Street photography - Chụp ảnh đường phố: Những điều cần biết với người bắt đầu

tuanlionsg
14/8/2017 9:34Phản hồi: 30
Street photography - Chụp ảnh đường phố: Những điều cần biết với người bắt đầu
Mình rất muốn làm một triển lãm ảnh cho anh em chụp street tại Tinh tế và khích lệ anh em thích chụp chủ đề này. Bài viết tổng hợp lại một số nội dung chụp ảnh đường phố dành cho người mới bắt đầu. Mong rằng sẽ giúp bạn bắt đầu sử dụng máy ảnh của mình cách thoải mái hơn với thể loại ảnh đường phố.

Chụp ảnh đường phố là chủ đề mà những ai chụp ảnh đều luôn có một sự thúc dục hết sức tự nhiên là cố gắng ghi lại hình ảnh cuộc sống đang cuộn chảy chung quanh. Chúng ta thường thấy mình, trong vai những người quan sát, bị cuốn vào một số tình huống và để ý đến những chi tiết thú vị của những con người trên đường phố. Tuy nhiên, cầm máy ảnh bấm chụp lưu giữ lại được những khoảnh khắc ấy là một việc rất khó. Ghi nhận và kể lại một câu chuyện thông qua ảnh chụp là một trong những việc rất khó thấu triệt trong chụp ảnh đường phố.

cameratinhte-13.jpg
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thuỵ Sĩ Thomas Leuthard - đang làm việc và giảng dạy tại udemy.com
1. Chụp ảnh đường phố là gì ?

Là gì?

Cơ bản, chụp ảnh đường phố là một thể loại nhiếp ảnh ngẫu nhiên được thực hiện tại những nơi công cộng, như là trên một đường phố, trong một quán ăn, thậm chí cả trên một phương tiện giao thông. Đối tượng chụp hầu hết liên quan đến con người (và/hoặc động vật) tại một nơi nhộn nhịp đông đúc (hàm chứa một bối cảnh thuật chuyện), như một câu chuyện về con người tại một không gian nhất định nào đó.

Khác với phóng sự & báo chí?
Khác với ảnh phóng sự báo chí là chụp ảnh đường phố thường tập trung vào cuộc sống hằng ngày của những người xa lạ, thay vì một số loại sự kiện quan trọng mà các phóng viên chụp ảnh phóng sự hoặc báo chí quan tâm nhiều hơn. Thông thường, những người chụp ảnh đường phố cố gắng hết sức để giữ mình không bị để ý trong lúc chụp ảnh, tôn trọng hoàn toàn sự chuyển động tự nhiên của cuộc sống con người. Mục đích của chụp ảnh đường phố là nắm bắt những cảnh tượng, không bị tác động bởi người thực hiện, từ đó đưa ra một câu chuyện và chủ đề tự nhiên.

Ai chụp đường phố?
Ai cũng có thể chụp ảnh đường phố! Nó là một chủ đề ảnh trong nhiều chủ đề khác nhau. Chẳng cần bạn có một máy ảnh đắt tiền như các thợ chụp. Bạn cũng chẳng cần có một studio ánh sáng chuyên nghiêp như các nhà ảnh thương mại. Điều bạn cần là bạn phải có một cái thiết bị ghi hình bất kỳ, kể cả điện thoại và bạn biết bạn đang chụp cái gì ngoài phố.

cameratinhte-3.jpg
Ảnh Viviant Maier thể hiện một phần cuộc sống hưởng thụ của xã hội Mỹ đầu thế kỷ 20
2. Máy móc thiết bị chụp ảnh đường phố là gì?

Nhiều người băn khoăn phải có máy gì ống gì?

