The Last of Us: Zombie "đông trùng hạ thảo" liệu có thể xảy ra ở ngoài đời thật?

P.W
27/1/2023 15:45Phản hồi: 78
The Last of Us: Zombie "đông trùng hạ thảo" liệu có thể xảy ra ở ngoài đời thật?
Bài viết có hé lộ cốt truyện của series The Last of Us công chiếu trên HBO Max. Dù dựa trên game nhưng phim cũng có vài chi tiết khác biệt với cốt truyện game để tạo ra điểm nhấn, chứ không giống y xì game. Nếu anh em chưa có thời gian xem, hoặc muốn chờ series này chiếu đủ rồi thưởng thức, thì mình khuyên anh em nên bookmark bài này để dành xem xong hẵng đọc.

Mấy năm trước, series Chernobyl của HBO là năm tập phim kịch tính hoá một cách đầy đẳng cấp thảm hoạ hạt nhân ở nhà máy điện Chernobyl vào năm 1986. Series do Craig Mazin đạo diễn khi ấy là một trong số những tác phẩm truyền hình được nhắc tới nhiều nhất trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, rồi sau đó nhận liền mấy giải Emmy.

Tinhte_TLOU1.jpeg

Tác phẩm mới nhất của Craig Mazin là series dựa trên tác phẩm game kinh điển của Naughty Dog phát hành năm 2013, The Last of Us. Tính đến thời điểm dịch bài này, phim mới chiếu đến tập 2, 29/1 tới mới chiếu đến tập 3 trong số 9 tập. Nhưng cảm nhận chung của cộng đồng khi xem hai tập đầu tiên là mãn nhãn. Phim vừa mô tả đúng thế giới hậu thảm hoạ như trong game, kể cả những con người xấu số bị nấm ký sinh biến đổi thành những con zombie khát máu và hung hăng. Cùng lúc, diễn xuất của Pedro Pascal và Bella Ramsey cũng nhận được những khen ngợi nồng nhiệt.

Tinhte_TLOU5.jpeg


Nhưng ở một khía cạnh thuần tuý khoa học, không có chút gì liên quan đến giải trí, thì chi Cordyceps, một chi nấm ký sinh có thật ngoài đời của ngành nấm túi là gì? Chúng có đủ nguy hiểm tới mức gây ra thảm hoạ zombie khiến đại đa số loài người diệt vong như trong game không? Cũng cần nhắc thêm, món đông dược đắt đỏ hiện giờ, đông trùng hạ thảo, cũng chính là sản phẩm dạng ký sinh trên cơ thể sâu bướm của nấm Ophiocordyceps sinensis, loài nổi tiếng nhất của chi Cordyceps.

Game thật ra cũng lấy cảm hứng từ đời thật


Nếu anh em thấy những hình ảnh zombie không còn ra hình người cùng tiếng lách cách gớm ghiếc trong The Last of Us thật sự kinh dị và ghê tởm, thì hãy đổ lỗi cho tập phim khám phá rừng xanh của ngài David Attenborough, trong series Planet Earth của đài BBC chiếu năm 2006.

Hình ảnh chú kiến bị nấm Cordyceps ký sinh khiến cây mọc trên đầu, cách ứng xử cũng bị thay đổi hoàn toàn chính là những hình ảnh đầu tiên tạo ra ý tưởng cho The Last of Us của đạo diễn Bruce Straley cùng giám đốc sáng tạo Neil Druckmann của Naughty Dog. “Một thứ tưởng chỉ có trong phim viễn tưởng, cái thân thực vật của Cordyceps bắn ra từ đầu con kiến,” ngài Attenborough diễn giải trong phim tài liệu:



Trong cuộc phỏng vấn với GamesBeat năm 2013 khi The Last of Us phát hành, Straley và Druckmann không ngần ngại giấu việc họ "bê nguyên xi” nội dung bộ phim tài liệu, Straley còn khẳng định zombie kiến trong Planet Earth chính là điểm nhấn khiến trò chơi thực sự khác biệt. Dĩ nhiên, The Last of Us bản game cũng bám rất sát cách Cordyceps sinh sôi ngoài đời thật.

