Nói đến mẫu điện thoại gập cao cấp nhất hiện nay đến từ Samsung thì Samsung Galaxy Z Fold6 được mình đánh giá là lột xác hoàn toàn so với tiền nhiệm Galaxy Z Fold5. Nhưng nếu nhìn Z Fold5 kỹ hơn thì đây vẫn là một chiếc smartphone gập với nhiều điểm nổi trội. Ngay sau đây là những trải nghiệm của mình sau 1 năm sử dụng Galaxy Z Fold5.
Galaxy Z Fold5 sở hữu màn hình chính với kích thước 7.6 inch với bốn viền xung quanh được làm mỏng đều kèm camera selfie ẩn dưới màn hình.
Trong khi đó, màn hình phụ của máy có kích thước 6.2 inch với thiết kế màn hình dạng đục lỗ.
Thiết kế, trải nghiệm cầm nắm
Về tổng quan, Samsung Galaxy Z Fold5 là mẫu smartphone gập dạng quyển sách với màn hình chính 7.6 inch kèm một màn hình phụ 6.2 inch ở mặt lưng. Những con số kích thước trên nhỏ hơn đôi chút so với các đối thủ ra mắt cùng thời điểm như HUAWEI Mate X5 (7.85 - 6.4 inch), Xiaomi MIX Fold 3 (8.03 - 6.56 inch), vivo X Fold3 Pro (8.03 inch - 6.53 inch),…Galaxy Z Fold5 sở hữu màn hình chính với kích thước 7.6 inch với bốn viền xung quanh được làm mỏng đều kèm camera selfie ẩn dưới màn hình.
Trong khi đó, màn hình phụ của máy có kích thước 6.2 inch với thiết kế màn hình dạng đục lỗ.
Thực tế thì mình không quá để tâm đến kích thước màn hình của Galaxy Z Fold5 mà thay vào đó là khối lượng thiết bị. Cụ thể, sản phẩm nặng khoảng 253 g và con số này lớn hơn so với những mẫu smartphone dạng thanh trên thị trường hiện tại. Vì vậy, mình đã gặp chút khó khăn trong thời gian đầu để làm quen với việc cầm nắm và sử dụng Galaxy Z Fold5. Chắc hẳn Samsung cũng “ngầm thừa nhận” điều đó và họ đã tối ưu cả độ mỏng lẫn khối lượng cho thế hệ tiếp theo là Galaxy Z Fold6.
Galaxy Z Fold6 có khối lượng 239 g, nhẹ hơn 14 g so với cân nặng 253 g của Galaxy Z Fold5.
Nói thêm về cảm giác cầm nắm Galaxy Z Fold5, mình đánh giá cao phần cạnh viền máy được hoàn thiện dạng cong nhẹ ở bốn góc máy và khu vực tiếp giáp giữa mặt lưng/cạnh viền. Những chi tiết trên khiến mình có cảm giác thoải mái khi cầm Galaxy Z Fold5 trên tay, điều mà kiểu dáng vuông vức của Z Fold6 không thể mang lại.
Cảm giác cầm nắm Galaxy Z Fold5 thoải mái hơn, ôm tay hơn so với kế nhiệm Z Fold6 nhờ vào bốn cạnh viền máy được bo cong nhẹ ở bốn góc.
Đỉnh máy là nơi đặt 4 dải anten thu sóng, mic thu âm và loa ngoài.
Cạnh đáy máy cũng có 4 dải anten thu sóng, mic thu âm và cổng sạc USB-C.
Quảng cáo
Cạnh trái của thiết bị chỉ có 2 dải anten thu sóng kèm khay SIM.
Cuối cùng là cạnh phải máy chứa hai dải anten thu sóng kèm cụm phím tăng/giảm âm lượng và phím nguồn.