Bạn có thể hỏi nhiều người và sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau về loại máy ảnh tốt nhất dành cho việc chụp ảnh đường phố. Bạn cũng có thể mỗi năm sắm một chiếc máy ảnh mới cũng như luôn có công nghệ nổi tiếng bảo bạn hãy mua các trang thiết bị mới. Nhưng bạn hãy nhớ lại đi, các bậc thầy về nhiếp ảnh ngày xưa làm gì có những trang thiết bị hiện đại ? Quả thực là không. Họ không có gì giống như chúng ta hôm nay. Nhưng với cái “không có gì” ấy, họ đã có những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đừng bao giờ cho rằng bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp hơn bằng những chiếc máy ảnh tốt hơn. Điều đó tuyệt nhiên chẳng có ý nghĩa gì cả.

Hãy sử dụng những công cụ đang có!

Quảng cáo


Nếu là một chiếc máy DSLR cỡ lớn – thì tốt cho bạn, nhưng nếu là một chiếc máy du lịch hay là một điện thoại thông mình chỉ có độ phân giải 5megapixel – cũng đủ để có ảnh tuyệt vời. Chỉ có một điều duy nhất làm nên sự khác biệt trong nhiếp ảnh đường phố là con mắt của bạn. Nếu có con mắt tinh tế, bạn sẽ nhìn thấy được những gì thích đáng. Nếu không, bạn sẽ gặp vấn đề. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng bạn hãy chỉ rèn luyện con mắt của mình để trở nên một người chụp ảnh đường phố lão luyện hơn.

Sẵn sàng ra phố!
Bây giờ bạn đã sẵn sàng ngang dọc trên đường phố rồi, đây là lúc chọn công cụ tốt nhất cho công việc. Loại máy ảnh và ống kính nào bạn nên mang theo ? Tắt một lời – hãy dùng bất cứ máy ảnh nào bạn đang có. Nếu là một chiếc máy DSLR cỡ lớn – thì tốt cho bạn, nhưn nếu là một chiếc máy du lịch hay là một điện thoại thông mình chỉ có độ phân giải 5 megapixel – cũng đủ để có ảnh tuyệt vời. Điều quan trọng là bạn làm chủ cái máy ảnh / điện thoại của mình, thao tác lanh lẹ, tuỳ chọn (nếu có) phù hợp nhất có thể trong từng tình huống.

cameratinhte-1.jpg
Ảnh Viviant Maier

3. Thiết lập thông số cho máy ảnh thế nào?


Hãy tập trung vào điều quan trọng
Có quá nhiều người cho rằng một bức ảnh tốt thì dù muốn dù không cũng phải liên quan đến những thiết đặt máy ảnh thủ công (Manual). Thực ra điều đó không đúng. Máy ảnh hiện nay đủ khả năng để tự làm hết mọi thứ. Vậy sao ta không tập trung vào việc lên bố cục và để cho máy ảnh lo việc mà nó có thể làm được ở các chế độ tự động. Bạn sẽ chẳng mất mát gì khi cài đặt máy ảnh của mình ở chế độ A/Av (nếu cần ưu tiên khẩu độ), S/Tv (khi cần ưu tiên tốc độ màn trập), và thậm chí chế độ P (tự động cặp khẩu độ và tốc độ màn trập).

Quảng cáo


Hãy tin tưởng máy ảnh của bạn
Thoạt đầu có thể bạn gặp khó khăn trong việc làm chủ tất cả những gì cần phải làm trong lúc chụp ảnh. Thế thì tại sao không tin tưởng vào chiếc máy ảnh của bạn và đừng nghĩ gì đến những thiết đặt thủ công. Còn có nhiều thứ bạn cần phải suy nghĩ cân nhắc trước khi bấm nút chụp. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ học được cách chụp.

cameratinhte.jpg
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thuỵ Sĩ Thomas Leuthard - đang làm việc và giảng dạy tại udemy.com

Chế độ P
Nếu mới bắt đâif mà chụp bằng chế độ thủ công (M), thì bạn đừng nghĩ mình sẽ nhanh thành thạo. Để bắt đầu, bạn chỉ nên dùng chế độ P và rồi ngày càng nên tinh tế hơn. Bạn cứ thử đi. Nó hoạt động rất tuyệt và tôi chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều. Đừng cho rằng mình là một người chụp ảnh kém khi sử dụng chế độ P. Những cách thiết đặt không phải là thứ làm cho bạn trở thành người chụp ảnh giỏi đâu. Hiểu rõ từng cách để dùng đúng lúc đúng cách mới là vấn đề.