Vòng đời của loài nấm đông trùng hạ thảo tuyệt đẹp, nhưng cũng chẳng kém phần lạnh sống lưng. Những chú kiến bị bào tử Ophiocordyceps bám vào người ở nền đất trong rừng sẽ bị nhiễm nấm. Rồi bào tử chui vào bên trong cơ thể con kiến, bắt đầu quá trình sinh sôi. Bào tử này đặc biệt thích nghi tốt ở vài khu vực như não bộ và cơ, nhả ra những hợp chất hoá học thay đổi hành vi chú kiến.

Lúc này, chú kiến xấu số bị những hợp chất này điều khiển cơ thể, bò vào mặt dưới một chiếc lá trên cao, rồi cắn chặt vào chiếc lá đó, giữ cơ thể cố định cho tới khi mầm nấm mọc ra. Mầm này sau đó nổ bung và phát tán bào tử ra khắp mọi nơi, tìm con mồi mới.

Quảng cáo


Tinhte_TLOU4.jpg

Quá trình này cực kỳ cụ thể. Một loài thuộc chi Ophiocordyceps chỉ tấn công một loài duy nhất, hay thậm chí là một loài kiến duy nhất. Tính cụ thể này còn nằm ở cách loài nấm điều khiển tâm trí của con mồi. Năm 2014, một nghiên cứu khoa học phát hiện ra Ophiocordyceps đã tiến hoá tới mức tạo ra được những chất hoá học điều khiển tâm trí của đúng một loài kiến duy nhất, loài kiến khác lại không hề bị ảnh hưởng.

Kiến thức thực tế của các nhà khoa học về nấm ký sinh sau 10 năm The Last of Us phát hành lần đầu cũng đã rất khác.

Planet Earth của BBC thì được công chiếu năm 2006. Khi ấy, loài nấm ký sinh tấn công con kiến trong phim được đặt tên khoa học là Cordyceps unilateralis. Đến năm 2007, các nhà khoa học đã phát hiện tiếp được nhiều loài Cordyceps mới, tấn công cả kiến, sâu bướm lẫn nhện. Vậy là chi Ophiocordyceps được hình thành. Game thì coi cả hai cụm từ này là một, nhưng ý nghĩa của chúng giờ rất khác biệt, còn các nhà khoa học thì vẫn chấp nhận gọi chung các loài nấm này bằng cái tên Cordyceps.

Dòng thời gian thảm hoạ của The Last of Us


Nếu đã chơi game, hẳn anh em cũng biết nguồn gốc đại dịch zombie trong The Last of Us không được mô tả quá kỹ và chi tiết, thay vào đó anh em phải đi mò mẫm những mẩu báo và ghi chú rải rác khắp thế giới game, với một vài mẩu thông tin nói rằng loài nấm biến người thành zombie có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Còn series của HBO thì đào sâu hơn vào nguồn gốc loài nấm ký sinh trong não người. Vậy là chúng ta có thêm chút ít bằng chứng để xác định tính khả thi của The Last of Us ngoài đời thực.

Dòng thời gian của The Last of Us theo cách hiểu chung sẽ như thế này:

Quảng cáo



Sáng ngày 23/9/2003, một người phụ nữ làm việc ở nhà máy xay sát bột mì và ngũ cốc phía tây thủ đô Jakarta bị một kẻ lạ mặt cắn. Cô ta trở nên bạo lực, tấn công 4 đồng nghiệp khác, cắn ba người trong số họ, trước khi bị nhốt lại trong phòng tắm và bị kết liễu. Ba người đồng nghiệp bị cắn cũng bị kết liễu vài giờ sau đó. Người thứ 4 không rõ tung tích.

Một ngày sau, 24/9/2003, hai viên cảnh sát Jakarta bước vào một nhà hàng và tìm cô Ratna, giáo sư chuyên ngành khuẩn học đại học Indonesia khi cô này đang ăn trưa. Họ đưa cô tới một phòng thí nghiệm của Bộ Y tế, nơi cô này nhìn mẫu vật qua kính hiển vi và xác định ra loại nấm: Ophiocordyceps.

Tinhte_TLOU2.jpg

Cô Ratna hỏi vì sao mẫu bệnh phẩm lại có chứa chlorazol, thứ thường đường dùng xác định bào tử nấm trong những sợi tóc, móng tay hoặc mẫu vật khác của con người. Lý do là cô khẳng định với viên sĩ quan cảnh sát rằng “Cordyceps không sống được trong cơ thể người.” Sau đó cô Ratna giám định thi thể người phụ nữ ở nhà máy xay sát, phát hiện ra cả cơ thể đã bị nấm Cordyceps sinh sôi nảy nở bên trong.

