Lịch sử và quá trình phát triển của nhạc jazz ở xứ sở mặt trời mọc

AudioPsycho
24/4/2020 15:35Phản hồi: 19
Lịch sử và quá trình phát triển của nhạc jazz ở xứ sở mặt trời mọc
Thị trường âm nhạc Nhật Bản, vốn chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, đã thu về cho đất nước này hơn 2 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. Những người ghiền nhạc và dân sưu tập nhạc cũng nhất trí chọn Nhật Bản làm điểm đến khi muốn sở hữu những bản thu “hiếm có khó tìm”, thường là những ấn phẩm đã được phát hành từ rất lâu hay với số lượng giới hạn. Các bản thu của nghệ sỹ Mỹ được phát hành tại Nhật Bản rất được săn đón có thể nhắc đến như Nigerian Marketplace (Jive, 1982) của Oscar Peterson, bản thu mono Erroll Garner Plays (Ember/Tokuma, 1976) hay The Complete Keynote Collection (Nippon Phonogram, 1986). Đây là bộ boxset khổng lồ với 21 đĩa LP, có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng như Coleman Hawkins, Teddy Wilson, Lennie Tristano, Lester Young, Benny Carter, Milt HintonLionel Hampton (đều là bản thu mono được thu âm trong những năm ‘1940). Cá biệt trong số đó còn có album Sketches of Spain (Classic Records, 1994) của Miles Davis với mức giá khởi điểm từ $250.

tinhte_ryo_fukui_scenery.jpg

Các bản thu jazz ở thị trường Nhật cũng được giới sưu tập săn lùng vì nhiều lý do. Một vài hãng sản xuất đĩa nhạc của Nhật cho rằng vào khoảng những năm ’70 và ’80, các hãng đĩa của Mỹ nhằm giảm chi phí đã sử dụng loại nhựa tái chế và rẻ tiền để làm đĩa, từ đó cho chất âm rất dở khi nghe. Trong khoảng những năm ’50, Toshiba làm nóng thị trường băng đĩa bằng cách cho ra đời những chiếc đĩa bằng vinyl màu đỏ, sau đó có thêm công nghệ phủ chống bụi và chống tích điện, còn gọi là chuẩn đĩa “Everclean” (khoảng những năm 1950 ~ 1970). Đáng tiếc là do giá thành cao nên đĩa “vinyl đỏ” chỉ được gia công với số lượng ít, phần lớn dành cho các bản thu theo yêu cầu và chỉ một phần nhỏ còn lại sử dụng cho các album của nghệ sỹ quốc tế như The Beatles hay Pink Floyd. Người Nhật lúc đó cũng chuộng nghe nhạc jazz của nghệ sỹ trong nước hơn là nhạc quốc tế.

Bước khởi đầu của nhạc jazz tại Nhật

tinhte_louis_borromeo.jpg


Nguồn gốc sự phát triển của nhạc jazz ở Nhật bắt nguồn từ Philippines, thuộc địa của Mỹ và sau đó là của Nhật (từ khoảng 1898 ~ 1946). Nghệ sỹ piano Luis Borromeo của Philippines được đưa đến Mỹ để học ngành âm nhạc và bắt đầu biểu diễn chuyên nghiệp tại đây từ khoảng năm 1915. Luis Borromeo sau đó ký hợp đồng với Orpheum Theater và lưu diễn nhạc hội ở nhiều sân khấu lớn tại New York, Chicago, San Francisco, Seattle và Portland. Năm 1920, Luis Borromeo trở về Philippines để biểu diễn với nghệ danh Borromeo Lou. Kiểu chơi nhạc pha trộn hoàn hảo giữa các yếu tố jazz cùng nét văn hóa kết hợp Á-Âu của Luis Borromeo khiến công chúng cực kỳ ấn tượng, đặt cho ông danh xưng là “King of Jazz” của Philippines. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Philippines, giao thương của đất nước này với Nhật Bản cũng rất phát triển, kèm theo những mặt hàng như sắt thép, đồng và mangan còn là các tiêu điểm văn hóa và cả âm nhạc nữa.

