Corsair K100 Air Wireless: Bàn phím cơ butterfly siêu mỏng, switch "chính chủ" từ Cherry MX

P.W
26/10/2022 11:17Phản hồi: 33
Corsair K100 Air Wireless: Bàn phím cơ butterfly siêu mỏng,  switch "chính chủ" từ Cherry MX
_DSF8031.jpg

Lấy tấm hình chụp mình đang dùng bàn phím, thay vì chụp toàn cảnh ngoại hình của cả chiếc bàn phím để làm hình đại diện cho bài viết là để chứng minh, Corsair không nói điêu khi mô tả độ dày, hay đúng hơn là độ mỏng của switch cơ học trang bị trong chiếc bàn phím mới của họ: K100 Air Wireless RGB. Toàn bộ chiếc bàn phím này nếu không lật hai chân tạo góc nghiêng lên, thì cũng chỉ có độ dày 17mm, rất mỏng.

Và với cái giá 280 USD ở thị trường nước ngoài, đây cũng là chiếc bàn phím cơ đắt nhất trong dải sản phẩm hiện tại của thương hiệu nước Mỹ. So với flagship hiện tại dành cho gamer, là K100 RGB, thì K100 Air đắt hơn hẳn 30 USD.

_DSC6565.jpg


Phía dưới từng nút bàn phím dạng chicklet của K100 Air Wireless là switch cơ học chính chủ của Cherry, tên chính xác là MX Ultra-Low Profile, bản có hỗ trợ đèn RGB. Cái switch này đưa chúng ta đến với tiêu đề bài viết, với MX Ultra-Low Profile, ngàm kích hoạt phím bấm có kết cấu giống y hệt như thiết kế hai cánh đàn hồi của bàn phím butterfly trên những chiếc MacBook thời 2016 đến 2020 của Apple:

Tinhte_Corsair.jpg

Khác biệt ở đây là độ dày, là lực nhấn, là hành trình phím và độ bền phím. Nếu bàn phím butterfly là một thứ cả người dùng đồ Apple lẫn các nhà thiết kế muốn quên đi vì nó quá mong manh dễ hỏng, thì Cherry hứa hẹn mẫu switch siêu mỏng này có tuổi thọ khoảng 50 triệu lần bấm, chống bụi và dị vật chuẩn IP40 (đường kính dị vật lớn hơn 1mm), và quan trọng nhất vẫn là tiếng click trứ danh của những mẫu switch đến từ thương hiệu Đức.

_DSC6579.jpg

Liệt kê số liệu của Cherry MX Ultra-Low Profile, chúng ta có những switch cơ học dày 3.5mm, hành trình phím 1.8mm, nhưng chỉ cần ấn với lực 65 gram ở quãng đường 0.8mm là cũng nhận tín hiệu gửi về máy tính rồi. Mô tả như vậy để thấy, chúng ta đang có trong tay một chiếc bàn phím với tiềm năng gõ văn bản đúng phong cách ngón tay lướt trên mặt phím đúng nghĩa đen, nhưng cùng lúc vẫn là độ bền cũng như trải nghiệm đã giúp Cherry trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các hãng OEM thiết bị ngoại vi.

Kể từ khi ra mắt hồi tháng 3/2021, cũng đã kịp có vài hãng laptop trang bị mẫu switch siêu mỏng này trong sản phẩm của họ. Và những mẫu laptop gaming cũng chính là mục tiêu tiềm năng khi Cherry phát triển Ultra-Low Profile. Tiếc là hiện giờ những laptop đó chưa phổ biến lắm, ví dụ như XMG Neo 17 hay Alienware m15/m17 R4, hay chính chiếc a1600 Voyager của Corsair chẳng hạn.

_DSC6581.jpg

Trước đây cũng từng có vài sản phẩm bàn phím của Corsair trang bị switch MX Low Profile của Cherry, với hành trình phím 3.2mm, ví dụ như K70 RGB TKL. Còn trên K100 Air không phải là Low Profile, mà là Ultra-Low Profile.

