Từ UAV đến USV
Viễn cảnh về những con tàu robot có thể biến biển cả thành chiến trường đã tiến một bước gần hơn đến thực tế. Hải quân Hoa Kỳ gần đây đã tiết lộ rằng lực lượng đặc nhiệm của họ, chuyên phát triển công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo (AI), đã phóng thành công một số tên lửa nhỏ vào các thuyền bỏ trống ở Trung Đông trong một cuộc thử nghiệm, mỗi lần đều bắn trúng các mục tiêu. Điều này cho thấy một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Hải quân nhằm tạo ra các tàu trên mặt nước không người lái (unscrewed surface vessel, hay USV), được dự kiến cho triển khai trong các tình huống chiến đấu nhỏ lẻ.Các cuộc thử nghiệm này, mang tên Exercise Digital Talon, diễn ra trên vùng biển quốc tế mở của Bán đảo Ả Rập vào ngày 23 tháng 10. Hải quân Mỹ sử dụng một chiếc tàu giống như ca-nô cao tốc nhỏ có trang bị hệ thống vũ khí tên là MARTAC T38 Devil Ray USV. Con tàu phải nhận mệnh lệnh từ một người điều khiển ở trên bờ.

Tàu mặt nước không người lái MARTAC T-38 Devil Ray vào ngày 26/10 ở Vịnh Ba Tư, trong cuộc diễn tập Digital Talon. Ảnh: Popsci.
Lực lượng Đặc nhiệm 59, một đơn vị của Hải quân Mỹ chuyên phát triển các năng lực cho USV và tích hợp chúng vào các tàu có người lái, đã tiến hành các cuộc thử nghiệm Digital Talon. Những cuộc thử nghiệm này được thực hiện với sự cộng tác của Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SOFCC).
“Trong cuộc diễn tập Digital Talon, chúng tôi đã thực hiện một bước tiến đáng kể và nâng cao khả năng của mình lên 'cấp độ tiếp theo' vượt qua nhận thức thông thường về lĩnh vực hàng hải, vốn là trọng tâm truyền thống của Lực lượng Đặc nhiệm 59,” Phó Đô đốc Brad Cooper, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ (hoặc gọi tắt là NAVCENT), cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi đã chứng minh được rằng những nền tảng không người lái này có thể nâng cao khả năng sát thương của hạm đội.”
Tàu không người lái MARTAC phóng 5 tên lửa thật vào mục tiêu nổi trên biển trong cuộc diễn tập Digital Talon. Nguồn: Youtube.
Con tàu sử dụng trong cuộc thử nghiệm được trang bị một thiết bị phóng tên lửa nhỏ gọn được gọi là Hệ thống Tên lửa Trên không Thu nhỏ Lethal (Lethal MAMS, Lethal là có thể gây sát thương). Chiếc USV này đã bắn ra một loại đạn tuần kích có tên Switchblade 300, theo tuyên bố của nhà sản xuất AeroVironment. Đạn tuần kích về cơ bản hoạt động giống như một máy bay không người lái được trang bị camera, đem lại khả năng giám sát, và hình dạng của nó cũng rất gần với một máy bay không người lái. Tuy nhiên, sau đó người điều khiển cũng có tùy chọn dùng chúng để tấn công vào mục tiêu y như một tên lửa, vì vậy về bản chất nó vẫn là đạn dược (munition) thay vì là thiết bị bay. Switchblade được lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Do nó có chức năng kép là giám sát và tấn công, những vũ khí này cũng được cung cấp cho Ukraine như một phần trong sáng kiến của Mỹ nhằm trang bị cho Kiev một loạt máy bay không người lái và hệ thống tên lửa mạnh. Người ta lưu ý thấy con thuyền dường như còn được gắn cả mô-đun ăng-ten vệ tinh của Starlink.

Đạn tuần kích do AeroVironment chế tạo, là loại thiết bị bay lai giữa máy bay không người lái và tên lửa, các cánh của nó có thể gập gọn lại khi nằm trong ống phóng. Ảnh: Axios.