71x2oOPzt2L.jpg

Sự hòa trộn xen kẽ giữa văn hóa châu Phi và Nhật Bản được hình thành ngay cả trước khi quốc gia này chính thức “lập quốc”. Những tộc người Nubian, Berber, Moor, Copt và Zaghawa từ phía Bắc và Trung tâm châu Phi đã mang nét văn hóa riêng của họ - trong đó có âm nhạc - vào khu vực bán đảo châu Á từ thời Trung Cổ. Trong quyển sách The African American Encounter with Japan and China: Black Internationalism in Asia, 1895-1945 (The University of North Carolina Press, 2000) của tác giả Marc Gallicchio, ông này có đề cập đến các mối tương quan trong một số học thuyết của Nhật Bản với nhiều hình thái văn hóa của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Học giả người Nhật Yasuichi Hikida cũng đã du học ở Mỹ trong những năm 1920 ~ 1930 và chịu ảnh hưởng bởi trường phái nhạc Jazz Mỹ gốc Phi, nổi bật với W. E. B. Du Bois (Harlem Renaissance). Chính những ảnh hưởng này đã gián tiếp “hướng” Hikida đến văn hóa nhạc jazz với các tên tuổi lớn như Duke Ellington, Billie Holiday, Chick WebbLouis Armstrong.

3310161_custom-b5f0bd0e6c9547bf9311fb9c4b3b8080c68e44bc-s1600-c85.jpg

Người Nhật bắt đầu quan tâm đến nhạc jazz Mỹ từ cuối những năm 1920 sau khi được tiếp xúc rộng rãi với băng đĩa nhạc quốc tế, cũng như qua các dịch vụ truyền thông và giải trí. Các tàu buôn cập cảng Nhật Bản cũng thường mang theo các ban nhạc để biểu diễn cho người bản địa. Trong bài blog năm 2014 How Japan Came To Love Jazz (đăng trên A Blog Supreme) của Patrick Jarenwattananon (NPR) phỏng vấn E. Taylor Atkins (tác giả Blue Nippon: Authenticating Jazz in Japan - Duke University Press, 2001), Atkins cho rằng các nghệ sỹ người Philippines trong thời kỳ thuộc địa của Mỹ đã chịu ảnh hưởng to lớn từ phong cách nhạc jazz Mỹ do họ tiếp xúc với nó nhiều hơn các quốc gia châu Á khác. Nghệ sỹ Philippines cũng được “phân vai” biểu diễn trong nhiều tụ điểm giải trí ở Nhật và Thượng Hải để mở đầu cho phần trình diễn của các nghệ sỹ người Mỹ. Tuy nhiên cũng như ở Mỹ trước đó, nhạc jazz không có được nhiều sự quan tâm từ công chúng Nhật thời kỳ mới bắt đầu xuất hiện do văn hóa âm nhạc của đất nước này nghiêng nhiều hơn về classical, folk và các giai điệu cổ truyền.

tinhte_cannonball_adderley.jpg

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhạc jazz mới bắt đầu bùng nổ ở Nhật, nhất là trong giai đoạn tái thiết vào những năm 1950 ~ 1960. Mỹ chiếm đóng Nhật trong thời kỳ từ giữa những năm 1940 đến đầu những năm 1950 đã tạo cơ hội cho văn hóa âm nhạc Mỹ “xâm lấn” vào thị trường Nhật Bản, tiêu biểu với Cannonball Adderley cùng những phần trình diễn có thể nói là “hớp hồn người Nhật”. Điều này thực sự rất đáng ngạc nhiên, nhất là khi lúc đó người Nhật vẫn còn kỳ thị người Mỹ cũng như bài trừ các thay đổi mang tính chất “Mỹ hóa”.

