Vậy là thêm một tượng đài nữa của ngành công nghệ cũng như đồ điện tử Nhật Bản đã không chịu đựng nổi khó khăn, chuẩn bị phải bán mình cho một nhóm doanh nghiệp do Japan Industrial Partners đứng đầu.
Đọc thêm: https://tinhte.vn/thread/vi-sao-toshiba-phai-ban-minh-hay-cau-chuyen-ve-mot-lich-su-mua-ban-that-bai-cua-cac-cong-ty-nhat.3648569/
Sở dĩ nói Toshiba là tượng đài trong suốt gần một thập kỷ rưỡi, chính là vì xuất phát điểm của tập đoàn này đã có khởi nguồn từ ngày 11/7/1875. Khi ấy, Tanaka Hisashige, một trong những kỹ sư kiêm nhà sáng chế nổi tiếng nhất thời kỳ Edo mở nhà máy Tanaka Seisakusho, sản xuất thiết bị máy điện tín. Sau đó nhà máy này sản xuất cả thiết bị điện, công tắc và thiết bị thông tin.
Ngay từ cái thời điểm ấy, giữa lúc thời kỳ Minh Trị đem tới những cải cách và hiện đại hóa đến cho Nhật Bản, Tanaka Seisakusho đã là một biểu tượng của khả năng sáng tạo ở đất nước này. Dưới sự dìu dắt của Tanaka, những người làm việc ở nhà máy Seisakusho hay ở nhà máy Kubusho thuộc Bộ Công nghiệp Nhật khi ấy đều đã trở thành những nhà sáng chế tiên phong. Có thể lấy ví dụ, Miyoshi Shoichi là người đã giúp chế tạo máy phát điện đầu tiên ở Nhật Bản, sau đó mở Hakunetsusha để sản xuất bóng đèn dây tóc, hay Oki Kibataro, người đã sáng lập công ty thiết bị điện Oki Denki, nay là Oki Electric Industry, và cả Ishiguro Keizaburo, đồng sáng lập Anritsu vòa năm 1895.
Đọc thêm: https://tinhte.vn/thread/vi-sao-toshiba-phai-ban-minh-hay-cau-chuyen-ve-mot-lich-su-mua-ban-that-bai-cua-cac-cong-ty-nhat.3648569/
Vì sao Toshiba phải bán mình, hay câu chuyện về một lịch sử mua bán thất bại của các công ty Nhật
Sáng nay chúng ta đã có thông tin về việc ban quản trị Toshiba đồng ý lời mời mua lại trị giá 15,3 tỷ đô la Mỹ của một nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản. Về bản chất, đây là kết quả của một quá trình kinh doanh thua lỗ kéo dài…
tinhte.vn
Sở dĩ nói Toshiba là tượng đài trong suốt gần một thập kỷ rưỡi, chính là vì xuất phát điểm của tập đoàn này đã có khởi nguồn từ ngày 11/7/1875. Khi ấy, Tanaka Hisashige, một trong những kỹ sư kiêm nhà sáng chế nổi tiếng nhất thời kỳ Edo mở nhà máy Tanaka Seisakusho, sản xuất thiết bị máy điện tín. Sau đó nhà máy này sản xuất cả thiết bị điện, công tắc và thiết bị thông tin.
Ngay từ cái thời điểm ấy, giữa lúc thời kỳ Minh Trị đem tới những cải cách và hiện đại hóa đến cho Nhật Bản, Tanaka Seisakusho đã là một biểu tượng của khả năng sáng tạo ở đất nước này. Dưới sự dìu dắt của Tanaka, những người làm việc ở nhà máy Seisakusho hay ở nhà máy Kubusho thuộc Bộ Công nghiệp Nhật khi ấy đều đã trở thành những nhà sáng chế tiên phong. Có thể lấy ví dụ, Miyoshi Shoichi là người đã giúp chế tạo máy phát điện đầu tiên ở Nhật Bản, sau đó mở Hakunetsusha để sản xuất bóng đèn dây tóc, hay Oki Kibataro, người đã sáng lập công ty thiết bị điện Oki Denki, nay là Oki Electric Industry, và cả Ishiguro Keizaburo, đồng sáng lập Anritsu vòa năm 1895.
