Chụp ảnh đường phố: Quan sát, ánh sáng, chọn góc chụp và bố cục? - Thomas Leuthard - Phần 2

tuanlionsg
4/8/2016 7:24Phản hồi: 22
Chụp ảnh đường phố: Quan sát, ánh sáng, chọn góc chụp và bố cục? - Thomas Leuthard - Phần 2
Ở phần đầu tiên, nhiếp ảnh gia đường phố người Thuỵ Sĩ Thomas Leuthard đã chia sẻ về những điều để bắt đầu với chủ đề chụp này, các vấn đề liên quan đến thiết bị và ống kính phù hợp. Phần 2, sau khi đã có thiết bị ghi hình, bước ra phố thì những kỹ năng quan sát thế nào, lựa chọn hướng sáng tốt để thể hiện chủ đề ra sao, tìm góc chụp và bố cục các thành phần trong ảnh được tốt nhất như nào. Như phần trước đã nói, có thể có những phần rất hữu dụng, nhưng cũng có thể có phần anh em đã biết hoặc nhàm chán rồi, dẫu sao thì hy vọng các bài dịch này có ích cho ai đó đang loay hoay vun đắp cho đam mê "chụp ảnh đường phố" của mình.

Mở đầu cho phần này, Thomas Leuthard nói: "Nhiều người cho rằng nhiếp ảnh đường phố đơn thuần chỉ là việc nhấn nút chụp đúng lúc. Nhưng với riêng tôi, nhiếp ảnh đường phố là một tiến trình trải qua nhiều giai đoạn trong đó bạn có thể mắc nhiều sai lầm và gặp nhiều thử thách. Thực tế có rất nhiều cơ hội để cải thiện công việc chụp ảnh của bạn mà không thực sự liên quan trực tiếp đến việc chụp ảnh. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công việc và thành công của mọi người. Tôi không thể nói mình là một người chụp ảnh thành công, nhưng ít nữa tôi cũng nói được rằng, có nhiều người đọc bài của tôi, nhìn xem các bức ảnh tôi chụp và đang đọc tập sách này".


Có 5 phần được tách ra thành 5 bài liên tục trên Tinh Tế như sau:
  1. Bắt đầu từ đâu? Máy ảnh & ống kính nào phù hợp với chủ đề đường phố?
  2. Kỹ thuật quan sát, nhạy bén ánh sáng tự nhiên, chọn lựa bố cục tốt như thế nào?
  3. Thiết lập máy ảnh phù hợp, khoảnh khắc quyết định, chọn phối cảnh ra sao?
  4. Ảnh màu hay trắng đen, về việc xử lý hậu kỳ, những kỹ năng cần thiết là gì?
  5. Chọn thời điểm nào, các cách xử lý tình huống, tạo phong cách riêng như nào?

5765124404_eca829f562_o.jpg

A. BẮT ĐẦU NHÉ!

Quy trình làm việc của tôi
Những người chụp ảnh, khi nói về quy trình làm việc của họ, thường muốn nói đến việc tạo ra một bức ảnh từ lúc bắt đầu nhấn nút chụp cho đến khi in nó ra. Trong chụp ảnh đường phố và theo tôi thấy, quy trình ấy bắt đầu sớm hơn nhiều và thực sự không bao giờ kết thúc. Có nhiều hoạt động bạn có thể tiến hành để nó được công chúng xem thấy. Nó kết thúc cách nào đó khi bạn tải nó lên website và chia sẻ với cộng đồng xã hội hay triển lãm. Khi một bức ảnh được tạo ra và chia sẻ, thì vòng đời của nó chỉ mới bắt đầu và quy trình làm việc chỉ mới khởi sự.

