Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Boeing thiết kế lại hệ thống tuần hoàn khí cabin, phát triển đèn UVC 222nm để khử trùng

bk9sw
2/10/2020 12:11Phản hồi: 4
Boeing thiết kế lại hệ thống tuần hoàn khí cabin, phát triển đèn UVC 222nm để khử trùng
COVID-19 vẫn đang gây thiệt hại lớn cho ngành hàng không nhưng trong thời gian chờ đợi các đường bay được nối trở lại thì các hãng hàng không lẫn các công ty trong ngành công nghiệp cũng phải chuẩn bị để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm mới. Trải nghiệm bay trong tương lai sẽ không còn giống như trước với nhiều thủ tục và quy định vệ sinh cho hành khách. Bản thân hãng hàng không và hãng làm máy bay như Boeing cũng phải nghĩ ra nhiều giải pháp chẳng hạn như dùng đèn UV để khử trùng, thay đổi hệ thống tuần hoàn không khí trong cabin và nhiều thứ khác, tất cả đều hướng đến một tương lai hàng không an toàn hơn.

Khử trùng trước và sau chuyến bay là chưa đủ:


Phần lớn thời gian của hành trình chúng ta dành ra để ngồi trên máy bay, vậy nên cabin cần phải được làm sạch và khử trùng trước khi hành khách lên máy bay cũng như phải có cơ chế duy trì không khí sạch trong suốt chuyến bay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các hành khách. Việc khử trùng cabin hiện tại được thực hiện bằng cách sử dụng hóa chất, dung dịch tẩy trùng. Boeing cho biết hãng khuyến khích sử dụng Isopropyl Alcohol trên 70% cùng với 5 loại chất khử trùng đã được phê chuẩn. Thêm vào đó quy trình khử trùng sẽ phải được thực hiện theo các chỉ dẫn cụ thể trên các bề mặt như ghế, phòng vệ sinh, khu vực bếp (galley) và hệ thống giải trí trên chuyến bay (IFE). Boeing đang làm việc với các nhà điều hành hàng không để đánh giá các kỹ thuật khử trùng kiểu mới và xem xét việc sử dụng các sản phẩm kháng khuẩn có sẵn trên thị trường cũng như tự phát triển các loại chất kháng khuẩn mới.

Air circulation.jpg
Bên cạnh hoạt động khử trùng và tẩy rửa được thực hiện bởi các nhân viên mặt đất trước và sau chuyến bay thì vấn đề quan trọng hơn đó là làm sao duy trì không khí sạch trong suốt chuyến bay. Boeing đã thiết kế lại hệ thống tuần hoàn không khí, thay vì luân chuyển từ trước ra sau máy bay thì hệ thống mới sẽ đưa khí sạch xuống từ trần máy bay và luồng khí cứ thế đi xuống khoang hàng bên dưới. Không khi đi xuống các van ở sàn máy bay là không khí đã được hòa trộn hay không sạch bởi nó bao gồm khí thở của hành khách, có thể chưa virus. Khi được đưa xuống khoang dưới thì không khí này sẽ đi qua bộ lọc HEPA và hòa với không khí được lấy từ bên ngoài. Từ đó không khí đã lọc + không khí từ bên ngoài được dẫn trở lại lên hệ thống cấp khí tươi từ trần máy bay. HEPA vẫn là bộ lọc đang được sử dụng tiêu chuẩn trên máy bay với khả năng lọc hiệu quả 99,9% virus, vi khuẩn và nấm.

Local circulation.jpg

Điểm mấu chốt của hệ thống điều hòa không khí mới của Boeing là dòng khí không còn luân chuyển từ trước ra sau nữa mà nó sẽ luân chuyển xung quanh các hàng ghế từ trên trần xuống sàn và trở lại, nhờ đó hạn chế sự lây lan của các loại vi hạt trong đó có virus COVID-19. Không khí trong cabin sẽ được làm mới mỗi 2 - 3 phút.



Khử trùng diệt khuẩn bằng ánh sáng cực tím 222 nm:


UVC 222nm clearing.jpg
Ngoài cabin với tần suất trao đổi hành khách cao thì buồng lái cũng là nơi nhộn nhịp không kém trên máy bay. Tuy nhiên việc tẩy rửa bằng dung dịch không được khuyến nghị trong môi trường buồng lái bởi chất tẩy rửa có thể làm hỏng hệ thống điều khiển phức tạp trên máy bay. Không gian buồng lái như đã biết được bao phủ bởi điện tử với hàng trăm nút bấm, màn hình … Vậy nên Boeing tìm đến giải pháp dùng tia UV siêu mạnh để tẩy trùng. Hôm 22 tháng 9 vừa qua, Boeing đã công bố hợp tác với công ty Healthe Inc. ở Florida để sản xuất loại đèn UV cầm tay chuyên dùng để khử trùng nội thất máy bay.



Mike Delaney - giám đốc bộ phận Confident Travel Initiative (CTI) cho biết: "Chiếc đèn UV này được thiết kế để hoạt động hiệu quả hơn so với các thiết bị tương tự. Nó có thể nhanh chóng khử trùng các bề mặt trên máy bay và củng cố cho các lớp bảo vệ khách đối với hành khách và phi hành đoàn. Boeing đã dành ra 6 tháng chuyển ý tưởng này thành một thiết bị có thể hoạt động được và Healthe giờ sẽ chịu trách nhiệm sản xuất hàng loạt từ nguyên mẫu."

UVC 222nm.jpg
Được biết đèn UV của Boeing sử dụng ánh sáng UVC 222 nm (Ultraviolet C với bước sóng 222 nm), cho phép tiêu diệt các mầm bệnh rất hiệu quả theo một nghiên cứu vừa được công bố gần đây. Thiết bị này hoạt động độc lập với thiết kế như va ly kéo, nhân viên mặt đất có thể khử trùng mọi ngóc ngách trong buồng lái nơi ánh sáng cực tím chiếu tới, có thể làm sạch flight deck chỉ trong vòng 15 phút.

