Satya Nadella của Microsoft đã trở thành "con bạc" đánh cược tất tay vào AI như thế nào?

P.W
16/7/2024 8:28Phản hồi: 59
Satya Nadella của Microsoft đã trở thành "con bạc" đánh cược tất tay vào AI như thế nào?
Đầu năm 2024, Satya Nadella chốt một thương vụ khiến tất cả những người bên ngoài Microsoft phải bất ngờ.

Ông nhắm tới một startup nghiên cứu trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Silicon Valley, tên là Inflection AI. CEO của startup này, Mustafa Suleyman chính là một trong những nhà sáng lập startup DeepMind lừng lẫy ở London, giờ thuộc Google. Với Inflection AI, ông Suleyman đã gọi được hơn 1.5 tỷ USD tiền vốn, đã mời được những nhà nghiên cứu đầu ngành về làm việc, nhưng danh tiếng của một nhà quản lý thì không phải thứ giúp Suleyman được biết đến. Inflection AI dường như không làm cách nào kiếm được ra tiền.

Thế nhưng Microsoft vẫn đổ hơn 650 triệu USD để mua sở hữu trí tuệ công nghệ AI của Inflection tạo ra, thuê gần hết nhân sự startup, đưa ông Suleyman về vị trí phó chủ tịch phụ trách mảng AI của cả Microsoft, mảng đang có doanh thu hơn 12 tỷ USD của tập đoàn. Gọi nước cờ này là liều lĩnh, có lẽ không sai.

Inflection-AI.jpg

Những canh bạc liều lĩnh với AI giờ đã trở thành thương hiệu với ngài CEO của tập đoàn Microsoft. Trong vòng 5 năm qua, ông đã có những phi vụ đầu tư như đổ 13 tỷ USD cho OpenAI, dù hiện giờ startup này vẫn chưa kiếm ra được nhiều tiền. Ông nói với tất cả những người dưới quyền tìm cách ứng dụng AI vào tất cả những sản phẩm của Microsoft, bất chấp việc công nghệ AI tạo sinh dựa trên mô hình ngôn ngữ không phải lúc nào cũng vận hành ưng ý.


Ông Nadella đương nhiên có cái lý của mình. Có lẽ sẽ còn mất vài năm nữa, CEO Microsoft mới biết rõ liệu những canh bạc của ông có thành công hay không. Dù vậy, ông vẫn coi cơn sốt AI là một khoảnh khắc mà tập đoàn ông điều hành phải chơi tất tay, tương tự như vậy với toàn bộ ngành công nghệ toàn cầu. Mục tiêu của ông là đảm bảo Microsoft thống trị công nghệ mới, sau khi họ đã thất bại trong việc cưỡi cơn sóng bong bóng dot com hơn hai thập kỷ trước, rồi ê chề khi không bắt được xu hướng smartphone sau này.

windows-phone-1-1621950187662363618508.webp

Những nhà đầu tư vào cổ phiếu Microsoft tính đến thời điểm hiện tại về cơ bản là thích canh bạc này. Hàng chục tỷ USD mà ông Nadella đã đổ cho việc nghiên cứu hay chính bản thân những startup nghiên cứu AI đã đẩy giá trị vốn hoá của Microsoft tăng 70% trong vòng 2 năm vừa qua, đạt ngưỡng 3.3 nghìn tỷ USD, biến Microsoft trở thành một trong ba tập đoàn (bên cạnh Apple và Nvidia) chạy đua cạnh tranh với nhau để trở thành tập đoàn giá trị cao nhất hành tinh.

Cái ý tưởng coi Satya Nadella là một “con bạc” sẵn sàng chấp nhận thử thách với tầm nhìn lớn về AI có lẽ hơi lệch lạc so với hình ảnh vốn có của ông, một vị giám đốc công nghệ không đao to búa lớn, không phải một “showman” thích làm trung tâm của sự chú ý như Elon Musk. Vị kỹ sư năm nay đã 56 tuổi, gia nhập Microsoft từ năm 1992, leo từng nấc thang sự nghiệp, rồi 10 năm trước thay thế Steve Ballmer để trở thành CEO của tập đoàn này. Ông được coi là người đã nhóm lên ngọn lửa tham vọng một lần nữa ở Microsoft, sau rất nhiều năm công ty cứ vật vờ dưới triều đại của Ballmer.

ballmer-nadella.webp

Dù đang làm CEO cả một tập đoàn nghìn tỷ Đô, Nadella vẫn nói chuyện trước công chúng như một kỹ sư đầy đam mê kỹ thuật. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The New York Times, khi kể về việc đầu tư cho OpenAI, Nadella thực sự đầy năng lượng. Ông nói lý do chọn ứng dụng công nghệ của OpenAI vào công cụ tìm kiếm trực tuyến Bing trước vì OpenAI cần nhu cầu điện toán phức tạp, và rồi AI sẽ gói gọn Bing vào những phần mềm khác.