Nhà khoa học này sau đó đưa ra 1 lời khuyên duy nhất: Toàn thành phố phải bị cô lập, đánh bom san bằng, kể cả toàn bộ hàng triệu dân cư bên trong.

Tinhte_TLOU3.jpeg

Ngày 26/9/2003, đại dịch nấm ký sinh lan sang Mỹ. Ngày này được gọi là Outbreak Day. Ở Austin, Texas, những dấu hiệu đầu tiên mô tả thảm hoạ là rất rõ ràng, khi xe cứu thương phóng quanh thành phố lúc 3 giờ 15 phút chiều.

Rạng sáng 27/9, đại dịch chạm đến ngưỡng tới hạn, không còn kiểm soát nổi nữa. Máy bay cắm thẳng đầu xuống đất. Đường cao tốc ra vào Austin bị quân đội chặn. Nhiều chính trị gia, bất chấp lời khuyên ở yên trong nhà, quyết định tháo chạy.

Đến sáng thứ 2, 29/9, Joel kể lại cho Ellie (trong phim): "Chẳng còn gì hết."

Liệu đại dịch này có xảy ra được không?


Trả lời ngắn gọn: Không có khả năng. Trả lời dài hơn: Có thể, nhưng với rất rất nhiều điều kiện.

Có hai yếu tố quan trọng trong cốt truyện của The Last of Us bản TV series, thứ giải thích thảm hoạ nấm ký sinh: Biến đổi khí hậu và cách bào tử nấm sinh sôi. The Last of Us bản truyền hình khởi đầu với một đoạn phỏng vấn diễn ra năm 1968, khi hai nhà nghiên cứu nói chuyện trong một talk show. Một trong hai người, tiến sĩ Neumann nói rằng ông không sợ vi khuẩn và virus gây ra đại dịch như vị khách còn lại. Thứ ông sợ là bào tử nấm, vì chúng không chỉ giết vật chủ, mà còn điều khiển được họ nữa.

Tinhte_TLOU6.jpg

Lúc đó, mọi người cười ồ. Nhưng 35 năm sau trong thế giới giả tưởng, đó chính xác là những gì đã xảy ra.

Quay lại đời thực. Các nhà khoa học đã liên tục đặt ra câu hỏi vì sao côn trùng, thực vật và lưỡng cư lại dễ nhiễm bệnh do bào tử nấm đến vậy. Nghiên cứu chỉ ra, khả năng tự điều hoà thân nhiệt là một rào cản tuyệt vời chống lại bệnh tật từ nấm. Bào tử nấm sinh sôi tốt ở môi trường lạnh, dẫn đến việc chúng là kẻ thù của những loài kể trên. Nấm nói chung không phải mầm bệnh đáng sợ đối với những loài máu nóng như chúng ta. Bào tử nấm phải tiêu hoá được mô con người, thứ mà hầu hết đều không làm được, và ngay cả khi thâm nhập được vào cơ thể, thì vẫn còn phải đối mặt với hệ thống miễn dịch cực kỳ bền chắc của con người.

Tinhte_TLOU7.jpg

Đương nhiên con người vẫn có thể nhiễm nấm. Bệnh nhiễm trùng do chi nấm Candida là một ví dụ. Loài Candida auris là một biến thể chống được nhiều loại kháng sinh, và là mối nguy ở nhiều bệnh viện. Đấy còn chưa kể những loại nấm có khả năng gây bệnh hắc lào hay nấm bàn chân. Với những người có hệ miễn dịch kém, nấm vẫn có thể tấn công họ.

Phó giáo sư Julianne Djordjevic của đại học Sydney nói: “Điều cần ghi nhớ là nấm thường tấn công những người đang có sẵn bệnh nền.”

Cũng có yếu tố khác có thật. The Last of Us trên HBO đặt ra giả thuyết: Lấy ví dụ sẽ thế nào nếu trái đất ấm hơn một chút? Đấy là câu hỏi của tiến sĩ Neumann ở tập 1 của phim. Nhiệt độ cao hơn sẽ có thể tác động đến nhiều loài nấm, bắt chúng phải đột biến để thay đổi và thích nghi với nhiệt độ cao, con số có thể đạt ngưỡng 37 độ C, nhiệt độ cơ thể người. Vài nhà khoa học tin rằng đó chính là lý do vì sao số ca nhiễm nấm Candida đang có dấu hiệu tăng.

