[Tôi yêu Sony] Phần 1 - Sony đã thất bại như thế nào?

sonlazio
7/3/2010 12:36Phản hồi: 194
[Tôi yêu Sony] Phần 1 - Sony đã thất bại như thế nào?
Sau khi đọc loạt bài We Miss Sony trên Gizmodo, mình cảm thấy rất đồng cảm với họ. Cũng như các biên tập viên Gizmodo, hầu hết các người post bài của Tinh Tế đều yêu thích thương hiệu Sony và mong muốn nó phát triển hơn nữa. Hy vọng sau khi bị các trang tin công nghệ trên thế giới “giúp đỡ”, Sony sẽ phần nào nhận ra và kịp thời sửa chữa những sai sót của mình.

Trong bài viết này, mình sẽ chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Sony (chỉ nói trong lĩnh vực điện tử chứ không nói về nhạc, phim hay công ty tài chính...). Tất nhiên, nó là ý kiến cá nhân, không phải là ý kiến của toàn thể Tinhte.vn. Bài viết này nhằm chỉ ra những sai lầm của Sony nên sẽ hơi tiêu cực một chút. Hy vọng sẽ nằm ở bài viết sau trong loạt bài này. Bài viết có sử dụng và tham khảo thông tin từ các nguồn khác, đặc biệt là Gizmodo.


Độc quyền, sử dụng các chuẩn riêng:


Bất cứ ai dùng các máy Sony cũng biết rằng họ buộc phải bỏ thêm nhiều tiền để mua các phụ kiện, linh kiện cho thiết bị của mình để rồi không thể sử dụng cho các hãng khác. Sony coi đây như là một sợi dây trói vô hình để buộc chân người dùng lại với thương hiệu này. Có thể về ngắn hạn, chiến lược này sẽ hoạt động hiệu quả nhưng về lâu về dài, nó đã gây nên những tổn thất cực lớn cho tập đoàn.

Đã bao nhiều lần bạn muốn mua một thiết bị Sony nhưng lại ngại đi đâu cũng phải xách theo “một đống” dây nhợ loằng ngoằng vì không dùng chung được với ai hết? Hay cả những định dạng thẻ nhớ độc quyền mà không một công ty nào muốn chơi chung như Memory Stick. Chẳng lẽ mỗi lần chụp hình xong muốn chép vào máy tính lại phải mang theo đầu đọc thẻ hay mua một máy VAIO có sẵn đầu Memory Stick à? Vậy thì thà khỏi mua cho xong, mua của những hãng khác tiện hơn nhiều (không nói về mặt chất lượng).


[​IMG]
Memory Stick-"kẻ thù" của người dùng Sony


Chắc chắn sẽ có nhiều người phản biện tại sao Apple dùng hàng loạt chuẩn riêng mà nó vẫn sống khỏe đó? Nhưng Apple là Apple, Apple không phải là Sony của hiện tại mà là Sony của quá khứ. Giống như Apple hiện giờ, vị thế của Sony ngày xưa cho phép họ làm thế nhưng giờ nó đã mất, Sony buộc phải nhập cuộc chơi với hàng loạt tập đoàn khác nếu không muốn bị đào thải. Sản phẩm vẫn phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh nhưng không được làm người dùng khó chịu với những thứ nhỏ nhặt như thế.

Nếu không phải do Sony phát triển và đỡ đầu thì định dạng Memory Stick chắc chắn đã bị loại bỏ từ lâu. Hãy nhìn vào hàng loạt thẻ cùng thời với nó như MMC hay SmartMedia bị dừng phát triển, rồi thậm chí là xD Picture card ra đời sau này cũng chỉ sống thoi thóp trong một vài thiết bị của Olympus và Fujifilm thôi. Hơn ai hết, chính sức mạnh của Sony mới giúp Memory Stick sống lâu đến thế, nhưng họ lại không dùng nó vào việc giúp khách hàng thoải mái hơn mà lại để nó phung phí như thế này.