Ông Nadella cũng đã thành công trong việc giải quyết nhiều lỗi sai mà Ballmer đã tạo ra trong quá khứ, bao gồm cả khoản đầu tư thảm hoạ trị giá 8 tỷ USD, khi Microsoft mua lại Nokia hồi năm 2014. Ông đưa phần mềm của Microsoft vào iPhone và iPad của Apple, thứ mà Ballmer chẳng bao giờ muốn làm. Nadella cũng chấp nhận ý tưởng của những phần mềm mã nguồn mở miễn phí cho mọi người, thứ mà đầu óc kinh doanh của Ballmer coi như một thứ ung nhọt. Và quan trọng nhất, Nadella đã biến mảng điện toán đám mây của Microsoft trở thành một thế lực đúng nghĩa đen.

Nhưng CEO Microsoft vẫn đang “tìm kiếm cơ hội đặt cược lớn, và đang khám phá mọi thứ khác nhau,” theo lời cựu bộ trưởng thương mại Mỹ Penny Pritzker, người đang ngồi ở hội đồng quản trị của Microsoft.

Quảng cáo



Dưới triều đại của Nadella, Microsoft bỏ gần 70 tỷ USD mua lại hãng game khổng lồ Activision Blizzard, bất chấp những phản đối và kiện tụng từ cơ quan quản lý.

chatgpt-app.webp

Và rồi AI xuất hiện. Đó chính là thứ ông Nadella tin tưởng là thứ thay đổi cuộc chơi mà ông đang tìm kiếm.

Đầu tháng 12/2023, Nadella gặp gỡ Suleyman hàng giờ đồng hồ trong văn phòng của ông ở đại bản doanh Microsoft, Redmond, Washington. Ông cũng đã kiểm tra lý lịch của ông Suleyman với Reid Hoffman, một thành viên hội đồng quản trị Microsoft, một nhà đầu tư mạo hiểm đã đồng sáng lập Inflection AI cùng Suleyman. Đến tháng 2, Nadella ăn tối với Suleyman ở campus của Microsoft.

Chưa đầy 1 tháng sau, ông Nadella hoàn tất thoả thuận đầu tư. Ông bay tới trụ sở của Inflection AI, đợi bên ngoài phòng hội thảo ở khách sạn Hyatt, bên trong đó, ông Suleyman đang nói với các nhân viên dưới quyền rằng Microsoft đã mua lại họ. Rồi sau khi được giới thiệu là “một vị khách đặc biệt”, đích thân CEO Microsoft vào gặp các nhân viên Inflection.

Những người khác kinh ngạc, còn có một người liều lĩnh giơ tay hỏi, liệu tham vọng của Inflection có bị sự quan liêu của bộ máy khổng lồ mang tên Microsoft dìm chết hay không. Ông Nadella đưa ra câu hỏi ngược lại: “Bạn có đủ dũng cảm để kích thích sự thèm khát, tham vọng của các bạn cho một người trong số chúng tôi hay không? Nói vậy giống kiểu, vì sao tôi lại ở Microsoft tận 32 năm nay? Lý do là tôi có sự khao khát muốn biến công ty này hợp thời.”

Quảng cáo



Tâm hồn của một người kỹ sư


Satya Nadella sinh ra và lớn lên ở Hyderabad, Ấn Độ. Mẹ của ông là một học giả tiếng Phạn, còn cha của ông là một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Mác, một thành viên của chính quyền Ấn Độ. Ông theo học trường Hyderabad Public School, một ngôi trường có tuổi đời cả trăm năm, theo mô hình của ngôi trường Eton danh giá, nơi hoàng thất Anh Quốc theo học. Đương nhiên Nadella nhanh chóng mê bộ môn cricket, và giờ ông đang đồng sở hữu đội Seattle Orcas bên Mỹ.