Mặc dù vậy, bốn cạnh viền của Galaxy Z Fold 5 được hoàn thiện dạng bóng nên khu vực này dễ bị trầy xước, cấn móp nếu chúng ta không sử dụng ốp bảo vệ thiết bị. Tình trạng trầy xước không chỉ diễn ra ở cạnh viền thiết bị mà còn là phần viền xung quanh ống kính camera, bản lề và màn hình phụ của máy. Do đó, chúng ta nên trang bị đầy đủ cho Galaxy Z Fold5 (dán màn hình, ốp lưng, dán da,…) để giữ ngoại hình của sản phẩm đẹp nhất có thể.
Quảng cáo
Cận cảnh một số vết trầy xước, cấn móp ở phần cạnh viền, màn hình của Galaxy Z Fold5.
Nhắc đến phần bản lề của Galaxy Z Fold5, mình nhận thấy máy vẫn mang lại trải nghiệm gập, mở tương đối chắc chắn sau 1 năm. Tuy nhiên, việc sử dụng máy trong thời gian dài cũng khó tránh khỏi tình trạng dính bụi bẩn ở bên trong bản lề. Vì vậy, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng ma sát nhẹ giữa các linh kiện trong bản lề mỗi khi thực hiện thao tác gập, mở.
Việc bản lề của Galaxy Z Fold5 dính bụi bẩn bên trong là điều khó tránh khỏi khi chúng ta dùng máy trong thời gian dài.
Một trong những điều mình thích nhất ở Galaxy Z Fold5 nói riêng và những mẫu smartphone màn hình gập dạng quyển sách nói chung đó là trải nghiệm xem nội dung trên màn hình kích thước lớn (xem phim, lướt web, mạng xã hội, chơi game,…). Mình cũng hài lòng với chất lượng hiển thị của màn hình Galaxy Z Fold5, cả màn hình chính lẫn màn hình phụ của máy đều mang lại màu sắc tươi cùng chi tiết rõ nét. Riêng màn hình chính của thiết bị còn phần nếp gấp và camera selfie ẩn vẫn hiện rõ trong một số trường hợp nhưng mình không quá bận tâm đến hai yếu tố này khi đã sử dụng máy đủ lâu.
Mình rất thích trải nghiệm xem nội dung trên màn hình kích thước lớn 7.6 inch của Galaxy Z Fold5.
Màn hình phụ của Galaxy Z Fold5 có tỷ lệ thuôn dài 23.1:9 nên mình có thể dễ dàng cầm nắm thiết bị bằng 1 tay để xem video ngắn.
Khi xem YouTube Short, TikTok, Facebook Reels, mình nhận thấy một số nội dung không hiển thị đúng với tỷ lệ màn hình chính của Galaxy Z Fold5. Điều này dẫn đến việc màn hình máy sẽ có những dải đen lớn bao quanh trông hơi khó chịu đôi chút.
Mình có thói quen dựng máy theo dạng chữ L khi xem video, cũng không bị mỏi tay để cầm như khi xem video bằng màn hình chính. Mình cũng có thể để Galaxy Z Fold5 thành dạng chữ L và sử dụng thiết bị gần tương tự như một chiếc laptop nếu cần xử lý nhanh vài công việc (chỉnh sửa nội dung văn bản, hình ảnh,…).
Đây là cách mình dựng Galaxy Z Fold5 mỗi khi xem video, máy sẽ có hình chữ L với góc nhọn ở phía trong màn hình chính.
Mình cũng có thể tận dụng khả năng gập mở linh hoạt của Galaxy Z Fold5 để sử dụng thiết bị gần như một chiếc laptop. Nửa trên màn hình hiển thị thông tin và nửa dưới còn lại sẽ hiện bàn phím (bên trái) và bảng cảm ứng (bên phải).
Đánh giá hiệu năng
Sau khi nói qua những điểm nổi bật, trải nghiệm về thiết kế, chúng ta cùng chuyển sang phần đánh giá hiệu năng Galaxy Z Fold5. Mình thực hiện 2 phần bao gồm:1. Mình đã chấm điểm hiệu năng Galaxy Z Fold5 để có được góc nhìn tổng quan về sức mạnh sản phẩm.
