Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Intel đã đánh mất cơ hội cung cấp chip xử lý cho iPhone như thế nào?

Duy Luân
19/1/2015 22:8Phản hồi: 139
Intel đã đánh mất cơ hội cung cấp chip xử lý cho iPhone như thế nào?
Apple_Intel_cung_cap_CPU_iPhone.jpg

Trước đây cựu CEO Intel là ông Paul Otellini từng tiết lộ rằng đáng lẽ ra công ty ông đã được Apple chọn làm nhà cung cấp vi xử lý cho iPhone, tuy nhiên vì nhiều lý do mà Intel đã bỏ qua cơ hội này. Tại thời điểm đó, hãng cho rằng việc làm chip dùng trong mẫu điện thoại mới của Apple là quá tốn kém và số tiền thu lại không đáng. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, vẫn còn nhiều điều thú vị khác ẩn sau câu chuyện này.

Intel thất bại trong việc cung cấp chip cho Apple như thế nào?


Apple thực chất đã xác định rằng bản thân hãng phải sở hữu được một công nghệ vi xử lý di động từ những năm 2007 khi mà chiếc iPhone đời đầu tiên được khoảng 1 năm tuổi. Đây được xem như một chiến lược đi ngược lại mục tiêu đơn giản hóa phần cứng và các hoạt động kinh doanh sản xuất phần cứng mà Apple từng đưa ra vào năm 2005 khi mà họ bắt tay với Intel để cung cấp CPU cho máy tính Mac.

Vậy còn trước đó thì sao? Từ năm 2005 về trước, Apple sở hữu dòng chip PowerPC do hãng hợp tác cùng IBM và Motorola phát triển. Loại CPU này sở hữu kiến trúc tập lệnh riêng và nó có mặt trên tất cả mọi máy tính Mac, từ iBook, PowerBook (tên gọi các dòng laptop trước đây của Apple, giờ thì hãng gọi là MacBook), iMac cho đến Power Mac (tiền thân của Mac Pro).

Tháng 6/2005, Apple tuyên bố bắt đầu chuyển sang sử dụng vi xử lý của Intel, đến tháng 1/2006 thì hai thiết bị đầu tiên xài chip Intel của hãng ra đời: MacBook Pro 15" và iMac Core Duo. Lý do của việc chuyển đổi này, theo Steve Jobs, là do ông tin tưởng sản phẩm Intel sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Apple trong tương lai về mặt hiệu năng và cả mặt tiêu thụ điện. Cụ thể hơn, Jobs nói rằng tỉ số hiệu năng trên mỗi watt điện tiêu thụ của CPU Intel tốt hơn so với PowerPC, vốn là một vấn đề quan trọng trong việc thiết kế laptop do nó ảnh hưởng lớn đến thời lượng pin.

Ngoài ra, còn có tin đồn rằng Apple không hài lòng với tiến độ mà IBM đang đóng góp cho việc phát triển chip PowerPC vào thời điểm đó, chính vì thế hãng mới chuyển sang Intel. Theo sau quyết định nói trên, Steve Jobs đóng cửa nhóm thiết kế CPU PowerPC của công ty và để dành nguồn lực cho quá trình chuyển đổi nền tảng vi xử lý.

2006-Apple-Intel-Mac-Steve-Jobs-and-Paul-Otellini.jpg

Tuy nhiên, Intel chỉ hứng thú với việc cung cấp CPU cho máy Mac (cũng như phát triển các chipset đi kèm) mà thôi, hãng không tỏ ra quan tâm nhiều đến chuyện làm vi xử lý cho chiếc điện thoại mới của Apple, ít nhất là ở mức giá mà Apple muốn trả cho Intel cũng như số lượng mà hãng muốn mua.

Như đã nói ở trên, cựu CEO Paul Otellini từng nói hồi tháng 5 năm 2014 rằng ông không tin Intel sẽ thu về đủ tiền để trang trải cho các chi phí đã bỏ ra nhằm sản xuất CPU iPhone, đặc biệt là khoản tiền khổng lồ dành cho công tác nghiên cứu ban đầu. Lý do? Otellini khi đó không thể tưởng tượng rằng Apple sẽ bán được iPhone với số lượng đủ lớn.

