Facebook vs Apple: Rốt cuộc dịch vụ là món hàng, hay chính chúng ta là món hàng?

P.W
31/1/2021 9:52Phản hồi: 130
Facebook vs Apple: Rốt cuộc dịch vụ là món hàng, hay chính chúng ta là món hàng?
Sau nhiều tháng trời để mặc cho Facebook công kích, từ những tuyên bố với báo giới cho đến việc mua cả một trang báo để phê phán định hướng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng thông qua iOS 14, cuối cùng Apple, hay đúng hơn là bản thân CEO Tim Cook có vẻ đã chọn cách “chơi cứng”, đưa ra những tuyên bố phê phán thậm tệ ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến, mô hình đang làm giàu dựa trên nguồn tài nguyên khổng lồ dữ liệu cá nhân của người dùng.

[​IMG]

Hôm vừa rồi, tại sự kiện International Data Privacy Day tổ chức ở Brussels, Bỉ, CEO Apple đã có những tuyên bố thẳng thắn và cứng rắn xoay quanh câu chuyện quyền riêng tư của người dùng, và ngành quảng cáo trực tuyến. Một cách đầy thâm thúy, tuyên bố của ông Cook hoàn toàn không có một chữ nào nhắc đến “Facebook” hay “Mark Zuckerberg”:

“Công nghệ hiện giờ không cần lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ, kết nối hàng chục trang web và ứng dụng thì mới thành công được. Quảng cáo trực tuyến đã tồn tại và thành công trong hàng thập kỷ trước đó, và chúng ta có được thành tựu như ngày hôm nay vì con đường ít chông gai nhất thường đem lại ít kiến thức nhất. Nếu một mô hình kinh doanh được gây dựng từ việc lừa dối khách hàng về việc lợi dụng dữ liệu, không cho người dùng bất kỳ một lựa chọn nào, thì nó không đáng được hoan nghênh, mà nó cần phải được cải cách lại.

Chúng ta không nên lờ đi thực tế tổng quát rằng thông tin giả mạo và thuyết âm mưu đang được lan truyền vô tội vạ nhờ những thuật toán. Chúng ta không thể lờ đi cái học thuyết công nghệ nói rằng tương tác nào cũng là tương tác tốt, càng nhiều càng tốt, chỉ để đạt được mục tiêu cuối cùng là thu thập càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt.


Rất nhiều kẻ vẫn đang hỏi rằng “chúng ta sẽ thu được bao nhiêu dữ liệu?” trong khi câu hỏi đúng phải là “hậu quả sẽ là gì?”

Đâu là hậu quả của việc đề cao những thuyết âm mưu và kích động bạo lực đơn thuần chỉ vì lượng tương tác quá cao? Đâu là hậu quả của việc không chỉ dung thứ mà còn ủng hộ những nội dung gây nghi hoặc cho mọi người về những liều vaccine cứu mạng con người? Đâu là hậu quả của việc để hàng nghìn người gia nhập những nhóm cực đoan rồi tạo ra những thuật toán để kích động nhiều người tham gia hơn nữa?

Không thể nào giả vờ mô hình kinh doanh này không có nguyên nhân sâu xa. Nó tạo ra những cộng đồng bị phân tán, mất đi niềm tin, và nguy hiểm hơn cả là bạo lực. Song đề xã hội không nhất thiết phải trở thành thảm họa xã hội hóa.”

Tinhte_Facebook10.jpg

Sâu cay là ở chỗ, trong tuyên bố của Tim Cook hoàn toàn không có bất kỳ từ nào nói đến Zuckerberg hay Facebook, nhưng chúng ta ngay lập tức nhận ra đó là những triệu chứng và hệ quả của nhiều người sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh trên thế giới thời gian gần đây.

Facebook gây chiến, và Apple hoàn toàn không ngán đáp trả


Có lẽ ở thời điểm này, với hơn 1 tỷ thiết bị chạy iOS, những cập nhật bảo mật mới của Apple dành cho người dùng iPhone sẽ trở thành đòn đánh mạnh nhất vào mô hình kinh doanh và đế chế quảng cáo trực tuyến mà Facebook đã tạo ra trong hơn chục năm qua. Facebook chỉ có một cách duy nhất để chống lại những thay đổi này, đó là trực diện tấn công Apple.

