[Học chụp ảnh] Cơ chế lấy nét của máy ảnh, độ nét là gì & lấy nét thế nào?

tuanlionsg
18/2/2016 16:53Phản hồi: 74
[Học chụp ảnh] Cơ chế lấy nét của máy ảnh, độ nét là gì & lấy nét thế nào?
Bình thường, một bức ảnh chụp tốt là bức ảnh có độ nét tốt. Độ nét ảnh về bản chất được hình thành do độ phân giải của ống kính và cảm biến, qua việc máy ảnh lấy nét. Các cơ chế lấy nét của máy ảnh như thế nào? Cảm nhận chủ quan của mắt người xem về độ nét bị ảnh hưởng các yếu tố nào? Tại sao một bức ảnh không nét khi chụp ảnh? ... Mời anh em tìm hiểu.

TS-Focus_0.jpg
Ảnh bhphotovideo

1 - Cơ chế lấy nét của máy ảnh
Về cơ bản thì mọi máy ảnh chỉ là một cái hộp kín, không lọt sáng, một đầu có lỗ hở để ánh sáng đi vào, và đầu kia là bộ phận chứa phim hoặc bộ cảm biến ảnh. Nó tạo ra hình ảnh bằng cách tích tụ các tia sáng được phản xạ từ cảnh vật và rọi thành hình ảnh trên bề mặt phim có độ nhạy sáng hoặc trên cảm biến hình ảnh. Một vài khái niệm khô khan cũng nên biết:
  • Máy ảnh lấy nét tự động (AF - autofocus) sử dụng một bộ cảm biến, một hệ thống điều khiển mô-tơ lấy nét: hoàn toàn tự động hoặc theo điểm hay vùng tự do người cầm máy tuỳ chọn. Có hãng sản xuất máy ảnh thiết kết hệ thống AF dựa vào một bộ cảm biến lấy nét duy nhất, cũng có hãng sử dụng cả một dải cảm biến.
  • Máy ảnh đều dùng bộ cảm biến AF để lấy nét qua ảnh hội tụ khi ánh sáng qua ống kính kết hợp với dãy cảm biến khác đảm nhiệm việc đo sáng. Đo sáng là đo trên một diện tích, một vùng. Các cảm biến đo sáng hoạt động theo lập trình ưu tiên "vùng đo sáng" có thể theo cùng với khu vực lấy nét của một hoặc nhiều cảm biến AF.
  • Máy ảnh dùng nhiều cảm biến AF cho phép người dùng chủ động chọn điểm lấy nét, hoặc thuật toán xác định chủ đề di chuyển để tự động điều chỉnh lấy nét. Chức năng này hay gọi là lấy nét liên tục theo chủ thể, đắc dụng trong chụp ảnh thể thao, hành động.
focus_tinhte_2.gif
Ảnh bhphotovideo

2 - Các cơ chế lấy nét tự động:


Có hai hệ thống AF cơ bản: lấy nét phụ thuộc vào hình ảnh hội tụ qua ống kính khi ta bấm nhẹ vào nút chụp, và hệ thống lấy nét bằng cách âm thầm phân tích hình ảnh nhận được từ ống kính chứ không chủ động phát ra tia hồng ngoại hay sóng siêu âm để đo lường khoảng cách. Hai hệ thống đó là:

