Kit RAM mình thích nhất trong năm qua: T-Force XTREEM ARGB

bk9sw
26/11/2021 20:46Phản hồi: 27
Kit RAM mình thích nhất trong năm qua: T-Force XTREEM ARGB
Mấy lần build PC làm đánh giá phần cứng thì có anh em nhắn hỏi mình về RAM. Tiện đây mình chia sẻ với anh em về kit RAM mình đang xài trong năm qua, rất đẹp và hiệu năng tốt. Kit này của T-Force, dòng XTREEM ARGB và phiên bản mình xài là kit 2 x 8 GB DDR4-3200 CL14 (14-14-14-34).

tinhte tforce xtreem argb-9.jpg
XTREEM là dòng RAM cao cấp của T-Force, nó cao hơn dòng Delta RGB phổ thông. Từ khi mới ra mắt thì mình đã ấn tượng với XTREEM vì nó có thiết kế như một khối tinh thể thay vì kết hợp giữa heatsink nhôm và đèn RGB như thiết kế truyền thống của nhiều hãng làm RAM cao cấp. Vì vậy mình chọn XTREEM ngay từ đầu về yếu tố thẩm mỹ, nó sẽ phù hợp cho những dàn PC build theo kiểu long lanh với nhiều thành phần có tráng gương hay build theo lối full đèn RGB.

tinhte tforce xtreem argb-10.jpg
Mặt trước của thanh RAM được thiết kế dạng một lớp nhựa trong mờ, có màu tím xanh, chia đôi lớp nhựa này là một dải kim loại khắc tinh xảo. Lớp nhựa này sẽ khiến đèn ánh sáng đèn RGB ánh qua vừa phải, sáng đều cả thanh RAM thay vì chỉ phần viền trên của thanh RAM như thiết kế thông thường.

tinhte tforce xtreem argb-11.jpg

Mặt sau của thanh RAM vẫn có lớp heatsink tản nhiệt bằng kim loại, T-Force thiết kế RAM một mặt chip nên miếng tản nhiệt này là đủ để giải phóng nhiệt lượng từ các IC trong tình huống sử dụng thông thường.

tinhte tforce xtreem argb-2.jpg
Hệ thống đèn RGB tích hợp trong thanh RAM tạo ra ánh sáng rất độc đáo. Mình đã xài kit RAM này trên các bo mạch chủ của ASUS, Gigabyte và MSI thì đều tương thích tốt và đồng bộ đèn được với các công nghệ đèn riêng của các hagnx như ASUS AURA, MSI MysticLight hay Gigabyte Fusion. Trong hình là mình xài trên bo mạch chủ Z590 Maximus XII Hero - cả thanh RAM sáng lên và sáng rất đều nên cá nhân mình đánh giá đây là kit RAM có đèn RGB đẹp nhất hiện tại.



Tuy nhiên, đèn đóm hay yếu tố thẩm mỹ không phải là thứ duy nhất khiến mình chọn kit RAM này. XTREEM ARGB có nhiều mức tốc độ và timing, kit mình xài là DDR4-3200 CL14-14-14-34 và đây cũng là thông số yêu thích của mình với RAM DDR4 bởi timing thấp. Ngoài ra XTREEM ARGB còn có DDR4-3200 CL16-18-18-38, DDR4-3600 CL14-15-15-35 hoặc CL18-22-22-42, DDR4-4000 CL18-22-22-42/CL18-20-20-44/CL18-24-24-46, DDR4-4533 CL18-24-24-46, DDR4-4800 CL20-28-28-48, DDR4-5066 CL20-30-30-50 và DDR4-5333 CL22-32-32-52. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì mình thấy chỉ bán chủ yếu các phiên bản 3200, 3600 và 4000, đây là mức xung phổ biến và mức giá cũng không quá xa vời.

Khi anh em mua RAM thì nên để ý tới con số CAS Latency (CL) nhưng không chỉ là con số CL14 hay CL16 mà toàn dải timing. Như kit của mình là DDR4-3200 CL14 (14-14-14-34), CAS Latency là con số đầu tiên và nó thể hiện thời gian cần để bộ nhớ phản ứng với CPU. CAS viết tắt của Column Access Strobe và 14 ở đây có nghĩa là 14 chu kỳ xung (cycles). Để xác định được độ trễ thực tế của RAM thì cần phải kết hợp với xung nhịp của RAM nữa, chúng ta dùng công thức đơn giản là (CAS Latency/RAM Speed) x 2000. Như kit của mình là (14/3200) x 2000 = 8,75 ns (nano giây). Như vậy nếu anh em mua một kit DDR4-3200 nhưng CL của nó là 16 thì độ trễ CAS Latency sẽ là (16/3200) x 2000 = 10 ns. Dĩ nhiên kit RAM DDR4-3200 CL16 này sẽ rẻ hơn so với kit RAM DDR4-3200 CL14. Ngoài ra, không phải cứ xung cao là ngon, nếu xung thấp mà đi với CAS Latency thấp thì sao? Mình từng xài kit RAM DDR4-3000 CL15 và độ trễ CAS Latency thực của nó là (15/3000) x 2000 = 10 ns như vậy nó ngang về độ trễ so với DDR4-3200 CL16.

