Da thịt của tâm trí

28/9/2020 14:18Phản hồi: 1
Nếu như 7 luân xa được người ta coi như các cơ quan nội tạng của tâm trí thì toàn bộ các khái niệm đang tồn tại trong tâm trí bạn được coi như da thịt của tâm trí. Mỗi khái niệm giống như một tế bào da của bạn. Khi bạn có một vết thương trên da thịt, khu vực bị thương đó sẽ đau đớn. Cứ hễ ai chạm vào chỗ bị thương đó, dù chỉ là cái chạm nhẹ đi chăng nữa, thì bạn cũng sẽ cảm thấy đau nhói lên. Một khái niệm bị thương trong tâm trí được gọi là “vết thương lòng”. Một vết thương lòng xuất hiện do bạn có một trải nghiệm tiêu cực tương ứng với khái niệm đó. Mỗi lần có điều gì khiến bạn liên tưởng đến khái niệm đó, bạn sẽ thấy mình trở nên rất nhạy cảm. Một khái niệm “bị thương” sẽ trở thành nỗi đau trong cảm xúc bạn. Bạn sẽ có cảm giác căm ghét, thù hận mỗi khi khái niệm đó lướt qua đầu. Vết thương trên da thịt sẽ chỉ tồn tại một thời gian, nếu không bị va chạm thêm thì sẽ dần lành lại. Vết thương sẽ trải qua giai đoạn đóng vảy, lên da non. Vào lúc đó, khi nghĩ về khái niệm đó, bạn không thấy căm giận nữa mà lại có cảm giác giống cảm giác hối hận. Cảm giác hối hận này tương tự như cảm giác ngứa ngáy ở vùng bị thương khi vết thương đang lên da non. Cho dù trước đó, bạn cảm thấy căm giận bao nhiêu thì bây giờ, bạn lại có cảm giác hối hận là mình đã căm giận. Đến khi vết thương đã hoàn toàn biến mất, khái niệm hoàn toàn được chữa lành, bạn sẽ không còn cảm giác ngứa kia nữa, không còn cảm giác hối hận nữa mà thay vào đó là cảm giác biết ơn. Bạn cảm thấy không còn nhạy cảm, thấy cởi mở hơn mỗi khi nghĩ về khái niệm đó.
Trong toàn bộ hệ thống khái niệm của tâm trí bạn, có những khái niệm thuộc dạng yếu, giống như vùng da thịt dễ bị tổn thương trên thể xác của bạn vậy. Những khái niệm này rất dễ bị phủ nhận, bị tiêu cực hóa trong tâm trí bạn. Cho dù khái niệm đó lúc đầu xuất hiện trong tâm trí bạn với vai trò là khái niệm tích cực, nhưng sự tích cực này rất dễ bị hủy hoại. Những khái niệm yếu có nguy cơ cao sẽ trở thành những vết thương lòng của bạn. Loại thứ hai là khái niệm có khả năng “đàn hồi” như cao su. Giống như các khái niệm yếu, những khái niệm đàn hồi này cũng rất dễ bị phủ nhận, bị tiêu cực hóa, nhưng cũng như con lật đật, chúng có khả năng tự phục hồi lại được nghĩa tích cực ban đầu. Cuối cùng là những khái niệm mạnh mẽ, không dễ dàng bị phủ nhận hay bị tiêu cực hóa. Thường thì những khái niệm mạnh sẽ là các khái niệm mang tính vật chất cụ thể, vật lý tự nhiên, không liên quan đến tâm lý nhiều như: bàn ghế, sự cân bằng, v.v. Còn khái niệm liên quan đến tâm lý thường là khái niệm yếu, bởi tâm lý tình cảm là cái không nhìn thấy được, tương đối, phức tạp, khó hiểu. Cái mạnh yếu của các khái niệm trong tâm trí không giống như cái mạnh yếu ở bên ngoài. Một người có sức mạnh, có thế mạnh nhưng không chinh phục được lòng người thì cũng trở thành khái niệm yếu trong tâm trí của người khác, không gây ảnh hưởng mạnh tới tâm trí người khác được.
