Venice, thành phố cổ ở đông bắc Italia là đô thị đẹp bậc nhất nước này và giữ một vị trí hàng đầu trong danh sách những điểm đến thu hút nhất thế giới. Venice ra đời giữa thế kỷ thứ 5, khi Đế chế Tây La Mã đang dần cáo chung. Năm 452, cuộc tấn công của các man tộc vào bán đảo Ý đã buộc những cư dân sống ở rìa Vịnh Venice phải đi thuyền tới các đảo nhỏ gần đó để lánh nạn.
Đây không phải chỗ lý tưởng để sinh sống bởi nó là một vùng đất ngập nước, với những cồn nhỏ có nền đất đầy bùn nhão tạo thành từ đất sét mềm và chỉ chịu được sức nặng của một vài người. Nhưng chính từ môi trường khó khăn này mà người Venice đã đạt được kỳ tích: Họ mở rộng diện tích các cồn và dựng nên một thành phố được xem là kỳ quan của thế giới về kỹ thuật xây dựng.
Venice là một mạng lưới phức tạp gồm 116 hòn đảo, 177 kênh đào và 423 cây cầu.
Đây không phải chỗ lý tưởng để sinh sống bởi nó là một vùng đất ngập nước, với những cồn nhỏ có nền đất đầy bùn nhão tạo thành từ đất sét mềm và chỉ chịu được sức nặng của một vài người. Nhưng chính từ môi trường khó khăn này mà người Venice đã đạt được kỳ tích: Họ mở rộng diện tích các cồn và dựng nên một thành phố được xem là kỳ quan của thế giới về kỹ thuật xây dựng.
Venice là một mạng lưới phức tạp gồm 116 hòn đảo, 177 kênh đào và 423 cây cầu.
Cọc gỗ: Xương sống của Venice
Các tòa nhà ở Venice đều được xây dựng bằng 5 loại vật liệu: cọc gỗ, đá vôi, gạch, đá Istria và đá cẩm thạch. Trước tiên người ta thu thập một lượng lớn gỗ từ các khu rừng trên đất liền, rồi đóng các cọc gỗ sâu khoảng 5 mét xuống lòng đất, đây là độ sâu đủ cho những cọc này xuyên qua lớp bùn và lớp đất mềm đi tới một lớp đất sét đủ cứng chắc để nâng đỡ các tòa nhà phía trên. Người ta sử dụng gỗ sồi hoặc gỗ thông vì chúng có khả năng chống nước tốt.
Các cọc được đóng từng cái một và đặt rất gần nhau, khoảng cách giữa chúng được lấp đầy bằng đá và sỏi để ngăn không cho bùn trào lên trong lần đóng cọc tiếp theo.
Do các cọc được ngâm trong hỗn hợp bùn và nước nên về lý thuyết gỗ sẽ bị mục sau một thời gian. Nhưng có 2 lý do đã giữ cho gỗ ở trạng thái tốt trong hơn 1000 năm qua: Đầu tiên, gỗ chỉ có thể mục nát khi có cả không khí và nước, vì vậy việc thiếu oxy trong đất bùn đã giúp gỗ không bị mục. Mặt khác, gỗ đã hấp thụ một lượng lớn bùn và đất từ nước của đầm phá, để rồi chính các trầm tích này lại đẩy nhanh tốc độ biến gỗ thành một thứ cứng gần như đá.
Sau khi san phẳng phía trên các cọc, người ta đặt những tấm ván gỗ để phân bổ áp lực. Tiếp theo một hoặc nhiều lớp đá vôi được đặt phía trên lớp gỗ này vì đá vôi không cho nước thấm qua. Toàn bộ những lớp này là nền móng vững chắc cho căn nhà phía trên và góp phần bảo vệ các cọc gỗ khỏi tác động xói mòn của nước biển.
Sau đó, tòa nhà chính được xây dựng. Mới đầu, gỗ được dùng để xây nhưng sau khi trải qua một số thảm họa thì người ta đã chuyển qua xây bằng gạch. Để giảm trọng lượng của các tòa nhà, chúng được giới hạn ở 3 tầng lầu và sử dụng vôi, vữa thay vì xi măng, điều này làm cho ngôi nhà linh hoạt hơn và có thể cong nhẹ. Các tòa nhà còn có thanh neo ở 4 góc để giữ ổn định cho những bức tường bên ngoài.
Quảng cáo
Để bảo vệ kết cấu khỏi sự ăn mòn của nước mặn, các phần thấp hơn của các tòa nhà, kể cả mặt tiền hướng ra mặt nước, thường được ốp bằng đá Istria - một loại đá vôi đặc lấy từ bán đảo Istria (thuộc Croatia). Đá này được chọn vì bền bỉ trước môi trường biển và thời tiết khắc nghiệt. Đá Istria đóng hai vai trò: làm bệ đỡ phụ trên cùng cho các cọc gỗ và làm vật liệu cứng cáp cho mặt tiền.
Cuối cùng một số tòa nhà sang trọng còn được trang trí bằng đá cẩm thạch, thường ốp ở phần trên tòa nhà để tránh tiếp xúc với nước muối.
Dinh tổng trấn Venezia.
Kênh đào, cầu và giếng nước
Sau khi ngôi nhà đầu tiên được xây dựng, nhiều ngôi nhà khác đã theo sau và Venice dần thành hình. Trong 500 năm đầu tiên, do không có cầu nên việc đi lại đều bằng thuyền. Khi số lượng tòa nhà tăng lên, người ta dùng ngựa để băng qua vùng nước nông, tiếp đó cầu nổi và cầu gỗ được xây dựng, và cuối cùng là cầu bằng đá nối liền hàng trăm hòn đảo như ngày nay. Hệ thống kênh đào và cầu phức tạp là một phần quan trọng trong bản sắc của Venice.
Quảng cáo
Do bị nước biển vây quanh mà không có nguồn nước ngọt, người Venice ban đầu dùng thuyền vận chuyển nước uống từ đất liền, nhưng khi dân số tăng lên thì việc này là không đủ. Cho nên họ tìm một khu đất rộng lớn, bắt đầu đào sâu xuống khoảng 5-6 mét để tạo thành một lòng chảo, trát đất sét dưới đáy để chống thấm cho chúng rồi lấp đầy hố bằng cát và đá vét từ đáy sông gần đó, nhưng chừa lại một giếng chính để chứa nước.
Giếng nước của Venice chỉ được tìm thấy ở các quảng trường hoặc trong sân nhà.
Ngay cả các đường ống thoát nước từ mái nhà cũng được dẫn xuống lòng đất. Cuối cùng, người Venice xây dựng 2 hoặc 4 máng nước đối xứng xung quanh giếng chính để thoát nước mưa rơi xuống quảng trường và từ mái của các tòa nhà xung quanh. Hơn 600 giếng trên khắp Venice thu thập nước mưa liên tục để cấp nước cho cư dân.
Sự khéo léo và tháo vát của những kiến trúc sư đã tạo nên Venice là minh chứng cho cách con người thích nghi và vượt qua khó khăn bằng những ý tưởng mới đầy sáng tạo. Nhưng ngày nay Venice rất dễ bị lụt và phải đối mặt với sự căng thẳng từ hoạt động du lịch. Vì vậy thành phố đã phải liên tục đưa ra những cách thức mới để bảo toàn các kỳ quan kiến trúc của mình.
Theo [1], [2].