Trên tay GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle 8G

Lư Thế Nghĩa
6/2/2022 17:54Phản hồi: 40
Trên tay GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle 8G
NVIDIA GeForce RTX 3050 là 1 tùy chọn đồ họa rời phổ thông trên nền kiến trúc Ampere, sở hữu thiết kế mới nhằm tăng cường hiệu năng cũng như trang bị các tính năng hữu ích cho game thủ. Do là dòng card entry, NVIDIA không tạo ra RTX 3050 Founder Edition, vì vậy nhân vật chính trong bài viết này sẽ là GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle 8G, có thiết lập cũng như mức giá gần nhất với đề xuất từ NVIDIA.

Kiến trúc Ampere và RTX 3000 Series


Kiến trúc Ampere được nâng cấp với thiết kế Streaming Multiprocessor (SM), trong đó mỗi SM là 1 cụm chứa các bộ xử lý đổ bóng (Shader processor). RTX 3000 Series có 3 loại GPU, gồm GA102 (RTX 3080, RTX 3090), GA104 (RTX 3060 Ti, RTX 3070) và GA106 (RTX 3050, RTX 3060), số lượng bóng bán dẫn tương ứng 28 tỉ, 17 tỉ và 12 tỉ, tất cả đều sản xuất trên tiến trình 8 nm. Có 3 loại nhân xử lý hiện diện trong kiến trúc này gồm:

  • Nhân đổ bóng có thể lập trình được (Programmable Shading Core), gồm nhân Shader/Stream/CUDA, mang lại khả năng đổ bóng gấp đôi cho Ampere.
  • Nhân RT (Ray Tracing Core) giúp tăng tốc thuật toán BVH (Bounding Volume Hierarchy) trong quá trình ray tracing, thế hệ 2 nhanh hơn gấp đôi.
  • Tensor Core tăng tốc cho mạng neural AI.

nvidia-ampere-ga100-block-diagram.jpg

Về tổng thể, Ampere được tạo thành dựa trên GPC (Graphics Processing Cluster), TPC (Texture Processing Cluster), SM (Streaming Multiprocessor), ROP (Raster Operator) và memory controller (điều khiển bộ nhớ). Tất cả các đơn vị xử lý đồ họa quan trọng đều nằm bên trong GPC, và mỗi GPC được trang bị 1 Raster Engine riêng biệt. Có 1 thay đổi trên Ampere so với các kiến trúc trước đó nằm ở việc GPU GA10x sở hữu 2 phân vùng ROP, mỗi phân vùng chứa 8 đơn vị ROP. GPC có 6 TPC trong đó mỗi TPC lại có 2 SM và 1 PolyMorph Engine. Về phía SM, chúng có 128 Shading Core, 4 Tensor Core thế hệ 3, Register File dung lượng 256 KB, 4 Texture Unit, 1 RT Core thế hệ 2 và 128 KB L1/Share memory, linh hoạt điều chỉnh tùy theo khối lượng công việc tính toán hay đồ họa.


rt core 2nd.jpg

Ampere có thiết kế đường dẫn dữ liệu (datapath) mới cho các phép tính FP32 và INT32. Từng phân vùng sẽ có 1 datapath gồm 16 shader core (nhân đổ bóng) FP32 có khả năng thực hiện 16 phép tính FP32 mỗi clock; trong khi đó 1 datapath khác gồm 16 shader core FP32 và 16 nhân INT32. Kết quả của sự thay đổi này so với kiến trúc Turing thế hệ trước là Ampere mang đến khả năng thực hiện 32 phép tính FP32 mỗi clock hoặc 16 phép tính FP32 + 16 phép tính INT32 mỗi clock, tăng gấp đôi thông lượng shading. Điều này giúp cho mỗi SM của Ampere đạt được hiệu năng tính toán đến 128 phép tính FP32 mỗi clock, gấp 2 lần so với SM trên Turing. Và khi hiệu năng tính toán tăng, datapath hỗ trợ cũng phải tăng tương ứng, dẫn đến bộ nhớ L1 cho SM cũng phải theo kịp - 128 bytes/clock mỗi Ampere SM so với 64 bytes/clock trên Turing. Tổng băng thông L1 (128 KB) trên mẫu RTX 3080 là 219 GBps so với 116 GBps (96 KB) của RTX 2080 Super.