Shantanu Narayan, CEO Adobe, người từng học cùng khoá với Nadella: “Đám trẻ chúng tôi thời ấy được kỳ vọng là sẽ được giáo dục toàn diện.”

Rồi Nadella tới Mỹ học đại học, đầu tiên là bằng cử nhân khoa học máy tính ở đại học Wisconsin-Milwaukee, rồi bằng MBA ở trường kinh doanh Booth, thuộc đại học Chicago. Năm 1992, ông rời khỏi Sun Microsystems để qua Microsoft làm việc.

00Nadella-03-tjpv-superJumbo.webp

Sau đó ông cưới nữ kiến trúc sư Anu Priyadarshini, người mà ông quen từ thuở nhỏ. Khi ông biết việc đăng ký lấy thẻ xanh cư trú ở Mỹ của bà Anu có thể mất 5 năm, ông từ bỏ chiếc thẻ xanh của chính bản thân mình, thứ ai cũng mơ ước, thay vào đó là đăng ký visa diện lao động tay nghề cao. Nước đi này cực kỳ liều lĩnh vì visa có thời hạn, nhưng đổi lại, ông đưa được bà Anu sang Mỹ cùng mình. Trong cuốn tự truyện của mình, ông viết rằng nước đi này ngay lập tức khiến ông nổi tiếng khắp cả campus Microsoft: “Nhìn kìa, thằng cha vứt thẻ xanh đi kìa.”

Rồi ông Satya và bà Anu cũng có quốc tịch Mỹ, có một cậu con trai, đáng tiếc là sinh ra với căn bệnh bại não, và sau đó là hai cô con gái. Con trai cả của ông bà mất năm 2022. Nadella không nói nhiều về cậu con trai trước công chúng. Nhưng có một lần trên podcast Freakonomics hồi tháng 6/2023, ông nói rằng, “con trai chúng tôi là nguồn động lực liên tục khiến chúng tôi cảm thấy mục đích phấn đấu.”

00Nadella-01-tjpv-superJumbo.webp

Trước khi trở thành CEO, vị kỹ sư Satya Nadella không bỏ nhiều thời gian làm việc với những sản phẩm nổi tiếng nhất của Microsoft, như Windows và Office. Ông làm việc cho những dự án “chiếu dưới”, như công cụ tìm kiếm Bing, và dẫn dắt những bước đầu tiên để triển khai mảng điện toán đám mây cho tập đoàn. Đến đầu năm 2014, khi tiếp quản chiếc ghế CEO Microsoft, ông nhanh chóng lột xác tập đoàn 40 năm tuổi. Ông buộc Microsoft phải chấp nhận và vận hành máy chủ đám mây cũng như phần mềm mã nguồn mở, những thứ khách hàng có thể ứng dụng một cách linh động.

Microsoft trong rất nhiều năm trước đó kiên quyết không đi theo định hướng kinh doanh này. Còn kể từ khi đảm nhiệm chức CEO, ông Nadella đã liên tục giới thiệu những công nghệ phần mềm mã nguồn mở mới, từ đó kích thích tốc độ phát triển mảng điện toán đám mây Azure. Từ 2015 đến 2018, thị phần điện toán đám mây của Microsoft tăng gấp đôi, đưa họ lên vị trí thứ hai, chỉ đứng sau Amazon Web Services.

00Nadella-gbkz-superJumbo.webp

Năm 2018, ông Nadella chỉ mất đúng 20 phút để chốt đơn mua lại nền tảng phân phối phần mềm mã nguồn mở quan trọng nhất hành tinh, GitHub. Các giám đốc cấp cao của Microsoft đã bỏ ra hàng năm trời bàn thảo xem có nên mua lại GitHub hay không. Còn Nat Friedman, một vị giám đốc làm việc dưới quyền Nadella khoảng 5 năm, đề đạt ý tưởng này trong một buổi team building ở resort Suncadia.

Ông Nadella đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có quyền làm chuyện đó không?” Dịch ra cho dễ hiểu, ý Nadella là, nếu Microsoft vận hành GitHub, liệu mọi người có còn tiếp tục sử dụng nó hay không. Các giám đốc cấp cao của Microsoft bàn luận trong vòng 20 phút. Kết cục, ông Nadella đập bàn: “Nên làm đấy.”