Anh em hãy để ý Hakunetsuka, vì đây chính là nửa còn lại của Toshiba sau này.
Sau đó, người con nuôi của Tanaka tiếp quản công ty, và sau khi Tanaka mất năm 1881, General Electric mua lại một lượng cổ phần công ty, và mở rộng sản xuất mìn và ngư lôi cho hải quân đế quốc Nhật. Nhưng đó cũng là thời điểm kinh doanh của Tanaka Seisakusho bắt đầu tụt dốc. Hải quân Nhật Bản bắt đầu nhận được những gói thầu trang thiết bị vũ khí với giá hấp dẫn hơn, và dần dần trở nên thua lỗ. Năm 1893, đơn vị cấp tín dụng chính của Tanaka Seisakusho là ngân hàng Mitsui đã thu hồi tài sản công ty sau khi mất khả năng trả nợ, đổi tên thành Shibaura Seisakusho.
Thế chiến thứ II, mối quan hệ giữa Shibaura và General Electric của Mỹ dần xấu đi, và mãi đến năm 1953, GE mới quay trở lại. Nhưng lúc này, Shibaura Seisakusho không còn nguyên vẹn nữa, mà nó đã trở thành một nửa của Toshiba ngày nay.
Nửa còn lại chính là Hakunetsusha, công ty sản xuất bóng đèn của chính học trò Tanaka Hisashige, Miyoshi Shoichi mở cùng với Fujioka Ichisuke. Công ty này được thành lập năm 1890, bắt đầu với việc sản xuất những chiếc bóng đèn dây tóc làm bằng than tre. Tiếc thay, vì thỏa thuận mở cửa kinh doanh với phương Tây, gọi là hiệp ước bất bình đẳng, bóng đèn của Hakunetsusha đã đắt hơn 60% mà còn có chất lượng thấp hơn. Dù rằng họ tìm được thị trường sau khoảng thời gian bùng nổ hậu hai cuộc chiến tranh, lần thứ nhất là giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 1894 - 1895, lần kế tiếp là giữa Nga và Nhật năm 1904 - 1905, nhưng tình thế tài chính thì luôn trong trạng thái bết bát.
Năm 1905, Hakunetsusha bắt đầu hợp tác với General Electric để chia sẻ công nghệ, đổi tên thành Tokyo Denki. GE nắm 51% cổ phần của Tokyo Denki, bổ nhiệm phó chủ tịch, và cung cấp cho Tokyo Denki công nghệ làm bóng đèn dây tóc chất lượng cao hơn.
Trong suốt khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX, trước, cả hai công ty đã liên tục có những đột phá:
Quảng cáo
- Máy phát thủy điện đầu tiên công suất 60 kW năm 1894.
- Mô tơ điện không đồng bộ đầu tiên năm 1895.
- Bóng đèn tạo tia X-quang đầu tiên năm 1915.
- Bóng bán dẫn radio đầu tiên năm 1919
- Bóng đèn hai dây tóc đầu tiên năm 1921,
- Đáng kể nhất có lẽ là tủ lạnh và máy giặt đầu tiên của Nhật Bản năm 1930.
- Và năm 1931, họ ra mắt chiếc máy hút bụi đầu tiên của Nhật Bản.
Nhưng cùng lúc, thời điểm Nhật Bản tăng cường sản xuất thiết bị vũ khí cho quân đội, chính phủ Nhật cũng đặt ra lệnh cấm sản xuất thiết bị gia dụng để nhường nguồn nguyên liệu sắt thép cho quốc phòng. Shibaura Seisakusho và Tokyo Denki bắt đầu hợp tác và chia sẻ công nghệ.
