Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Người mới xây hệ thống nhà thông minh cần những gì?

Liên Du
30/3/2020 3:27Phản hồi: 6
Vì bạn đã tìm tới tài liệu này nên có thể bạn đã tự hỏi “Một ngôi nhà thông minh có khả năng làm được những việc gì?”. Nếu bạn là một chuyên gia có kinh nghiệm thì hãy bỏ qua tài liệu này, ở đây tôi chỉ giải thích về cách xây dựng một ngôi nhà thông minh và tất cả những điều bạn cần xem xét cho những người mới bắt đầu.

Một ngôi nhà thông minh không có nghĩa là bạn sẽ sống trong một con robot tối tân và tận tình (mặc dù nó có thể nếu bạn muốn biến ngôi nhà của mình giống như vậy).

Vậy một ngôi nhà thông minh là gì?


Thông thường Nhà thông minh là sự thay thế các thiết bị điện trong nhà thành loại có chức năng tương tự nhưng có khả năng kết nối (với mạng Wi-Fi hoặc một giao thức kết nối có dây hoặc không dây khác). Ngoài ra nhiều ngôi nhà thông minh cũng được bổ sung thêm các cảm biến và các bộ gateway chuyển đổi tín hiệu điều khiển.

Một ngôi nhà thông minh sẽ cho bạn nhiều lợi ích.


Đầu tiên phải kể đến là sự tiện lợi. Bạn có thể kiểm soát mọi thứ trong nhà theo thời gian thực từ một ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của bạn, hoặc bạn có thể điều khiển bằng giọng nói thông qua các loa thông minh. Rất nhiều những công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh đang cố gắng bán sự tiện lợi, họ đang nhắm đến việc làm cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn và tiết kiệm thời gian hơn.

Lợi ích thứ hai là có thông tin. Nhà thông minh có thể cung cấp cho bạn các dữ liệu bao gồm lịch sử truy cập vào ứng dụng, lịch sử hoạt động của các thiết bị kết nối và năng lượng tiêu thụ.

Thứ ba là tự động hóa. Nếu bạn không muốn lúc nào cũng phải điều khiển thủ công các thiết bị thông minh, bạn có thể thiết lập các “ngữ cảnh” và “quy tắc”. Bạn có thể thiết lập một số hành động nhất định xảy ra sau khi được kích hoạt bởi những thứ như bạn về hoặc ra khỏi nhà hoặc cảm biến được kích hoạt. Ý tưởng là ngôi nhà của bạn làm quen với các thành viên trong gia đình của bạn và tự động hoạt động dựa trên những gì xảy ra mà không cần thao tác thủ công nào của bạn.

Cuối cùng là quản lý robot. Ở đây tôi đang nhắc đến các robot gia đình thông minh đó là robot hút bụi, robot cắt cỏ, robot gấp quần áo, tất cả chúng đều đang tồn tại và kết nối để được quản lý trong một hệ sinh thái thống nhất. Đáng buồn thay, chưa có những loại robot khác để thay bạn làm tất cả các việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp nhà vệ sinh, dọn dẹp ga trải giường,…


Bắt đầu bằng việc lựa chọn hệ sinh thái

Việc quyết định bắt đầu từ đâu khi lắp đặt ngôi nhà thông minh của bạn sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: nhu cầu, ngân sách và sự nhiệt tình của bạn. Đơn giản nhất để thực hiện thì bạn sẽ cần lựa chọn một trong ba hệ sinh thái nhà thông minh lớn:

- Amazon Alexa

Quảng cáo


- Google Assistant

- Apple Homekit

Một số thông tin dưới đây để bạn lựa chọn hệ sinh thái phù hợp với mình.

Những loa thông minh của Amazon được gọi là Echo và trợ lý giọng nói là Alexa, còn những loa thông minh của Google có tên là Home (những dòng mới có tên bắt đầu là Nest) và trợ lý giọng nói được gọi là Assistant. Cả Amazon và Google hiện đang cung cấp trợ lý ảo của họ trên loa của các bên thứ ba từ các thương hiệu như Sony, JBL, Lenovo…, và cả hai đều cung cấp các thiết bị có màn hình - Amazon có những phiên bản Echo Show và Echo Spot trong khi màn hình thông minh của Google có Nest Hub dẫn đầu. Cả Alexa và Google Assistant đều tương thích với một loạt các thiết bị nhà thông minh khác và chúng cũng rất thân thiện với người mới bắt đầu. Tuy vậy, theo cá nhân tôi thì Alexa phù hợp với việc quản lý các thiết bị nhà hơn bởi khả năng kết nối dịch vụ với rất nhiều hãng thứ 3 thông qua kho hơn 10,000 Skills còn Google Assistant thì phù hợp làm trợ lý (nghe có vẻ buồn cười vì tên Assistant nó đã nói lên tất cả) bởi khả năng hiểu biết về mỗi cá nhân hơn, đặc biệt là những ai dùng các dịch vụ của Google. Tôi thường ví von “Alexa là người quản gia cần mẫn của ta còn Google Assistant là cô trợ lý hiểu ta”.

