phận này đang lỗ 719 triệu USD vì 1 khoản thâm hụt 962 triệu USD, liên quan đến những tài sản vô hình bị suy giảm giá trị (impairment charge of goodwill). Điểm sáng duy nhất là sản xuất phim truyền hình vẫn thu lợi nhờ TV series The Crown chiếu trên Netflix. Trong tay không có vũ trụ điện ảnh nào, bom tấn siêu anh hùng thì bế tắc, phim chiếu rạp lại mờ nhạt, áp lực từ streaming video đe dọa nguồn thu đến từ đĩa vật lý.
IR 2022 11.png
Sony Square.jpg
Công ty Nhật Bản cung cấp 4 khía cạnh của nội dung là sản phẩm tiêu thụ, công cụ sáng tạo, phương tiện lưu trữ và tiêu chuẩn nghe nhìn. Đồng thời, là nhà sản xuất nội dung toàn diện khi bao trùm đa dạng loại hình giải trí từ game, nhạc, phim tới anime. Đây là cấu trúc độc nhất hành tinh.

Không khó hiểu khi tin đồn sắp bị bán lại rộ lên. Bởi trước đó đã có cổ đông kêu gọi tập đoàn thoái vốn khỏi bộ phận phim ảnh, tranh thủ lúc streaming đang hot thì nhanh chóng tìm người mua lại. Nay đề nghị này được lặp lại - Chairman của Sony Pictures thừa nhận.

Song, Vinciquerra nhanh chóng nhận thấy mỏ vàng tiềm năng bên trong tập đoàn còn chưa được khai phá. “Sony là doanh nghiệp duy nhất trong ngành truyền thông giải trí vượt xa khỏi lĩnh vực điện ảnh hay truyền hình. Họ tham gia cả ngành công nghiệp âm nhạc, sở hữu PlayStation dẫn đầu thị trường trò chơi điện tử. Hơn nữa, còn có nền tảng công nghệ đã tích lũy qua nhiều năm” - ông phản hồi trong 1 buổi phỏng vấn. Đây chính là kho báu mà ban lãnh đạo đã bỏ quên.

Phải mất nhiều thập kỷ sau khi nhảy vào lĩnh vực điện ảnh năm 1989 và âm nhạc năm 1968, họ mới tạo ra được sức mạnh cộng hưởng từ các công ty giải trí mình đang sở hữu. Sony Music là hãng thu âm lớn thứ 2 và nhà xuất bản âm nhạc lớn nhất; Sony Interactive là công ty sản xuất console lớn nhất và đứng trong nhóm công ty lớn nhất ngành game; Sony Pictures thì là 1 trong 5 hãng phim lớn nhất thế giới.

Việc phối hợp các nguồn lực khổng lồ này sẽ dẫn tới kết quả cuối là những dự án làm việc chung, nhằm thúc đẩy lợi ích kinh doanh cho mỗi bên.
report 2019 15.png
Bằng tầm nhìn đi trước thời đại, đồng sáng lập Akio Morita đã xúc tiến việc mở rộng sang âm nhạc, điện ảnh, bảo hiểm, tạo cơ sở cho tương lai tập đoàn. Năm 1968, họ nhảy vào âm nhạc, tiền đề cho nhánh giải trí phương Đông sau này. Năm 1988, thâu tóm CBS Records để trở thành Sony Music bên Mỹ. Đến 1989, mua thêm Columbia Pictures. Cuối cùng là tham gia ngành game vào năm 1993 để phục thù 1 người đồng hương. Từ 4 cột mốc này, hình thành tổ hợp giải trí ngày nay và dẫn đến cấu trúc độc nhất vô nhị khi điện tử và giải trí cùng tồn tại trong 1 doanh nghiệp.

