"12 ngày kinh hoàng" - cá mập ăn thịt người tại New Jersey và nguồn cảm hứng cho bộ phim Jaws

bk9sw
8/8/2022 10:38Phản hồi: 82
"12 ngày kinh hoàng" - cá mập ăn thịt người tại New Jersey và nguồn cảm hứng cho bộ phim Jaws
Hơn 1 thế kỷ trước, Charles Vansant khi đó mới 25 tuổi bắt đầu mùa hè của mình trong làn nước mát ven bờ biển Jersey, bang New Jersey. Thế nhưng, Charles đã bị một con cá mập tấn công khiến cậu thiệt mạng vào ngày 1 tháng 7 năm 1916. Cái chết của Charles đã khởi đầu cho "12 ngày kinh hoàng" tại bờ biển Jersey và đây cũng là ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết sau được chuyển thể thành phim nổi tiếng Jaws năm 1975.

Những cái chết


009 Shark fin.jpg
Mùa hè năm 1916 là một trong những mùa hè nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử Hoa Kỳ và cư dân từ khắp New Jersey và New York đã đổ về bờ biển Jersey để giải nhiệt. Một trong số đó là Charles Vansant - một cậu thanh niên xuất thân từ gia đình giàu có ở Philadelphia, cha là một bác sĩ. Ngay khi đặt chân đến bãi biển Jersey, Charles đã xuống tắm cùng một chú chó. Anh lội ra khá xa, tách biệt khỏi đám đông. Sau phút giây ngụp lặn, Charles bơi trở về bờ thì cũng là lúc một chiếc vây đen nổi lên phía sau. Một số người trên bờ nhận ra chiếc vây nhưng họ nghĩ đó là cá heo. Và rồi một người đàn ông kêu lên “Coi chừng!”, nhiều người khác cũng đồng thanh hét lớn để cảnh báo Charles nhưng không may, hàm răng trắng của con cá mập đã nhô lên khỏi mặt nước và ngoạm vào chân Charles. Người chứng kiến choáng váng, la hét kêu cứu trong làn nước đỏ thẫm. Charles cố gắng thoát khỏi con cá mập nhưng vô ích, càng vùng vẫy chỉ càng khiến hàm răng cá mập nghiến chặt vào chân. Những người ngoài cuộc bao gồm cả gia đình Charles đứng trên bờ đều sững sờ không biết phải làm gì. May thay em gái của Charles là Louisa đã bình tĩnh kêu gọi mọi người xuống giúp anh trai mình. Đám đông khiến con cá mập lùi lại, nó nhả Charles hàm răng vẫn treo những mảnh thịt chân của Charles. Nó không rời đi mà giữ khoảng cách, nhìn Charles chảy máu.

009 Engleside hotel.jpg
Khách sạn Engleside (đằng sau), nơi Charles Vansant được cấp cứu.

Người đầu tiên tiếp cận được Charles là Alexander Ott - một vận động viên bơi lội. Ott ôm lấy Charles từ dưới cánh tay và bắt đầu dìu anh vào bờ. Thế nhưng chỉ vài giây sau, Ott cảm thấy có một lực kéo ngược lại và ông kinh hoàng nhận ra con cá mập đang cố giành giật Charles. Ott mô tả nó dài khoảng 3 mét, nặng phải đến hơn 200 kg và cực kỳ khỏe. Nhiều người đã lao xuống biển giúp Ott, họ hình thành một sợi xích người để “kéo co” với con cá mập. Charles được kéo lên xa hơn trên bãi biển nhưng con cá vẫn bám theo. Mọi người kinh ngạc khi chứng kiến con cá mập lao lên sát bờ, bụng nó đã chạm đáy và càng kinh ngạc hơn khi nhìn thấy vết thương khủng khiếp của Charles. Chân trái của anh chỉ còn treo lủng lẳng, máu không ngừng tuông ra. Cha của Charles - bác sĩ Eugene Vansant chứng kiến gương mặt con trai mình đang trắng dần và ông cũng không biết phải làm gì để giữ mạng sống cho con trai. Ott nhanh trí xé một chiếc đầm phụ nữ để buộc garo cầm máu cho Charles. Do bệnh viện gần nhất cách bãi biển đến 48 km nên Charles được đưa về cấp cứu tại khách sạn Engleside nơi gia đình Vansant thuê nghỉ dưỡng. Một tấm cửa gỗ của khách sạn đã được tháo ra để dùng làm bàn mổ, tuy nhiên các bác sĩ bao gồm cả cha của Charles không thể cầm máu. Ông Eugene bất lực nhìn đứa con trai duy nhất của mình qua đời. Trong giấy chứng tử của Charles Vansant, nguyên nhân tử vong được ghi: “Sốc và xuất huyết từ động mạch đùi bên trái”, nguyên nhân chính được ghi: “Bị cá mập cắn khi đang tắm”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một vết cắn của cá mập được xếp vào danh sách nguyên nhân chính thức gây tử vong.