Khái niệm nào là mạnh, khái niệm nào là yếu trong tâm trí của mỗi người là khác nhau. Bạn cần thử quan sát để dần xác định được độ mạnh yếu của các khái niệm. Bên cạnh những khái niệm tích cực nhưng yếu, có những khái niệm ngay từ lúc xuất hiện trong tâm trí bạn đã được mặc định là khái niệm tiêu cực. Nhưng một khái niệm là một tế bào trên da thịt tâm trí của bạn. Bất kể thế giới bên ngoài có tiêu cực ra sao thì việc làm cho da thịt tâm trí của bạn yên ổn, khỏe mạnh là điều đương nhiên nên làm. Chúng ta không thể để sức khỏe tinh thần của mình bị lệ thuộc vào tình trạng tốt xấu của thế giới xung quanh được. Một người mà bạn gặp là xấu hay tốt thì đó là chuyện của người đó. Để bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân, bạn nên miêu tả sao cho khái niệm về người đó là không quá tiêu cực, thậm chí nếu khả thi thì cứ miêu tả tích cực.
Sự tiêu cực hay tích cực của một khái niệm có thể ảnh hưởng tới một khái niệm khác. Nhiều khái niệm có sự liên quan tới nhau về mặt liên tưởng. Chỉ cần một vài khái niệm trong chuỗi liên tưởng bị tiêu cực hóa thì sẽ làm cho các khái niệm còn lại trong chuỗi liên tưởng bị tiêu cực hóa theo. Điều này cũng giống như bệnh ung thư vậy, một tế bào bị nhiễm bệnh sẽ lan ra các tế bào khác đang khỏe mạnh. Các tế bào ung thư dường như lại mạnh hơn các tế bào khỏe mạnh nên bệnh tật dễ lây lan, còn sự lành mạnh lại khó lan truyền. Các khái niệm trong tâm trí cũng vậy. Khái niệm yếu có vẻ nhiều hơn khái niệm mạnh. Sự tiêu cực hóa rất dễ lây lan trong thế giới của các khái niệm. Muốn tâm trí luôn tích cực thì bạn phải bảo vệ thành công được sức khỏe của hệ thống khái niệm trong tâm trí, tức là tính tích cực của hệ thống khái niệm đó. Phải có cơ chế gì đó để những khái niệm yếu có thể dễ dàng “bám víu” vào các khái niệm mạnh để sự lành mạnh có thể lan truyền ra khắp hệ thống khái niệm, đẩy lùi sự tiêu cực.
Bạn đã từng chơi trò cờ lật (cờ Othello) bao giờ chưa? Tôi thấy sự tiêu cực hóa hay tích cực hóa của các khái niệm trong tâm trí cũng diễn ra tương tự như trò chơi cờ này. Nếu có hai quân đen ở hai đầu của một hàng toàn quân trắng thì toàn bộ quân trắng sẽ trở thành quân đen và ngược lại. Một số khái niệm nằm trên cùng một chuỗi liên tưởng. Nếu có hai khái niệm tiêu cực nằm ở hai đầu của chuỗi liên tưởng thì liên tưởng khởi đầu và liên tưởng kết thúc đều là tiêu cực. Điều này dẫn tới toàn bộ chuỗi liên tưởng đó sẽ là tiêu cực, và tất nhiên, tất cả các khái niệm yếu nằm trên chuỗi liên tưởng đó đều sẽ bị tiêu cực hóa. Khái niệm đủ mạnh sẽ không bị ảnh hưởng. Muốn làm tâm trí tích cực, bạn phải xác định được những khái niệm mạnh trong tâm trí bạn rồi luôn nghĩ về những khái niệm đó, dù là đang suy nghĩ chuyện gì đi chăng nữa. Động tác này sẽ bảo vệ cho tính lành mạnh của chuỗi liên tưởng. Để hỗ trợ cho việc này, bạn có thể dùng tới ngôn ngữ toán học cơ bản.