Intel từ bỏ XScale


Intel thực chất đã từng theo đuổi việc sản xuất CPU di động khi hãng mua lại StrongARM, một nhánh nhỏ thuộc tập đoàn Digital Equipment (DEC). Thương vụ này diễn ra như là một phần của biện pháp thương thuyết liên quan đến một vụ kiện tụng về bằng sáng chế. StrongARM có sự hỗ trợ từ chính ARM cũng như DEC nhằm tạo ra một loại vi xử lý mạnh mẽ hơn, cao cấp hơn và về sau Intel đặt tên cho vi kiến trúc của mình là XScale. Apple từng xài chip của StrongARM trong chiếc PDA Newton của mình chứ cũng không đâu xa, tuy nhiên Steve Jobs đã cho dừng sản xuất dòng sản phẩm này chỉ một thời gian ngắn sau khi Intel mua lại StrongARM.

Kế hoạch của Intel đó là sử dụng XScale nhằm tăng tầm ảnh hưởng trong mảng di động cũng như với các thiết bị nhúng, vốn là hai thị trường không đòi hỏi phải tương thích với CPU x86. Kiến trúc của StrongARM dường như rất phù hợp để thay thế cho các CPU Intel không dựa trên x86, chẳng hạn như i432, i860 và i960.

Quảng cáo


L_Intel-SA-110 EB.jpg

Đáng tiếc thay, sau gần 10 năm đầu tư vào XScale, không có nhiều thiết bị nổi trội sử dụng con chip của hãng, chỉ có một vài sản phẩm nổi tiếng như các máy Palm Treo, những dòng Pocket PC của Compaq và Dell hay máy nghe nhạc MP3 Creative Zen. So sánh với lợi nhuận và doanh thu béo bở thu về từ các CPU x86 dành cho máy tính, hoạt động kinh doanh của XScale dường như không đáng để hãng tiếp tục theo đuổi. Đây cũng là một lý do khiến Intel không tự tin khi Apple muốn hãng cung cấp khoảng vài triệu con CPU ARM với giá 30$/chip, trong khi để phát triển và sản xuất chúng thì Intel sẽ phải đầu tư nhiều triệu USD.

Đến mùa hè năm 2006 thì hãng đã lên kế hoạch bán lại nó cho Marvell sau khi không còn cơ hội hợp tác nào với Apple trong mảng di động. Thất bại của Intel trong mảng này gợi nhớ đến việc HP từng từ chối sản xuất mẫu PC được thiết kế bởi hai đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak và Jobs, để rồi bộ đôi đã tự mình làm nó và cho ra đời dòng Macintosh nổi tiếng. Nhưng cũng chính nhờ sự không hứng thú của Intel mà Apple đã có thêm một mảng mới trong công ty: phát triển vi xử lý di động.

Intel nói xấu về chip ARM


Năm 2008, vài năm sau khi Intel chia tay việc sản xuất chip ARM, hai quan chức của Intel đã phát biểu rằng con chip ARM dùng trong iPhone quá yếu so với những gì đáng ra máy phải làm được nếu Apple xài chip Atom x86. Đây cũng là nỗ lực mới nhất của Intel nhằm tiến vào mảng di động thông qua một phiên bản CPU x86 được giản lược từ các chip PC. Trong thời gian kế đó Atom xuất hiện trong một vài thiết bị Windows Mobile, và sau khi thất bại trong cuộc đấu thầu cung cấp chip cho iPad thì Intel chuyển sang bắt tay với Linux cũng như Android.

Vào lúc đó, Apple đã chứng minh được cho thế giới thấy rằng hãng là một trong những công ty đã giúp mang ARM đến nhiều thiết bị hơn. Chính vì thế không quá ngạc nhiên khi một vài người trong Intel cố gắng “nói xấu” đối thủ của mình. Thế nhưng họ đã không chú ý rằng Apple vẫn đang còn là một khách hàng rất lớn của Intel trong thị trường máy tính, thế nên đích thân phó chủ tịch cấp cao Intel là Anand Chandrasekher đã phải đứng ra xin lỗi. Ông thừa nhận rằng “CPU Atom điện thế thấp không thể so lại vi xử lý ARM ở khía cạnh thời lượng pin khi sử dụng cho điện thoại di động”, đồng thời nói thêm “iPhone là một sản phẩm cực kì sáng tạo đã giúp kích hoạt những cơ hội kinh doanh mới và đầy thú vị”.