Nhiều nghệ sỹ nhạc jazz da đen cũng bắt đầu nhập cư vào châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để tránh các xung đột phân biệt chủng tộc tăng cao ở Mỹ, điển hình có Don Byas, Oscar Pettiford, Clifford Brown, Donald Byrd, James Moody, Bud Powell, Tadd Dameron, Kenny ClarkeDexter Gordon. Tên tuổi của họ nói chung chỉ ở mức vừa và nhỏ, không đạt được mức “lừng lẫy” như các nghệ sỹ quốc tế nổi bật lúc đó nên người Nhật cũng không mấy quan tâm. Cá biệt có thể nhắc đến các nghệ sỹ như Tony Scott, J.C. Heard (Cab Calloway) hay Donald Bailey (một thành viên trong nhóm của Jimmy Smith) đạt được một số thành công nhất định khi nhập cư vào Nhật Bản vào những năm 1950. Theo bài viết Jazz Musicians in Postwar Europe & Japan (McFarland & Company, 2001) của giáo sư Larry Ross (trường đại học Lincoln), Bailey đã chia sẻ rằng ông “có nhiều cơ hội hơn khi ở Nhật so với lúc ở Mỹ”, cũng như “đời sống ở Nhật cho ông cảm giác thoải mái hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần”. Nói cách khác, sự hiện diện của người Mỹ (sống tại Nhật) càng giúp nhạc jazz được chú ý hơn bởi thính giả của đất nước mặt trời mọc.

Quảng cáo



Trong tờ Blue Nippon, Atkins cũng nói rằng người Nhật thích kiểu “jazz Mỹ” đến nỗi các nghệ sỹ Nhật học và chơi theo phong cách này gần như “y nguyên”. Tài năng của một nghệ sỹ không chỉ được đánh giá bằng khả năng sáng tạo của họ, mà còn ở cả cách “bắt chước” nữa. Điều này nói chung không lạ ở châu Âu, tuy nhiên cũng dễ hiểu do nguồn gốc âm nhạc tại đây chịu ảnh hưởng từ nhạc folk dân gian và nhạc polka hay gypsy. Thực sự không lạ khi chúng ta thấy một nghệ sỹ châu Âu thêm tiếng đàn accordion hay balalaika vào jazz, nhưng sẽ rất thú vị khi một nghệ sỹ Nhật Bản làm điều tương tự. Vài nghệ sỹ jazz Nhật Bản cũng thử đưa các nhạc cụ truyền thống châu Á và phong cách dân gian châu Á vào jazz (khoảng đầu những năm 1960), tuy nhiên khá ít và cũng không gây được tiếng vang. Phần lớn nhạc jazz Nhật trong đầu những năm 2000 thực sự nghe không khác gì “nhạc Tây”.

Ngay từ buổi bình minh của thời kỳ phát triển American Jazz, người Nhật đã tạo ra một phong cách âm nhạc của riêng mình bằng cách... ngang nhiên sao chép nhạc Mỹ. The Nitto Jass Band (Walla Walla - 1925, Nitto Records) và Soga Maoko And The Columbia Jazz Band (tên như vậy nhưng nhóm toàn bộ là nhạc công Nhật Bản) là một trong những nhóm jazz đầu tiên của Nhật được thành lập bởi các nhãn thu nước ngoài (Columbia, RCA, Warner...) để “đóng đô” hoạt động trong nước. Nhờ đó sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, phần nhiều các nghệ sỹ Nhật Bản đều sở hữu danh tiếng và được người yêu nhạc trên toàn thế giới biết đến.

Thành công rực rỡ

Louis Armstrong từng đặt cho Fumio Nanri nickname Satchmo of Japan. Nanri học piano với Teddy Weatherford tại Thượng Hải vào năm 1929, đến năm 1932 ông đến Mỹ và biểu diễn liên tục từ San Francisco đến Florida, sau đó sống tại Trung Quốc đến đầu những năm 1940 trước khi bị gọi đi lính. Nanri là một trong những nghệ sỹ đầu tiên nổi tiếng khắp bán đảo châu Á, cả trước và sau khi ông thành lập ban nhạc Hot Peppers. Sau khi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo vào đầu những năm 1950, Nanri đã biểu diễn cùng Armstrong, Clark Terry và nhiều nghệ sỹ người Mỹ khác, tiếp tục hun đúc phong cách jazz thuần theo hướng Dixieland tuy nhiên đôi khi có pha trộn chút bebop. Nanri mất vào năm 1975 sau khi tham gia tổ chức và biểu diễn một buổi nhạc hội thể hiện lòng ủng hộ đối với người dân Việt Nam.

