10 phát minh của người La Mã cổ đại vẫn tồn tại đến tận ngày nay

P.W
17/3/2021 11:20Phản hồi: 97
10 phát minh của người La Mã cổ đại vẫn tồn tại đến tận ngày nay
“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” giờ không chỉ còn là một câu nói hú họa nữa. Hôm vừa rồi mình thấy một tấm hình mô tả mức độ tầm ảnh hưởng của đế chế La Mã đối với mỗi quốc gia hiện đại, theo 7 tiêu chí, những phát kiến của người La Mã mà đến tận bây giờ các nước vẫn phải sử dụng: Lịch Gregorian, bộ ký tự Latin, tôn giáo, luật pháp, ngôn ngữ, cơ cấu bộ máy chính phủ và cuối cùng là có biên giới tiếp giáp với lãnh thổ đế chế La Mã cổ đại. Như anh em có thể thấy, ngoại trừ Saudi Arabia, tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều bị ảnh hưởng về mặt văn hóa từ những phát kiến của người La Mã, kể cả Việt Nam:

[​IMG]

Nhưng anh em yên tâm, bài viết này sẽ rất gần gũi, chứ không căng thẳng sâu xa như kết cấu ngôn ngữ, lịch dương, hay bộ máy chính quyền dựa trên những gì người La Mã có được hơn 2000 năm về trước. Thay vào đó sẽ là 10 phát kiến có từ 2 thiên niên kỷ trước từ thời La Mã, mà đến giờ chúng ta vẫn đang rất quen thuộc hàng ngày.

Sách có trang có gáy (Codex)


Giống hệt như phim ảnh mô tả lại lịch sử, những thư viện thời cổ đại là nơi đặt những giá chứa đầy những cuộn da và giấy cói. Những cuốn sách và tài liệu đầu tiên của nhân loại hiện diện ở Ai Cập cổ đại, những cuộn giấy da và giấy cói ấy đã được dùng trong hàng thế kỷ kể từ thiên niên kỷ thứ 4 Trước Công Nguyên, cách đây hơn 6 nghìn năm để các sử gia ghi lại thông tin. Chúng có lợi thế rất lớn là gọn nhẹ, dễ vận chuyển, và quan trọng nhất là làm được từ nhiều chất liệu khác nhau.

Tinhte_Lama2.jpg
Codex Sinaiticus, niên đại thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, đặt tại The British Library, London, Anh

Nhưng đến thế kỷ thứ nhất Sau Công Nguyên, những cuốn sách có nhiều trang đóng gáy giống hệt như sách anh em đọc ngày hôm nay đã bắt đầu xuất hiện, ở thời La Mã. Khi ấy nó được gọi bằng khái niệm ‘caudex’, nghĩa đen là khối gỗ. Khái niệm này ám chỉ những tấm gỗ người La Mã khi ấy dùng làm bìa ở trước trang đầu và sau trang cuối, bảo vệ những trang giấy chứa thông tin ở bên trong.

Không như những cuộn giấy da và giấy cói, mỗi trang sách codex có thể viết thông tin ở cả hai mặt mỗi trang, và muốn quay ngược lại trang cũ để kiểm tra lại thông tin cũng rất dễ, không như lúc mò mẫm những cuộn giấy dài ngoằng. Giống hệt như mọi phát kiến mới khác, sách codex cũng phải “cạnh tranh” với những cuộn giấy mà con người thời ấy đã quá quen thuộc và tin dùng. Nhưng đến thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, sách codex đã trở thành “định dạng” tiêu chuẩn để lưu giữ thông tin đến tận ngày hôm nay.

Căn hộ


Những căn hộ tập thể đã từ lâu là thành quả sáng tạo cũng như một đặc điểm nổi bật của nhiều vĩ nhân châu Âu. Đi thăm các nước ở châu lục này, đôi khi anh em sẽ có cơ hội đến thăm căn hộ nơi những người nổi tiếng như Coco Chanel hay triết gia Sigmund Freud sống lúc sinh thời. Điều ít người biết, căn hộ đã có từ thời đế chế La Mã, và nó được tạo ra để phục vụ cho nhu cầu đô thị hóa với tốc độ quá cao của đế chế cổ đại này.