Không chỉ hãng phim và hãng game, tập đoàn cũng có một số dự án cộng tác giữa hãng phim với hãng thu âm. CEO của Sony Music là Rob Stringer đã khen ngợi cách tiếp cận “công ty giải trí sáng tạo” mà ông Yoshida khởi xướng. “Thành thực mà nói, rất nhiều ý tưởng cứ liên tục nảy ra trong đầu. Mọi người ngày càng trở nên thoải mái hơn, cởi mở với nhau để cùng khám phá những ý tưởng mới” - sếp bên Music cho biết.

Ví dụ, 1 trong các ca sĩ phổ biến nhất do Sony Music phân phối sản phẩm là Bad Bunny (Benito Antonio Martínez Ocasio) sẽ đóng chính trong dự án siêu anh hùng El Muerto, nằm trong chuỗi live-action khai thác IP Spider-Man. Trước đó, anh đã lấn sân điện ảnh qua dự án Bullet Train.

Năm 2021, hãng phim bán quyền phát hành live-action Cinderella cho Prime Video, 1 phim ca vũ nhạc do họ sản xuất có ca sĩ Camila Cabello của Sony Music đóng chính. Rất nhiều dự án điện ảnh khác của Pictures có album soundtrack được phân phối bởi nhãn đĩa thuộc bộ phận Music.

IR 2021 18.jpg
Một số dự án hợp tác chéo giữa bên Music với Pictures, Interactive

Hoặc khi Interactive công bố thế hệ console mới nhất PS5, 1 số nghệ sĩ thuộc Sony Music cũng tham gia chiến dịch quảng cáo như Travis Scott làm đại sứ thương hiệu, Lil Nas X đưa PS5 vào MV. Ấn bản đĩa vật lý của game Demon’s Souls lại do nhãn đĩa Milan Records bên Music phát hành.

Thực ra, do Sony Music từ lâu đã là 1 thế lực lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc, không chỉ nhiều sản phẩm trong nội bộ tập đoàn mà cả album soundtrack của vô số dự án điện ảnh và trò chơi điện tử mà bên khác sản xuất cũng do họ phân phối. Các bạn có thể tra thêm về nhãn đĩa Milan Records thuộc bộ phận Music. Bản thân Pictures cũng có Madison Gate Records chuyên trách phần album soundtrack trong nhiều dự án.

Công nghệ phục vụ sáng tạo


Tại CES 2023, công ty show-off cho thế giới thấy 1 bộ mặt công nghệ mới của mình. Không còn những sản phẩm tiêu dùng quen thuộc nữa, mà là những thiết bị và giải pháp hướng đến cộng đồng sáng tạo. Ngoài những dự án cộng tác chéo trong nội bộ tập đoàn, ông lớn Nhật Bản còn thể hiện vai trò là nhà cung cấp công nghệ và giải pháp cho nhu cầu sáng tạo toàn cầu.

Ngay ở đoạn teaser Gran Turismo mà Sony Pictures “ngang nhiên” chiếu lên sân khấu 1 sự kiện điện tử tiêu dùng - điều mà Disney hay Warner Bros. sẽ không làm, ta có thể thấy chiếc máy quay CineAlta VENICE đang làm nhiệm vụ ghi hình. Đây là máy quay điện ảnh do bên điện tử sản xuất, hiện tại đứng đầu dòng máy quay phim Cinema Line.
Gran Turismo VENICE 2 1.jpg

Không tính những dự án điện ảnh và truyền hình từ chính hãng phim như Gran Turismo, VENICE còn tham gia nhiều dự án của hãng sản xuất bên ngoài. Phim lẻ gồm Creed III (ra rạp tháng 3/2023); Blonde; CODA; The Whale,... Phim dài tập thì có Bridgeton; Inventing Anna; Ozark; Jupiter Legacy; Stargirl; Only Murders in the Building; Loki; His Dark Materials;...

Đó là còn chưa kể đến drone Airpeak, máy chụp hình Alpha, dòng Vlogcam chuyên livestream và quay vlog, nền tảng sản xuất dựa trên công nghệ đám mây, micro thu âm, tai nghe kiểm âm,... Cùng nhiều công nghệ hiện đại khác nhằm phục vụ cho định hướng “công ty giải trí sáng tạo” ở trên.

