Giải mã kiệt tác God of War

Giải mã kiệt tác God of War
Tinhte_GOW1.jpg

Tạm bỏ qua cái cách thế giới điện ảnh Marvel khắc họa vị thần láu cá, xét riêng tới quy mô Thần thoại Bắc Âu, thì Loki hoàn toàn không phải một nhân vật dễ gì xóa bỏ. Lý do cũng đơn giản, khi xét về những câu chuyện được pho thần thoại của người Vikings thế kỷ thứ IX và thứ X sau Công Nguyên, phải khẳng định Loki là một nhân vật chính. Ham muốn xung đột của vị thần lừa lọc đã trở thành công cụ để tạo ra đột biến, thay đổi quy luật cố hữu của những vị thần Bắc Âu. Hành động của Loki đã tạo ra xung đột, hay thậm chí là cái chết của vài vị thần cũng như người khổng lồ. Cũng vì Loki, những con quái vật khủng khiếp nhất thần thoại Bắc Âu được sinh ra, và chúng cũng chính là những chiến tướng dẫn đầu đoàn quân chống lại các vị thần Asgard trong trận chiến dẫn tới ngày tận thế: Ragnarök.

Cái tên Loki đến từ nguồn gốc của cụm từ tiếng Đức cổ ‘Luk’ (loops), ám chỉ những nút thắt. Hắn là nhân vật luôn luôn toan tính kế hoạch, luôn khiến những mối quan hệ trở nên phức tạp.


Tinhte_GOW2.png

1d6748367630df4124c2c3a66e550e14.jpg

Bậc thầy thần thoại Bắc Âu, thi nhân Kevin Crossley-Holland từng viết: “Nếu không có hình ảnh nhân vật Loki đầy háo hức, bất ổn và bất thường, thì sẽ không có những thay đổi trong trật tự đã được sắp đặt sẵn, không có những xung đột, và cũng không có cả Ragnarök.” Loki là chất xúc tác của sự thay đổi mãnh liệt trong trật tự Thần thoại Bắc Âu, vì thế mọi thể nghiệm loại bỏ nhân vật ấy khỏi một cốt truyện lấy bối cảnh những vị thần Asgard đều đòi hỏi nỗ lực rất lớn để định hướng cốt truyện và sự kiện để che đậy những lỗ hổng rất lớn mà Loki bỏ lại.

Ấy vậy mà, đó chính là những gì Cory Barlog cùng những nhà làm game tại Santa Monica Studios đã làm được với kiệt tác game phiêu lưu dựa trên thần thoại Bắc Âu phát hành năm 2018, God of War.

Tinhte_GOW3.jpg

God of War theo chân Kratos, tên á thần từ Sparta cùng cậu con trai Atreus trong cuộc phiêu lưu đưa tro cốt của Faye, người vợ quá cố của Kratos, người mẹ của Atreus lên đỉnh núi cao nhất Cửu Giới. Dù rằng yếu tố mà người chơi thấy rất rõ trong tác phẩm này chính là quá trình khám phá những câu chuyện cổ Bắc Âu, nhưng điều rõ ràng không kém chính là những câu chuyện ấy được chế cháo lại rất khác so với nội dung gốc. Lý do rất đơn giản là, trong suốt mấy chục tiếng đồng hồ thưởng thức God of War, tuyệt nhiên không một lần thấy cái tên Loki được xướng lên.

Đấy là cho tới đúng giây phút cuối game, ngay sau khi hai cha con hoàn thành ý nguyện của người mẹ:


Tinhte_GOW4.jpg

Giây phút ấy, thời điểm duy nhất cái tên Loki được gọi ra trong xuyên suốt cuộc hành trình bỗng nhiên ghi dấu ấn mang tính đột biến, nhắc lại cho người chơi sự biến mất của Loki. Vì trong God of War, Loki chỉ là một đứa trẻ, nên những “chiến tích” của Loki trưởng thành chưa xuất hiện. Hệ quả là, kết cấu của thần thoại Bắc Âu xuất hiện ra những lỗ hổng lớn.

Ấy vậy mà, “thần thoại” mới của Santa Monica Studios không hề sụp đổ hay thất bại, nhờ vào những chi tiết được tái tạo lại để hỗ trợ cho việc gỡ bỏ hình tượng Loki trong game. Không chỉ dừng ở đó, những lỗ hổng được bịt theo cách hết sức tài tình, để không chỉ giúp cốt truyện đứng vững, mà còn giúp nó đạt được mục tiêu riêng.