Boeing ecoDemonstrator - thử nghiệm một loạt các công nghệ bền vững:

Quảng cáo


Các thủ tục khử trùng làm sạch mới đã được Boeing triển khai thử nghiệm theo chương trình ecoDemonstrator vừa diễn ra hồi tháng 8. Hãng đã hợp tác với Etihad Airways để áp dụng các nghiên cứu công nghệ mới trên những chiếc 787-10 Dreamliner. Tham gia chương trình này còn có NASA và nhánh giải pháp càng hạ cánh Landing Systems của Safran.



Qua 16 chuyến bay thử nghiệm, Boeing cùng Etihad đã triển khai thành công các thủ tục khử trùng cabin mới cũng như thử nghiệm đèn UVC 222 nm để làm sạch buồng lái. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của NASA và Safran thì Boeing còn thử nghiệm một loạt các công nghệ mới như giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình vận hành của máy bay cũng như nâng cao hiệu quả cho các chuyến bay trong tương lai qua giải pháp kết nối phi công, các trạm kiểm soát không lưu và trung tâm điều hành bay cùng lúc để tối ưu đường bay, hướng đến nhiều mục tiêu an toàn và môi trường cũng như thử nghiệm hỗn hợp nhiên liệu mới trong đó có một nửa là thành phần thực vật.

Boeing ecoDemonstrators.jpg
Hoạt động bay thử nghiệm cho các dự án nói trên được thực hiện trong 8 ngày tại các cơ sở của Boeing ở Glasgow, Montana và 2 chuyến bay xuyên lục địa giữa Seattle, Washington, North Charleston và South Carolina. Trong đó để nghiên cứu về tiếng ồn theo chương trình của NASA, những chiếc 787 được trang bị 214 cảm biến âm thanh đặt bên ngoài và xung quanh máy bay, kèm theo đó là hơn 1000 microphone được đặt trên mặt đất. Chức năng là để ghi nhận các cường độ âm thanh khác nhau của 787 giữa 50 hình thái bay và thiết lập thử nghiệm riêng biệt. Dữ liệu tiếng ồn thu được sẽ giúp NASA cải thiện năng lực dự đoán tiếng ồn của máy bay từ đó mở ra những thiết kế máy bay tương lai ít ồn hơn cũng như giúp phi công chủ động giảm thiểu tiếng ồn.

Safran Landing Gears.jpg
Bên cạnh nghiên cứu của NASA, nhánh phát triển càng hạ cánh của Safran cũng đã đưa thiết kế hệ thống giảm tiếng ồn mới lên càng hạ cánh của 787-10 Dreamliner trong thử nghiệm. Safran cho biết 30% tiếng ồn gây ra bởi máy bay khi tiếp cận sân bay là do không khí "rít" qua càng hạ cánh. Vậy nên, hãng đã tùy biến lại càng hạ cánh của 787 bằng các ốp có nhiều lỗ nhỏ bọc quanh càng hạ cánh trước và các ốp khí động học bọc quanh các ống thủy lực trên càng hạ cánh sau (màu cam, hình trên). 8 cảm biến âm thanh cũng được lắp vào càng hạ cánh để hoạt động phối hợp với hệ thống gồm hàng ngàn microphone đặt trên mặt đất của NASA để đo tiếng ồn. Dữ liệu tiếng ồn đã được phân tích và bước đầu cho kết quả tích cực. Những giám sát viên trên mặt đất cũng nhận thấy sự khác biệt về khả năng giảm ồn của hệ thống này.

Quảng cáo


Efficient Flying.jpg
Về nghiên cứu giúp các chuyến bay hiệu quả hơn, chương trình ecoDemonstrator của Boeing đã thử nghiệm một hệ thống bao gồm nhiều công cụ như hệ thống nhắn tin, ứng dụng vạch đường bay và Tailored Arrival Manager của NASA để phi công, không lưu và các trung tâm điều hành bay có thể trao đổi cùng lúc với nhau từ đó tối ưu đường bay và thời điểm hạ cánh. Hệ thống này giúp đơn giản hóa quy trình xin phép đổi lộ trình bay hiện tại do những yêu tố tác động như thời tiết xấu, tắc nghẽn không lưu và giảm thiểu thời gian chờ trước khi hạ cánh (không phải bay nhiều vòng trên trời để đề chờ đến lượt hạ cánh). Ngoài ra, hệ thống liên lạc mới này cũng giảm tình trạng tắc nghẽn tần số radio và cải thiệu hiệu quả liên lạc đối với phi công và không lưu, tăng tính an toàn, giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và từ đó giảm khí thải CO2. Trong 2 chuyến bay đường dài thì hệ thống này đã được sử dụng để tái định tuyến 17 lần.

Bleding fuel.jpg
Nói về khí thải CO2 thì những chiếc 787-10 Dreamliner thực hiện chương trình ecoDemonstrator sử dụng hỗn hợp nhiên liệu ít khí thải CO2 mới với tỉ lệ 50/50 nhiên liệu hàng không truyền thống và nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đây cũng là tỉ lệ hòa trộn cao nhất được phép đối với máy bay thương mại. Hỗn hợp này được sản xuất bởi World Energy ở Los Angeles từ chất thải nông nghiệp.

Theo: Boeing
4 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

COVID-19 làm thay đổi mọi thứ ghê thật 😔
Hay
tamle_o
CAO CẤP
3 năm
Sợ boeing lắm😆
càng ngày càng hiện đại hơn

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019