Tinhte_Lama3.jpg
“Pompeii nhìn từ trên cao”, tác phẩm đặt tại đại học Virginia, Charlottesville, Mỹ

Khi thành Rome trở thành một lãnh địa lẫy lừng trên thế giới, thì tốc độ đô thị hóa của nó cũng khiến nhu cầu nhà ở tăng một cách bùng nổ. Thay vì cứ xây nhà riêng theo chiều rộng, mở rộng địa giới của thành Rome, các kiến trúc sư tìm cách xây nhà theo chiều sâu, xây dựng những tòa nhà cao tầng gọi là ‘insulae’, nghĩa đen là những hòn đảo. Hầu hết người dân thành Rome sống trong những căn hộ trong các tòa nhà như thế này, và chỉ có giới tinh hoa, các nguyên lão hay những người giàu có mới có căn nhà riêng của họ, tiếng Latin gọi là ‘domus’. Những tòa nhà cao tầng với nhiều căn hộ gộp lại với nhau trở thành một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề bùng nổ dân số ở đô thị.

Đáng ngạc nhiên là, những khu tập thể của 2000 năm về trước cũng không khác nhiều những tòa nhà bây giờ. Những căn phòng căn hộ độc lập được gộp lại ở những tầng cao, còn tầng trệt thường được dùng làm nơi buôn bán, nhà trọ hay của hàng. Nhưng khi ấy mức độ an toàn của những tòa nhà này đáng ngại hơn bây giờ rất nhiều. Dù rằng hoàng đế Augustus đã đưa ra những điều luật để đảm bảo an toàn cho những căn insulae, những tòa nhà như thế này vẫn rất nguy hiểm, vì hầu hết được xây dựng bằng nguyên vật liệu dễ cháy, nhiều nhất là gỗ. Có căn insulae chồng tới 9 tầng. Không chỉ dừng lại ở đó, dù nước sạch có thể cung cấp cho những tòa nhà căn hộ, nhưng tiêu chuẩn vệ sinh của chúng rất thấp.

Quảng cáo



Nhật báo


Từ thời La Mã, người dân thành Rome cổ đại đã được tiếp cận thông tin cập nhật hàng ngày dựa vào những tấm đá gọi là Acta Diurna, tạm dịch là Chuyển động Hàng ngày. Những thông tin mới ấy được khắc vào những tấm đá hoặc kim loại lớn, rồi đặt ở nơi công cộng cho bất kỳ ai biết đọc cũng có thể cập nhật thông tin. Và thế là nó trở thành một trong những phát kiến có giá trị nhất đối với nhân loại.

Tinhte_Lama4.jpg
Tấm đá Acta Diurma

Tấm đá Acta Diurna đầu tiên được tạo ra vào năm 59 Trước Công Nguyên theo lệnh của Julius Caesar, và truyền thống đó tiếp tục đến tận năm 222 Sau Công Nguyên ở thời Severus Alexander đại đế. Bên cạnh những tin tức cập nhật như lễ hội tôn giáo hoặc kết quả những phiên xét xử tội phạm, “báo chí” thời La Mã thậm chí còn có cả thông tin khoa học và giải trí, ví dụ như những sự kiện ca múa nhạc hay thông tin thiên văn để dự báo thời tiết. Những cập nhật ấy không chỉ hữu ích cho người dân thành Rome, mà những tấm đá hay kim loại ấy còn là những tài liệu vô giá đối với các sử gia vì sau mỗi “số báo”, chúng đều được lưu giữ trong kho.

Dịch vụ bưu chính


Người La Mã khi ấy đã xây dựng nên một hệ thống đường xá phức tạp quanh lãnh thổ đế chế của họ, từ đó thiết kế được khả năng liên lạc và du hành qua 3 châu lục. Từ đó, giao thương bùng nổ và phát triển, cùng lúc, quan trọng hơn đối với các vịđại đế, là cho phép họ quản lý lãnh thổ của mình hiệu quả hơn. Những luật lệ, lệnh, tin nhắn riêng và bưu kiện hàng ngày được chuyển tới các vùng xa xôi trên những con đường dẫn tới thành Rome.