Tinhte_GOW5.png

Odin_and_Fenris.jpg

Thực tế, lịch sử của thần thoại Bắc Âu vô cùng phức tạp, gần như mọi thứ chúng ta biết đến thời điểm này đều chỉ dựa trên hai văn bản: Poetic Edda và Prose Edda. Không như người Hy Lạp với những ghi chép vô cùng chi tiết và được bảo tồn qua cả nghìn năm, hay rất nhiều văn bản ghi lại Kinh Cựu Ước và Tân Ước của Thiên Chúa Giáo, thì người Vikings chẳng mấy khi ghi chép lại cái gì cả. Tất cả những gì tồn tại được đến ngày hôm nay là những vần thơ của người Bắc Âu được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Poetic Edda, hay còn gọi là Codex Regius được khai quật năm 1643, nhưng được cho là đã được viết hơn 400 năm về trước. Dựa trên những sai khác về thời kỳ trong nội dung cuốn Edda thơ, tác phẩm này được cho là một bản copy của một văn bản đã được ghi chép từ đầu thế kỷ XIII, nhưng không được chứng minh vì văn bản gốc không bao giờ được tìm thấy. Còn trong khi đó, Prose Edda là tác phẩm vĩ đại của tù trưởng, học giả người Na Uy, Snorri Sturlesson. Quãng năm 1220, Sturlesson tổng hợp Poetic Edda để giúp những người muốn đọc thần thoại, muốn nghiên cứu thủ pháp văn chương của những vần thơ kể lại chuyện của những vị thần.

Trong cuốn The Viking Spirit, học giả Daniel McCoy viết, rằng giống như mọi học giả khác, Sturlesson cũng là con người, cũng có lúc hiểu lầm tác phẩm nguồn và cố tình chèn những lỗ hổng trong câu chuyện bằng trí tưởng tượng của chính ông. Rất có thể, những thay đổi trong nội dung này đã được tạo ra để biến đức tin của người Bắc Âu gần hơn với Thiên Chúa Giáo, tôn giáo chủ đạo ở khu vực Scandinavian sau khi toàn bộ châu Âu cải đạo 2 thế kỷ trước. Hệ quả là, ngay cả thời điểm hiện tại mọi người vẫn tranh cãi về mức độ chính xác trong những câu chuyện Sturlesson kể lại trong Prose Edda.

Tổng kết lại, giữa hai nguồn thần thoại Bắc Âu chính kể trên, những văn bản nhuốm màu thời gian đã tồn tại nhiều mâu thuẫn, lỗ hổng và những mảnh ghép bị thiếu. Và nhờ đó, đội ngũ biên kịch tại Santa Monica Studios không chỉ tạo ra những chi tiết mới trám vào chỗ trống, mà họ còn cẩn trọng tới mức sắp xếp lại những mảnh ghép ấy để giúp tạo ra một câu chuyện nơi nhân vật chính có đất diễn để trưởng thành.

Tinhte_GOW6.jpg

Khởi đầu câu chuyện, cả Kratos lẫn Atreus đều là những nhân vật không hoàn thiện. Giống hệt như hai pho Edda kể trên, Kratos có một lịch sử phức tạp và đầy tổn thương. Quá khứ ấy được phơi bày thông qua cách Kratos dạy con, khi sự nghiêm khắc xung đột trực tiếp với bản chất đầy lòng trắc ẩn của Atreus. Dần dần, sự nghiêm khắc và lòng trắc ẩn đối đầu với nhau, dần phá vỡ bức tường bao bọc bề ngoài của cả hai cha con.

Kết quả của cuộc chiến ấy là một câu chuyện gia đình với quá khứ đầy tàn bạo, đầy sự hủy diệt và phản bội. Nhưng với sự trợ giúp của cuộc phiêu lưu, thế giới tuyệt đẹp xung quanh và những thần thoại được viết lại diễn ra trong thế giới ấy, cả hai cha con đã cùng nhau hoàn thành chuyến phiêu lưu, và cả hai gần như đã được chữa lành những tổn thương về mặt tinh thần.

Trong pho thần thoại thiếu vắng đi Loki ấy, Santa Monica Studios triển khai ba chủ đề riêng biệt để giúp cả Kratos lẫn Atreus trưởng thành. Nhưng để làm được điều đó, phải có một nhân vật phản diện để thúc đẩy quá trình thay đổi của hai cha con.

Đấy chính là Baldur, vị thần lương thiện, chưa một lần nói dối.


Tinhte_GOW7.png

baldur-god-of-war-43500883-736-1308.jpg

Baldur, đáng lẽ ra theo hai pho Edda đã chết dưới chính tay Loki. Truyền thuyết này bắt đầu với bài thơ Völuspá trong pho Poetic Edda, rồi được mô tả kỹ hơn trong điển tích “Giấc mơ của Baldr” và cuối cùng là tích “Cái chết của Baldr” trong pho Prost Edda. Sau khi nghe kể lại cơn ác mộng báo trước cái chết của Baldr, người mẹ Freya đã phải xin muôn loài ở cửu giới thề thốt không làm hại tới cậu con trai của mình. Mọi tảng đá, nhành cây, ngọn núi, con sông, vi khuẩn, động vật và con người toàn cõi cửu giới đều chấp thuận. Tất cả, trừ nhành cây tầm gửi. Nghĩ rằng tầm gửi quá nhỏ bé không đủ sức gây hại, Freya lờ nó đi luôn.