Tinhte_Facebook3.jpg

Quảng cáo


Suốt từ cuối năm ngoái đến nay, MXH lớn nhất hành tinh đã liên tục mua quảng cáo trên những tờ báo lớn, từ The Wall Street Journal, The New York Times và The Washington Post để phê phán quyết định cập nhật bảo mật và “dán nhãn” thông tin riêng tư cho từng ứng dụng trên App Store (cái này mình sẽ nói cụ thể trong mục sau của bài viết, vì nó xứng đáng có một phần riêng). Nhưng chung quy lại, những quảng cáo trên báo giấy mà Facebook mua đều có chung nội dung, rằng những thay đổi bảo mật và quyền riêng tư mà Apple đưa ra sẽ “gây hại cho doanh nghiệp nhỏ”“sẽ thay đổi internet theo chiều hướng tồi tệ hơn”.

Nói Facebook tuyệt vọng cũng có lý do. iOS là hệ sinh thái quá lớn ở thời điểm hiện tại. Không kiếm được dữ liệu cá nhân từ người dùng iPhone hay iPad, dẫn đến việc không kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ hệ thống quảng cáo trực tuyến sẽ khiến Facebook gặp khó khăn. Và những phản ứng dữ dội từ phía Zuckerberg là hệ quả của nhiều sự kiện trong nhiều năm trời.

“Phát triển nhanh, không ngại phá vỡ mọi thứ”


“Move fast and break things” là châm ngôn kinh doanh của Facebook trong nhiều năm trời. Ban đầu đó là định hướng cho các nhà thiết kế và giám đốc sản phẩm của tập đoàn này, nhưng nó cũng nhanh chóng trở thành một phần bản chất của MXH lớn nhất hành tinh.

Phải thừa nhận, Facebook phát triển quá nhanh, mà cũng phá vỡ rất nhiều thứ. Trong đó có rất nhiều thứ quan trọng, ví dụ như lòng tin của chính người dùng. Nhiều anh em trong chúng ta đều nhận ra rằng, những sản phẩm của Facebook miễn phí, nhưng chúng ta sẽ phải “thanh toán” cho dịch vụ đó bằng cách tự biến mình trở thành món hàng, đem dữ liệu cá nhân của chúng ta ra đổi chác để có được một nền tảng kết nối bạn bè người thân. Ở giữa cái dịch vụ mà nhiều người không thể sống mà không có nó, giữa những bài viết, những hình ảnh và status của bạn bè, là những mẩu quảng cáo “sponsored” sử dụng chính những dữ liệu mà anh em vô tình cung cấp cho Facebook, để họ tạo ra những hồ sơ dữ liệu trực tuyến đầy chi tiết về một con người, từ đó quảng cáo hiệu quả và đúng nhu cầu của người dùng.

Tinhte_Facebook4.jpg

Khi càng nhiều người nhận ra điều này, thì phong trào “xóa Facebook” cũng trở nên mạnh mẽ hơn.

Quảng cáo


Trong khi đó, Facebook lại quá quan tâm đến việc tăng số lượng người dùng dịch vụ của họ. Thôi thì ai mạnh thì có quyền lên tiếng. Họ đã trải qua muôn vàn scandal mà vẫn tồn tại, vẫn có hàng tỷ người dùng Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger.

Nhưng với Apple, Facebook không thể chơi trò “vắng mợ chợ vẫn đông”, kệ những người phản đối nữa. Lý do là với iOS 14 và “Privacy Label” cho từng ứng dụng, Apple, tập đoàn giá trị cao nhất hành tinh sẽ có những bước giáo dục từng khách hàng của họ về việc Facebook đã, đang và sẽ theo dõi người dùng như thế nào, tần suất kinh khủng ra sao. Kinh khủng hơn đối với Facebook, Apple thực sự sẽ cho người dùng một đường thoát khỏi tình trạng bị thu thập dữ liệu vô tội vạ như vậy.

