TỪ CẬU VÀNG ĐẾN TRẠNG TÍ: TỪ THIẾU TÔN TRỌNG TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐẾN CHUYỆN COI THƯỜNG KHÁN GIẢ

PEACEAIR
29/12/2020 14:37Phản hồi: 9
TỪ CẬU VÀNG ĐẾN TRẠNG TÍ: TỪ THIẾU TÔN TRỌNG TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐẾN CHUYỆN COI THƯỜNG KHÁN GIẢ
TỪ CẬU VÀNG ĐẾN TRẠNG TÍ: TỪ THIẾU TÔN TRỌNG TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐẾN CHUYỆN COI THƯỜNG KHÁN GIẢ

Một trong bê bối lớn nhất của làng phim Việt vào năm 2020 là việc nhân viên truyền thông của bộ phim Cậu Vàng nhục mạ, chửi bới khán giả bằng những cụm từ như "nghèo hèn, dốt nát, dân trí thấp" ngay tại trang chính thức của bộ phim. Trước khi sự việc này diễn ra, Cậu Vàng phải đối diện với một làn sóng phản đối, tẩy chay tương đối mạnh mẽ của khán giả Việt Nam vì việc chọn một chú chó Nhật đóng vai cậu Vàng hay những rắc rối liên quan đến nghi vấn cải biên nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Đáng nhẽ, khi đối diện với những điều đó, đoàn làm phim phải có những động thái trấn an, giãi bày với khán giả. Nhưng không, họ cãi tay đôi với khán giả, mắng chửi khán giả - những người trả tiền cho bộ phim.

Sơn Tùng MTP từng nói về antifan: "Antifan là những người mà mình cần phải chinh phục". Nhớ nhé, chinh phục, chứ không phải là những hành động côn đồ, thiếu não.

Mấy ngày nay, cư dân mạng lại râm ran câu chuyện về bản quyền bộ phim Trạng Tí, giữa Ngô Thanh Vân và họa sĩ Lê Linh - được pháp luật công nhận là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật chính là Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt (TĐĐV). Xét về mặt pháp luật, Ngô Thanh Vân không sai khi liên hệ làm việc với phía Phan Thị - được công nhận là chủ sở hữu quyền tác giả. Lấy ví dụ đơn giản, thì Stan Lee và Steve Ditko được công nhận là hai tác giả của Spider-Man, nhưng quyền khai thác thương mại nhân vật này lại thuộc về SONY.

Theo Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ thì Phan Thị có quyền "làm các tác phẩm phái sinh", "biểu diễn trước công chúng" và "truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác". Vậy, nói phim Trạng Tí là một bộ phim vi phạm bản quyền, trái pháp luật thì không chính xác. Nói đúng ra, phim Trạng Tí được mua bản quyền đầy đủ, được phát hành đúng trình tự pháp luật.


Vậy Ngô Thanh Vân và Phan Thị sai ở đâu?

Trong Khoản 4, Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền tác giả như sau: "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Nói dễ hiểu hơn, Phan Thị và Ngô Thanh Vân phải đáp ứng sự toàn vẹn của các nhân vật trong TĐĐV, không được tự ý xuyên tạc, tô hồng hoặc bôi đen tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả - ở đây là họa sĩ Lê Linh.

Trong truyện TĐĐV, nhân vật Trạng Tí luôn mặc chiếc áo có hoa văn bản đồ Việt Nam. Đây là một việc làm rất ý nghĩa của họa sĩ Lê Linh trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc, nhưng trong bộ phim Trạng Tí, chi tiết này đã được lược bỏ thẳng tay. Điều đáng chú ý là hoa văn "bông hoa" đặc trưng của Sửu, hoa văn "tiền" của Cả Mẹo hay việc Dần phanh ngực áo cũng được giữ nguyên từ trong truyện ra phim. Lý do gì khiến cho việc hoa văn trên áo của Sửu, Dần, Mẹo được giữ nguyên, còn Tí thì bị thay đổi?

Bộ phim Trạng Tí sẽ được "quốc tế hóa" chiếu tại các rạp phim Mỹ, châu Âu và nhiều khả năng sẽ được các trang chiếu phim trực tuyến quốc tế mua bản quyền trình chiều. Việc "cắt gọt" hoa văn bản đồ Việt Nam có thể khiến bộ phim Trạng Tí dễ tiếp cận hơn với thị trường quốc tế, nhưng điều này, lại khiến hình ảnh Trạng Tí bị sai lệch đi rất nhiều. Và khán giả Việt Nam, có quyền hỏi rằng, đoàn làm phim có tôn trọng chủ quyền dân tộc và tính nguyên bản của nhân vật không? Hay đoàn làm phim chọn lợi nhuận lên trên hết? Hãy nhìn một số tác phẩm điện ảnh liên quan đến Trung Quốc, các nhà làm phim sẵn sàng lồng bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò và đảo Đài Loan để khẳng định chủ quyền dân tộc. Còn những nhà làm phim Việt thì lại lược bỏ đi... Đó là một hành coi thường sự toàn vẹn của nhân vật, không tôn trọng tác giả, coi thường khán giả Việt.