Sự hiện hữu vô hình
Tôi đã thấy nhiều người chụp ảnh có những tác phẩm lớn và những trang web hấp dẫn, nhưng chẳng có ai nhìn vào các bức ảnh họ chụp. Theo quy trình làm việc của mình, tôi cố gắng thay đổi điều đáng buồn về những bức ảnh đẹp, thực sự hiện hữu, nhưng không được nhìn vào. Hiện nay đang có nhiều cơ hội lớn để đưa những tác phẩm được thực hiện bằng máy ảnh của bạn lên màn hình của mọi người. Tất nhiên, việc nổi tiếng hay kiếm ra tiền không phải là dễ. Tập sách này không nhằm đến chuyện kiếm tiền, nhưng nhằm đến chỗ bạn có thể trở thành một người chụp ảnh đường phố thành thạo, biết sử dụng những phương tiện và có một lối suy nghĩ khác về việc chia sẻ công việc chụp ảnh của mình như thế nào.​

Phương pháp 3 bước
  • Thứ nhất, là việc chuẩn bị, một ý tưởng, một kế hoạch, học cách nhìn, rèn luyện đôi mắt và những việc tương tự. Những thứ này thực ra không liên quan đến máy ảnh. Điều đó có nghĩa là tất cả những suy nghĩ, những gì đọc được, cách tìm kiếm những cơ hội mới và các ý tưởng.
  • Thứ hai, giai đoạn tiếp theo là những thứ liên quan đến máy ảnh và việc tiến hành sau đó cho đến khi một bức ảnh được hoàn thành. Tức là bạn phải lấy máy ảnh ra cầm trên tay, chụp và chụp, trở về nhà, xử lý và lưu giữ nó vào đĩa cứng.
  • Thứ ba, là bắt đầu giai đoạn quan trọng nhất. Bạn định làm gì với bức ảnh bạn đã chụp và xử lý? Có nhiều phương pháp và ý tưởng về giai đoạn này. Sẽ bàn ở phần sau.
Không mất thời gian quá vào máy và kỹ thuật
Nhiều người quá sa đà vào kỹ thuật và thiết bị. Giai đoạn thứ hai được đánh giá rất cao trong nhiếp ảnh đường phố. Đã hẳn tôi thích đi ra ngoài để xem những thứ hấp dẫn và chụp ảnh chúng. Nhưng tất cả những gì liên quan đến máy ảnh cùng với tiến trình xử lý không phải là lý do khiến tôi chụp ảnh đường phố. Đây không phải là một thử thách chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn rồi thôi. Máy ảnh làm công việc của nó và tiến trình xử lý do tôi thực hiện, trong phần lớn thời gian, chỉ diễn ra không đến 2 phút. Bạn không nên phí phạm thời gian vào tiến trình xử lý và kỹ thuật. Chỉ việc nắm vững những điểm cơ bản về nhiếp ảnh và máy ảnh của bạn là được. Phần còn lại bạn sẽ học hỏi trên đường phố qua việc chụp ảnh.​

5642472090_942e104e04_o.jpg

B. QUAN SÁT - LUYỆN TẬP "NHÌN THẤY"

"Chiếc máy ảnh không tạo được một chút khác biệt nào.
Tất cả những gì chúng làm là ghi nhận những gì bạn đang nhìn thấy.
Nhưng bạn phải NHÌN THẤY"

Quảng cáo


Ernst Haas (1921 - 1986 Nhiếp ảnh gia Áo)​

Tất cả là do con mắt của bạn
Trong nhiếp ảnh đường phố, chỉ có một điều duy nhất đáng tin cậy thực sự:
Đó là con mắt, con mắt của bạn. Bạn phải nhìn thấy các sự vật mới có thể chụp được chúng. Bất luận máy ảnh của bạn đang dùng có là máy gì, hãng nào hoặc như thế nào chăng nữa, thì trước hết bạn phải nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra, trước tiên bạn phải nhận thức được điều gì xảy ra và liền ngay sau đó gần như bạn phải lên bố cục cho bức ảnh.

Hãy quên máy ảnh đi!
Nhiều người quá bận tâm đến máy ảnh, ống kính, các trang thiết bị, định dạng tập tin ảnh và các chi tiết kỹ thuật khác. Hãy quên đi tất cả những gì về kỹ thuật và các thiết đặt máy ảnh. Để máy ảnh của bạn ở chế độ P và đừng suy nghĩ thêm gì về nó nữa. Bạn phải rèn luyện con mắt của mình trước đã, sau đó mới có thể nghĩ đến chuyện chụp một quang cảnh.

Đây là cách tập luyện đơn giản nhưng rất hiệu quả
Tập luyện đầu tiên là hãy tìm kiếm một tông màu. Chẳng hạn bạn có thể thử chỉ tìm những thứ có màu Vàng Cam và chụp suốt ngày với chỉ một màu ấy. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có rất nhiều thứ màu Vàng Cam bạn có thể nhìn thấy trong thành phố của bạn, mà trước đó bạn không để ý. Việc này có nghĩa là bạn phải tập trung nhìn vào một thứ duy nhất để thực sự nắm bắt đươc nó cách tốt nhất.