2. Mình tiến hành trải nghiệm chơi game thực tế trên Galaxy Z Fold5 bên cạnh việc chấm điểm hiệu năng.
Trước khi bắt đầu, mình sẽ điểm nhanh thông số cấu hình Galaxy Z Fold5 dựa trên thông tin từ trang chủ của Samsung:
- Màn hình chính: Kích thước 7.6 inch, tấm nền Dynamic AMOLED 2X, độ phân giải QXGA+ (2.176 x 1.812 pixels), tần số quét 120 Hz.
- Màn hình phụ: Kích thước 6.2 inch, tấm nền Dynamic AMOLED 2X, độ phân giải HD+ (2.316 x 904 pixels), tần số quét 120 Hz.
- CPU: Qualcomm Snapdragon 8 Gen 2 For Galaxy.
- GPU: Adreno 740.
- RAM: 12 GB.
- Bộ nhớ trong: 256 GB/512 GB/1 TB (phiên bản mình đang sử dụng có bộ nhớ 256 GB).
- Pin: 4.400 mAh, hỗ trợ sạc nhanh có dây 25 W, sạc nhanh không dây 15 W.
- Hệ điều hành: One UI 6.1 - Android 14.
Snapdragon 8 Gen 2 chính thức: chơi game realtime Ray Tracing, camera hiểu ngữ cảnh và chủ thể,...
Con chip mạnh nhất trong thế giới Android đã được Qualcomm chính thức cho ra mắt, cho phép chúng ta phần nào hình dung được sức mạnh và tính năng tiên tiến trên các mẫu máy flagship sớm được ra mắt trong tương lai gần của Samsung, ASUS, OPPO…
tinhte.vn
Galaxy Z Fold5 được trang bị chip xử lý Snapdragon 8 Gen 2 For Galaxy. Mẫu chip được Qualcomm tùy chỉnh dành riêng cho các mẫu flagship của Samsung.
Chấm điểm hiệu năng
Ở phần này, mình sử dụng các phần mềm chấm điểm chuyên dụng như: GeekBench 6, AnTuTu Benchmark, PCMark và 3DMark. Điều kiện để mình chấm điểm hiệu năng Galaxy Z Fold5 cụ thể như sau:- Pin của máy phải từ 90 - 100% (pin dưới 90% sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của máy và kết quả).
- Không vừa sạc pin vừa chấm điểm.
- Chấm 3 lần liên tục và lấy kết quả trung bình sau 3 lần chấm.
Đây là 4 phần mềm chấm điểm chuyên dụng mà mình dùng để đánh giá hiệu năng Galaxy Z Fold5.
Kết quả như sau:
Tổng hợp những kết quả bài chấm điểm hiệu năng của Galaxy Z Fold5.
GeekBench 6 (chấm điểm về CPU và GPU):
- Đơn nhân/đa nhân: 1.986 điểm/5.236 điểm.
- GPU Compute OpenCL: 9.546 điểm.
- GPU Compute Vulkan: 9.724 điểm.
PCMark (chấm điểm về CPU): 15.538 điểm.
AnTuTu Benchmark (chấm tổng điểm CPU và GPU): 1.482.313 điểm.
3DMark Wild Life Extreme (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 3.581 điểm.
- FPS trung bình: 21.45.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% pin (từ 97% xuống 96%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 3 độ C (từ 36 độ C lên 39 độ C).
3DMark Solar Bay (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 4.844 điểm.
- FPS trung bình: 18.42.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giữ nguyên mức 95% pin.
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 3 độ C (từ 38 độ C lên 41 độ C).
3DMark Wild Life Extreme Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 74.7%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 3.690 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 2.756 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 934 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 11% (từ 100% xuống 89%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 8 độ C (từ 34 độ C lên 42 độ C).
3DMark Solar Bay Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 71.2%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 5.547 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 3.950 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 1.597 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 9% (từ 100% xuống 91%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 8 độ C (từ 36 độ C lên 44 độ C).