Việc dùng chuẩn riêng để trói chân khách hàng chỉ là điểm phụ trong chiến lược của Sony, điểm chính là họ muốn thu được nhiều lợi nhuận hơn thông qua việc bán các phát minh hoặc tự mình sản xuất nó. Việc phát triển thành công đĩa CD (cùng với Philips), đĩa mềm 3,5 inch hàng loạt các định dạng khác đã giúp Sony thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng nó cũng đồng thời làm cho công ty này mờ mắt và đi theo một con đường sai lầm. Họ đã từng thất bại với băng video Betamax khi một mình một ngựa chống lại VHS của các công ty khác nhưng vẫn chưa chịu thay đổi. Khi Bluray và HD-DVD ra đời , chính Sony đã góp phần lớn vào việc chiến thắng của Bluray nhưng lần này, tất cả các bên tham chiến đều bị thiệt hại nặng nề. Sự bảo thủ của họ đã làm khách hàng mất lòng tin và cảm thấy thích thú hơn với việc tải dữ liệu trên mạng.


[​IMG]
Đĩa CD đầu tiên trên thế giới

Tự phát triển định dạng không phải là xấu mà trái lại, nó còn làm tăng danh tiếng và lợi nhuận của công ty. Có một số công ty cứ thấy có liên mình nào mới cũng tham gia rồi cố gắng tạo ra những sản phẩm nhanh nhất để quảng cáo rằng mình là người nắm giữ công nghệ của thế giới! Sony không như vậy, họ là người tạo ra công nghệ nhưng lại sai lầm khi cố gắng nắm giữ nó, cố gắng điều khiển không cho bất kỳ ai tham gia. Hãy biết chia sẻ, chia sẽ để thành công.

Quá nhiều thiết bị, quá ôm đồm:

Quảng cáo



Rối, đó chính là từ duy nhất người ta nghĩ đến Sony vào thời điểm này. Họ đã tham dự vào quá nhiều các lĩnh vực khác nhau để rồi trở thành một nồi lẩu thập cẩm. Thành thực mà nói, hầu như ở bất cứ lĩnh vực nào có mặt, Sony đều để lại dấu ấn khá đậm nét nhưng thành công thì không nhiều như ngày xưa. Nhìn thử vào thương hiệu TV Bravia của tập đoàn này xem, họ có tới 11 dòng sản phẩm khác nhau! Hay các máy tính xách tay VAIO, có 9 dòng! Ai cần tới con số đó? Khách hàng bị đưa vào một ma trận các thông số kỹ thuật và cảm thấy quá choáng ngợp. Họ tìm đến một công ty khác có những lựa chọn đơn giản hơn.

[​IMG]
Quá nhiều lựa chọn là không tốt!


Chiếc lược đa dạng hóa sản phẩm là tốt nhưng Sony lại tiếp tục thực hiện nó một cách sai lầm. Họ quên mất 2 bài học cơ bản của marketing: “Có quá nhiều lựa chọn sẽ làm giảm sức mạnh của thương hiệu” và “bắt khách hàng phải so sánh các sản phẩm sẽ dẫn đến hậu quả khó lường” mà chỉ phần nào nhớ được bài học thứ 3: “đối với khách hàng, nhiều lựa chọn hơn đồng nghĩa với với chất lượng tốt hơn”. Sony không biết cách kết hợp cả 3 bài học này lại.

Trong bài viết này, mình sẽ nhiều lần nhắc đến Apple, không phải là vì mình thích thương hiệu này mà là nó là điển hình cho cách làm đúng đắn ở thời điểm hiện tại. Apple đơn giản tối đa các sản phẩm của mình, khách hàng chỉ cần nhìn vào đó là biết cái mình cần chứ không nhất thiết phải ngồi so sánh hàng chục sản phẩm khác nhau trong khi vẫn được lựa chọn theo ý mình. Ví dụ như MacBook Pro, họ có thể chọn theo 3 kích cỡ màn hình, rồi từ đó chọn cấu hình phù hợp với nhu cầu của mình. Tất cả chỉ có vậy.


Còn Sony, làm sao để chọn trong 1 loạt máy VAIO đây? Đúng là cái nào cũng đẹp, cũng độc đáo thật nhưng lại quá nhức đầu và rối rắm. Ngay cả những nhân viên bán hàng cũng cảm thấy bối rối chứ đừng nói đến khách hàng.

Quảng cáo


HP, Samsung, LG... có thể thành công với cách đa dạng hóa sản phẩm, đó là bởi vì họ không nhắm vào thị trường cao cấp như Sony. Thị trường chính của các công ty này là bình dân và trung cấp. Còn khi đã khoác cái mác cao cấp lên người, Sony buộc phải đơn giản hóa tất cả.