Virtual Production


Đây là xu hướng vài năm gần đây trong ngành sản xuất, đặc biệt được chú ý vì đại dịch COVID-19 cản trở kế hoạch của nhiều đoàn làm phim. Sony cũng đem tới giải pháp trường quay ảo được thiết kế để giảm tải công việc và thời gian hậu kì cho nhà làm phim.

Về cơ bản, nó cho phép ghi lại 1 khung cảnh hoặc không gian ở thế giới thực, rồi chiếu lên màn LED có độ nổi khối cao làm phông nền. Diễn viên có thể diễn xuất ngay tức thì trước bối cảnh ảo đó và camera sẽ ghi lại toàn bộ, như thể đang quay ngoài thực địa.

CES 2023 1.gif
CES 2023 2.gif
Bạn có 1 sân khấu trình diễn làm từ màn hình LED khổng lồ, chiếu bất cứ cái gì bạn muốn, dẹp bỏ phông xanh nhàm chán truyền thống. Hãng đã lắp đặt một số trường quay ảo cho nhu cầu bên trong tập đoàn cũng như khách hàng bên ngoài. Màn hình sử dụng là Crystal LED dòng B công nghệ microLED, kết hợp với máy quay điện ảnh VENICE ở trên, được tối ưu để loại bỏ hiện tượng moiré khi quay gần và màu sắc nhất quán.

*Xem thêm: Sony mở studio ảo tại Nhật.

*Xem thêm: Phim trường ảo sử dụng màn hình microLED và camera VENICE.


Phim trường ảo đầu tiên ở EU lắp đặt màn hình microLED 90 mét vuông và camera VENICE

Spatial Reality Display


Công ty từng ra mắt màn hình 3D không cần kính năm 2020, kích thước 15.6 inch, tấm nền LCD 4K, giá 5,000 USD, hướng đến designer, artist, y khoa;... Và bây giờ, họ demo tiếp nguyên mẫu lớn hơn của màn hình này với kích thước 27 inch và cho biết sẽ thương mại hóa trong tương lai. Tại CES 2013, tài liệu demo gồm dữ liệu quét CT 3D trong y tế, mô hình 3D tòa nhà ở Shibuya, hình vẽ CAD khi phát triển tai nghe khử ồn WH-1000XM5, các nhân vật anime 3D,...

Spatial Reality Display 6.jpg
Spatial Reality Display 5.jpg
Spatial Reality Display 4.jpg
Spatial Reality Display 3.jpg
Spatial Reality Display 2.jpg

Portable Volumetric Capture


Demo tiếp theo là công nghệ Portable Volumetric Capture, cũng là 1 xu hướng trong vài năm qua của ngành sản xuất. Về cơ bản, đó là 1 hệ thống đặt tại trường quay sẽ ghi lại mọi chuyển động của đối tượng (diễn viên, ca sĩ, cầu thủ,... hoặc vật thể di động) với độ phân giải cao. Sau đó diễn dịch thành mô hình 3D sống động và nổi khối, rồi phát tới địa điểm trình diễn với độ trễ cực thấp và chính xác. Đó có thể là môi trường 3D trong metaverse, video game hay sân khấu live concert.

Hệ thống của Sony sẽ gồm 7 cảm biến ghi nhận chuyển động, cài đặt nhanh gọn ở bất kì đâu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất video 3D real-time. Với hệ thống này, bạn có thể đưa màn trình diễn trên sân khấu của ca sĩ vào trong Fortnite cho những người không có mặt xem trực tiếp, sống động hơn màn hình TV. Hoặc phát trên 1 màn hình 3D kiểu Spatial Reality Display ở bất kì TTTM nào. Ngược lại, 1 ca sĩ có thể biểu diễn sân khấu cùng các “phân thân” của chính cô đã được ghi hình từ trước.