AF Active - AF chủ động: Khi bấm nhẹ vào nút chụp, máy ảnh phát ra một tia hồng ngoại, laser hoặc sóng siêu âm dò quét vật thể trong khung ảnh. Cảm biến AF nhận lại tín hiệu phản xạ tối đa nhất từ khung cảnh (ánh sáng chiếu vào vật thể và phản xạ lại hướng máy ảnh), thuật toán nhờ dữ liệu đó tính toán ra khoảng cách từ cảm biến ảnh tới chủ thể, máy ảnh lập tức điều khiển mô-tơ chuyển dịch các thấu kính trong ống kính, hệ thống thấu kính trong ống kính khi đó sẽ hội tụ vào vùng rõ nét của chủ đề, bộ cảm biến ngắt tia hồng ngoại hoặc sóng siêu âm và quá trình lấy nét AF dừng lại.
  • Tia hồng ngoại hay sóng siêu âm phát ra theo những điểm / vùng lấy nét được định sẵn (focus zone) hoặc lấy nét theo từng bước (focus step) đến vật thể đối tượng được chụp trong khung ảnh. Tín hiệu phản xạ lại bộ cảm biến nên bộ cảm biến càng nhạy thì số vùng lấy nét càng lớn, việc lấy nét càng nhanh, đó là cuộc đua của các hãng sản xuất ngày nay, và dĩ nhiên càng tốn tiền.
  • Cách lấy nét tự động này có thể lấy nét ở vùng tối, nhưng hiệu quả lại phải phụ thuộc vào khoảng cách tia hồng ngoại chiếu, và không hoặc rất khó lấy nét xuyên qua gương, nhưng như đã nói ưu điểm là có khả năng lấy nét trong hoàn cảnh không có ánh sáng.
Light-distribution.jpg
Ảnh bhphotovideo

AF passive - AF thụ động: không chủ động phát tia hồng ngoại để đo khoảng cách đến chủ đề, mà thụ động phân tích hình ảnh nhận được sau khi vào ống kính, vì vậy không đủ sáng thì cách lấy nét này khó thực hiện. Tình trạng khi thiếu sáng, bạn bấm nhẹ nút chụp (hay gọi là bấm nửa cò), mô-tơ ống kính chạy ra chạy vào phát ra tiếng ọt ẹt mãi mà không bám nét được chủ thể là vậy. Nếu quá thiếu sáng, đèn trợ sáng được kích hoạt hỗ trợ quá trình lấy nét, nhưng về bản chất thì cơ chế lấy nét bằng đèn (AF assist light) vẫn là lấy nét thụ động vì máy ảnh không sử dụng thông tin từ nguồn sáng đó để tính ra khoảng cách tới vật thể. AF thụ động của máy ảnh lấy nét theo 2 cơ chế:
  • Đo tương phản (contrast detection - contrast measurement): Là không đo khoảng cách nét mà đo lường độ tương phản ánh sáng mà bộ cảm biến nhận được từ ống kính, độ tương phản giữa các điểm trên cảm biến AF thể hiện rõ rệt nhất khi hình ảnh được lấy nét đúng. Kiểu này về lý thuyết là chậm hơn lấy nét dò lệch pha, không tự động bám theo chủ thể chuyển động, nhưng độ chính xác cao hơn một khi lấy được nét. Các dòng máy ảnh DSLR đều dùng cách lấy nét này, và sử dụng công nghệ pha trộn giữa dò lệch pha và đo tương phản để cải tiến tốc độ lấy nét.
m_AF_CONTRAST-2.jpg
Ảnh bhphotovideo
  • Dò lệch pha (phase detection): Là hình ảnh rọi vào cảm biến AF (AF sensor) được phân ra làm đôi. Vị trí tương quan giữa hai hình ảnh này sẽ thay đổi theo vị trí của các thấu kính trong ống kính. Nếu hai hình ảnh này nằm lệch nhau, cảm biến AF sẽ tính toán vị trí các thấu kính dịch chuyển cần thiết để ống kính đưa hai hình ảnh này về đúng vị trí chồng khít lên nhau. Mô-tơ trong ống kính hoạt động thực hiện việc thay đổi vị trí các thấu kính theo tín hiệu nhận được từ cảm biến AF. Theo cách này thì máy ảnh lấy nét tự động không phụ thuộc khoảng cách nào, vẫn có thể bám theo chủ đề di chuyển liên tục để lấy nét (lấy nét liên tục bắt dính chủ thể). Điều kiện cho cách lấy nét này là đủ sáng. Ưu điểm là lấy nét rất nhanh nhưng không chính xác bằng cách đo tương phản.
m_AF_PHASE-11.jpg
Ảnh bhphotovideo
Lấy nét lai (Hybrid AF): Đây chính là cách kết hợp cả hai cơ chế đo tương phản & dò lệch pha để cải thiện tốc độ lấy nét đồng thời độ nét chính xác. Các máy ảnh DSLR sử dụng cách lấy nét so sánh trùng/lệch pha rất hiệu quả, hệ thống lấy nét liên tục bám theo vật thể chuyển động nhanh... nhưng cần phải có không gian cho buồng gương lật và bộ lấy nét riêng, việc thu nhỏ kích thước thân máy là rất khó.