Từ những năm 1950, Nhật Bản bắt đầu xuất hiện vô số các nghệ sỹ âm nhạc tài năng và rất nhiều trong số đó đã vươn ra thị trường âm nhạc thế giới. Điển hình nhất có thể nhắc đến là tay trống Hideo Shiraki với nhóm nhạc có các thành viên đầy tài năng như Terumasa Hino (trumpet), George Kawaguchi (trống) và Akira Fukuhara (trombone). Sau khi biểu diễn tại Berlin Jazz Festival 1965, nhóm tan rã và mỗi thành viên theo đuổi con đường riêng của mình. Hideo Shiraki mất năm 1972 lúc mới 39 tuổi do ma túy, là một mất mát lớn cho nhạc jazz Nhật Bản.

Ngoài ra cũng có thể kể thêm các nghệ sỹ ăn khách khác như Toshiko Akiyoshi (piano) từng được đề cử 14 giải Grammy cũng như chiến thắng rất nhiều giải thưởng và bảng xếp hạng uy tín khác. Toshiko Akiyoshi thu âm album trứ danh Amazing Toshiko Akiyoshi được phát hành bởi Verve Records, có sự tham gia của Herb Ellis (guitar), Ray Brown (bass) và J.C. Heard (trống). Toshiko Akiyoshi theo đuổi phong cách swing-big band vốn đã cũ nên khá nhiều hãng thu ngần ngại phát hành các ấn phẩm của bà, tuy vậy những album và cả tên tuổi của bà vẫn được công chúng đón nhận nồng hậu. Từ giữa những năm 1970, Toshiko Akiyoshi bắt đầu hướng phong cách âm nhạc của bà theo đường lối cổ truyền, sử dụng các nhạc cụ dân gian Nhật Bản như utai, tsugarushamisen nhưng đồng thời vẫn có các ảnh hưởng từ phong cách jazz Mỹ.

Quảng cáo



Tên tuổi của nghệ sỹ Sadao Watanabe (saxophone) cũng được biết đến rộng rãi vào giai đoạn từ 1953. Năm 1962 ông đến Mỹ theo học trường Berklee, sau đó chính thức hoạt động âm nhạc tại đây. Ông đã phát hành hơn 75 album biến chuyển giữa nhiều thể loại jazz từ mainstream đến fusion, string... Người nghe bị ấn tượng với kiểu chơi hầu như “Mỹ hóa” hoàn toàn của ông và khó khăn lắm mới có thể nhận biết được các phong thái jazz Nhật. Sadao Watanabe có mối quan hệ mật thiết với Keiji "George" Otsuka (trống) và Masanaga Harada (double-bass), cũng là các nghệ sỹ thành danh và rất có quyền lực trên thị trường âm nhạc thế giới.

Trở lại với nhạc jazz Nhật Bản trong giai đoạn những năm 1960, hầu hết người nghe jazz chuyên nghiệp đều đánh giá rằng nó không có một phong thái riêng mà hầu như chỉ là sự sao chép từ các nghệ sỹ Mỹ. Điều này là không sai do thời điểm đó rất nhiều nghệ sỹ nước ngoài đến và biểu diễn tại Nhật, cũng như một số dòng nhạc phổ biến lúc đó (như rock-n-roll – The Beatles, Rolling Stones...) gần như “che lấp” nhạc jazz vào hậu trường, khiến nó khó lòng phát triển thêm được. Nhật Bản bắt đầu hiện diện các nhóm nhạc “cây nhà lá vườn” tạo thành một “trường phái” riêng mang tên J-rock và J-pop, rồi sau đó tạo thành các phân nhánh khác như New Wave hay Synth-pop (Yellow Magic Orchestra, Southern All Stars...) Biến chuyển này nhanh chóng giúp Nhật Bản “định hình” được một phong cách âm nhạc cho riêng mình, và các quốc gia Nam Á cũng bắt đầu “học hỏi” và mang về biến thành dòng nhạc của riêng họ. Nhạc jazz tuy vậy vẫn không chết mà tiếp tục tồn tại qua thời gian này trước khi chính thức bùng phát trở lại vào cuối những năm 1990. Thời kỳ này nổi lên các tên tuổi đáng chú ý như May Inoue (guitar), Shun Ishiwaka (trống), Shinpei Ruike (trumpet) hay Takumi Moriya (bass).