Tinhte_Facebook5.jpg

Facebook biết những chiến lược mới của Apple sẽ làm hại cho họ rất nhiều về mặt doanh thu. Vì thế họ chỉ còn một cách duy nhất, công kích trực tiếp Tim Cook và Apple.

MXH lớn nhất hành tinh cho rằng, khi mọi thứ không còn “miễn phí”, những dịch vụ và trang web rồi sẽ bắt đầu thu tiền mới sống nổi, từ đó (theo họ) “internet sẽ trở thành một nơi đắt đỏ và mất hết những nội dung chất lượng mà miễn phí.” Vấn đề nằm ở chỗ, mô hình nội dụng miễn phí đã tồn tại những nhược điểm từ rất lâu, từ khi Facebook mới chỉ là một trang web dành cho anh em sinh viên ở từng khu ký túc bên Mỹ. Đấy là lý do những trang báo lớn giờ đều sử dụng mô hình đăng ký hàng tháng, hoặc bán sản phẩm để kiếm tiền.

Nói cách khác, Facebook đang không chỉ đối đầu với Apple, mà còn đang phải chống lại một tương lai không thể tránh khỏi. Và thay vì tự thay đổi để đón nhận tương lai, Facebook có vẻ như đang lãng phí rất nhiều thời gian để chống lại những chính sách bảo vệ người dùng của Apple. Facebook có to đến đâu đi nữa cũng đừng mơ nghĩ đến việc bắt Apple phải thay đổi.

Mà như mình đã từng viết trong một bài về Epic Games kiện Apple, một khi đã nghĩ mình đúng, Apple sẽ không bao giờ thay đổi ý kiến.

Privacy Label


Ở thời điểm hiện tại, tất cả những ứng dụng phân phối thông qua App Store iOS và macOS sẽ phải có những bảng thông tin cụ thể về quyền riêng tư và cách chúng thu thập dữ liệu người dùng, cũng như tạo ra những lựa chọn cho chính người dùng. Mỗi “nhãn dán” này sẽ có ba mục: Dữ liệu dùng để theo dõi bạn, dữ liệu liên quan đến bạn, và dữ liệu không liên quan đến bạn.

Mỗi mục này sẽ hiển thị cụ thể một ứng dụng sẽ thu thập những dữ liệu gì, và sẽ làm gì với chúng. Lấy ví dụ, ở mục dữ liệu dùng để theo dõi có thể có dữ liệu địa điểm, thông tin liên lạc, và quan trọng nhất là mã số định danh thiết bị phục vụ quảng cáo (IDFA). Ở mục dữ liệu liên quan có thể có thông tin tài chính, thông tin sức khỏe, v.v… Thậm chí yêu cầu của Apple với Privacy Label còn phải có cả thông tin về việc ứng dụng đó có kết nối các dịch vụ và trang web khác để liên kết dữ liệu cá nhân hay không.

Tinhte_Facebook2.jpg

Hiện tại đã có nhiều ứng dụng đã cung cấp những thông tin đó để Apple cập nhật trên App Store. Theo Apple, những thông tin này chỉ bắt buộc khi một nhà phát triển app gửi bản ứng dụng mới hoặc bản cập nhật ứng dụng cho Apple để đánh giá trước khi cho lên App Store. Trong hướng dẫn dành cho dev, Apple nói rằng “bạn có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và kịp thời.”

Vấn đề của Apple là sẽ rất khó để xác định tính trung thực của mỗi thông tin bảo mật mà các dev cung cấp cho họ. Nhưng một khi đã làm được tốt tính năng này, thì lòng tin của người dùng với iOS, macOS lẫn App Store sẽ tăng lên rất nhiều.

Còn đối với Facebook, kết hợp Privacy Label với những tính năng bảo mật của iOS 14, ví dụ như tính năng cho phép người dùng tắt tính năng theo dõi địa điểm, đấy sẽ là một cơn ác mộng đối với Facebook, khi giờ đây những chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu cá nhân của họ sẽ bị phơi bày đầy đủ cho tất cả mọi người cùng đọc và hiểu rõ ràng.

Apple: Doanh thu từ sản phẩm/Facebook: Doanh thu từ người dùng


Bản chất mô hình và triết lý kinh doanh của Apple và Facebook đã từ lâu khác biệt 180 độ.