Hiện tại, Portable Volumetric Capture vẫn đang trong quá trình phát triển, hướng đến phục vụ các ứng dụng VR và metaverse trong tương lai. Bản thân tập đoàn đã tổ chức 1 buổi livestream đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ volumetric capture đã hoàn thiện, do ban nhạc Ikimonogakari thuộc Sony Music biểu diễn. Để dễ hình dung ứng dụng thực tế của nó, các bạn có thể xem video bên dưới.



Vẫn còn nhiều thứ khác xuất hiện ở CES như vệ tinh chụp hình từ không gian Star Sphere, bộ công cụ mocopi ứng dụng tăng hiệu quả làm việc tiền kì của dự án, PlayStation VR2 và nguyên mẫu Afeela của liên doanh xe điện.

Một Sony hoàn toàn mới


Diện mạo lạ lẫm tại CES 2023 phản ánh kết quả mà CEO Kenichiro Yoshida đạt được khi theo đuổi khái niệm “công ty giải trí sáng tạo”. Không giống 1 số hãng nói nhiều về việc xoay trục sang dịch vụ hay dịch vụ sẽ đóng vai trò làm động lực tăng trưởng tương lai, song cuối cùng vẫn phải dựa vào phần cứng là chính (sản phẩm phần cứng trung tâm là smartphone), con tàu Sony dưới bàn tay lèo lái của ông đã thay da đổi thịt.

Có đến hơn 50% doanh thu cùng 2/3 lợi nhuận hoạt động kiếm được trong năm tài chính 2021 đến từ giải trí (game, phim, nhạc, anime). Cũng nhờ phim và nhạc, tập đoàn trở thành doanh nghiệp sản xuất thứ 2 ở Nhật vượt qua mốc 1,000 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động. Điện tử vẫn là nguồn đóng góp doanh thu quan trọng, song không còn chiếm tỉ lệ quá cao như trước. Còn trong quý kinh doanh gần nhất, lợi nhuận tăng 8% vượt dự đoán các nhà phân tích và tránh được làn sóng suy giảm xảy ra ở rất nhiều công ty khác.

Một số sản phẩm trong video: PS5; movie “Lyle, Lyle, Crocodile;” TV Bravia; robot tích hợp AI poiq; mocopi; drone Airpeak; game “God of War;” movie “Into the Spider-Verse,” Xperia 10 IV; concept VISION-S; MV các ca sĩ thuộc Sony Music (cả Mỹ lẫn Nhật); anime “Sword Art Online;” anime “Lycoris Recoil;” anime “Bocchi the Rock!;” máy ảnh Alpha; movie “The Woman King;” movie “A Man Called Otto;” kính PlayStation VR2; công nghệ hawk-eye; tai nghe LinkBuds; TV series “The Good Doctor;” TV series “The Boys;” TV series “Cobra Kai;” TV series “The Crown;” robot aibo;…

Bất chấp lợi nhuận từ game tụt giảm tới 49%, hãng vẫn nâng triển vọng lợi nhuận cả năm (kết thúc vào tháng 3/2023), đặt cược vào kinh doanh âm nhạc đang có tỉ suất sinh lời cao nhất. Giáo sư Ulrike Schaede công tác tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu của ĐH California, San Diego, trả lời hãng tin Reuters: “Họ đã trải qua 1 cuộc lột xác để trở thành thứ gì đó không phải doanh nghiệp điện tử truyền thống nữa. Họ đã là 1 Sony hoàn toàn mới.”

Bài viết gốc của Reuters có nhan đề “At CES 2023, Sony's 'Gran Turismo' flags new entertainment strategy,” mình đặt lại title dựa theo bài viết “Có một Apple rất khác trong sự kiện ra mắt HomePod thế hệ 2 đêm qua” của Mod Tinh Tế.