Nếu các địa điểm giải trí ở Tokyo luôn nhộn nhịp và “kín lịch” với các buổi biểu diễn của các nhỏm nhạc nhảy (dance band) thì Osaka là nơi tinh thần nhạc jazz được hun đúc và phát huy mạnh mẽ nhất. Vào cuối thế kỷ 19, Osaka dường như luôn “chậm” hơn Tokyo một bước về tốc độ phát triển kinh tế. Nơi đây còn được gọi là Thành phố cột khói (City of Smokes), ám chỉ những cột khói thải từ các nhà máy sản xuất ngày đêm. Tương tự với băng đảng Mafia của Mỹ, Nhật Bản cũng có băng nhóm “giang hồ” cực kỳ nổi tiếng và thực sự đáng sợ, từng được đưa vào làm đề tài trong rất nhiều bộ phim: Đó là những tay Yakuza.

Khoảng năm 1924, Osaka có tổng cộng hơn 20 nhà hát lớn nhỏ với lượng nhạc công bản địa ngày càng nhiều, dần dần thay thế cho các nghệ sỹ người Philippines. Khu vực Dōtonbori của Osaka còn được gọi là Thánh địa nhạc jazz của Nhật Bản, hoạt động rầm rộ cho đến năm 1927 thì bị đóng cửa bởi chính quyền để “chống các tư tưởng Mỹ hóa”. Vào năm 1933, quán cafe nhạc jazz đầu tiên mang tên Chigusa được mở cửa để phục vụ người yêu nhạc.

Thế nhưng đến năm 1945 thì Chigusa lại bị phá hủy hoàn toàn trong một cuộc tấn công ném bom của Mỹ. Quán mở lại ở Yokohama (gần Tokyo) và trở thành địa điểm giao lưu của giới nghệ sỹ, trong đó có Toshiko Akiyoshi và Terumasa Hino. Phong trào jazz ở Osaka cũng sống sót và được lưu truyền rộng rãi, chỉ là không còn được mạnh mẽ như trước mà thôi. Một trong các khu vực đáng chú ý nhất là Nakazakicho vẫn có các tụ điểm giao lưu jazz gồm Club Noon, Taiyo No To Café, Comodo Bar hay Cafe Malacca, bù lại chúng không thể “chuyên jazz” như trước mà phải có thêm các loại hình khác để thu hút khách mới. Các con đường lớn như Umeda thì có nhiều jazz club hơn, ví dụ như Dixieland Jazz Club, Meursault 2nd Club, Live BAR, Azul, Rhythm & Kushikatsu Agatta, Cafe Bourrée, New Suntory 5, Red & Blue, Bunk Johnson, Long Walk Coffee, Royal Horse, Bēsuontoppu... Đa phần trong số các club này đều hoạt động theo hình thái nhà hàng kiêm tụ điểm âm nhạc, hoặc jazz club với bar phục vụ thức ăn.

Osaka cũng là nơi sinh ra rất nhiều nghệ sỹ âm nhạc nổi tiếng, phần lớn đều thành danh với J-pop tuy nhiên cũng không phải không có những người đam mê jazz. Nổi bật nhất có thể nhắc đến nghệ sỹ piano kiêm nhà soạn nhạc Eri Yamamoto. Bà từng biểu diễn với rất nhiều nghệ sỹ tài năng như John Davis, Alan Hampton, David Ambrosio, Ikuo Takeuchi, William Parker, Daniel Carter, Hamid Drake và Federico Ughi.