Apple là một tập đoàn tạo ra những sản phẩm thiên về phong cách sống. Một phần “phong cách sống” với những sản phẩm của Apple, chí ít là đến giờ, đó là người dùng có nhiều quyền chọn lựa hơn về quyền riêng tư. Ở khía cạnh hoàn toàn trái ngược, Facebook tạo ra những sản phẩm kết nối mọi người để thu thập càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt. Lượng dữ liệu đó càng đồ sộ, thì doanh thu quảng cáo có định hướng của Facebook càng cao, vì quảng cáo càng hiệu quả, tiếp cận đúng người đúng nhu cầu.

Tinhte_Facebook6.jpg

Tim Cook nói thẳng thắn: “Hệ quả không thể tránh khỏi của mô hình kinh doanh này là bạn không còn là khách hàng nữa. Bạn chính là món hàng để họ kinh doanh.” Ông nói thêm về quyết định tạo ra những cập nhật giúp anh em dùng iOS có quyền quyết định về quyền riêng tư của chính bản thân mình: “Chúng tôi tin rằng công nghệ có đạo đức là thứ công nghệ sẽ phục vụ con người. Đấy là thứ công nghệ giúp bạn ngủ ngon, chứ không phải ép các bạn dán mắt vào màn hình. Đấy là thứ công nghệ có thể cảnh báo bạn khi sử dụng quá đà. Đấy là thứ công nghệ cho bạn khoảng không gian riêng để sáng tạo, để học hỏi, chứ không phải cứ 5 phút lại ấn refresh một lần.”

Tinhte_Facebook7.jpg

Hai con đường của Apple và Facebook khác nhau đến mức tuyệt đối. Nhưng vì chính bản thân thực trạng công nghệ hiện tại, hai con đường đó rồi sẽ dẫn tới xung đột. Và nếu cả “trời” và “đất” đều không chịu nhường nhau, thì một trong hai sẽ phải gặp thiệt hại lớn.

Trong cuộc họp công bố doanh thu hôm 27/1 vừa rồi, Zuckerberg nói: “iMessage là dịch vụ tối quan trọng của hệ sinh thái sản phẩm Apple. Nó được cài sẵn trong mọi chiếc iPhone, và nó được Apple ưu ái bằng API riêng cũng như cung cấp rất nhiều quyền hạn, đấy chính là lý do vì sao iMessage là dịch vụ nhắn tin được dùng nhiều nhất tại Mỹ. Apple có mọi lý lẽ để sử dụng nền tảng lớn của họ để can thiệp vào cách ứng dụng của chúng tôi hay của những người khác vận hành, và cũng thường xuyên có những thay đổi để tạo lợi thế cho sản phẩm của chính họ. Những thay đổi này, kể cả những cập nhật trong iOS 14, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới.”

Tinhte_Facebook8.png

Lý lẽ của Zuckerberg thật ra rất dễ hiểu. Theo CEO Facebook, Apple tạo ra những giới hạn về quyền riêng tư và thu thập dữ liệu của các ứng dụng bên thứ 3, trong khi lại ưu ái dịch vụ của riêng Apple cung cấp. Cách tranh luận của Zuckerberg rất giống với lý lẽ của Epic Games khi họ khởi kiện Apple, nhưng bản chất vấn đề hoàn toàn khác nhau. Epic Games muốn có một thị trường mở trên iOS, muốn có một chợ ứng dụng của riêng họ mà ai dùng thiết bị gì cũng có thể cài đặt. Còn Facebook thì muốn giữ nguyên tình trạng như trước kia, không ai kiểm soát tốc độ và quy mô thu thập dữ liệu người dùng của họ, để thoải mái kiếm tiền từ dịch vụ quảng cáo.

Và, chính cái lý lẽ “Apple o ép ứng dụng bên ngoài”, Facebook có thể dễ dàng che đậy mục tiêu quan trọng nhất của họ bằng chiêu bài “cạnh tranh không lành mạnh”. Anh em có thấy kỳ lạ khi Facebook tuyệt nhiên không đả động gì đến những lần mạng xã hội của họ trở thành công cụ lan truyền thông tin giả mạo, sai lầm về đại dịch COVID-19 hay kỳ bầu cử Mỹ vừa rồi, mà gần đây chỉ thấy công kích Apple hay không?

