Nói là 20 năm thực ra cũng không hoàn toàn chính xác. Spring Drive được Seiko giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1997 ở quê nhà Nhật Bản, rồi tại Basel Watch Fair tổ chức năm 1998 ở Thụy Sỹ. Tới năm 1999, sản phẩm thương mại đầu tiên trang bị máy Spring Drive ra mắt, với cả hai thương hiệu Credor và Seiko. Nhưng phải tới năm 2004, chiếc Grand Seiko đầu tiên trang bị bộ máy cực kỳ độc đáo này mới được bán ra thị trường.
Đúng hơn, có lẽ nên nói rằng năm nay là kỷ niệm 20 năm chiếc Grand Seiko đầu tiên với máy Spring Drive ra mắt. Và ngay cả ở thời điểm hiện tại, sau hai thập kỷ hiện diện trên thị trường, mình vẫn nghĩ rằng, Spring Drive là một đột phá vừa ngược đời, vừa ấn tượng, lại vừa kỳ lạ. Nó kỳ lạ tới mức, chỉ những hình ảnh minh họa trong bài là không đủ để mô tả vẻ đẹp của sự kết hợp giữa cơ khí và điện tử. Vậy là phải làm video riêng.
Trên tay mình là chiếc SBGA375, thuộc bộ sưu tập Heritage Collection của Grand Seiko, ra mắt năm 2018.
Đúng hơn, có lẽ nên nói rằng năm nay là kỷ niệm 20 năm chiếc Grand Seiko đầu tiên với máy Spring Drive ra mắt. Và ngay cả ở thời điểm hiện tại, sau hai thập kỷ hiện diện trên thị trường, mình vẫn nghĩ rằng, Spring Drive là một đột phá vừa ngược đời, vừa ấn tượng, lại vừa kỳ lạ. Nó kỳ lạ tới mức, chỉ những hình ảnh minh họa trong bài là không đủ để mô tả vẻ đẹp của sự kết hợp giữa cơ khí và điện tử. Vậy là phải làm video riêng.
Trên tay mình là chiếc SBGA375, thuộc bộ sưu tập Heritage Collection của Grand Seiko, ra mắt năm 2018.
Có một điều mình khá chắc chắn, nhắc đến Spring Drive, ngay lập tức anh em sẽ nghĩ tới Snowflake, biệt danh rất kêu của chiếc SBGA011. Mặt số xử lý kim loại tạo ra cảm giác như đang nhìn vào nền tuyết trắng xóa ở Suwa, tỉnh Nagano, nơi tọa lạc workshop gia công đồng hồ cao cấp của Grand Seiko. Nền tuyết xứ ấy vừa nhẹ vừa xốp nhờ vào độ ẩm thấp. Grand Seiko nói chung và bộ máy Spring Drive nói riêng có được danh tiếng toàn cầu, có lẽ cũng nhờ SBGA 011 với lớp vỏ titanium, kết hợp với bộ máy cho phép kim giây nung xanh quét mượt mà.
Nhưng có lẽ anh em không biết, năm 2005, SBGA011 ra mắt tại thị trường Nhật Bản, nhưng phải tới năm 2010, chiếc này mới ra mắt trên toàn thế giới, và trở thành một tượng đài trong làng đồng hồ cao cấp đến tận bây giờ.
Còn trong khi đó, SBGA375 lại là một lựa chọn khác đầy tính đơn giản, đơn giản tới mức tối giản, khó có thể giản lược thêm chi tiết trên chiếc này mà không ảnh hưởng tới toàn bộ bố cục và tính thẩm mỹ của chiếc đồng hồ. Lắp dây bracelet thép, nó là một chiếc đồng hồ thể thao cực kỳ khỏe khoắn. Nhưng khi đổi qua dây da hoặc dây vải, ngay lập tức SBGA375 trở thành một lựa chọn đầy tinh tế và tri thức.
Sự đơn giản của chiếc đồng hồ này, thiết nghĩ, cũng sẽ giúp mình nhấn mạnh vào những gì mình muốn đề cập. Đây không phải một bài viết đánh giá chiếc đồng hồ. Thay vào đó, mình muốn nói nhiều hơn về chính công nghệ và bộ máy Spring Drive 9R của Grand Seiko ứng dụng trong những sản phẩm của họ, sau khoảng thời gian tròn 2 thập kỷ chúng tồn tại trên thị trường.