Nhưng rồi Loki nhận ra tầm gửi. Hắn chế một mũi tên bằng nhành cây này, và lừa người anh mù của Baldr, Höðr ném mũi tên này vào người Baldr để thử khả năng bất tử. Cứ tưởng là trò đùa vui, Höðr ném mũi tên, hại chết luôn cậu em ruột của mình.

Phần mở đầu điển tích ấy được giữ nguyên trong God of War, nhưng Loki phiên bản trưởng thành không hiện diện, nên Baldur đến giờ vẫn sống, vẫn bất tử nhờ “lời nguyền" của bà mẹ Freya. Và rồi từ chỗ là một vị thần bất tử nhưng chẳng cảm thấy bất kỳ điều gì từ cả năm giác quan, Baldur trở thành một kẻ sống trong thù hận, khi món quà của người mẹ đã trở thành lời nguyền vĩnh cửu.

Tinhte_GOW8.png

Kỳ diệu thay, qua bàn tay của các biên kịch ở Santa Monica Studio, mũi tên tầm gửi vẫn đến trúng đích. Và thậm chí, dù Freya cố gắng hủy hết những món đồ liên quan tới tầm gửi, thì cũng vẫn là Loki (Atreus) với mũi tên tầm gửi buộc ở ống tên đã tìm được tới thân thể của Baldur, qua đó trực tiếp dẫn tới cái chết của vị thần trung thực. Bằng cách điều chỉnh lại điển tích này, mối quan hệ giữa Baldur và Freya được dịp thể hiện trước mắt người chơi, cùng lúc kích thích được sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai cha con Kratos và Atreus.

Điều đó đưa chúng ta đến với thứ hiện diện quá nhiều trong God of War: Những gia đình vụn vỡ.

Hai anh em người lùn Brokk và Sindri hục hặc nhau biết bao nhiêu năm. Hai nhân vật này đã hiện diện trong pho Prose Edda, cũng liên quan tới Loki khi hai anh em so tài xem ai là người tạo ra được báu vật tuyệt vời nhất đỉnh Asgard. Những món báu vật đó cũng xuất hiện trong game, từ cây búa Mjolnir của thần Thor, cho đến chú heo râu vàng của Freya khi hai cha con Kratos lần đầu gặp bà. Nếu như trong hai pho Edda, Brokk và Sindri lúc nào cũng làm việc cùng nhau, thì trong God of War, hai anh em thợ rèn phải vượt qua mối quan hệ bị rạn nứt sau khi cả hai quên vị trí của một kho báu chứa đầy nguyện liệu vô giá.

Tinhte_GOW9.jpg

Một gia đình vụn vỡ khác chính là Thor cùng hai ông con Modi và Magni. Hai cậu con trai của thần sấm lúc nào cũng kèn cựa xem ai là đứa con giỏi hơn, sau khi chính bản thân Thor cho rằng Magni đã cứu mạng mình khi cậu mới 3 tuổi. Cốt truyện này không khác nhiều so với hai pho Edda. Nhờ có Magni mà Thor không bị gã khổng lồ Hrungnir đè bẹp sau khi chiếc đầu bằng đá bị đập tan bằng chính cây búa Mjolnir. Nhưng sự hiện diện, hay đúng hơn là sự biến mất của Modi trong câu chuyện kể lại trong Prose Edda lại khiến các biên kịch có thêm đất diễn để mô tả cảm xúc của vị thần này, qua đó khai thác mối quan hệ tồi tệ của Modi và Magni với cha của mình. Bước ngoặt và điểm nhấn của câu chuyện xảy đến ngay sau khi Kratos giết Magni:


Tinhte_GOW10.jpg

Đối với Kratos, những gia đình của Freya và Baldur, của Brokk và Sindri, của Thor với Modi và Magni chính là những ví dụ được thiết kế để gã chiến thần tìm được kim chỉ nam giúp gã trở thành một con người tử tế. Nó cũng giống cảm giác ăn phải đồ dở tệ, khi ấy người ta mới nhớ đến miếng ngon vậy.

Kratos tin tưởng vào một lời nói dối, đó là che giấu được sự thật sẽ là một thế mạnh. Nhưng như chính Freya chỉ ra với ví dụ của chính bản thân mình, sự bảo vệ quá mức cậu con trai Baldur đã khiến hắn quay lưng với mẹ đẻ của hắn. Và dần dần cuộc du hành khám phá cửu giới của hai cha con cũng chứng kiến nỗ lực che giấu bí mật rằng Kratos và Atreus là thần trở nên thất bại. Sự giấu diếm này trở thành một liều thuốc độc ăn sâu vào cả thế giới thật, dần phá hoại Atreus ngay từ bên trong.

