Đại chiến 6 tai nghe in ear giá rẻ: Moondrop, TRN, Tanchjim, Beyerdynamic, Sennheiser

trungbeo2020
25/3/2022 3:50Phản hồi: 58
Đại chiến 6 tai nghe in ear giá rẻ: Moondrop, TRN, Tanchjim, Beyerdynamic, Sennheiser
#reviewtainghe

Mở bài

Đợt covid 2021 kết hợp với Shopee các kiểu sale nên mình đã lỡ tay mua quá nhiều đồ chơi tai nghe loại rẻ này. Để rồi lúc nó chất tận 5-6 con ở nhà mới thấy chết nhiều quá. Bạn bè mình thì hay hỏi “Ê mày có con tai nghe nào ngon bổ rẻ dưới 1 triệu không”. Nhưng nhu cầu mỗi người lại khác, có người xem phim nhiều, có người lại chỉ nghe nhạc, chưa kể gu nhạc mọi người lại khác nhau. Tiện có đống đồ chơi này, mình sẽ bày ra review hết một lượt cho mọi người rồi sau đó tẩu tán dần 😆

5 ứng cử viên hôm nay gồm có: Moondrop SSR, Moondrop SSP, TRN-TA1, Tanchjim Tanya, Beyerdynamic Beatbyrd và Sennheiser CX300s.

Tầm này vẫn còn nhiều con tai hay quốc dân khác như Sony EX-55AP, Blon BL03, Moondrop khác, KZ,... nhưng sorry là mình không thể mua hết được.
Bài dài nhưng sẽ cung cấp đủ thông tin cho anh em về 6 con tai nghe này.
IMG_8949.JPG
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thân bài

Tổng quan, ngoại hình và phụ kiện

Screenshot 2022-03-24 110529.png
(Ảnh chi tiết phụ kiện nhờ các bác google review rất đủ)
Tổng quan thì TRN TA1 hào phóng về eartips nhất, nhưng Tanya là có bộ phụ kiện toàn diện nhất từ mic, túi và ear tips các cỡ. Các tai nghe khác có mức phụ kiện cơ bản đủ dùng. Beatbyrd là ít đồ nhất.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Độ bền

  • Thay được dây có SSR, SSP (loại 2 pin) và TRN TA1 (loại MMCX), có thể thay dây thêm mic hoặc nâng cấp chất âm, jack balanced tùy người chơi. Về lí thuyết 2 pin bền hơn MMCX. CX300s, Beatbyrd, Tanya không thay được nên cần phải dùng cẩn thận hơn
  • Jack chân L: SSR, SSP, TA1, CX300s. Jack chân I: Beatbyrd, Tanya. Jack chân I về lý thuyết có thể không bền hơn nếu gập nó nhiều, tuy nhiên còn nhiều yếu tố nữa trong cách sử dụng và yếu tố hên xui.
  • Độ dày của dây (không phân rõ là lõi hay vỏ): Beatbyrd>Tanya>TA1 (xoắn lõi)>SSR,SSP>CX300s (dẹt)
  • Độ dài của dây: SSR SSP, Beatbyrd và Tanya có độ dài chuẩn 1.2m. CX300s có độ dài dây nhiều hơn 1 tí. Dây dài hơn đeo túi đi đường thì hơi vướng nhưng cắm laptop/desktop sẽ thoải mái hơn 1 chút.
  • SSR và SSP vỏ kim loại được sơn màu dễ tróc. TA1 vỏ kim loại bóng. Còn lại là nhựa
Dựa vào các yếu tố trên thì đây là thứ tự về độ bền sẽ là SSR,SSP>TA1>CX300s, Beatbyrd, Tanya. Tuy nhiên cần lưu ý ngoại hình của SSR SSP cũng sẽ xuống cấp nhanh nếu dùng quăng quật nhiều.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trải nghiệm đeo và volume

Trải nghiệm đeo

Đeo vòng qua tai thì có SSR, SSP, TA1. Còn lại là cắm thẳng tai (viên đạn, bullet).

Có 3 câu hỏi lớn là: đeo êm không, cách âm không và cắm nguồn điện có bị giật không
  • Êm nhất: Beatbyrd với eartips kì dị của nó đeo cảm giác như tai nghe nằm gọn trong tai, nằm nghiêng lúc ngủ vào gối cũng được. Tiếp đó là CX300s và tanya với thiết kế viên đạn (bullet). SSR và SSP có cùng housing kim loại nhỏ xinh nên cảm giác không ép hẳn vào tai được và bề mặt tiếp xúc với tai không đầy đặn, thỉnh thoảng phải ấn lại vào. Kém êm nhất là TA1 với housing to, nặng, kim loại như Sony Z1R
  • Cách âm: CX300s > Tanya > SSR,SSP>TA1>Beatbyrd. Thứ tự này được lí giải bởi độ vừa vặn khi nhét vào tai, ống tai nghe dài và eartips stock. Bạn có thể mua tips khác để đeo vừa vặn hơn.
  • Điện giật: SSR, SSP, TA1. Trong đó TA1 là rõ nhất, SSR SSP có lẽ sau này tróc lớp sơn thì cũng sẽ bị giật rõ ràng hơn. Em từng có nhưng pha giật tung người với TA1 còn SSR/SSP thì thỉnh thoảng bị tê tê âm ỉ rồi giật.