DLSS, NVIDIA ReFlex và AV1 decode cho mọi người


dlss_8k.jpg

Deep Learning Super Sampling (DLSS) cho phép NVIDIA tận dụng sức mạnh của AI (Tensor Core) để hỗ trợ quá trình kết xuất (render), tạo ra siêu phân giải (super resolution) nhưng lại không cần quá nhiều sức mạnh phần cứng. Chỉ cần render 1 phần nhỏ các điểm ảnh thông thường, sau đó nhờ AI can thiệp để mang lại hình ảnh có chất lượng tương đương hay thậm chí tốt hơn so với độ phân giải gốc. DLSS cho phép người dùng tự tin đẩy độ phân giải cũng như tùy chọn ray tracing ở mức cao nhất mà vẫn đảm bảo hiệu suất ổn định.

nvidia-reflex-system-latency-pipeline-with-reflex.png

NVIDIA Reflex giúp giảm độ trễ hiển thị hình ảnh trên màn hình game sau khi thao tác, khá quan trọng với những game thủ eSport trong những trận đấu chuyên nghiệp. Hãy tưởng tượng bạn nhấp chuột ra lệnh bắn, và từ lúc ngón tay bạn đè lên nút chuột cho đến lúc đạn được bắn ra khỏi nòng súng luôn có 1 độ trễ nhất định. Giả sử 2 game thủ đối mặt nhau và thực hiện thao tác bắn cùng lúc, loại trừ độ trễ do đường truyền mạng, hệ thống của game thủ nào có độ trễ thấp hơn sẽ có lợi thế hơn hẳn. Độ trễ hiển thị hình ảnh này là tổng hợp của nhiều độ trễ khác nhau khi hệ thống phản hồi lại thao tác của người dùng, gồm độ trễ để máy nhận lệnh, độ trễ khi render khung hình và cả độ trễ khi hiển thị khung hình đã render lên màn hình máy tính. Hiện tại đã có gần 30 tựa game hỗ trợ NVIDIA Reflex, từ Overwatch, Apex Legend, Valorant đến Call of Duty: Black Ops Cold War, Battlefield 2042 hay cả God of War.

av1_codec.png

Quảng cáo


Và đã là game thủ chuyên nghiệp, chắc hẳn đa số đều có nhu cầu stream nội dung lên kênh của mình. NVIDIA RRTX 3000 Series hỗ trợ chuẩn AV1 giúp việc truyền tải nội dung sẽ tiêu hao băng thông ít hơn 50% so với chuẩn H.264 quen thuộc, mở ra khả năng stream ở chất lượng 4K sắc nét hơn nhiều, khi mà thiết bị hiển thị ở độ phân giải cao đã khá phổ biến và cũng không quá đắt đỏ như trước đây.

GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle 8G


[​IMG]

Có thiết kế trầm, đơn giản và an toàn, GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle 8G trang bị tản nhiệt WINDFORCE với 2 quạt quay ngược chiều nhau nhằm giảm hỗn loạn luồng khí. Card khá gọn gàng với chiều dài 213 mm, độ dày 2 khe PCIe (41 mm) và cao 120 mm, hoàn toàn có thể nằm vừa vặn trong những hệ thống mini-ITX.

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-5.jpg

I/O panel có 4 cổng xuất tín hiệu hình ảnh gồm 2 cổng DisplayPort 1.4a và 2 cổng HDMI 2.1. HDMI 2.1 có băng thông đến 48 Gbps, hỗ trợ xuất tín hiệu lên màn hình 8K, cho phép chơi game ở độ phân giải 4K 120 Hz hoặc 8K 60 Hz dễ dàng.

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-7.jpg

Quảng cáo


tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-8.jpg

Là sản phẩm phổ thông, GIGABYTE không trang bị nhiều hình thức làm đẹp cho RTX 3050 Eagle 8G. Card không có đèn LED, và bộ khung quạt cũng như backplate hoàn toàn bằng nhựa. Do vậy backplate không có tác dụng tản nhiệt mà chỉ góp phần tăng độ cứng cáp cho PCB, cũng như 1 phần là bệ đỡ cho khung quạt phía trước. Card cần được cấp nguồn qua 1 đầu PCIe 8 pin, và đề xuất của hãng là hệ thống nên sử dụng PSU có công suất 450 W.

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-9.jpg

Tản nhiệt cho GPU RTX 3050 là hệ thống 1 heatpipe đồng 6 mm tiếp xúc trực tiếp GPU với các lá nhôm, dài hơn chiều dài PCB. Chip nhớ và các thành phần cấp điện cho card cũng được hưởng lợi từ heatsink này thông qua thermal pad. Khung quạt được cố định bằng 4 ốc trên heatsink và 2 ốc từ backplate.