Trải nghiệm chơi game thực tế
Kế đến là phần kiểm chứng khả năng chiến game thực tế của Galaxy Z Fold5, mình đã tải 5 trò chơi về máy bao gồm:- Liên Quân Mobile.
- Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
- PUBG Mobile.
- Honkai: Star Rail.
- Genshin Impact.
Đây là 5 tựa game mà mình tải về Galaxy Z Fold5 để trải nghiệm chơi game thực tế trên thiết bị.
Điều kiện trải nghiệm game thực tế trên Galaxy Z Fold5 cụ thể như sau:
- Sử dụng phần mềm Perfdog để đo dữ liệu FPS cho từng tựa game.
- Thiết lập đồ họa trong game ở mức tối đa mà máy có thể hỗ trợ.
- Sạc máy lên 100% và chơi liên tục 5 tựa game với thứ tự như sau: Liên Quân Mobile > Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến > PUBG Mobile > Honkai: Star Rail > Genshin Impact (áp dụng cho cả màn hình chính lẫn màn hình phụ).
- Đã kích hoạt mục “Hiệu năng” trong phần cài đặt Tối ưu hóa trò chơi của ứng dụng Game Booster (áp dụng cho cả 5 tựa game).
- Đã kích hoạt “Quản lý hiệu suất trò chơi thay thế” trong phần cài đặt Phòng thí nghiệm Game Booster.
- Nhiệt độ phòng bình thường không bật điều hòa (khoảng 28 - 30 độ C).
- Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
- Tần số quét màn hình được thiết lập: "Tương thích” (tương đương 120 Hz).
- Âm lượng loa ngoài 50%.
Ở cả 5 tựa game thì mình đều thiết lập mục "Hiệu năng" trong cài đặt Tối ưu trò chơi của ứng dụng Game Booster.
Đây là tính năng Quản lý hiệu suất trò chơi thay thế nằm trong phòng thí nghiệm Game Booster.
Thiết lập đồ họa 5 tựa game
Tổng hợp những hình ảnh thiết lập đồ họa mà mình chỉnh ở 5 tựa game.
Bảng tổng quan kết quả sau khi đo FPS các tựa game
Dưới đây là phần so sánh hai bảng kết quả đo FPS của 5 tựa game mà mình đã test thực tế trên Galaxy Z Fold5 khi thiết bị ở trạng thái mở (chỉ dùng màn hình chính) và trạng thái gập (chỉ dùng màn hình phụ). Sự khác biệt cụ thể như sau:
So sánh 2 bảng tổng hợp FPS của 5 tựa game mình đã chơi trên Galaxy Z Fold5 khi máy ở trạng thái mở (bên trái) và trạng thái gập (bên phải).
Dựa vào những kết quả trong phần chấm điểm hiệu năng bằng các phần mềm chuyên dụng và khả năng chiến game thực tế, Galaxy Z Fold5 cùng với chip Snapdragon 8 Gen 2 For Galaxy vẫn sở hữu sức mạnh ấn tượng. Kết quả này không quá khó đoán bởi mẫu flagship gập đến từ Samsung chỉ mới ra mắt cách đây 1 năm.
Với sức mạnh từ chip xử lý Qualcomm Snapdragon 8 Gen 2 For Galaxy, Samsung Galaxy Z Fold5 có thể đáp ứng tốt hầu hết các tác vụ mà người dùng thường sử dụng trên điện thoại bên cạnh việc chiến game.
Chia sẻ thêm về việc thử nghiệm chơi game trên Galaxy Z Fold5 ở hai trường hợp (1 là chỉ dùng màn hình chính và 2 là chỉ dùng màn hình phụ), ban đầu mình đã dự đoán rằng bảng đo FPS của hai trường hợp trên sẽ cho ra những con số khác nhau. Mặc dù vậy thì dữ liệu ở bảng đo FPS cho thấy không có sự khác biệt nào đáng kể (ngoại trừ ở hai tựa game đồ họa nặng là Honkai: Star Rail và Genshin Impact).
