"Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì, tôi biết mình là ai" -10 thực hành chụp ảnh với Josef Koudelka

tuanlionsg
8/3/2020 12:7Phản hồi: 24
"Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì, tôi biết mình là ai" -10 thực hành chụp ảnh với Josef Koudelka
Đây là một nhiếp ảnh gia rất cá tính trong nghề và trong ảnh, sống đơn giản và ít nói về bản thân dù đã rất nổi tiếng. Nhắc đến ông này, mình nhớ đến bức ảnh một quảng trường Wencelas rộng lớn và trống rỗng, tiền cảnh là cánh tay trái của ông đưa ra với chiếc đồng hồ ở cổ tay. Josef Koudelka là nhiếp ảnh gia Tiệp vĩ đại làm việc tại hãng ảnh Magnum, ông là một bậc thầy về nhiếp ảnh. Không chỉ do tác phẩm của ông mang một cảm quan mạnh mẽ về bố cục, hình thái, và tư duy hình học, ý tứ nhưng trong đó còn chất chứa đầy tràn cảm xúc. Những bức ảnh của ông chân thực, táo bạo, và cho thấy niềm hy vọng lẫn sự lãng mạn trong cuộc sống.

Mấy hôm nay, người ta nhắc đến ông này nhiều, và bảo tàng Ernst Leitz ở Wetzlar đang giới thiệu lại các tác phẩm để đời của ông. Mình xin chia sẻ lại một số thông tin & những gì có thể học được từ nhiếp ảnh gia này trong việc thực hành chụp hình của chúng ta.

Cover_.jpg
CZECHOSLOVAKIA.-1968.-Prague.-Invasion-of-Warsaw-Pact-troops-in-front-of-the-Radio-Headquarters.


Koudelka nổi tiếng nhất nhờ bốn công trình : Gypsies, Cuộc xâm lược Prague, Lưu đày, và Hỗn Loạn. (Gypsies, The Prague Invasion, Exiles, and Chaos). Koudelka đã chụp ảnh từ lúc mới bước vào tuổi hai mươi, và bây giờ ông đã 75 tuổi. Nếu chia đều số năm ấy cho bốn dự án ảnh của ông, thì bình quân, mỗi công trình đã lấy mất của ông khoảng 15 năm.


Josef Koudelka sanh ở Boskovice, CSSR (1938), học và làm kỹ sư máy bay ở Prague và Bratislava. Nghiệp chụp ảnh bắt đầu là chụp cho tạp chí nhà hát, sau là ảnh phóng sự. Ông chụp ảnh quân đội Warsaw Pact xâm chiếm Prague, sau đó tị nạn ở Anh và làm việc cho Magnun Photo Agency từ 1974, có quốc tịch Pháp 1980, nhận rất nhiều giải danh giá về nhiếp ảnh.

Ông đi rất nhiều. Chụp rất nhiều. Cuộc sống trong một thời gian dài của ông là đi, đi khắp Châu Âu. Ông thích chọn trạng thái không quốc tịch, không có nơi ở cố định, tách khỏi chốn huyên náo, tự do làm việc độc lập. Những khung ảnh được tạo ra trong thời gian đó phản ánh sự giằng co đến nghịch lý của chính ông. Exiles và Panoramas trong đó Exiles (Lưu Đày) được giới nhiếp ảnh yêu thích nhất đã thể hiện sự tài hoa đặc biệt của Josef Koudelka. Ông nổi tiếng vì không nói nhiều về công việc và thành công cá nhân, chỉ một vài lần chia sẻ trong các phỏng vấn về quá trình làm việc và cách ông chụp ảnh cho những người thích chụp.