009 Jersey Shore 1940.jpg
Bãi biển Jersey năm 1904.

Sau cái chết của Charles Vansant, cả nước Mỹ trở nên điên cuồng trước nguy cơ tiềm ẩn về một loài cá mập chuyên ăn thịt người. Cá mập tấn công người không chỉ là vấn đề an toàn mà còn đe dọa đến các nền kinh tế địa phương của New Jersey vốn phụ thuộc vào du lịch biển để tồn tại. Sau vụ tấn công ngày 1 tháng 7, các bãi tắm vẫn mở dù nhiều thuyền trưởng đã báo cáo về sự xuất hiện của một con cá mập lớn ngoài khơi.

009 12 days of terror.jpg
Một cảnh trong bộ phim 12 Days of Terror (2004) dựa trên sự kiện có thật tại New Jersey.

Đến ngày 6 tháng 7 năm 1916, chỉ 5 ngày sau cuộc tấn công đầu tiên, nạn nhân thứ 2 xuất hiện. Charles Bruder, 28 tuổi, một chàng trai lực lưỡng và là cựu quân nhân của Thụy Sĩ. Anh là tổ trưởng tổ vận chuyển tại một khách sạn địa phương và chiều ngày hôm đó, Bruder đã xin quản lý khách sạn đi bơi. Bruder bơi giỏi và tỏ ra không sợ cá mập dù đã được biết về vụ tấn công trước đó. Vì chỉ có 15 phút tắm biển, Bruder cố gắng bơi ra xa, cũng là cách để chứng tỏ bản lĩnh với những người bạn. Khi cách bờ khoảng 360 m, Bruder lúc này chỉ là một chấm đen thì từ trên bờ, người ta thấy một cột nước khổng lồ bắn lên. Con cá mập lao lên khỏi mặt nước từ bên dưới, tóm lấy chân Bruder kéo anh xuống. 2 nhân viên cứu hộ được thông báo đã bơi thuyền ra ứng cứu, cảnh tượng trước mắt họ là Bruder đang bị con cá mập kéo đi theo một hình vòng tròn, giữa một vùng nước đỏ. Con cá mập chợt nhả Bruder ra khi bị người trên thuyền xua đuổi nhưng sau đó, nó quay trở lại và cắn một nhát sâu vào bụng của Bruder. Anh bị kéo hoàn toàn xuống nước nhưng một lúc sau, Bruder nổi lên, thở hổn hển và nói với 2 nhân viên cứu hộ rằng “Một con cá mập đã cắn tôi”. Người trên thuyền hạ mái chèo để Bruder có thể bám vào, anh vẫn đủ sức để ngoi lên nhưng sau đó gục xuống và trượt khỏi mái chèo. 2 nhân viên cứu hộ tóm được áo bơi của Bruder và kéo anh lên thuyền. Cả 2 cho biết họ đã rất ngạc nhiên khi có thể dễ dàng kéo được người đàn ông cao lớn vạm vỡ như Bruder lên thuyền nhưng ngay sau đó, họ kinh hoàng phát hiện ra cả 2 chân của Bruder đều biến mất.

Một người chèo cật lực vào bờ, người kia cố gắng cầm máu cho Bruder, máu nhuộm đỏ đáy thuyền nhưng điều đáng kinh ngạc là Bruder vẫn tỉnh táo. Anh kể lại: “Đó là một con cá khổng lồ màu xám, thô ráp như tờ giấy nhám. Tôi không nhìn thấy nó cho đến khi nó cắn tôi lần đầu. Nó cắn ngay vào hông tôi, sau đó nhả ra và rồi quay lại cắn tôi lần nữa. Lần này nó cắn đứt một chân tôi, lay tôi như con chó săn đang nghiến một con chuột. Rồi nó lại nhả ra khi tôi đang kêu cứu và đột ngột quay lại, cắn mất chân còn lại của tôi.” Về đến bãi biển, Bruder tiếp tục được sơ cứu. Giám đốc khách sạn nơi Bruder làm việc đã tập hợp mọi bác sĩ trong khu vực để cứu Bruder đồng thời gọi điện thoại lên tổng đài trung tâm, phát thông điệp cảnh báo cá mập. Đây là lần đầu tiên báo động cá mập trên toàn bờ biển được thực thi tại Hoa Kỳ. Chỉ trong chưa đầy 15 phút, hàng nghìn người tháo chạy khỏi bãi biển Jersey.