Và cuối cùng, tiền thân trực tiếp của Toshiba được thành lập năm 1939, khi Shibaura Seisakusho và Tokyo Denki sáp nhập, tạo ra TOkyo SHIBAura Denki. Cái tên Toshiba từ đâu ra hẳn anh em cũng đã nhận ra. Nhưng phải tới năm 1950, họ mới đổi tên thành Toshiba Denki, và đến năm 1978 đổi tên thành Toshiba Corporation.
Trong khoảng thời gian thế chiến thứ II, Tokyo Shibaura Denki vẫn liên tục tạo ra những đột phá mới: Hoàn thành trạm phát sóng truyền hình 150 kW đầu tiên cho nhà đài NHK năm 1936, tạo ra đèn huỳnh quang đầu tiên năm 1940, hệ thống radar đầu tiên của Nhật năm 1942,…
Quảng cáo
Thế chiến thứ 2 kết thúc, Toshiba tiếp tục bùng nổ về cả quy mô lẫn các sản phẩm mới. Ban đầu, Toshiba tập trung vào sản xuất các loại máy móc điện hạng nặng và sau đó quay trở lại sản xuất các thiết bị điện nhỏ hơn khi quá trình tái thiết đất nước và các ngành công nghiệp được tiến hành. Toshiba cũng thành lập nhiều công ty con để tăng cường khả năng bán hàng và bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình sang Đông Nam Á.
Cuối những năm 1950, nền kinh tế Nhật Bản phục hồi hoàn toàn sau chiến tranh và bắt đầu phát triển thần tốc. Điều này hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng trong các ngành công nghiệp máy móc điện nặng, điện tử và truyền thông tại nước này, cũng là những ngành mà Toshiba tập trung vào phát triển. Cũng như nước Nhật, doanh thu và lợi nhuận của Toshiba tăng khủng khiếp, với những sản phẩm mới và những công nghệ do họ phát minh:
- Hệ thống phát sóng truyền hình và hệ thống chuyển sóng truyền hình đầu tiên năm 1952.
- Tua bin thủy điện 72.500 kVA năm 1953.
- Chiếc nồi cơm điện đầu tiên của Nhật năm 1955.
- TV bóng bán dẫn đầu tiên và lò vi sóng đầu tiên năm 1959.
- Năm 1960 là chiếc TV màu đầu tiên ra đời.
Trong giai đoạn từ sau năm 1973 tới những năm 2000, Toshiba có những nước đi vô cùng hợp lý, trong đó đáng kể nhất là việc họ tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Trong khoảng thời gian đó, Toshiba liên tục mở rộng. Họ hợp tác với nhãn đĩa EMI Anh Quốc để mở Toshiba EMI năm 1960. Toshiba International Corporation thành lập năm 1974, cùng thời điểm với Toshiba Chemical, rồi lấn sân sang cả thị trường máy tính và viễn thông, với Toshiba America Information Systems (1989) và Toshiba Carrier Corporation (1999).
Cách Toshiba hoạt động, liên tục thúc đẩy sự phát triển chính là yếu tố giúp Toshiba trở thành tượng đài của ngành điện tử và công nghệ. Họ hiếm khi ngủ quên trên chiến thắng, chí ít là tới trước thế kỷ XXI.
- Năm 1963, họ hoàn thành tua bin điện hạt nhân công suất 12.500 kW đầu tiên của Nhật Bản. -
- Năm 1967, họ tạo ra máy đọc zip code tự động đầu tiên trên thế giới.
- Năm 1970, họ tạo ra điện thoại video màn hình màu đầu tiên.
- Năm 1978, họ tạo ra hệ thống soạn thảo văn bản đầu tiên của Nhật.
- Năm 1979, họ thử nghiệm thành công hệ thống lưu trữ dữ liệu bằng đĩa quang.
- Năm 1981, họ tạo ra điều hòa nhiệt độ inverter đầu tiên.