Quảng cáo


Tinhte_Lama5.jpg

Cursus Publicus, nghĩa đen là “đường công cộng” là hệ thống vận chuyển bưu phẩm và thư từ do chính quyền La Mã quản lý, do Augustus đại đế tạo ra. Bản chất Cursus Publicus hoạt động không khác gì hệ thống bưu chính hiện đại. Lính chuyển thông tin theo từng đội, lần lượt đem tin tức đến những vùng xa dựa theo khoảng cách của vùng đó tới Rome. Những thông tin, bưu kiện và thậm chí là cả con người được vận chuyển thông qua hệ thống những căn cứ, pháo đài đặt rải rác ở những cung đường chính nối liền các thành phố. Dù chi phí cao, và tỷ lệ thành công không cao như bây giờ, nhưng Cursus Publicus là một hệ thống vô cùng phức tạp: Xe ngựa có thể du hành 80km mỗi ngày, còn các nhóm lính truyền tin có thể đem những tin tức hỏa tốc tới những nơi cách xa thành Rome gần 300 cây số chỉ trong 1 ngày.

Hệ thống bưu chính của đế chế La Mã hoạt động tốt trong nhiều thế kỷ cho tới khi quyền lực của thành Rome dần suy tàn. Nhưng ý tưởng những con đường truyền tin tức và vận chuyển hàng hóa đã trở thành nền tảng cho mọi dịch vụ bưu chính hiện đại.

Nha khoa


Các sử gia có trong tay bằng chứng tư liệu về việc con người được khám chữa răng từ tận thời năm 2600 Trước Công Nguyên, nhưng bằng chứng thực tế thì phải đến năm 100 Trước Công Nguyên mới khai quật được. Khi ấy, một tác giả La Mã, Celsus, đã tổng hợp một cách vô cùng chi tiết những phương thuốc nha khoa, cùng với đó là hướng dẫn chữa răng lung lay, chữa đau răng và giúp những em bé đang mọc răng cảm thấy dễ chịu.

Tinhte_Lama6.jpg
Di chỉ hài cốt răng người bị sâu, niên đại thế kỷ thứ nhất Sau Công Nguyên

Năm 1998, các nhà khảo cổ học tìm thấy hài cốt của một người sống ở thế kỷ thứ nhất hoặc thứ 2 Sau Công Nguyên ở lãnh thổ Pháp hiện giờ, với một chiếc răng có khuôn bằng sắt ở trong hàm. Những nghiên cứu sau đó phát hiện ra khuôn sắt này được đúc theo hình dạng lỗ sâu của chiếc răng hàm bằng phương pháp rèn sắt nung chảy. Trước đó, các nhà khảo cổ chưa từng thấy kỹ thuật nào tương tự được thực hiện trước đó.

Đồ thủy tinh


Đồ thủy tinh đã tồn tại và được con người buôn bán quanh khu vực Địa Trung Hải từ nhiều thế kỷ trước khi người La Mã trỗi dậy và trở thành đế chế đầy quyền lực. Những món đồ thủy tinh đầu tiên có nguồn gốc từ hai nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập. Nhưng đến thời La Mã cổ đại, kỹ nghệ làm đồ thủy tinh mới trở nên phát triển, với những kỹ thuật đến tận ngày hôm nay con người vẫn sử dụng. Một trong số đó là thổi thủy tinh. Miếng cát thủy tinh nung chảy được đặt vào một ống rỗng dài để nghệ nhân thổi, tạo ra những hình dạng mong muốn, và kỹ nghệ này bắt đầu tồn tại từ thế kỷ thứ nhất Trước Công Nguyên. Kỹ thuật này cho phép các nghệ nhân tạo ra đồ thủy tinh hiệu quả hơn, từ đó giúp chất liệu này trở nên phổ biến hơn.