Tinhte_Facebook9.jpg

Còn có ghét hay yêu Epic Games, cũng phải thừa nhận rằng họ thẳng thắn, và trung thực với mục tiêu của họ trong từng lời tranh luận.

Khi trâu bò húc nhau, chỉ có ruồi muỗi thiệt. Những gì Zuckerberg nói cũng không phải sai lầm hoàn toàn. Lý do là vì nhiều năm qua, các cửa hàng, doanh nghiệp quy mô nhỏ đã quá quen với việc ứng dụng mô hình mà Facebook xây dựng một cách vô cùng thành công để tìm kiếm khách hàng. Khi mô hình đó sụp đổ, sẽ chỉ có những người tỉnh táo thay đổi chiến lược quảng cáo mới có thể tiếp tục gặt hái thành công về doanh thu lẫn lượt tiếp cận khách hàng.
130 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

vailin
CAO CẤP
3 năm
Không phải bênh apple đâu nhưng thấy fb vẫn là sai
ch78
ĐẠI BÀNG
3 năm
@crazyhotdog1981 Mình không phải người kinh doanh, sẽ nhìn từ góc độ của mình, không hơi đâu đi nhìn góc độ người kinh doanh làm gì. Chẳng phải ngẫu nhiên mà xã hội hiện đại có chế độ bầu cử hay trưng cầu dân ý, trong đó mỗi người có 1 lá phiếu công bằng như nhau, ứng viên/chính sách nào được đa số ủng hộ thì sẽ chiến thắng. Người kinh doanh mà bạn nói chỉ là một phần trong xã hội thôi, chưa chắc họ đại diện cho số đông. Đúng hay sai mà đưa ra lập luận thì bên nào cũng sẽ có lý được cả, tuy nhiên, xã hội tiến bộ không thể để lợi ích của số ít đặt lên trên số đông. Apple đơn giản chỉ là đưa ra một lựa chọn cho người sử dụng, có thể coi như là "cho họ một quyền bỏ phiếu", điều mà trước đến nay họ không có. Apple đâu có đóng cửa hoặc ngăn chặn việc các mạng xã hội thu thập thông tin cá nhân người dùng đâu; ai muốn sử dụng dịch vụ của các mạng đó, đồng ý để họ thu thập để đổi lấy dịch vụ miễn phí thì vẫn có thể làm vậy được mà. Apple chỉ giúp cho những người không muốn bị thu thập thông tin cá nhân một cách không tự nguyện ngăn chặn việc đó thôi. Tới đây khi dùng FB thế nào chẳng có yêu cầu của FB đòi người dùng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý đối với việc FB thu thập thông tin cá nhân trước khi được sử dụng dịch vụ của FB. Thực ra, đây là điều họ cần phải làm lâu nay rồi (mà không chịu làm).
@ch78 Bạn nói apple chỉ làm như vậy...đơn giản. Nhưng nó là chặn nguồn sống của Fb còn gì. Như đã nói ở trên. Thì người dùng 100% là chọn không cho FB tracking.

Vậy Fb chỉ có 2 lựa chọn 1 là không cho tracking nhưng vẫn cho dùng FB bình thường -> FB mất doanh thu.
2 Fb chặn những người dùng không cho tracking dùng FB thì FB mất người dùng. Kiểu gì thì cũng bất lợi.

Trong khi đó quảng cáo định hướng là bước tiến trong ngành quảng cáo giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Người dùng tiếp cận đúng sản phẩm họ muốn.