- Năm 1982, họ tạo ra hệ thống máy quét cộng hưởng từ (MRI) đầu tiên của Nhật Bản.
- Năm 1985, liền một lúc họ cho ra mắt thiết bị truyền tín hiệu đầu tiên cho TV độ nét cao, chip DRAM CMOS dung lượng 1 megabit đầu tiên, và chiếc máy tính cá nhân xách tay đầu tiên.
Những cái “đầu tiên”, những cái gạch đầu dòng trên đây, những đột phá mới suốt từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX có lẽ đã là quá đủ để khẳng định, Toshiba là một trong những tập đoàn thiết bị công nghệ và điện tử sáng tạo bậc nhất lịch sử. Hiếm có cái tên nào đọ được với họ về tốc độ cũng như tần suất nghiên cứu ra mắt những sản phẩm mới.
Đọc thêm: https://tinhte.vn/thread/tu-toshiba-den-sony-bai-hoc-ve-mo-hinh-tang-truong-dung-dan-cua-cac-hang-dien-tu-nhat.3481617/
Từ Toshiba đến Sony: bài học về mô hình tăng trưởng đúng đắn của các hãng điện tử Nhật | Viết bởi AmbitiousMan
Bài viết của tác giả Atsushi Nakayama, đăng trên báo Nikkei. Mình đặt lại title và lược dịch.
Không có 2 hãng điện tử đồng hương nào lại chứng kiến vận may của mình chia rẽ sâu sắc, như Toshiba và Sony.
tinhte.vn
Đáng buồn thay, sau một giai đoạn dài thành công, Toshiba đi lệch hướng với hàng loạt những sai lầm không thể tha thứ vào những năm đầu của thế kỷ 21. Đầu tiên, thay vì tập trung phát triển dòng TV LCD từ sớm, hãng vẫn cố gắng bám trụ với TV CRT và thậm chí còn tăng cường sản xuất loại TV này, dù những công nghệ được sử dụng đã lỗi thời.
Tiếp đó, hãng thực hiện thương vụ đấu thầu và mua lại nhà máy điện hạt nhân Westinghouse với giá 5.4 tỷ USD vào năm 2006. Với việc thắng thầu, Toshiba nắm giữ 77% cổ phần tại nhà máy này và được kỳ vọng sẽ thu lời lớn trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới muốn phát triển điện hạt nhân.
Tuy nhiên, kết quả mà họ nhận được đều là những trái đắng. Thảm họa của Toshiba bắt đầu bằng việc đóng cửa các nhà máy sản xuất TV CRT truyền thống tại Mỹ, Malaysia và Nhật Bản sau khi những nỗ lực của họ về việc phát triển dòng TV này dẫn đến việc thua lỗ nặng nề với sự vươn lên của TV LCD. Đầu năm 2015, Toshiba đã thông báo ngừng sản xuất TV trong các nhà máy của chính mình. Việc sản xuất của hãng được chuyển hoàn toàn sang cho các công ty là Compal tại Mỹ và Vestel tại châu Âu đã cho thấy sự thất bại nặng nề của Toshiba trong lĩnh vực này.
Vậy còn nhà máy Westinghouse? Sau khi tiếp quản nhà máy này, Toshiba đã tiến hành xây dựng nhà máy hạt nhân Vogtle Electric Generating Plant. Việc xây dựng nhà máy này đã khiến cho Toshiba chịu những khoản thua lỗ nặng nề. Việc xây dựng cực kỳ chậm chạp dẫn đến chi phí liên quan tăng cao. Trong khi đó, công ty lại ký hợp đồng thi công cố định mức giá với Georgia Power đã khiến Toshiba phải gánh khoản nợ khổng lồ cho công ty con.