Đến lúc này, Kratos phải đối mặt với tòa án lương tâm khi nhận ra sự thật rằng cách duy nhất để cứu con trai mình là tiết lộ hết sự thật. Và khi ấy, chủ đề thứ hai của God of War, sự giày vò của Kratos với quá khứ được thể hiện bằng chính động thái “gỡ bỏ” Loki khỏi toàn bộ điển tích thần thoại Bắc Âu. Ví dụ cụ thể nhất chính là thần khổng lồ có khả năng biến hóa Thiazi, cùng cô con gái Skadi.

Trong Prose Edda, Loki bị Thiazi tống tiền trong bộ dạng một con chim ưng, đòi vị thần láu cá đem nữ thần Idunn cùng quả táo trường sinh của bà. Nhưng do bị Loki lừa, Thiazi bay thẳng vào Asgard, nơi ông bị những vị thần tiêu diệt bằng lửa. Tìm cách báo thù cho cha, Skadi lao vào Asgard, nhưng may mắn thay Odin muốn giảng hòa. Vị thần này tặng cho Skadi hai điều ước, trước khi lấy đôi mắt của Thiazi đặt lên bầu trời, biến thành hai vì sao sáng cho tới khi ngày tận thế Ragnarok xảy ra.

Nhưng vẫn lại là vì không có Loki, câu chuyện của nàng Skadi được chế cháo lại trong game. Sau khi cầu hôn Skadi bất thành, Odin lừa cô bắn hạ một con chim ưng được cho là đang săn đuổi nữ thần Idunn và những trái táo của bà. Háo hức trình diễn khả năng săn bắn, Skadi nhận lời ngay…


Tinhte_GOW11.png

Ska%3Fi_%28God_of_War_2018%29.png

Sự chế cháo này lột tả được chủ đề xuyên suốt không chỉ trong God of War bản 2018, mà còn trong toàn bộ series game: Những đứa con sát hại cha mẹ của mình. Chủ đề này xoáy rất sâu vào chính quá khứ của Kratos, kẻ tận tay hạ sát cha mình là thần Zeus. Cái vòng lặp đau đớn này đã diễn ra suốt từ thời ông nội của Kratos, khi thần Cronos phản lại cha mình là Uranus, vị thần trước khi chết đã nguyền rủa cả gia đình sẽ phải chịu số phận tương tự. Zeus làm gì Cronos, anh em nghiên cứu thần thoại Hy Lạp hẳn cũng đã biết rồi…

Kratos từng tồn tại với suy nghĩ cho rằng lòng trắc ẩn là một nhược điểm, vì thế gã từ chối Atreus. Nhưng nỗ lực che giấu sự thật và quá khứ của Kratos đối với cậu con trai suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực để tìm ra một số phận khác cho chính bản thân gã chiến thần Hy Lạp mà thôi. Khi ấy, lòng trắc ẩn của Atreus biến đổi thành một thứ giống hệt như thế giới quan của Kratos.

Nhờ vào việc khai thác chính đứa con ruột của Kratos, các nhà biên kịch đã ép hắn phải đưa ra những lựa chọn không hề dễ dàng để bảo vệ mối quan hệ giữa hai cha con:


Tinhte_GOW13.jpg

Nhưng chính ở thời điểm này, cốt truyện của God of War lật ngược hoàn toàn vị thế của hai nhân vật. Kratos bắt đầu ngừng kiểm soát cậu con trai quá mức, còn Atreus thì bắt đầu biến sự thật rằng cậu là một vị thần trở thành một thứ vũ khí gây tổn hại cho tất cả mọi người xung quanh cậu.


Tinhte_GOW12.jpg

Câu nói “sự thật quan trọng hơn lòng tốt” tóm tắt một cách quá hoàn hảo giằng xé nội tâm lẫn xung đột của hai nhân vật chính, khi Atreus coi mình thượng đẳng hơn mọi kẻ khác vì cậu biết cậu là thần.

Và để dẫn cả Kratos và Atreus vượt qua sự mờ mịt trong những giá trị đạo đức cả hai đang ngờ vực, các biên kịch dẫn ra hai ví dụ của hai nhân vật không hề xuất hiện trong trò chơi, nhưng đều trở thành chủ đề bàn luận xuyên suốt tác phẩm. Đó là Odin và Tyr, chiến thần Bắc Âu. Hai nhân vật này được đưa ra để tạo thành kim chỉ nam về mặt đạo đức cho cả hai cha con, với hai cách sử dụng quyền lực của một vị thần hoàn toàn trái ngược nhau, như cực bắc và cực nam, từ đó tạo ra triết lý kể chuyện rất khác so với cách nhìn nhận thần thoại Bắc Âu theo kiểu truyền thống, đó là đạo đức không phải là giá trị mang tính tuyệt đối.

Thậm chí các biên kịch của Santa Monica Studios còn đẳng cấp tới mức thêu dệt được câu chuyện hoàn toàn khác cho Tyr và Odin khi Loki không tồn tại, nhưng vẫn dựa trên từng chi tiết đã được mô tả tỉ mỉ trong hai pho Edda cổ xưa. Những chi tiết ấy dù không liên quan trực tiếp đến Loki, nhưng lại có liên quan tới những con quái vật là con cái của vị thần láu cá.