Khi chơi game trên màn hình chính của Galaxy Z Fold5, chúng ta có được không gian hiển thị rộng lớn để xem rõ chi tiết trong game, dễ dàng quan sát diễn biến trận đấu và điều này phù hợp với tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất như PUBG Mobile.
Việc chơi PUBG Mobile trên màn hình phụ của Galaxy Z Fold5 (bên trái) không thích mắt bằng màn hình chính (bên phải).
Bên cạnh đó, việc chơi tựa game thế giới mở nặng về đồ họa như Honkai: Star Rail, Genshin Impact trên màn hình chính của Galaxy Z Fold5 cũng là một ý tưởng không hề tệ khi chúng ta có thể theo dõi những trận chiến trong game với nhiều hiệu ứng chiêu thức đẹp mắt. Mặc dù vậy, sự khác biệt về biểu đồ FPS ở trên cũng cho thấy việc chơi những tựa game đồ họa nặng trên màn hình chính của Galaxy Z Fold5 không mang đến trải nghiệm tốt như màn hình phụ.
Trải nghiệm chơi Honkai: Star Rail trên màn hình chính của Galaxy Z Fold5 (bên trái) dù rất đã mắt với không gian hiển thị rộng rãi nhưng có lẽ điều đó lại khiến máy gặp nhiều vấn đề về hiệu năng. Vì vậy, mình thấy mọi thứ sẽ tốt hơn nếu chúng ta chơi tựa game này bằng màn hình phụ của máy (bên phải). Điều này cũng áp dụng cho Genshin Impact.
Nhắc đến màn hình phụ của Galaxy Z Fold5 thì kiểu màn hình này sẽ phù hợp với những game thuộc thể loại MOBA (Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến). Lý do là bởi màn hình phụ của Z Fold5 có tỷ lệ thuôn dài giúp mình dễ dàng bao quát trận đấu, check map tiện hơn và dễ phát hiện ra có kẻ thù đang ẩn mình trong bụi cỏ (đây cũng là những yếu tố mà màn hình chính dạng gập không thể mang lại).
So sánh giao diện trong trận đấu Liên Quân Mobile của Galaxy Z Fold5 ở màn hình phụ (bên trái) và màn hình chính (bên phải). Chúng ta dễ dàng nhận thấy việc chơi game MOBA trên màn hình phụ của thiết bị sẽ hợp lý hơn.
Trải nghiệm phần mềm
Bên cạnh hiệu năng thì trải nghiệm phần mềm trên Galaxy Z Fold5 cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Thiết bị cũng đã nhận được bản cập nhật One UI 6.0 vào tháng 11/2023 với nhiều thay đổi đáng chú ý về giao diện người dùng. Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất đối với mình chính là phiên bản One UI 6.1 với nhiều tính năng Galaxy AI tương tự Galaxy S24 Series và cả phiên bản One UI 6.1.1 bổ sung 2 tính năng Galaxy AI mới (Phác họa thông minh và Studio Chân dung AI) giống với Galaxy Z Fold6.Theo thông tin từ trang chủ Samsung, các tính năng Galaxy AI trên Galaxy Z Fold6 đều có trên Galaxy Z Fold5.
Việc Galaxy Z Fold5 được cập nhật đầy đủ tính năng AI giống các mẫu flagship mới nhất của Samsung là điều đáng khen nhưng thực tế thì mình rất ít khi dùng đến những tính năng trên. Nếu nói đến tính năng Galaxy AI nào được mình sử dụng nhiều nhất thì đó là Circle To Search. Tính năng này giúp mình nhanh chóng tìm được những thông tin cần thiết về một món đồ, vật thể, chủ đề,… đang hiển thị trên màn hình điện thoại. Tất cả những gì mình cần làm chỉ là nhấn giữ phím Home, khoanh tròn chủ thể cần tìm kiếm và chờ máy hiển thị kết quả. Thao tác này tiện lợi hơn rất nhiều so với việc mình phải hình dung về đối tượng và gõ nội dung tìm kiếm trên Google.