Tinhte_TLOU8.jpg

Nhưng giả thuyết này có một ví dụ điển hình để phủ nhận, đó chính là loài “đông trùng hạ thảo” nổi tiếng, Ophiocordyceps sinensis, phổ biến nhất ở Tây Tạng. Loài này đã từ lâu được coi là đông dược, và vài hợp chất nó tạo ra đã được nghiên cứu khả năng chống ung thư. Nhưng năm 2018, các nhà khuẩn học chứng minh được việc trái đất ấm lên cộng với việc thu hoạch quá mức đang khiến Ophiocordyceps sinensis có dấu hiệu suy giảm về tốc độ sinh sôi. Có thể trái đất đang ấm lên quá nhanh, khiến nấm cũng không thể đột biến kịp để thích nghi.

Bào tử và tua rua


Thế Cordyceps sinh sôi như thế nào? Tốc độ ra sao? Thuộc nhóm nấm túi, chi Ophiocordyceps tồn tại trong những khu rừng ôn đới sinh sản nhờ bào tử. Đó là một phần vòng đời của chúng: Lây nhiễm một con kiến, điều khiển nó, dùng nó để sinh sôi ra “quả”, bung trái để lan bào tử mới, và quá trình này lặp đi lặp lại.

The Last of Us của Craig Mazin có một thay đổi quan trọng so với The Last of Us của Neil Druckmann. Bào tử không phải cách Cordyceps lây lan giữa người với người. Mazin đưa ra ý kiến nói điều này không khả thi vì mọi người cứ đeo khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc là xong. Còn trong phim, bào tử bị thay thế bởi “tua rua”, và những người nhiễm nấm có thể lây cho người khác bằng những vét cắn. Chưa từng ghi nhận ngoài đời thật hai giải pháp này có thể lây lan mầm bệnh. Ấy là chưa kể hai cách này cũng bị ảnh hưởng bởi khoảng cách, khi cả hai đều cần đụng chạm để lây lan, còn bào tử thì có thể bay xa hàng trăm dặm.

Tinhte_TLOU9.jpeg

Đấy là lỗ hổng cốt truyện quan trọng nhất cần phải xử lý, và The Last of Us cũng cố gắng tìm một giải pháp để bịt lỗ hổng.

Đầu series, khi Joel và Ellie rảo bước qua đống đổ nát của nền văn minh loài người, Joel nói ngắn gọn về nguồn gốc đại dịch: Cordyceps đã đột biến để tấn công con người. Rồi bào tử nấm lây lan qua nguồn cung lương thực toàn cầu: Bánh mỳ, đường và ngũ cốc đều mang chủng nấm đột biến đi khắp hành tinh.

Chuyện tương tự cũng từng xảy ra trong đời thật. Nạn đói lớn hoành hành Ireland thập niên 1840 và 1850 bị gây ra bởi một loài giống nấm, tên là Phytophthora infestans. Nó đã phá huỷ những mùa vụ khoai tây. Dù không hẳn là gây ra đại dịch zombie, nhưng đó là một ví dụ nấm có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Tinhte_TLOU10.jpeg

Còn cái phần tua rua “rễ nấm” giúp lây lan bào tử nấm lại là thứ rất khó tin, nói là tuyệt đối hư cấu thì còn chấp nhận được, kể cả khi loài này đột biến đến mức cực kỳ thông minh. Tập đầu, Tess giải thích cho Ellie lý do vì sao thảm hoạ zombie lại tồi tệ đến thế:

“Nấm cũng mọc dưới lòng đất. Những cái rễ dài như dây, kéo dài có khi cả vài cây số. Cháu dẫm lên một cụm rễ nấm và cả chục con zombie bị lây nhiễm sẽ bị thức giấc.” Cái này thì là tuyệt đối hư cấu, không thể tin được cách bào tử có thể liên lạc được để điều khiển vật chủ như thế. Nhưng kể cả khi chuyện đó xảy ra, thì chính quyền cũng phải quản lý rất tệ và vô dùng thì mới có thể khiến zombie tìm mồi như thế được.