009 Charles Bruder autopsy.jpg
Charles Bruder mất cả 2 chân sau khi bị cá mập tấn công.

Quảng cáo



Các bác sĩ mô tả tình trạng của Bruder rất nghiêm trọng, chân trái bị cắn đứt trên đầu gối, chân phải mất đến gần đầu gối, có một vết thương lớn ở bụng với hình zig-zag - hình dạng đặc trưng của vết cắn do cá mập gây ra. Bruder không qua khỏi, anh chết vì mất máu quá nhiều. Bác sĩ William G. Schauffler - một bác sĩ y khoa nổi tiếng ở New Jersey đã đến cấp cứu cho Bruder và trong báo cáo y tế đầu tiên về một nạn nhân bị cá mập cắn trong lịch sử Hoa Kỳ, ông đã mô tả các vết thương rất chi tiết: “Phần chân trái bị mất từ bàn chân đến đầu dưới của xương chày và xương mác. Xương chân bị lóc thịt từ nửa dưới đầu gối trở xuống. Có một vết cắt sâu trên đầu gối trái, xuyên tận xương. Ở bên phải bụng dưới mất một mảng thịt to bằng nắm tay người lớn.”

Tới lúc này, công chúng nhận ra những vụ cá mập tấn công không phải trùng hợp ngẫu nhiên và cũng không phải tình cờ. Trong khi khách du lịch nháo nhào rời các bãi biển và khu nghỉ dưỡng thì các ngư dân ra khơi tìm bắt con cá mập đang khủng bố New Jersey.

009 Shart attack 1916 map.jpg
Vào ngày 12 tháng 7, tại con lạch Matawan cách vị trí xảy ra vụ tấn công đầu tiên 273 km về phía Bắc, cá mập lại tấn công khiến 2 người thiệt mạng. Trước đó vào ngày 11 tháng 7, một cậu bé tên Renny khi đi bơi tại con lạch Matawan đã bị một thứ gì đó làm bị thương ở ngực. Renny cảnh báo những người khác rằng cậu nhìn thấy một khối đen bơi trong nước. Renny đã may mắn khi con cá mập không cắn, nó chỉ bơi sượt qua người nhưng da của cá mập rất nhám và thô ráp, nó đã làm rách da ngực Renny. Ngày hôm sau, một thuyền trưởng đã nghỉ hưu tên Thoms Cottrell khi đang đi dạo qua một cây cầu mới xây bắt qua lạch Matawan, ông nhìn thấy một con cá mập dài khoảng 3 đang bơi dưới cầu. Cottrell đã nghe được câu chuyện của Renny và ông quả quyết có cá mập tại lạch Matawan. Cottrell đã báo cảnh sát nhưng cảnh sát không quan tâm và cho rằng ông bị điên. Bực tức, Cottrell chạy ra phố loan báo với mọi người nhưng tất thảy đều dửng dưng. Sự dửng dưng này trả giá bằng tính mạng của 2 người khác và cũng từ đây, con cá mập được gọi là Matawan Man Eater.

Sau một ngày dài làm việc tại nhà máy làm đồ thủ công trong cái nóng oi ả, một nhóm bạn trẻ trong đó có Lester Stillwell lúc đó 12 tuổi tìm đến lạch Matawan để bơi lội giải nhiệt. Đám trẻ phớt lờ lời cảnh báo của Cottrell, chúng tụ tập tại cầu cảng cũ Wyckoff và bắt đầu nhảy chuyền giữa những chiếc cọc gỗ trước khi trầm mình xuống con lạch. Khi đang bơi, chúng nhìn thấy một thứ màu đen, nghĩ rằng “một tấm ván cũ hoặc khúc gỗ mục” trôi đến gần. Lester bơi đến sát khúc gỗ và khoe với đám trẻ: “Xem tao nổi đây này” rồi thả mình nằm ngửa trên mặt nước. Ngay lặp tức, Lester bị tấn công. Đám trẻ bất lực nhìn người bạn của mình bị xé thành từng mảnh, bị chơi đùa như mèo vờn chuột. Vũng máu trên mặt nước ngày một lớn, Lester biến mất, rồi lại ngoi lên kêu cứu, rồi lại sủi bọt mất tăm. Đám trẻ cuống cuồg leo lên bờ, vẫn trần truồng chạy lên Main Street đồng thời hét lớn: “Cá mập! Một con cá mập đã bắt mất Lester”. Những đứa trẻ đi gọi người lớn, cha mẹ chúng, bao gồm cả cha mẹ Lester và cố gắng giải thích. Một số đứa thất vọng vì có vẻ như không mấy ai tin, thế là chúng tìm đến nhà của Stanley Fisher - một thợ may nhưng rất giỏi bơi lội. Fisher rất thân với lũ trẻ trong thị trấn.

009 Matawan Creek.jpg
Lạch Matawan và vị trí xảy ra vụ tấn công thứ 3 làm 2 người chết. Cây cầu gỗ bên phải là nơi Stanley Fisher được kéo lên.