Circle To Search là tính năng Galaxy AI duy nhất mà mình sử dụng trên Galaxy Z Fold5.
Nhắc đến trí tuệ nhân tạo thì Galaxy Z Fold5 đôi khi cũng đề xuất mình dùng thử trợ lý AI cá nhân Google Gemini. Ví dụ như vào hôm sinh nhật của mình, thiết bị đã hiện ra thông báo về lời chúc và một số gợi ý hoạt động cho ngày sinh nhật, những người nổi tiếng sinh cùng ngày,…
Galaxy Z Fold5 hiển thị gợi ý mình nên sử dụng trợ lý AI Gemini của Google nhưng nhu cầu sử dụng điện thoại của mình không cần quá nhiều đến trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, Galaxy Z Fold5 đôi lúc gặp một số lỗi nhỏ liên quan đến phần mềm và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm sử dụng hằng ngày của mình.
- Lỗi hiển thị ứng dụng Telegram, Shopee khi mình sử dụng tính năng “Tiếp tục dùng ứng dụng ở màn hình ngoài” (tức mình sẽ chuyển việc dùng ứng dụng từ màn hình chính sang màn hình phụ và ngược lại).
Lỗi hiển thị ứng dụng Telegram bị thừa một khoảng trống bên cạnh phải. Tình trạng này xảy ra khi mình chuyển đổi từ màn hình chính sang màn hình phụ để nhắn tin phản hồi (ảnh minh họa đã làm mờ nội dung tin nhắn).
Đối với ứng dụng Shopee thì hệ thống báo rằng không thể đổi cỡ ứng dụng này khi đang chạy. Sau đó, mình buộc phải khởi động lại ứng dụng hoặc mở màn hình chính để tiếp tục sử dụng Shopee.
- Ngoài 2 ứng dụng trên, Galaxy Z Fold5 cũng gặp lỗi hiển thị tựa game Liên Quân Mobile.
Khi mình chuyển đổi ứng dụng Liên Quân Mobile từ màn hình chính sang màn hình phụ thì phần mềm hiển thị khu vực chờ ghép trận với tỷ lệ kỳ lạ.
- Không gửi được ảnh chuyển khoản thành công từ ứng dụng ngân hàng MB Bank sang Messenger. Dù mình đã thử khởi động lại máy nhưng lỗi trên không được khắc phục.
Mình đang sử dụng ngân hàng MB Bank nhưng có vẻ ứng dụng này trên Galaxy Z Fold5 không cho phép mình gửi thông tin chuyển khoản sang ứng dụng Messenger.
Thời lượng sử dụng pin
Tiếp theo, chúng ta cùng đến với phần đánh giá thời lượng pin của Galaxy Z Fold5. Mình đã thực hai bài test bao gồm:- Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%).
- Đo thời gian sạc đầy pin của máy (từ 0% lên 100%).
Galaxy Z Fold5 được trang bị dung lượng pin 4.400 mAh tương tự với thế hệ kế nhiệm là Galaxy Z Fold6.
Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%)
Dưới đây là các điều kiện trong bài đánh giá pin Galaxy Z Fold5:- Trải nghiệm 4 tác vụ xoay vòng:
- Chơi Liên Quân (thiết lập đồ họa ở mức tối đa mà máy hỗ trợ như phần đánh giá hiệu năng ở trên)
- Xem video trên YouTube.
- Lướt ứng dụng Facebook.
- Xem video trên TikTok.
- Mỗi tác vụ sử dụng 1 tiếng đồng hồ.
- Xoay vòng các tác vụ từ 100% xuống 0%.
- Máy chỉ sử dụng 1 tác vụ và không có ứng dụng đa nhiệm chạy nền.
- Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
- Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
- Tần số quét màn hình được thiết lập: "Tương thích”.
- Bật loa ngoài với âm lượng 50%.
- Không bật tiết kiệm pin, GPS và Bluetooth.
- Đã tắt tính năng “Đặt Ứ.D không dùng vào CĐ nghỉ” trong mục cài đặt “Giới hạn sử dụng dưới nền”.