Nguồn: Mashable, Reuters via Yahoo; Danawa, Phileweb
54 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bài viết khá dài, cảm ơn add
Bài viết chất lượng quá .Trong thời buổi rất nhiều công ty của thời đại cũ suy tàn thì việc thay đổi để đột phá như sony là một cái gì đó rất ấn tượng
@voldemot mấy hãng công nghệ nhật phá sản hết trơn nhỉ
bita95
TÍCH CỰC
một năm
@toilachi9 Ông nội này đi đâu cũng cmt mấy câu vô nghĩa nhỉ.
fυck
ĐẠI BÀNG
một năm
@voldemot Sony nó khôn, đi vào thị trường ngách nhưng giá trị cực lớn và hàm lượng trí tuệ rất cao khó ai bắt kịp để độc quyền. Trên thế giới này ngoài Sony có bên nào tự tin sản xuất đc các máy quay phim đỉnh cao dùng để quay Avatar chưa?
Gì chứ TV Sony, loa Sony, máy chơi game Sony, Camera Sony vẫn là thứ gì đó rất khác biệt và chiếm lòng tin của người tiêu dùng từ lâu.. giờ mà bảo Sony đi sản xuất điện thoại phổ thông cạnh tranh với bọn Tàu bọn Hàn thì tầm thường quá
@fυck Gì vậy ông? Chua nghe Arri, Panavision à? Mà Avatar thì có gì mà kêu đĩnh cao nhỉ? Toàn CGI bạn nên rủa mắt xem những film cinema đỉnh đi bạn à.
Nhưng sony rất mạnh ở mãng sensor hình ảnh. Gần như là bao cả thế giời rồi. Chỉ có Canon còn chụ được.
fυck
ĐẠI BÀNG
một năm
@kkzbanana Mình đưa ra VD thôi, tức nó luôn dẫn đầu ở những công nghệ mới nhất, đỉnh nhất.. tập trung vào R&D nắm công nghệ lõi rồi thu tiền những thằng sản xuất khác kiếm tiền thay vì là công ty sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng.
Đúng là hồi trước mình đã từng nghĩ sony có cả hãng phim lẫn hãng game, sao không tự làm phim game của chính mình
Thank mod
The last of us ra 2 tập rồi xem khá hay. Trước chơi TLOU trên PS4 được vài bài toàn bỏ qua cắt cảnh nên không cảm hết được cốt truyện nên bỏ. Đầu tháng 3 ra TLOU trên PC nhất định chơi tiếp.
gì mà dùng background màn led bỏ phông xanh? giờ tụi nó toàn làm cgi toàn bộ cảnh lẫn nhân vật cho mấy phim kỹ xảo. trừ vài bộ demo lái xe nhân vật có cảnh di chuyển, nhưng trang bị 1 màn mắc tiền như vậy thì hầu như các hãng toàn xài phông xanh nhanh rẻ.
cứ ngó avatar hay phim của marvel sẽ rõ.
@ragefighter Để vài năm nữa xem VS có phim nào giải hình ảnh xuất sắc ko nhé.