Volume

Lưu ý: volume này để các tai nghe nghe to gần bằng nhau. Nguồn này không bàn đến chuyện phối ghép amplifier hay DAC. Ví dụ như chỉ đơn giản là để nghe SSR và TA1 to bằng nhau thì phải đẩy volume lên cao một tí đối với SSR
  • Cần nhiều volume nhất: Moondrop SSR, SSP
  • Cần tương đối volume: Tanchjim tanya, Beyerdynamic beatbyrd
  • Cần ít volume: Sennheiser CX300s, TRN TA1
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đánh giá chất âm: xuất phát điểm

Đánh giá chất là một việc khá cảm tính, đặc biệt là với người chơi a-ma-tơ như chúng ta. Mình có một số nguyên tắc nêu ra ban đầu để việc đánh giá được dễ hiểu và nhất quán nhất có thể.

IMG_8958.JPG

Bước 1: Giới thiệu:

Mình là người thích chơi tai nghe a-ma-tơ, không giỏi đọc âm phổ (graph). Mình nghe bằng tai mình là chính.
  • Gu nhạc của mình: 50% nhạc không lời và ít lời (BGM, instrumental, jazz, giao hưởng, …), 20% rock/metal, 20% nhạc pop (Vpop, nhạc pop tây thế kỉ 20, 21, …), 10% nhạc nhiều bass (dance, techno, …)
  • Gu tai nghe của mình: mình khá dễ tính, mình nghe được các tai nghe tune theo kiểu tình cảm hay tham chiếu hay harman target… Bộ sưu tập của mình hiện tại thiên nhiều về tiếng trung tính và sáng hơn.

Bước 2: Nguyên tắc: Mình có 2 nguyên tắc đánh giá tai nghe:

  • So sánh tương đối: so sánh tai nghe của mình là tai nghe cần được so sánh tương đối (relative) với một tai nghe khác. Một chiếc tai nghe đứng 1 mình bạn không thể kết luận được nó là “tiếng sáng/tiếng tối” nếu không được so sánh với một tai nghe khác (tai nghe tham chiếu). Điều này mình nghĩ hợp lí vì nếu như nói Moondrop SSR tiếng sáng, bay bổng nhưng đưa cho một người mới chỉ dùng earpod họ sẽ không cảm nhận được điều ấy.
  • Đặt mình vào người dùng: Mình không hoàn toàn theo đuổi trường phái chất âm phải tham chiếu nhất, thuần túy kỹ thuật nhất
Mặc dù mình có được nghe và có nhận ra đẳng cấp của các con tai nghe rẻ, vừa, đắt. Nhưng mình review bài này với suy nghĩ: “nếu có 1 con tai nghe bạn có thể khuyên mua cho 1 đứa bạn chả biết gì để nó cầm về nghe nhạc gì/ chơi game gì/ …” Như vậy, ngoài chất âm thì giá cả, các tính năng đặc điểm khác, mục đích sử dụng, kinh nghiệm và sở thích người dùng cuối cũng cần được cân nhắc khi kết luận về giá trị con tai nghe. Mấy con trong bài có thể là rác cho các audiophile thượng thặng nhưng có thể là 1 món đồ chơi đẳng cấp với dân ngoại đạo chẳng hạn.

Bước 3: Setup

Bài so sánh này mình viết so sánh một loạt tai nghe với nhau để mọi người có cái nhìn chất âm tương đối giữa các tai nghe và tìm ra lựa chọn hợp nhất với gu nhạc (trẻ hay già) và gu tai (sáng tối basshead gì đó).
Capture.PNG

Quảng cáo


Nhạc sử dụng test. Chi tiết tại link dưới
Mình có 12 bài nhạc thể loại khác nhau. Chất lượng file là mp3/m4a và flac khoảng 128 kbps tới 1000kbps, không sử dụng DSD hay file nhạc quá nặng. Nguồn nhạc đại trà như Chiasenhac. Mình nghe kết hợp giữa nghe tập trung và nghe thư giãn (vừa nghe vừa làm việc khác). Nguồn phát chủ yếu là laptop, DAP hoặc iphone xuất ra dac/amp như lightning-3.5mm, Audirect Beam2, Zen Can, Aune B1s. Mình không test với desktop amp quá to/khỏe
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chất âm: Bảng tổng kết

Mình sẽ có bảng tóm tắt và mô tả một số điểm trọng yếu của mỗi con tai nghe dưới đây. Các thuật ngữ có thể bị dùng “không chuẩn” audiophile nên mọi người có thể thoải mái trao đổi, bắt lỗi. Chi tiết trải nghiệm nghe mình để tại Link này

1.png
2.png
3.png

Một số lưu ý:

  • “Tự nhiên” là gì: trong bài mình có đề cập đến khái niệm này. Nói 1 cách cảm tính thì tai nghe thể hiện tự nhiên là gồm cách sắp xếp nhạc cụ, âm trường âm hình nó “khớp” với cách mà mình từng nghe trên những con tai nghe tham chiếu đắt tiền hơn. Ví dụ: Moondrop SSR có cách sắp xếp nhạc cụ nghe khá gần với cách những con như HD600, K702, hay Moondrop S8 thể hiện.
  • Dòng nhạc nào mình không nêu là hợp hay không hợp thì tức là con tai nghe nó đánh ở mức trung bình, không quá tệ không quá hay (theo cảm nhận của mình)
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trả lời nhanh một số câu hỏi mang tính tuyệt đối