Mặt khác, việc chia nhỏ các sản phẩm càng làm giảm sự cạnh tranh của thương hiệu. Khi bạn tạo ra 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm được sản xuất 1 triệu chiếc thì tất nhiên là giá sẽ rẻ hơn rất nhiều so với 30 sản phẩm nhưng mỗi cái chỉ 10.000 chiếc. Apple làm được điều này, đó chính là lý do họ lời “khủng khiếp” như vậy trong khi Sony lại lỗ hoặc lời rất ít trong thời gian gần đây.


Thêm vào đó, việc chia nhỏ các sản phẩm làm cho bộ phận tiếp thị, bán hàng phải căng sức ra để bao quát tất cả. Hậu quả là một sản phẩm dù tốt đến đâu cũng chỉ được nói sơ qua để dành chỗ cho các máy khác. Sony nên học câu tục ngữ của Việt Nam: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” thay vì cứ trải mình ra cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu khác nhau.


Cuối cùng, đôi khi chính Sony cũng không tin vào những gì mình bán ra. Họ đã có tầm nhìn tốt với sách điện tử khi tung nó ra trước hàng năm trời trước khi Amazon Kindle ra đời. Vậy mà lại sợ hãi, không dám tin vào nó để rồi thiếu kiên quyết trong quảng cáo và chỉ dám phát hành tại Nhật. Kết quả cuối cùng thế nào thì ai cũng biết. Sony chỉ bán được đúng 50.000 máy trước khi Kindle ra đời. Nếu Sony biết tập trung vào thì họ đâu có bỏ lỡ cơ hội này, đâu có phải tranh giành xâu xé khổ cực với các hãng nhỏ khác mà có thể đường hoàng ngồi thu tiền chung với Kindle!

[​IMG]
Sony e-book reader

Ở tình trạng sai lầm hiện tại mà các sản phẩm Sony còn gây ấn tượng tốt như vậy đối với giới công nghệ thì nó sẽ còn tốt như thế nào nữa nếu họ tập trung nó lại? Hãy nhớ lấy Sony, thà làm ít nhưng lợi nhuận nhiều kiểu Apple còn hơn làm nhiều mà chẳng được bao nhiêu như một số công ty khác.

Sai lầm mang tính hệ thống:


Ở Sony có rất nhiều sai lầm mang tính hệ thống. Chúng ta không thể đổi lỗi cho bất cứ chi nhánh nào vì nó là lỗi của ban lãnh đạo tập đoàn. Chẳng hạn như chính sách marketing và sự chậm chạp trong việc thương mại hóa sản phẩm.

Có lẽ hiếm ai trong chúng ta từng nghe đến cái tên Qualia của Sony. Đây là một thương hiệu riêng cho các sản phẩm siêu cao cấp của Sony trong giai đoạn 2003-2005. Nó đã bị khai tử sau khi giám đốc điều hành hiện nay của Sony là ông Howard Stringer tiếp nhận tập đoàn. Qualia làm ra không phải với mục đích để bán khi mà sản phẩm rẻ nhất trong số này là đầu đĩa MiniDisc có giá tới 1.700$ hay một vài tai nghe khác có giá 2400$... Họ làm chỉ nhằm quảng bá thương hiệu là chính.


[​IMG]
Mini-Disk 1700$ của Sony


Nếu nhìn vào danh sách các mẫu Qualia, bạn sẽ thấy khá nhiều sản phẩm hiện đại của ngành công nghiệp điện tử thế giới phản ánh trong đây. Vào thời điểm đó mà Sony đã chế tạo được máy ảnh PnS ở dạng module. Đặc biệt nhất là chiếc TV LCD mang mã hiệu Qualia 005 (KDX-46Q005) với đèn LED chiếu nền (backlit) vào năm 2004 với giá 10.000$! Thậm chí nó còn dùng công nghệ LED 3 màu RGB chứ không phải một màu như các TV bây giờ. Qualia 005 chính là "thủy tổ" của TV Bravia dòng X hiện nay cũng với LED RGB. Chất lượng của X được đánh giá là không có đối thủ khi so với các TV LCD khác nhưng tất nhiên mức giá trên trời của nó khó mà tiếp cận đa số khách hàng được. Giá của X 40 inch ở Việt Nam hiện nay là 80 triệu còn 46 inch 130 triệu, mà đó là giá đồ Sony ở Việt Nam luôn thấp hơn thế giới khá nhiều rồi!