Thậm chí bạn không cần phải chụp ảnh; bạn có thể bước đi, thả bộ thong thả và đảo mắt nhìn chung quanh, cố làm sao nhìn thấy cho được nhiều thứ có màu Vàng Cam trên đường đi. Bạn sẽ thấy là nhìn thấy các sự vật thì quan trọng hơn là chụp ảnh chúng. Khi bỏ lỡ một cơ hội, tôi luôn vui sướng vì ít nữa thì cũng đã nhìn thấy nó. Cứ tập luyện với những tông màu, những chi tiết, những đối tượng mà bạn muốn tách chúng ra khỏi tất cả những lộn xộn trên đường, dần dần, bạn sẽ tinh nhuệ trong cách "nhìn thấy".

Quảng cáo



Đường phố là sân khấu của bạn
Cũng hãy tìm cách để nhìn cho ra mọi thứ kết hợp như thế nào, màu sắc, hậu cảnh cùng với các nhân vật trên “sân khấu” của bạn. Hãy hình dung bạn chuẩn bị sẵn cho họ một sân khấu lớn và họ là các diễn viên. Bạn chỉ việc chờ cho đến khi họ bước ra rồi chụp ảnh họ. Hãy tìm cho được vị trí thích hợp và chờ các diễn viễn bắt đầu trình diễn. Đôi khi việc này đòi hỏi phải tốn thời gian, nhưng nếu bạn thực sự muốn thường thì nó sẽ xảy đến. Tôi thường không phải chờ quá vài phút. Những gì phải đến sẽ đến trong chừng ấy thời gian. Nhược bằng không, bạn hãy tiếp tục với một cảnh huống khác.

Hãy bắt đầu mà không có máy ảnh
Nếu muốn bắt đầu chụp ảnh đường phố, bạn hãy bắt đầu bằng cách sử dụng đôi mắt của mình thay vì máy ảnh. Hãy ra khỏi nhà với một khung hình trong đầu và bắt đầu lên khung tưởng tượng các thứ thay vì chụp bằng máy ảnh. Sau này phải dành nhiều thời gian để chụp ảnh, nhưng bạn phải học cách nhìn trước đã. Nhìn thấy được những gì thú vị trên đường phố mới là việc khó khăn nhất.

Tập luyện mỗi ngày
Bạn có thể thực hành tập luyện này mỗi ngày theo cách riêng của bạn. Hãy nhìn chung quanh và bắt đầu lên khung cho các tình huống, suy nghĩ về các chủ đề, tìm kiếm các cơ hội. Có rất nhiều tình huống trong từng ngày sống mà qua đó bạn có thể chụp được nhiều bức ảnh. Không phải là chụp chúng vào ngay lúc đó, nhưng là nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống đang diễn ra nơi công cộng. Hãy nhìn những gì người khác làm, cách họ hoạt động, họ ăn mặc ra sao. Tôi thích nhìn những con người giữa chốn hoang vu. Họ rất thú vị và tôi tin rằng sự thú vị ấy khiến tôi cứ muốn chụp ảnh họ mãi. Chính nét hấp dẫn, niềm khát khao mãnh liệt rất người ấy sẽ lôi cuốn bạn.

Mối quan tâm của bạn phải được đặt vào cuộc sống của những con người bình thường, chứ không phải trong việc chụp ảnh. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa một người chụp ảnh thông thường với một người chụp ảnh đường phố. Người chụp ảnh đường phố là một ký giả ghi lại những nét sinh động của cuộc sống hằng ngày. Họ chụp lại những khía cạnh thú vị của đời sống thường nhật nơi chỗ đông người.​

"Nếu không nhìn thấy, bạn không thể chụp gì.”
Thomas Leuthard​

5871175889_89feac82f3_o.jpg

C. CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG


Biết rõ mình tìm kiếm điều gì
Làm thế nào đôi mắt bạn có thể tập trung vào một điều gì đó được, nếu đôi mắt ấy không biết bạn đang tìm kiếm cái gì? Điều đầu tiên dành cho mỗi chuyến ra đường phố là một kế hoạch vững vàng, là những gì bạn muốn tập trung trong ngày hôm đó. Đấy có thể là một “Màu Sắc”, một hạng mục nào đó, một chủ đề.... chẳng hạn như “những Chiếc Túi Xách”, một phần thân thể như “Đôi Chân” hoặc môt loại bố cục hay điều kiện ánh sáng.