Còn nhớ cái thời chưa có quảng cáo định hướng cửa google hay FB thì khi vào web popup nó nhảy ra như điên. Banner đầy màn hình. Nếu FB họ không định hướng đúng khách thì nó sẽ hiện nhiều quảng cáo hơn thôi.
@baby_ghost127 Số người chấp nhận bỏ tiền ra thuê nick ít lắm bạn ơi, đa số là muốn xài chùa, xài chùa thì phải chấp nhận quảng cáo chứ sao
@Chạt Phích Bạn nói thế chứ Youtube Premium hơi bị nhiều người xài ah. Nó đang thử nghiệm ở vài nước thôi chứ mà mở rộng ra hết chắc nhiều người mua. Chứ đang coi mà "nhà tôi 3 đời..." ngán tận cổ
Ủng hộ Apple - luôn vì người dùng
Theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng bản chất đã là sai. Còn đem dữ liệu đó để bán và kinh doanh kiếm tiền thì nó càng sai hơn.
@honghai2196 Người dùng cũng sai vì ngay từ đâu đã đồng ý với điều khoản của họ để được dùng miễn phí.
Facebook nó viết điều khoản, người dùng không có sự lựa chọn ngoài đồng ý điều khoản. Còn apple chỉ là nhân tố tạo ra cho người dùng thêm quyền lực.
Cũng giống như chuyện tôi xài facebook, facebook bắt tôi phải công bố mật khẩu két sắt, và tôi buộc phải công bố, đó là chuyện trước kia. Còn bây giờ tôi có quyền không công bố cho facebook mật khẩu két sắt nữa.

Tôi thích là chuyện apple trao quyền cho người dùng quyết định những gì người dùng muốn chia sẻ cho developer. Chứ không phải biến người dùng thành con mồi cho dev mặc xác muốn làm gì thì làm.
sptit_145
TÍCH CỰC
3 năm
@honghai2196 Bản chất ở đây là việc mua bán, ai thích bán gì thì bán, ai thích mua gì thì mua, thằng táo bán thiết bị, không bán dữ liệu cá nhân, ai thích thì mua thiết bị, không thích thì đừng mua. thằng fb mua dữ liệu cá nhân, ai thích thì bán cho nó, ko thích thì đừng bán. 2 thằng đó rảnh quá đi cà khịa nhau, một đám fan cuồng rảnh quá đi chửi dùm
POL_279
CAO CẤP
3 năm
@honghai2196 Muốn sử dụng miễn phí thì phải đánh đổi thôi bác ơi, cho đôi bên đều có lợi
Bài viết hay quá
jk.y
TÍCH CỰC
3 năm
Ủng hộ Apple. Ng dùng cần nên biết mình bị theo dõi và thu thập những gì, và họ chính là ng có quyết định nên dùng hay ko dùng sản phẩm đó tiếp. Và nói thật, công khai theo dõi gì trên Appstore chưa chắc nhiều ng đã để ý.
Mình nghĩ cả 2.
Ủng hộ Apple 🍎🍎🍎
Dù thế nào thì 1 lượng ko nhỏ bá tánh vẫn đang xài song song cả dịch vụ của FB lẫn Apple 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@crazysexycool1981 100% a em TT luôn
Cười ra nước mắt
vunh94
CAO CẤP
3 năm
@crazysexycool1981 pha này ông apple muốn fb shảre cho 30% mảng quảng cáo từ fb đây mà :D
@Võ Thành Quân Ko đâu chú, nhiều người ko xài FB hoặc mới bỏ FB òi 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Văn vở vậy thôi chứ ý thâm sâu của a Cook là: chia 50/50 đi tao mở cửa.
@Chris Bryan Rồi Apple đạt đc gì từ đó mà họ phải quyết liệt? Chắc chắn ko hẳn vì ng dùng rồi. Vì nếu phải thì nói đểu thêm thằng Google, Tiktok... chứ việc gì phải nói khoái Facebook
Kể cả thu thập thông tin cá nhân thì cũng chỉ dựa để đưa ra quảng cáo, còn mua hay ko là do bạn. Họ cũng chẳng dùng thông tin đấy để bôi xấu, làm gì bẩn thỉu nên góc độ ng dùng tôi thấy nó là gì rất bình thường luôn
@pro744 khi apple áp privacy transparent thì google tiktok ko ai chửi bới, ng nhột vs doanh thu bị ảnh hưởng là Fb vì mô hình kdoanh hoàn toàn dựa trên dữ liệu cá nhân ngc dùng, thế là ảnh kiếm chiên và tuyên chiến vs apple...
@pro744 Google cũng bị mà, còn TikTok đâu phải app sống bằng quảng cáo bạn? Sao lại ko dùng để bôi xấu, nếu như dữ liệu cá nhân thu thập được bị rò rỉ, bị hacker lấy đi thì bạn nghĩ hacker họ sẽ làm gì? Bạn chưa bị nên thấy nó bt thôi 😆
POL_279
CAO CẤP
3 năm
@Nghiện Là Dở Rồi Chia chút lợi nhuận thì chịu nha 🤣🤣🤣
hỏi lơ ngơ , chúng ta là món hàng chứ gì .
@palmtj27
Cười vô mặt
@palmtj27 Là súc vật chờ hút máu...
Cần thu thập thông tin , máu xấu máu tốt , thiếu hay dư dã ...để hút nhiều hay ít .
Chúng ta chính là món hàng còn 2 ông đó chỉ là dân buôn !
POL_279
CAO CẤP
3 năm
@Tuat Phan Có qua có lại thôi 🤣🤣
Chúng ta là con tốt trên bàn cờ A/Fb
Mấy thằng óc fb với gg cút khỏi appstore cmnd, sống ký sinh mà cứ làm như bố đời
HP_101
ĐẠI BÀNG
3 năm
FB mà thắng kiện sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho các hãng khác trong tương lai, kinh doanh thông tin người dùng là quá tệ.
Hỏi ông Mark chứ ai dòm ngó nhà ông chụp ảnh rồi đem bán ông chịu ko?
@HP_101 tất nhiên là ổng nói không , tao còn dùng băng dính dán camera laptop kia mà
Cười vô mặt
Ủng hộ Apple.
@Tino Pham Ủng hộ gì? Thằng Apple muốn thu tiền của FB thôi chứ nó cũng chẳng tốt đẹp gì đâu.