Quảng cáo


Dưới bàn tay của Corsair, một trong những nhà thiết kế gaming gear đẹp nhất thị trường hiện giờ, K100 Air Wireless được khoác lên bộ cánh chất như mọi bàn phím khác của họ. Vẫn là tấm ốp bề mặt phím bằng kim loại đánh xước ngang, nhưng giờ vì kết nối không dây nên anh em nhà sàn gạch không sợ giật điện vì rò từ bo mạch chủ máy tính nữa.

Một điều phải đề cập luôn, đó là mua chiếc bàn phím này về, anh em đừng hy vọng sẽ được thay keycap. Cái này là do thiết kế của Cherry, không phải lỗi của Corsair. Phím mỏng, lộ hệ thống cơ ra ngoài hệt như mấy bàn phím laptop, nên tháo phím ra không chừng hỏng cả switch. Và thực tế Cherry cũng không thiết kế chân stem để anh em chơi keycap với chiếc bàn phím này.

Trọng lượng của nó là 780 gram, tính cả pin bên trong. Trên bề mặt là đầy đủ 104 phím với numpad, kèm cả hệ thống điều khiển đèn nền RGB cũng như multimedia, và dĩ nhiên không thiếu được con lăn điều chỉnh âm lượng, một thiết kế cũng phải gọi là trứ danh của Corsair, xuất hiện trên rất nhiều chiếc bàn phím gaming cao cấp của họ từ trước tới nay.

_DSC6572.jpg

Ngay dưới con lăn âm lượng là 4 nút chứng minh lý do K100 Air được gọi là “Air”. Nó không chỉ hỗ trợ cả hai kết nối dongle Slipstream 2.4 GHz và Bluetooth 4.2, mà còn mặc định cho người dùng pair 3 thiết bị cùng một lúc, hệt như những thiết bị ngoại vi văn phòng anh em đã quen thuộc bên Logitech. Giữ nút Fn rồi ấn G2, 3 hoặc 4, bàn phím sẽ chuyển sang 3 profile độc lập cho 3 thiết bị khác nhau. Điều này có nghĩa là, với PC, với MacBook, với iPad hay bất kỳ thiết bị nào anh em muốn dùng với K100 Air, anh em sẽ không phải pair đi pair lại nữa.

Đổi lại, vì hỗ trợ kết nối với máy tính và Xbox rất tiện, nên K100 Air phải đánh đổi bằng tính năng kết nối với máy PS5 hơi phiền phức. Theo hướng dẫn sử dụng thì bàn phím này có một chế độ gọi là PlayStation Mode. Anh em sẽ phải giữ nút Fn và Windows trong 5 giây, đèn nền nút Windows chuyển sang trắng thì mới dùng được với PS5. Tuy nhiên mình đảm bảo 95% số khách hàng chọn cái bàn phím này sẽ không dùng nó với PS5 hay PS4 đâu. Đánh đổi tính năng ít người dùng để lấy những kết nối phổ biến nhất, từ dongle 2.4 GHz, kết nối USB-C với công nghệ Axon tần số nhận tín hiệu 8000Hz, và Bluetooth là quá ổn rồi.

Quảng cáo


Dongle cũng có hộc cất ở cạnh trên bàn phím, không lo thất lạc. Giải pháp này dĩ nhiên không an toàn như khe cất dongle có nắp, nhưng vì độ dày chưa đầy 2cm của bàn phím, nên thiết nghĩ không đòi hỏi được.

_DSF8045.jpg

Ở cạnh trên bàn phím, chính giữa là một lớp đèn RGB logo Corsair, với dàn đèn thông báo thời lượng pin, cách kết nối và đèn báo Caps Lock/Num Lock/Scroll Lock. Như mọi lần, như mọi bàn phím khác của Corsair, mặt nhựa bóng này rất dễ xước, anh em nên cẩn thận khi dùng, dù rằng để nguyên nylon bọc cũng không phải ý hay vì trông không đẹp.