Kết quả, Westinghouse đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào ngày 29 tháng 3 năm 2017, với dự kiến sẽ gây ra khoản thua lỗ hàng năm lên tới 9 tỷ USD cho Toshiba. Một năm sau, Toshiba thông báo hoàn tất việc bán công ty mẹ của Westinghouse cho Brookfield Business Partners và một số đối tác với giá 4,6 tỷ USD - tức thấp hơn mức giá mà họ đã mua nhà máy này 12 năm trước đó.
Với nhiều sai lầm mang tính hệ thống như vậy, doanh thu của Toshiba liên tục giảm. Nếu như năm 2014, họ có được mức doanh thu lên tới 63.8 tỷ USD; thì tới năm 2019, mức doanh thu của Toshiba chỉ đạt 33 tỷ USD, tức hơn một nửa so với chỉ cách đó 5 năm. Một sự sụt giảm khủng khiếp chỉ trong một thời gian ngắn đã cho thấy mức độ khủng hoảng lớn đến thế nào tại công ty này.
Tuy nhiên điều tồi tệ hơn cả là Toshiba đã che giấu những khoản lỗ của mình trong báo cáo tài chính năm 2016. Sau những cáo buộc về gian lận trong báo cáo tài chính đã xuất hiện từ đầu năm 2015, chủ tịch công ty là ông Hisao Tanaka đã buộc phải thừa nhận điều này và cúi đầu xin lỗi. Trong năm tài chính tính đến tháng 3 năm 2017, công ty đã phải thừa nhận khoản lỗ do suy giảm lợi thế thương mại là 712,5 tỷ yên (6,9 tỷ USD) đối với các hoạt động điện hạt nhân và khoản lỗ ròng của tập đoàn là 390 tỷ yên (3,8 tỷ USD). Cổ phiếu của công ty rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Trong những sai lầm lớn của mình, Toshiba vẫn thu được thành công từ mảng chip nhớ khi hãng mua lại mảng kinh doanh HDD của Fujitsu, cũng là một ông lớn khác của Nhật Bản. Mặc dù các mảng kinh doanh khác của công ty tương đối bết bát, tuy nhiên mảng thiết bị nhớ của Toshiba vẫn được đánh giá rất cao. Những nhân vật chủ chốt của công ty yêu cầu tách riêng mảng này thành một doanh nghiệp riêng nhằm tránh cho ông lớn của Nhật Bản khỏi bị phá sản.
Vào ngày 20 tháng 9 năm 2017, hội đồng quản trị của Toshiba đã thông qua thỏa thuận bán mảng kinh doanh chip nhớ của mình cho một tập đoàn do Bain Capital dẫn đầu với giá 18 tỷ USD, với sự hỗ trợ tài chính của các công ty như Apple, Dell… Công ty độc lập mới được đặt tên là Toshiba Memory Corporation và sau đó được đổi tên thành Kioxia.
Năm 2016, Toshiba bán mảng đồ gia dụng cho Midea với giá 53.7 tỷ yên (520 triệu USD) và bán mảng thiết bị y tế cho Canon với giá 665.5 tỷ yên (6.4 tỷ USD). 2 năm sau, Toshiba tiếp tục bán 80.1% cổ phần của bộ phận kinh doanh máy tính cá nhân cho Sharp. Đến tháng 6 năm 2020, Sharp hoàn tất mua lại 100% mảng này của công ty, và Toshiba chính thức chia tay mảng kinh doanh laptop.
Vật đổi sao rời, đành rằng không ai ngự trị trên đỉnh vinh quang được mãi. Nhưng trong ánh mắt của những con người hoài cổ, sống phần lớn cuộc đời ở thế kỷ XX, Toshiba của ngày hôm nay quả thật là một cái tên khiến nhiều người tiếc nuối. Từ một kẻ dẫn đầu về mặt công nghệ, ở cả những thị trường thiết bị gia dụng, điện tử, điện toán và công nghiệp nặng, Toshiba giờ chỉ còn trị giá 15 tỷ USD và chuẩn bị phải bán mình.
(tổng hợp)