Mình đã tắt chế độ Tiết kiệm pin của Galaxy Z Fold5.
Mình cũng tắt tính năng “Đặt Ứ.D không dùng vào CĐ nghỉ” trong mục cài đặt “Giới hạn sử dụng dưới nền". Tính năng này cho phép máy tự động chuyển các ứng dụng không dùng sang chế độ nghỉ và hạn chế chạy nền.
Kết quả bài đánh giá pin mình sẽ chia ra thành 2 trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Khi mình sử dụng Galaxy Z Fold5 ở trạng thái gập (chỉ dùng màn hình chính), viên pin 4.400 mAh của máy có thể hoạt động liên tục 8 tiếng 3 phút cho 4 tác vụ xoay vòng.
Bảng đo chi tiết thời lượng sử dụng pin của Galaxy Z Fold5 (chỉ dùng màn hình chính) theo từng tác vụ.
- Trường hợp 2: Khi mình sử dụng Galaxy Z Fold5 ở trạng thái mở (chỉ dùng màn hình phụ), máy chỉ có thể hoạt động liên tục 9 tiếng 36 phút cho 4 tác vụ xoay vòng.
Bảng đo chi tiết thời lượng sử dụng pin của Galaxy Z Fold5 (chỉ dùng màn hình phụ) theo từng tác vụ.
Như vậy qua 2 trường hợp trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy thời lượng pin của Galaxy Z Fold5 khi chỉ sử dụng máy ở trạng thái mở sẽ thấp hơn so với trạng thái gập. Cụ thể là 8 tiếng 3 so với 9 tiếng 36 phút, chênh lệch ~1 tiếng 33 phút.
So sánh thời lượng pin của Galaxy Z Fold5 khi sử dụng máy bằng màn hình chính (bên trái) và màn hình phụ (bên phải).
Chi tiết hơn trong bảng kết quả 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng, Galaxy Z Fold5 hoạt động liên tục 8 tiếng 3 phút ở dạng mở (chỉ dùng màn hình chính) và tiêu tốn trung bình ~11.5% pin cho 4 tiếng đầu tiên. Trong khi đó, thiết bị khi ở dạng gập (chỉ dùng màn hình phụ) có thể hoạt động liên tục 9 tiếng 36 phút với mức tiêu thụ trung bình ~9.25% pin ở 4 tiếng đầu tiên. So sánh cụ thể như sau:
- Galaxy Z Fold5 ở dạng mở: 8 tiếng 3 phút với mức tiêu thụ trung bình ~11.5% pin ở 4 tiếng đầu
- Galaxy Z Fold5 ở dạng gập: 9 tiếng 36 phút với mức tiêu thụ trung bình ~9.25% pin ở 4 tiếng đầu.
Sự chênh lệch trên vẫn tiếp diễn ở giai đoạn còn lại của bài test pin 4 tác vụ xoay vòng. Galaxy Z Fold5 ở dạng gập có thể hoạt động thêm 5 tiếng 36 phút cho đến khi hết pin với mức tiêu thụ trung bình ~11.45% pin. Trong khi đó ở trạng thái mở, Galaxy Z Fold5 chỉ có thể hoạt động thêm 4 tiếng 3 phút với mức tiêu thụ trung bình ~13.5%.
Xuyên suốt quá trình sử dụng thực tế Galaxy Z Fold5, mình cũng nhận thấy thời lượng pin khi dùng ở trạng thái mở (bên trái) thấp hơn so với trạng thái gập (bên phải).
Theo mình, nguyên nhân cho sự khác biệt về kết quả bài test pin 4 tác vụ của Galaxy Z Fold5 ở dạng mở và gập có lẽ là vì màn hình chính có diện tích hiển thị lớn hơn và độ phân giải cao hơn so với màn hình phụ. Vì vậy, việc thiết bị tiêu hao nhiều điện năng hơn khi sử dụng màn hình chính là điều dễ hiểu.