_DSC6591.jpg

Và nếu anh em chơi phím Corsair lâu đưa ra câu hỏi là lớp nhám lót trên từng phím có bám mồ hôi, dầu và dấu vân tay hay không, thì câu trả lời vẫn là có:

_DSC6592.jpg

Giờ mới đến phần mà mình nghĩ hầu hết anh em quan tâm nhất: Cảm giác gõ phím. K100 Air có pin trâu, có nhiều kết nối tiện lợi và đẹp đến đâu mà gõ không ổn thì cũng không thuyết phục được các dân chơi mua về. Để anh em hình dung dễ nhất, Cherry MX Ultra-Low Profile của K100 Air Wireless thực sự giống một phiên bản MX Blue nhưng hành trình phím chỉ bằng 1/3, nếu nói đến cảm giác gõ văn bản. Lực tác động để switch MX Blue kích hoạt lúc gõ là 60 gram, còn của MX Ultra-Low Profile là 65. Chỉ có những đôi tay tinh tường nhất mới thấy khác biệt giữa lực nhấn của hai mẫu bàn phím này.

Nhưng về mặt trải nghiệm, độ ồn tactile khi switch cơ học của K100 Air vận hành thấp hơn nhiều so với MX Blue. Điều này hứa hẹn không ảnh hưởng hạnh phúc gia đình hoặc tình cảm đồng nghiệp nơi công sở của nhiều anh em.

Mỗi keycap cũng hơi cong xuống, giúp anh em định vị từng nút dễ hơn, chứ không phẳng lì như anh em tưởng tượng. Vài người phàn nàn chiếc này gõ dễ typo. Điều đó cũng có thể, nhưng đối với mình, đang dùng hàng ngày một chiếc bàn phím trang bị MX Silver siêu nhẹ, thì chuyện đấy không xảy ra. Mỗi người sẽ có một sở thích và thói quen khác nhau, và đối với K100 Air cũng vậy, một profile bàn phím mới đương nhiên sẽ khiến anh em tốn ít giờ hay dài hơn là ít ngày để làm quen.

_DSF8024.jpg


K100 Air Wireless tạo ra trải nghiệm gõ đâu đó nằm giữa cái sự tiện dụng của bàn phím laptop và sự đã tay khi gõ những switch MX Brown. So sánh với bàn phím laptop, chí ít cũng phải là những giải pháp ngon nhất thị trường hiện giờ như phím scissor thế hệ mới của MacBook, ra mắt từ cuối năm 2020, hoặc bàn phím trên những chiếc máy ThinkPad. Cảm giác cơ khí của từng nút bấm được giữ nguyên, nhưng bên trong trải nghiệm bấm vừa nhanh, vừa tiện mà anh em đã quen với bàn phím mỏng.

_DSC6590.jpg

Nhưng còn việc chơi điện tử, chắc chắn sẽ có nhiều anh em không cảm thấy hợp cảm giác bấm phím của K100 Air. Ví dụ chơi nhiều game FPS như mình, hành trình phím ngắn nhấn nút WASD thì sẽ thấy tạm ổn, muốn thay đổi hướng đi sẽ nhanh hơn những dạng switch khác. Nhưng luôn có những thể loại game khác không phù hợp lắm với MX Ultra-Low Profile. Một ví dụ là MOBA như DOTA 2 hay LMHT. Nút mỏng, sát nhau dễ bấm nhầm, mà đã bấm nhầm là nhầm hẳn vì hành trình phím rất ngắn, nên đấy là một ví dụ của một thể loại game không hợp với K100 Air Wireless.

_DSF8022.jpg

Mình muốn gọi vui Corsair K100 Air Wireless là chiếc bàn phím gaming tuyệt vời nhất cho công việc, bởi vì thực tế nó đúng là như vậy. Xu hướng hiện tại đang là những bàn phím dùng switch mỏng, hành trình phím thấp như Razer DeathStalker V2 Pro, hoặc dùng switch tiêu chuẩn nhưng keycap thấp để gõ nhanh hơn, ví dụ như Logitech MX Mechanical Keyboard.