Chỉ vài tuần sau, Microsoft mua lại GitHub với giá 7.5 tỷ USD.

Sự ra đời của BERT


Cuối năm 2018, Nadella được một phen bất ngờ thực sự khi Google ra mắt BERT, phiên bản thuật toán sơ khai của công nghệ AI tạo sinh, thứ sau này chính là nền tảng của ChatGPT hay vô vàn những tính năng AI tạo sinh khác đang vận hành trên toàn thế giới.

Thứ khiến Nadella cảm thấy đau đớn, là nhiều nhà nghiên cứu góp công sức phát triển BERT chính là những người từng làm việc ở Microsoft. Ông nhận ra hệ thống máy chủ của Microsoft không đủ mạnh để xây dựng thứ trí tuệ nhân tạo cao cấp như vậy. Kevin Scott, giám đốc công nghệ của Microsoft từng viết mail cho Nadella và Bill Gates, nói rằng chỉ đơn giản tạo ra thứ giống hệt BERT sẽ tốn của tập đoàn 6 tháng “vì cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn chưa đủ.”

Sam-Altman-OpenAI-Microsoft-Board-Business-1778707567.webp

Để giúp cơ sở hạ tầng máy chủ đám mây của Microsoft trở nên có chiều sâu hơn, ông Nadella cân nhắc việc đầu tư cho OpenAI, một startup mới nổi với những cách tiếp cận quá trình nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo mới. Xây dựng thứ OpenAI cần chính là cách để Microsoft tự biến họ trở nên hợp thời hơn.

Nhưng OpenAI là một canh bạc đúng nghĩa. Họ khởi đầu dưới hình thái một tổ chức phi lợi nhuận, và đến tận thời điểm này vẫn còn đang được quản lý bởi một ban lãnh đạo với mục tiêu phi lợi nhuận, không cần phải trả lời bất kỳ nhà đầu tư nào hết. Rồi trước đó họ cũng từng cắt đứt quan hệ với Elon Musk, người từng là nhà đầu tư lớn nhất cho startup.

Giám đốc phát triển kinh doanh Microsoft, Jonathan Tinter nói: “Bạn có thể tưởng tượng những tranh luận giữa chúng tôi trong nội bộ tập đoàn về một canh bạc như vậy, chấp nhận phụ thuộc vào một startup như thế.” Nhưng ông Nadella tin tưởng rằng CEO OpenAI, Sam Altman và nhân sự của anh đang làm những thứ khác biệt một cách căn bản, quan trọng nhất là tốt hơn, những gì Microsoft đang làm.

Ông Nadella nhớ lại: “Thứ tôi thích nhất ở Sam, là ngày nào anh ta cũng gọi tôi và nói, tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia, tôi muốn thêm những thứ đó. Tôi yêu mến những kẻ không bao giờ có cảm giác thoả mãn và đủ đầy.”

llnl-sierra-supercomputer-randy-wong.webp

Đến tháng 3/2019, thoả thuận đầu tư cho OpenAI khi ấy đang được hoàn thiện. Ở một buổi team building khác, Nadella trình diễn một slide ngắn gọn đơn giản: “Chúng ta sẽ xây dựng một siêu máy tính AI.” Ông nói hệ thống này sẽ rất đắt, có thể lên tới hàng tỷ USD. Khi ông Friedman hỏi các đồng nghiệp ngồi cạnh mô tả cho ông xem cái siêu máy tính ấy nó như thế nào, câu trả lời là “tôi cũng chẳng biết rõ nữa.”

Vài tháng sau, Microsoft công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI. Microsoft có thương quyền những công nghệ và sản phẩm của OpenAI tạo ra, và OpenAI sẽ phải trở thành khách hàng mảng điện toán đám mây của Microsoft, nhưng Microsoft không được ghế thành viên hội đồng quản trị. Khi ấy nhìn vào thoả thuận, trông nó khá kỳ quái, và rất ít người nghĩ rằng thoả thuận hợp tác sẽ thành công.

OpenAI trầy trật


Năm 2021, OpenAI gặp khó. Một nhóm các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở đây, những người đã góp công phát triển nền tảng cho ChatGPT sau này đã rời bỏ startup vì những lo ngại rằng OpenAI đang qúa tập trung vào tham vọng thương mại thay vì an toàn công nghệ. Họ rời đi, OpenAI mất đúng 1 năm thành quả sáng tạo.

