Qualcomm muốn sử dụng các trạm phát sóng nhỏ để tăng dung lượng dữ liệu của mạng di động

Duy Luân
1/5/2013 14:38Phản hồi: 19
Qualcomm muốn sử dụng các trạm phát sóng nhỏ để tăng dung lượng dữ liệu của mạng di động
Qualcomm_Small_Cell.jpg
Sơ đồ một khu dân cư có gắn nhiều trạm phát sóng nhỏ (hình vuông màu đỏ) và chúng sẽ giúp tăng mạnh cường độ của tín hiệu di động cho các khu vực lân cận

Tại hội nghị "What's Next in Mobile" vừa diễn ra ở California, Qualcomm đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một mạng lưới giúp mở rộng tầm phủ sóng cho mạng di động. Mục tiêu của hãng là cung cấp dung lượng dữ liệu truyền đến thiết bị của người dùng nhiều gấp 1000 lần hiện nay, đồng thời cải thiện tầm phủ sóng. Một trong những thành phần chủ chốt nằm trong kế hoạch này đó là các trạm phát sóng nhỏ (small cell base station) đặt tại nhà, văn phòng hoặc các trung thương thương mại, cửa hàng bán lẻ. Những trạm nhỏ này sẽ kết hợp với những tháp phát sóng lớn (large cell tower, hay còn gọi là macrocell) hiện có mặt trên các mái nhà, tầng thượng cao ốc, trụ phát của nhà mạng...

Ở thời điểm hiện nay, các tháp lớn có khả năng phủ sóng một vùng rộng lớn, tuy nhiên chúng gặp khó khăn trong việc đi xuyên qua tường để đến được bên trong các tòa nhà, công trình xây dựng. Trong khi đó, những trạm phát sóng nhỏ thì có thể giải quyết vấn đề này bằng cách "móc nối" vào một mạng có dây nội bộ. Giải pháp này đã xuất hiện được vài năm nay trên thị trường với những cái tên như femtocell, picocell nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Qualcomm tin rằng tiềm năng của chúng vẫn còn có thể mở rộng hơn nữa trong tương lai, và khi đó việc thưởng thức nội dung qua 3G, 4G LTE sẽ dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, mong muốn của Qualcomm cũng gặp phải một số trở ngại nhất định. Theo lời Giám đốc công nghệ Matt Grob thì các trạm phát nhỏ sẽ cần phải gắn vào một mạng có dây băng thông rộng để chạy được, và hầu hết mọi người đều không đồng ý chuyện băng thông Internet của nhà mình hay văn phòng mình bị giảm đi vì một thiết bị như vậy. Ngoài ra, khi người dùng di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì thiết bị di động của họ cũng phải chuyển giữa những trạm phát nhỏ với nhau (gọi là hiện tượng hand-off). Điều này khiến thời lượng dùng pin và hiệu năng truy cập mạng bị giảm sút. Cuối cùng, để triển khai các "small cell" trên diện rộng thì cần đến kinh phí rất lớn.

Để giải quyết những vấn đề kể trên, Qualcomm đã phát triển nên một trạm phát sóng nhỏ của riêng mình. Trạm này chỉ nhỏ bằng khoảng hai bộ bài và nó có tất cả những phần cứng cần thiết để giao tiếp với những trạm khác, từ đó tăng hiệu quả quản lí mạng. Công nghệ UltraSON do Qualcomm xây dựng cũng giúp giảm thiểu vấn đề gặp phải khi người dùng chuyển giữa các trạm với nhau. Trong một thử nghiệm tại trụ sở ở San Diego với 19 trạm phát nhỏ, UltraSON đã giúp giảm số lượt hand-off từ 25 lần mỗi phút xuống chỉ còn 2 lần mỗi phút. Mặc dù vậy, Giám đốc Grob vẫn chưa giải thích được rằng nó sẽ cải thiện trải nghiệm thực tế của người dùng như thế nào so với việc nhận tín hiệu từ trạm phát thông thường.

Qualcomm chưa tiết lộ trạm phát của họ có giá bao nhiêu, hãng chỉ nói "nhiều nhất là khoảng một cái hình xăm" (!?) và "có tiềm năng là sẽ thấp hơn giá của một chiếc điện thoại". Như vậy có nghĩa là không quá rẻ, nhưng khi đi vào sản xuất đại trà thì có lẽ chi phí sẽ tiếp tục giảm xuống. Grob cũng nói rằng sản phẩm của Qualcomm có thể giúp mở ra một mô hình kinh doanh mới cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). ISP có thể bán những hộp set-top box có tích hợp trạm phát sóng nhỏ cho nhà mạng viễn thông để họ mở rộng tầm phủ sóng của mình.