Nói chung, tất cả những gì mô tả trong The Last of Us cần những bước đột biến cực kỳ lớn, mang tính chất tiến hoá toàn diện thì mới có một chút khả năng trở thành hiện thực. Nếu Cordyceps trong phim và Cordyceps ngoài đời thật cứ coi chúng là một, thì để thảm hoạ xảy ra, loài nấm này phải tiến hoá đến cái mức mà bản đồ gien khác biệt hoàn toàn. Mà cũng rất khó để Cordyceps xuất hiện trong lương thực, trừ phi kho chứa phải có rất nhiều kiến, nhện và ngài để làm vật trung gian.

Tinhte_TLOU11.jpeg

Tất cả những điều đó mới chỉ cho phép Cordyceps tấn công con người. Nhưng để đến đoạn điều khiển được cả tâm trí vật chủ lại là chuyện khác. Đồng ý là vài hợp chất từ nấm cũng có thể thay đổi cách con người suy nghĩ, LSD chẳng hạn, nó được chiết xuất từ nấm tấn công loài lúa mạch đen. Nhưng để biến con người trở nên hung hăng và điều khiển zombie đem bào tử nấm đem lây lan, lại là chuyện có lẽ phải hàng nghìn năm mới đủ thời gian để loài nấm Ophiocordyceps có thể tiến hoá được đến mức đó.

Sự sống và cái chết


Một trong những yếu tố ít được nhắc đến trong The Last of Us chính là việc vì sao nhiều vật chủ có thể tồn tại tới hàng chục năm. Lấy ví dụ con Clicker ghê rợn trong tập 2 chẳng hạn. Trong tập đó, Ellie hỏi Joel và Tess về những zombie “đầu tách làm đôi và sống nơi tối tăm như những con dơi”. Joel và Tess nhìn nhau và biết ngay đấy là loại zombie nào.

Clicker trong phim thường xuất hiện ở những nơi tối tăm ẩm thấp như những toà nhà bỏ hoang, ống cống và tầng hầm, những nơi không có ánh sáng. Trong game, có cách giải thích khá xuôi tai rằng ánh sáng và không khí thông thoáng không tạo ra điều kiện lý tưởng để bào tử nấm biến vật chủ trở thành Clicker. Nhưng trong phim thì không còn bào tử nữa, nên lý do Clicker hiện diện ở những nơi đó vô tình không còn hợp lý.

Tinhte_TLOU12.jpg

Gọi chúng là clicker vì não bộ đã bị nấm phá huỷ tới mức không còn đôi mắt, phải dùng đôi tai và âm thanh răng rắc rợn tóc gáy để theo dõi không gian xung quanh.

Thế, trên khía cạnh khoa học, làm cách nào Cordyceps lại khiến thể xác tồn tại lâu đến thế sau khi quá trình trao đổi chất đã ngừng lại, não bộ không còn khả năng điều khiển cơ thể nữa? Vài tháng đến vài năm có khi thi thể đã còn mỗi bộ xương chứ không thể thành Clicker được.

Để khoả lấp lỗ hổng khoa học này, tiến sĩ Neumann trong phim giải thích như thế này. Có vài chất từ nấm được chúng ta dùng làm thuốc, Penicillin chẳng hạn. Chính những chất có tác dụng kháng sinh như thế này giúp thi thể vật chủ không bị thối rữa do vi khuẩn. Penicillin là một ví dụ, Cyclosporin, một chất ức chế miễn dịch mạch, là một ví dụ khác.

Tinhte_TLOU13.jpeg

Vậy là, trên lý thuyết, rất có khả năng đại dịch zombie do nấm Cordyceps gây ra sẽ giúp vật chủ và nấm cộng sinh, mấy chục năm vẫn tồn tại di chuyển được. Nấm trong phim đột biến rồi mà, anh em nhớ không?

Cordyceps thì không, nhưng thảm hoạ do nấm cũng có thể xảy ra


Không hẳn ghê rợn như phim và game kinh dị, nhưng hậu quả của những loài nấm đối với mùa màng cũng là thứ có khả năng tạo ra hậu quả nghiêm trọng về mặt an ninh lương thực. Đối với mối nguy này, các nhà khoa học cũng đang rất lo ngại những chủng nấm có thể kháng thuốc. Theo một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí Science năm 2018, trong suốt lịch sử loài người, nấm mốc đã huỷ hoại ước tính 1/5 tổng lượng lương thực nhân loại trồng trọt.