Trong khi đó, Apple HomeKit là sự lựa chọn rõ ràng cho những người yêu thích với Apple. Bạn sẽ có thể kiểm soát mọi thứ từ ứng dụng Home (có sẵn trên các thiết bị iOS), Apple TV và loa thông minh HomePod với trợ lý giọng nói có tên là Siri. Nếu bạn quan tâm về quyền riêng tư cá nhân thì điều này cũng có thể dành cho bạn, Apple HomeKit là hệ sinh thái tốt nhất trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân mà nó thu thập được, mặc dù Alexa và Google Assistant cũng đang bắt đầu đuổi theo. Tất nhiên đổi lại thì hệ sinh thái HomeKit có khả năng tích hợp các thiết bị thông minh với hãng thứ 3 là ít nhất (thống kê đến hết năm 2019 mới chỉ có hơn 500 loại thiết bị của các hãng hỗ trợ Apple HomeKit) và nó cũng kén người dùng hơn bời giá các thiết bị hỗ trợ Apple Homekit thường cao hơn. Để để hiểu tôi ví von “Siri là cô người yêu kiêu sa nhưng biết giữ bí mật cho ta”.


Nói về trợ lý ảo giọng nói nên hẳn là bạn sẽ quan tâm đến ngôn ngữ mà chúng đang hỗ trợ. Tin buồn là Alexa và Siri đều chưa có hứa hẹn gì cho việc hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt ở tương lai gần, Alexa thậm chí còn chưa hỗ trợ vùng địa lý ở Việt Nam. Trong khi đó, Google Assistant đã cho phép người dùng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để nói chuyện với nó thông qua ứng dụng (cả trên Android và iOS), điều đáng buồn là những loa thông minh Google Home lại chưa được chính thức hỗ trợ (sau khi Google “thả thính” cho phép người dùng thử bản Beta tới hơn 6 tháng). Điều này chắc chắn không làm hài lòng với nhiều người bởi vì cách ra lệnh giọng nói nhưng không rảnh tay đó. Có một cách dùng thông minh là với các điện thoại Android đời mới hoặc đồng hồ thông minh Android thì bạn có thể gọi Google Assistant rảnh tay mà không cần mở app lên.

Quảng cáo


Lựa chọn các thiết bị thông minh

Sau khi bạn đã chọn được hệ sinh thái nhà thông minh phù hợp của mình, thì tiếp theo là gì? Một cách dễ dàng để suy tính về việc xây dựng hệ thống của bạn là chọn một danh sách các thiết bị bạn cần sau đó tìm kiếm các sản phẩm hoạt động với hệ sinh thái mà bạn đã chọn.

Các loại thiết bị phổ biến nhất trong nhà thông minh hiện nay là công tắc, bóng đèn, ổ cắm, thiết bị điều khiển hồng ngoại, camera, hệ thống an ninh, hệ thống tưới cây và robot hút bụi. Một lời khuyên là các bạn nên Tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của mình cho ngôi nhà thông minh – trả lời câu hỏi bạn cần thiết bị gì?; Lựa chọn những mẫu mã mà bạn thích – trả lời câu hỏi bạn thích nó như thế nào?; Xem xét chúng tương thích với hệ sinh thái nào dành cho bạn – trả lời câu hỏi nó sẽ hoạt động ra sao?

Mặc dù các hệ sinh thái lớn như Google Assistant, Alexa hay Apple HomeKit có thể gộp tất cả các thiết bị của các hãng khác nhau lại với nhau, nhưng vẫn có các hệ sinh thái khác của thiết bị, đó là hệ sinh thái của mỗi nhà sản xuất. Đây là một lựa chọn tốt cho bất cứ ai có nhiều tiền hơn một chút, sẵn sàng trả tiền cho một hệ thống toàn diện, bóng bẩy và thống nhất về style thiết kế cũng như cách lắp đặt và cài đặt. Và quan trọng hơn cả là bạn chỉ cần tải về một ứng dụng duy nhất để cài đặt cũng như sử dụng nó về sau này.

Nếu không may bạn lựa chọn phải một thiết bị không hoạt động được với những thiết bị khác, hãy tìm đến một trong những dịch vụ cầu nối dựa trên ứng dụng như IFTTT hoặc Yonomi. Đây là những nền tảng miễn phí rất tiện dụng để thiết lập các tự động hóa nhằm lấp vào các khoảng trống trong khi các nhà sản xuất chưa hợp tác với nhau.

Một số thuật ngữ bạn nên biết


Skill - Là kho kỹ năng của các nhà phát triển phần mềm để kết nối các dịch vụ hoặc thiết bị của họ với Alexa, một cách dễ hiều thì nó cũng giống như kho ứng dụng AppStore hoặc Google Play Store.

Actions - Giống như Skill của Alexa nhưng đây là cách gọi dành cho Google Assistant.

AirPlay - AirPlay là giao thức của Apple, một loại ngôn ngữ tiện ích, cho phép bạn truyền âm thanh và video giữa các thiết bị bằng Wi-Fi.