Toán được nhiều người coi là một môn học khô khan bởi nội dung toán học không có sự tương tác mạnh với cảm xúc, trái ngược với văn học. Tuy nhiên, khi bạn rơi vào tình trạng nhiễu loạn tâm lý, cảm xúc thì chính toán học lại có thể là cứu cánh tốt nhất. Ngôn ngữ toán mang tính hư vô nên có khả năng hút nhiễu cực mạnh. Nếu coi các đại lượng toán học là những khái niệm thì đó đều là những khái niệm mạnh cả. Các ý niệm toán học cơ bản, chẳng hạn như các số tự nhiên (0, 1, 2…) hoặc đường thẳng, đường tròn, trọng tâm, đều là những ý niệm quen thuộc với bạn và bạn đã hiểu rõ. Sử dụng các ý niệm toán cơ bản sẽ có tác dụng cân bằng tâm lý hơn là các ý niệm toán ở mức phức tạp hơn như giới hạn, tích phân. Bạn nên để cho chuỗi liên tưởng của bạn có chứa các khái niệm toán học cơ bản, đơn giản để bảo vệ tốt hơn tính tích cực của chuỗi liên tưởng đó.
Hãy luôn để các khái niệm bằng ngôn ngữ lời của bạn song hành cùng một đại lượng toán học, một khái niệm toán học. Một trong những điều đầu tiên bạn có thể thử làm là phân tâm trí làm hai ngăn là ngăn số 0 và ngăn số 1. Hai số tự nhiên này tạo liên tưởng mạnh mẽ tới sự cốt lõi, gốc rễ và có thể giúp chữa lành các khái niệm yếu trong chuỗi liên tưởng nhanh hơn. Vì số 0 là giá trị của gốc tọa độ nên bạn nên coi số 0 là tiêu chuẩn. Với tất cả các khái niệm mà bạn thấy là có thể coi là khái niệm mạnh trong tâm trí bạn (không dễ dàng bị tiêu cực hóa, khó có thể bị phủ nhận), bạn để vào ngăn số 0. Với các khái niệm còn lại (khái niệm yếu, khái niệm đàn hồi), bạn hãy để vào ngăn số 1. Ngăn số 0 giống như hệ thống chính phủ của các khái niệm. Ngăn số 1 là dân thường. Chỉ những dân thường nào có đủ phẩm chất và năng lực thì mới xứng đáng được bạn bầu vào hệ thống chính phủ. Bạn hãy có sự phân bổ, sắp xếp ban đầu trước đã. Sau một thời gian trải nghiệm với cách sắp xếp này, bạn sẽ thực sự phát hiện được khái niệm nào mới đủ mạnh, khái niệm nào vẫn còn yếu. Khi đó, bạn chỉ việc sắp xếp lại.
Chắc hẳn bạn từng nghe tới phương pháp tư duy đặc biệt của triết gia Socrates rồi chứ? Ông ấy nhận định rằng thực sự thì chúng ta không học, không tiếp thu cái gì cả mà chỉ là nhớ lại. Nếu cứ đặt câu hỏi cho một người, bắt đầu bằng câu hỏi dễ rồi tăng dần độ khó. Khi đặt một câu hỏi mà người đó không trả lời được thì thay ngay bằng câu hỏi khác. Việc đặt câu hỏi này giúp người ta thông hiểu vấn đề nhanh hơn. Thực ra thì một câu hỏi chính là thể hiện hướng tiếp cận vấn đề. Hướng tiếp cận vấn đề là góc nhìn của bạn với vấn đề. Khi nhìn nhận một thứ gì đó, dù là cụ thể hay trừu tượng, nếu bạn có thể quan sát nó lần lượt từ mọi góc độ có thể có của thứ đó thì bạn chắc chắn sẽ hiểu được nó. Việc đặt các câu hỏi khác nhau sẽ mở rộng góc nhìn của bạn đối với sự vật, sự kiện, giúp bạn hiểu toàn diện hơn về sự vật, sự kiện đó, giúp bạn không trở thành “ông thầy bói mù xem voi”. Với mỗi một góc nhìn, bạn