Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Review HyperX Cloud II Wireless: Thiếu chút nữa thì trở thành tai nghe gaming hoàn hảo

P.W
23/4/2021 16:48Phản hồi: 16
Review HyperX Cloud II Wireless: Thiếu chút nữa thì trở thành tai nghe gaming hoàn hảo
Thiết kế của Cloud II từ HyperX giờ cũng có thể gọi là tiêu chuẩn của tai nghe chơi game: Headband bọc đệm, gọng thép cố định earcup nhựa cỡ lớn, ôm trọn vành tai. Thiết kế này tối giản đến mức không thể gọt bỏ chi tiết thêm được nữa, và đã được Kingston ứng dụng suốt 7 năm qua một cách vô cùng thành công, khi hãng linh kiện và phụ kiện PC Đài Loan mua lại thiết kế tai nghe từ Qpad và Beyerdynamic để tạo ra cặp HyperX Cloud phiên bản đầu tiên. Từ đó tới nay, Cloud, rồi Cloud II, hay những phiên bản cao cấp hoặc bình dân hơn đều được rất nhiều anh em tin dùng. Nếu anh em thấy HyperX Cloud na ná giống những chiếc Beyerdynamic như DT770 thì đó chính là lý do đấy.

Mình cũng không phải ngoại lệ. Cặp HyperX Cloud II đầu tiên mình mua là vào giữa năm 2015. Bản Cloud II khi ấy có cả soundcard 7.1 trên dây tín hiệu âm thanh. Đến giờ mình vẫn giữ cặp đó, nhưng earpad tróc hết rồi, da PU không chịu được khí hậu Việt Nam. Vừa hay sau khi mua PS5 thì cặp tai “chính thức” của Sony PS4, PlayStation Platinum Wireless Headset cũng bị hỏng receiver, không bắt được tín hiệu không dây nữa, thế là lại có cớ xin tiền đi mua Cloud II Wireless hồi đầu năm nay. Từ đấy đến giờ, mình dùng cặp tai này cả trên PC lẫn console.

Tinhte_Cloud13.jpg

HyperX quảng cáo Cloud II Wireless hỗ trợ cả PC lẫn mọi thế hệ console, kể cả Nintendo Switch, nhưng phải nói trước kẻo anh em nhầm. Cloud II Wireless chỉ có thể kết nối thông qua bước sóng 2.4 GHz cùng dongle đi kèm, chứ không có Bluetooth. Chơi game trên Switch chỉ dùng được cặp tai nghe này ở chế độ docked mode, cắm dongle vào cổng USB của máy, chứ handheld mode thì không dùng được. Tương tự như vậy với PC và PS5, dongle sẽ chiếm một cổng USB trên máy. Cloud II Wireless không có Bluetooth là thứ duy nhất khiến mình thấy tiếc, vì chỉ cần thêm công nghệ kết nối này, chắc chắn cặp tai nghe mới ra mắt cuối năm ngoái của HyperX sẽ là hoàn mỹ. Mình sẽ dùng nó mọi lúc mọi nơi, với PC, laptop, PS5, kể cả điện thoại khi ra đường, vì nó vừa êm vừa đã.

DSC04216.jpg


Nhưng bản thân mức giá của Cloud II Wireless không cho phép nó sở hữu cả hai khả năng kết nối không dây. Hiện giờ gaming headset cũng chỉ có vài loại đếm trên đầu ngón tay là dùng được cả với Bluetooth lẫn dongle 2.4 GHz. Lấy ví dụ EPOS GSP 670, chiếc đó giá gấp đôi Cloud II Wireless. Trong khi đó Corsair HS70 có hẳn hai bản khác nhau, một bản kết nối Bluetooth, một bản dùng dongle tách bạch hoàn toàn. SteelSeries Arctis 9X thì chỉ có Bluetooth, thời lượng pin thì kém hơn. Không đòi hỏi nhiều nữa, đành chịu khó chỉ dùng cặp tai gaming này lúc chơi điện tử vậy.

Tinhte_Cloud14.jpg

Lẽ ra, nếu chịu khó xài giữ gìn một chút, anh em sẽ được xem bộ ảnh so sánh Cloud II và Cloud II Wireless, để thấy được rằng 7 năm qua, HyperX Cloud giữ vững quan điểm, cái gì hỏng thì không cần sửa. Ngoại trừ hai gọng thép đỏ chót cố định hai bên earcup được chỉnh lại thiết kế, trông đỡ đơn điệu hơn xưa, cùng những nút điều khiển ở viền tai nghe, thì mọi chi tiết khác đều chẳng khác biệt chút nào.