Mình có tổng hợp một số so sánh thứ tự sau:
  • Tai nào nhiều lượng bass nhất: Beatbyrd > Tanya > CX300s > SSP = TA1 > SSR
  • Tai nào bass sâu nhất: Beatbyrd, SSR > Tanya > CX300s, SSP (câu này khá khó và tương đối với em)
  • Tai nào nhiều lượng mid nhất: TA1>SSR>Tanya>Beatbyrd>SSP>CX300s
  • Tai nào nhiều treble nhất: TA1>CX300s>SSR>SSP>Tanya>Beatbyrd
  • Tai nào âm trường rộng nhất: SSR>CX300s>TA1>SSP>Beatbyrd>Tanya
  • Tai nào nghe êm ả nhất (chiều ngược lại là máu lửa): Tanya>SSR, SSP>Beatbyrd>CX300s>TA1
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Phối ghép, mod

Có 2 thứ mình sẽ đề cập là phối ghép thêm dac/amp và thay eartips. Do phần này là cảm tính nhiều hơn nên mình chỉ nêu trải nghiệm chung.

Quảng cáo


  • Có 1 chút hiệu quả khi phối ghép với DAC/AMP: Moondrop SSR/SSP, Beatbyrd, Tanya.
  • Không có nhiều thay đổi khi ghép DAC/AMP: TA1, CX300s
  • Eartips phù hợp: Moondrop em thấy eartips nào cải thiện cảm giác đeo hơi cứng/kim loại của nó đều tốt (VD: spinfit, azla xelatec, senafit, foam, …). TA1 phối với eartips làm mềm tiếng đi như foam thì sẽ đỡ chói. CX300s không có nhiều thay đổi lắm theo eartips. Beatbyrd phối với spinfit sẽ cải thiện chi tiết và bass đỡ kéo đuôi, đồng thời tăng độ cách âm, Tanya thì sử dụng tips xelatec để đỡ bí và tối.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

So sánh một số cặp tai nghe

Một số cặp mà mọi người có thể sẽ quan tâm nhiều hơn. Mọi người có hỏi thêm thì đưa vào bình luận nhé.

IMG_8950.JPG
  • SSR vs SSP: 2 con tai nghe kĩ thuật, âm trường, âm hình tốt nhất đám, thậm chí là tốt nhất trong tầm giá. Chi tiết và sắp xếp nhạc cụ của Moondrop SSR SSP đều tốt và tiệm cận những tai đắt tiền hơn, người mới chơi hay đã chơi lâu đều sẽ bị ấn tượng bởi điểm này. Điểm chung thứ 2 là tiếng 2 con đều tương đối mỏng và hiền hòa, mượt mà ít gai góc. Điểm khác nhau thì SSR có âm trường rộng hơn SSP, mid và high mid tiến hơn nghe rất bay bổng (đôi khi bị hơi chói/shouty), trong khi SSP có âm trường bé hơn SSR và mid “ở chính giữa” hơn. Bass của SSR rất ít về lượng nhưng khá sâu (phong cách bass của tai nghe tham chiếu phẳng), trong khi SSP hơn SSR về lượng bass và có hiện tượng lấn dải (lí giải cho cảm giác âm trường bé hơn SSR). Nhìn chung SSR và SSP nổi bật về kĩ thuật, sự khác biệt nằm ở việc đánh đổi lượng bass (SSP) lấy 1 chút dải mid bay bổng và âm trường (SSR).
IMG_8955.JPG
  • TRN-TA1 và Tanchjim Tanya: 2 thái cực trái ngược hoàn toàn nhau. TRN TA1 gây ấn tượng cực mạnh với lượng mid nhiều, tiến, kết hợp với bass đủ, treble nhiều và chi tiết quá đà. Do vậy, anh em chơi tai nghe lâu sẽ nghe thấy rõ TRN TA1 có cảm giác rời rạc (lack coherence) thiếu tự nhiên và chi tiết quá đà (analytical/sterile). Ở chiều ngược lại Tanya chi tiết rất ít nhưng có dải bass sâu, dày, nhiều lượng kết hợp với mid cũng dày, tự nhiên, hiền hòa. Treble của Tanya rất ít. Âm nhạc tanya đánh rất chậm rãi, tình cảm và đầy đặn (full-bodied), đặc biệt là giọng ca sĩ. Về mid/giọng ca sĩ, giữa 2 tai nghe này bạn sẽ phải lựa chọn giữa mid giàu năng lượng/hét vào mặt (TA1) hay đầy đặn tình cảm (tanya). TA1 đánh tạp tốt và đánh rock/metal rất tốt trong tầm giá này, trong khi Tanya đánh nhạc ballad, vocal, pop chậm rất tình cảm.
IMG_8956.JPG
  • Sennheiser CX300s và Beyerdynamic Beatbyrd: Bass của Beatbyrd thật sự là dành cho bass-head, mình đánh giá nó tốt hơn chất bass ù và nhựa của dòng Sony extra bass nhiều. Bass beatbyrd lấn dải mạnh nhưng độ sâu ổn và độ động tốt (dynamic), đánh phát nào rung đầu phát đó. Bass của sennheiser thì vẫn vậy: hơi hơi nhiều nhưng mềm thịt, lấn dải nhẹ, kéo tí đuôi tình cảm (gần giống cách làm của tanya nhưng đỡ lấn hơn). Mid của Beatbyrd tiến nhẹ để đảm bảo toàn bộ không gian nhạc có năng lượng và không tối um, trong khi mid của CX300s lùi nhẹ và khá relaxing, lượng vừa đủ. Treble là điểm khác nhất: Beatbyrd hơi ít treble trong khi CX300s lại nhiều lượng treble hơn các in ear sennheiser thông thường. Treble của CX300s giúp bạn nghe rõ leng keng nhưng cảm giác bị đẩy lên và không được đanh (articulate) lắm, như kiểu bị EQ lên. Tựu chung thì Beatbyrd là của basshead và CX300s là 1 con đánh rất tạp, nhạc gì nó đánh cũng chấp nhận được, rất hợp sử dụng đa mục đích.
IMG_8954.JPG
  • TRN TA1 vs SSR: Đến đây thì bạn sẽ khá rõ điểm khác biệt của 2 con này rồi. SSR tiếng hiền, ít bass hơn nhưng âm nhạc có kĩ thuật tốt: chi tiết, âm hình, âm trường đều tốt, tự nhiên. So với SSR, TRN TA1 âm trường bề ngang bị nhiều quá đà trong khi chiều cao thiếu dẫn tới nhạc cụ bị dàn hàng ngang, cảm giác chi tiết quá đà và thiếu tự nhiên. Bù lại TA1 có bass lượng hơn và mid với treble đều được đẩy lên, tạo cảm giác giàu năng lượng rất dễ gây ấn tượng ngay lần nghe đầu.
IMG_8957.JPG
  • CX300s vs SSP: Đây là 2 ứng viên “đánh tạp” tốt nhất trong đám, và chỉ khi nghe cặp giữa 2 con này mới nhận ra 1 điểm khác biệt mấu chốt. SSP cũng giống SSR, hiền hòa và kĩ thuật tốt (thêm tí bass). So với SSP, CX300s tiếng giàu năng lượng và tiến hơn kha khá, tuy nhiên khác biệt mấu chốt vẫn là âm trường và sắp xếp nhạc cụ. Nghe A/B 2 con cảm nhận được ngay CX300s tiếng khá “phẳng” (thiếu chiều cao âm trường), nhưng các dải đều được đẩy lên rõ hơn so với SSP để cố gây ấn tượng mạnh từ đầu. Người mới sẽ thích CX300s hơn còn anh em chơi lâu sẽ nói SSP đánh “chuẩn” hơn.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đánh giá chất âm: Chơi game và xem phim