có được một tính chất của sự vật, sự kiện. Một sự vật, sự kiện nhìn toàn thể thì có thể là mới đối với bạn, song từng tính chất riêng lẻ của sự vật, sự kiện đó thì không hề mới. Nó tương đồng về mặt liên tưởng với rất nhiều thứ bạn đã từng biết trong quá khứ. Ví dụ, mấy ông thầy bói mù tuy không biết con voi nó như thế nào, nhưng lại biết về cái cột đình (chân voi), về con đỉa (vòi voi), v.v. Nếu một ông thầy bói mù đủ kiên nhẫn sờ nắn mọi chỗ có thể có của con voi thì có lẽ sẽ hiểu được 80% về con voi. Bên cạnh đó, khi bạn đã có sự nhận biết về nhiều tính chất của sự vật, sự kiện thì bạn sẽ dễ dàng đoán được các tính chất có thể có còn lại. Qua 3 điểm, bạn luôn kẻ được một đường tròn. Bởi vậy, chỉ cần biết 3 thông tin, có thể bạn sẽ đoán được toàn bộ các thông tin còn lại. Trong lớp học, sau khi nghe một bài giảng, các học sinh sẽ được thầy cô giáo yêu cầu đặt câu hỏi về bài giảng. Học sinh nào hiểu bài nhiều hơn, hình dung về bài giảng tốt hơn thì sẽ đặt được những câu hỏi hiệu quả hơn. Nói chung, thông qua việc đặt lần lượt các câu hỏi dễ khó khác nhau, bạn sẽ mở rộng được hướng tiếp cận, mở rộng được góc nhìn của bạn để hình dung, liên tưởng toàn diện về sự vật, sự kiện. Nếu áp dụng ngôn ngữ toán học vào việc đặt câu hỏi định tính, bạn có thể có một câu hỏi duy nhất sẽ luôn đúng và thay thế cho mọi câu hỏi khác đó là: Số 0 là gì? Vì bạn đã đặt tất cả các khái niệm mạnh vào ngăn số 0 nên hỏi số 0 là gì sẽ giúp ổn định thái độ cho bạn. Thực tế thì câu hỏi này giúp bạn tự chủ hơn trong trạng thái bị áp lực dồn dập từ xung quanh, đồng thời, giúp bạn hình dung vấn đề nhanh hơn, hiểu được điều thực tế, khả thi nhất có thể làm ở thời điểm hiện tại. Nhờ câu hỏi này, bạn sẽ không hành động theo phản xạ, theo áp lực mà hành động theo lý trí nhiều hơn. Khi bị dồn dập áp lực, hãy lặp đi lặp lại câu hỏi “0 là gì?” trong đầu để tự chủ bớt, đồng thời lần lượt nhắc lại các từ ngữ hay cụm từ bạn đã đặt vào ngăn số 0 để định hướng.
Như đã nói ở trên, ngôn ngữ toán học là ngôn ngữ có khả năng hút nhiễu rất mạnh. Nếu bây giờ bạn phiên dịch toàn bộ các thông tin từ ngôn ngữ lời sang ngôn ngữ toán, bạn sẽ thông suốt dễ dàng mà không bị nhiễu loạn. Mọi sự vật đều có thể được coi là một giá trị toán học cơ bản, ví dụ như 1 hay 0. Các sự vật này tương tác với nhau, tạo nên các sự kiện. Các sự kiện này có thể được coi là các phép tính toán học. Có bốn phép tính cơ bản mà ai cũng biết đó là: cộng, trừ, nhân, chia. Phép trừ là phép cộng giữa hai số trái dấu nên coi như phép cộng là đại diện của hai phép cộng trừ. Phép chia là phép nhân giữa hai số nghịch đảo nên coi như phép nhân là đại diện của hai phép nhân chia. Vậy ta chỉ dùng phép cộng và phép nhân để biểu diễn mọi sự kiện. Phép cộng chắc sẽ khiến bạn liên tưởng đến sự hợp tác. Sự hợp tác, kết hợp là một sự kiện tích cực. Do đó, ta coi phép cộng biểu diễn sự kiện tích