Các tùy chọn về vũ khí được nhà sản xuất Martac Systems công bố đối với USV MARTAC. Ảnh: SLD Info.
Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên Hải quân Mỹ phóng thành công vũ khí từ tàu không người lái như thế này. Năm 2021, họ đã phóng thành công tên lửa SM-6 từ tàu USV Ranger, về cơ bản đó là một tàu tiếp tế được trang bị thêm công nghệ tự động tiên tiến, cho phép Hải quân Mỹ thử nghiệm cách mà các hệ thống tự động và nền tảng vũ khí hoạt động khi được tích hợp vào một con tàu đã có sẵn.

Hệ thống Tên lửa Trên không Thu nhỏ Lethal (LMAMS) được trang bị trên tàu không người lái MARTAC T-38 Devil Ray. Trong ảnh chúng ta thấy tên lửa Switchblade 300 đang lao ra khỏi ống phóng. Ảnh: Navy.
Cột mốc quan trọng ở Trung Đông
Cuộc thử nghiệm Digital Talon đánh dấu cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên của Hải quân với tàu USV ở Trung Đông, khu vực quan trọng mà quân đội Hoa Kỳ đang triển khai dần các tàu mặt nước không người lái trong những năm gần đây. Bản thân cuộc diễn tập Digital không chỉ là thử nghiệm các hệ thống vũ khí, nó còn nhằm mục đích đánh giá năng lực của Hải quân Mỹ trong việc “phối hợp giữa các nền tảng có người lái và không người lái”. Mặc dù đúng là đạn tuần kích Switchblade có sức hủy diệt nhưng chúng kém mạnh mẽ hơn đáng kể so với năng lực vũ khí rộng lớn hơn từ các tàu có người lái của Hải quân. Tuy vậy cuộc diễn tập Digital Talon vẫn đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong tham vọng của Hải quân Mỹ là mở rộng đội ‘tàu ma’ USV của họ trong những thập kỷ tới.Quảng cáo
Thực sự thì Hải quân Mỹ đã có những kế hoạch nhằm tăng cường đáng kể việc triển khai USV trong hai thập kỷ tới. Bản Kế hoạch Điều hướng Tác chiến Hải quân năm 2022, do Đô đốc tác chiến hải quân lúc bấy giờ là Mike Gilday công bố hồi tháng 7 năm 2022, đặt ra mục tiêu về cơ bản là tăng gấp đôi quy mô của hạm đội chiến đấu hiện có vào năm 2045. Kế hoạch bao gồm việc bổ sung 350 tàu có người lái mới vào năm 2045, cũng như đưa vào sử dụng 150 tàu hoàn toàn không người lái.

Tàu không người lái cỡ lớn USV Nomad trên Thái Bình Dương trong cuộc diễn tập Rim of the Pacific năm 2022. Ảnh: Wikipedia.
Tính đến tháng 11/2023 thì Hải quân Mỹ đã liên tục thử nghiệm nhiều mẫu USV khác nhau trên thực địa. Việc này bao gồm các tàu USV Saildrone Explorer nhỏ hơn mà Hải quân dùng để giám sát các hoạt động hàng hải của Iran ở eo biển Hormuz, cũng như sự tham gia của hai USV, bao gồm cả USV Ranger, trong một cuộc tập trận đa quốc gia năm 2022 được gọi là Rim of the Pacific (Vòng vây Thái Bình Dương). Mặc dù về mặt kỹ thuật, những chiếc USV này không có người lái nhưng chúng cũng có thể chứa binh lính Hải quân trên tàu để giám sát và điều khiển bằng tay nếu cần thiết. Đó là lý do vì sao chúng cũng có chỗ ngồi, điểm này khác biệt so với máy bay không người lái.

Eo biển Hormuz là lối vào Vịnh Ba Tư từ Vịnh Oman và xa hơn là biển A Rập. Ảnh: Time.

Một tàu USV Saildrone Explorer trên Vịnh Ba Tư ngoài khơi bờ biển Bahrain. Ảnh: Navy.
Các tàu không người lái trên mặt nước và lặn dưới nước đã được chứng minh là vũ khí gây sát thương và có hiệu quả. Ở Trung Đông, phiến quân Houthi đã triển khai USV chống lại các lực lượng Ả Rập Saudi, bất chấp thực tế là năng lực và trang thiết bị của quân đội Saudi vượt trội đáng kể so với phiến quân Yemen. Trong cuộc xung đột ở Ukraine, các lực lượng Ukraine đã kết hợp các tàu này vào những cuộc tấn công phối hợp bằng thiết bị không người lái trên không lẫn trên biển nhằm vào các tàu quân sự của Nga.
Cuộc diễn tập Digital Talon tiến hành trùng với thời điểm quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông trong những tháng gần đây. Sự leo thang này đã bắt đầu vào mùa xuân và mùa hè, do các sự cố ở eo biển Hormuz gây ra. Để đáp lại, quân đội Hoa Kỳ đã triển khai các tàu chiến, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến và nhiều loại máy bay bổ sung tới khu vực.
Quảng cáo