Sử dụng chế độ A
Sau một thời gian, bạn sẽ một cách nào đó làm chủ được máy ảnh của mình và có thể chuyển sang chế độ A. Tôi thường hay sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ và nó rất hữu ích để điều chỉnh độ sâu trường ảnh của bức ảnh. Với những bức chân dung ngẫu nhiên, tôi luôn dùng chế độ A với khẩu độ là f/4 trong lúc máy ảnh tự thiết đặt tốc độ màn trập. Mở khẩu lớn hơn f/4, trong nhiều tình huống khoảng ảnh rõ (Dof) mỏng, nguy cơ độ nét không cao, theo tôi cứ từ f/4 là an toàn với loại ảnh này, trừ khi chắc chắn mở khẩu lớn hơn vẫn đảm bảo độ sắc nét cần thiết.

Chế độ S
Chế độ ưu tiên màn trập, tôi chỉ sử dụng khi muốn tạo những bức ảnh có chuyển động mờ nhòe. Khi một ai đó đang bước đi đằng trước một hậu cảnh thú vị, tôi có thể làm nhòe chuyển động của họ. Tôi dùng tốc độ màn trập khoảng 1/20 giây chẳng hạn dành cho một chủ thể đang di chuyển. Với mục đích này, đôi khi bạn cần phải sử dụng c hoặc phải chân máy hoặc đặt máy trên vị trí chắc chắn là máy ảnh không bị rung lắc.

cameratinhte-9.jpg
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thuỵ Sĩ Thomas Leuthard

Phơi sáng đúng
Với ảnh đường phố, tôi cho rằng việc có được mức độ phơi sáng đúng trên các bức ảnh còn quan trọng hơn là chế độ được sử dụng. Tôi thường dùng cách đo đa điểm với một điều chỉnh phơi sáng là -0.7EV trên chiếc Nikon của mình gắn ống kính 50mm. Đây là điều mà bạn phải thử nghiệm và tập làm quen với máy ảnh của mình để gia giảm EV cho phù hợp. Tôi không nghĩ là bạn có đủ thời gian để thay đổi các thiết đặt trong một chuyến đi chụp. Bạn phải biết rõ cái gì hiệu quả nhất trong phần lớn các tình huống.

Nói về ISO
ISO là vô chừng tuỳ theo cảnh huống ánh sáng. Thường thì luôn ưu tiên ISO thấp nhất có thể để ảnh được mềm mịn màng. Nhưng, ở bối cảnh bắt buộc, phải biết mình có thể nâng trị số ISO lên cao đến đâu, mà không bị nhiễu hạt quá nhiều. Điều này với mỗi máy ảnh mỗi khác và tôi luôn cố tránh không dùng các trị ISO cao. Nếu có một chiếc máy khử nhiễu tốt thì bạn đừng ngại để chế độ ISO Auto và giới hạn ở mức 3200 hay 6400...

cameratinhte-2.jpg
Ảnh Viviant Maier

4. Một vài mẹo chụp ảnh đường phố


Cách 1 : chụp mà không bị để ý
Bạn có thể chụp ảnh đường phố mà người khác không hề để ý đến bạn. Đây có thể là cách tốt nhất để không gây ra phản ứng nơi họ. Người ta sẽ sinh hoạt bình thường một khi không nhìn thấy bạn với chiếc máy ảnh trên tay. Tôi thường thích người ta nhìn vào máy ảnh của tôi, vì như thế mới tạo ra được một nối kết nhất định; đó là một cách giao tiếp giữa người khác với tôi là người chụp ảnh trên đường phố. Có lúc cái nhìn đó không cần thiết, nhưng có những lúc thì lại là rất tốt.