iPad xuất hiện mà không có chip x86

Quảng cáo



Một thời gian ngắn sau khi Apple ra mắt chiếc iPad đầu tiên vào năm 2010, Intel khá tự tin rằng Apple sẽ chọn mình làm nhà cung cấp CPU x86 cho những thế hệ máy tính bảng sau đó bởi vì các chip ARM đang dùng cho iPhone khi đó có năng lực khá hạn chế. Trên thị trường năm 2009, 2010 cũng có nhiều máy tính Windows và máy tính siêu nhỏ gọn (UMPC) chạy CPU Atom với hiệu năng ổn cho các nhu cầu thông thường. Ngay cả Samsung - vốn là hãng sản xuất chip cho iPhone, iPhone 3G, iPhone 3GS dựa trên thiết kế CPU được cấp quyền sử dụng bởi ARM - cũng tự mình ra mắt vài chiếc UMPC tablet chạy CPU Intel Celeron M điện thế thấp (ULV).

Không ai hi vọng rằng Apple sẽ xây dựng một chiếc máy tính bảng mới dựa trên con chip ARM đang xài trong các điện thoại của công ty, một phần bởi vì việc quảng bá mạnh mẽ của Intel thông qua các phương tiện truyền thông, một phần khác là do Apple liên tục cập nhật CPU Intel mới cho máy Mac khiến người ta tin rằng mối quan hệ giữa hai bên đang rất bền chặt. Chưa hết, Apple còn ra mắt thêm chiếc Apple TV sử dụng Intel Pentium M cơ mà.

Trong bối cảnh đó, nhiều dự đoán được đặt ra rằng Apple sẽ chọn dùng CPU Atom thế hệ Silverthrone cho chiếc tablet mới tương tự như các nhà sản xuất tablet chạy Windows khác trên thị trường. Thế nhưng Apple đã bất ngờ chuyển sang xài con chip A4 trong iPad, và điểm đặc biệt đó là vi xử lý này do chính công ty thiết kế dựa trên nền tảng của ARM chứ không đi mua lại từ nhà cung cấp bên thứ ba. Sau đó hãng xài lại A4 trong iPhone 4 cũng như thế hệ Apple TV thứ hai.

ipad-a4-100127.png
5 năm sau, Intel Atom cũng chưa thể chen chân vào các mẫu điện thoại iPhone trong khi Apple thì liên tục làm mới thiết kế các SoC của mình khiến cho chúng càng ngày càng mạnh và hiệu quả tiêu thụ điện cao hơn. Thay vào đó, Intel phải hợp tác với các hãng điện thoại Android nhưng chi phí trợ cấp lớn đã khiến mảng di động của Intel bị lỗ hơn 7 tỉ USD trong vòng hai năm qua. Mới đây nhất, trong báo cáo tài chính của Intel hồi quý 4 năm tài chính 2014, hãng cũng nói rằng mảng di động bị lỗ 1,11 tỉ USD.

Dựa vào những lý do trên, không lạ khi Intel tuyên bố rằng hãng sẽ giảm mạnh số tiền trợ cấp cho các công ty smartphone và dần đần tiến đến cắt bỏ hoàn toàn khoản tiền này. CEO đương nhiệm cũng đặt ra mục tiêu rằng mảng di động của hãng cần phải thu được lợi nhuận trong năm tài chính 2015 và nhấn mạnh vào việc phát triển CPU cho các thiết bị Internet of Things.

Apple và việc xây dựng nhóm thiết kế chip di động


Trong khi Intel hờ hững với việc phát triển chip cho iPhone thì Apple đã tìm đến Samsung để nhờ sản xuất các con chip xử lý cho chiếc iPhone. Trước đó Samsung cũng từng tham gia cung cấp những con chip ARM đơn giản dùng trong iPod với số lượng lên đến cả trăm triệu đơn vị. Nhưng tại sao ngay từ đầu Apple lại không xài con chip tùy biến riêng? John C Randolph, một cựu kĩ sư Apple, giải thích rằng ở thời điểm đó công ty ông “không sở hữu một đội ngũ chuyên gia thiết kế chip có khả năng giao tiếp tốt với Samsung”. Đây là lý do vì sao CPU trong iPhone đời đầu không hẳn là thứ mà Apple muốn, “nhưng nó lại đáp ứng đúng yêu cầu do phía Apple đưa cho Samsung. Nói cách khác, đó phần lớn là lỗi của Apple, không phải của Samsung”.