Một số máy ảnh không gương lật sử dụng cơ chế lấy nét so sánh tương phản, vốn khá chậm chạp và gây ức chế cho người dùng, nhất là người từng dùng DSLR chuyển qua dùng không gương lật ống kính rời như ngày nay. Các hãng này đã tìm cách giải quyết bất cập bằng cách tích hợp cả hai cơ chế lấy nét dò lệch pha ngay trên cảm biến ảnh. Các điểm ảnh vùng trung tâm đảm nhiệm thêm nhiệm vụ như bộ cảm biến lấy nét của DSLR, nguyên tắc dò trùng/ lệch pha tương tự như DSLR. Thực tế có cải thiện nhưng vẫn còn phải cố gắng.

Một lưu ý là khi dùng máy không gương lật, có tính năng kết hợp lấy nét theo cách dò trùng / lệch pha để cải thiện tốc độ lấy nét, nhưng nếu bạn bật kích hoạt tính năng nhận diện khuôn mặt, ngay lật tức máy ảnh tự động chuyển sang cơ chế lấy nét theo cách so sánh đo tương phản truyền thống, chậm chạp.

Quảng cáo


3 - Về độ nét của bức ảnh
  • Thông thường ở vùng giữa ảnh, độ phân giải - độ nét - cao hơn ở ngoài rìa ảnh. Sự chênh lệch độ nét vùng giữa và rìa ảnh càng tăng khi ống kính càng mở lớn khẩu độ, và ngược lại càng giảm đi khi khẩu độ ống kính được khép lại. Ở rìa ảnh, khi khẩu độ ống kính mở rộng thì độ nét và độ tương phản thường giảm còn 60% so với vùng giữa ảnh. Khi khép khẩu thì mức độ chênh lệch đó nhỏ dần, nhưng thận trọng khi khép khẩu quá nhỏ, vì với khẩu độ ống kính nhỏ (như f/22, f/32...) nguy cơ hiện tượng nhiễu xạ tăng dần và độ phân giải lại bị suy giảm, độ nét giảm.
  • Hầu hết máy ảnh trong Menu cho phép chỉnh độ tương phản (contrast), độ bão hoà màu (saturation) và độ nét (sharpening), độ sáng tối (brightness) ... ngay trên máy ảnh. Có nên chỉnh trước khi chụp như thế hay không là tuỳ sở thích mỗi người. Nhưng lời khuyên là không nên: thứ nhất là chỉnh sau khi chụp (hậu kỳ) bạn sẽ kiểm soát tốt hơn các yếu tố tương phản, bão hoà màu, độ nét... hơn và nếu có rủi ro khi chụp thì có thể phục hồi; thứ hai là chỉnh trên máy ảnh trước khi chụp, nếu không cẩn trọng mà lạm dụng, ảnh sẽ thô cứng, mất đi sự mềm mại, nhất là ảnh chân dung.
IMG_4820.JPG
  • Việc tăng nét ở khâu hậu kỳ bằng bộ lọc (Filter -> Sharpen -> Unsharp Mask -> tăng Amount, Radius, Threshold) chỉ là làm cho các đường nét, góc cạnh nổi bật hơn, cảm giác nét hơn chứ không hề làm tăng độ phân giải, tức là không hề tăng độ nét về bản chất của độ nét mà chỉ là cảm giác. Muốn có độ nét thật, ảnh chụp gốc phải nét.
  • Ảnh nét thật sự là ảnh nét từ lúc chụp. Không có phần mềm hậu kỳ nào tăng độ nét thật, tức là bản chất đúng của độ nét tăng nhiều hơn được, chỉ là cảm giác nét hơn khi nổi bật hơn các chi tiết góc cạnh đường nét mà thôi. Bạn phải chụp bức ảnh đạt độ nét tối đa có thể, máy ảnh không rung ở mức thấp nhất, lấy nét đúng và trúng vào chỗ mà bạn muốn nó nét.
4 - Các trường hợp ảnh không nét