Thế nhưng CAS Latency chỉ là một phần của câu chuyện, 3 con số còn lại của dải timing quyết định rất nhiều đến giá trị của một thanh RAM. Con số thứ 2 là TRCD (Row Address to Column Address Delay) - RAM truy xuất theo hàng cột, cho dễ hình dung anh em nghĩ tới cái bảng Excel, khi truy xuất dữ liệu thì sẽ tìm hàng trước rồi mới tìm xuống cột để xác định dữ liệu và TRCD là số chu kỳ xung tối thiểu của quá trình truy xuất này, kit của mình là 14 cycles. Con số thứ 3 là TRP, độ trễ pre-charge tức thời gian khi RAM đóng một hàng và mở một hàng mới để truy xuất dữ liệu, kit của mình là 14 cycles. Số cuối cùng là tRAS - thời gian chờ tối thiểu của một hàng để đảm bảo dữ liệu được đọc hoặc ghi trước khi đóng hàng. Con số này trên mọi kit RAM luôn lớn hơn nhiều so với các con số đầu tiên của dải timing và kit của mình là 34 cycles.

tinhte tforce xtreem argb-4.jpg
Timing thấp luôn tốt hơn, một kit DDR4-3200 CL14 cho độ trễ thấp hơn và đắt tiền hơn DDR4-3200 CL16, ngay với kit XTREEM ARGB này thì kit DDR4-3200 CL14 (14-14-14-34) như mình xài có giá đến 4,5 triệu trong khi DDR4-3200 CL16 (16-18-18-38) sẽ dưới 4 triệu. Nếu cùng 3200 MHz, CL16 nhưng các con số còn lại trong dải timing thấp hơn thì kit RAM sẽ đắt hơn. Mình ví dụ DDR4-3600 16-16-16-36 sẽ đắt hơn DDR4-3600 16-18-18-38 hay 16-20-2020-40.

Quảng cáo


Xung và timing của RAM thì chúng ta có thể chỉnh được trong BIOS. Anh em hoàn toàn có thể cho RAM chạy ở xung cao hơn để lấy băng thông lớn hơn nhưng kéo được bao nhiêu nó còn tùy thuộc vào chất lượng của IC. Như những thanh RAM DDR4-3200 CL14 như XTREEM ARGB thì mình thường thấy các hãng dùng IC Samsung B-die và đây vẫn là loại IC cao cấp cho khả năng ép xung tốt nhất. Thế nhưng không phải chỉ B-die là ngon, nếu anh em xài RAM dùng IC của Micron hay SK Hynix thì vẫn có thể ép xung được, phải thử mới biết.

Về vụ xung RAM, theo trải nghiệm của mình thì nó sẽ cho hiệu năng khác biệt rõ rệt nếu anh em xài Ryzen. Lý tưởng nhất đối với AMD Ryzen đó là xung RAM đồng bộ 1:1 với xung của cầu InfinityFabric (FCLK). Mức xung này trên dòng Ryzen 5000 series là 1800 MHz và như vậy với RAM DDR4 thì anh em nên chọn những kit RAM có xung 3600 MHz, cao hơn như 4000 MHz không cho nhiều khác biệt về hiệu năng khi anh em chơi game bởi vi điều khiển bộ nhớ sẽ tự đẩy về tỉ lệ 1:2 để có thể đồng bộ với xung FCLK, kết quả sẽ là độ trễ RAM tăng lên. Với những tựa game nhạy cảm với độ trễ RAM thì anh em thậm chí sẽ thấy tỉ lệ khung hình giảm đi.



Với Intel thì xung RAM cao trên mức 3200 MHz thì mình không thấy có nhiều sự khác biệt về tỉ lệ fps khi chơi game. Anh em có thể xem video trên, Core i9-10900K với 4 mức xung RAM và timing tăng dần từ 2933 CL12 đến 4200 CL18, tỉ lệ khung hình của nhiều tựa game hầu như không chênh lệch ở mức 2 con số.