Còn trong nội bộ Microsoft, vẫn có rất ít người thực sự hiểu canh bạc của ông Nadella vào công ty nhỏ ở San Francisco này. Xuedong Huang, một nhà nghiên cứu AI lâu năm ở Microsoft, giờ đang là giám đốc công nghệ ở Zoom nhớ lại: “Chúng tôi không coi OpenAI là thứ nghiêm túc, nó giống một trò đùa hơn.”

00Nadella-altman-hjlc-superJumbo.webp

Giữa lúc OpenAI trầy trật làm việc để phát triển mô hình AI, ông Nadella mày mò sang một ngạch khác, thứ ai cũng tưởng là tương lai của công nghệ, ấy là thế giới thực tế tăng cường metaverse. Giờ ai trong chúng ta cũng biết kết cục của metaverse rồi. Sản phẩm dựa trên công nghệ này của Microsoft vừa đắt, vừa không ai quan tâm. Rồi sau đó, ông Nadella muốn đầu tư tiếp 2 tỷ USD cho OpenAI, cố gắng lôi kéo mọi người trong Microsoft, để tìm cách tích hợp AI vào những sản phẩm họ làm ra.

Kết quả là GitHub Copilot, ứng dụng công nghệ mô hình ngôn ngữ của OpenAI để tự động hoá quá trình lập trình cho các dev. Sản phẩm thành công vang dội, chỉ mất 1 năm để thu hút hơn 1 triệu lập trình viên sử dụng. Chính sản phẩm này đã giúp củng cố tham vọng ứng dụng AI của ông Nadella.

Chơi tất tay


Tháng 8/2022, ông Nadella được chiêm ngưỡng mô hình GPT-4, hệ thống đột phá mà OpenAI tạo ra, có thể tạo sinh những văn bản giống hệt như con người viết. Sự háo hức của ông nhanh chóng biến thành tâm lý chơi tất tay. Ông muốn đem công nghệ AI này vào mọi thứ Microsoft phát triển và vận hành, bắt đầu với công cụ tìm kiếm trực tuyến, Bing.

Trong nội bộ công ty, chắc chắn có người bày tỏ quan điểm nghi ngờ. Microsoft có cả một lịch sử dài với những sản phẩm tiêu dùng thất bại, từ chiếc máy nghe nhạc Zune cho tới chiếc điện thoại Windows Phone. Bing là thứ người ta dùng để tìm kiếm thông tin chính xác, còn công nghệ mô hình ngôn ngữ thường tạo ra lỗi sai, hay thậm chí bịa ra thông tin không có thật. Kết hợp như vậy, theo cách suy nghĩ khi ấy, có phần kỳ quặc.

MSFT-Inspire-Blog-Hero-1080x1920-071323.png

Nhưng ông Nadella nhìn vấn đề theo góc độ khác: Microsoft có thể không giành được thêm thị phần tìm kiếm trực tuyến (bây giờ vẫn vậy), nhưng ít nhất họ sẽ có thể ép Google phải đầu tư mạnh tay để giữ vững vị thế. Ông cũng cho rằng với AI, mọi sự cạnh tranh và mọi canh bạc trước kia đều có thể đem ra làm lại được hết.

Tháng 11/2022, chatbot ChatGPT được OpenAI ra mắt. Sức hút khủng khiếp của nó khiến Nadella yêu cầu những người dưới quyền của ông phải nghĩ lớn hơn. Scott Guthrie, một giám đốc cấp cao nhớ lại, quãng cuối năm 2022, tuần nào nhóm của ông cũng phải tăng con số ước lượng những chip GPU cực mạnh và cực đắt của Nvidia tạo ra, để đủ trang bị cho data center của Microsoft.

Tháng 12/2022, Guthrie nhớ lại: “Cơ bản lúc ấy tôi nói với nhân viên, ‘tôi muốn các bạn quay lại đây với một kế hoạch quy mô lớn gấp 10 lần.’ Rồi họ đều kinh ngạc, vì kế hoạch họ viết ra về cơ bản cũng đã quá lớn so với tầm trí tưởng tượng của họ rồi.”

