Tìm hiểu chế độ bù sáng

tcm
22/2/2007 1:28Phản hồi: 5
Tìm hiểu chế độ bù sáng
Hầu như mọi máy ảnh trên thị trường hiện nay đều có một cách thức nào đó để điều chỉnh độ phơi sáng, kể cả những máy tự động hoàn toàn. Hệ thống đo sáng mà phần lớn máy ảnh sử dụng được gọi là "bù trừ độ phơi sáng".


Về mặt lý thuyết, độ sáng của đối tượng được chụp là yếu tố quan trọng nhất quyết định độ phơi sáng của ảnh. Do đó, tất cả các máy ảnh đều phải đo độ sáng của đối tượng trước khi căn cứ vào thông số đo sáng để chọn độ mở ống kính và tốc độ chụp để ảnh có độ phơi sáng hợp lý nhất.

Thế nhưng, hệ thống tự động của máy ảnh không phải lúc nào cũng làm việc chính xác. Một số đối tượng nhất định có thể làm cho hệ thống đo sáng "nhầm lẫn", tức là định lượng độ sáng của ánh sáng từ đối tượng thấp hơn hoặc cao hơn trị số thực, và ảnh chụp được sẽ có độ phơi sáng cao hơn hoặc thấp hơn mức chuẩn. Trong những tình huống này, cách duy nhất để khắc phục sự sai sót của máy ảnh tự động là sử dụng chức năng bù trừ độ phơi sáng.

Phần lớn máy ảnh số hiện nay có dải giá trị bù trừ độ phơi sáng là ± 2EV (cộng hoặc trừ 2 EV), nhưng một số máy lại có dải giá trị nhỏ hơn ((±1.5EV) hoặc lớn hơn (±3EV). EV là chữ viết tắt của Exposure Value (giá trị phơi sáng), và được sử dụng để định lượng độ sáng. Để hiểu thế nào là 1 EV, ta giả sử rằng một lượng ánh sáng nhất định đi tới cảm biến ảnh ở một độ mở ống kính và tốc độ chụp cho trước cho trị số x EV. Nếu giữ nguyên độ mở ống kính và giảm tốc độ chụp đi đúng một nửa giá trị ban đầu thì giá trị phơi sáng của ảnh sẽ giảm đi 1 EV; và khi độ sáng của ánh sáng đi tới cảm biến ảnh tăng gấp đôi thì giá trị phơi sáng của ảnh sẽ tăng lên 1 EV.

Do đó, khi giá trị phơi sáng tăng, ảnh sẽ sáng hơn; và khi nó giảm thì ảnh sẽ tối hơn. Với hầu hết máy ảnh, giá trị phơi sáng có thể được điều chỉnh theo "gia số", "khoảng" hay "bậc", với giá trị nhỏ hơn 1 EV. Giá trị tương ứng của gia số, khoảng hay bậc này thường là 1/3 EV và đôi khi là 1/2 EV (tuỳ máy).


Bức ảnh trên minh hoạ một đối tượng được chụp không có sự bù trừ độ phơi sáng (0,0 EV), khi tăng giá trị phơi sáng lên 5 EV và giảm đi 5 EV.

Trên thực tế, chế độ chỉnh tay của máy ảnh số cho phép người chụp tăng hoặc giảm độ sáng của ảnh một cách có mục đích bằng cách thay đối tốc độ chụp hoặc độ mở ống kính.

Đối với những máy ảnh số, nguyên lý và quy trình diễn ra tương tự, nhưng có máy thay đổi độ mở ống kính, có máy lại thay đổi tốc độ chụp để đạt được một thông số bù trừ độ phơi sáng nào đó. Điểm khác biệt này do kiểu thiết kế của từng máy ảnh quyết định. Những người sử dụng máy ảnh tự động cần phải biết rằng việc thử nghiệm trước để biết được một cách chính xác máy ảnh của mình thay đổi độ phơi sáng theo cơ chế nào là hết sức cần thiết. Ví dụ, nếu máy tăng độ mở ống kính (để lấy được nhiều ánh sáng vào ống kính hơn) thì việc chọn một giá trị bù trừ độ phơi sáng dương có thể làm giảm độ sâu trường ảnh. Ngược lại, nếu máy giảm tốc độ chụp để có thời gian phơi sáng dài hơn (do đó ảnh sẽ sáng hơn) thì hiện tượng nhoè hình có thể xuất hiện do máy rung. Tuy nhiên, phần lớn máy ảnh điều chỉnh tốc độ chụp trước, sau đó mới đến độ mở và chỉ khi sự thay đổi của tốc độ chụp xuống đến một ngưỡng mà tại đó rung động của máy ảnh có thể gây nhoè hình.