Qualcomm nghĩ rằng nếu hãng có thể có thể sử dụng 20% số lượng nhà để gắn small cell, cộng với phổ tần số tăng thêm 10 lần, hãng có thể cung cấp dung lượng dữ liệu lớn gấp 1000 lần so với việc chỉ dùng các trạm lớn để truyền tín hiệu đến người dùng. Tất nhiên, việc bổ sung dải tần rộng cho mạng di động cũng có những khó khăn của nó, nhưng Qualcomm cho rằng hiện cũng đã có nhiều dải tần số cao (như dải 3,5GHz dùng cho mạng WiMAX) mà chi phí tích hợp lại không quá lớn.

Còn về thời điểm dự án của hãng đi vào thực tế, Grob không thể dự đoán chính xác. Ông chỉ nói rằng Qualcomm sẽ tập trung vào việc tăng phổ tần số lên 10 lần trong 10 năm tới, còn việc mở rộng mạng lưới small cell sẽ do những nhà cung cấp dịch vụ đảm nhiệm.

19 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

công nghệ là không ngừng phát triển
mà không biết khi nào VN có ta
RIM
CAO CẤP
11 năm
Chắc công nghệ này sẽ phổ biến 10 năm nữa và ở VN thì còn lâu hơn 😃
hungle411
TÍCH CỰC
11 năm
Nhiều trạm phát sóng thì cũng tốt, nhưng quan trọng là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay không? Trên nóc tòa nhà mình ở có 1 trạm BTS của mobifone,,,hiccc dnày yếu yếu dc có 20´ à 😔
Không ổn, sóng điện thoại có khả năng gây ảnh hưởng tới con người, lắp trạm thu phát ngay trong nhà thì khá là nguy hiểm :p
Thà mạng chậm chứ ko muốn bị ung thư ! 😁 Mợ nó giữa ma trận phát sóng thế này ung thư sẽ tăng nhiều !
hehehe lại có cái để bán 😁
bổ sung thêm trụ phát sóng làm tăng thêm lưu lượng giảm nghẽn mạng . hằng năm tết đến Việt Nam ta là các nhà mạng mobi vina bố trí thêm xe chở cột phát sóng lưu động đậu tại các công viên .chùa chiền . để tăng băng thông.
tết người ta nhắn tin chúc tết , gọi nhau í ới đi chơi , hẹn , giữ liên lạc, sợ đi lạc giữa chốn đông người, nghẽn mạng gọi k được là ngta bực v.v... lượng thuê bao sử dụng tăng lên đột biến vượt bậc đáng kể
babe_in_car
ĐẠI BÀNG
11 năm
hay ạ
đọc 4 cmt đầu thấy nhàm quá. chi phí đầu tư hợp lý thì chắc chắc mô hình đc nhân rộg thôi
hại sức khỏe hơn xưa roài......thích ở quê vì ngoài cột sóng 3g của nhà mạng thì chỉ có radio phát thanh và tia mặt trời. bớt đi đc vài chục bộ phát wifi công suất cao chắc sống thêm đc chục năm(*_*)
softwind
ĐẠI BÀNG
11 năm
Hiện nay nhiều lab đang nghiên cứu công nghệ relay communication-truyền thông chuyển tiếp-tận dụng các điện thoại của người dùng thành anten thu phát sóng, chuyển tiếp tín hiệu từ BTS đến một user xác định. Relay trở thành một tiêu chuẩn của 4G Advanced rồi. Chắc Qualcomm cũng sử dụng công nghệ này nhưng thay vì dùng máy di động của user thì đi lắp đặt một small-anten. Nhưng như vậy thì có quá nhiều anten trong một toà nhà và giảm đi tính thẩm mỹ.
cái này sẽ tăng chi phí lắp đặt, bù lại mạng sẽ nhanh hơn rất là nhiều ý
Trong lợi cũng có hại.
nhiều quá có ảnh hưởng xấu đến sưc khoẻ không....em nghĩ bên usa nó quan trọng sức khoẻ của ng dân lắm, nếu có hại thì chính phủ sẽ không cho làm đâu...việt nam thì........
Sóng điện từ, sóng điện từ everywhere 😁
Hãy phấn đầu vì thế hệ tương lai mắt cận lòi còn tinh trùng thì toàn là nước =))
hnh852003
TÍCH CỰC
11 năm
Mấy bác phán nhiều trạm sóng nguy hiểm sức khỏe là sai lầm. Nếu k có mấy trạm đó, cái 3g trong dt phải chạy hết công suất để xuyên tường, cường độ mạnh gấp trăm lần cái wifi.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019