Cách 2 : chụp bất ngờ
Một khả năng khác để chụp ảnh người ta trên đường phố, có thể là sự bất ngờ. Bạn chỉ việc đưa máy ảnh ngắm ai đó và nhấn nút chụp. Người ấy nhìn thấy bạn và nhận ra bạn chụp ảnh họ. Phản ứng từ kiểu chụp ảnh này có thể khác nhau, không tự nhiên, thậm chí còn bị “sốc” nữa là đằng khác. Nhiều người không muốn mình bị chụp ảnh và bạn có thể thấy được điều đó qua phản ứng của họ. Tôi thích kiểu chụp này trên đường phố, vì cách nào đó nó cũng cho thấy được thực tế. Tôi thấy có người tỏ ra bỡ ngỡ, giận dữ, bị “sốc” hoặc tùy bạn gọi nó như thế nào. Nhưng là thử thách thực sự, khi bạn muốn chụp những bức chân dung tự nhiên.

Cách 3 : xin phép để chụp
Và cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng, đó là bạn luôn có thể xin phép ai đó để chụp ảnh họ. Tôi chẳng bao giờ làm vậy hoặc họa hoằn lắm mới làm. Điều khó nhất là bạn làm sao nắm bắt được vẻ tự nhiên khi mà thường là người ta hay có khuynh hướng tạo dáng vì đã được báo trước. Vì là người xa lạ, nên bạn không biết được họ như thế nào trong trạng thái tự nhiên. Nếu không quen chụp ảnh đường phố và lo ngại những phản ứng của người ta, thì đây là có thể là cách tốt nhất để bắt đầu. Nó cũng giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp qua việc nói chuyện với người khác về một điều gì đó. Thậm chí bạn còn có thể nắm bắt được nhiều thông tin về một ai đó mà bạn không hy vọng có được, nhưng có thể là rất thú vị.

cameratinhte-5.jpg
Ảnh tuanlionsg - Ăn sáng vỉa hè Hà Nội

5. Luyện tập chụp ảnh đường phố


"Chiếc máy ảnh không tạo được một chút khác biệt nào.
Tất cả những gì chúng làm là ghi nhận những gì bạn đang nhìn thấy.
Nhưng bạn phải NHÌN THẤY"

Ernst Haas (1921 - 1986 Nhiếp ảnh gia Áo)

Tất cả là do con mắt của bạn
Trong nhiếp ảnh đường phố, chỉ có một điều duy nhất đáng tin cậy thực sự: Đó là con mắt, con mắt của bạn. Bạn phải nhìn thấy các sự vật mới có thể chụp được chúng. Bất luận máy ảnh của bạn đang dùng có là máy gì, hãng nào hoặc như thế nào chăng nữa, thì trước hết bạn phải nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra, trước tiên bạn phải nhận thức được điều gì xảy ra và liền ngay sau đó gần như bạn phải lên bố cục cho bức ảnh.

cameratinhte-4.jpg
Ảnh Viviant Maier
Hãy quên máy ảnh đi!
Nhiều người quá bận tâm đến máy ảnh, ống kính, các trang thiết bị, định dạng tập tin ảnh và các chi tiết kỹ thuật khác. Hãy quên đi tất cả những gì về kỹ thuật và các thiết đặt máy ảnh. Để máy ảnh của bạn ở chế độ P và đừng suy nghĩ thêm gì về nó nữa. Bạn phải rèn luyện con mắt của mình trước đã, sau đó mới có thể nghĩ đến chuyện chụp một quang cảnh.