Ngay từ cái thời điểm những chiếc đồng hồ quartz chạy pin với chi phí rất thấp so với đồng hồ cơ tạo ra cơn bão ở thập niên 1970, các kỹ sư và nghệ nhân Nhật Bản đã bắt đầu nghĩ tới việc phát triển ra một bộ máy kết hợp tính thẩm mỹ của máy cơ, với độ chính xác của tinh thể thạch anh dao động điều hòa. Đó là ý tưởng của nghệ nhân Yoshikazu Akahane, đưa ra vào năm 1977. Rồi đến năm 1982, Spring Drive được Seiko đăng ký bản quyền, với không dưới 230 bằng sáng chế mới toanh liên quan tới cách Spring Drive vận hành.
Vậy mà mãi tới tận năm 1999, chiếc đồng hồ đầu tiên trang bị bộ máy Spring Drive, SBWA001 mới được ra mắt, bên trong là bộ máy 7R68A lên cót tay.
Quảng cáo
Năm 2004, Grand Seiko ra mắt chiếc đầu tiên trang bị bộ máy 9R65. Ngay lập tức nó tạo ra được phản ứng rất mạnh trên thị trường, khi cùng lúc có được cả ba thứ: Trữ cót liên tục 72 giờ đồng hồ, lên cót tự động và sai số chỉ ở ngưỡng 1 giây mỗi ngày. Quan trọng hơn cả, nhờ hệ thống thoát kết hợp cả cơ học lẫn điện tử, kim giây không còn được tính bằng tần số dao động của hệ thống thoát điều hòa động năng của cót chính nữa. Nhờ đó, kim giây trôi mượt vô cùng, không nhích vài nhịp mỗi giây như đồng hồ cơ truyền thống.
Để làm được điều này, hệ thống thoát truyền thống với bánh xe cân bằng và những má phanh nối với bánh răng truyền dẫn năng lượng từ cót chính được Seiko thay đổi thành một hệ thống gọi là Tri-synchro Regulator. Cả ba chi tiết của hệ thống này đều có tương quan với nhau, dùng cái này điều hòa và điều khiển cái còn lại.
Trên những chiếc đồng hồ cơ truyền thống, anh em sẽ thấy một bánh xe điều hòa xoay qua xoay lại. Còn trên máy 9R Spring Drive, sẽ chỉ có một bánh xe xoay liên tục. Seiko gọi cái này là glide wheel. Năng lượng để glide wheel hoạt động đến từ cót chính trữ năng lượng cho đồng hồ. Khi bánh xe này xoay, nó sẽ tạo ra một dòng điện cấp cho tinh thể thạch anh nhỏ xíu bên trong.
Kết hợp dao động của tinh thể thạch anh và mạch điện, một bộ phanh điện từ sẽ vận hành, điều hòa ngược lại chính tốc độ xoay của glide wheel để nó hoạt động đúng thời gian. Trên lý thuyết, glide wheel này xoay chính xác 8 vòng mỗi giây, và bộ phanh được điều hòa bởi tinh thể thạch anh sẽ tạo ra lực điều khiển tương ứng để bánh xe này luôn luôn xoay đúng theo mong muốn của các kỹ sư.
Kim giây quét mượt xung quanh mặt số đồng hồ, đặc điểm trứ danh của những bộ máy Spring Drive chính là tác động nhờ cách vận hành của bánh xe glide wheel này.
Quảng cáo
Chính cái cách kết hợp giữa truyền thống và công nghệ cao của Spring Drive đưa chúng ta đến với điều kỳ lạ thứ nhất của bộ máy này. Rất dễ rơi vào tình trạng lãng mạn hóa những cỗ máy thời gian, nhìn nó qua lăng kính nhân bản hơn, thay vì chỉ coi đó là một thứ công cụ vô hồn đo đếm thời gian. Cứ có bất kỳ thứ gì được tạo ra bằng đôi bàn tay đầy kinh nghiệm và kỹ năng của các nghệ nhân, một món đồ chắc chắn sẽ có giá trị cảm xúc, thứ không thể đo đếm bằng những công thức định lượng thông thường.
Spring Drive kỳ lạ ở chỗ ấy. Chính bản thân triết lý thiết kế của Grand Seiko đã mô tả việc con người bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật phải được ứng dụng để lột tả thứ cảm xúc mà các nghệ nhân muốn truyền đạt thông qua những cỗ máy thời gian. Ở đó là kỹ thuật đánh bóng Zaratsu tạo ra bề mặt thép bóng loáng như một tấm gương soi, từ bề mặt case đồng hồ cho tới những chiếc kim sắc lạnh.