Thứ nguy hiểm không kém là những đại dịch kép. Một đại dịch khiến sức mạnh hệ miễn dịch loài người bị suy yếu, rồi đại dịch thứ hai có cơ hội bùng phát. COVID-19 và nấm đen chẳng hạn. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bệnh nhân 18 quốc gia vào năm 2022, và đi đến kết luận rằng nhiễm nấm đen là một hậu quả ít được nhắc đến của những ca COVID-19 nghiêm trọng.

Tinhte_TLOU14.jpeg

Sau khi COVID-19 khiến hệ miễn dịch suy yếu, chủng nấm đen Mucormycetes bắt đầu tấn công vào hệ hô hấp và não của những bệnh nhân, gây ra bệnh nhiễm nấm đen (Mucormycosis). Bệnh này được cho là tác động nhiều đến những bệnh nhân nam nhiễm COVID-19, hoặc những người bị tiểu đường.

Kết luận lại thì, Cordyceps đột biến gây ra thảm hoạ zombie có thể trở thành đề tài cho một series game hoặc phim ấn tượng và ghê rợn. Nhưng ngoài đời thực, Cordyceps lại không phải thứ nấm nguy hiểm đối với loài người. Còn rất nhiều loài nấm khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả sức khoẻ con người lẫn an ninh lượng thực toàn cầu. Và thực tế thì chúng ta vẫn chưa đủ khả năng đối phó hiệu quả với những loại nấm ấy.

Theo Cnet
78 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

con ng khi rảnh qúa hoặc tham quá thì nghĩ ra nhiều trò hại nhau cả thật và cả phim ;)))
Mốc thời gian hơi bị nhầm lẫn rồi Mod. Đại dịch bắt nguồn ở Indonesia là vào năm 2003, chứ ko phải 2023. Những sự kiện chính trong series của Joel với Ellie là 20 năm sau, tức là 2023.