  • Không nét do chuyển động: Chúng ta thấy các vật thể tĩnh đều bị mờ nhoè tạo vệt chuyển động, các vật có vệt sáng, đó là do chuyển động của máy ảnh chứ không phải chuyển động của các vật thể. Trường hợp ngược lại, máy ảnh không rung lắc, nhờ gắn vào chân máy, hoặc nhờ cơ chế giảm rung của máy ảnh hoặc ống kính, nhưng đối tượng chụp chuyển động, thì ở tốc độ màn trập quá chậm, ảnh vẫn bị mờ nhoè. Hiện tượng mờ nhoè ảnh trong trường hợp này không do máy rung lắc mà nguyên nhân là tốc độ màn trập chậm. Để cố định đối tượng chụp, cần tuỳ chỉnh một tốc độ chụp đủ nhanh để làm ngưng (bắt nét dính) hoạt động đang diễn tiến. Chẳng hạn chụp ảnh thể thao, các em bé đang chơi... sẽ đòi hỏi tuỳ chọn tốc độ màn trập nhanh, có thể tốc độ lúc đó là 1/500 giây hay 1/1000 giây trở lên chẳng hạn.
3407049_20130427_094501_HDRa.jpg
  • Không nét do lấy nét sai: Thay vì lấy nét trúng vào điểm / vật mà mình muốn lấy nét thì lại lấy nét vào chỗ khác. Nhiều người giơ máy lên là bấm nút chụp dù không có lý do vội vàng, kể cả máy ảnh lẫn điện thoại, không quan tâm đến phương thức lấy nét, cái cần nét thì không, cái không cần thì nét là chuyện bình thường.
  • Không nét do có ý đồ: Đây là lý do nghệ thuật, có thể cố ý làm cho ảnh không nét, tạo vệt, mờ nhoè... vì một ý nào đó để ảnh được ấn tượng hơn và gây tác động đến cảm xúc người xem hơn.
3407030_20130524_194341a.jpg
AF vẫn hoạt động nhưng không lấy nét hoặc lấy nét không tốt, lý do loại suy có thể:
  • Kiểm tra lại khoảng cách lấy nét tối thiểu (gần nhất) của ống kính: Mỗi ống kính được hãng sản xuất ghi rõ khoảng cách gần nhất mà ống kính có thể lấy nét tốt. Nếu gần hơn khoảng cách đó, không thể lấy nét.
  • Đối tượng chụp không có độ tương phản, chẳng hạn như một mảng tường trắng, một khung vải phẳng lì màu xanh...
  • Vật thể sáng chói, ngược sáng cường độ mạnh, bản thân vật thể sáng loáng... như mặt nước hay chất liệu choá sáng.
  • Vật thể di chuyển liên tục với tốc độ quá nhanh so với tốc độ lấy nét của máy ảnh với vật thể chuyển động.
  • Bối cảnh quá tối.
5 - Các chức năng lấy nét trên máy ảnh:
Thường các máy ảnh đều có các chức năng lấy nét:
  • AF-S (Autofocus Single): lấy nét đơn, tức là lấy nét một lần vào một chủ thể. Khi bấm nhẹ nút chụp (nửa cò) máy báo đã lấy nét thì dù sau đó chủ thể di chuyển thì khoảng cách nét đó vẫn không thay đổi.
  • AF-C (Autofocus Continuous): lấy nét liên tục, tức là việc lấy nét được điều chỉnh liên tục khi vật thể di chuyển, khoảng cách từ máy ảnh đến chủ thể thay đổi.
  • AF-A (Autofocus Automatic): chức năng này một số máy đã bỏ, là chức năng lấy nét tự động, máy tự động phân tích và quyết định.
  • MF (Manual Autofocus): là chỉnh nét bằng tay, xoay vòng lấy nét trên ống kính, di chuyển vị trí máy ảnh... hoàn toàn theo ý muốn của người chụp.
  • Nút AF-L là nút bấm có chức năng khoá nét và thường được thiết kế cùng với nút AE-L là khoá đo sáng. Dùng khi ta cần lấy nét một vật thể nào đó xong rồi dịch chuyển máy để bố cục lại khung hình. Chẳng hạn khi chụp chân dung, lấy nét và đo sáng vào mắt mẫu, rồi bấm và giữ nút AF-L/AE-L rồi chuyển dịch máy để bố cục khung hình theo ý muốn. Nếu không cần khoá đo sáng thì không cần dùng nút này mà chỉ cần bấm giữ nửa cò nút chụp.
2653865_q.jpg
74 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