cameratinhte-6.jpg
Ảnh tuanlionsg
Tập khả năng quan sát bén nhạy
Tập luyện đầu tiên là hãy tìm kiếm một tông màu. Chẳng hạn bạn có thể thử chỉ tìm những thứ có màu Vàng Cam và chụp suốt ngày với chỉ một màu ấy. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có rất nhiều thứ màu Vàng Cam bạn có thể nhìn thấy trong thành phố của bạn, mà trước đó bạn không để ý. Việc này có nghĩa là bạn phải tập trung nhìn vào một thứ duy nhất để thực sự nắm bắt đươc nó cách tốt nhất. Thậm chí bạn không cần phải chụp ảnh; bạn có thể bước đi, thả bộ thong thả và đảo mắt nhìn chung quanh, cố làm sao nhìn thấy cho được nhiều thứ có màu Vàng Cam trên đường đi.

cameratinhte-7.jpg
Ảnh tuanlionsg
Hãy bắt đầu mà không có máy ảnh
Nếu muốn bắt đầu chụp ảnh đường phố, bạn hãy bắt đầu bằng cách sử dụng đôi mắt của mình thay vì máy ảnh. Hãy ra khỏi nhà với một khung hình trong đầu và bắt đầu lên khung tưởng tượng các thứ thay vì chụp bằng máy ảnh. Sau này phải dành nhiều thời gian để chụp ảnh, nhưng bạn phải học cách nhìn trước đã. Nhìn thấy được những gì thú vị trên đường phố mới là việc khó khăn nhất.

Thêm thời gian chụp - bớt thời gian online
Khi đề nghị Blake Andrews đưa ra lời khuyên nào đó những người thích chụp ảnh đường phố. Ông trả lời là hầu hết những người chụp ảnh đường phố đều gặt hái được nhiều lợi ích hơn nếu dành nhiều thời gian để chụp ảnh và bớt thời gian ‘online’ lại. Sau khi học hỏi và tìm hiểu về nhiếp ảnh, hãy dành thêm thời gian cho việc chụp, chụp thật nhiều.

cameratinhte-8.jpg

Ảnh tuanlionsg
Luôn cầm máy ảnh trên tay
Luôn cầm máy ảnh trên tay, trừ khi đi ngủ”. Sẵn sàng máy ảnh thì sẽ có nhiều cơ hội để chụp ảnh hơn. Cất kỹ trong tủ hay túi xách sẽ khó thấy các bức ảnh xuất hiện hơn. Tò mò và cởi mở với mọi thứ đang diễn ra, luôn có những bức ảnh tuyệt vời để chụp.

Tập luyện mỗi ngày
Bạn có thể thực hành tập luyện này mỗi ngày theo cách riêng của bạn. Hãy nhìn chung quanh và bắt đầu lên khung cho các tình huống, suy nghĩ về các chủ đề, tìm kiếm các cơ hội. Có rất nhiều tình huống trong từng ngày sống mà qua đó bạn có thể chụp được nhiều bức ảnh.

cameratinhte-12.jpg
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Thuỵ Sĩ Thomas Leuthard - đang làm việc và giảng dạy tại udemy.com
6. Lời kết

Một chiếc máy đủ dùng, có khả năng bắt dính khoảnh khắc khi cần thiết, và quan trọng là có ánh sáng tốt, câu chuyện thú vị và bố cục xuyên suốt, nội dung truyền tải rõ ràng, ý tưởng mới mẻ... thì có nhiều khả năng bạn thấy sung sướng về những gì bạn đã làm. Lang thang tìm kiếm chủ đề và hãy tập trung chụp. Đừng nản lòng khi gặp khó khăn trong việc tìm cách tiếp cận chụp hình người xa lạ mà bạn gặp. Hãy cố gắng tìm cho được một bối cảnh đẹp cho các bức ảnh của bạn, tìm cho ra ánh sáng hấp dẫn để làm nổi bật đối tượng chụp của bạn, có thể tách họ ra khỏi phần còn lại của thế giới chung quanh.