Dưới đây là những trích dẫn chọn lọc từ các dịp ấy :

  • “Tôi không đánh giá người chụp ảnh dựa trên những gì họ nói. Tôi đánh giá dựa trên những bức ảnh họ chụp.”
  • “Tôi chẳng bao giờ biết được tại sao mình lại chụp ảnh những người du cư, nhưng tôi nghĩ rằng mình chụp họ là vì âm nhạc.”
  • “Tôi đã thấy nhiều điều tuyệt diệu hơn những điều khủng khiếp.”
  • “Tôi làm chính xác những gì tôi muốn làm, và chụp những gì tôi muốn chụp. Tôi không có gì phải hối tiếc.”
  • “Nếu nhìn vào những bức ảnh do mình chụp thì, với tôi, có vẻ như tôi đã phản ứng một cách đúng đắn. Và tôi chỉ cần có vậy.”
  • “Tôi không muốn lặp lại chính mình.”
  • “Có bao giờ tôi thực hiện một cuộc hội thảo đâu. Tôi vẫn sống đấy thôi.”
  • “Điều quan trọng hơn cả là hãy luôn vui thích chụp ảnh.”

tumblr_nrxso9GPNd1rp66ruo1_1280.jpg
Josef Koudelka :: Spain, 1972


ĐÂY LÀ 10 BÀI HỌC THỰC HÀNH CHỤP ẢNH JOSKOUDELKA

Screen-Shot-2020-03-08-at-7.23.50-PM.jpg

Quảng cáo



1. Trải nghiệm những thể loại / chủ đề ảnh khác sở thích

Ông bắt đầu sự nghiệp là chụp diễn viên sân khấu. Otomar Krejca (giám đốc nhà hát Tiệp Khắc nổi tiếng), ông là một bậc thầy về nắm bắt hoạt động của các diễn viễn mà không gây trở ngại cho họ. Chẳng những thế, ông còn rất tập trung khi chụp ảnh. Nhưng về sau ông chụp đường phố, phóng sự ảnh và thành danh.
  • Bạn đang chụp phong cảnh ư ? Nếu thế thì rõ ràng hậu cảnh nền rất quan trọng với bạn. Hãy áp dụng nó vào việc chụp ảnh đường phố.
  • Nếu là người chụp cận cảnh, thì có thể bạn quan tâm đến việc nắm bắt các chi tiết. Hãy thử làm như vậy đi, nhưng là hướng ống kính của bạn sang chụp người.
3889157_PAR65562.jpg
Portugal, 1976 © Josef Koudelka – Magnum Photos


2. Hãy để những bức ảnh kể chuyện của chúng
Trong một cuộc phỏng vấn, Koudelka nói như sau về cách mà ông không thích nói về các bức ảnh của mình, ông thích chụp ảnh hơn là nói: "Tôi đã cố gắng để trở nên một nhiếp ảnh gia. Tôi không biết nói thế nào. Tôi không thích nói. Nếu có gì để tôi nói, thì có lẽ có thể tìm thấy trong các bức ảnh tôi chụp đấy. Tôi không quan tâm đến việc giải thích mọi chuyện bằng cách nói “tại sao” và “thế nào”. Koudelka cũng ghét việc đưa chú thích và mô tả vào các bức ảnh của ông (ngoài việc đưa thêm địa điểm hoặc ngày tháng đơn giản).
  • Thường là những người chụp ảnh tốn quá nhiều “giải thích” cho các bức ảnh của họ, bởi vì ảnh chụp không gây nhiều chú ý nếu không có một giải thích.
  • Cố gắng làm cho ảnh của chúng ta thêm thú vị, để chúng gây thắc mắc thì thường là hay hơn. Nó làm cho ảnh của chúng ta được hiểu cách nào tùy thích, và khiến cho người xem phải tham gia vào các bức ảnh rồi tạo ra những chuyện vui về những gì họ nghĩ đang xảy ra trong khung hình.
3063951_camera.tinhte.vn_-2.jpg
CZECHOSLOVAKIA. Prague. August 1968 © Josef Koudelka / Magnum Photos

Quảng cáo



3. Sử dụng tiêu cự ống kính khác nhau cho dự án ảnh khác nhau

Khi được tạp chí Vogue phỏng vấn, Koudelka mở rộng tầm quan trọng của việc sử dụng ống kính góc rộng cho kế hoạch “Gypsy” của mình, và cách mà việc đó ảnh hưởng tới quan điểm của ông :

Dự án ảnh“Gypsies” là một sản phẩm của ống kính góc rộng. Tôi may mắn mua được chúng, từ một bà góa đang bán hết mọi thứ. Việc đó đã thay đổi quan điểm của tôi.