Tinhte_GOW14.png

The-Roots-of-Jormungandr-in-Norse-Mythology.jpg

Trong thần thoại Bắc Âu, Loki là cha (đôi khi thậm chí là mẹ) của nhiều con quái vật. Hầu hết chúng đều xuất hiện trong God of War với những tầm ảnh hưởng khác nhau. Ở đền thờ Jorrmungandr, toàn bộ cây phả hệ của Loki xuất hiện: Loki, người vợ Angrboda, kế đến là ba đứa con. Hel, sinh vật nửa người nửa xác chết được Odin gửi đi cai quản xứ sở của người đã khuất. Kế đến chính là Jormungandr. Con rắn khổng lồ xuất hiện trong God of War đơn giản vì trận chiến kinh thiên động địa với thần Thor trong ngày tận thế Ragnarok đã… gửi nó quay trở về quá khứ, từ thời điểm Loki chỉ mới là một cậu bé. Chi tiết này là mới toanh, chẳng có thần thoại nào kể cả.

Nhưng đứa con thứ ba của Loki, con sói khổng lồ Fenrir mới là sinh vật có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với số phận của cả Odin lẫn Tyr. Theo Prose Edda, Tyr là vị thần duy nhất đủ tốt bụng nuôi nấng Fenrir khi Odin cùng các vị thần đồng ý cho nó sống ở Asgard. Nhưng sau khi thấy Fenrir lớn quá nhanh, Odin sợ nó phản lại mình nên đã thuyết phục những vị thần khác trói Fenrir bằng xích. Sau hai lần thất bại bằng xích thường, Odin mới nhờ đến sự trợ giúp của tộc người lùn, từ đó tạo ra sợi xích không thể phá hỏng tên là Gleipnir.

Fenrir chấp thuận việc bị trói bằng Gleipnir với một điều kiện, một vị thần sẽ phải đưa tay cho nó cắn đứt nếu nó không phá hỏng được sợi xích của người lùn tạo ra. Đó là lúc thần Tyr chấp nhận hy sinh để tôn trọng giao kèo giữa Fenrir và các vị thần. Kết quả, Tyr trở thành “vị thần một tay”, còn các vị thần khác thì đứng xung quanh cười chế nhạo.

Nhưng trong God of War, Tyr vẫn còn đủ hai cánh tay, đơn giản vì đứa con thứ ba của Loki khi ấy còn chưa ra đời. Cùng lúc, bản chất thiện lương của Tyr được mô tả như một ngọn hải đăng giữa lúc hai cha con Kratos còn đang mò mẫm trong đêm tối, chưa biết tìm hướng đi nào sau khi sự thật được phơi bày. Trên tấm bích họa Jorrmungandr, thần Tyr chiếm vị trí trung tâm với 4 ký hiệu rune biểu tượng cho sự nhân từ, sự thật, hòa bình và đoàn kết. Đó là bốn thứ Tyr dựa vào để đem lại hòa bình cho cửu giới.


Tinhte_GOW15.png

tyr-fenrir-norse-mythology-illustration-picture-john-bauer-1-500x270.jpg

Ở khía cạnh trái ngược hoàn toàn chính là Odin. Giống hệt như Kratos, Odin cũng là một nhân vật bị trói buộc với số phận. Những hình ảnh Odin được mô tả trong game chỉ xuất hiện đúng 1 lần trong suốt chuyến hành trình của hai cha con, được mô tả bằng hình ảnh cưỡi con ngựa 8 chân Sleipnir, một đứa con khác của Loki, ám chỉ vị thần này đi đến đâu, sự hủy diệt đi theo tới đó.


Tinhte_GOW16.png

maxresdefault.jpg

Nỗ lực thay đổi vận mệnh của Odin cũng trùng khớp với những gì hai pho Edda mô tả vị thần này, khi những lời sấm truyền đều dự đoán rằng con sói Fenrir sẽ hạ bệ Odin khi ngày tận thế Ragnarok tới. Nhưng khi Fenrir không tồn tại hay đúng hơn là chưa được sinh ra, thì nhiệm vụ hạ bệ Odin được chuyển cho tộc người khổng lồ ở xứ Jötunheimr. Từ đó, những câu thoại và những điện thờ rải rắc khắp thế giới của God of War mô tả nỗ lực của Odin nhằm thay đổi vận mệnh của bản thân. Ở điện thờ Jormungandr, dòng chữ “số phận là tiền định” được nhắc đi nhắc lại trong mọi câu chuyện, và chính ý tưởng thay đổi vận mệnh đã khiến Odin sử dụng quyền lực của một vị thần để làm những điều sai trái. Odin lợi dụng sự chân thật của Tyr để tìm đến nơi ở của những người khổng lồ, để rồi Thor và cây búa sét làm nốt phần việc còn lại.