the rain
ĐẠI BÀNG
9 năm
có bài nào giải thích các thông số bên trong ống ngắm không nhỉ?
w32bigbang
ĐẠI BÀNG
9 năm
@the rain các thông số bên trong ống ngắm thường là bù trừ đo sáng, iso, khẩu tiêu cự, điểm lấy nét, mức pin và đèn nháy báo nét
@the rain Trong Manual của máy có đủ hết mà thím.
Vậy mà mình đã từng nghĩ là máy ảnh hỏng khi chụp ở ánh sáng yếu. Để chế độ tự động nó cứ kêu cọt kẹt không chụp được.
ngocb2
TÍCH CỰC
8 năm
@Triệu La Bách hờ hờ. mới chơi DSLR em cũng thế, tối chụp dưới ánh đèn compac 20W để AF, ấn mãi nó không chụp, hoang mang vê lờ 😁
rút ra nhận xét ...con người quá thông minh..sẻ có ngày sự thông minh tự giết chết mình 😁:D:D:D
tminhdn
TÍCH CỰC
9 năm
@uochuý1489Quốc Huy Xàm. Có liên quan j tới chủ đề ko?
livfc2010
TÍCH CỰC
9 năm
Mình không hiểu lắm về mấy cái ô vuông trong có chấm tròn. Đấy là vùng nét à?
@livfc2010 Đó là những điểm mà mà máy nhắm vào để lấy nét, khi lấy được nét rồi điểm đó sẽ sáng đỏ lên và máy kêu tít tít báo hiệu. Bạn muốn lấy nét chỗ nào thì chỉa một trong những điểm trên vào chỗ đó.
@livfc2010 Mấy cái ô vuông là điểm lấy nét. Còn cái vòng tròn thường là điểm dùng để do sáng của máy. Có thể đo theo toàn khung hoặc theo vùng chọn
Tôi đang sử dụng Nikon D5300, thừờng để chế độ lấy nét AF-S để chụp, điểểm lấy nét kg theo ý của mình (mặt mẫu) mà máy toàn lấy nét ở chổ khác trên cơ thể. Các bác có cao kiến chỉ giúp cách lấy nét theo ý của mình. Xin cảm ơn.
@Garfield Ezio Nếu mình chụp tren 2 nguời thì làm sao bac.
thg.1812
TÍCH CỰC
9 năm
@khoi khang Để chế độ lấy nét trung tâm, khi ngắm bác hướng máy để đưa trung tâm vào vị trí cần nét sau đó bấm nấc 1 và giữ thế (để khóa nét, khóa đo sáng) và chỉnh máy để có khung hình đẹp, lúc đó mới chỉnh cảnh chụp và khi ưng ý nhấn nốt nấc 2 là chụp thôi.
@khoi khang lâý net vaò một người sau đó chỉnh khung > và chụp ....
@long.nd chắc là k dc rồi b, ngoài ra mấy máy Semi-pro có thêm chức năng Group AF
còn lại bạn muốn ảnh nét đều (Dof dày) thì phải khép khẩu như 1 bạn đã quote trả lời
Rock9567
ĐẠI BÀNG
9 năm
Cái nút AE AF-L khi mình chụp bằng lens 50 f1.8 chụp tại 1.8 thì nếu mình lấy nét vào mắt trc xong giữ nút này mình bộ cục lại ảnh bằng cách di chuyển máy ảnh thì ảnh lại không nét? Vậy mình chỉnh thể di chuyển máy ảnh thei phương ngang và phương dọc chứ không được tiến xa hay lại gần chủ thể đúng không??
@Rock9567 DOF tại 1.8 rất mỏng nên bạn chỉ cần bố cục lại khung hình thôi là mặt phẳng nét đã bị chạy rồi. Tốt nhất là bạn bố cục khung hình trước, rồi chọn điểm lấy nét ngay tại mắt mẫu, nói chung là hạn chế tối đa việc dịch chuyển máy sau khi đã bắt được nét.