cực. Hai số hạng bất kỳ nhân với nhau sẽ tạo ra một số hạng quá lớn so với hai số hạng ban đầu. Ví dụ, 4+5=9 nhưng 4x5=20. Số 20 lớn hơn quá nhiều so với hai số hạng ban đầu là 4 và 5. Sự thái quá, cho dù là theo chiều hướng tiêu cực (đả kích, phá hoại) hay tích cực (quan tâm, chăm sóc), thì đều tạo nên hiệu ứng tiêu cực. Do đó, ta coi phép nhân biểu diễn sự kiện tiêu cực. Nếu như phép cộng biểu diễn sự hợp tác thì bạn có thể coi phép nhân là biểu diễn sự xung đột. Số 0 có thể khiến bạn liên tưởng tới sự cân bằng bởi -0 hay +0 đều giống nhau, còn số 1 thì có thể làm bạn liên tưởng tới sự mất cân bằng bởi -1 và +1 là khác nhau. Cân bằng là tích cực, mất cân bằng là tiêu cực. Do đó, ta coi số 0 là giá trị của sự tích cực, số 1 là giá trị của sự tiêu cực. Khi gặp phải chuyện tiêu cực, xui xẻo, khiến bạn buồn chán, bạn có thể nói 1=1+0. Phép tính này có thể khiến bạn tin rằng đằng sau mọi điều tiêu cực luôn tồn tại điều tích cực và khiến bạn cảm thấy vững vàng hơn. Còn khi bạn bất thình lình gặp phải một sự kiện gây hoảng hốt cho bạn, khủng bố tinh thần bạn thì bạn có thể lẩm nhẩm trong miệng phép tính 1x0=0. Cái gây hại cho bạn là số 1, cái bảo vệ bạn là số 0. Số 1 và số 0 mà giao chiến thì số 0 luôn thắng. Việc lẩm nhẩm phép tính này trong miệng sẽ giúp bạn nâng cao khả năng đối mặt với yếu tố gây hoảng sợ. Chẳng hạn, bạn có thể áp dụng khi bạn nhìn thấy một cảnh đáng sợ trong phim kinh dị hay khi bạn đang mơ thấy ác mộng trong lúc ngủ. Vì mấy phép tính này rất đơn giản nên nếu bạn sử dụng thường xuyên sẽ nhanh chóng hình thành được phản xạ, giúp bạn có thể thấy vững chãi hơn kể cả khi mơ thấy ác mộng.
Tóm lại, tâm trí cũng giống như thể xác vậy, cũng cần được chăm sóc cả về nội tạng lẫn da thịt thì mới có thể khỏe mạnh được. Nếu tiếp cận theo hướng y học, bạn coi tâm trí cũng như một cơ thể cần được chăm sóc y tế thì sẽ không có người tốt kẻ xấu. Chỉ có sức khỏe tâm trí chưa được chăm sóc tốt mà thôi. Tập hợp những khái niệm trong tâm trí bạn chính là da thịt của tâm trí. Nếu mọi khái niệm đều được gìn giữ sự tích cực, lành mạnh thì thái độ và hành vi của một người nhất định sẽ đi theo chiều hướng tốt. Ngược lại, nếu đa số các khái niệm của một người đều bị bệnh, bị tiêu cực hóa thì dù cho có bị răn đe hay giáo dục thế nào, người đó sẽ vẫn có thái độ và hành vi tiêu cực. Khi thể xác bị ung thư, hệ thống các tế bào dần bị bệnh và thể xác sẽ bị đẩy dần tới cái chết. Còn khi tâm trí bị ung thư, hệ thống các khái niệm sẽ dần bị tiêu cực hóa và tâm trí sẽ bị đẩy dần tới điên loạn và cực đoan. Vì vậy, dù bạn đang bận rộn, xin hãy dành thời gian cho việc chăm sóc da thịt tâm trí để có thể đảm bảo sức khỏe tinh thần của bạn luôn tốt. Hạnh phúc vốn tại tâm mà!
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hiểu 1 số cái còn nhiều cái khó hiểu thật😆

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019