Steve_Jobs_iPhone.jpg

Con chip này mang mã hiệu APL0098, nó sử dụng nhân CPU ARM11 dựa trên kiến trúc ARMv6 và được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ 90nm. Để bạn dễ so sánh thì Apple A8 hiện tại xài nhân CPU Cyclone thế hệ 2 do Apple thiết kế dựa trên kiến trúc ARMv8, sản xuất bằng dây chuyền 20nm. Quay trở lại với APL0098, khi đó chip này mạnh hơn CPU ARM7TDMI (ARMv4) mà hãng dùng trong chiếc iPod đầu tiên của mình (và đây cũng là con chip của nhiều điện thoại Nokia hay chiếc GameBoy Advance của Nintendo).

Nhưng ở thời điểm 2007, không có con chip ARM nào đủ mạnh để có thể so sánh với CPU Intel Core đang được dùng trong máy tính Mac. Đó là lý do vì sao rất nhiều người ngạc nhiên khi mà iPhone OS vẫn được xây dựng dựa trên phần nhân của Mac OS nhưng được tinh giản lại và tích hợp thêm bộ giao diện cảm ứng đa điểm vô cùng ấn tượng. Ngay cả sau khi iPhone ra đời thì nhiều người vẫn còn không tin là Apple có thể làm được điều đó.

Và rồi mọi người cũng bị thuyết phục. Microsoft dồn nỗ lực để phát triển Windows CE mạnh mẽ hơn, Nokia thì muốn mang Linux vào điện thoại, còn Google thì mua lại Android với bộ máy ảo Java nhúng trong đó. Và rồi cả Palm lẫn BlackBerry cũng nhanh chóng bước vào cuộc đua phát triển nên những hệ điều hành di động hiện đại và mạnh mẽ hơn.

Theo thời gian, Steve Jobs nhận thấy sự cần thiết phải có một nhóm thiết kế chip di động riêng cho Apple, và ông bắt đầu chi tiền đầu tư cho hoạt động này. Song song đó, vào tháng 4 năm 2008, Apple chi 278 triệu USD mua lại P.A Semi, một hãng bán dẫn fabless có trụ sở chính tại California. Công ty này phát triển vi xử lý dựa trên kiến trúc Power, vốn không phải là kiến trúc ARM mà Apple đang sử dụng cho các SoC của mình. Tuy nhiên, theo cố CEO Steve Jobs, lý do thật sự đằng sau thương vụ này chính là vì ông muốn có được đội ngũ kĩ sư tài năng đang làm cho P.A Semi và họ đã góp công lớn trong việc phát triển nên dòng SoC A-Series về sau.

Đến năm 2010, thành quả đầu tiên mà nhóm gặt hái chính là SoC Apple A4. Nó đủ mạnh để đảm đương các ứng dụng chạy trên iPad vốn có nhiều điểm phức tạp hơn iPhone, ngoài ra còn hỗ trợ được màn hình với độ phân giải cao hơn. Con chip này có thể được xem là một thành công lớn bởi những sản phẩm cùng thời, ví dụ như Samsung Exynos 3, vẫn không thể giúp Galaxy Tab cất cánh và đạt doanh số bằng iPad. Một năm sau, Motorola dùng SoC Texas Instrument OMAP 3 cho máy tính bảng Xoom và cũng không đạt thành quả ấn tượng nào.

Steve-Jobs-iPad-AP.jpg

Trong khi đó, Apple tiếp tục đưa A4 lên iPhone 4, Apple TV. Đến năm sau, 2011, thì hãng đã tung ra SoC A5 hai nhân với hiệu năng đồ họa cao gấp 8 lần còn hiệu năng CPU thì mạnh hơn gấp 2 lần so với A4. Tiếp tục là A5X trong iPad 3, và đến Apple A6 thì hãng đã hoàn toàn chuyển sang sử dụng thiết kế nhân xử lý của riêng mình chứ không còn dùng nhân Cortex-A do ARM tạo ra sẵn.