Đây là chủ đề mà nhiều người mới chơi hoặc mua tai nghe rẻ tiền sẽ hỏi đến. Trong list nhạc mình cũng có 1-2 bài nhạc game/phim để đánh giá chi tiết (tham khảo phần chất âm). Nhưng cách mỗi người thưởng thức game và phim lại khá khác nhau. Do vậy, trước tiên cần xác định bạn muốn trải nghiệm game/phim theo trường phái nào. Trong cộng đồng âm thanh, có 2 nhóm:
  • Trải nghiệm âm thanh game/phim phải chính xác, chi tiết để xác định chuẩn mục tiêu, bước chân, … Phong cách này hợp với tai nghe âm trường rộng, tiếng chi tiết, bass vừa đủ như Moondrop SSR, và 1 chút nào đó là TRN TA1
  • Trải nghiệm âm thanh game/phim phải kết hợp cả chi tiết và sự trầm hùng/phê (immersive). Phong cách này hợp với tai nghe kết hợp giữa chi tiết và 1 lượng bass kha khá như SSP, CX300s
  • Tanchjim Tanya và Beatbyrd là 2 tai chi tiết hơi kém và bass quá lấn dải nên cá nhân mình nghĩ là không hợp phim/game. Nhưng nếu bạn thích bass game/phim phải hơn cả chi tiết thì dùng cũng được.
  • Mic chỉ có CX300s và Tanya có sẵn. Như vậy thì CX300s là ứng viên đủ điều kiện nhất cho gaming. Tuy nhiên SSR SSP có thể mua dây có mic thay được sau này.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trường hợp sử dụng và kết luận

Giờ có rất nhiều tai nghe rẻ dưới 1 triệu đến từ các hãng chi-fi xịn cũng như hãng gạo cội clear hàng. Mỗi con đều mang theo kha khá đặc trưng chất âm của hãng, coi như chiếc vé vào cửa trải nghiệm âm thanh của hãng đó. Tuy nhiên mức giá dưới 1 triệu tập trung nhiều người dùng đại trà, đa mục đích bên cạnh những người chơi tai nghe, do vậy việc lựa chọn tai nghe phù hợp cần cân nhắc nhiều yếu tố bên cạnh chất âm. Nếu phải đưa ra khuyến nghị quốc dân nhất trong 6 con này thì mình sẽ chọn CX300s, tuy nhiên giá nó cao và giờ cũng đã ít hàng. Sau đó là 2 chiếc tai nghe Moondrop dù đã ra đời được khoảng 2 năm rồi nhưng vẫn có giá trị rất tốt. Các em còn lại đều có điểm khá đặc trưng trong chất âm mà sẽ tùy gu nhạc và nhu cầu dùng mọi người sẽ thấy điểm hay của nó.