Từ Odin đến Tyr, từ Modi đến Magni, từ Brokk đến Sindri, hay từ Baldur đến Freya, tất cả những di sản được viết lại bởi bàn tay của các nhà biên kịch tại Santa Monica Studios đều được dùng để làm bằng chứng nhãn tiền cho Kratos, mô tả cho gã thấy tương lai sẽ ra sao, phụ thuộc vào những lựa chọn Kratos đưa ra ở thời điểm hiện tại.

Thực tế là, những thần thoại được viết lại, từ những gia đình tan vỡ, vòng lặp hủy diệt, hay những câu chuyện về sự kiểm soát đều được thiết kế để liên tục khiến Kratos ghi nhớ tới thế giới cũ của gã, thứ mà sau cùng gã phải chối từ để thực sự thoát khỏi sự kìm kẹp của quá khứ. Nhưng để làm được điều đó, Kratos phải nhìn thẳng vào quá khứ, và người giúp gã làm điều này không ai khác chính là cậu con trai Atreus.

Tinhte_GOW17.jpg

Điều đó đưa chúng ta đến với sự thay đổi có thể gọi là kỳ tài nhất của Santa Monica Studios. Như đã nói, Loki là một nhân vật luôn muốn tạo ra xung đột, luôn muốn đạp đổ trật tự. Nếu như Atreus không có sự bất ổn, không hoàn thiện đến mức đầy hấp dẫn trong mắt khán giả, thì chẳng bao giờ Kratos có thể thay đổi được.

Cuốn The Viking Spirit kết thúc bằng những dòng của học giả Daniel McCoy, nhắc tới sự phát triển không giới hạn của những chi tiết thuộc về thần thoại: “Cách tốt nhất để tôn trọng thần thoại và tín ngưỡng Bắc Âu là liên tục làm mới chúng theo từng thời kỳ.” Và giống hệt như cách Loki khiến trời long đất lở trong thần thoại Bắc Âu, các biên kịch chắp bút cho God of War cũng dùng chính nhân vật này để làm rung chuyển cốt truyện họ tạo ra, tận dụng chính bản chất của Loki để phá vỡ vị thế không thể lay chuyển của Kratos.

Nếu như vị thần láu cá trong hai pho Edda rất khác so với một Loki đầy cảm xúc và đầy lòng trắc ẩn trong God of War, bản chất là một tác nhân xúc tác của Loki vẫn được giữ nguyên, biến nhân vật này trở thành món vũ khí hoàn hảo nhất để dẫn lối cho Kratos. Trong quá trình nổi loạn, Atreus bỗng nhiên trở thành tấm gương phản chiếu đúng hình hài Kratos của quá khứ, soi rõ sự thật rằng cái thế giới đầy đau khổ đã trở thành tiền để để có một Kratos của ngày hôm nay.


Tinhte_GOW18.jpg

Và chính nhờ việc cứu giúp Atreus, Kratos cũng đã cứu được chính bản thân mình. Cũng là lần đầu tiên khi Atreus không sợ khiến bố mình thất vọng, mà sợ vì cậu đã trở nên quá giống bố. Kết cục có hậu đối với hai cha con là, cuối cùng cả hai đều có cuộc lột xác cần thiết để trở thành bộ đôi dựa trên nền tảng của sự trung thực và khuyến khích lẫn nhau. Tất cả những sự biến đổi đó dẫn hai cha con đến cao trào của tác phẩm, khi Baldur bị mũi tên tầm gửi đâm và không còn bất tử nữa.

Đẳng cấp của God of War không phải là loại bỏ Loki khỏi toàn bộ câu chuyện dựa trên thần thoại Bắc Âu, mà hóa ra chúng ta đã đồng hành cùng Loki từ những bước đi đầu tiên, mãi đến cuối cùng mới nhận ra.

Rốt cuộc, God of War không chỉ lột xác được bản thân nhân vật Kratos, không chỉ lột xác được bản tính hung hãn thích phá hủy mọi thứ của y, mà còn chứng minh được một điều, bất kể quá khứ của nhân vật có vụn vỡ và đau thương đến đâu đi chăng nữa, thì vẫn luôn có cơ hội để làm lại từ đầu.

Nguồn: Javed L. Sterritt/Good Blood

Deeptalk là dạng bài phân tích sâu, nội dung chất lượng với đồ họa đẹp, coi sướng con mắt. Hình ảnh trong bài Deeptalk được mở rộng ra tối đa để bạn có thể chiêm ngưỡng và đón nhận thông tin theo cách hoàn toàn mới. Hãy pha một ly cà phê thật ngon, vừa nhâm nhi vừa đọc bài Deeptalk nhé, sẽ phê lắm đó!