Tinhte_Lama7.jpg
Lọ thủy tinh hoa văn con rắn, niên đại thế kỷ thứ 3 Sau Công Nguyên, hiện vật đặt tại Metropolitan Museum of Art, New York

Khi đồ thủy tinh trở nên phổ biến hơn, những kỹ thuật mỹ nghệ với thủy tinh cũng trở nên phổ biến. Bên cạnh thổi thủy tinh, một kỹ thuật khác là điêu khắc thủy tinh, hệt như điêu khắc với đá quý cũng dần được hình thành, tạo ra những tác phẩm nhiều tầng chất liệu hoặc được điêu khắc vô cùng chi tiết, đủ sức cạnh tranh với sự tinh tế của những tác phẩm đá quý. Kỹ nghệ thủ công này trở thành một trong những điểm nhấn của mỹ thuật thời La Mã cổ đại.

Thịt lợn muối xông khói


Bằng chứng con người muối thịt lợn sớm nhất được tìm thấy là ở Trung Quốc, thiên niên kỷ thứ 2 Trước Công Nguyên. Nhưng những dải bacon ngon lành như ngày hôm nay anh em ăn lại có nguồn gốc từ người La Mã. Sau khi nhìn thấy kỹ thuật chế biến thịt trong những cuộc viễn chinh về phương Đông, người La Mã bắt đầu hoàn thiện và sản xuất thịt lợn muối xông khói. Đó là một trong những phát kiến dựa trên những cuộc chinh phạt của người La Mã.

Tinhte_Lama8.jpg
Di chỉ khảo cổ Druce Farm ở Roman Dorset, khai quật năm 2017

Quyền lực và dân số càng lúc càng tăng của đế chế La Mã khi ấy trở thành những điều kiện lý tưởng để quá trình chế biến thực phẩm khô, bằng cách muối hoặc xông khói, trở nên hoàn thiện hơn. Một mặt, người La Mã rất giỏi việc chăn nuôi lợn, đất chinh phục càng rộng thì càng nhiều tài nguyên chăn nuôi. Mặt khác, dân số tăng chóng mặt cũng tạo ra áp lực đối với an ninh lương thực. Và ở cái thời trước khi có tủ lạnh, luôn cần những phương pháp chế biến thịt để vận chuyển. Bằng cách muối và hun khói, họ đã ngăn được việc thịt bị thiu và hỏng, ngay cả trong khí hậu ấm áp của vùng Địa Trung Hải.

Lễ Halloween


Nhìn vào những tác phẩm mỹ thuật thời La Mã, không khó để nhận ra rằng, con người thời ấy bị khái niệm cái chết lôi cuốn vô cùng. Từ những cuộc chiến đẫm máu ở quảng trường Colosseum, cho đến những thần thoại, huyền thoại về thế giới bên kia, thực tế con người thời ấy biết họ là “người trần mắt thịt" là điều khá nổi bật về văn hóa của đế chế nổi tiếng này. Và giống như nhiều nền văn minh khác, người La Mã cũng kỷ niệm một ngày lễ dành cho những người đã từ giã cõi trần, tổ chức vào cuối tháng 10 hàng năm, gọi là Feralia.

Tinhte_Lama9.jpg
“Hades bắt cóc Persephone”, tác phẩm điêu khắc niên đại thế kỷ thứ 3 Sau Công Nguyên, giờ đặt ở bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo.

Khi đế chế La Mã dần trở nên quyền lực, chinh phạt khắp mọi vùng đất, người La Mã cũng rất khôn ngoan khi dần đồng hóa phong tục tập quán của họ với những người, những vùng đất họ đã chinh phục. Những người dân xứ khác bị La Mã đô hộ phải sống theo cả tập quán của người thành Rome. Đó chính là những gì đã xảy ra khi Caesar đại đế chinh phạt những vùng đất của người Celtic ở bắc Âu và Anh Quốc.