IMG_8959.JPG
(Hộp mua ngoài, không đi kèm sản phẩm)
Dựa trên các yếu tố trên thì mình sẽ nêu trường hợp sử dụng tai nghe phù hợp nhất của 06 con này. Lưu ý đây chỉ là trường hợp mình nghĩ nhìn chung là hợp còn bạn đã thích con này con kia vì cái màu, cái thiết kế, chất âm của nó rồi thì cứ múc thôi.
  • Moondrop SSR và SSP: Chất âm gần với tai cao cấp và cũng phối ghép amp/dac, dây được nên 2 con này đáng để anh em chơi audio đắt hơn rồi bỏ tiền ra sưu tập thêm trải nghiệm (“ồ tầm tiền này cũng khá phết nhỉ). Bên cạnh đó, thiết kế cu-te trái tim này cũng rất hợp để tặng gái cũng như người mới chơi/dùng nghe tạp (nếu không quá đam mê bass)
  • TRN TA1: Đánh tạp được với chi tiết và mid khá tốt nhưng anh em chơi lâu dài sẽ chê TA1 thiếu tự nhiên (coherence). Con hiếm hoi đánh rock/metal khá tốt trong tầm tiền này. Rất hợp với người mới chơi nhờ chất âm và ngoại hình ấn tượng. Điểm trừ là cảm giác đeo nặng, không quá thoải mái và có bị giật nếu cắm nguồn điện.
  • Tanchjim Tanya: Một con tai nghe khá thuần về âm nhạc. Mình nghĩ anh em chơi đồ cao cấp rồi sẽ khá thích sưu tầm con này, cũng như người mới (nhiều bass luôn dễ nhập môn). Chất âm tình cảm mid dày khá đặc biệt trong tầm tiền. Giá cũng rẻ cảm giác đeo bullet khá êm. Điểm yếu là nó chỉ chơi được vài dòng nhạc nhất định và không quá hợp game/phim. Nhìn chung tanya vừa hợp sưu tầm vì chất âm mà dùng cho người hay nghe nhạc được, miễn không phải là phim game quá nhiều.
  • Beyerdynamic beatbyrd: Tai nghe dành cho basshead mà mình đánh giá cao hơn các tai extra-bass của Sony cùng tầm tiền. Rất lực và độ động rất tốt nghe phê. Cảm giác đeo êm rất êm, nằm gối nghiêng được. Điểm trừ là chất âm khá thiên bass nên anh em chơi lâu có thể sẽ không thích nhưng lại được người mới chơi hoặc nghe nhạc trẻ ưng ý.
  • CX300s: Đánh tạp, tổng hòa mọi ưu nhược điểm. Trong 5 con thì con này là trung bình và tham chiếu nhất về chất âm. Chất âm Sennheiser đặc trưng nhưng được EQ thêm 1 tí treble nên rất khó để chê (vì Senn thường hay để treble lùi). Cảm giác đeo êm. Dây dẹt dài, jack chữ L nên dù không thay dây được nhưng nếu cẩn thận vẫn có thể giữ được. Điểm trừ 1 là âm trường hơi hơi phẳng, không tiệm cận hàng cao cấp như cách moondrop làm (dù tai nghe cao cấp của Senn làm được). Điểm trừ 2 là giá bán gốc cao (tầm 1tr2) và giờ không còn nhiều hàng nữa.
58 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Chất quá bác. Người ta review có 1 con mà bác chơi hẳn 6 con thế này thì win game cmnr 😁

Anw, con SSR nói là sâu thì không hẳn. Nó nhiều mid-bass và ít sub-bass, nên nghe cảm giác bass rất căng và gọn gàng nhưng không xuống sâu, không có cái sự rumble. Tức là kiểu đủ để quẩy nhạc, nhưng mà không có phê
@mokapotsv Thanks bác. Em đợt đó mua quá tay quá xong lại để đó haha.
Em nghe SSR tiếng cello đúng là ít lượng nhưng các nốt trầm xuống khá thăm thẳm nên em dùng từ sâu. Còn đúng là nghe bass ssr nhìn chung không rumble và phê
@trungbeo2020 Cơ mà con này nghe hơi chói thật bác ạ. Em phải tải EQ về chỉnh nó mới lột xác thành thiên nga thực sự. Bác thử xem, cần thì em share cái setting đang dùng
@nospecial bọn này đều dễ kéo bằng điện thoại mà bác. Với điện thoại không lỗ cắm tai nghe thì mua cái đầu chuyển tầm 200k như avani, abigail, ... gì đó nghe cũng hay lắm rồi.
@trungbeo2020 có con nào dễ kéo bằng đt không vậy bác nhỉ,hic
Em mới mua lại một con SSP thì bác lên bài này 😳
@evolto Ssp ổn mà bác. Một điều e chưa đề cập là ssr ssp bán lại vẫn khá hot 😁
@trungbeo2020 Ông bán cho em rao trên marketplace có 450k
Không phải ai mới chơi cũng ưng bass nhiều đâu bác
@Thành Nhân Cao đúng vậy bác. Quan trọng là con tai nghe đầu tiên dùng là gì và gu nhạc là gì nữa. Em cũng xuất phát điểm bằng Sennheiser HD201 nên thích tiêng sáng hơn. Nhưng bạn bè em mà hay hỏi em mua 1 con dùng lâu dài thì họ quan tâm nhiều về bass hơn 😁 Chả hiểu có mấy người bảo tao nghe jazz cũng thích bass nhiều
hdn_hp
TÍCH CỰC
2 năm
Like vì bài viết rất chi tiếp, mình cũng có thói quen xấu là thích đọc về đồ công nghệ nên hay mua đồ sale (7 -8 con gì đó) T.T
Đang dùng pk3 trước khi ngủ vì đeo thoải mái, porta pro nghe tạp và he400se (ít nghe vì to, nặng, lỉnh kỉnh headamp !
@hdn_hp Tks bác. Em chơi từ hồi f31 voz và head-fi đời đầu nên quen format review so sánh tương đối này. Review viết về 1 mình một tai khá là dễ bị cảm nhầm.
Được cái là mua nhiều xong thì bác sẽ biết mình vô thức cầm con nào dùng nhiều nhất. Đó là con nên giữ lại 😁
hdn_hp
TÍCH CỰC
2 năm
@trungbeo2020 Hồi trước mình mua con pk3 do đọc bài trên f31, tại pk1 + headamp hơi nặng tiền. Sau đó nghe qua một vài con in ear : momentum, nuforce ... nhưng khó chịu, không thoải mái nên giờ quay lại pk3 nằm đeo thoải mái, không cấn
Cười vô mặt
Kent Light
TÍCH CỰC
2 năm
Đa số newbie thích Bass
Cũng như số newbie thích Clicky
Cười ra nước mắt
@Kent Light Em cũng thích clicky lúc đầu xong đến lúc mua con linear tốt gõ nó bông mềm sướng thật 😁
Cách cảm nhận sound stage của tai nghe, cá nhân mình dùng cách này.