Mình benchmark kit RAM XTREEM ARGB này cho anh em thấy với 3 mức xung bao gồm mặc định XMP của kit RAM là DDR4-3200 CL14 (14-14-14-34) và 2 mức xung mà mình kéo lên được, chạy ổn định được là DDR4-3600 CL16 (16-16-16-36) và DDR4-4000 CL20 (18-20-20-40). Dàn máy mình chạy Core i9-11900K, RTX 2060 Super.


Quảng cáo


AIDA64 Membench, anh em sẽ thấy sự khác biệt về băng thông của kit RAM này khi chúng ta kéo xung lên với Memory Copy, song song với đó là độ trễ khi CPU truy xuất dữ liệu từ RAM, tính từ khi CPU ra lệnh đọc cho đến khi dữ liệu được trả đến thanh ghi của CPU.

Mình dùng Passmark để test và so sánh với các kit RAM khác dựa trên cơ sở dữ liệu của Passmark. Kiểu test của Passmark có phần khác AIDA ở chỗ công cụ này sẽ đo tốc độ đọc, ghi và độ trễ của RAM với một block dữ liệu có dung lượng 512 MB. Với kit RAM XTREEM ARGB này thì điểm ngọt của nó nằm ở DDR4-3600 CL16, tốc độ và độ trễ đều ở mức lý tưởng. Kéo lên 4000 MHz thì được cái băng thông lớn nhưng đổi lại độ trễ cao.



Nếu có một công cụ để thể hiện tác động của băng thông RAM thì không đâu khác là Y-Cruncher - một công cụ benchmark với cách test thú vị là tính số Pi. Anh em có thể tải về Y-Cruncher ở đây và thử sức với chiếc máy của mình xem tốc độ tính số Pi của máy mình nhanh chậm ra sao nhé. Để test với RAM thì anh em chọn chế độ Memory Test và chọn các Mode, mình hay chọn Mode 1 (25 triệu số thập phân) và Mode 6 (1 tỉ số thập phân) và tối đa là Mode 9 với 10 tỉ số thập phân. Tùy theo độ dài dãy số Pi mà dung lượng RAM yêu cầu sẽ nhiều hay ít và nếu anh em chọn Mode 9 thì thời gian tính có thể kéo dài đến vài giờ. Ở Mode 1, thời gian tính chỉ mất chưa đến 1 giây. Thế nhưng ở Mode 6, khi độ dài lên đến hàng tỉ số thập phân thì thời gian tính sẽ lâu hơn và băng thông lớn sẽ cho thời gian ngắn nhất. Ở 4000 MHz thì hệ thống mất 43 giây để tính ở Mode 6, với 3200 MHz thì mất đến 59 giây.

Với game thì như mình đã nói ở trên, sự chênh lệch không lớn ở mức xung từ 3200 MHz trở lên. 3DMark Fire Strike cho thấy mức xung 3600 MHz và CL16 cho hiệu năng tốt nhất với 27489 điểm nhưng ở XMP 3200 MHz CL14 thì số điểm đã là 27309, kéo lên 4000 MHz CL18 thì tụt xuống 27176 điểm.

Mình có test 3 tựa game thì 2 tựa game The Division 2 và Shadow of the Tomb Raider, tỉ lệ khung hình qua benchmark không đổi giữa 3 thiết lập xung và timing. Riêng CS:GO - một tựa game rất nhạy cảm với độ trễ của RAM và xung của CPU thì nó cho thấy sự chênh lệch tầm vài fps. 314 fps ở 3200 MHz CL14, cao nhất là 317 fps ở 3600 MHz CL16, thấp nhất ở 4000 MHz với CL18. Bên cạnh CS:GO thì Valorant, Warzone cũng rất nhạy cảm với độ trễ của RAM và xung CPU, độ trễ RAM thấp, xung CPU cao sẽ cho tỉ lệ khung hình rất tốt.