Rồi ở đó cũng là kỹ thuật chế tác những chiếc đồng hồ cao cấp với mặt số lấy cảm hứng từ thiên nhiên nước Nhật. Từ lớp tuyết trắng xóa tỉnh Nagano, tới bề mặt vân gỗ của những rừng bạch dương ở thị trấn Shizukuishi, hay gần đây hơn, là mặt nước gợn sóng đầy chiều sâu lấy cảm hứng từ hồ Suwa, đó chính là những ví dụ minh chứng cho việc con người bắt công nghệ và kỹ thuật mới phải phục vụ cho việc truyền tải cảm xúc và triết lý vô hình, thông qua những cỗ máy thời gian của Grand Seiko.
Và ở trung tâm của nhiều chiếc Grand Seiko, chính là thứ triết lý thời gian chỉ có thể được thể hiện nhờ công nghệ kết hợp cơ khí với điện tử, kết hợp kỹ năng và công nghệ trong bộ máy Spring Drive.
Kỳ quặc là cũng chẳng có ai mô tả cách Spring Drive vận hành một cách trữ tình như chính những dòng chữ của những người làm marketing ở Grand Seiko: “Âm thầm, chính xác và hòa hợp với chính dòng chảy thời gian, đó chính là những thứ định hình nên những bộ máy 9R. Mỗi chiếc đồng hồ Spring Drive đều ẩn chứa giấc mơ của những thế hệ kỹ sư, những người đã góp công giúp kim giây trôi mượt mà, thể hiện được cách định nghĩa thời gian của người Nhật Bản, một dòng chảy không ngừng.”
Có lẽ, nếu như ý niệm thời gian trong những cỗ máy của các nghệ nhân Thụy Sỹ tạo ra được mô tả thông qua những tiếng tích tắc không dừng, thì cái kim giây lững lờ trôi chầm chậm, mượt mà, không khựng nhịp và không ngừng nghỉ luôn khiến chúng ta có một ý niệm khác về thời gian. Có thể ý niệm ấy sẽ chậm hơn, an tĩnh hơn, trầm mặc hơn, nhưng có một điều không thay đổi: Thời gian không bao giờ dừng lại.
Và điều kỳ lạ thứ hai, là một lời khẳng định. Chắc chắn sẽ chỉ có Seiko, hay đúng hơn là Grand Seiko cùng thương hiệu cao cấp Credor hay Prospex sẽ ứng dụng thứ công nghệ kết hợp giữa cổ điển và hiện đại này. Những người đồng nghiệp của các nghệ nhân Nhật Bản ở bên kia lục địa Á Âu, cụ thể hơn là ở Đức hay Thụy Sỹ luôn có triết lý khác về việc đẩy giới hạn thẩm mỹ và công năng của đồng hồ đeo tay. Những con người châu Âu sẽ liên tục có những đột phá mới về vật liệu và quy trình gia công, để tạo ra những cỗ máy thời gian hoặc cực kỳ bền bỉ, hoặc cực kỳ phức tạp với cả chục tính năng, có khi còn xem được cả bản đồ sao.
Seiko liệu có bán thương quyền máy Spring Drive để các hãng khác sản xuất ra những chiếc đồng hồ cơ, nhưng với kim giây mượt không chút gợn không? Có lẽ là có. Nhưng giữa thời điểm thương hiệu xa xỉ nào cũng phải nghĩ về tỷ suất lợi nhuận và chi phí kinh doanh, chắc cũng không có cái tên nào dám chọn bộ máy này để làm sản phẩm thương mại. Chưa kể, định hướng giá trị của các thương hiệu ở tầm xa xỉ luôn khác nhau.
Có lần ngồi nói chuyện với một người anh cũng chơi đồng hồ, anh có chia sẻ như thế này. Chơi Rolex là chơi cho người, còn chơi Grand Seiko là chơi cho mình. Cái phát ngôn ấy đúng đến đáng ngạc nhiên. Giống như chuyện lái một chiếc Lexus LFA, dù giá trị của nó đáng giá triệu Đô thật đấy, cũng là một thành tựu kỹ thuật thật đấy, nhưng trong tâm lý nhiều người, nó vẫn chỉ là một chiếc Toyota.
Grand Seiko nói chung và những chiếc đồng hồ Spring Drive nói riêng cũng vậy. Chỉ khi bản thân thật sự thích, thực sự hiểu thứ thông điệp các nghệ nhân muốn truyền tải, và đánh giá cao chất lượng hoàn thiện hơn giá trị thương hiệu, khi ấy mới thấy cái thương hiệu đồng hồ xa xỉ của người Nhật xứng đáng đứng ở một vị trí rất riêng.
Xin cám ơn Timezone.vn đã cho mượn sản phẩm trên tay.