Hẳn bạn rất ngạc nhiên khi nghe được thông tin này. Sony cũng là công ty đầu tiên tung ra loạt sản phẩm dùng LED viền (Edge-lit) với chiếc ZX1 vào năm 2009. Vào thời điểm các hãng khác bắt đầu đưa ra TV LCD LED thì Sony đã phát triển đến thế hệ thứ 5 của công nghệ này, vậy mà ngày nay khi nhắc đến TV LCD LED bạn nghĩ tới ai? Sony hay Samsung? Đây chính là hậu quả từ chính sách sản xuất và marketing sai lầm của Sony. Họ luôn đi tiên phong trong công nghệ nhưng chẳng biết cách để đưa nó xuống với người tiêu dùng. Chỉ một vài người trong giới công nghệ biết thì giúp được gì cho Sony? Quá chậm chạp!


[​IMG]
Chiếc TV "huyền thoại" của Sony, Qualia 005


Một ví dụ khác cho sự “rùa bò” của Sony: Nếu ai quan tâm đến công nghệ không thể không biết đến dòng máy tính xách tay Picture Book và X505 của Sony từ những năm đầu của thế kỷ 21. Đây là những thiết bị rất đẹp với độ mỏng được rút gọn đến tối đa. Thêm vào đó, nó còn được trang bị bàn phím chicklet (Sony gọi là Isolation keyboard) mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Ấy vậy mà Sony bỏ mặc nó không phát triển tiếp, để rồi giờ đây, khi nhắc tới dòng máy tính xách tay siêu mỏng người ta nói đến MacBook Air, nhắc đến bàn phím chicklet là bàn phím kiểu Apple/MacBook. Sony đã đi trước thời đại gần một thập kỷ nhưng những gì họ thu được thật đáng thất vọng!

[​IMG]
Sony VAIO X505, một trong những máy tính xách tay khác biệt nhất vào thời của nó

Sai lầm tiếp theo là chính sách không nhất quán giữa các quốc gia. Sony đã bản địa hóa sản phẩm một cách sai lầm. Chẳng hạn như chiếc VAIO F gần đây nhất, máy ở Châu Âu thì có màn hình không gương và tiêu chuẩn sRGB, trong khi máy châu Á có cái không gương, có cái có sRGB chứ không thống nhất còn máy ở châu Mỹ không có cả 2. Vô cùng phúc tạp và rối rắm. Chẳng hạn như người tiêu dùng Mỹ hay châu Á sang Châu Âu thì họ sẽ nghĩ gì về công ty này?

[​IMG]
VAIO F, một chiếc máy kỳ lạ


Tiếp đến, là một công ty điện tử lớn nhưng cho đến giờ Sony vẫn chưa thực hiện được chính sách bảo hành toàn cầu ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Họ cũng chưa cung cấp được chính sách bảo hành điện tử đến tay người tiêu dùng.

Sai lầm tiếp theo và cũng là sai lầm đáng tiếc nhất: hợp tác nhưng không thể kiểm soát được:


-Trước khi liên mình Sony Ericsson ra đời, cả 2 công ty đều có thể tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá vào thời điểm ấy. Và khi kết hợp lại, họ cũng đưa ra được khá nhiều máy làm hài lòng người tiêu dùng. Nhưng rồi càng hợp tác, Sony Ericsson càng cho thấy sự hạn chế của mình. Cho dù Sony đã cố gắng cứu chữa bằng cách mang hàng loạt thương hiệu như Walkman, Cyber-Shot hay Bravia vào SE nhưng liên minh này vẫn không khá lên được. Đây chính hậu quả của 1 công ty nhưng có 2 chế độ lãnh đạo khác nhau, 1 theo châu Á, một theo châu Âu, cứ xung đột mà không thể nào dung hợp được. Tuy vậy, theo mình, Sony Ericsson sẽ phần nào đóng góp vào sự phục hồi của Sony chứ không phải là "gánh nặng" của 2 tập đoàn mẹ như hiện tại.

-Nhà máy sản xuất S-LCD với Samsung: Không hiểu sao mà các điều hành viên của Sony có thể làm việc này dể rồi nó trở thành trò cười cho mọi người. Lấy cớ cung không đủ cầu, họ đã hợp tác với Samsung theo kiểu mỗi người bỏ 50% để tạo nên công ty S-LCD chuyển sản xuất các panel cho màn hình của 2 hãng. Tất nhiên là mỗi hãng bỏ một phần khác nhau, vì S-LCD ở Hàn Quốc nên Samsung đóng góp phần đất, nhà xưởng... là chủ yếu, còn Sony là tiền và tất nhiên, công nghệ.