1. Môi trường ánh sáng yếu
2. Màn hình đt cho độ sáng khá cao
3. Nhắm mắt (nhưng hướng vào đt)
4. Đưa đt lại gần và mắt vẫn nhìn theo (thông qua độ sáng cảm nhận thấy)
5. Lúc cảm thấy mắt bạn ở điểm cực cận (là cự ly khoảng 1 gang tay) cũng là lúc soundstage bộc lộ ra nhất.

Bước 4 là rất quan trọng làm sao cho mắt "nhìn" nhưng tai thì nghe (tập trung vào vocal và truy xem ca sĩ định vị ở đâu = tai trong khi mắt vẫn "dán" vào màn hình).

Nó rất khác so với việc nhắm mắt nghe nhạc hay là tập trung hết sức nghe bass hay treble... hay cố truy theo một nhạc cụ bất kì nào.

Với tai nghe, nó chỉ tạo ra một đám mây, à ồ "sound cloud" thôi. Và hãy tìm cách vùi đầu bạn trong đám mây đó.

Đừng cố cảm thấy tiến hay lùi, sâu hay rộng... nó giả trân lắm. Về mặt vật lý tai nghe ko thể làm đc đâu (do ko thu âm với mục đích sd cho tai nghe mà là speaker)
@T.NC Tks bác. Em đánh giá âm trường bằng cảm tính khi nghe 2 tai nghe khác nhau thôi nên chỉ thấy được con nào sâu hay phẳng, rộng hay hẹp khi so chúng với nhau. Đúng là nó tai không thể làm thế được về mặt vật lí. Khi nào em thử dùng cách của bác xem
@trungbeo2020 Cách mình diễn tả đó cho người thử lần đầu khi chưa quen.
Còn mình thường tự đưa điểm hội tụ về điểm cận dù mở hay nhắm mắt (chỉ cần phòng ko tối quá) nên mình đoán là lúc đó nét mặt trông khá nghệt 😁
Lớp ánh sáng trc mắt (dù nó bị che =mí mắt) nó trở thành điểm tham chiếu thính giác nhưng hệ ko gian ko bị đẩy lùi ra phía sau (laid back) mà tạo ra sound cloud hình cầu mà hai tai ở tâm đám mây. Khá thú vị và phiêu
ExVelocity
TÍCH CỰC
2 năm
Dài quá chưa đọc nhg thấy chất lượng quá bác ơi.
@ExVelocity Thanks bác. Khi nào bác cần tìm mua tai rẻ thì tham khảo bài viết của em cũng được ạ 😁
ExVelocity
TÍCH CỰC
2 năm
@trungbeo2020 Hehe vâng, em tham khảo vậy. Tai rẻ thì cứ con nào bèo bọt em mua. 150k đổ về là ngon rồi
ExVelocity
TÍCH CỰC
2 năm
@trungbeo2020 Nhưng có điểm bác bị nhầm. Sự tự nhiên k phải là coherence. Coherence là sự liền lạc, chỉ áp dụng với các tai có nhiều driver hoặc nhiều loại driver do phải có nhiều crossover. Thì khi có nhiều crossover thì đoạn giao thoa giữa 2 crossover sẽ bị cộng hưởng, một là dip hay là bị boost, graph đo ra sẽ k liền mà bị gấp khúc. Tai được chỉ là coherence là tai tuning tốt, không có hiện tượng bị gấp khúc này. Còn sự tự nhiên phải là naturality.
tyneymo
ĐẠI BÀNG
2 năm
Đống này mới chỉ nghe ssp và ssr. Gu mình thì thích ssr hơn nhưng hiện tại đã có con fio fd1 rồi. Nhiều khi muốn mua thử trải nghiệm con kxxs mà HN không có ae nào pass cũ. Trước nghe thử con it01s cũng là 1 em ngon.
St. Patrick
ĐẠI BÀNG
2 năm
Cá nhân e đã dùng cả Tanya, CX 300S, SSR & SSP thì con duy nhất còn trụ lại đến giờ là Tanya =)) E xin phép "bênh" Tanya như sau:
1. Housing Tanya chỉ có phần màu đen là nhựa, còn phần màu bạc là KIM LOẠI. Hãng thì công bố nó là Titanium, e chả biết đúng ko nhưng dùng từ hồi nó mới ra đến giờ là gần 1 năm, sử dụng như bình thường thôi thì thấy shell này rất bền, ko bị trầy xước 1 chút nào, chữ in trên đó vẫn ko bay màu & đặc biệt là hoàn thiện cực kỳ tốt, ghép nhựa & kim loại với nhau nhưng rất khít, ko hở ko thừa