“Mục tiêu” của USV MARTAC trong cuộc diễn tập Digital Talon đang được đưa xuống mặt nước. Ảnh: SLD Info.

Ảnh chụp từ video cho thấy “tên lửa” lai Switchblade 300 phóng từ Lethal MAMS đặt trên USV MARTAC tiêu diệt mục tiêu huấn luyện ở Vịnh Ba Tư. Cuộc tập trận Digital Talon, thể hiện khả năng của các nền tảng không người lái nền tảng để kết hợp với các tàu có thủy thủ đoàn truyền thống, trong đội hình phối hợp có người lái-không người lái nhằm xác định và nhắm mục tiêu vào các mục tiêu của đối phương trên biển. Sau đó, sử dụng đạn dược phóng từ một nền tãng không người lái khác, chạm trán và tiêu diệt các mục tiêu đó. Ảnh: SLD Info.
Tầm nhìn tương lai
Hồi tháng 10/2023, sau cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10 và cuộc xung đột liền sau đó của nước này với Hamas, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực bằng cách triển khai thêm binh sĩ và máy bay, cũng như bố trí hai nhóm tàu sân bay tấn công (CSG). Trong đó một CSG bao gồm khoảng 7,500 binh sĩ, thường là một tàu sân bay, ít nhất một tàu tuần dương, một hạm đội khu trục gồm ít nhất hai tàu khu trục hoặc tàu khu trục nhỏ, và một phi đội gồm 65 đến 70 máy bay. Phó Đô đốc Cooper, trong tuyên bố của Hải quân về các cuộc diễn tập Digital Talon, nhấn mạnh rằng cuộc tập trận thành công đang hỗ trợ Hải quân "củng cố an ninh hàng hải khu vực và tăng cường khả năng răn đe chống lại hoạt động kém thiện chí".Tầm nhìn của Hải quân Mỹ đến năm 2045 là hình dung ra một hạm đội bao gồm một vài tàu lớn không người lái hoặc có ít thủy thủ đoàn, chẳng hạn như các USV cỡ lớn. Tuy nhiên các USV nhỏ hơn, giống như chiếc USV được sử dụng cho Digital Talon, đóng một vai trò quan trọng ở những khía cạnh khác. Các tàu nhỏ gọn này, được trang bị đạn tuần kích, về cơ bản có thể hoạt động như một lực lượng phòng thủ cho các tàu lớn hơn, giúp đánh chặn các thuyền nhỏ và USV được trang bị chất nổ để tấn công các tàu lớn đó. Một cuộc tập trận từ năm 2002 đã chứng minh tính hiệu quả đáng ngạc nhiên của chiến thuật công nghệ thấp khi chỉ đơn giản là triển khai một lượng lớn tàu nhỏ hướng tới các tàu lớn hơn. Trong cuộc tập trận đó, Trung tướng Paul Van Riper của Thủy quân lục chiến Mỹ, người chỉ huy "đội đỏ" - bên đóng vai kẻ địch của cuộc tập trận, đã có thể nhanh chóng loại bỏ các tàu thuộc "đội xanh" có công nghệ tiên tiến hơn và vượt trội hơn chỉ bằng một cuộc tấn công như vậy.
Cuộc diễn tập Digital Talon hiện chỉ dừng ở phạm vi thử nghiệm. Việc hiện thực hóa đề xuất đội tàu của Gilday cho năm 2045 vẫn chưa chắc chắn, vì nhiều chiếc tàu được đề xuất phải cần đến kinh phí và xây dựng. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm vào tháng 10 đã minh chứng cho năng lực thực sự về vũ khí mà các USV của Hải quân Mỹ hiện đang sở hữu, với khả năng mở rộng sang các tàu khác trong hạm đội hiện có.
Theo [1], [2].