Nên có ý tưởng trong đầu
Với những thông tin như thế trong đầu bạn sẽ bước đi theo một cách khác trên đường phố và rõ ràng là sẽ nhìn khác đi những gì mình trông thấy. Bạn có thể nhìn vào những bức ảnh của người khác hoặc những tạp chí thời trang để đưa ra ý tưởng cho kế hoạch riêng của mình. Có thể bạn chỉ việc loanh quanh trên đường phố để nhìn người ta qua lại mà đưa ra một ý tưởng, đưa ra những gì bạn sẽ bao quát trong kế hoạch tiếp theo.

Hãy khác biệt!
Có thể có những ý tưởng đơn giản hoặc những ý tưởng độc đáo. Nhưng nếu muốn làm cho các bức ảnh của mình trở nên hấp dẫn cuốn hút, bạn có thể suy nghĩ một cách đột phá cho riêng mình. Bạn nên cố gắng trở nên càng sáng tạo, khác biệt và điên rồ càng hay. Có lẽ để được như thế, chúng ta luôn thử đặt những câu hỏi, những tìm kiếm, những khởi điểm để phát triển ý tưởng trong đầu... rồi sẽ gặp vào lúc nào đó.

…chụp một bóng đổ?
…khuông mặt những người đang ăn ?
…cảnh người ta chen lấn tại một sân ga ?
…những bàn tay đang làm những việc khác nhau ?
…những tư thế kỳ quặc của đôi chân ?
... những ánh mắt và biểu cảm nào đó?


Đó là một vài ví dụ nhằm kích hoạt đầu óc suy nghĩ cho một cuộc tìm kiếm để nhìn thấy và ghi hình. Bạn nên tìm những gì khác với thứ người khác đã làm. Hãy tìm cho mình những ý tưởng riêng, bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ nhặt đơn giản rồi dần dà đến những ý tưởng lớn hơn. Đang có rất nhiều những ý tưởng ở ngoài kia.
5640841873_7e41cf9739_o.jpg

Hãy thử tạo một danh mục để thực hiện dần
Việc này giúp bạn tạo ra một liệt kê ngắn gọn theo các tiêu chuẩn mà bạn phải tuân thủ. Đó có thể là một khái niệm tóm tắt về những giới hạn mà bạn phải đi theo đối với từng bức ảnh bạn chụp. Nó sẽ làm cho việc bạn chọn lựa các động lực trở nên dễ dàng hơn. Một liệt kê như thế có thể bắt đầu từ rất đơn giản là:

 Chụp những đôi giày
 Chỉ chụp những gì hấp dẫn bạn
 Chỉ chụp những người đang đứng
 Góc máy thấp
 Chụp từ đằng sau
 Chụp gần
 Ưu tiên khoảnh khắc tự nhiên
 Thử các tiêu cự khác nhau: 28mm, 35mm, 50mm
 Khẩu độ khác nhau (e.g. f/2.8)
 Dứt khoát
 Màu sắc
 Một loạt 5-10 bức chụp​
Mang theo bản liệt kê ấy cùng với bạn khi ra ngoài. Bạn sẽ chỉ tập trung vào những đôi giày hấp dẫn. Bạn sẽ nhìn vào những nơi người ta đang đứng, sẽ tìm cách hình dung ra khung ảnh, làm thế nào để chụp một bức ảnh mà không bị người ta để ý. Bạn sẽ mường tượng ra những thiết đặt nào là tốt nhất.