Có 1 chi tiết khá hay là nấm Cordyceps đột biến nhờ biến đổi khí hậu ấm lên toàn cầu như Mod nói trong bài. Năm 2003 cũng là năm có nắng nóng kỷ lục, làm hơn 70,000 người chết chỉ riêng ở Châu Âu. Chắc đó là 1 lý do khiến nhà làm phim chọn năm 2003 làm mốc đại dịch bắt đầu.
@drvalianto À đúng rồi tôi gõ nhầm tí :">
@P.W Ko sao bạn, nhầm 20 năm chứ có phải 200 năm đâu 😅
@IPhone 14prm/1T Xin Nghe Ơ...
Bài viết rất hay, chi tiết và đầy cảm xúc . Cám ơn bạn ^^
Chưa xem tập nào của TLoU. Chắc lại phải lên kéo về xem 😃
Chưa hiểu zombie đối phó với xe tăng bằng câch nào khi chỉ có thể cắn 😛
hp2013
TÍCH CỰC
một năm
@khoailangchien Phim làm cắn thôi chứ game là bào tử nó lơ lửng trong không khí, lây lan mạnh và ghê hơn phim nhé. Chấp xe tăng luôn vì đây là lây qua không khí
@hp2013 như virus covid-19 vừa rồi luôn ah bác
@hp2013 Game chỉ lây qua không khí ở mấy đoạn hầm tối mà, chứ đa phần vẫn là cắn
@dktran01 Covid là cúm, lây qua tiếp xúc và chủ yếu lây nhiễm mạnh là do số lượng người bị nhiễm nhưng ko có triệu chứng.
Chứ như phim thằng nào thành zom thì mặt mũi tái nhợt, gầm gừ, lại còn phải cắn chảy máu mới lây được, thì k biết lây dc nổi cho 1 người ko, vì lao ra cắn ko thành là nó báo cảnh sát r. Với răng của loài người, chỉ cần đối phương mặc cái áo khoác thôi thì có giơ tay cho cắn đến gãy răng chắc j đã xuyên qua được, nên trường hợp như TWD là rất phi lý
Phim này hay, ko như Resident Evil của Netflop 😆
@SanChoiGioiTre Pony tự sản xuất rồi nhượng quyền hbo phát hành hay sao mà
Tương lai đâu ai biết được, thôi coi phim cho vui trước đã
wicknane
ĐẠI BÀNG
một năm
Năm 2021 với cách chống dịch “tài tình, sáng suốt” trước cúm tàu mà VN đã tan nát vầy rồi. Bây giờ kiểu dịch bịnh làm biến đổi con người thành zombie thì viễn cảnh sụp đổ như phim khả năng cao là sẽ xảy ra đấy.
@HyH =))
nát thì nói là nát, bộ nát thì ngta phải chết hả mày?
@Trung đẹp trai :3 Nát nó khác với tan nát, trên dùng từ tan nát
Cười vô mặt
@wicknane Đấy là cách chống dịch đỉnh cao của trí tuệ loài người đấy, đừng đùa.
thấy phim the last ship về đại dịch hay và thực tế hơn, ra trước nhưng đã xảy ra rất giống với Covid19, chống dịch xen lẫn với bài chính trị và lợi ích kinh tế!
@QuanLyNhaNghi The Last Ship thì nó lại theo kiểu khác dùi, đây ăn theo gêm thôi mà 😔
Bài viết rất hay và cuốn. Tuy nhiên qua dịch Covid tớ rút ra kết luận dịch bệnh đôi khi không đáng sợ bằng chính con người trong bệnh dịch
@lenam098 Đúng r, thông qua dịch là thấy được nhiều người vì dịch xảy ra mà bỏ luôn cả nhân cách làm người
Sher
ĐẠI BÀNG
một năm
Trong những phim zombie thì mấy nhân chính, nam thì rất thích mặc áo ngắn tay nữ thì rất thích mặc quần ngắn lộ da… thỉnh thoảng mấy diễn viên phụ thì rất thích hi sinh xong quay ra đớp luôn nvc! ;)))
Tui thích xem mấy bộ khí sinh trùng hay quái vật hơn.
hp2013
TÍCH CỰC
một năm
@Sher Nhưng đối với series được 9 điểm này thì mấy điều đó nó không xảy ra đâu. Coi đi rồi biết chính con người nó man rợ thế nào khi không có luật pháp
@hp2013 cỡ nào cũng ko bằng Negan đập đầu Glenn 😆
Dịch thì tinh tết chuẩn rồi.
Sau cái đại dịch covid hàng triệu người chết và hàng tỷ người nhiễm bệnh thì mình thấy điều gì cũng có thể xảy ra.
thecat
ĐẠI BÀNG
một năm
Hôm qua vừa xem 2 tập xong, cũng hay phết!!!
series hay, đáng chờ đợi. HBO cứ ra toàn series như này thì Netflix đổ mồ hôi..😆))
@soccon_asavin kk xem ghiền luôn bác, mấy phim zombie bên netfilx xem đúng chán
Phim được quay nơi tôi đang sống, tỉnh Alberta
image.jpg
phim truyền hình mà kĩ sảo đỉnh quá,diễn xuất quá cuốn , nào game ra phải mua mới dc
@iristhang game ra lâu rồi bẹn ơi
Coi phim này mấy cái nấm lỉa chỉa lóc nhóc nhìn mà nổi da gà 😹

https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2023/01/6311194_3kxwrPok.png
Sợ dịch như Covid thôi. Chứ zoom với chả bi. Loài ng thì đạn dược hơi bị mạnh
@thanh_satria Gốc là Trị được ko, Bắn cho 1 năm hay 3 năm cũng hết Đạn. Dịch thì triền miên. 😅
@thanh_satria ko phải ai cũng có súng, mà súng dạn đc tạo ra từ những con người bình thường khi những người sản xuất bị thịt hết thì ai làm súng cho ông mà thịt 😆
@thanh_satria cầm đc cây súng rồi dám bắn ko khi hoảng loạn, bắn có trúng ko ? Zombie kiểu WD lê từ từ chứ Zombie kiểu Last of Us hay Resident Evil chạy thụt mạng chứ ở đó mà ngắm bắn 😆
@Lục Gia Đưa trung + nó thuê rụi cả thành phố luôn là xong
@thanh_satria haha, ai chứ Trung+ thì khỏi lo, nhổ cỏ tận gốc là câu cửa miệng rồi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019