Sự phát triển nhanh chóng của vi xử lý A-series không chỉ giúp nó vượt mặt CPU Intel Atom mà còn khiến Apple trở thành một “đối thủ” với các công ty sản xuất CPU ARM khác trên thị trường mặc dù Apple không cung cấp SoC của mình cho bất kì sản phẩm nào bên ngoài. Điển hình là vào năm 2013, Apple gây bất ngờ khi công bố CPU ARM đầu tiên hỗ trợ điện toán 64-bit mang mã hiệu A7, trong khi các công ty lớn như Qualcomm, Samsung, Marvell, MediaTek thì vẫn còn dính chặt với chip 32-bit.

Khi Texas Instruments chuẩn bị chuyển trọng tâm sang sản xuất chip nhúng thay vì vi xử lý di động, Apple đã nhanh tay chiêu mộ nhân tài về nhóm thiết kế của mình. Sau đó, hãng tiếp tục tuyển “quân” từ AMD, IBM và Freescale, những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn. Song song đó, hãng mua lại Anobit chuyên sản xuất chip điều khiển bộ nhớ flash cũng như nhà sản xuất chip không dây Passif Semiconductor.

Kết


Chúng ta có thể thấy rằng Apple đã đạt được những thành công lớn trong lĩnh vực CPU và SoC mặc dù đây không phải là sản phẩm cuối cùng mà công ty bán ra thị trường. Trong khi đó, Intel phải vất vả đưa chip của mình cho các hãng sản xuất khác xài rồi nhận lấy khoản lỗ nhiều tỉ USD trong năm tài chính 2013, 2014. Thật đáng tiếc cho Intel khi bỏ qua cơ hội sản xuất chip cho một trong những chiếc điện thoại gây được tiếng vang lớn nhất trong lịch sử ngành smartphone, nếu ngày đó Intel gật đầu với lời ngỏ của Apple thì hiện nay mọi chuyện đã khác, từ cách Intel hiện diện trong lĩnh vực di động cho tới kiến trúc mobile…

Trong thời gian tới không khó để dự đoán rằng Apple sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tự phát triển SoC cho smartphone, tablet, và nếu vẫn còn muốn chen chân vào thì Intel sẽ phải làm được điều gì đó thật ấn tượng, thật bất ngờ. Intel khẳng định rằng mối quan hệ của họ với Apple vẫn rất bền chặt, nhưng đó chỉ là cho mảng PC mà thôi, còn ở mảng di động thì mọi chuyện thế nào chắc các bạn cũng đã rõ.

Xem thêm: Vì sao Apple sẽ phải tự mình làm vi xử lý cho MacBook?


Nguồn: Apple Insider, MacWorld
139 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

BB Tran
TÍCH CỰC
9 năm
dạo này chỉ thích hóng bài của bác @Duy Luân
xxvideoxx
TÍCH CỰC
9 năm
@BB Tran Sao moi người trêu chê bác Hiệp xấu trai chả sao mà em trêu chê bác duy luan xâú mà bị blog 2 tháng...liệu có phải tầm vĩ mô của người có tố chất làm lãnh đạo khác vơi thằng làm lính....😁
doccoc
TÍCH CỰC
6 năm
@xxvideoxx làm lớn ng ta phải khác t làm lính chứ bạn. nhỏ nhen hẹp hòi sao ra xã hội làm ăn được
Khá dài nhưng đọc cũng hết


Gửi từ tinhe.vn app hay văng của cuhiep
VanThang90
TÍCH CỰC
9 năm
@EmGiaKhang không biết đọc ko nữa mà thấy đã chen chân nhanh quá
bài viết hay mà không thích từ "xài" lắm :|
dayfine
ĐẠI BÀNG
9 năm
@kirakun277 từ "xài" là đúng chính tả rồi chẳng lẽ bạn muốn dùng từ "sài" 🆒
sunpious
ĐẠI BÀNG
9 năm
@kirakun277 mình thì lại thích từ "xài" hơn
khoanjoin
ĐẠI BÀNG
9 năm
có 1 câu nói rất nổi tiếng của 1 ông kỹ sư làm cho Steve Job, ko bik phải ko, đại khái là :" nếu bạn thực sự quan tâm về phần mềm của bạn, bạn nên tự sản xuất lấy phần cứng cho mình"
@khoanjoin Ko phải. Câu này của Alan Kay. Nói trước khi Apple lập nghiệp cơ.
demen72
TÍCH CỰC
9 năm
Thường bài viết nào dài là mình chỉ đọc lướt qua, nhưng những gì liên quan đến cách Apple thiết kế và chiến lược kinh doanh của họ thì mình đọc hết. Rất ngưỡng mộ tài năng của ông Steve Job và Bill Gate
Biết đâu nếu liên kết với Intel thì iphone ipad lại không thành công được như hiện nay.
@xxxpromeozzz chính xác. cái j` cũng có 2 mặt của nó.
@xxxpromeozzz Intel sắp hết thời. chỉ duy trì trong mảng server mà thôi. thời của PC cũng hết rồi.
tangtrungvn
ĐẠI BÀNG
9 năm
bài viết rất chất lượng, bạn nào có thấy dài thì cũng cố gắng nên đọc 😁
Phải nói thế này mới đúng, nếu Intel gật đầu với Apple thì chưa chắc chúng ta có được các Apple devide tuyệt vời như bây giờ.