[IMGl]http://photo.tinhte.vn/?id=209636&d=1267967648&f=200096&uid=13809&n=images..jpg[/IMGl]Vậy là xong, Sony đã tự mình chui đầu vào rọ. Cho dù sau này còn hợp tác với 1 vài hãng khác như Sharp nhưng người ta vẫn chỉ nhớ đến S-LCD mà thôi. Mọi người cho rằng panel được chế tạo bởi cùng 1 công ty tại cùng một khu công nghiệp thì tất nhiên chất lượng phải như nhau trong khi giá Sony lại đắt hơn Samsung thấy rõ. Cộng với hàng loạt sai lầm khác của Sony, việc Samsung trở thành công ty bán được nhiều TV nhất không làm nhiều người ngạc nhiên.


Không ai chịu hiểu là dù cùng một công ty nhưng không phải bất cứ panel nào của Samsung và Sony cũng chế tạo bởi S-LCD. Chỉ có những panel cho các dòng TV cao cấp nhất của Samsung mới được chế tạo bởi S-LCD và panel cho 2 hãng được làm bởi những xưởng khác nhau. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng màn hình, chẳng hạn như engine xử lý hay vật liệu sản xuất....


Như vậy, ta có thể thấy chính là lỗi của Sony khi để các đối thủ khác vượt qua. Họ phải biết dừng lại, nhìn vào chính bản thân mình chứ không nên đổ lỗi cho thị trường hay bất cứ ai. Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sự tụt lùi của Sony mà mình muốn nói đến chính là việc họ quá “chảnh”.


Trong buổi lễ giới thiệu chiếc máy chơi game PS3 của mình, chủ tịch SCE (Sony Computer Entertainment) Mỹ đã có một phát biểu rất nổi tiếng, nó thể hiện sự kiêu ngạo của Sony một cách rõ ràng nhất: “Các thế hệ máy chơi game tiếp theo sẽ chưa được coi là ra đời cho đến khi Sony chính thức tham gia”. Đã vào muộn hơn người khác (Xbox 360) mà lại phát biểu như vậy nên việc Sony đang phải vật lộn với PS3 không gây ngạc nhiên cho nhiều người.


Kết luận:


Việc Sony liên tiếp tung ra các sản phẩm nhưng bản thân mình lại thiếu lòng tin vào nó đã làm cho khá nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với Sony. Mở rộng sản phẩm quá đà, ôm đồm nhiều lĩnh vực cùng lúc và tính kiêu ngạo đã phần nào tổn hại đến thương hiệu này trong mắt người tiêu dùng. Vậy họ phải làm gì để sửa chữa điều đó? Hẫy cùng Tinhte.vn khám phá trong bài viết tiếp theo về Sony.
194 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

MEGame
ĐẠI BÀNG
14 năm
SONY - Thất bại nhưng không bao giờ gục ngã

Cũng là một kẻ Yêu Sony đến suýt cuồng si, xin phép được bào chữa, bao biện cho Sony một chút!

Các định dạng riêng, chuẩn riêng là để Bảo vệ bản quyền:

Phải nói rằng xuất phát điểm của Sony khi làm việc này là tốt, thậm chí rất tốt. Đa số các nhà sản xuất sẽ rất hài lòng và ủng hộ việc làm này của Sony. Lí do chính là 1 vấn đề rất nổi cộm và nóng bỏng - Bảo vệ bản quyền với công nghệ Magic Gate.

Nhưng số người dùng sẵn sàng chấp nhận điều này ko nhiều, đa số chúng ta thích tự do và hào phóng được chia sẻ những gì mình có cho nhau. Nhưng nếu bạn là nhà Sản xuất hay phát hành liệu bạn có thấy vui được ko? Chỉ cần bán 1 và mọi người tự do chia sẻ thì số tiền thu về là 1, nhưng nếu đc bảo vệ thì mỗi người phải tự mua cho mình 1 và số tiền thu về sẽ lớn hơn 1.

Giả dụ chúng ta đồng ý bảo vệ bản quyền, vậy công nghệ của Sony có thật sự bảo vệ tốt ko? Câu trả lời là có, rất tốt, bất kì ai có ý định sau đó là hành động Copy lấy ví dụ 1 bản nhạc (định dạng ATRAC) đã đc bảo vệ bằng Magic Gate trên thẻ nhớ Memory Stick của Sony đều bó tay, ít nhất là đến giờ phút này chưa 1 ai làm đc.