Ông đưa ra một thí dụ về một bức ảnh trong cuốn sách, mà sẽ không thể thành công nếu không có ống kính góc rộng (hình bé gái giữa đám người):
3063956_camera.tinhte.vn_-6.jpg
Czechoslovakia, 1967 © Josef Koudelka / Magnum Photos


"Thật hoàn hảo đối với bức ảnh này, chẳng hạn. Đó là một khoảng không gian hẹp. Không lớn hơn chỗ này lắm (đưa tay chi vào chỗ hẹp). Tôi đang ngồi ở đó, với những người kia ngồi chung quanh - khi chụp, tôi chỉ chĩa ống kính vào một người. Vậy mà ở đây, tất cả đều có mặt trong bức ảnh”.

hãy nhìn những bức ảnh này xem, bạn chỉ có thể chụp được chúng bằng ống kính góc rộng mà thôi”
3063955_camera.tinhte.vn_-7.jpg
CZECHOSLOVAKIA. Slovakia. Velka Lomnica. 1963. Gypsies. © Josef Koudelka / Magnum Photos


4. Hãy nghiền ngẫm lại ảnh đã chụp
Koudelka, giống như nhiều người chúng ta, không chắc chắn đâu là những bức ảnh “đẹp nhất” của mình. Do đó, một việc mà ông cũng làm là in ra những bức ảnh “khả dĩ” của mình, đồng thời xác định rõ ràng hơn những bức ảnh đạt đến mức độ nào. Đúng là một trong những cách làm việc của ông chính là in các bức ảnh thành những bản in nhỏ, treo lên vách, nhìn và so sánh rất lâu trước khi quyết định giữ lại, vứt bỏ, hoặc bố trí chúng trong một cuốn sách.

Tôi quyết định bày hết ra những bức ảnh của mình, các bản in không nhiều nhặn gì. Tôi thường làm việc với các bản in nhỏ. Tôi hay nhìn vào chúng, và nhìn rất lâu. Tôi treo chúng lên vách và so sánh, xác định chọn lựa của mình.”
3063971_camera.tinhte.vn_-14.jpg
CZECHOSLOVAKIA. 1963. Slovakia. Jarabina. Reconstruction of a homicide. © Josef Koudelka / Magnum Photos



5. Giữ nguyên vẹn năng lượng sáng tạo

Koudelka thực sự tuyệt vời khi ông bất chấp tuổi tác, vẫn tiếp tục chụp ảnh và tự thử thách chính mình. Ông giải thích niềm đam mê cháy bỏng tiếp tục chụp ảnh của ông :

Nhiều nhiếp ảnh gia như Robert Frank và Cartier Bresson đã thôi không chụp ảnh sau 70 tuổi, bởi vì họ cảm thấy chẳng còn gì để nói nữa. Riêng tôi, tôi vẫn tỉnh táo và muốn đi để chụp được nhiều hình hơn bao giờ hết. Nhưng tôi có thể thấy rằng một số thể loại nhiếp ảnh đã đến hồi kết thúc vì không còn chủ đề. Từ 1961 đến 1966 tôi đã chụp ảnh những người Gypsies vì yêu âm nhạc và văn hóa. Họ giống tôi trong nhiều phương diện. Giờ thì càng lúc càng có ít những người như thế nên tôi thực sự không thể nói thêm được điều gì khác về họ.

Việc mà tôi có thể làm là cập nhật các kế hoạch như “Tam Giác Đen” (The Black Triangle), vì đó gần như là một phong cảnh đặc biệt không còn tồn tại. Tôi có thể làm cho thấy trước đây nó như thế nào và bây giờ nó ra sao, từ đó người ta nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Việc này khiến tôi luôn phấn khích
.”