Mà mình nghĩ khẩu lớn cỡ f1.8 chỉ dùng khi chụp đặc tả trực diện khuôn mặt mẫu, lúc này nếu lấy nét vào 2 con mắt thì mũi, thậm chí chán cũng mờ nhòe. Chụp mẫu bình thường thì nên khép xuống chút, vừa đảm bảo độ nét tối ưu của ống kính, vừa đảm bảo nét cả 2 con mắt (vì mẫu tự nhiên thì ít khi nhìn trực diện vào ống kính).
Rock9567
ĐẠI BÀNG
9 năm
@truongthanhdo cảm ơn bác. tại e thắc mắc nút đó nó có giúp lấy nét liên tục không😃. Sau này e chụp thì e bố cục trc rồi mới di chuyển điểm nét có điều như vậy thì chụp hơi lâu 😔
@Rock9567 Khi bạn bấm nửa cò, hay bấm AF-L thì máy đã khóa nét rồi. Ảnh bị sai nét là do bạn dịch chuyển máy mà thôi. Như mình có nói ở trên, có thể giải quyết bằng cách khép khẩu lại một chút, vì chụp mẫu bình thường không nhất thiết cứ phải mở khẩu tối đa.
long.nd
ĐẠI BÀNG
9 năm
bổ sung cho câu trả lời của bạn Lupin269, mình thấy 1 video hướng dẫn khá trực quan
@long.nd Cảm ơn các bác đã tư vấn. Minh mô tả bị nhầm, mình sử dụng AF-A. Nếu chuyển qua AF-S, chup 2 ngừoi trở lên thì lấy nét làm sao ah.
Lucifer09
ĐẠI BÀNG
9 năm
@long.nd Cám ơn bác. Em học đã học được cách lấy nét theo ý muốn nhờ video này. 😁
Em hỏi cái. Ví dụ như cái hình hoa ở dưới, những cái ô vuông nhỏ có phải như là tia laser lấy nét không? Nếu 1 trong những ô đó nó "chạm" vào vật thể nào thì nó lấy nét ở vật thể đó?
mấy bạn cho mình hỏi cách chụp hoa hòe mà cái nền đằng sau nó đen thui với ạ.
@nguyennhattan45 Flash lên
@nguyennhattan45 mình chụp trong bóng tối
15687366095_f86ecb14ed_z.jpg
@nguyennhattan45 Bạn khép khẩu nhỏ nhất có thể nhưng vẫn đủ sáng khi đanh flash. Cái này cần flash, đánh trực diện hoặc táng sáng còn tùy điều kiện ánh sáng môi trường bạn chụp và vật chụp. Nếu vật không phải kiểu gương hay có thể phản xạ ánh sáng gây cháy sáng thì cứ đánh thẳng. Vật mẫu nên để xa background. ưu tiên background tối màu, ko nhất định phải màu đen nhưng đừng là màu nào sáng quá là được. Tốc nên để mức nhỏ nhất có thể. max tốc đồng bộ của flash, cái này tùy máy, có máy là 1/160, hoặc hình như mình nhớ là bên canon là 1/320 thì phải (cái này ko chắc nên có sai xót mong các bạn bỏ qua)
Nếu quen tay rồi thì không cần hậu kì. còn lúc đầu chưa quen thì thỉnh thoảng background vẫn có vùng sáng, nên LR hoặc PTS để làm tối đi.
htk90_hp
ĐẠI BÀNG
9 năm
Mình thắc mắc là thường mọi người lấy nét theo 2 cách
1. Lấy nét điểm trung tâm rồi lia máy bố cục, nhưng nếu dof mỏng quá khi lia máy sẽ dễ sai khoảng cách và out nét