2. Xét về độ bền thì mạnh dạn cho Tanya lên đầu luôn. Nhược điểm duy nhất của nó là dây liền, nhưng dây con này phủ lớp cao su mờ, hơi trơn ở ngoài + ko bị lưu nếp gấp nên trừ khi bị chó mèo nhai hay vo viên ra thì ko chê đc gì (mà để dây gặp phải trường hợp như thế thì chất liệu gì cũng đi thôi). Cộng thêm cả housing như e đã mô tả ở trên. SSR, SSP thì chúa trầy sơn r, ngoài ra cũng ko ít người trên các group audio quốc tế phản hồi về QC issue, phổ biến nhất là vụ channel imbalance. TA1 ko bị trầy ghê nhưng housing cảm giác ghép nối ko cẩn thận, e đã cầm thử thấy ko chắc chắn. Còn CX 300S thì thôi, housing nhựa bóng + faceplate phay sọc siêu dễ trầy, dây bọc cao su cùi mía, e dùng 6 tháng tương đối bảo quản (dùng xong cho vào bao hết) mà vẫn trầy khá nhiều, chưa kể bị microphonic nhiều hơn hẳn Tanya. Đã bán vội trước khi nó đứt thật =))
3. Về âm thì nói thật, Tanya đặc biệt ở chỗ nó scale rất mạnh theo nguồn phát, còn mấy con kia sinh ra để plug'n'play thẳng luôn, cùng lắm cho cái dongle rẻ tiền là hết nấc. Cá nhân e cũng chơi khá nhiều eartip & thấy 2 cặp Tanchjim T-APB T300T + CP 500 là chuẩn nhất, đang chờ cặp CP 155 về để test thêm, còn XELATEC làm âm khá chói + sắc, mất đi cái tính mượt mà & ấm áp của nó. Đối với nguồn phát, e đã thử VE MEGATron (kèm 1 jack trở kháng Dunu 75 Ohms), Lotoo PAW S2, 3 cọng dongle rẻ tiền nổi tiếng là VE Odyssey HD 2.0, AVANI, ABIGAIL thì thấy mỗi 1 "nấc" nguồn phát nó scale lên rất rõ rệt. Nhất là phốt với MEGATron hay PAW S2, âm trường âm hình ra như 1 con tai nghe cao cấp luôn, cả độ rộng, chiều sâu & âm hình đem so vs SSR SSP hay CX 300S thì xúc phạm em nó vđ =)) E cũng có 1 cặp RE800, con này âm trường cũng thuộc dạng rất ngon nghẻ r kể cả từ hồi giá nó vẫn loanh quanh 4-6 củ, & so sánh với Tanya thì thấy RE800 chính xác hơn ở vị trí vocal, các nhạc cụ khác tách bạch hơn, nhưng hơi sắc quá chứ ko mượt mà đc như Tanya, còn độ lớn không gian thì như nhau. E vẫn dùng Tanya bắn COD ngon nghẻ, ngoài ra còn HD 560s nữa nhưng lười lôi ra vì to =)) Ngoài ra Tanya là 1 con có âm rất nhiều layer, cho nó 1 cái nguồn phát tốt & chi tiết thì nó sẽ kéo bung được ra & ko nghe "dính" nữa (& stack iFi của bác, e xin phép là e cũng ko đánh giá cao stack đó về technicalities, e thấy đơn giản nó là 1 stack khá tối ưu cho đám HD đầu 6 chủ yếu về power vì bọn đấy cũng ko thiên về kỹ thuật), tất nhiên bản chất âm nó tune theo hướng mượt mà nên ko thể so vs những con gai góc như đám Moondrop đc. Nói chung đối vs e, nó là 1 con xứng đáng để đầu tư kiểu 1 tiền gà 3 tiền thóc, có bao nhiêu nó thể hiện bấy nhiêu & kể cả sau này nâng cấp đồ r vẫn có thể giữ nó lại
Nam97fgx
ĐẠI BÀNG
2 năm
rất thích những con người như bác,1 bài review thôi nhưng chịu khó tìm hiểu và làm việc thật sự nghiêm túc và tâm huyết. Nếu có thể muốn được mời cafe bác 1 bữa để hiểu thêm về nhân sinh quan và phong cách sống của bác.
TRƯỜNG LV
ĐẠI BÀNG
2 năm
Có con nào tầm dưới 1t5 không bác
Em newbie tham khảo ạ
Bài viết dài dòng mà không thấy Sony đâu ?????
@Emranhieulam1990 Bạn đọc bài chưa? Nếu đọc rồi thì không ai hỏi câu đó ngoại trừ bạn
iommvo
TÍCH CỰC
2 năm
@Emranhieulam1990 Sony tầm 1tr thì như rác. Bass nổ não. Tầm 1tr là sân chơi của chifi
@hieu282828 Đọc mỗi tiêu đề thôi bạn ơi 🤣
HoaTrungTin
ĐẠI BÀNG
2 năm
Tai TRN TA1 hình như giá thời điểm này tầm hơn 500k á Bác. Mình mới lấy con này, nghe cũng ổn phết.
1.jpg
5.PNG
Bài dài, đọc trên điện thoại khó coi. Đánh dấu xem sau.