Tóm lại, mong muốn và ý tưởng là quan trọng nhất, và mục đích, tầm nhìn của Apple thì khủng như thế nào rồi, như vậy công nghệ ram, chip cũng phải biến đổi để phục vụ theo đuổi các ước vọng đó, may mà Apple không chấp nhận sự bảo thủ, tinh tướng của Intel.

Bài viết rất hay, không chỉ cung cấp về mặt thông tin hiểu biết mà còn chứa đựng trong đó những bài học về tầm nhìn, sự vận hành và phát triển công việc...
@navy.seal Quan điểm của Apple là nếu đối tác làm tốt. Ta cho đối tác làm. Nếu đối tác không làm tốt, ta mới làm.
Apple chỉ tập trung ở khâu thiết kế rồi đặt hàng. Không nhà thầu nào làm nổi thì Apple sẽ tự làm hoặc cấp tiền cho làm như làm kính sapphire cho GT Advanced (rất tiếc là không thành) và đang có là Apple lại bơm cho Foxconn làm.
Nếu Foxconn làm không xong khéo Apple cũng tự phát triển và thuê gia công kinh sapphire cũng nên.
cựu CEO có con mắt nhìn xa cả chục năm.
Việc Apple sẽ nói lời chia tay k sớm thì muộn hoàn toàn có cơ sở. Phụ thuộc vào intel muốn thay đổi thời gian giới thiệu máy Mac mới như việc Apple làm với iPhone, iPad cũ khó. có khả năng thì tự túc vẫn hơn
Năm 2010 mình di dự lễ khai trương nhà máy Intel ở Việt Nam. Hôm đó có đủ các lãnh đạo cao cấp nhất của Intel (có cả CEO luôn). Nguyên giàn lãnh dạo của Intel không thấy anh nào ở đó dùng iPhone hay Android nào. Sau buổi đó mình thấy Intel sẽ lâu lắm mới vào lại thị trường Mobile. Rõ ràng là đến tận đầu năm nay với Zenfone thì Intel mới cho mọi người thấy rõ ràng hơn việc hiện diện của họ trong thị trường Mobile.