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-13.jpg

GIGABYTE sử dụng quạt làm mát do Power Logic cung cấp, model PLD09210S12HH, công suất 4.8 W (12 V @ 0.4 A). Mẫu quạt này được sử dụng khá nhiều trong những mẫu card khác, từ nhiều nhà sản xuất, dĩ nhiên với phần cánh quạt được tùy chỉnh theo yêu cầu.

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-14.jpg

Phần khung quạt có thể được GIGABYTE sử dụng cho nhiều model card khác nhau do mình nhận thấy 1 chân bắt ốc được cắt bỏ, và vị trí của nó đối với RTX 3050 Eagle 8G hoàn toàn không liên quan gì (nằm ngay trên heatsink).

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-3.jpg

GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle 8G có thể coi là “bản ref” của RTX 3050, với GPU GA106, có 20 SM, 2560 nhân CUDA, 80 Tensor Core thế hệ 3, 20 RT Core thế hệ 2. Card hoạt động ở mức xung 1777 MHz, trang bị 8 GB GDDR6 128 bit, xung 7000 MHz, băng thông nhớ 224 GBps, hỗ trợ DirectX 12 Ultimate và OpenGL 4.6.

Thử nghiệm


  • CPU: Intel Core i5-12600K
  • Mainboard: GIGABYTE Z690 GAMING X DDR4
  • RAM: 2 x 8 GB DDR4-3733 AORUS
  • SSD: GIGABYTE SSD 120 GB
  • Hệ điều hành: Windows 10

unigine.PNG
time spy.PNG
tomb raider.PNG
metro.PNG
watch dogs.PNG

Qua kết quả có thể thấy, RTX 3050 mang lại khả năng chơi tốt game ở độ phân giải Full HD, bật tất cả hiệu ứng và thậm chí là ray tracing, tuy nhiên đây vẫn là 1 mẫu card đồ họa dòng phổ thông, do vậy đôi lúc bạn cần giảm bớt 1 chút hiệu ứng để đạt được độ mượt cần thiết. Nếu không bật ray tracing RTX 3050 có thể kham nổi một số tựa game ở độ phân giải 2560 x 1440 mà vẫn đảm bảo ở mốc 60 fps (dĩ nhiên phần hiệu ứng đồ họa cần phải tinh chỉnh hợp lý).

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-12.jpg
tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-11.jpg

Trong quá trình thử nghiệm, card khá mát và yên lặng, 1 phần nhờ thiết kế quạt làm mát ngược chiều nhau, phần vì GPU không quá nóng. Nhiệt độ tối đa đo được dao động ở khoảng 79 độ, và khi stress card bằng Furmark, nhiệt độ lên đến gần 90 độ. Khả năng ép xung của card là có, tuy nhiên do hạn chế về quạt nên mình không khuyến khích hoạt động lâu dài. Mình thử ép xung card hoạt động ở mức tăng 3%, tương đương xung GPU 1830 MHz, giữ nguyên xung nhớ. Các thử nghiệm trong khi card đang ép xung đôi lúc chưa ổn định tuy không nhiều, có thể là đứng máy hoặc tự khởi động lại, do vậy phần ép xung chỉ mang tính tham khảo. Một điểm cần lưu ý là mình thử nghiệm hệ thống trong phòng bình thường không điều hòa, nhiệt độ phòng khoảng 30 - 32 độ.

tren_tay_gigabyte_geforce_rtx_3050_eagle_8g-10.jpg

Nhìn chung NVIDIA GeForce RTX 3050 là mẫu card đồ họa phổ thông có đủ sức mạnh để đáp ứng rất nhiều nhu cầu ở độ phân giải Full HD, đồng thời mang đến trải nghiệm DLSS, ray tracing hay vài tính năng thú vị khác như NVIDIA Reflex và cả HDMI 2.1 hay AV1 decode. Đây là lựa chọn thay thế tốt cho GeForce GTX 1650/1650 SUPER trước đây, và hiện tại chưa có đối thủ trực tiếp từ phía đội đỏ trong mức giá 249 USD. Dĩ nhiên nếu người dùng có thể tiếp cận được RTX 3050 ở mức giá này thì đây sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc về tỉ lệ hiệu năng/giá thành, tuy nhiên điều đó dường như bất khả thi. Hiện tại RTX 3050 đang được bán tại các cửa hàng ở Việt Nam dao động trong khoảng hơn 13 triệu đến 16 triệu đồng cho bản ép xung sẵn.
40 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