Quảng cáo



Fisher rủ thêm một người bạn cũng giỏi bơi lội là George Burlew, cả 2 tức tốc chạy đến vị trí nơi Lester mất tích. Khi đến hiện trường, Fisher thấy nhiều người đang tìm Lester, họ chèo thuyền ngược xuôi trên con lạch, thả lưới ngăn thi thể trôi ra biển. Nước trong con lạch dâng cao do mưa vài ngày trước và thủy triều, Fisher cùng bạn ngụp lặn suốt một giờ nhưng không có kết quả. Khi đã thấm mệt, tưởng sẽ bỏ cuộc thì Fisher bất ngờ bắt được xác của cậu bé xấu số. Anh kéo Lester lên, người trên bờ hò reo, 2 người bơi thuyền ra giúp Fisher kéo thi thể lên. Burlew cũng bơi về phía bạn mình nhưng anh sững lại khi thấy nước xung quanh Fisher bắt đầu khuấy động và đập mạnh. Bất chợt Fisher la lớn: “Nó cắn tôi rồi”, mọi người trên bờ bắt đầu theo dõi Fisher chiến đấu với con cá mập bằng một tay, tay kia vẫn ôm lấy Lester.

009 Lester Stillwell.jpg
Burlew sau đó kể lại: “Stanley là một người đàn ông lực lưỡng, anh ta đã đánh trả con cá mập bằng nắm đấm, chiến đấu đến tuyệt vọng để thoát ra, đấm đá nó bằng tất cả sức mạnh của mình. Con cá lôi Fisher xuống 3 4 lần nhưng mỗi lần như vậy Fisher đều ngoi lên… Đáng kinh ngạc là Fisher đã tự giải thoát khỏi con cá mập và tự bơi về bờ, tay vẫn ôm chặt xác cậu bé. Những người trên thuyền đã dùng mái chèo đập nước để đuổi con cá mập đi. Fisher về đến gần bờ thì hét lên một tiếng, anh và xác của Lester bị kéo hoàn toàn xuống nước. Con cá mập dường như buông tha cho Fisher khi anh thả xác Lester ra. Người ta kéo được Fisher lên và đưa vào bờ. Ban đầu Fisher không nhận ra vết thương của mình nghiêm trọng đến đâu, anh vẫn cố gắng đi bộ lên bờ nhưng quỵ xuống. Máu tuông xối xả, một số người cố gắng buộc garo cầm máu, số khác đi gọi bác sĩ."

Nửa giờ sau, một bác sĩ tên Reynolds đến hiện trường. Fisher vẫn đang nằm rên rỉ và không ngừng chảy máu. Bác sĩ Reynolds kể lại anh chưa từng thấy vết thương như vậy trước đây, nó giống như bị cắt bằng dao cùn. Động mạch đùi bị đứt, bác sĩ Reynolds cố gắng cầm máu và ông yêu cầu làm một chiếc cán để đưa Fisher đến bệnh viện. Fisher vẫn tỉnh táo khi được sơ cứu, anh được đưa đến ga xe lửa để đến bệnh viện gần nhất cách đó 10 km. Dù được đưa đến bệnh viện trong thời gian kỷ lục là nửa giờ nhưng Fisher không qua khỏi. Anh mất máu quá nhiều, trên bàn mổ, Fisher đã nói những lời cuối cùng với bác sĩ rằng: ”Tôi đã tìm thấy cậu bé dưới đáy. Tôi đã đưa Lester thoát khỏi con cá mập. Dù sao, tôi đã làm điều phải làm."

009 Matawan Creek shark attacks.jpg
Bia tưởng niệm 2 Lester Stillwell và Stanley Fisher gần lạch Matawan.

Cơn ác mộng vẫn chưa dừng lại tại đây, chỉ 30 phút sau cuộc tấn công đẫm máu tại con lạch, con cá mập hung dữ tấn công nạn nhân thứ 5 và cũng là cuối cùng. Joseph Dunn, 14 tuổi cùng anh trai Michael Dunn và một người bạn là Jerry Hollohan lúc đó bơi tại con lạch Matawan, chỉ cách nơi Lester Stillwell bị tấn công chưa đến 1 km. Sau khi được một người đàn ông cảnh báo có cá mập, cả 3 nhanh chóng bơi vào bờ. Hollohan và Michael leo lên cầu cảng, Joseph chỉ ở ngay sau không xa nhưng khi gần chạm đến cầu thang, cậu bị thứ gì đó thô ráp cọ vào chân, cắt qua da. Joseph kể lại rằng: “Khi tôi chỉ còn cách bờ khoảng 3 m, tôi nhìn xuống và thấy thứ gì đó màu đen. Khi nó lần đầu cọ vào người tôi, tôi vẫn không biết nó là gì cho đến khi nó quay lại ngoạm vào chân tôi.” Con cá mập khởi đầu cuộc tấn công từ lưng về phía chân, tương tự như cách nó tấn công Lester và Fisher. “Đột nhiên tôi cảm thấy có một lực kéo, giống như một cây kéo lớn đang kẹp vào chân và kéo xuống tôi xuống nước. Răng của con cá mập cắn sâu vào chân rất nhanh và tôi nghĩ nó đã đứt lìa. Tôi cảm thấy chân mình không còn, dường như con cá đang cố nuốt toàn bộ chân tôi. Tôi nghĩ nó sẽ giết tôi, sẽ nuốt chửng tôi.”