Một sự cố khác ở OpenAI


Cuối năm 2023, suýt chút nữa canh bạc của ông Nadella ở OpenAI biến thành con số 0 tròn trĩnh. Ông từng có kế hoạch nghỉ cuối tuần trước lễ Tạ Ơn, đi xem tuyển Ấn Độ đấu giải vô địch Cricket thế giới. Nhưng một ngày thứ 6, khoảng gần trưa, ông bị kéo ra khỏi một cuộc họp để nghe một cuộc điện thoại. Người ở đầu dây bên kia báo tin, ban lãnh đạo OpenAI đã đuổi Sam Altman khỏi ghế CEO vì họ nói không thể tin tưởng anh ta.

Microsoft trước giờ luôn ngán việc can thiệp vào quá trình vận hành và cách ban lãnh đạo OpenAI đưa ra quyết định, vì đúng thời điểm họ làm như vậy, họ sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhà quản lý Mỹ cùng nhiều quốc gia khác với lo ngại độc quyền, cho rằng Microsoft đang ỷ vị thế đầu tư 13 tỷ USD để can thiệp vào cách vận hành của OpenAI.

Nhưng trong mấy ngày cuối tuần ấy, ông Nadella phải làm việc qua điện thoại với cả ban lãnh đạo lẫn các giám đốc ở OpenAI, cố gắng hiểu xem chuyện gì đã đi sai hướng, rồi sửa chữa như thế nào. Rốt cuộc, ông Nadella nói với Altman rằng sẽ đảm bảo cho anh cùng bất kỳ nhân viên nào của OpenAI chỗ làm mới ở Microsoft. Nói cách khác, nếu Altman không quay trở lại, Microsoft sẽ biến OpenAI chỉ còn là một cái tên.

Ngay lập tức, Altman được quay về làm CEO OpenAI.

saml-altman-openai-ceo.webp

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Nadella nói rằng ông rất sợ việc Altman bị đuổi sẽ khiến mọi nhân sự của OpenAI chạy sang những startup khác đang cạnh tranh với họ: “Nếu cách tốt nhất để tiếp tục là đưa tất cả bọn họ về Microsoft, thì tôi sẽ làm ngay.”

Quan trọng hơn là, sự cố cuối năm ngoái là một lời nhắc nhở rằng, canh bạc của ông Nadella vào OpenAI đang khiến tập đoàn 3.3 nghìn tỷ USD quá phụ thuộc vào startup với khoảng 700 nhân sự.

Cũng chính sự cố này đã khiến ông Nadella tập trung hơn vào những nỗ lực phát triển AI trong nội bộ Microsoft. Đó là quan điểm của S. Somasegar, một cựu giám đốc ở Microsoft, giờ là một nhà đầu tư ở Madrona Venture Group. Giờ Microsoft cần tìm cách bớt phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của OpenAI tạo ra.

Tiếp cận Mustafa Suleyman và Inflection AI có thể là một cách giải quyết.

Thật ra Inflection AI đã lọt tầm ngắm của Microsoft từ lâu, vì tập đoàn của ông Nadella là một trong những nhà đầu tư rót tiền cho startup của Suleyman từ rất sớm. Nhưng vẫn có những lo ngại về cách quản lý của nhà khởi nghiệp danh tiếng này. Sau khi DeepMind được Google mua lại năm 2014, nhân sự ở phòng lab AI tại thủ đô London phàn nàn rằng Suleyman là một kẻ thích bắt nạt. Ông này sau đó xin lỗi và rời khỏi DeepMind.

Mustafa-Suleyman-photo.jpg

Trong bữa tối ở Redmond, Washington, ông Nadella hỏi Suleyman và đồng sáng lập Karén Simonyan về cách vận hành Inflection AI. Đến cuối bữa ăn, Nadella đã đưa ra quyết định. Ông cho rằng Suleyman đã học được bài học cho bản thân từ những thất bại, và đã chứng tỏ được bản thân ở Inflection: “Tôi luôn luôn đánh giá con người dựa vào những việc gần đây nhất họ thực sự làm được.”

Ba tuần sau, thương vụ trị giá 650 triệu USD hoàn tất. Thoả thuận hợp tác trên lý thuyết không phải sáp nhập, nhưng vẫn cho phép Microsoft đưa gần hết nhân sự của Inflection AI về tập đoàn làm việc. Ông Suleyman được giao nhiệm vụ tạo ra một “nhân sự AI” để vận hành giống hệt như một trợ lý ảo toàn năng, giúp ích cho người dùng trong những tác vụ hàng ngày, thậm chí tự suy nghĩ và giải quyết vài vấn đề hay công việc giúp con người.