Người Celtic cũng kỷ niệm một ngày lễ dành cho những người đã khuất, gọi là Samhain. Ở ngày lễ ấy, người Celtic đốt lửa, mặc những bộ đồ hóa trang kỳ dị và có những đoàn người diễu hành đông đảo. Khi người La Mã kết hợp Feralia với phong tục của ngày lễ Samhain, và ngày lễ này trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Celtic-Roman. Nó quan trọng tới mức nhà thờ đổi luôn ngày Lễ Các Thánh sang ngày 1/11 để không trùng với ngày lễ quen thuộc với những tín đồ tín ngưỡng đa thần. Lễ Samhain-Feralia về sau trở thành Hallows Eve, và dần dần trở thành Halloween như ngày hôm nay.

Phúc lợi xã hội


Thành Rome là một nơi giàu có, với nền văn hóa đáng kinh ngạc, nhưng vẫn tồn tại sự nghèo đói, khi những người dân trong thành phố này phải sống trong những căn nhà lụp xụp, không đủ thức ăn và không có nhiều cơ hội xã giao và việc làm. Nỗi lo này không chỉ dành cho những người nghèo khó mà còn của cả chính quyền La Mã. Dân đói hoàn toàn có thể dẫn đến bạo loạn. Vì lý do đó, nhiều khám phá và quyết định đã được đưa ra để cải thiện cuộc sống người dân nghèo.

Tinhte_Lama10.jpg
Mô hình thành Rome cổ đại, đặt ở bảo tàng Smithsonian, Washington, Mỹ

Ví dụ, vào thế kỷ thứ 2 Trước Công Nguyên, hai anh em nhà Gracchi áp dụng một chương trình, lấy một phần lương thực của quốc khố để bán với giá rẻ hơn cho mọi người dân chịu đứng xếp hàng ở kho lương công cộng. Kết hợp với lượng nước sạch dồi dào cung cấp từ những máng nước sạch đến các vòi nước công cộng, chiến lược này phần nào đã cải thiện được cuộc sống của người dân nghèo ở Rome.

Những chính phủ La Mã sau này còn có những chiến lược khác để cải thiện sức khỏe người dân, mở bệnh xá và những nhà tắm công cộng giá rẻ, và thậm chí còn có cả những cách giải trí cho người dân, dùng tiền của nhà nước. Augustus đại đế còn có cả chương trình lương bổng cho cựu chiến binh, để đảm bảo cuộc sống của họ sau khi xuất ngũ. Dù giải pháp này bị các đại đế về sau chỉnh sửa, nhưng kết cấu không thay đổi, và là một trong những mô hình lương hưu đầu tiên của nhân loại.

Điều hòa không khí


Dù điều hòa không khí của người La Mã hơn 2000 năm về trước không giống kết cấu cỗ máy mà ngài Willis Carrier đem tới cho chúng ta ngày hôm nay, nhưng mục tiêu và cơ chế là giống hệt. Nếu như người Ai Cập cổ đại làm mát bằng cách treo những chất liệu dấp nước trên khung cửa, người La Mã nghiên cứu được một giải pháp thông minh hơn rất nhiều.

Tinhte_Lama11.jpg
Một máng nước vẫn còn tồn tại ở Rome

Lợi dụng luôn những hệ thống máng dẫn nước sạch, thành Rome dẫn lượng nước sạch đó qua những đường ống bên trong tường và sàn nhà để chênh lệch nhiệt độ giữa không khí và nước mát giúp con người chịu đựng thời tiết tốt hơn. Ngay cả những hộ dân không có tiền trang trải cho thợ lắp ống nước, thì luôn có những bồn tắm lớn ở các nhà tắm công cộng, gọi là frigidarium, để giải tỏa cơn nóng của mùa hè Địa Trung Hải.