Để công nghệ bảo vệ này hoạt động hiệu quả đồng nhất thì việc Sony phát minh ra định dạng riêng Memory Stick là tối cần thiết. Như các bạn cũng biết, có cái gì được bảo vệ mà lại đơn giản, tiện lợi. Một tòa thành cần có tường thành, cổng thành, hào, lính canh,... Một người nổi tiếng cần có các vệ sĩ, xe chống đạn,... Công nghệ thì cũng vậy, vì thế nó mang đến 1 sự rắc rối khó tránh khỏi. Ai dùng MP3 của Sony đều đã đc thi gan cùng SonicStage, mà về cơ bản thì chức năng của nó cũng như iTunes hay WMP nhưng nó là dành cho Sony, cho Magic Gate, cho định dạng Memory Stick. Nó rắc rối, hơi phiền hà, nhưng nó đảm bảo cho những gì bạn có là của bạn, chỉ thuộc về bạn mà thôi.

Nhưng người dùng thì lại rất hào phóng, thoải mái, chúng ta thích chia sẻ cho nhau mọi thứ 1 cách giản đơn mà bỏ qua đi suy nghĩ của người làm ra những gì chúng ta đang chia sẻ. Thế là chúng ta lên án Sony, lên án SonicStage thật quái gở và phức tạp.

Bạn có biết định dạng ATRAC của Sony có độ nén rất cao nhưng chất lượng lại tuyệt hơn MP3 và WMA rất nhiều và ở Bitrate 352 kbps của ATRAC cho chất lượng âm thanh tương đương với FLAC và APE nhưng dung lượng nhỏ hơn nhiều. Điều khiến nó ko phổ biến là lại 1 lần nữa - sự bảo mật.

Các phát minh về thiết bị lưu trữ nhỏ gọn, tiện dụng hay có thể nói là các cuộc cách mạng thật sự mà bài viết trước có đề cập như là đĩa CD, đĩa mềm, đĩa MD, đĩa BlueRay đều có cái tên Sony gắn liền. Bài viết trước có đề cập đến bằng từ BetaCam của Sony, và nói nó gàn dở cố tình chống lại VHS là ko đúng. Nếu là người làm trong nghề truyền hình hoặc có người nhà làm trong lĩnh vực này mới thật sự hiểu. VHS rất phổ biến với người dùng, BetaCam của Sony làm ra ko nhằm mục địch này vì thế bạn ko bao giờ tìm được 1 chiếc đầu phát bằng BetaCam bán trên thị trường tiêu dùng. BetaCam là sự thay thế của U-Matics, cả 2 đều là chuẩn lưu trữ trong lĩnh vực truyền hình, băng VHS ko có đủ sự tín nhiệm để đảm nhận trọng trách này. Nên nếu ko làm trong ngành sẽ ko thể hiểu được điều này.

Lợi nhuận từ việc bảo vệ bản quyền này ko thuộc về Sony, bạn ko phải trả 1 chi phí nào để có được sự bảo vệ tuyệt vời này. Nhưng những nhà sản xuất hay những người dùng tôn trọng sự bảo vệ bản quyền được lợi nhiều hơn chúng ta tưởng. Điều này đúng nhưng nó ko phải chân lý và sự ủng hộ cho nó ko nhiều. Sony cũng ko bảo thủ hay miễn cưỡng, giờ đây họ đã chấp nhận chia sẻ nó, nhưng vẫn đưa ra 2 sự lựa chọn cho người dùng, 1 là những ai thích được bảo vệ với chuẩn Memory Stick, 2 là những ai thích chia sẻ với chuẩn SD thông dụng.

Đa dạng hóa sản phẩm ko phải là sự Ôm đồm:

Nó ko phải là 1 nồi lẩu thập cẩm như bài viết trước đề cập, nó là 1 bữa tiệc Buffet với số lượng món ăn đa dạng và phong phú. Bất kì ai đến với bữa tiệc này đều ko cảm thấy thất vọng. Nhưng nói thế ko có nghĩa là Sony luôn đúng, có những món Sony làm ra nhưng ko thu hút đc số lượng khách hàng như dự tính.