009 Shark attacks victims.jpg
Ghi chép của bác sĩ về các vết thương của Lester Stillwell và Joseph Dunn.

Joseph may mắn thoát chết nhờ sự có mặt kịp thời của Jacob Lefferts - một người lúc đó đang đi trên xuồng máy để cảnh báo mọi người về cá mập tấn công. Ông đã lao đến cứu Joseph, anh trai Michael cùng lao theo, cả 2 cố gắng vật lộn với con cá mập để giải thoát Joseph. Một phần may mắn nữa là con cá mập tấn công Joseph tại vùng nước khá nông, nó khó cựa quậy hơn và sau vài giây vật lộn, nó bỏ cuộc. Joseph được kéo lên bờ, một mảng thịt bên dưới đầu gối trái bị ăn mất nhưng may mắn là động mạch vẫn chưa đứt. Cậu bé được băng bó và chở đến cầu càng Wyckoff - nơi mọi người vẫn đang tụ tập để tìm kiếm xác của Lester. Về phần Lester, xác của cậu bé được phát hiện vào sáng hôm sau. Phần lớn cơ thể bên trái đã bị ăn mất, một bàn chân bị thiếu, dạ dày bị xé toạc ra nhưng khuôn mặt vẫn còn nguyên vẹn, đủ để nhận dạng.

Truy tìm quái thú


009 Shark hunters.jpg
Người dân sống gần lạch Matawan dùng súng lần theo làn nước sau các vụ tấn công năm 1916.

Sau 2 vụ tấn công tại lạch Matawan, người dân địa phương hừng hực ý chí trả thù. Họ tìm đến các cửa hàng kim khí, mua vũ khí và thuốc nổ. Quyền thị trường quận Matawan, A. B. Henderson đã công bố một khoản tiền thưởng 100 đô la cho người giết được con cá mập và sẽ tăng theo số lượng cá mập giết được nếu có nhiều hơn 1 con. Những người đàn ông tại thị trấn và từ các trang trại xa xôi khác tìm đến con lạch, họ trang bị súng ngắn, súng trường, lao và bất kỳ vật thể sắc nhọn nào có thể tìm được. Họ đứng hai bên bờ con lạch, lăm lăm vũ khí, dõi theo bất kỳ thứ gì di chuyển dưới làn nước. Thuốc nổ được gài tại nhiều nơi, họ hy vọng vụ nổ sẽ có thể làm choáng váng con cá mập hay làm vỡ bóng khí của nó (thực tế cá mập không có bàng quang bơi như cá thông thường, chúng nổi hay lặn đều nhờ lực của cơ). Họ nổ súng xuống con lạch, cho nổ thuốc nổ, giăng ít nhất 15 tấm lưới ở hạ nguồn nhằm ngăn con cá mập chạy thoát. Cuộc đi săn cứ thế diễn ra trong suốt 2 ngày, đến ngày thứ 3, họ phát hiện ra một lỗ thủng lớn trên một tấm lưới ngăn cá mập và tảng thịt làm mồi nhử cũng bị gặm mất một mảng lớn. Con cá mập dường như đã tẩu thoát thành công.

Cơn sốt săn cá mập lan rộng khắp New Jersey, đến tận New York. Người ta đổ xô đi tìm diệt cá mập, thậm chí có những lá thư gởi đến Washington để yêu cầu sử dụng hạm đội tàu ngầm của Hoa kỳ để tiêu diệt cá mập. Nhiều chủ khách sạn và cửa hàng ăn theo ngành du lịch đã cầu xin chính phủ liên bang và tiểu bang phải hành động để cứu lấy nền kinh tế bờ biển Jersey. Tổng thống Woodrow Wilson đã mở cuộc họp nội các để giải quyết vấn đề này nhưng không ai biết phải giải quyết như thế nào. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng sau cùng chính phủ liên bang khuyến nghị giăng lưới chống cá mập xung quanh các bãi biển và chỉ được phép tắm ở vùng nước nông gần bờ.

009 Michael Schliesser shark .jpg
Cuộc đi săn cá mập vẫn tiếp diễn, nhiều người cho rằng họ đã bắt được Matawan Man Eater không có bằng chứng xác thực nào. Vào ngày 14 tháng 7, một người thợ nhồi bông xác động vật có tên Michael Schliesser đã bắt được một con cá mập nặng gần 160 kg khi đi câu tại vị trí cách lạch Matawan vài dặm (ảnh trên). Schliesser cho biết con cá mập này suýt chút nữa làm chìm chiếc thuyền của ông và ông đã giết nó bằng mái chèo gãy.