Theo The Collector
97 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Người Roman giỏi thiệt, toàn những phát minh để đời cho nhân loại 🤓
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
tuan 95
CAO CẤP
3 năm
@Duckie (PTViet) Hả, là sao bác
@tuan 95 nhớ đến Đế Chế ấy bác 😆)
tuan 95
CAO CẤP
3 năm
@Duckie (PTViet) à à, lâu lắm r có chơi đế chế đâu, chả nhớ gì bác ơi
@tuan 95 Nhưng những thuật ngữ kiểu gì cũng ko quên đc bác ạ 😆 Dù e ko fai dân chuyên 😁
Hình thư còn thiếu nhà vệ sinh công cộng nữa mod
Alextr-321
ĐẠI BÀNG
3 năm
@Jackie Lee 1981 nhà tắm công cộng chứ
Quá giỏi
Ae nào du lịch Ý nhớ cẩn thận, tụi móc túi rất chuyên nghiệp
@The_Hobbit_AK Châu âu vẫn văn minh nói về độ lịch sự, cách đi đứng và ăn nói blo bla blo bla.... Trộm cướp móc túi chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, nơi dân nhập cư nhiều, khách du lịch nhiều. Bọn móc túi có thể từ bên mấy nc đông âu tràn qua, vẫn da trắng, sạch sẽ, nhưng nghèo. Đó là thực trạng của tp nhập cư đông rồi, ở đâu trên thế giới cũng thế cả. Ví dụ SG người đông, nhập cư từ tỉnh lẻ lên thì móc túi cũng nhiều đó. Chứ mấy tỉnh lẻ k ai nhập cư, chỉ có móc lốp thôi, k có móc túi 🤣🤣🤣🤣🤣
@The_Hobbit_AK Đôi lúc nó văn minh là do chế tài phạt bên đó nặng, dân nó sợ, lâu dần nó thành thói quen. Chứ đi tận nơi, nhìn tận mặt thì bên đó nó bựa thôi rồi luôn á. Việt Nam nhiều khi không có tuổi 😅
@Nguyen N°5 Đúng là gì cũng phải dùng đến cái đầu mới tồn tại đc ạ 😆)
@The_Hobbit_AK đâu chả có người ko làm mà muốn có ăn hả b 😆
MangoMan
ĐẠI BÀNG
3 năm
Còn Số La Mã thì sao nhỉ?
@MangoMan chắc top 10 thôi, số La Mã tận 11 rồi, mà ít phổ biến hơn những thứ ở bài viết
Yêu quá
@hawazz Hên quá, thế giới dùng số Arab chứ không dùng số La Mã
@MangoMan Mod nói sẽ không đề cập đến chữ viết hay hệ lịch với bộ máy chính quyền vì nó hơi nhức não mà
mình thích xem các bài viết về La Mã, Ai Cập và Hy Lạp cổ đại.
@JerryKist Trang phục người La Mã đẹp
@hawazz Thoáng mát cho cả đàn ông 🤣
@渡辺稲荷 Thấy mấy anh chiến binh La Mã trang bị giáp từ đầu tới mông, 2 chân thì lại để trống lốc. Kakaka
@渡辺稲荷 phim ít thôi, họ mặc kín mít trừ cái đầu 😁
Bài hay thật
17benthuy
TÍCH CỰC
3 năm
công trình mấy nghìn tỷ VN xây chưa đưa vào xử dụng mà đã hỏng, nước ng ta xây trc hơn 2000 năm trc mà vẫn còn. chán thực sự
Mấy nghìn tỷ của VN nghe thì to, nhưng không bõ bèn gì so với chi phí họ xây các công trình đó đâu (tính theo thời giá bây giờ) bạn ạ 😃
@17benthuy Vì tiền bị mất giá nên nghe nó lớn vậy chứ so với thế giới có là bao 😆)
@17benthuy Dù sao La Mã nó vẫn để thành phần trí thức lãnh đạo, nên dân đen còn được hưởng xoáy một tí. Chứ mấy ông bằng mua, nông dân, mà lãnh đạo như xứ ta thì trình độ đâu mà xây.
mọi bí mật dần dần hé lộ thui,hay lắm bạn
Thuc4891
ĐẠI BÀNG
3 năm
Nhật báo mà khắc lên đá hoặc kim loại thì cũng mệt nghỉ nhỉ 😂