Không chỉ có vậy, mà còn cả việc Koudelka ghét kể về chính mình và yêu thích những thử thách đốt nóng niềm đam mê của ông đối với nhiếp ảnh:

Tôi không thích nói về mình. Tôi không muốn đi đến điểm mà từ đó mình không biết làm thế nào để đi xa hơn nữa. Thật là tốt khi đặt ra giới hạn cho bản thân, nhưng cũng có lúc phải phá hủy những gì mình đã xây dựng được.”

Thường có nhiều lúc chúng ta chán nản khi kết thúc bằng việc nói về mình nhiều quá. Cho dù đó là sự tiếp cận, là chủ đề, hay là kế hoạch. Khoảnh khắc bạn thấy mình nói về mình hoặc chán nản về việc chụp ảnh của mình, hãy đấu tranh chống lại nó. Hãy thử làm điều gì đó khác.
3063958_camera.tinhte.vn_-8.jpg
CZECHOSLOVAKIA. 1967. Slovakia. Zehra. Gipsies. © Josef Koudelka / Magnum Photos


6. Hãy chụp cho chính mình
Mặc dầu là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, Koudelko vẫn có những chỉ trích dành cho mình. Ông nghĩ gì về những chỉ trích đó ? Ông có quan tâm đến việc người ta nghĩ gì không ?

Dĩ nhiên là không…Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì, tôi đủ biết mình là ai. Tôi không chấp nhận trở thành nô lệ cho các ý tưởng của họ. Khi bạn ở vào một chỗ vào cùng một thời điểm, người ta đặt bạn vào một chiếc hộp và mong bạn cứ ở lại trong đó.”

Koudelka khai triển ý tưởng về tầm quan trọng của việc chụp ảnh đối với bản thân, và không biết đến những chuyện như tiền bạc hoặc tiếng tăm :

Những người có một số tài năng rất thường hay đến những nơi làm ra tiền. Họ bắt đầu kinh doanh môt ít tài năng của mình vì một chút tiền, rồi một chút nữa, và rốt cuộc họ chẳng để lại chút gì cho chính mình nữa. Ở Tiệp Khắc, chúng tôi không được tự do cho lắm, và đặc biệt là tự do kiếm tiền. Nhưng điều đó lại dẫn chúng tôi đến chỗ chọn được những nghề nghiệp mà chúng tôi thực sự yêu thích. Tôi đã luôn chụp ảnh với ý tưởng cho rằng chắc là chẳng ai quan tâm đến những bức ảnh của tôi, chẳng ai trả tiền cho tôi, và nếu có làm điều gì, thì tôi chỉ làm vì chính tôi mà thôi.”

Thật quan trọng khi nhận được từ người khác những phản hồi/chỉ trích về tác phẩm của mình. Tôi cho rằng đó là một trong những cách tốt nhất để tìm ra những khiếm khuyết trong công việc của chúng ta, và cách để đưa công việc đến với cấp độ tiếp theo. Tuy nhiên, đừng để mình trở thành “kẻ nô lệ cho ý tưởng của người khác”. Vào cuối ngày, bạn nên chụp ảnh chính mình.
3063959_camera.tinhte.vn_-9.jpg
ROMANIA. 1968. © Josef Koudelka / Magnum Photos


7. Đừng suy nghĩ quá nhiều khi chụp ảnh
Koudelka tiếp cận việc chụp ảnh của ông như thế nào ? Ông tập trung vào thời điểm, và không suy nghĩ gì nhiều :

Khi chụp ảnh, tôi chẳng suy nghĩ nhiều. Nếu nhìn vào những giao tiếp của tôi, bạn sẽ tự hỏi: ‘Anh chàng này đang làm gì vậy ?’ Nhưng tôi vẫn tiếp tục giao tiếp của mình và cùng với những dấu vết mình để lại, tôi luôn nhìn vào chúng. Tôi tin kết quả của công việc ấy vẫn ở lại trong tôi và vào lúc chụp ảnh, nó lại xuất ra trong khi tôi chẳng nghĩ gì đến nó.”