Yamamoto học đàn piano từ năm 3 tuổi, sau đó bà học thêm đàn viola và thanh nhạc. Bà thử sáng tác lần đầu vào lúc 5 tuổi và theo học nhiều khóa sáng tác, sau đó giảng dạy tại trường Đại học Shiga. Theo những gì được kể lại trong bài phỏng vấn vào năm 2017, bà Yamamoto tuy sinh ra ở Osaka nhưng chuyển đến Kyoto vào năm 10 tuổi, vì thế ký ức của bà đối với Osaka không nhiều. Kyoto là cố đô của Nhật nên có rất nhiều đền chùa, do đó khi cảm thấy mệt mỏi hay buồn chán, bà sẽ đến chùa để cầu nguyện và thiền định. Người Kyoto cũng rất nhẹ nhàng và chậm rãi, trái ngược với nét hối hả bận rộn của Tokyo.



Sau khi được động viên đến Mỹ để trau dồi tài năng và thực hiện ước mơ trở thành nghệ sỹ nhạc jazz, bà Yamamoto chuyển đến New York và sau đó gặp gỡ Mal Waldron, rồi được giới thiệu với Reggie Workman và bắt đầu theo học trường nhạc. Tại đây bà cũng có dịp gặp gỡ và chơi nhạc cùng Matthew Shipp cùng nhiều nghệ sỹ tài năng khác.

Bà Yamamoto kể: “Khi tôi 8 tuổi, trường Đại học Âm nhạc Osaka có mở một khóa đặc biệt và tôi là học viên nhỏ tuổi nhất. Tôi đã được học cách đọc nốt nhạc, viết nốt nhạc, học hát và hòa âm... hầu như tất cả những gì cơ bản nhất về âm nhạc. Tôi cũng bắt đầu tự sáng tác và tiếp tục học đàn piano cho đến năm 10 tuổi. Mẹ tôi rất ủng hộ tôi học nhạc và thường đưa tôi đi xem các buổi biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng như Berlin Philharmonic và Vladimir Ashkenazi. Tôi còn nhớ xung quanh mình toàn những người lớn, chỉ mình tôi nhỏ xíu lọt thỏm ở giữa”.

Về từng phong cách jazz riêng biệt, Yamamoto cho biết dù là jazz nguyên bản hay jazz ngẫu hứng thì bà vẫn yêu thích tất cả. Bà nói: “Tôi thực sự không nghĩ rằng âm nhạc sẽ “phải thế này” hay “phải thế khác”, hoặc thế nào là đúng. Âm nhạc là sự tự do thể hiện và khi chơi nhạc với các nghệ sỹ khác, tôi không bao giờ ý kiến họ nên chơi như thế nào. Thay vào đó, tôi cố gắng để giai điệu đơn của mình được “mở” nhất có thể, từ đó những nghệ sỹ khác có thể tiếp nối cảm hứng đó”.



Hai album The Next Page (2012) và Firefly (2013) có thể được xem là bước chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách của Eri Yamamoto, mang đến cho người nghe những cảm xúc cực kỳ độc đáo chưa hề thấy ở những album trước của bà. Khi được hỏi về hai album này, bà Yamamoto nhận xét rằng bản thân “luôn muốn tìm kiếm những sự đổi mới trong âm nhạc” và “những sáng tác của bà chưa bao giờ bị bó buộc trong bất cứ khuôn phép nào”.