Mổ bụng con cá mập, Schliesser tuyên bố tìm thấy "xương và thịt đáng ngờ", tổng trọng lượng khoảng 7 kg. 2 bác sĩ sau đó xác định xương trong bụng cá mập là xương ống chân, xương kia là một phần xương sườn người. Con cá mập được Schliesser nhồi bông và trưng bày tại cửa hàng của mình. Điều trùng hợp là sau khi bắt được con cá mập, các cuộc tấn công cũng dừng lại khiến nhiều người tin rằng Schliesser thực sự đã bắt được Matawan Man Eater. Con cá mập nhồi bông được đưa đến tòa nhà Bronx Home News và trong ngày đầu tiên đã có đến 30 ngàn người đến xem. Nó được xác định là một con cá mập trắng.

009 Shark 1916.JPG
Tuy nhiên, các nhà khoa học đương thời nghi rằng con cá mập đứng đằng sau những vụ tấn công không phải là cá mập trắng lớn hay có thể là nhiều con cá mập khác nhau. Như vụ tấn công đầu tiên và thứ 2, Charles Vansant và Charles Bruder đều bị tấn công ngoài khơi. Việc con cá mập đợi Charles Vansant chảy máu cho thấy hành vi của cá mập trắng lớn nhưng Charles Bruder lại bị cắn nhiều lần, đây là kiểu tấn công của các loài cá mập thuộc họ carcharhinid như cá mập bò, cá mập hổ và cá mập cát. Lester Stillwell và Stanley Fisher bị tấn công trong con lạch, cá mập trắng lớn không sống được trong vùng nước ngọt nhưng cá mập bò thì có. Cá mập bò hung hăng nhưng nó hiếm khi tấn công nhiều người cùng lúc, trừ khi bị kích động cao độ. Riêng với Joseph Dunn, cậu bé có vẻ như bị tấn công bởi một con cá mập cát, nó tấn công để tự vệ bởi con lạch có thể là nơi cá mập sinh sản.

009 Great White Shark.jpg
Tuy nhiên, cũng có thể tất cả các vụ tấn công là do một con cá mập trắng. Bằng chứng là các nạn nhân đều bị tấn công từ dưới lên - cá mập trắng là loài duy nhất tấn công con mồi theo cách này trong khi các loài cá mập khác chỉ tấn công và tìm kiếm con mồi bên dưới chúng. Một số ý kiến cho rằng cá mập trắng lớn hiếm khi hoặc không bao giờ đi vào vùng nước ngọt như con lạch Matawan. Thế nhưng hầu như mọi loài cá mập đều có thể sống sót trong một khoảng thời gian ngắn trong môi trường nước ngọt. Con lạch Matawan thực tế không hẳn là nước ngọt, nó chủ yếu là nước lợ nên có độ mặn cao hơn nhiều so với hầu hết các con lạch và suối trong đất liền.

Tại sao nó tấn công người?


009 1916 Jutland battle.jpg
Các ngư dân và nhà khoa học cho rằng vào năm 1916, bờ biển New Jersey và New York có rất nhiều cá mập. Có người nghĩ chúng đến do dòng chảy vịnh bị đảo ngược, số khác cho rằng các trận chiến trên biển xảy ra ở châu Âu đã xua đuổi cá mập, khiến chúng bỏ chạy sang châu Mỹ. Một số suy đoán cá mập đã quen ăn thịt người - những thủy thủ tham gia những trận chiến này. Ngoài ra, tàu ngầm Đức cũng được cho đã thu hút lũ cá mập, cá mập có thể cảm nhận được trường điện từ và có thể chúng bị thu hút bởi vỏ thép của tàu U-boat. Trong một lá thư được gởi đến tòa soạn của The New York Times: "Những con cá mập này có thể đã ăn thịt thi thể người trong vùng biển thuộc vùng chiến sự của Đức và chúng bơi theo tàu thuyền hoặc thậm chí theo tàu ngầm Đức đến bờ biển Jersey. Điều này giải thích cho sự tàn bạo của chúng và sự thèm muốn thịt người của chúng."

Cá mập kéo đến gần bờ hơn được cho là do vùng nước xung quanh Beach Haven có nhiều thức ăn. Có một nhà máy chế biến cá đã thải ruột cá, máu cá ra đại dương. Chất thải của con người cũng thu hút cá mập và tình cờ năm 1916 là năm đầu tiên New Jersey bắt đầu xả thải ra biển. Tháng 5 và tháng 6 chứng kiến lượng mưa lớn, từ đó bơm thêm chất dinh dưỡng vào đại dương từ các dòng chảy, thu hút nhiều loài cá nhỏ đến ven biển và cá mập cũng đến tìm mồi.