Chúng ta cùng xem xét sự thay đổi của độ phơi sáng khi lần lượt thay đổi tốc độ chụp và độ mở ống kính qua những minh hoạ dưới đây.


Ở trường hợp này, hệ thống đo sáng tự động chọn độ mở ống kính là f6,2 và tốc độ chụp là 1/100 để cân bằng nguồn sáng mạnh và nền ảnh tối. Trong trường hợp này, gia số bù trừ độ phơi sáng là 0 EV.


Khi camera được yêu cầu giảm độ phơi sáng của ảnh, nó sẽ tăng tốc độ chụp trước (lên 1/500), còn độ mở ống kính vẫn được giữ nguyên ở mức f6,2.

Quảng cáo




Tuy nhiên, khi cần tăng độ phơi sáng của ảnh, máy không chỉ giảm tốc độ chụp mà còn tăng độ mở ống kính. Nếu độ mở ống kính được giữ nguyên thì máy sẽ phải giảm tốc độ chụp đến một mức mà rung động của máy có thể gây nhoè hình.

Biết được khi nào cần sử dụng hệ thống bù trừ độ phơi sáng nghe qua thì có vẻ rất đơn giản. Theo nhiều nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm thì một số đối tượng có khả năng "đánh lừa" hệ thống đo sáng, đặc biệt là khi chúng "thống trị" khung hình, chẳng hạn như tuyết, nước, đại dương, cát dưới ánh nắng mặt trời. Khi chụp tuyết, nếu không biết cách xử lý ảnh rất dễ bị xám. Vì vậy, bạn luôn phải nhớ bù trừ độ phơi sáng ở mức giá trị dương bằng cách "ép" máy giảm tốc độ chụp để làm tăng độ sáng cho anh, nhờ đó khiến cho tuyết có màu trắng thay vì màu xám.

Một nguyên tắc nữa cần phải lưu ý là trước khi chụp, bạn cần phải kiểm tra xem trong khung hình xem có một trong hai yếu tố sau hay không:

Thứ nhất, khi một vùng rộng trong khung hình bị choán bởi một chất đồng nhất như nước, tuyết...vv

Thứ hai, trong khung hình có sự tương phản về độ sáng, tức là sự chênh lệch lớn về độ sáng giữa vùng ảnh sáng và vùng ảnh tối, và đối tượng chính nằm ở một trong các vùng đó.

Quảng cáo


Trong những trường hợp trên, bạn phải cẩn thận khi ngắm chụp và nên chọn chế độ bù trừ độ phơi sáng nếu cảm thấy ảnh có khả năng không có độ phơi sáng chuẩn.

Chế độ bù trừ độ phơi sáng cũng có thể được sử dụng để tăng hoặc giảm độ tương phản và độ mịn (cũng như độ nhám) của ảnh. Ở chế độ mặc định, hầu hết máy ảnh số luôn tìm cách cân bằng độ phơi sáng trên toàn bộ khung hình, mà trong một vài trường hợp thì sự cân bằng đó là không chính xác. Chẳng hạn như những bức tường đá thường có diện mạo hơi phẳng với độ phơi sáng tiêu chuẩn. Chọn mức bù trừ độ phơi sáng âm sẽ làm tăng độ tương phản của toàn ảnh, khiến cho độ nhám của đá trở nên rõ hơn (dễ nhận thấy đối với mắt người hơn). Những ảnh dưới đây sẽ minh hoạ hiệu ứng đó. Chúng được chụp ở chế độ đen trắng để bạn có thể nhận biết được sự khác biệt dễ dàng hơn so với những ảnh màu.


Một tính năng khác, trước đây chỉ có mặt ở các máy cao cấp, đang ngày càng trở nên phổ biến ở máy ảnh số, là chế độ chụp bù trừ độ phơi sáng tự động. Những máy có chế độ này tự thiết lập các thông số bù trừ độ phơi sáng khác nhau và ghi lại từ 3 đến 5 hình tương ứng với các thông số bù trừ độ phơi sáng khác nhau đó.


Theo thứ tự từ trái sang phải: ảnh chụp có độ phơi sáng thấp hơn mức tính toán, đúng mức tính toán và cao hơn mức tính toán.