87 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thích game này quá, chắc mua PS4 chơi quá 😁
@Erix Nhưng lap mình ko gánh nổi game này. Đầu tư dàn pc gaming thì tốn quá 😂
@Erix Crck nha 😆
Erix
TÍCH CỰC
2 năm
@Huy †rần Full ziet hoá luôn bạn ơi
Kent Light
TÍCH CỰC
2 năm
@vn_ninja 1650 super gánh nổi game này trên PC không nhỉ?
Lamvip379
TÍCH CỰC
2 năm
Đang chơi bản PC,Đánh đấm khó khăn hơn trên PS,Càng không thể dùng tay cầm trên PC vì nó quá dở,Chơi game này mình chỉ thích đi tim kho báu và khám phá,nâng cấp giáp hết cỡ,chứ cốt truyện ngắn quá,chơi cỡ 2,3 ngày là về đích,
@nospecial Chọn chơi cốt truyện thêm cheat chứ gì. Chơi god lính vã 2 cái chết cày vài tuần may
@Lamvip379 Chơi 2-3 ngày về đích thì 1 là chơi New game+ full đồ chọn chế độ Easy, 2 là chơi cheat ...

Chứ chơi từ đầu mà đòi chơi 3 ngày hết game chỉ có nói phét ...
@nospecial Chơi cheat hoặc new game+ có full đồ thì may ra ... chơi từ đầu không đồ thì đánh con troll đầu game còn chết sml ấy ...
Game GOW hay lắm..
Game hay và đỉnh nhất mình từng chơi
Kakashiki
TÍCH CỰC
2 năm
Cũng đang chơi game này trên PC, không hổ danh là kiệt tác làng game 2018. Chơi với tay cầm thấy rất phê, tuy nhiên vẫn hơi khó điều khiển, cơ chế lock enemies hơi khó và hay bị mất nên khi gặp một số kẻ thù di chuyển nhanh là ăn hành ngay. Điển hình nhất là khi đụng độ Valkyrie, còn lại thì tuyệt vời 😁
GoW_2022_02_09_21_25_36_649.jpg
Kakashiki
TÍCH CỰC
2 năm
@Thực Tế Sekiro tôi chơi rồi bác. Còn Nioh thì chưa chơi. Chơi God of War tôi thấy cũng khá dễ chơi, tuy nhiên cái mission tìm đánh bại 8 Valkyrie ấy. Tụi này damage to mà bay nhảy tùm lum, tốc độ cũng nhanh, xoay hướng nhìn không kịp nên dễ ăn hành. Còn lock target chỉ bắt được nó lúc đầu thôi, đánh vài cái là mất ngay. Cứ lần nào gặp tụi này thì phải vài lần đánh mới thắng nổi, chắc tôi gà với cái tay cầm hơi dỏm 😅😅.
L@zers
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Kakashiki nó có cái nút gì để quay ngược người về sau 180º, tránh bị quái nhảy ra sau lưng vào điểm mù ấy bác, e phá đảo lâu quá rồi k nhớ nữa, nhưng mà mình dùng quen nút đó thì sẽ dễ chơi hơn
Kakashiki
TÍCH CỰC
2 năm
@L@zers Thank bác.
@L@zers Nút mũi tên hướng xuống bác.. 😁. Tui chơi game này lần 4 chế độ GM GOW đánh phê hơn nhiều.
Metal 3338
ĐẠI BÀNG
2 năm
Các bài hát Guardians of Asgaard, War of the Gods của band Amon Amarth (melodic death metal) cũng nhắc đến thần thoại Bắc Âu trên.
tuanbds
ĐẠI BÀNG
2 năm
Bài viết hay quá. Game đã chơi lâu rồi, nhưng không hiểu sâu về game đến thế cho đến bài viết này. Cảm ơn tác giả.
vẫn chưa có tg chơi game này trên ps4, đang cày GoT mà sao chơi cả năm mới hêt act 1 ma thấy mới có 5% game v ta? có khi nào mình nhầm không? huhu không có tg chơi lun á anh em.
-nHm-
CAO CẤP
2 năm
@PhanDat123BL % đấy là nó tính hoàn thành toàn bộ game, cả nhiệm vụ phụ và collectible, nếu chỉ chơi main game thì chắc chỉ khoản 4-50% là hết rồi
@PhanDat123BL Act 1 là ngắn rồi, sang Act 2 3 thì lòi mắt 😆 chưa kể mấy nhiệm vụ duel lấy giáp xịn ...
Well_done
ĐẠI BÀNG
2 năm
Game hay, chơi xong rồi, còn mỗi trận đánh với valkyrie queen thì khoai vc = )), bỏ dở từ mấy bữa tới h
L@zers
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Well_done tôi cũng thế, đánh đi đánh lại con Queen chắc phải mấy trăm trận =)) mỗi lần thấy nản là lại lên youtube xem, có ông thần nào ấy tháo sạch đồ, 1 máu solo thắng con Queen đấy luôn, xem xong lại có động lực để vào phang tiếp =))
chatnever
TÍCH CỰC
2 năm