@Thuc4891 khắc cũng mệt thật, nhỉ
Đế chế La Mã là đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Cái này cấm có sai
Mod giải thích giùm tại sao Saudi Arabia lại không bị ảnh hưởng?
@abbvvhh Vì nó là ả rập
revention
TÍCH CỰC
3 năm
@Tech Man thế Iran, Iraq, UAE.... thì có được tính là ả rập ko? Nếu là có thì vì sao chỉ có Saudi Arabia là ko bị ảnh hưởng?
nkahminh
TÍCH CỰC
3 năm
@abbvvhh vì Saudi Arabia là quốc gia duy nhất còn dùng lịch Hồi Giáo làm lịch chính thức chứ chưa chuyển qua dương lịch như các quốc gia khác.
@Tech Man Ăn nói linh tinh ghê, hỏi thật mà bạn
nguyenvtu
TÍCH CỰC
3 năm
Vậy mà châu Âu mất 1000 năm mới khôi phục được ánh sáng văn minh của La Mã.
@nguyenvtu Chỉ khôi phục “tư tưởng tự do” của La Mã thôi bạn. Vì thời La Mã nó khuyến khích khoa học, nên nó phát triển. Còn Châu Âu Trung Cổ nó bị nhà thờ chi phối nên dân chúng mê tín, ít nghiên cứu khoa học!
Nói thực, khi cơ chế nhà nước mà khuyến khích sáng tạo, thì dân chúng nó mỗi người góp một ý tưởng, thì nó sẽ sáng tạo kinh hoàng!
@nguyenvtu thời ấy Virus tấn công suốt nên bị chậm 😂
chỉ biết nói là vĩ đại
còn lịch nữa, rồi Noel, nghỉ làm vào ngày chủ nhật
revention
TÍCH CỰC
3 năm
@nhtphuc Noel và nghỉ ngày CN là do ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo nữa chí nhỉ?
@revention do chỉ thị của Hoàng Đế La Mã Constantine, ngày chủ nhật (Sunday) là ngày thờ thần mặt trời và 25/12 cũng là ngày thờ thần mặt trời. Ông cho toàn dân nghỉ vào ngày đó, và Thiên Chúa giáo mới "ăn theo", "tận dụng"
"Chủ nhật (Sunday) là ngày tôn kính mặt trời của đạo Mithra (thần mặt trời) của La Mã. Đạo Mithra đã vào La Mã lúc khoảng thế kỷ thứ 1 TCN, là tôn giáo đã phái sinh từ đạo Zoroaster của Pherơsơ, và đã được tôn thờ nhiệt huyết trong giới quân nhân vì đã được miêu tả như “thần bất khả chinh phục” hoặc “thần trẻ bất diệt”. Khi Cơ Đốc giáo được truyền bá tới La Mã thì đạo Mithra đã được nâng cấp trở nên thần bảo hộ của đế quốc cùng hoàng đế, và trở nên tôn giáo có quyền hành nhất tại La Mã."

“Mọi quan án, thị dân và người thợ phải nghỉ vào Chủ nhật - là ngày mặt trời tôn nghiêm!”
─ Bộ luật Justinianus III xii 3, Sắc lệnh của Constantine
Em tưởng có truyền lại cả game Đế Chế AoE nữa 😁
@Thái Sơn HP
Kinh vãi
Cảm ơn bạn đã cung cấp một bài viết rất thú vị. Người xưa giỏi thật. mình lại vừa đọc xong cuốn Muôn kiêp nhân sinh nữa chứ. xem ra loài người thật vĩ đại.
JKer
ĐẠI BÀNG
3 năm
Cái máng nước kia là ở Segovia, Tây Ban Nha chứ không phải ở Rome!
https://en.wikipedia.org/wiki/Aqueduct_of_Segovia
Aqueduct of Segovia - Wikipedia
en.wikipedia.org
@JKer Cái này gọi là kênh thì hợp lý hơn. Đây là kênh/máng kiểu La Mã (Roman) chứ không nhất thiết phải nằm ở Rome, nhưng chắc mod nhầm là ở Rome

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019