Thường thì máy ảnh cho phép người sử dụng chọn mức bù trừ (chẳng hạn như 0,3, 0,7 hoặc 1 EV), sau đó máy sẽ chụp một ảnh ở độ phơi sáng mà nó tính toán được, một ảnh có độ phơi sáng thấp hơn và một ảnh có độ phơi sáng cao hơn độ phơi sáng tính toán đó.

Việt Linh tổng hợp
(sohoa.net)​
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Em có một kinh nghiệm nho nhỏ về việc tự động bù trừ sáng cho các máy ảnh tự động hoặc để chế độ chụp tự động:
Thông thường khi đèn đo sáng hoạt động(của máy ảnh và của Flash) điểm đo sáng là điểm đối diện với đèn đo sáng và thường là độ sáng chung của khung ảnh.Sự chênh lệch lớn về độ sáng giữa vùng ảnh sáng và vùng ảnh tối hoặc đối tượng chụp sẽ ảnh hưởng đến độ sáng - tối của bức ảnh và thước đo sáng.
(Một vài máy ảnh bán tự động trước đây có 1 nút ghi nhớ độ sáng (Memory Light) để phục vụ cho việc bù trừ sáng -nghĩa là ghi nhớ ánh sáng ngoài trời để đưa vào chụp trong bóng râm hay trong nhà- khi máy ảnh chưa có chế độ bù trừ sáng tự động.)
Do đó, việc cài đặt lấy nét 1 điểm hay 5 điểm, điểm đến của đèn đo sáng và khi bấm nhẹ nút chụp để ghi nhớ điểm lấy nét và di chuyển máy ảnh tạo bố cục có thể phần nào ảnh hưởng đến độ sáng - tối - phơi sáng và độ tương phản của 1 bức ảnh.
Chỉ là kinh nghiệm cá nhân, sai sót xin niệm tình tha thứ!Chúc vui!
vangamom
ĐẠI BÀNG
14 năm
Chế độ bù sáng (EV - Exposure Value Compensate) là một thành phần khó có thể thiếu được hiện nay, kể cả những máy ảnh ngắm và chụp (point and shoot). Nó không quá phức tạp như nhiều người nghĩ và mang lại những hiệu quả bất ngờ.

Những người chụp bình thường thường phó mặc công việc đo sáng cho máy tự quyết định (chế độ Full Auto hoặc Program). Thật ra nó rất đơn giản và nếu bạn hiểu thêm về chức năng này thì ngay cả bạn có một máy ảnh bình thường tới cỡ nào bạn vẫn có thể chụp được những tấm ảnh đẹp trong mọi tình huống.

Mỗi một máy ảnh, từ máy bình dân tới SLR cao cấp đều tích hợp trong mình một chip đo sáng để quyết định độ mở ống kính và tốc độ như thế nào là thích hợp trước mỗi cảnh vật. Cảm biến sáng này sẽ đo sáng tại từng điểm khác nhau của khuôn hình, chia trung bình và sẽ lấy mức ánh sáng trung hòa nhất dựa trên tính toán trung bình này để quyết định độ mở và tốc độ bắt sáng (ở đây đang nói đến trường hợp thông dụng nhất là chế độ chụp tự động, cơ chế đo sáng đa điểm, không phải đo sáng theo điểm (spot), hay đo sáng trung tâm (center weight). Trong hầu hết các trường hợp các tính toán trung bình này đều đúng và đều cho bạn những bức ảnh đẹp.



Ảnh chụp với chế độ bù sáng bằng 0.

Tuy nhiên nếu bạn chụp các đối tượng có độ tương phản cao như chụp dòng sông dưới ánh nắng, chụp kim loại, chụp bãi biển,… bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ngay nhược điểm này của máy. Do độ chênh lệch sáng tối quá cao, cảm biến của máy sẽ bị loạn và thường là làm tối những bức ảnh quá nhiều sáng hoặc làm sáng những bức ảnh quá nhiều tối. Ví dụ khi chụp ánh nắng trên sông hay trên bãi cát, toàn bộ tông sáng sẽ bị giảm đi, ánh nắng không còn rực rỡ, mặt người, cây cối lại tối om. Ngược lại nếu chụp dưới bóng râm như chụp trong rừng thưa chẳng hạn, bóng râm quá nhiều khiến cho máy sẽ tự kích ánh sáng thêm lên, khiến cho các đối tượng cần bóng lại trở nên sáng quá… Chính lúc này là lúc chế độ EV vào cuộc và bạn sẽ là người “nói” cho máy biết ánh sáng thế nào mới là đúng.