Chọn trang thiết bị
Khi đã có một kế hoạch vững vàng, bạn biết rõ những gì mình muốn chụp và từ đó cũng biết được cần phải mang theo loại ống kính nào. Tôi thường nhìn thấy nhiều người cứ loanh quanh với những chiếc ba-lô hay túi máy ảnh to đùng trên đường phố. Không nên như vậy. Bạn chỉ cần một máy ảnh và một ống kính khi đã có được một kế hoạch chụp ảnh. Điều rất quan trọng là bạn đừng mang theo mình nhiều trang thiết bị. Khi chụp những bức ảnh ngẫu nhiên, tôi thường sử dụng máy ảnh Nikon với một ống kính prime như nói ở phần trước.​
5725478270_4c3b347924_o.jpg

D. ÁNH SÁNG

Nhiếp ảnh không tồn tại nếu không có ánh sáng. Tất cả đều tùy thuộc vào ánh sáng, mặc dầu trên đường phố bạn không có nhiều chọn lựa để có nguồn ánh sáng hoặc vị trí có hướng sáng như ý. Bạn có thể còn phải sẵn sàng chuẩn bị cho nhiều tình huống bối cảnh khác nhau, để khỏi phạm sai lầm. Trước hết, bạn chọn đúng điều kiện ánh sáng trong ngày, trước khi ra ngoài để chup ảnh. Dưới đây là một vài lời khuyên về các trạng thái ánh sáng (mặt trời buổi sáng và buổi chiều thường dịu hơn):

Ngày nắng chói chang (khó)
Tuy ai cũng thích ánh nắng rực rỡ, nhưng trong nhiếp ảnh đường phố thì ánh nắng rực rỡ là rất khó để chụp ảnh. Đặc biệt khi bạn muốn chụp chân dung người ngoài phố, nó quá sáng rực dưới ánh nắng trực tiếp. Bạn sẽ nhìn thấy những bóng đổ rất đậm, đổ bóng loang lỗ không đẹp trên mặt người. Khi có ánh nắng trực tiếp thì bạn chỉ có thể chụp các bóng chiếu hay bóng đổ, chứ không chụp được chân dung. Bạn có thể có được nhiều sáng tạo với các bóng đổ…

Ngày mưa dầm (không đẹp)
Người ta không thích mưa hoặc những người chụp ảnh sẽ không ra ngoài vì sợ ướt máy ảnh. Vào một ngày mưa, người ta không quan tâm đến môi trường chung quanh mình như thường lệ. Họ cứ loay hoay để lo cho mình khỏi bị ướt. Và mưa càng lớn thì càng nhìn thấy điều đó rõ hơn. Vấn đề duy nhất là đừng để bị ướt và có đủ ánh sáng để chụp. Tăng độ nhạy ISO để bù sáng. Nhưng dứt khoát là phải thử chụp một lần trong mưa đã...

Ngày đầy mây / sương mù (tốt)
Tôi thích trời đầy mây hoặc sương mù. Vì sương mù hoặc mây có tác dụng như một chiếc hộp tản sáng lớn mềm mại và ánh sáng dịu hơn so với trời đầy nắng. Bạn không phải bận tâm nhiều đến việc mặt trời nằm ở đâu. Do đó, bạn có thể trực tiếp tập trung vào chủ thể bạn muốn chụp. Để bắt đầu làm người chụp ảnh đường phố, bạn nên chọn những ngày có mây để thực hành. Việc đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và bạn sẽ chụp được những bức ảnh đẹp hơn.

Ban đêm (đặc biệt)
Hẳn sẽ có nhiều người cho rằng ban đêm khó mà chụp ảnh. Điều đó không đúng. Trong các thành phố thì mức độ nhiễu sáng rất cao, nghĩa là rất nhiều ánh sáng đèn phưc tạp; ban đêm sẽ không còn tối như trước. Ở nhiều nơi công cộng, bạn còn có thể đọc báo ngay khi đang là nửa đêm. Hãy vận dụng điều đó như một ưu điểm và đi ra ngoài vào ban đêm. Hãy nhìn xem ánh sáng phát xuất từ đâu để xác định nguồn và hướng, rồi dùng nó để lên bố cục. Bạn có thể cần đến giá ba chân để giữ cho máy ảnh khỏi bị rung lắc quá nhiều. Hãy chụp những vật tĩnh hoặc lên bố cục các hiệu ứng chuyển động mờ. Chụp ảnh ban đêm đúng là một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ.

Điều chỉnh ánh sáng
Hãy bảo đảm là bạn không chụp những bức ảnh của mình trong điều kiện ánh sáng không thích hợp. Hãy luôn biết rõ ánh sáng phát xuất từ đâu trước khi chụp. Ánh sáng luôn hiện hữu, hãy vận dụng, sử dụng, đưa nó vào trong bức ảnh của bạn. Càng am hiểu tốt về ánh sáng, bạn càng có được những bức ảnh đẹp.