BLE - Là một trong những giao thức khác, Bluetooth LE kết nối các thiết bị gần nhau (ví dụ: trong cùng một phòng), LE là viết tắt của Low Energy (năng lượng thấp) vì nó đòi hỏi rất ít năng lượng.

User Interface – Giao diện người dùng là cách bạn điều khiển và theo dõi các thiết bị nhà thông minh của mình, đây có thể là một công tắc, một màn hình gắn tường hay ứng dụng điện thoại thông minh, loa hỗ trợ giọng nói hoặc điều khiển từ xa.

Geofence - Một hàng rào ảo được sử dụng để cho các thiết bị của bạn biết bạn đang ở gần nhà. Nó sử dụng các công nghệ GPS hoặc RFID để gửi cảnh báo khi một thiết bị, ví dụ như điện thoại thông minh của bạn, vượt qua một ranh giới địa lý.

Hub - Chưa có một định nghĩa rõ ràng cho thiết bị này nhưng bạn có thẻ coi nó là một trung tâm nhà thông minh, nó kết hợp nhiều thiết bị với nhau và cho phép bạn kiểm soát mọi thứ thông qua một ứng dụng, trợ lý giọng nói.

Âm thanh đa vùng - Một hệ thống nhiều loa có thể phát cùng lúc một bản nhạc từ điện thoại của bạn hoặc một nguồn cấp âm thanh khác, và có thể phát cùng lúc nhiều bản nhạc khác nhau từ nhiều nguồn cấp âm thanh.

Nhóm - Khi bạn gom các thiết bị giống nhau với nhau để điều khiển chúng như một thể thống nhất đồng bộ trạng thái. Ví dụ các công tắc đảo chiều ở cầu thang hoặc hành lang, các loa phát nhạc trong 1 khu vực...

Ngữ cảnh - Khi bạn gom các thiết bị giống nhau hoặc khác nhau để điều khiển chúng đồng thời hoặc theo thứ thự định trước bằng một thao tác người dùng.

Rule - Là một hành động hoặc một chuỗi các hành động được thực hiện khi có một hoặc nhiều điều kiện đáp ứng đúng các yêu cầu thiết lập trước.

Trợ lý giọng nói - Tên gọi dành cho Alexa, Google Assistant hoặc Siri, về cơ bản là các giao diện người dùng mà bạn nói chuyện.

Zigbee và Z-Wave - Là hai giao thức nhà thông minh phổ biến. Đây là một cơ chế để các thiết bị giao tiếp với nhau, như chúng ta nói cùng một ngôn ngữ. Zigbee và Z-Wave đều có năng lượng sử dụng thấp và cho khả năng mở rộng mạng lưới với khả năng mesh. Cũng có những giao thức khác dùng cho nhà thông minh như BLE, Insteon, X10 và LightwaveRF. Khi sử dụng thiết bị với những giao thức chuyên biệt này thì bạn phải dùng một Hub (đã nói ở trên) để kết nối hệ thống của bạn với Internet.


Vấn đề an ninh trong nhà thông minh


Ở đây tôi không nói về các thiết bị cảm biến để cảnh báo đột nhập vào nhà bạn mà tôi đang đề cập đến việc các tin tặc xâm nhập thông qua các thiết bị thông minh của bạn, sử dụng chúng để theo dõi nhà của bạn và có thể đánh cắp dữ liệu, làm phiền bạn, làm tê liệt hệ thống cảnh báo hoặc mở nhà bạn từ xa.

Nghe có vẻ xa vời, nhưng đó cũng là một mỗi nguy hiện hữu.

Tôi đã nghe nói đến một số vụ hack nhà thông minh gần đây. Phần lớn các vụ này đều liên quan đến việc bảo mật của mạng Wi-Fi của người dùng, vì vậy đây là điều bạn cần xem xét đến. Bạn cần đảm bảo tách biệt riêng mạng của thiết bị với mạng dành cho khách, bảo mật mật khẩu Wi-Fi bằng các công nghệ mã hóa sẵn có và xem xét phần mềm VPN (mạng riêng ảo).
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

newelite
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài này nguồn từ đâu vậy bác
@newelite CEO nhà em viết bác ạ! ko phải copy linh tinh đâu ạ!
erickviet
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài này rất hay của Anh Trung Hiếu ?
@erickviet Thì em đã bảo là CEO nhà em mà 😆
toanqni
ĐẠI BÀNG
4 năm
Đang tính tự mình mua thiết bị và tự làm mà chưa có chút kiến thức, các b chỉ giùm các bước như: dây điện giờ mới chạy thì chọn dây bình thường hay loại dây có thêm dây mát? Mua thiết bị thì nên mua đồng hãng hay ntn nhỉ?
vuminh90
ĐẠI BÀNG
4 năm
@toanqni 1. Dây mát thông số kỹ thuật nó cũng như dây nóng thôi bạn, chủ yếu là bảo thợ điện họ kéo đủ cho các công tắc
2. Nên mua thiết bị cùng 1 hãng để các thiết bị liên kết được với nhau, thích hợp tạo automation hay kịch bản. Trừ khi bạn dùng hass thì có thể liên kết nhiều hãng với nhau

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019