Ở một khía cạnh nào đó, cái cảm giác sản phẩm mới giống y hệt cặp tai nghe mình đã gắn bó suốt từ những năm tháng cày cuốc CS:GO để đi đấu giải, khiến mình nghĩ rằng đây là một phép thử nho nhỏ của HyperX. Khi tất cả những thiết kế khác lạ, từ Cloud Revolver cho tới Cloud Flight, dù mới mẻ nhưng không thể vượt qua cái bóng của Cloud II, sẽ như thế nào khi HyperX tạo ra một sản phẩm bình cũ rượu mới, nâng cấp tổng thể khả năng kết nối và giữ nguyên bộ cánh bên ngoài?

Tinhte_Cloud11.jpg

Cho dù mục đích của HyperX là gì khi giữ nguyên thiết kế của Cloud II cho bản không dây, thì họ đã thành công trong một điều, đó là giữ lại sự êm ái thoải mái khi đeo tai chơi game trong thời gian dài. Điều kỳ diệu ở đây là, dù có cả pin lẫn hệ thống DAC biến tín hiệu âm thanh số từ máy tính gửi vào tai nghe thành tín hiệu âm thanh analog ra hai driver kích thước 53mm hai bên, nhưng Cloud II Wireless vẫn nhẹ hơn Cloud II gần 50 gram, nếu tính cả dây cáp kết nối và microphone trên bản cũ. Đeo liền 6 tiếng đồng hồ cày Titanfall 2 vẫn vô cùng thoải mái.

Tinhte_Cloud10.jpg

Ấy là chưa kể, hệ thống điều khiển âm thanh trên Cloud II Wireless về cơ bản là đơn giản không rườm rà. Anh em chỉ cần để ý tới nút cuộn điều chỉnh âm lượng ở earcup phải, và nút vô hiệu hóa microphone ở tai trái. Trên Windows, mỗi nấc của nút cuộn tương ứng với 2% âm lượng, còn thử nghiệm trên PS5, volume từ 0 - 100 tương đương 14 nấc cuộn. Mình hay chơi ở mức số 7 đến mức số 9. Game bắn súng chói tai thì để mức 7, còn game đua xe để mức 9 để nghe tiếng động cơ cho đã.

Quảng cáo



Tinhte_Cloud7.jpg

Kết nối HyperX Cloud II Wireless rất đơn giản, với dongle hình dáng giống hệt như một cặp tai nghe khác mình từng dùng, Cloud Flight, chiếc tai nghe không dây tầm trung. Chỉ cần giữ nút nguồn bật lên, tai sẽ tự động tìm dongle để kết nối. Không có Bluetooth nên cũng không cần phải chọn chế độ kết nối, rất nhanh và gọn gàng, bật lên là bắt đầu chơi game.

Tinhte_HyperX1.jpg
Tinhte_HyperX2.jpg

Điểm cộng khác của Cloud II Wireless là cổng sạc USB-C, thay vì Micro USB như Cloud Flight. Giờ phụ kiện, từ bàn phím, ổ cứng ngoài, tay cầm DualSense hầu hết đều chuyển sang USB-C rồi, một cọng cáp là đủ cho mọi nhu cầu.

Tinhte_Cloud6.jpg

Quảng cáo


Ở một khía cạnh khác, cáp USB-C đi kèm với tai nghe chỉ dài có nửa mét, nếu lỡ tay đêm hôm trước quên sạc thì cũng không dùng nó để cắm tạm tiếp tục dùng được. Bù lại, sạc tai cũng rất nhanh. Thực tế thử nghiệm sạc từ lúc cạn đến lúc đầy pin, gần hai tiếng là xong. Thời lượng pin cũng tương đối gần so với quảng cáo của Kingston. Ở âm lượng 80%, mình chơi được 5 ngày liên tục, mỗi ngày gần 6 tiếng, mà lúc mở ứng dụng HyperX Ngenuity kiểm tra thì vẫn còn vài phần trăm pin, chưa hết. Kingston quảng cáo chiếc này ở âm lượng 50% đạt thời lượng pin 30 tiếng. Con số này phụ thuộc nhiều vấn đề, mà âm lượng cũng chỉ là một yếu tố tác động. App Ngenuity của HyperX cũng là nơi để bật chế độ giả lập âm thanh vòm 7.1 cho tai nghe, còn trên PS5, Sony hỗ trợ xuất tín hiệu âm thanh 360 Reality Audio, không cần đến 7.1 của tai cho lắm.

Tinhte_Cloud1.jpg

Giờ là đến đoạn mình tin nhiều anh em quan tâm nhất, đấy là chất âm và chất lượng âm thanh từ microphone đi kèm với tai. Nói ngắn gọn, Cloud II ngày xưa là một ví dụ cụ thể của việc hạ trung âm đẩy bass và âm cao, chơi game nghe tiếng cháy nổ tưng bừng nhưng nghe nhạc thì đúng chống điếc, trừ phi anh em dùng cặp tai nghe này để thưởng thức EDM. Cloud II Wireless không khác nhiều, vẫn dồn dải mid-bass lên để tạo ra cảm xúc cho từng màn chơi kết hợp nhạc nền, cảm nhận được rõ ràng tác động của cặp loa bên trong, nhưng bù lại, âm thanh đã có chiều hướng cân bằng hơn. Thử nghe nhạc bằng tai này, lời hát và tiếng nhạc cụ đã không còn bị âm trầm át sạch nữa.