Nếu muốn nhìn thấy rõ các gương mặt, bạn hãy có ánh sáng đến từ phía sau bạn (Chân dung).
Nếu muốn nhìn thấy các hình dáng, hãy có ánh sáng đến từ phía trước bạn (Bóng đổ).



Chân máy ba càng, cần hay không ?
Tăng trị số ISO để bù cho nguồn ánh sáng yếu (hoặc sử dụng giá ba chân). Trên đường phố thì gía ba chân có thể không tiện, trừ khi dùng để chụp chuyển động mờ hoặc phơi sáng lâu. Hãy tìm cách đặt máy ảnh của bạn trên một mặt phẳng đủ vững để tránh phải dùng đến chân máy (mang theo cồng kềnh).​

Hãy thử qua các tình huống ánh sáng khác nhau để học biết cách nó vận hành như thế nào và đâu là những khó khăn. Càng hiểu biết về ánh sáng, bạn càng cảm thấy thoải mái hơn khi chụp ảnh. Bạn nên ra ngoài vào những thời điểm khác nhau trong ngày để có được một cảm nghĩ đúng về những tình huống ánh sáng khác nhau. Điều quan trọng là am hiểu ánh sáng, vì nếu không, thì sẽ không có nhiếp ảnh...

5887982713_d5c3e5ca16_o.jpg

E. BỐ CỤC KHUNG HÌNH

Một điều duy nhất
Với tôi, bố cục là thứ duy nhất làm cho một bức ảnh trở nên cuốn hút. Nhiều người cho rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách thông thuộc nhuần nhuyễn chiếc máy ảnh của họ, tạo ra những thiết đặt thủ công hoặc có kiến thức từ các bậc thầy nhiếp ảnh lão luyện. Điều duy nhất đối với một bức ảnh đẹp chính là bố cục. Có rất nhiều thứ bạn có thể thực hiện, là cách bạn chọn sắp đặt các thành phần trong một khung ảnh, theo ý tưởng bạn muốn.

Tôi thích đặt máy góc thấp
Nhiều người chụp ảnh không thực sự nghĩ đến vị trí đặt máy ảnh của họ chút nào. Họ chụp ngang tầm mắt bình thường, như chúng ta vẫn nhìn thấy hằng ngày. Cách làm như thế chỉ tạo ra những bức ảnh quen thuộc. Trong khi đó, một cách đặt điểm ngắm khác có thể làm cho bức ảnh của bạn thêm thú vị, mà không phải tốn nhiều công sức. Chỉ việc quỳ thấp xuống hoặc đặt máy ảnh của bạn trên nền đất. Cách này rất hữu ích trong một số tình huống để có được một điểm ngắm hấp dẫn đối với điều gì đó ngang tầm. Bạn sẽ thấy được một sự khác biệt thú vị.

Độ sâu trường ảnh
Với một ống kính khẩu lớn, bạn có thể xử lý DOF (độ sâu trường ảnh). Điều này giúp bạn có thể làm mờ hậu cảnh trong một bức ảnh chân dung hoặc tập trung nhìn vào một đối tượng nào đó trong bức ảnh. Tuy tôi hay nói máy ảnh không phải là điều quan trọng, nhưng một ống kính tốt với khẩu độ lớn có thể giúp bạn chụp được những bức ảnh tốt. Thường là một ống kính tiêu cự trung bình, 50mm f/1.8 có thể là một chọn lựa đúng. Bạn sẽ có thể làm được nhiều việc với một ống kính 50mm như thế trên đường phố. Đây có thể là một đầu tư ngon bổ rẻ.

Hãy ghi sâu trong đầu
Trên đường phố, bạn thường không có đủ thời gian để suy nghĩ về bố cục. Bạn chỉ phải nhấn nút chụp trong một phần trăm giây. Nếu không luyện tập cách nhìn đối tượng và ý tưởng chủ đề để bố cục, bạn sẽ lỡ mất nó. Bạn có thể tập trung quá nhiều vào đối tượng chụp, lỡ mất một vài khía cạnh quan trọng khác của một bức ảnh đẹp.​

4979013024_0311830a36_o.jpg

Kết luận
Bạn có thể tạo ra một bức ảnh đẹp từ một chủ thể chẳng có gì hấp dẫn, nhưng cũng có thể làm cho một chủ thể hấp dẫn trở thành chán ngắt qua bức ảnh bạn chụp. Hãy bắt đầu học, luyện tập cách nhìn, nhạy bén với các bối cảnh ánh sáng, lên bố cục khung hình theo cách mà bạn nghĩ là nó thể hiện tốt nhất câu chuyện mà bạn "nhìn thấy" ngoài phố.