Một phần quan trọng khác cần nắm vững, đó là hãy luôn muốn tìm hiểu về công việc của bạn, và đừng quá triết lý:

“Tôi không định làm một người trí thức hay là một triết gia. Tôi chỉ nhìn.”
“I don’t pretend to be an intellectual or a philosopher. I just look.”
3063960_camera.tinhte.vn_-10.jpg
IRELAND. 1978. © Josef Koudelka / Magnum Photos


8. Dành nhiều thời gian để chụp thật nhiều

Koudelka giải thích việc chụp thật nhiều ảnh:

Nếu không thể chụp được nhiều ảnh, tôi đã không trở thành nhiếp ảnh gia như hiện nay. Tuy nhiên, giá cả phim thường là một vấn đề. Đôi lúc, để tiết kiệm tiền, tôi đã phải làm việc với phần còn lại của phim chiếu bóng, và thậm chí còn mua cả phim ăn cắp. Nhưng khi chỉ còn có ba cuộn phim trong túi xách, tôi lại phát hoảng.”

Ngày nay chúng ta có được lợi ích từ chụp ảnh kỹ thuật số – mà thực ra đó vừa là một may mắn lại vừa là một tai họa. Dĩ nhiên, sự may mắn chính là chúng ta có thể chụp được nhiều, và cải thiện được chỉ trong thời gian rất ngắn. Tôi thấy nhiều nhiếp ảnh gia đường phố dùng điện thoại chụp tốt hơn trong thời gian rất nhanh (do họ luôn mang theo máy ảnh đi khắp nơi nên nhờ đó mà chụp được rất nhiều). Hãy luôn mang theo máy ảnh bên mình khắp nơi và cố dành càng nhiều thời gian càng tốt để chụp ảnh. Và vâng, kể cả điện thoại thông minh cũng được.
3063961_camera.tinhte.vn_-11.jpg
FRANCE. 1973. Nord-Pas-de-Calais. Calais. © Josef Koudelka / Magnum Photos



9. Sống giản dị

Koudelka đã đi du lịch gần hết cuộc đời mình như một người du mục. Khi còn trẻ, ông đã dành hầu hết thời gian của mình để ngủ ở ngoài hoặc thậm chí ngủ trên những sàn nhà gỗ cứng giá lạnh của các văn phòng ở Magnum. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi tại sao ông lại quyết định sống theo cách ấy, ông giải thích rằng tự do chỉ đến khi người ta sống giản dị :

Tôi chẳng bao giờ khao khát có một ngôi nhà hoàn hảo, gắn bó với một thứ gì giống như vậy. Khi mua nhà, yêu cầu chủ yếu của tôi là có thể làm việc được ở đấy. Tôi sống tại Paris – đây chỉ là một phần khác của cuộc sống nay đây mai đó của tôi. Tôi chẳng cần chất đầy nhà nào quần nào áo. Tôi có hai chiếc sơ-mi mặc đã ba năm. Tôi mặc chúng khi ngủ. Tôi nhét hộ chiếu vào túi bên này và một ít tiền vào túi bên kia. Tôi giặt cả hai chiếc cùng lúc và chúng khô rất nhanh, thật hết sức đơn giản. *Tôi chỉ mang theo những thứ cần thiết – mấy chiếc máy ảnh, phim và một vài cặp ống kính.
3063963_camera.tinhte.vn_-12.jpg
Boemia, 1963 © Josef Koudelka / Magnum Photos


10. Thể hiện cá tính trong ảnh

Các bức ảnh của Koudelka có chứng tỏ được cái nhìn của ông về thế giới chăng ? Khi được hỏi về điều này, ông tỏ ra đồng tình :

Mẹ của con trai tôi, một phụ nữ Ý, có lần đã bảo tôi, ‘Josef, anh đi suốt cuộc đời và có được được tất cả năng lực tích cực như thế, và cả nỗi phiền muộn nữa, anh chỉ việc ném nó ra sau và nó rơi vào chiếc túi anh mang trên lưng. Thế rồi, khi anh chụp ảnh, nó lại chui ra.’ Có thể có chút gì sự thật trong đó đấy.'”