Một điều khác nữa mà bộ phim Trạng Tí bị đặt dấu hỏi là về hành trình tìm cha và những chi tiết màu nhiệm kỳ ảo ở trong phim. Nhưng trong truyện TĐĐV, Trạng Tí không tham gia vào một hành trình tìm cha như vậy, các yếu tố màu nhiệm kỳ ảo hoàn toàn không có hoặc được tối giản như chỉ đề cập trong các giấc mơ. Như đã đề cập ở trên, Phan Thị và đội ngũ Ngô Thanh Vân không có quyền biến tấu, làm sai lệch tác phẩm gốc, hoặc nếu có, bắt buộc phải làm việc với phía họa sĩ Lê Linh. Nhưng đội ngũ Ngô Thanh Vân đã liên hệ làm việc với họa sĩ Lê Linh quá muộn, khi phim đã thành hình và chuẩn bị tung ra trình chiếu. Chính phía tòa án cũng yêu cầu phía Phan Thị không được "làm các hành động gây tổn hại đến uy tín tác giả Lê Linh", nếu bộ phim Trạng Tí thất bại, hình tượng các nhân vật cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đi và kéo theo đó, họa sĩ Lê Linh cũng bị liên lụy.

Trong Spider-Man: Far From Home, SONY dành hẳn một quãng phim để tôn vinh hai tác giả tạo ra nhân vật Spider-Man là Stan Lee và Steve Ditko. Disney hay Warner Bros. cũng luôn dành những dòng viết tôn vinh, cám ơn, ghi tên những tác giả đã sáng tạo ra những nhân vật truyện tranh được chuyển thể lên điện ảnh. Các đoàn làm phim cũng luôn muốn đưa các tác giả vào đội ngũ sản xuất, tham gia trực tiếp vào việc viết kịch bản... nhằm thu hút người hâm mộ, khiến tác phẩm gần gũi hơn, đảm bảo quyền lợi của các nhà văn và họa sĩ.

Với điện ảnh Việt, như trong phim Mắt Biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đội ngũ sản xuất luôn dành dòng viết nhắc về việc bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Đạo diễn Victor Vũ cũng luôn chia sẻ những buổi làm việc cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bao gồm xin ý kiến, đóng góp cho kịch bản phim...

Vậy những gì mà đội ngũ Ngô Thanh Vân và Phan Thị đã làm là gì? Họ gần như đã gạt bỏ họa sĩ Lê Linh tham gia dự án, vì chính phía Ngô Thanh Vân đã thừa nhận liên hệ và đưa ra những quyền lợi nhưng không được họa sĩ Lê Linh đồng ý. Không được đồng ý mà vẫn cứ bất chấp làm?

Quảng cáo



Từ Kiều, đến Cậu Vàng và giờ là Trạng Tí, có cảm giác như các nhà sản xuất phim Việt đang bấu víu vào hào quang của những tác phẩm, tác giả đi trước để tìm kiếm lợi nhuận. Đồng ý rằng, việc chuyển thể các tác phẩm là một trào lưu đúng đắn vì phim Việt từ trước đến giờ luôn yếu ở mặt kịch bản. Nhưng, từ những việc mà các đoàn làm phim đã làm, phải đặt câu hỏi rằng, liệu họ chuyển thể hay là xuyên tạc tác phẩm?

Khán giả Việt chưa bao giờ thờ ơ với phim Việt, vì nếu thờ ơ thì làm gì có những bộ phim Việt doanh thu vài chục, vài trăm tỷ đồng? Khán giả Việt cần những tác phẩm chất lượng, chứ không cần những tác phẩm vừa nhẹ, vừa nông, vừa kéo lùi nền điện ảnh nước nhà.

Văn chương chưa bao giờ là dễ dãi, điện ảnh cũng như vậy.

Khán giả tẩy chay có lý do của họ, hãy tự đặt ra câu hỏi rằng tại sao bộ phim này bị tẩy chay, còn bộ phim khác thì không. Chứ đừng có lên mạng khóc lóc và trách móc khán giả như "không ủng hộ điện ảnh nước nhà".

Nam Cao viết rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện". Và việc thiếu tôn trọng tác giả, tác phẩm, coi thường khán giả cũng đê tiện không kém.