Thomas Leuthard
Copyright © 2011 by Thomas Leuthard
All rights reserved. No part of the contents of this book may be reproduced or transmitted in any form or by any means without the written permission of the publisher.
Published on July 26, 2011 on http://www.thomasleuthard.com/Book
Bản chia sẻ miễn phí tại: http://thomas.leuthard.photography/wp-content/uploads/2014/02/GoingCandid.pdf
22 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

sGear
TÍCH CỰC
8 năm
Loạt bài hay quá, cảm ơn anh Tuấn đã chia sẻ



@sGear Còn 3 phẩn nữa 😃
Ngày trước em còn hâm mộ chế độ Av, bây giờ em về hẳn chế độ P luôn.
Nghĩ mình đi theo con đường nhiếp ảnh nghiệp dư mà đi ngược với người ta, từ hậu kỳ, chỉnh sửa đủ các kiểu về chơi ảnh nguyên bản, từ DSLR về compact, từ các chế độ khó như M, Av, Tv về chế độ P gần như tự động hoàn toàn (chỉ chỉnh mỗi ISO để kiểm soát nhiễu).
Cứ đà này chắc mai mốt em về hẳn nhiếp ảnh với ĐT 😁 (nói vậy thôi chứ cảm biến mà nhỏ hơn ASP-C là em không yêu rồi 😆
@hnadov Chế độ P là Pro đó hả? 😃) Đùa chút cho vui. Có mấy bạn bảo P là Pro, M là chế độ Mò, A là A-ma-tơ ...
LsCowboy
ĐẠI BÀNG
8 năm
@tuanlionsg Em toàn chụp A, Lâu lâu chụp S. A là A-ma-tơ, còn S là gì anh Tuấn 😁:D:D:D
nghia3d
CAO CẤP
8 năm
@LsCowboy Hẳn là Sexxx rùi :D:D:p
Thanks bác chủ, bài viết rất chi tiết và hữu ích cho anh em!
yeuvothuat
ĐẠI BÀNG
8 năm
góp vui ạ

lee2.jpg
Rất hay. Cám ơn anh Tuấn. Em giờ lấy PowerShot chụp đời thường cho nhẹ nhàng.
Dài quá, E đọc ko có hết nhưng qua chiêm nghiệm trước đến giờ E thấy bác Sư Tử rất kết thể loại ảnh đường phố, cảnh biển, sông nước, con người 🆒
(Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using Blackberry PASSPORT.se)
bendn
ĐẠI BÀNG
8 năm
Rất hay bác Tuấn ah.
20160717_093926-01.jpeg
longhons
TÍCH CỰC
8 năm
Klq tí nhưng bác Thomas này bán dây strap máy ảnh cũng rất đẹp, e có oder 1 sợi của ổng 😁
Bác nào cần thì cứ search Leuthard Strap là ra :D

[​IMG]
Hữu ích quá. Cảm ơn bác rất nhiều.
OxJade
TÍCH CỰC
8 năm
chụp lúc mới biết cầm máy
khphuong
ĐẠI BÀNG
8 năm
IMG_5652.JPG góp vui ạ 😃
H.B1004
ĐẠI BÀNG
8 năm
Em cũng góp vui với mấy Bác.
Chụp bằng ip6 😃
IMG_3086.jpg
Nhìn mặt ong già nghe điện thoại Mexico vãi
Anh_bi
ĐẠI BÀNG
8 năm
cám ơn bạn đã chia sẻ
loạt bài tạo cảm hứng quá
góp vui
IMG_1452.JPG
lilzory
ĐẠI BÀNG
7 năm
Em cũng tập tành mới chụp,. muốn góp vui với anh em trong xóm ạ
000001.JPG
000004.JPG
000089.JPG
000102.JPG
Cũng muốn học nhiếp ảnh quá ^^

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019