Còn với giải pháp của Corsair và Cherry, chúng ta có một sản phẩm thực sự phục vụ ổn cả hai nhu cầu giải trí và công việc, trong trường hợp anh em đang muốn tìm cho mình một chiếc bàn phím mỏng, nhẹ, không dây, không đánh đổi sự tiện lợi trong kết nối và tính năng lấy trải nghiệm gõ. Áp dụng cả kinh nghiệm sản xuất bàn phím từ trước tới nay, với công nghệ mới nhất mà Cherry cung cấp cho họ, Corsair đã tạo ra một sản phẩm độc nhất vô nhị trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Chỉ còn lại một điều duy nhất, là với mức giá, câu hỏi được đặt ra là liệu có bao nhiêu anh em dám bỏ tiền để trải nghiệm điều mới mẻ mà K100 Air Wireless mang lại.
33 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hy vọng sẽ thành công rực rỡ như bàn phím cánh bướm trên Macbook
@sốt-xuất-huyết-2022 ng nào dùng phím b sướng thế b? 2016-2018 hành thấy mẹ
@sapphire2142 Bác ấy nói kháy đấy
@sapphire2142 Ko phải butterfly keyboard mà là cheetah keyboard. Phím “báo” vl 😂
@ntroppld mình fan Coóc-xê bạn êyyyy
Cười vô mặt
Quá đẹp
ướt...
@Pnghuy ướt chỗ nào đâu ta
Giá đắt quá nhỉ
@mrthanh213 Tôi có ba ông bạn, 1 là cái ông trung đê tê, hai là cậu em gãy tay, ba là ông thợ chạy, ba ông í đều máu con này, cho đến khi nghe giá 😔
Thích hợp văn phòng lắm đây
Xác nhận gõ ngon, mỗi tội phải mất thời gian làm quen lại 😔
Nếu không chơi được Keycap, không phải chiếc này đánh mất 50% thú vui của bàn phím cơ sao?
Jero.go
ĐẠI BÀNG
một năm
có phiên bản ko phím số ko b
Mồ hôi tay ăn mòn bề mặt, thường xuyên lau thì đỡ hơn
Dù sao thì bàn phím low profile gõ không sướng bằng profile thường
thuongnb
ĐẠI BÀNG
một năm
Trông cứng cáp phết đấy chứ!
Low profile thì thôi bỏ qua. Đã cơ thì cho cơ hẳn, chứ nạt nạt mỡ mỡ ăn ko vô
Giá chá quá kiếm con Newmen K10 500k thôi 😃
Giá này có khối con ngon hơn vs switch ngon hơn. Cherry mx dành cho mấy bạn ms vỡ lòng phím cơ, chứ chơi thêm xíu nữa thì tìm dc nh switch ngon hơn cherry mx nhiều lắm.
@Barbatos có phím nào bảo hành 5 năm như filco ko thým 😁
@Nightcall Theo mình biết là ko, ngoài filco chơi lớn thôi. Nhưng mình nghĩ k cần, như bàn phím gmmk pro của mình hơn 2 năm vẫn ngon lành. Dễ j hư đâu bác, bảo hành 5n mắc tiền thêm thôi chứ hơn j😃
inGodz
ĐẠI BÀNG
một năm
@Nightcall Phím cơ thì cần gì bảo hành đâu bác :D
bạn tả mắc ham 😆
nhìn nó mỏng và bằng nên khi bấm nhanh sẽ khó hơn các bàn phim lõm xíu ở giữa
màu trắng nữa là tuyệt vời ông mặt trời
Hiris
ĐẠI BÀNG
một năm
E vẫn hạnh phúc với Logi MX key
End game luôn vs filco 😆
0C29D027-6AB6-4A01-8E56-3D2851E05F09.jpg

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019