Ông Nadella cho rằng đây là một bước rất lớn, thay đổi cách con người tương tác với máy tính, và là một bước nhảy vọt so với những gì các đối thủ cạnh tranh của Microsoft đang làm. Ông đưa cho Suleyman nguồn lực tài chính khổng lồ để làm nhiệm vụ đó. Sẽ có khoảng 10 nghìn nhân sự làm việc cho Mustafa Suleyman.

Suleyman chưa từng có kinh nghiệm quản lý ngần ấy con người, nhưng Nadella nói sẽ có rất nhiều người có thể giúp ông. Suleyman nhớ lại câu nói của Nadella: “Cái này không chỉ liên quan đến tìm kiếm trực tuyến. Ông đang làm ra một nền tảng điện toán hoàn toàn mới cho tương lai.”

Đó chính là canh bạc của Satya Nadella.

Theo The New York Times
59 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hãng A nào đó mua lại siri hơn chục năm trước và siri ngày càng đần độn
@angle_squall và cái hãng đi vét hụi chót mua lại cái hãng làm ra siri về đến giờ nhục ko dám nhắc tới luôn
@QuanLyNhaNghi Đành chờ 16prm để đc xài AI vậy, 15/16plus coi như bỏ bu rồi
@angle_squall toàn sai bét bác nhỉ,hic
VA20
ĐẠI BÀNG
2 tháng
@Dragao_ct92 15 mua tháng 2/24, cay vãi chưởng.
@angle_squall Mày éo xài, quan tâm gì.
Khóc hộ ifan à?

Đồng ý chớ, angle, centernc?
Cơ bản thì Mic như kiểu con nhà giàu nhưng cũng học khá giỏi chứ không ngoo 😆
Mấy chục tỷ đô chưa vấn đề gì với anh này
TKNRCT
ĐẠI BÀNG
2 tháng
@noctunalguy Satya thì tươi trẻ nhưng không vững vàng, chưa đủ trưởng thành, sp làm rất nhiều tính năng nhưng tính chuyên sâu là không có, kiểu Satya là thành công 1 lần nhưng khi vấp ngã rất khó đứng lên, để lèo lái mic hiện tại thì ổn nhưng trong tương lai thì cần thay, dù hiện tại cũng chưa có ai ở mic hạp ý lắm
TKNRCT
ĐẠI BÀNG
2 tháng
@Thao T. Pham Cứ hở tí là ph, ph, học theo bọn tiktok rồi trở nên hư hỏng, phí cái nick 15 tuổi
@TKNRCT VCL ở đó mà ko chuyên sâu, con Azure ổng đẻ ra to đùng chiếm hơn 1/2 doanh thu ra đó mà còn ko biết thân biết phận 😆
@TKNRCT Nick này mới đủ uy tín để dạy các cháu mà con ko nghe thì chịu cháu rồi đấy 😁
Đọc nghe trầy trật, vất vả, liều lĩnh, canh bạc lắm nhỉ.

Trong khi đó CEO TimCook của Apple có nước đi đơn giản, chỉ cần tích hợp ChatGPT vào AI Siri (đc ra đời năm 2011) trên iPhone là xong.

Mà ông CEO này có I love China and the People ko nhỉ?