kevin2012
TÍCH CỰC
2 năm
Nghe nói con này là 1660 có ray tracing 😐😐😐
dlcr
TÍCH CỰC
2 năm
@kevin2012 mặc định 1660 cũng có driver ray tracing thì phải,
@kevin2012 mạnh hơn chứ
Flat White
ĐẠI BÀNG
2 năm
card cỏ thời bão giá, đỡ thảm họa hơn 6500XT 😁
kduycntt
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Flat White RX 6500XT yếu thiệt nhưng giá có 6 củ thôi, bên Nhựt cháy hàng rồi
@kduycntt Mình trước toàn mua vga 3 triệu là ngon lắm rồi. Sau mua mấy con trâu toàn hơn triệu tý. giờ còn 3 con, mới hỏng 1 con :v. Các bạn chịu khó đầu tư VGA nhỉ. Mình lại toàn ưu tiên CPU Ram, chắc do tính chất chơi làm khác nhau 😆
@bố-cu-hoàng-hơm-81 Ai buồn cho nỗi đau này 😆 tôi bán được mấy con VGA cháy.
Mình dùng 1050ti sao chơi lol max settings mà quạt nó k quay nhỉ
@chớp nhoáng Không nóng nên không quay có gì lạ đâu 😆 lol lúc trước chơi trên intel hd đời 6 còn max setting ở 60fps được nữa là, sau này lol có nâng cấp đồ hoạ thì mình không rõ vì nghỉ lâu rồi 😃)
@chớp nhoáng Tùy tác vụ thôi, đủ nhiệt thì nó quay. LOL max setting ở FHD thì chưa đủ để quay quạt đâu.
anhlucky22
ĐẠI BÀNG
2 năm
Có card mà không có case, cpu, ram, màn hình thì cũng có chơi được đâu
13tr mà trash thế
@tuan9945 13 triệu là do nhiều yếu tố, chứ mức đề xuất của NVIDIA chỉ có 249 USD thôi bạn. Lý thuyết thì 3050 thay thế cho dòng 1050, 1650 cũ, nên giá phải tầm 6 - 8 triệu là đẹp rồi.
Trước mua con GTX1060 6GB 7tr, giờ 3050 thôi mà giá tận hơn 12tr 😔
grozar
CAO CẤP
2 năm
@Vo Huu Phuc Thời thiếu chip, bảo coin, lạm phát như này thì giá mấy con tầm trung ko bao h về như xưa nổi :v
grozar
CAO CẤP
2 năm
Giá ngon cho ai mua kèm máy chứ mua lẻ thì nghỉ 😆
farcry2708
TÍCH CỰC
2 năm
Con hàng lởm này còn thua 2060 ở hiệu năng mà cái giá ngáo ngáo, mua con 1070 chấp nhận ở mức tiêu thụ điện năng hơn nhưng cái giá ngon và hiệu năng tốt hơn nhiều. Có ray traciing mà kéo ko nổi thì cũng vứt. 8gb mà 128bit để làm gì ko biết. 🤣
@farcry2708 Bit cao lại bị mấy bác nông dân gôm hết bạn ơi 😆
Vẫn đang dùng con gtx 105ti 4Gb dc hơn 3 năm chữa cháy 😆
Giá x3 thì thôi
con này phải để tên RTX2050 mới đúng
Firefox OS
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Fatcat88 chuẩn, yếu hơn 2060 mà đặt tên 3050, vãi cả chưởng
mình cũng có cái 3060ti mà không biết làm trên tay hay trải nghiệm sao cho anh em xem. anh em gợi ý giúp mình với. mình chỉ dùng để làm video thôi, không chơi game (à, có chơi motogp mà một tháng chơi 15 phút).
Vì dân cày coin mà card nào cũng bị vét hết và bị đội giá vô tội vạ, muốn mua thì phải mua kèm máy, hic
Dũng flop
ĐẠI BÀNG
2 năm
Ai game thì cứ rx 6600 mà táng, đập chết ăn thịt
Firefox OS
ĐẠI BÀNG
2 năm
với 12tr ta đã mua được con 6600 ngon hơn hẳn, sao phải bỏ 13 củ trở lên để rước của nợ này về?
ronaldomu
TÍCH CỰC
2 năm
Sao không so em này với 1660 / 1660 Super luôn bác? 😃
Ngoài ra, cái biểu đồ để màu đỏ / xanh tương phản khó chịu quá... bác để màu xám / xanh nhìn đỡ hơn ấy
@ronaldomu Cảm ơn bạn góp ý, mình cầm card ngay mấy ngày Tết luôn nên kiếm mẫu khác để so cũng hơi khó.
enxzo9
ĐẠI BÀNG
2 năm
Ko còn thấy 1 tia hi vọng nào về việc card đồ họa về lại đúng gía nữa
nào về giá như xưa đây anh em?

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019