Đa dạng hóa sản phẩm là điều cần thiết đối với 1 hãng điện tử lớn như Sony. Tác giả trước có đề cập đến Apple, nhưng nếu dùng thương hiệu này để so sánh thì sẽ phải nói rõ là so sánh nó với phân khúc Laptop và Desktop All-in-One của Sony. Về phần này tác giả trước đã đúng, Sony gây ra sự đau đầu cho người dùng và điên luôn đầu của người phân phối. Để bao biện thì có thể nói là để thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người dùng, nhưng nó ko xuôi lắm, nếu vậy Dell làm tốt hơn cả Apple và Sony.

Bài viết trước có đề cập đến Sony là thuộc thị trường cao cấp, điều này đúng, nhưng Sony cũng có cả những lựa chọn thông dụng và bình dân. Cao cấp thì ko thể nói là đơn giản hóa được, từ dùng chính xác ở đây phải là tinh tế hóa. Một sản phẩm đơn giản sẽ ko bao giờ được giới tiêu dùng cao cấp lựa chọn, vì nó đơn giản tức là ai cũng làm đc. Nếu ai đó nói Apple là đơn giản, có lẽ đã dùng nhầm tính từ để miêu tả, đó là sự tinh tế. Để làm nên được cái tinh tế đó, số tiền phải bỏ ra để đầu tư dây chuyền và công nghệ là ko hề rẻ, điều đó đẩy giá thành lên cao, nhưng nó là cao cấp thì logic là giá phải cao, phải khác biệt.

Về lĩnh vực màn hình LCD, với kinh nghiệm và nguồn lực mạnh mẽ của 1 thương hiệu lớn, Sony ko làm thất vọng người dùng với những chiếc LCD chất lượng tốt nhưng giá cả luôn làm người dùng đắn đo. Samsung đã đầu tư rất nhiều vào TV LCD với mong muốn vươn lên mạnh mẽ để trở thành 1 thương hiệu TV LCD số 1 thế giới, họ dã thành công vì sự bảo thủ của những tiền bối đến từ xứ sở mặt trời mọc. Những Samurai coi trọng danh dự hơn bất kì điều gì, Sony và Sharp luôn bảo thủ với chính sách của mình, đó là sự tự tin vào đẳng cấp, thương hiệu. Họ bỏ qua mất sự đe dọa từ anh chàng Hàn Quốc láng giềng. Để rồi sau đó mất vị trí dẫn đầu vào tay anh chàng đó lúc nào ko hay.

Về sách điện tử, Sony bắt đầu nhưng lại chậm trễ và tự biến mình giống như kẻ đi sau Amazon. Nhưng Sony đã trở lại, và những gì đã qua chưa phải là 1 chặng đường dài, mới là 1 đoạn đường ngắn, vẫn còn đó 1 con đường dài phía trước. Để đánh giá là thành công hay thất bại trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ nói về nó sau vài ba năm nữa, đợi cả Apple và các hàng khác cùng chạy thi xem sao.

Về phần Sai lầm hệ thống, có những điều tôi rất đồng tình với tác giả trước nhưng có 1 số điểm thì ko đồng tình lắm, nhưng xin phép sẽ nói thêm một thời điểm khác.

Kết luận:

Sony là 1 thương hiệu lớn và có ảnh hưởng nhất định đến những bước tiến của công nghệ trong đời sống con người hiện tại. Các sản phẩm của Sony rất đa dạng và chất lượng đc khẳng định cùng thương hiệu. Ngoài ra Sony còn có các sản phẩm dấu ấn nhưng thời điểm ra mắt lại ko thích hợp, hoặc quá sớm, hoặc quá muộn đều ko mang lại thành công đáng có. Có những sai lầm đáng tiếc thuộc về hệ thống, bởi tập đoàn Sony quá lớn và trải rộng ra phạm vi toàn cầu.

Nhưng điều mà Sony muốn làm đó là họ đã tạo ra 1 thương hiệu và luôn cố gắng duy trì đẳng cấp thương hiệu đó, dù chắc chắn sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Nhưng tin rằng tương lai Sony vẫn là 1 đế chế hùng mạnh. Cái tên Sony sẽ luôn mang lại sư tin tưởng cho người dùng.