Mình trước cũng chơi hỗn tạp, bắt chước "nghe kỹ thuật" này nọ, sắm DAC/AMP cùi (chưa cục nào quá 10 triệu nên được cho là hàng cùi - theo "giới chơi" là vậy). Rồi có việc đột xuất mình đành cho đi hòng cứu thân mua PKL để chạy liên tỉnh coi ruộng lúa (mình nông dân mừ).

Bẵng đi 1 thời gian, mình vô tình cầm lại 1 tai nghe cũ sì mà bán không ai mua Philips SHE3800, đút máy điện thoại, nghe lại thấy hay quá trời. Giờ mình chỉ tâm niệm nghe theo cảm xúc chứ không đầu tư lại mảng âm nữa. Đôi khi mắc tiền chưa chắc hay bởi cảm quan từng cá thể là khác bọt.

Ngày cuối tuần chúc thớt vui.
@Ting Tưởng Đúng bác ạ. Đợt này e đang bị thuốc con ve monk plus có 120k 😁
@trungbeo2020 Còn nhiêu đây, có điều dây bị chảy nhựa, jack cắm có phần lỏng rồi. Để đi thay:
Sennheiser MX475
1More 1M301
Philips SHE3800

Con VE Monk Plus mình cũng có, dây đang nát, liệt kê vào thành phần bất hảo: cần khôi phục nhân phẩm - thay dây

Con FAAEAL Snow Lotus 2.5mm Balanced thì không còn đồ để kéo, tạm quăng đó

Còn hay đem theo bên người là bluetooth Yamaha E3B. Âm ổn, thiết kế nút bấm hơi tệ vì cứng quá.
E3187638-E0D5-48A1-806C-1838E07900D8.jpeg
BA27DC24-5EAF-4428-B378-13204801A540.jpeg
Ae cho hỏi có cái tai nghe nào chuyên dành cho gọi điện thoại ko!? Mình có xài mấy con Sony SHB cắm tai nghe vào nghe gọi rất tốt. Tính kiếm 1 cái chuyên dụng nhỏ gọn, đeo 1 bên .
@SoGetSu Tai theo điện thoại bác ạ. Nếu cắm dây thì e nghĩ là tai akg của ss hoặc earpod của iphone là mic ok nhất r
caothudeche
ĐẠI BÀNG
2 năm
Để làm được bài này thì bạn cũng kỳ công quá, nhưng hơi dài mình không đọc hết được, chỉ có một số ý kiến sau:
- Lấy CX300s giá gấp 1.5 - 2 lần các đối thủ còn lại nó không ngang tầm lắm, nó thua thì hơi ê mặt cho Sen. Vì như tiêu đề đang lấy giá để làm mốc, và tầm 1.2tr không thể đưa vào nhóm rẻ được, có thể với anh em hay chơi âm thanh thì rẻ nhưng đa số người dùng sẽ là đắt, nhiều ông mua Iphone mấy chục củ nhưng mua con tai nghe 400K còn thấy lăn tăn. Thế nên ứng cử viên cho nhà Sen ra tranh tài nên là CX80s.

- CX300s: "Dây dẹt dài, jack chữ L nên dù không thay dây được nhưng nếu cẩn thận vẫn có thể giữ được"
Nửa đoạn đầu mình hiểu là dây của nó không rút ra và thay dây khác được, nhưng nửa đoạn sau thì mình lại hiểu là sợ dây hỏng không thay được. Nếu mà dây hỏng thì không phải lo nhé, có nhiều kiểu hỏng, nhưng đen nhất là thay cả dây thì vẫn thay được. Mình dùng CX300II, cùng giắc L, đứt ngầm dây thì mua dây DYI, mở housing ra và hàn dây vào là xong, đẹp như chưa có gì sảy ra luôn. Lưu ý là mua dây có kích thước phần đưa vào housing bằng cái cũ là được.
@caothudeche Vâng cx300s ngáo giá nhất trong đám bác ạ. Em mua cũ cùng được tầm giá này thôi, lúc đầu nghĩ loại nó khỏi danh sách nhưng thôi cứ để đó tham chiếu. Thay dây thoải mái nhưng nhiều ng cũng ngại mất cái dây stock đẹp, có mic 😁
@trungbeo2020 Cx toàn bass, bạn chịu chơi cũng gắt đó. Mình chịu ko nổi
Từ khi hết thời sinh viên là mình bỏ đeo tai nghe, chắc có mỗi chạy bộ là mình đeo lại tgian gần đây ( nếu chạy ngoài cánh đồng thì đeo còn chạy phòng tập thì m ko đeo). Mình ưu tiên dùng loa hơn là tai nghe @@, đeo tai nhiều, nhất là loại in ia nao chắc dễ nặng tai lắm
@toivaem986 Trước khi gặp vấn đề về thính giác thù vừa tập vừa đeo là dễ dính viêm tai rồi.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019