Ảnh chụp với chế độ bù sáng -0.03EV.

Ở chế độ bình thường, khi chụp đám cưới chẳng hạn, váy trắng của cô dâu có độ tương phản rất cao, khiến cho máy sẽ có xu hướng giảm sắc trắng xuống ngả thành màu xám, kéo theo việc mặt người có màu tối hơn lại trở lên lọ lem hơn. Hiểu được tính cách này của máy, bạn chi việc tăng độ bù sáng (+EV) lên 1 hoặc 2 giá trị (+1EV hoặc +2EV). Đây chính là cách bạn nói với máy ảnh rằng bạn cần thêm ánh sáng để có một màu trắng nổi bật thật sự. Máy ảnh sẽ bù thêm lượng sáng bằng lượng ánh sáng của khẩu độ mặc định nhưng thấp hơn 1 hoặc 2 bậc hay độ mở giảm đi 1 hoặc 2 bậc tùy vào bạn ra lệnh bù sáng bao nhiêu. Kết quả bạn sẽ có một bức ảnh đám cưới với một màu sắc tươi sáng rực rỡ hơn. Đối với chế độ giảm lượng sáng (-EV) cũng tương tự như vậy.



Ảnh chụp với chế độ bù sáng -0.667EV.

Nhưng bạn nên lưu ý một điểm nhỏ, đó là khi bạn chụp ảnh và chỉnh sửa EV bù sáng trên máy, đừng quá tin vào màn hình LCD trên máy ảnh bởi một lẽ thứ nhất là độ phân giải của màn hình này không đủ, thứ hai là các nhà sản xuất máy ảnh có xu hướng tăng độ sáng và tương phản của màn hình lên so với hình ảnh thật để làm thỏa mãn người tiêu dùng nên bức ảnh của bạn có thể trông rất sáng đẹp trên máy ảnh nhưng lại tối tăm trên máy tính. Đối với những máy ảnh có chế độ Auto Bracketing, bạn có thể dùng chế độ này để cùng một bức ảnh, máy ảnh sẽ chụp liên tiếp 3 hoặc 5 kiểu với 1 kiểu nguyên dạng, 1 hoặc 2 kiểu thiếu sáng (-1EV) và 1 hoặc 2 kiểu thừa sáng (+1EV). Khi xem ảnh trên màn hình máy tính bạn sẽ biết đối với cảnh nào thì bù thừa sáng hay bù thiếu sáng là tối ưu hơn.

Một số trường hợp cơ bản

1. Cảnh quá sáng hoặc có ánh nắng rực rỡ ==> +1EV - +3EV
2. Cảnh bãi biển, mặt sông phản sáng ==> +0.7EV - +3EV
3. Cận cảnh vật thể sáng màu (bông hoa vàng) ==> +1EV - +1,7EV
4. Phong cảnh nhiều bóng râm ==? -0.5EV
5. Vật thể tối màu (nhà cổ, tường xám) ==> -1.5EV - +0.5EV

Tuy nhiên, không có một công thức chuẩn cho việc bù sáng bao nhiêu là vừa mà đó hoàn toàn dựa vào quang cảnh cụ thể mà bạn định chụp. Chí có kinh nghiệm mới giải quyết được vấn đề. Nhưng với sự thông dụng của máy ảnh số hiện nay, bạn không cần phải lo đến việc chờ đợi hàng giờ rửa ảnh mới có thể biết kết quả của mình mà sản phẩm sẽ hiện ra ngay tức thì. Vì vậy chỉ cần chụp vài lần để xem sự khác nhau là bạn đã có thể rút ra kinh nghiệm của riêng mình.
Bài này nếu không nhầm thì bác lấy từ Sohoa! Vui lòng chứng minh là bài viết của bác hoặc bổ sung nguồn gốc bài viết! Nếu không bài của bác sẽ bị xóa!

Chúc vui!
Bác xuanhahepza rất tinh, em vừa xem lại rồi, đúng là bài này lấy nguyên trong số hóa
http://sohoa.vnexpress.net/SH/Camera/2005/06/3B9AD2E5/
Vì vậy em ủng hộ ý kiến của bác. Chỉ vì một tinhte.com ngày càng tinh tế thôi đúng không bác
Cảm ơn bác, vấn đề này em đang cần lắm thì gặp bác 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019