--- ios

Quảng cáo

9 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

trnam
TÍCH CỰC
3 năm
Kết cái câu kết.
PEACEAIR
ĐẠI BÀNG
3 năm
@trnam Quan điểm cá nhân của em thì đối với việc người làm nghệ thuật coi thường khán giả thì đáng bị tẩy chay .
- chưa kể đến vấn đề ko tôn trọng tác giả chính thống nói riêng và ko tôn trọng tính tự tôn dân tộc !
Nói nhiều làm gì. Thà tẩy chay nhầm còn hơn bỏ sót !
PEACEAIR
ĐẠI BÀNG
3 năm
@archi-T Hah .
BruceWayne
TÍCH CỰC
3 năm
Cái số 1 thì lên án. Cái TĐĐV thì mình thấy chưa tới mức lên án 😃 Mọi người hẳn biết LOTR là một trong những bộ phim lớn nhất điện ảnh thế giới, có thể coi là huyền thoại, nhưng những người có thể coi là tác giả của bộ sách thì vô cùng ghét tác phẩm. Câu chuyện tương tự cũng xảy tới với The Shining.
PEACEAIR
ĐẠI BÀNG
3 năm
@BruceWayne Thế bác giải thích việc bỏ bản đồ VN ra khỏi áo trạng Tí theo nguyên tác của tác giả là vì lí do gì? Trả lời thay cho đoàn làm film vs chứ đoàn làm film chưa nghĩ ra câu trả lời ??
Nếu vì để đưa film ra rạp quốc tế vì vấn đề tranh chấp chưa được giải quyết thì xin thưa . Lợi nhuận chưa bao giờ bằng lòng tự tôn của Đất nước , thế thôi !
BruceWayne
TÍCH CỰC
3 năm
@PEACEAIR Hi :p Mình không để ý phần trang phục lắm. Khi nhìn lại ảnh thì thấy đúng là sai thiết kế. Tuy nhiên, mình để ý là thiết kế của truyện tranh ko có TS, HS, PQ. Nếu làm nguyên xi thì sẽ um xùm cả trong lẫn ngoài nước. Nếu làm không giống mà tự bổ sung các địa danh trên thì đúng là... tự nhiên làm bộ phim có khuynh hướng chính trị. Có lẽ là vì vậy nên các nhà sản xuất tự thay đổi.
Trên quan điểm của mình thì vẫn không nên quá nặng nề.
PEACEAIR
ĐẠI BÀNG
3 năm
@BruceWayne Ko có Hoàng Sa Trường Sa là vì vào thời điểm Tác Giả sáng tác ra bộ truyện thì không có tranh chấp như bây giờ đâu bạn . Bạn có thể lên tìm hiểu , còn đoàn làm film gỡ bỏ hoàn toàn biểu tượng bản đồ VN trên trang phục của Trạng Tí vào thời điểm này tức là đoàn làm film đang tránh vấn đề chính trị để lấy lợi nhuận? Xin thưa đoan làm film cũng là người VN cơ mà , nếu đã xác định bỏ thì tại sao Các nhân vật khác đều giữ nguyên , bạn nói " ko nên đặt nặng vấn đề quá " , nhưng sự thật thì nếu bạn đọc kĩ thì sẽ thấy nó mới là thứ nên đặt nặng đấy bạn ạ !
BruceWayne
TÍCH CỰC
3 năm
@PEACEAIR Trường Sa và Hoàng Sa là tranh chấp có từ thời tám hoánh rồi bạn. Không có chuyện không có tranh chấp đâu.
Đứng trên quan điểm là một nhà làm phim, không phải người làm chính trị, mình có thể thấy như sau:
1. Nếu tuân thủ đúng nguyên tác, tạo hình. Mình sẽ đưa đúng bản đồ vào trong trang phục. Nhưng nếu đưa đúng tạo hình, mình sẽ thiếu các đảo. Nếu thiếu đảo, mình sẽ gặp rắc rối cả trong lẫn ngoài nước.
2. Nếu chủ động thêm các đảo vào cho đúng thực tế, mình sẽ không đúng theo nguyên tác. Hình ảnh trang phục cần phóng tác và vẽ lại cho phù hợp. Đặc biệt là với bối cảnh bộ phim, bản đồ đó hình như chưa được thành hình. Việc chủ động này lại thành là hành động chủ động đưa vấn đề chính trị ra phía trước.
Với một người muốn làm phim thông thường, no scandal, không muốn quyết liệt, nhà làm phim sẽ thực hiện lựa chọn an toàn 😃 đã thay so với nguyên tác thì thay hẳn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019