009 Men swimsuit.jpg
Như vậy có thể nói thức ăn không thiếu và chúng tấn công người có thể là do nhầm lẫn. Khi đó đàn ông và phụ nữ khi tắm biển đều mặc đồ bơi liền mảnh, đa phần màu đen hoặc xanh đậm. Một nghiên cứu được thực hiện vào những năm 90 cho thấy 9/10 nạn nhân bị cá mập tấn công mặc đồ bơi có độ tương phản cao.

Tác động văn hóa


009 Shark attacks.jpg
Điều đáng buồn là những cuộc chạm trán giữa con người và cá mập tại New Jersey đã đặt nền móng cho một sự thay đổi lớn về tư duy. Đột nhiên, cá mập được xem là những con quái vật tàn bạo và khát máu, những kẻ cần phải bị diệt trừ bằng mọi giá. Niềm tin này đã dẫn đến nhưng quan niệm sai lầm hiện đại về cá mập được miêu tả trong sách, TV và phim ảnh. Các cuộc tấn công ở bãi biển Jersey đã truyền hứng cho một trong những câu chuyện giả tưởng về cá mập nổi tiếng nhất - cuốn tiểu thuyết Jaws năm 1974 của nhà văn Peter Benchley và được chuyển thể thành bộ phim kinh điển cùng tên năm 1975 của đạo diễn Steven Spielberg.

009 Jaws.jpg
Cảnh chiến đấu cuối cùng trong phim Jaws (1975).

Các phương tiện truyền thông đã góp phần khiến công chúng Mỹ hoảng loạn về những vụ tấn công của cá mập. Những bãi biển đột nhiên vắng người ngay cả trong những ngày oi bức và nhiều loại hình kinh doanh theo mùa phải chịu chung số phận. Theo Thomas B Allen, tác giả của cuốn Shadows in the Sea, ngành công nghiệp nghỉ dưỡng tại New Jersey đã thất thu khoảng 250 ngàn đô chỉ trong 1 tuần đầu mùa hè năm 1916, tương đương 2,6 triệu đô ngày nay. Phải mất một thời gian sau thì nỗi lo sợ cá mập mới lắng xuống và người ta mới cảm thấy an toàn để xuống nước trở lại.

Chính phủ liên bang khi đó cũng đổ thêm dầu vào lửa khi Hạ viện đã hỗ trợ New Jersey 5000 đô để hỗ trợ "xóa bỏ vấn đề cá mập" từ đó gây ra những cuộc săn lùng cá mập dọc theo bờ biển New Jersey và New York. Kết quả là hàng trăm con cá mập bị giết trong chiến dịch săn cá mập ở bờ đông nước Mỹ, đây được xem là "cuộc săn bắt động vật quy mô lớn nhất trong lịch sử".

Tham khảo: Courierpostonline; Forgotten History; The Vintage News
82 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