TÔI YÊU SONY!
mình thấy bài viết rất hay,rất tâm huyết và cũng đã yêu thích sử dụng và cảm nhận mới thấy dc những khó chụi và những sai sót ấy.cảm ơn bạn rất nhiều
vukhaluf
ĐẠI BÀNG
14 năm
bài viết hay nhỉ, ôi sao sony nhiều sai lầm quá
X10 là 1 ví dụ điển hình.
Bài viết rất hay và bổ ích. TKS Tác Giả
X10 ko phải là sai lầm mà chỉ là sự chậm chạp mà thôi. giá như nó ra trứoc 3 tháng thì đã khác 😁
Bài viết rất hay, thanks tay to đã cho mình cái nhìn tổng thể về sự sụp đổ của thương hiệu mà mình 1 thời thần tượng 😔
bài viết hay quá, em cũng yêu sony lắm nhưng đúng là có nhiều điểm không hợp lý trong các sản phẩm và chính sách bán hàng, bảo hành của sony
lâu rồi trên TT mới có 1 bài viết hay và đáng đọc 😁 ... mong chờ phần 2 của bác
Em đang học Marketing.Bài viết của bác rất đáng để tham khảo.Bài viết rất chi tiết và toàn diện.THank bác vì rất tâm huyết
yêu sony từ lâu rồi, đọc bài càng ngày càng thấy thất vọng về cách làm việc Sony, hy vọng sony sẽ thay đổi trong tuơng lai. Vote cho Sony nào
Càng đọc càng thấy tiếc cho sony.Em cũng rất thích các sản phẩm của sony nhưng hiện tại vẫn chưa dùng cái nào của sony cả😔
Cảm ơn tác giả, nhưng Phần 1 là sai lầm nối tiếp sai lầm, phần 2 là thành công nối tiếp thành công, các bác viết văn hay quá ? Nên để ngược lại là thành công đến sai lầm, tổng quát đến cụ thể, .... vậy dễ hiểu hơn,
kendy_nd
ĐẠI BÀNG
14 năm
Quan điểm của mình thì vẫn yêu thích dòng Sony ở tất cả các sản phẩm, nhưng mình cũng đang thắc mắc tại sao những năm gần đây các sản phẩm của Sony lại vắng bóng như vậy!
Đã từng nghe về công nghệ LED LCD của Sony, nhưng hôm nay thì rõ hơn như ban ngày. Thanks tác giả.
Cứ nghe đến LED LCD TV là thù thằng Samsung, phải chăng Sony ko cầu kì, ko phô trương.
Nhìn vào mí công nghệ như Bluray, LCD LED backlit & edgelit... Sony thật là vô đối. E vẫn yêu Sony
Bài viết hay và phản ánh đúng phần nào Sony hiện thời. Một thương hiệu mà em từng tôn thờ, đã có lúc muốn tất cả đồ dùng mình xài đều là Sony cho nó hoành tráng ( đẹp nữa). Nhưng theo thời gian, mọi thứ thay đổi, Sony trở nên xa lạ, mọi thứ phụ kiện đều quá rắc rối (Thẻ nhớ, dây phone điện thoại....) Chất lượng cao nhưng giá thành cũng cao ( LCD, walkman, phone....) Và đặc biệt là ...chảnh
Ghét nhất trên đời cái câu " I am pro" . nghe xa lạ như một chú trống choai....
Pro chỗ nào khi liên tiếp bị các đối thủ vượt mặt ?
pro chỗ nào khi bỏ rơi chính người tiêu dùng của mình ?
pro chỗ nào khi chẳng bao giờ biết nhìn lại mình xem mình đã hoàn thiện chưa ?
Nói cho nhiều thì cũng chỉ mong cho Sony trở lại với phong độ cao nhất, cho ra đời các sản phẩm xưng đáng với tên tuổi mình hơn. buồn 2 phút...
asimor
ĐẠI BÀNG
14 năm
Bạn em nó bảo, dân Nhật thường không thích Sony. Riêng em, Sony là No.1 trong tất cả các thiết bị.
Bác sonlazio không những am hiểu về công nghệ mà còn am hiểu về kinh doanh nữa. Thật bái phục bác, bài viết rất hay ...
em thì ko ưa sony lắm, đọc bài viết phân tích của bác giống như một bài viết kinh tế đậm chất, hay thật, hi vọng sony có thể đọc được những bài viết như thế này
dkchoi
TÍCH CỰC
14 năm
Ngoài MemoryStick, còn phải kể đến M2. Những ai dùng máy chụp hình KTS của SONY, đã 1 lần mua pin cho thiết bị này hẳn đều biết giá của nó khá cao, rất cao. Công nghệ của Sony dự báo được công nghệ trong tương lai, nhưng họ ko phát triển thêm nó, không chú tâm hơn, tập trung hơn như Apple.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019