pikupi
TÍCH CỰC
2 tháng
@centernc nếu bài trên mà đổi qua Apple Tim Cook thì lại là "tầm nhìn tương lai" chứ éo phải "canh bạc" 😆
@pikupi Cỡ tài lực tiềm lực của MS nó đắm đuối vào 1 mảng nào đó cũng quá bình thường, ngày trước bác Huang mới là đánh bạc, chứ Nadella thì ăn thua gì đâu
@centernc Ăn rau muống bàn chính trị là đây.
Khóc hộ cho nhà giàu thế?
Đọc thấy kinh khủng thật. Đúng kiểu suy nghĩ của CEO tập đoàn tỉ đô
CEO MS và cựu CEO Sony đúng kiểu đưa tàu đắm lên đunhr vinh quang
@Nguyennguyen0127 Nói đắm thì cũng hơi quá, bọn này nó có nền tảng vững chắc rồi
@Nguyennguyen0127 gọi là những ông lớn già cả out trend tí thôi chứ chưa từng đắm. Chứ tài lực mạnh, tìm nhìn chuẩn nữa thì quay lại đường đua mấy hồi
@O.R.A.N.G.E Gọi là đi lệch quỹ đạo quay lại đường đua nhỉ
OKAYBN
ĐẠI BÀNG
2 tháng
Nhưng cũng có thể là các con zời ko hiểu biết mới nghĩ ông CEO này thích "đánh bạc", trình ông đấy mà phải đi đặt cược vào " canh bạc". Trong kế hoạch phát triển của họ cả. Lãnh đạo một tập đoàn lớn như MS mà lại phải đi đánh "lô-tô".
@OKAYBN Kinh doanh thực ra vẫn là 1 trò đánh bạc hợp pháp thôi bác. Tỷ lệ thắng thua nhiều lúc cũng 50/50 thôi. Mà phải quyết định trong thời gian ngắn. Nhưng các tập đoàn lớn có những mảng đã vận hành ổn định và tạo ra lợi nhuận để họ đánh bạc vào các cơ hội mới. Nó khác việc tất tay vào 1 món, để rồi cơn sóng đi qua còn lại bãi rác.
lvl2128
TÍCH CỰC
2 tháng
@mandiesel Một kèo ăn nuôi 10 kèo bại
boanh86
TÍCH CỰC
2 tháng
dài quá
Nói chung là hên thôi chứ ko tính toán khôn ngoan, bài bản như Tim Cook của Apple
Ko cược tất tay thì nhìn Apple
@grozar Đang nhìn đây! 16/07/2024
2024-07-16.png
2024-07-16.png
Đã làm kinh doanh, kinh tế thì bản chất đều là con bạc cả, quan trọng là đánh cược bao nhiêu và còn lại j sau đó thôi 😆
qqqq
ĐẠI BÀNG
2 tháng
Chắc chắn là xu hướng rồi, đánh bạc j nữa
Nên tập trung nghiên cứu phần cứng thì ngon hơn. Làm cái gì tốt hơn cả táo mà giá phù hợp nữa thì bá luôn. Đến cái siri tui còn chả bao giờ sài luôn. Ây với chả ai.
@__Function__ b ko biết dùng ko có nghĩa là nó ko ngon. AI hiện tại ko chỉ là những cái trợ lý đơn giản kiểu Siri mà nó còn hơn thế rất nhiều, giới developer, designer đang ngày càng tận dụng AI tốt hơn cho công việc và trở thành công cụ ko thể thiếu. MS vốn là cty phần mềm, đó là thế mạnh của họ thì tập trung cho nó là chuẩn rồi, đi đua phần cứng làm gì
mấy thằng cha ấn độ thông minh nhỉ, cả ông Bia Chai nữa, toàn lãnh đạo tập đoàn mĩ
keangoo
ĐẠI BÀNG
2 tháng
nếu nói đến con bạc phải kể đến Masayoshi Son, khứa này mới toàn đầu tư mấy mảng mạo hiểm
bing, gemini cũng xài chán phèo mấy tuần nay mình dùng chatgpt code nhanh hơn nhiều, có hỗ trợ tiếng Việt nên tiện lợi
Lean Shean
ĐẠI BÀNG
2 tháng
DLV thì kêu người Ấn hôi lắm, VN là số 1
lvl2128
TÍCH CỰC
2 tháng
@Lean Shean Người Ấn qua Viet du lịch thấy hôi thật, họ ở phòng nào là phòng đó dọn đuối luôn. Nguyên nhân mùi tại sao thì chưa rỏ.
Còn tụi Ấn mà thành danh ở Mẽo hay tư bản rồi thì ko biết có hôi hay không.
bibo311
TÍCH CỰC
2 tháng
@Lean Shean tụi nó ăn cà-ri nhiều, với cả ở những vùng khí hậu nóng thì da thịt người cũng dễ bốc mùi hơn 😁
diavinh
ĐẠI BÀNG
2 tháng
Bài viết rất có động lực !
bibo311
TÍCH CỰC
2 tháng
Kèo này Sa-chia dễ toang lắm, AI chỉ hợp với 1 bộ phận nhỏ thôi
Tenor4eyes
ĐẠI BÀNG
2 tháng
Mấy bài phân tích về kinh doanh như bài này đọc rất hay. Tinhte mà lên được nhiều bài như vầy thì tốt.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019