Tinhte_Cloud4.jpg

Tương tự như vậy khi ngồi bắn CS:GO, tiếng bước chân và tiếng súng có nội lực hơn nhiều, chứ không cảm giác bẹt bẹt như cặp tai nghe có dây đời cũ. Dù vậy, vấn đề cố hữu với tai nghe kết cấu kín (closed back) vẫn là âm trường. Những đoạn chiến đấu dữ dội căng thẳng, có cả tiếng flash, tiếng lửa cháy dưới chân, rồi tiếng súng của cả địch lẫn đồng đội xung quanh, rất khó để “nhặt” ra tiếng footstep ở vị trí nào chính xác để báo cho đồng đội (có khi cái này tại già rồi nên chơi điện tử không ghê và thính như ngày xưa nữa?). Chơi game đã như vậy, thì việc nghe nhạc bằng tai nghe này thiết nghĩ không nên viết thêm, vì đôi tai của những người yêu đồ âm thanh khó chiều lắm.

Tinhte_Cloud9.jpg

Trong khi đó, microphone của Cloud II Wireless cũng chỉ ở mức gọi là dùng được, nếu không có mic dùng cho caster hay người làm podcast, thì nói vẫn nghe được tiếng rõ ràng rành mạch. Có điều anh em giọng trầm sẽ thấy mic của tai nghe bị dìm dải bass và một phần dải mid để khiến từng câu nói trở nên rõ ràng hơn. Bản thân microphone của tai cũng có kết cấu khác xưa, có lưới lọc ở cả mặt trước và mặt sau, âm thanh thu vào tự nhiên hơn, nhưng cũng dễ lọt tạp âm, đặc biệt là tiếng quạt. Án nút điều khiển mic dưới nút nguồn, đèn sáng lên nghĩa là mic đang bị vô hiệu hóa:

Tinhte_Cloud3.jpg
Tinhte_Cloud2.jpg

Như đã nói, phép thử “cái gì không hỏng thì không cần sửa” đã tạo ra HyperX Cloud II Wireless. Nó giữ được lợi thế lớn nhất của Cloud II, đó là sự thoải mái trong quá trình sử dụng, thêm thắt vào đó là thời lượng pin đáng nể. Còn việc âm thanh từ cả hai bên driver lẫn microphone tạo ra không khác biệt quá lớn so với bản cũ, có lẽ cũng không phải là điều khiến anh em gamer phiền lòng. Đến đây cũng phải nghĩ người yêu game đúng là dễ tính.

HyperX Cloud II Wireless là một sản phẩm tốt. Nó không hoàn hảo, nếu có Bluetooth thì sẽ chấm 10 điểm luôn, không chê được gì trong phạm vi thị trường tai nghe gaming wireless. Nhưng sản phẩm này vẫn đủ tốt để anh em bỏ gần 4 triệu Đồng nâng cấp, bỏ bớt dây rợ vướng víu, và phục vụ được nhiều nhu cầu giải trí tại nhà.

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

16 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ThanhLong37
ĐẠI BÀNG
3 năm
giá cao quá hè... chưa có tiền mua
@ThanhLong37 bạn có thể mua bản cloud 2 wire
@ThanhLong37 Mua shopee tầm 3 củ thôi
Giá cao nhỉ
CBDancer
TÍCH CỰC
3 năm
Đang dùng Cloud 1 😆 âm thanh khá cân bằng, mình test tần số âm thanh nghe được dải high khá rộng. Còn rộng hơn vài chiếc chuyên nghe nhạc cùng tầm tiền
Ngon nhỉ, mình mới sút con HS70 đi, để ngâm cứu lấy em ni về dùng thử ;)
@AĐÙMEN Mình đang phân vân con cloud với con này mãi chưa biết mua con nào 😱😱😱
Ủa k phải Bluetooth mà đắt gấp đôi bản thường
"Thiếu chút nữa" ở đây nó cũng giống như câu "Thiếu chút nữa em đã là vợ anh"
@hongphuc1992 Thiếu bluethooth thì cũng đúng là như vậy
em này so với Cloud Flight thì em nào hơn các bác nhỉ
sLim.
TÍCH CỰC
3 năm
Mình dùng cloud 2 bản có dây sau đó sang cloud flight. Rất ngon
Vũ David
ĐẠI BÀNG
3 năm
Ngầu quá
Mình có 1 cặp, xài phê thiệt 😁
vì là tai nghe gaming nên việt không hỗ trợ Bluetooth cũng là điều dễ hiểu
bookmarks
ĐẠI BÀNG
3 năm
dùng đời đầu, bắn csgo ổn

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019