PhanQua
ĐẠI BÀNG
2 năm
bài hay thật, đúng là nên coi trọng môn lịch sử.
@PhanQua Đúng vậy. Đọc mà sợ ghê
magez
CAO CẤP
2 năm
@PhanQua Mấy cái bài kiểu này + phim JAWS làm cho con người có ác cảm với loài cá mập, chứ thực ra ngoài đời bọn cá mập mới là nạn nhân của con người.
Hàng năm số chỉ có lẻ tẻ vài vụ cá mập gây chết người trong cả tỉ người sống + vui chơi trên biển. Lý do đơn giản là con người ko phải thực đơn chính của nó, nó chỉ nhầm con người với con mồi của nó như hải cẩu, cá nhỏ khác... thôi.
Có rất nhiều kênh khoa học mà các nhà nghiên cứu có thể bơi lội chung với cá mập bình thường mà ko bị nó tấn công (tất nhiên là phải có kỹ năng).
Trong khi đó số lượng cá mập bị loài người giết lên tới 100 triệu con mỗi năm, thậm chí có vài loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng luôn 🤷🏻‍♂️
@magez Moá bắt lấy cái vây, xong quăng lại xuống biển, đúng con người tàn độc thiệt
@magez Đó là lý do con người thổi phồng lên để bắt cá mập. Cá mập nó cắn là cắn, còn con người vừa cắn vừa la làng
quangna
ĐẠI BÀNG
2 năm
túm lại là thủ phạm chính có lùng ra được chưa ạ
@quangna Rồi nhe bạn hiền, nhưng lần này anh ấy cắn cái khác 🙂
4-6208-1411293701.jpg
@mig29f Quá oan luôn. Tòa phán tha bổng
Đìu, mấy anh này làm cá mập sợ quá, trốn mất tăm nè anh em 🙂
6082505_009_Men_swimsuit.jpg
Ghostsadow10
ĐẠI BÀNG
2 năm
@mig29f bảo đảm hình này được chị em tinh tế thích nhất haaaaaaaaa...
Khiem Lee
ĐẠI BÀNG
2 năm
@mig29f thấy con cá chà bặc là né mẹ nó rồi
Ngoknc
CAO CẤP
2 năm
Đọc xong sợ quá
Bọn cá mập này đúng là phải cho cá voi sát thủ nó xử lý
@Ngoknc orca nó cắn quả gan xong trả lại nguyên xác 😁
Ngoknc
CAO CẤP
2 năm
@bk9sw Bọn nó khoái mỗi lá gan còn con người lại khoái cái vây 😅
@bk9sw Làm thêm bài về cá cọp piranha đi mod 🙂
Haiminh0912
ĐẠI BÀNG
2 năm
@bk9sw Nghe nói cá voi sát thủ biết gan cá mập nhiều chất và ngon nhất, còn thịt thì nhiều uric do cá mập đi tiểu qua da đó bác !
Hồi nhỏ rất khoái xem những bộ phim liên quan đến cá mập nhưng 2 thập niên trở lại đây chưa thấy hứng thú với bất cứ phim nào, do hơm tạo được tính chân thật 🤓
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 
@crazysexycool1981 Chơi con game Maneater đi bác =))))
bài dịch khác chi tiết đọc xong thấy sợ thật sự
J000
TÍCH CỰC
2 năm
Bọn này chỉ dám bơi ở mẽo chứ bơi gần tàu khựa chắc bị cắt hết vây 😆
@J000
Cười ra nước mắt
@J000 vừa ra đời ko đc bao lâu thì bị bắt hết đem ngâm rượu rồi, chứ làm gì còn cơ hội để lớn bơi vòng vòng gì nữa =))
@J000 Bọn âu mỹ săn cá mập lấy vây bán cho bọn khựa nhiều lắm đó.
pnh268
ĐẠI BÀNG
2 năm
Cá mập này gặp cá voi sát thủ thì xanh cỏ. Nhất là cá voi sát thủ lại còn đi theo bầy thì cá mập trắng chạy bằng niềm tin
Haiminh0912
ĐẠI BÀNG
2 năm
@pnh268 Ăn vài quả tát với mấy quả ủi thì cá voi còn đi nữa huống chi cá mập bác !
@pnh268 Cá voi sát thủ nó có tập tính săn bầy đàn, còn cá mập trắng lại solo. Lại thêm ở ngôi vị đầu bảng trong chuỗi thức ăn thì bảo sao...!
ongcolo2505
ĐẠI BÀNG
2 năm
Cảm on mod chia sẻ thông tin hấp dẫn quá
Hook3
ĐẠI BÀNG
2 năm
Chả mấy khi đọc bài dài thế này, mà bài này thấy lôi cuốn ghê
Phim Jaws đúng kinh điển, xem lại vẫn cảm giác rùng rợn
Haiminh0912
ĐẠI BÀNG
2 năm
@noctunalguy Phim Jaw là 1, Deep blue sea là 2, xem xong ám ảnh thực sự luôn bác
Bài dài nhưng đọc cuốn thật, rất cảm ơn tác giả! Triệu likes!
tvu732
TÍCH CỰC
2 năm
Bài viết tổng hợp hay. Lần đầu tiên mình đang đọc mà phải cuộn lên xem ai dịch bài này. May quá không phải google dịch, cũng không phải tiêu chuẩn dịch thông thường của Tinhte. =))
huybinh
ĐẠI BÀNG
2 năm
Năm 1986, lúc đó mới 10 tuổi, lén đi coi “Hàm cá mập” phần 1 về mất ngủ 3 đêm liền. Phim gây sốc toàn tập !
Bởi vậy nên đi biển mình toàn ngồi trên bờ ngắm các cháu gái, hoặc đi vào nhà thi đấu thôi!
ptk8588
TÍCH CỰC
2 năm
bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả đã dành thời gian để dịch và biên soạn nội dung lẫn hình ảnh minh họa.
Mình thì ngày xưa xem cái đĩa mổ bụng cá sấu lấy cái chân với cái đầu người ra là mình say no với sông nước, ao hồ luôn, ra biển thì tắm chỗ đông chứ ko có ai thì chỉ dám ngồi trên bờ thôi
jk.y
TÍCH CỰC
2 năm
@iPhoneHelp Ui cá vụ đó đúng huyền thoại luôn, hồi bé có nghe mà chả dám xem. Giờ lớn tắm hồ bơi thì tắm chứ biển đồ thì thôi nghĩ phẻ 😃
@jk.y mình thì có gan xem lắm nhưng mà xem xong ko có gan đi tắm sông nữa 😔(
@iPhoneHelp Có lick phim đó không bạn
@cậu hai huy cái đó khoảng 15 năm rồi, chắc ko có link, hoặc có chắc chỉ có trong mấy web ẩn danh thôi (như trang xacchet.com mà die rồi)
Bài đọc cuốn ghê
@zombie01 cuốn thật, mình đọc từ đầu đến cuối luôn

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019