Nhưng mà cũng khá là muộn vì thị phần bây giờ nằm trong tay Apple, Qualcomm, Samsung... Intel giờ nằm trong nhóm nhỏ bên dưới. Sẽ là rất khó khăn cho họ chấp nhận vì họ vốn là công ty làm vi xử lý lớn nhất, mạnh nhất thế giới...
@cuhiep Lớn nhất thì đúng. Nhưng mạnh thì đúng là các dòng dành cho pc tiêu thụ điện cao. Chứ dòng di động atom thua đứt đuôi so. Với arm như a8x hay s810 hay exynos 7420. Năm nay apple và ss qualcomm lên 14nm finfet thì giết đẹp atom. Ngay cả dòng desktop 14nm của intel còn đang delay nữa mà. Và khi intel ko còn tài trợ tiền cho em sản xuất đt xài cpu intel nữa và khi đó đâu lại vào đấy.
@cuhiep Kiểu gì thì cũng có cách thôi mà anh. sao có thể chấp nhận một sự sỉ nhục như vậy được. Là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới mà chip di động lại nằm ở chiếu dưới.
@chàng trai cô đơn 95 Không chấp nhận thì cũng phải chịu, chứ xem mấy atom toàn thua dòng A cùng thời là rõ.
@ragefighter thật sự mạnh hơn ko nếu mạnh hơn thì apple nên cho macbook air sài chip A đi và các hãng sản xuất laptop nen sài chip của qualcomm
@ragefighter thì mới chân ướt chân ráo vào chip atom cũng phải 1 2 năm mới hoàn thiện tốt nhất được, hơn nũa họ không phải là nhà sản xuất đầu cuối như apple nên rất khó để thay đổi chip theo hướng người tiêu dùng được
tuankts2
TÍCH CỰC
9 năm
Chung quy lại là vì apple nó giàu và nó có thế có đủ lực để thực hiện những mục tiêu dài hơi, chứ tầm nhìn thì nhiều anh vẫn có nhưng lại ko có tiền để thực hiện 😁
@tuankts2 Bác có biết thời 199x Apple từng suýt phá sản không, tiền không tự nhiên mà có đâu nhé :D :D.
Đừng nói là vì nó giàu nên nó làm được cái này cái kia, mà hãy tự hỏi tại sao nó lại giàu vậy.
@tuankts2 Bạn sai rồi
ticoi_3d
ĐẠI BÀNG
9 năm
Dài nhưng cũng ráng đọc hết, khá bổ ích , thank mod.
tienhitle
ĐẠI BÀNG
9 năm
mình cũng xin chia sẽ quan điểm cá nhân thôi nhé.
mình thấy intel bỏ lỡ trong việc cung cấp chip thì mình nên có 2 chiều.
mình đi 1 hướng là intel bỏ lỡ, nhưng mình không bình về cách sámsung thấy tầm nhìn thế nào.
điểm hay của samsung hay là điểm thiếu tầm nhìn của intel.
cảm ơn bài của chia sẽ
@tienhitle Thực chất Intel quen ăn dày , ko quen ăn bạc cắc . Nhưng điều Intel ko ngờ là Chíp trên phone thì ko ai tái sử dung đc , nên vòng đời rất nhanh ( còn PC thì hết ng này xài , lại thải ra cho ng khác xài) . Cũng như M$ quen ăn doanh nghiệp rât dày và ko thèm lượm bạc cắc như Apple. Không ngờ thằng lượm bạc cắc lại lượm đc rất nhiều , nên chung cuộc thì thằng ăn bạc cắc vẫn giàu hơn :p
@dmt4uchejt mình thấp Apple ăn cũng dày lắm chứ? 😃
dây chuyền sản xuất và hệ thống nó xoay quanh con snapdragon rồi giờ làm lại theo intel nó đâu có đơn giản. thằng asus nó đang vật vờ nên mới theo dc chứ mấy thằng kia làm sao dc
Lỗ vài chục tỉ nữa thì bắt kịp chip ARM :p
Giờ này chắc intel tiếc chảy máu mắt, bỏ lỡ ko chỉ tiền mà còn cả cơ hội lớn nhảy vào thị trường di động. Nếu cho quay lại quá khứ làm lại thì chắc lỗ mấy Intel cũng chiến 😁
Nói chung, có những cú vồ hụt của các ông ĐÃ lớn thì các ông hạng hai như SS hay Qualcomm mới có cơ hội trở thành kẻ dẫn đầu ở phân khúc mới.
@vnstockguru 😃 và hế là a Sung lại trở thành ô đã lớn. Khổ cái gần đây có vài dấu hiệu cho thấy a này vồ hụt 1 vài thứ. Và những a sắp lớn ( như xào mì ) thì lại rất biết cách nắm bắt cơ hội. Thương trường khốc liệt thật.
@vnstockguru Phải nói rằng ngoài Apple thì Samsung đã cực nhạy bén lúc bấy giờ. Tuy nhiên thời điểm hiện tại thì ngai vàng đã khiến Samsung chết dí dị
lúc đó intel to tao là bố mày là ai cũng hiểu nhưng gặp jobs kệ cha mày mày là thằng làm thuê cơ mà nên mới ra nông nỗi này 😁
@minhminh87 chắc khi đó intel cho mình là của trên nên muốn apple nhượng bộ.nhưng ko ngồ gặp anh jobs
anh292003
TÍCH CỰC
9 năm
@minhminh87 Intel mà làm thuê vãi bác

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019