Hãy say sưa với tính độc đáo - độc nhất vô nhị - của mình và chứng tỏ nhân cách của mình qua các bức ảnh chụp. Hãy chân thật với chính mình, đừng sao chép quan điểm của người khác, và công trình của bạn sẽ tỏa sáng đến cùng.

3063965_camera.tinhte.vn_-13.jpg
NORTHERN IRELAND. 1978. © Josef Koudelka / Magnum Photos

Koudelka là một con người làm cho nhiếp ảnh trở thành ưu tiên trong cuộc sống của ông. Ông đã hy sinh rất nhiều, vì chưa bao giờ ông có cho mình một đời sống gia đình tốt nhất và chẳng bao giờ bỏ ra nhiều thời gian để chỉ ở một nơi. Ông là một người du mục, luôn bận rộn hoạt động.

Nhưng đồng thời ông cũng là con người đủ quả cảm để làm mọi chuyện theo cách của mình. Ông đánh giá tự do của mình cao hơn mọi thứ còn lại, và thực hiện việc chụp ảnh của mình rất nghiêm túc.

Không chỉ có vậy, ông còn hết sức “tàn nhẫn” khi tự biên tập công trình của mình. Ông biết khi nào thì giết chết những bức ảnh non tay của mình, và bỏ ra nhiều thời gian trước khi quyết định đâu là những bức ảnh của mình đẹp nhất.

3063970_81haAvImQsL.jpg



Xem thêm về Josef Koudelka: Magnunphotos
24 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Huhu ngày xưa mà các cụ chụp hay quá , chẳng biết hiện tại Magnums có nhiều tay máy trẻ không anh nhỉ ?
@QuaChanThat Anh cũng ít thấy tay máy trẻ. Cái bóng của mấy đại thụ lớn quá, đôi khi làm già cỗi và ít đổi mới.
Mấy câu khẩu quyết nội công thượng thừa của lão tiền bối chưa đủ hoả hầu luyện cam đoan là tẩu hoả nhập ma ngay.
anhtuannd
TÍCH CỰC
4 năm
Cảm ơn anh Tuấn vì bài viết hay. Em nghĩ Warsaw Pact nên dịch là khối Warsaw.
Dĩ nhiên không phải...tôi không quan tâm mọi người nghĩ gì, tôi biết rõ mình là ai. https://erickimphotography.com/blog/2013/03/28/10-lessons-josef-koudelka-has-taught-me-about-street-photography/
ảnh có nội hàm khó đoán....
Hay
Tôi còn phải làm việc, không có thời gian và tiền để đi khắp nơi.
Chụp hay vậy
Xưa chụp nghệ thuật phết
ngochavu
ĐẠI BÀNG
4 năm
"Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì, tôi biết mình là ai " nghe hơi xấc nhưng lại thích!
Thsnh989
ĐẠI BÀNG
4 năm
@ngochavu Bên Tây như thế là chuyện thường vì họ sống độc lập nên cái tôi họ lớn . Cậu cứ ra sống tự lập tách rời với bố mẹ và gia đình một thời gian cậu cũng sẽ thấy mình khác nhiều
Yamahazu
TÍCH CỰC
4 năm
Trắng đen huyền bí..., ngoài ra chả thấy nét gì ấn tượng!
nkh24288
ĐẠI BÀNG
4 năm
Cứ đưa máy lên và chụp. Bị người ta chửi nhiều rồi sẽ lên tay thôi
Thông tin hữu ích
Kệ
tranphi1999
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bác cho hỏi để viết 1 bài thế này bác trình bày ra word rồi dán vào hay là viết trực tiếp trên nền app vậy

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019