Tiến sĩ Frederick P. Brooks từ trần ở tuổi 91: Người góp công định hình máy tính cá nhân

P.W
24/11/2022 7:24Phản hồi: 7
Tiến sĩ Frederick P. Brooks từ trần ở tuổi 91: Người góp công định hình máy tính cá nhân
Sự nghiệp của tiến sỹ Frederick P. Brooks Jr. trải dài hàng chục năm, từ việc làm giảng viên khoa khoa học máy tính ở trường đại học Bắc Carolina, cho tới những nghiên cứu đi đầu ngành trong những mảng đồ họa vi tính và thực tế ảo. Nhưng có lẽ thành tựu để đời của tiến sỹ Brooks là thời điểm thập niên 1960, khi ông là một trong những giám đốc kỹ thuật trong dự án máy tính 360 của IBM cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ở thời điểm những hãng máy tính khi ấy như Burroughs, Univac và NCR đều chọn hướng đi mỗi hãng một cấu hình, một hệ thống phần cứng khác nhau, thì dự án 360 của IBM đã góp phần định hình máy tính cá nhân như ngày hôm nay. Cái dự án ấy được tạp chí Fortune mô tả là “canh bạc 5 tỷ USD”, “đánh cược cả tập đoàn.”

Như đã nói, thời kỳ thập niên 60 và 70, mỗi hãng máy tính lại ra mắt một hệ thống phần cứng được phát triển với kết cấu và cách vận hành riêng. Điều này dẫn tới thực tế các kỹ sư phần mềm liên tục phải nâng cấp sản phẩm của họ để hỗ trợ mọi nền tảng máy tính, thời ấy còn là những mainframe kích thước lớn phục vụ cho từng máy trạm trong một tổ chức hay doanh nghiệp. Và canh bạc của IBM, dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Brooks và các đồng sự, hứa hẹn thay đổi điều đó, xóa bỏ yêu cầu tối ưu phần mềm tốn cả sức người lẫn sức của.

[​IMG]

Tháng 4/1964, cỗ máy IBM 360 ra mắt, bao gồm 6 hệ thống máy trạm khác nhau nhưng đều tương thích với phần mềm viết cho nền tảng chung. Những phần mềm và chương trình viết cho một trong 6 mẫu mainframe này đều chạy được trên tất cả những mẫu còn lại, không cần viết lại hoặc tối ưu phần mềm. Nhờ đó khi khách hàng đổi hệ thống máy tính lên những mẫu khỏe hơn, đắt tiền hơn, phần mềm vẫn chạy ổn định. Định hướng này được mô tả rất chi tiết trong báo cáo nghiên cứu của tiến sỹ Brooks, cùng hai đồng sự Gene Amdahl và Gerrit Blaauw, tên là “Kiến trúc hệ thống IBM System/360.”


Richard Sites, một nhà thiết kế máy vi tính, học trò của tiến sĩ Brooks từng nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đó chính là một bước đột phá trong kiến trúc máy tính, thứ Fred Brooks đã dẫn đầu trong nghiên cứu.”

Đương nhiên bây giờ phần mềm chạy được trên mọi nền tảng phần cứng do các hãng sản xuất không còn là điều lạ nữa. Nhưng ở thập niên 1960, đấy là một thử thách không dễ vượt qua. IBM không chỉ muốn một phần mềm chạy ổn trên mọi nền tảng máy tính, mà còn muốn hệ thống mainframe chạy được đa nhiệm, chạy được nhiều phần mềm cùng lúc. Thành công trong mục tiêu đó, OS/360 trở thành phần mềm hệ điều hành tiền thân để những Windows, iOS và Android ngày nay tồn tại.

Tinhte_Brooks4.jpg

Thời điểm IBM ra mắt nền tảng 360, tiến sĩ Brooks mới chỉ 33 tuổi. Đáng lẽ ra khi ấy nhà khoa học máy tính suýt chút nữa đã quay về Bắc Carolina để mở khoa khoa học máy tính tại trường đại học quê nhà. Nhưng lúc ấy chủ tịch IBM Thomas Watson Jr. đã thuyết phục Brooks ở lại để giải quyết khó khăn về phần mềm của nền tảng 360. Vị tiến sĩ trẻ đồng ý, và ông đã thành công trong việc tạo ra một nền tảng HĐH nhiều cấu hình khác nhau nhưng phần mềm luôn tương thích. Nhờ dự án IBM 360, tập đoàn máy tính nước Mỹ nắm giữ được vị thế độc tôn của ngành máy tính cho tới tận thập niên 1980, khi thị trường máy tính cá nhân bắt đầu bùng nổ, nhu cầu máy tính mainframe đắt đỏ cồng kềnh không còn như trước.