2. Lấy nét ở các điểm phụ, k cần lia máy, nhưng các máy entry điểm này k nhạy lắm, và vẫn có thể out
Vậy 2 cách trên cách nào ít nguy cơ out hơn ạ
minh sp c
TÍCH CỰC
9 năm
E thấy cái MF là đơn giản nhất. xoay và ưng ý thì bấm. chứ nhiều lúc máy hiện lấy nét r mà chụp xong n lại lấy nét cảnh khác 😔
note
có bạn nào biết cách đọc histogram của 1 bức hình sau khi chụp không? xin cám ơn!
@knightdragonlight Anh vào box Kiến thức - cẩm nang tìm bài Hiểu về quang đồ (Histogram) của a Thanh, có cả video chi tiết. Em vừa vào forum chưa post link dc, a thông cảm 😁
@MinhSNK cám ơn bạn nhiều!
gamap
ĐẠI BÀNG
9 năm
  • AF-S (Autofocus Single): lấy nét đơn, tức là lấy nét một lần vào một chủ thể. Khi bấm nhẹ nút chụp (nửa cò) máy báo đã lấy nét thì dù sau đó chủ thể di chuyển thì khoảng cách nét đó vẫn không thay đổi.
  • AF-C (Autofocus Continuous): lấy nét liên tục, tức là việc lấy nét được điều chỉnh liên tục khi vật thể di chuyển, khoảng cách từ máy ảnh đến chủ thể thay đổi.
Mình xài RX100, khi chọn chế độ auto mà chụp hình mây đứa bé chuyển động thì hay bị nhòe mà chế độ auto nó lại không cho chỉnh qua AF-C, có cách nào khắc phục không ạ
Lấy nét khi chụp 1 người thì dễ, khó nhất là lấy nét khi chụp nhiều người. Bạn có thể hướng dẫn luoin ko? Cám ơn.
tminhdn
TÍCH CỰC
9 năm
@hoangpm để chụp dc hết 1 hàng người đứng hàng ngang thì bác cần 1 cái lens góc rộng, tiêu cự khoảng 24mm (fullframe) là ok, rồi khép khẩu xuống f8 hoặc f11. Xong lấy nét ngay người đứng giữa. Done.
tgmjgm
ĐẠI BÀNG
9 năm
thớt giống vầy rất hữu ích.
cách tốt nhất là chụp = lens góc rộng và khép khẩu


đc phép di chuyển nhưng làm sao đảm bảo đc khoảng cách của máy đến mẫu
vd: đứng cách mẫu 3m xong lấy nét thì bác đc di chuyển làm sao đúng khoảng cách 3m đó thì sẽ nét, khẩu 1.8 thì lệch 1 vài cm cũng có thể out nét

chọn phông nền tối, dùng đèn rọi sáng vào chủ thể nhưng tránh rọi vào hậu cảnh
chụp xong hậu kì kéo shadow cho tối để nổi bật chủ thể
hoặc bác google hướng dẫn chụp lowkey sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn
Mình đang xài nikon d5200. Sắp đi du lịch mà nghe nói ko có điện thường xuyên. Đầu tư thêm pin thì thấy ko kinh tế lắm (chỉ chụp chơi thui). Mình có cục sạc dự phòng Xiao 10400mh.

Mình mún hỏi có thể cấm sạc dự phòng vào máy Nikon qua cap Usb để sạc pin đc ko?
@ntnmylove mua cục pin Pisen for d5200 giá cũng rẻ chụp thêm dc tâm 300-500 shot đó b

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019