Google hàng năm cũng phải cúng 12 tỷ đô cho Apple kìa. FB sao free mãi vậy được?

Bạn ủng hộ thằng nào rồi cũng thành món hàng của chúng nó thôi. Chả tốt đẹp gì đâu.
@p700i Vậy thì pó tay haha
Cười vô mặt
POL_279
CAO CẤP
3 năm
@p700i Chuẩn r, ai cho free không trên nền tản, chiêu trò kinh doanh qua lại thôi, có thiệt hại gì là người dùng chứ kh phải hai bên kia
Cách đây mấy năm tui mà nói FB đáng sợ và nguy hiểm như thế nào thì thể nào cũng đủ gạch xây biệt phủ. Nhờ ơn đảng và chính phủ Apple khai sáng nên các con chiên ngoan đạo đã từng ngày nhận ra được bộ mặt xấu xa kia. Xin cám ơn lần nữa.
@copthuy cuhiep dùng đồ Táo vẫn chém gió facebook hằng ngày đó thôi.
Cười vô mặt
2 mô hình kinh doanh khác nhau. Đồ táo bán ra giá hầu hết đều cao ngoài tầm với của đa số, còn google, facebook người vô gia cư cũng dùng được, đổi lại bằng thông tin cá nhân. Tất nhiên việc thông tin cá nhân bị lạm dụng quá nhiều nhưng phần đông vẫn chấp nhận đánh đổi để được tiện lợi thôi.
@nghaimin giá cao thì chứng minh đẳng cấp người dùng, chả sao cả
Không biết nói j. Chờ các cao nhân vào chém...ngồi xem và thư giãn 😁. Gần tết rồi
Bài viết quá hay và kết nhất câu này, nó xảy ra ở hầu hết người dùng mạng xã hội:
“Chúng tôi tin rằng công nghệ có đạo đức là thứ công nghệ sẽ phục vụ con người. Đấy là thứ công nghệ giúp bạn ngủ ngon, chứ không phải ép các bạn dán mắt vào màn hình. Đấy là thứ công nghệ có thể cảnh báo bạn khi sử dụng quá đà. Đấy là thứ công nghệ cho bạn khoảng không gian riêng để sáng tạo, để học hỏi, chứ không phải cứ 5 phút lại ấn refresh một lần.”

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019