Eri Yamamoto ngoài ra còn góp tài trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như sáng tác nhạc phim cho các bộ phim I Was Born, But... (1932) của đạo diễn Yasujirō Ozu, gồm các track Every Day, A Little Escape, I Was Born, A Little Suspicious, Let's Eat, Then Everything Will Be OK (sau đó được đưa vào album In Each Day, Something Good - AUM, 2010)



Một số album tuyệt vời của Eri Yamamoto mà bạn đọc nên nghe thử gồm Eri Yamamoto: Up & Coming (Jane Street Records, 2001), Eri Yamamoto Trio: Life (AUM Fidelity, 2016) và Eri Yamamoto: Piano Solo: Live in Benicàssim (Blau Records, 2017).
19 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ndta13
CAO CẤP
4 năm
Bài như vậy phải lên trang chủ mới đáng 😁
bao giờ người Việt thích dòng nhạc này
ChillaGuy
TÍCH CỰC
4 năm
omg Ryo Fukui
Quá hay cho 1 quốc gia châu á 😃
J000
TÍCH CỰC
4 năm
Cám ơn vì bài viết này. Mình đã từng định dành thời gian ra tìm kiếm nhưng chưa có thời gian nữa. Haha. Nhưng jazz của Nhật thực sự rất đỉnh, giống như là city pop thời 80s vậy.
Thực ra mà nói thì jazz là dòng nhạc khá kén người nghe, đa phần vì người ta ko hiểu được giá trị của âm nhạc, trong số này có mình, những ai học đàn có lẽ sẽ gần gũi và thích nghe jazz hơn vì họ hiểu được giá trị của bài nhạc, ở VN hiện nay số lượng người chơi jazz và thích nhạc jazz cũng khá ít, họ chủ yếu là những tay audiophile
qua2007
TÍCH CỰC
4 năm
con người vĩ đại
Đúng là người nhật
Nói đến Jazz Nhật thì phải nói đến hãng Three Blind Mice với vô số tài năng pianist Tsuyoshi Yamamoto, Bass cello Isao Suzuki , vocalist Mari Nakamoto, Ayako Hosokawa, etc
@Louis Tran 2019 Honda, Imaru nữa
Nghe nói thị trường âm nhạc của Nhật khá cởi mở. Khác hoàn toàn với phong cách bảo thủ của người Nhật. Nhiều nhóm nhạc, nghệ sỹ, idol group vẫn sống khoẻ bằng việc phát hành đĩa single, album.
koumyougen
TÍCH CỰC
4 năm
@from team b with love Giá trị thị trường âm nhạc Nhật lúc thứ nhất lúc thứ 2 thế giới đó bác. Vì người Nhật rất coi trọng vấn đề bản quyền nên các nhạc sỹ trẻ có nhiều cơ hội sáng tạo. Bên cạnh đó thì âm nhạc của Nhật của kết hợp sâu sắc với các sản phẩm giải trí khác, đặc biệt là anime và game nên nhạc sỹ có nơi để thể hiện hết mình.
Thông tin quá hay và hữu ích. Thanks mod.
Nghe nói nhạc jazz là nhạc của người da đen, mà công nhận các ca sũ da đen hát hay thể loại này.
Nhắc mấy cái này là nhớ
koumyougen
TÍCH CỰC
4 năm
Hiểu biết của mình về jazz nhật khá hạn hẹp nhưng cũng dám nói là mình thực sự thích jazz nhật qua các bản phối làm soundtrack của các phim Gundam, Cowboy Bebop, Neon Eva và một số bộ Anime những năm 90 khác. Jazz kết hợp với anime thực sự quá tuyệt.
Hóng Mod viết vài bài về âm nhạc của Việt Nam! 😁
definitely : )))
Soullegend
ĐẠI BÀNG
4 năm
Nhạc Việt chúng ta đã từng có những những giai đoạn mà 1 dòng nhạc bỗng nổi lên cực kỳ mạnh mẽ và qua đó chiếm hết spotlight truyền thông, xuất hiện những nghệ sĩ truyền cảm hứng rất nhiều cho đàn em sau này, tiếp nối dòng nhạc đó và xây dựng chỗ đứng của mình trong showbiz chứ ko chỉ phòng trà...từ Ballad, đến Rock, Hiphop, dân gian đương đại, Dance, Rnb, Rap, EDM thậm chí là Bolero...Tuy nhiên Jazz chưa từng có phút giây nổi bật trong nền âm nhạc Việt Nam, dù cũng ko ít tác phẩm Jazz nhưng không bao giờ tạo hit vì kén khán giả, thật đáng buồn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019