Phông ko xanh thì diễn viên ko biết mặc áo xanh?
@ragefighter Đọc cho biết nhé
https://www.slashfilm.com/797087/ant-man-3-used-the-mandalorian-tech-to-create-immersive-virtual-sets/
@Frozental Phoenix ờ vài cảnh quảng cáo bg rồi xong toàn phông xanh. nhìn sang avatar 2 đi để thấy đĩnh cao. ok
@ragefighter Xin dẫn chứng toàn phông xanh nào.
Nói chung đây là 1 Sony mất chất vì thất bại thảm hại ở bộ phận phần cứng nên bắt buộc phải chuyển sang lĩnh vực giải trí và hình ảnh. Tấm nền OLED của Sony giờ là đi mua lại của LG để sản xuất tivi chứ ko tự sản xuất được nữa. Cái còn lại của Sony trong quá khứ chỉ còn lại là máy ảnh, máy quay và điện thoại Xperia với phần mềm chụp ảnh siêu tệ trong khi cảm biến đỉnh kao vl.
Giờ Sony ko còn là Sony của ngày xưa nữa, chính thức mảng Tivi, điện thoại tự mình bóp mình.
SnowRyu
ĐẠI BÀNG
một năm
@Frozental Phoenix con này trùm cmnr 😆) mà chỉ dành cho dân kiểm chứng
@hoatongoc Đúng con màn tham chiếu ngon.
Nhưng giờ studio họ mua màn tivi bình thường Oled để tối ưu hình ảnh cho tivi ở nhà hơn vì thời nay streaming mới là nhất.
@pro744 Vậy họ mua cái tv oled nào để làm tham chiếu chung cho tất cả TV vậy thím =))
@vanlinh2905 Mua loại nào thì e ko rõ, nhưng dùng màn Oled thì chắc chắn.
Bác cứ search gg, hình như Panasonic sao ấy
Mình cũng làm trong 1 ngành dịch vụ đặc thù, và nhận thấy tầm nhìn chiến lược như Sony, Apple, v.v là quá đúng đắn: họ muốn GIỮ CHÂN người dùng chứ không chỉ dừng lại ở việc BÁN HÀNG. Người tiêu dùng có thể 3 - 4 năm mới đổi 1 cái điện thoại, nhưng không thể 3 - 4 năm mới xem 1 bộ phim hay chơi 1 game được. Những mảng kinh doanh còn lại không phát triển được thì cắt bỏ hoặc hạ xuống làm gia công.
Lâu lâu có bài nâng bi chất lượng ghê . Không đua bán đồ điện tử nữa giờ đua làm nền tảng cung cấp giải pháp , nội dung cho mọi hoạt động giải trí , hợp lý rồi . Đua chi đấu sao lại giá hàn , trung , tập trung làm dịch vụ . Sony hết bảo thủ rồi
Rất hay. Vẫn luôn ủng hộ Sony, họ là 1 cái gì đó rất khác với phần còn lại. Họ còn có cả mảng làm về Anime mà ad chưa thấy đề cập. Aniplex 😄
Tôi đã dùng Xperia Z1 gần 2 năm, sau đó là Z3. Tiếc cho sony quá 😔
Ko thay đổi, tìm hướng đi khác thì khó thôi. Xưa cạnh tranh với Hàn giờ thêm TQ.
Mấy con fan ghẻ nhà Chuột vẫn cay lắm vì trước đi đâu tụi nó cũng gáy “Kevin mà thích thì kêu Disney hốt luôn Sony về rồi” 🤣🤣🤣
LBCông
ĐẠI BÀNG
một năm
Khoản Phim với Game đúng là Sony đứng 1 mình luôn
Nhiều ông vẫn cay sony lắm, mà tại sao nó phải tự sản xuất, thằng apple cũng có tự sx đâu 😆)
Lắm đứa vẫn nghĩ Sony là hãng diện thoại với tivi nhỉ 😄 Sony game với phim gánh còng lưng các mảng khác
nsphim
ĐẠI BÀNG
một năm
Trên suy nghĩ là 1 người làm chiếc lược, bước đi của Sony là quá đúng đắn khi loại bỏ mảng phần cứng với tỷ lệ lợi nhuận thấp, cạnh tranh cao từ sau 2020, tập trung vào cốt lõi và mũi tên mình đang mạnh nhất: top 1 console, top 2 music records, top 5 movies production và bán lại copyright cho bên thứ 3 (streaming)
bài viết dài nhưng chất lượng. Hơn hẳn mấy bài cụt lủn mình thích đọc bài dạng kiểu nhiều mặt hơn là quăng lên 1 câu xong hết bài.
Mr Do
TÍCH CỰC
một năm
Tôi chưa đọc nhưng mà tôi cứ khen bài của bác này hay trước đã 😝😆😂

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019