Aduma bị spoil rồi, mới chơi được 80%, vừa chơi vừa kiếm đồ. Thế ra thằng con là lô-ki à 😵
Blessa
TÍCH CỰC
2 năm
Đây là 1 trong những lý do GOW vượt qua được RDR2 ở năm 2018 để giành GOTY. Cốt truyện sáng tạo và lối kể chuyện đỉnh cao, những thứ mà Video game hiện đại thường rất yếu hoặc gần như không có.
@Blessa Mimir vừa đi vừa kể. Nào rảnh là cứ lại kể, Cũng đỡ nhàm chán
_Tofu_
ĐẠI BÀNG
2 năm
@NguyễnDuyĐạt lắm lúc đang chèo thuyền đến bến rồi cũng phải dừng lại chờ ông kể hết, nghe đang cuốn
lxhxxnxxx
TÍCH CỰC
2 năm
Không quá đầu tư tìm hiểu cốt truyện như bài đã đưa.
Nhưng cũng đã phá đảo 2 lần và thỉnh thoảng vẫn vào đập nhau với Valkyrie cho đỡ buồn 😁.
game play dc thiết kế kiểu cũ
chạy đến đoạn xx sẽ bị lock lại và thả quái hay thả boss ra
chơi ko hạp lắm
giờ thích game open world sandbox thôi
trungking
TÍCH CỰC
2 năm
Tiếc cái là cốt truyện ngắn quá, làm ra mấy 4,5 cái realm nhưng chỉ đi được có 2 realm
Buồn ghê...
-nHm-
CAO CẤP
2 năm
@trungking Những realm còn lại cho GOW phần sau
longhons
TÍCH CỰC
2 năm
@noctunalguy Jotunheim ko có combat gì trên đó nên e ko tính = )))
trungking
TÍCH CỰC
2 năm
@longhons cốt truyện đi có 2 hoặc 3 realm nếu mình nhớ ko nhầm, mấy realm còn lại là phụ, đi đánh lấy nguyên liệu chế đồ, chơi xong mà cảm thấy hụt hẫng, cốt truyện ngắn quá, cứ tưởng mấy realm còn lại cốt truyện sẽ dẫn đi tiếp. Tính ra từ đầu tới cuối có mỗi 3 ông god mà cũng chả mạnh lắm
_Tofu_
ĐẠI BÀNG
2 năm
@trungking cốt truyện chính ngắn nhưng cô đặc bác ạ, phát triển từng nhân vật được xuất hiện quá tốt
pjnkgo
ĐẠI BÀNG
2 năm
GoW hay, một dòng game t chơi k biết chán nhưng chỉ dừng lại ở hay, dùng Kiệt Tác thi GoW chưa đến mức đó, còn kém lắm
mts2401
TÍCH CỰC
2 năm
Tuy là game nhập vai nhưng cốt truyện với đồ họa không thua kém gì phim điện ảnh. Phần mới đã có trailer, đang hóng ngày ra mắt😋
Lucgiaphu
ĐẠI BÀNG
2 năm
phần này chỉ có 1 cái dở là boss không đa dạng. chỉ hay khi tìm đồ và đánh valkyrie thôi, giá mà cho đánh luôn wyvern thì hay hơn
_Tofu_
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Lucgiaphu con boss khổng lồ, lạ duy nhất là con rồng điện -tạo cảm giác giống đánh boss
Valkyrie thì có 9 chị nhưng phần lớn là khác nhau về chiêu thức đảo nhau còn lại thì y hệt.
Mấy boss như anh em con nhà Thor, Baldur thì như kiểu trùm phụ ở mấy game khác
Quái thì loanh quanh có chục loại
Game này đỉnh thật nhưng công nhận về khoản kẻ địch phong phú, epic thấy thua những phần cũ
Lucgiaphu
ĐẠI BÀNG
2 năm
@_Tofu_ cũng ko trách họ đc vì châu âu ko nhiều quái bằng hy lạp mà chế đại thì sợ bị chửi . phải chi đó là thế giới giả tưởng như soul game thì tha hồ =))
Chả hiểu sao ai cũng khen hay còn mình vào chơi 1-2 tiếng xong vứt xó đĩa mấy năm trời.
Trong khi đó Zelda: BOTW và RDR2 mình chơi cả nghìn giờ 😃
Đúng là mỗi người 1 phong cách. Kệ 😃)
@Duc-Thien Bui Trời ơi cái cmt này.
Mấy game open world hoặc m-p thì chơi nhiều giờ dc chứ mấy game kiểu chặt chém lướt mission thì rõ ràng là nó ngắn rồi, nó thoả mãn người chơi về cốt truyện, đồ hoạ, mission chứ ai chơi đi chơi lại đâu.
Mấy game này nhanh thì 1 ngày, chậm chậm 2-3 ngày end game à.
@Lục Gia Em đang tò mò bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ 😆
Clilky
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Duc-Thien Bui Có những người tự cho mình là thượng đẳng bằng cách gọi người khác là thiếu hiểu biết hoặc bọn trẻ con, mặc dù chả đưa ra được bằng chứng gì.
@Clilky Thôi nói thế các đồng chí lại nhảy dựng lên chửi nhau rồi ra đảo cả lũ 😆

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019