CEO đương nhiệm của IBM, Arvind Krishna nói: “Fred Brooks là một nhà khoa học tuyệt vời, thay đổi hoàn toàn máy tính điện toán. Chúng tôi mắc nợ ông ấy vì những nghiên cứu dẫn đầu ngành và những đóng góp của ông ấy.”

Sau khi nghỉ ở IBM, trở về đại học Bắc Carolina mở khoa khoa học máy tính, tiến sĩ Brooks đảm nhiệm vị trí chủ tịch trong vòng 20 năm. Những kinh nghiệm khi phát triển OS/360 được ông viết thành cuốn sách “The Mythical Man-Month: Essays on Software Engineering”, xuất bản năm 1975, và nhanh chóng trở thành sách gối đầu giường của nhiều nhà khoa học máy tính, nhờ những kinh nghiệm được ông chia sẻ theo cách vô cùng hài hước.

Có lẽ kinh nghiệm đắt giá nhất trong sách của tiến sĩ Brooks, thứ được người đời gọi là “luật Brooks”: “Thêm nhân sự vào một dự án phần mềm đang chậm sẽ chỉ khiến nó chậm hơn.” Giải thích lời của tiến sĩ, nghĩa là dự án đang chậm sẵn rồi, thêm nhân sự vào sẽ không khiến nó hoàn thành nhanh hơn, mà chỉ chậm trễ hơn mà thôi. Giải pháp của tiến sĩ Brooks không phải là thêm người, mà là tư duy lại cách viết phần mềm. Và theo ông, trong ngành công nghiệp phần mềm, lập trình viên là người nghệ sỹ sáng tạo, không phải cứ muốn thay thế là được.

Tinhte_Brooks3.jpg

Quảng cáo



Đến thời kỳ internet, nhiều lập trình viên phần mềm cho rằng luật Brooks không còn giá trị nữa. Những dự án mã nguồn mở lớn có hiệu quả nhờ việc để công khai mã nguồn cho tất cả mọi người cùng thấy và góp công hoàn thiện. Nhưng thật ra dự án có lớn đến mấy, có mã nguồn mở đến đâu thì vẫn cần một số lượng nhỏ những người quản lý toàn bộ quá trình phát triển. Đấy chính là một kinh nghiệm khác của tiến sĩ Brooks đã chia sẻ trong cuốn sách nói trên: Chia nhóm phát triển thành nhiều nhóm nhỏ, gọi là “nhóm phẫu thuật chính xác.”

Frederick Phillips Brooks Jr. sinh ngày 19/4/1931 ở Durham, Bắc Carolina trong một gia đình 3 anh em. Ông lớn lên ở Greenville, tốt nghiệp đại học khoa vật lý ở đại học Duke, trước khi học tiếp ở Harvard. Thời ấy chưa có trường nào có khoa khoa học máy tính, nhưng những cỗ máy với transistor đã trở thành công cụ nghiên cứu vật lý, toán học và kỹ thuật.

Năm 1956, tiến sĩ Brooks nhận bằng tiến sĩ toán học ứng dụng, trong lúc đó làm thêm ở những tập đoàn như Marathon Oil, North American Aviation, rồi sau đó là Bell Labs và IBM.

Trong suốt sự nghiệp, ông đã nhận được không ít giải thưởng, bao gồm huân chương quốc gia về công nghệ và sáng tạo năm 1985, rồi sau đó là giải thưởng Turing, thứ được coi là “Nobel ngành máy tính” năm 1999.

Theo The New York Times
7 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thêm 1 nhà khoa học xuất sắc nữa đã ra đi
Im lặng đi
@Hyper But Mong bác sớm vượt qua được nỗi đau buồn này
@Hyper But Mong bác và gia đình sớm vượt qua nỗi đau này
Cảm ơn ông vì những cống hiến
Tiến sĩ nước ngta, nước mình tiến sĩ nghiên cứu cầu lông
Mắc ói quá
Cảm ơn ông
Safe Travels

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019