Hãy nhanh chóng nâng máy ảnh của bạn lên và không một chút nghi ngờ cũng như không bỏ lỡ giây phút chủ chốt, “khoảnh khắc quyết định”, như Henri Cartier-Bresson khao khát.
30 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ctt
ĐẠI BÀNG
7 năm
Điều đầu tiên là chú ý xem có thằng nào căn me cướp cái máy của mình không đã.
Em chụp bằng đt mấy lần bị người ta đe dọa. Hôm bữa chụp bác bảo vệ gặp trên phà, bác quay ra phán cho một câu: "mày chụp cl gì? Chụp chụp cc, mày có tin tao vất cả mày với cái đt xuống sông không thăng kia!". Mọi người ai cũng quay lại nhìn làm em ngượng chín cả mặt
@ảm đạm điêu linh thông thường đừng chụp trước mặt của họ, nếu muốn thì xin phép kk
không thì tìm khung hình khác để chụp thôi
Chụp streetlife vừa dễ vừa khó, trước E cũng từng tham gia buổi offline chụp choẹt do Camera tinh tế tổ chức ở CV Thống Nhất! Lúc đó hình như do bác @starnt chủ trì, có sự tham cả chú admin @dihuta nhưng ko có sự góp mặt của bác Sư Tử, hình như năm 2013 thì phải! Diễn đàn gì mà admin rủ mem dậy từ 4:30AM sáng, dậy sớm lúc mọi người đang tập thể dục, cơ mà cảm nhận không khí trong lành buổi sáng của HN cũng thú vị, chỉ tiếc là chưa có kinh nghiệm chụp chủ đề này! Mong forum tổ chức nhiều hơn nữa các buổi offline ở HN để đầu cầu bên này cũng được dịp cọ sát và nâng cao tay nghề :p
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using Blackberry PASSPORT.se 

[​IMG]

[​IMG]

[​IMG]

[​IMG]
longt61
TÍCH CỰC
6 năm
@crazysexycool1981 đúng là lâu rồi không thấy Dr Thanh lên trang nhất nữa nhỉ?
hic thể loại này em ko chụp dc
Bài hay like bác 😃
vietsnam
TÍCH CỰC
7 năm
Cái khó nhất trong thể loại này là chụp sao cho người ta đừng biết, chộp thật nhiều thì sẽ có tấm ảnh hay hay. 😃
Ongchupvc
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đọc xong bài viết lại có cảm hứng xách máy ra ngoài. Tks.
anh mùi
ĐẠI BÀNG
7 năm
bài này viết hay nè..hiii đừng để bị vất tất cả xuống sông là được..
em cũng chỉ chụp mỗi thể loại này 😁:p. tại thích mấy cái tự nhiên hơn. hồi mới mua máy ảnh toàn chụp gái xong thấy nhàm quá:D:D
Kataklysm
ĐẠI BÀNG
7 năm
R0000716.jpg
Cũng mới tập tọe
Ricoh GR 2
chụp ngay khi có cảm xúc
1502718960815.jpeg
Có ống tele thì đỡ bị chửi hơn. Nhưng nói chung chụp nhiều, bị chửi nhiều sẽ hết sợ!
Cái chính nữa là cho người xem hiểu được bức ảnh cùng cảm xúc của họ nữa.
minh-bach-tr-ng-291059.jpg
Trình độ tập sự 😃 IMG_1324.jpg
Chụp lén IMG_1394.jpg
nsditn2
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đú tí nha:
1/ già ham học
2/ hội cựu chiến binh
S7 edge
20170814_235101.jpg
IMG_20160805_182053.jpg
datphuquoc
ĐẠI BÀNG
7 năm
Sao ảnh đường phố thấy đen trắng là nhiều...
htk90_hp
ĐẠI BÀNG
7 năm
em rất thích ảnh của vivian maier, nhiều nội dung và cảm xúc. Ảnh của Thomas Leuthard rất ấn tượng, kĩ thuật cao nhưng nhiều bức ảnh e không hiểu nó có ý nghĩa gì

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019