tinhte tforce xtreem argb-5.jpg
Kit XTREEM ARGB này sau cùng vẫn là kit RAM khiến mình hài lòng nhất về độ đẹp lẫn hiệu năng. Mình còn xài RAM của các hãng khác như PNY XLR8, G.Skill TridentZ là dòng xài chủ lực. Trong những bài tới mình sẽ chia sẻ thêm về từng kit để anh em có thể tham khảo chọn mua.
27 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hic bài của b m muốn đọc hiểu, mà nặng về kỹ thuật quá
cảm ơn b về bài viết chi tiết và trình độ chuyên sâu, m đã đọc hết ❤️
p/s: sau khi đọc ấn tg nhất vẫn là thiết kế tỏa led khác biệt với thế giới RAM còn lại ^^
@cunatvechai Mình cũng thế 😁
Đẹp xấu là tuỳ quan điểm. Mình vẫn thích thiết kế như kim cương của trident nhất 😃
@nightwish47 Mình chơi ITX gắn AIO bên mặt hông xong ko thấy led lủng gì luôn
Buồn ghê...
@duyhuynh nhat Vậy gắn ram không led cho rẻ tiền thím 😃 mình cũng gắn cho có chứ gần nhưng không mở (trừ lúc chụp khoe)
anfang
TÍCH CỰC
2 năm
@duyhuynh nhat đổi ram ko bạn, mình có ram ko led
vhhai_c3
TÍCH CỰC
2 năm
Cách đây mấy tháng mình cần tiền bán đi Kit T-Force Xcalibur cũng đẹp ghê gớm, T-Force Delta với Night Hawk chỉ xách dép. Cần tiền quá bán Kit 16GB 3600 có 2tr4, giờ tiếc quá 😔
20210410_152637.jpg
degiadaosi
TÍCH CỰC
2 năm
@vhhai_c3 Mình thì thích nhất cặp tfore nighthawk trắng, ngày trc săn mãi ở HN mới mua dc 2 cặp này. SG thì nhiều nhan nhản.
End-User
TÍCH CỰC
2 năm
Đang dùng cặp phiên bản white cho bộ ITX mới lắp. Ngon bổ rẻ trong tầm giá. 4tr9 cho kit 16x2 4000mhz, mình bật xmp chạy ở 4000mhz thì trễ 62ns. Kệ chạy luôn chẳng tune gì nữa.
mrkenvi
ĐẠI BÀNG
2 năm
T có kit tforce 4000c18 và là ss bdie nên oc chạy ổn định 4000c14-16-15-15-29 và 4000c15-16-15-15-30
@mrkenvi kéo xuống 14 xem bác
inconlonton
ĐẠI BÀNG
2 năm
Bài viết rất hay, khuyết điểm là cái link mua và giá để ae thẩm du xem yêu hay cưới…
Led nhẹ nhàng, đẹp :3
Hun cái nè
sao kit ram led mấy hãng k làm màu trắng nhẹ như trong mấy cái case nzxt nhìn đẹp đơn giản không màu mè, nhất là phần kim loại tản nhiệt nếu làm kỹ có khi còn đẹp hơn mấy loại led
tóm lại con nầy kéo 4000 là êm
jeetkunedo
TÍCH CỰC
2 năm
ngon! mình cũng đang xài Ram của teamgroup nhưng bản thấp hơn vulcan z bus 3200, 16-18-18-38 thấy khá ngon trong tầm giá nhưng k OC được như bác chủ, có OC lên 3600 nhưng chạy k ổn định hicc
Đọc mấy bài này còn chất lượng gấp vạn lần mấy bài nhảm của một vài mod và một đống mem khác của tinhte.
ram ngoài chuyện đèn led hay không đèn led thì việc chọn hãng có quan trọng không anh khoa?
@lequockhanh1987 ngoài để dùng thì con trident z royal elite còn để ngắm mà
nhìn đẹp nha, nhưng vẫn thấy thích Kit Trident-z hơn 😁
Hic bộ kit ram đẹp quá ma xui thiệt mình mới vừa mua bộ kit Ram PC Corsair Vengeance RGB bên memorryzone cho cpu ryzen 5 3600, kit ram của T-force này xài có ổn định ko mấy bác
dragon85
ĐẠI BÀNG
2 năm
Dominator Plantinum vẫn là đỉnh cao của công nghệ
sonvt9x
ĐẠI BÀNG
2 năm
@dragon85 Ram cosair đắt mà k bền bằng Gkill. Tỷ lẹ lỗi cao hơn
Trident Z Royal Elite nó mới chất chứ dùng có Trident Z nhằm nhò gì
olivermagic
ĐẠI BÀNG
2 năm
Mình chuẩn bị upgrade ram lên 32G. Đang tính mua ram của Corsair thì thấy bác up cái này nhìn ram đẹp quá. Giờ làm phân vân. Dòng này so với Corsair Vengeance RGB Pro SL thì sao bác? Cả 2 đều là DDR4 3600MHz C18
Có vẻ thanh 4000 ép timing thứ cấp chưa chặt đấy bạn, spec này Skhynix ram Kingmax 2400 ép tay lên 3733 băng thông còn cao hơn 4000 của bác.
4.jpg
anfang
TÍCH CỰC
2 năm
@Long_Long_0110 cách ép xung ram sao bạn, chỉ mình được ko?

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019