Đo thời gian sạc đầy pin (từ 0% lên 100%)
Để đo thời gian sạc đầy pin của Galaxy Z Fold5 (sạc từ 0% lên 100%), mình đã sử dụng dây sạc Ugreen và củ sạc Ugreen 100 W thay thế cho củ sạc 25 W chính hãng của Samsung.Củ sạc Ugreen 100 W và cáp sạc Ugreen mà mình sử dụng để đo thời gian sạc đầy pin Galaxy Z Fold5.
Đây là củ sạc nhanh công suất 25 W chính hãng Samsung. Nguồn: Samsung.
Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đo thời gian sạc đầy pin Galaxy Z Fold5:
- Máy đã mở nguồn.
- Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
- Máy kết nối mạng và nhận thông báo bình thường.
- Sạc xuyên suốt từ 0% lên 100% và không sử dụng máy trong quá trình sạc.
- Đã tắt tính năng “Bảo vệ pin” để ưu tiên việc sạc đầy pin máy lên mức 100%.
- Đã bật tính năng “Sạc nhanh” trong phần cài đặt sạc của máy.
Mình đã tắt tính năng “Bảo vệ pin” của Galaxy Z Fold5 nhằm tránh việc máy tự động giới hạn tốc độ sạc và ảnh hưởng đến kết quả bài test đo thời gian sạc đầy pin.
Bên cạnh đó, mình cũng phải bật tính năng “Sạc nhanh” của Galaxy Z Fold5 trước khi bắt đầu bài test.
Mình đã mất 1 tiếng 21 phút để có thể sạc đầy viên pin 4.400 mAh của Galaxy Z Fold5 (sạc từ 0% lên 100%). Đây là một con số tương đối ổn nếu xét đến công suất sạc 25 W của thiết bị.
Để sạc đầy pin của Galaxy Z Fold5 (sạc từ 0% lên 100%), mình đã mất 1 tiếng 21 phút.
Chất lượng ảnh chụp, giao diện camera
Trong phần cuối cùng của bài đánh giá Galaxy Z Fold5, mình sẽ chia sẻ về chất lượng ảnh chụp và giao diện camera của thiết bị. Thực tế thì mình dùng chiếc smartphone này để phục vụ cho nhu cầu giải trí và xử lý một số tác vụ văn phòng nhẹ nhàng (soạn thảo văn bản, làm slide báo cáo,…) nên mình không quá chú trọng về yếu tố camera. Tất nhiên, xét đến chất lượng ảnh chụp thì mình cảm thấy hài lòng bởi Galaxy Z Fold5 vẫn là một trong những mẫu flagship gập có khả năng chụp ảnh/quay video tốt nhất của Samsung.Trước khi chia sẻ ảnh chụp từ Galaxy Z Fold5, mình sẽ điểm qua nhanh thông số camera của máy:
- Camera chính: Độ phân giải 50 MP, khẩu độ f/1.8, tiêu cự 23 mm, hỗ trợ chống rung OIS.
- Camera tele: Độ phân giải 10 MP, khẩu độ f/2.4, hỗ trợ chống rung OIS, zoom quang học 3x.
- Camera góc siêu rộng: Độ phân giải 12 MP, khẩu độ f/2.2, trường nhìn 123 độ, tiêu cự 12 mm.
Galaxy Z Fold5 vẫn là một trong những mẫu smartphone màn hình gập có hệ thống camera tốt nhất của Samsung.
Dựa trên trải nghiệm thực tế, mình nhận thấy camera của Galaxy Z Fold5 vẫn có khả năng chụp tốt ở nhiều điều kiện môi trường, trong đó máy sẽ cho ra chất lượng ảnh chụp tốt nhất trong môi trường đủ sáng.
Theo thứ tự từ trái qua phải, ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 0.5x, 1x và 3x.
Theo thứ tự từ trái qua phải, ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 0.5x, 1x và 3x.
Ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 0.5x.
Ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 3x.
Ảnh chụp cận cảnh trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 1x.
Ảnh chụp cận cảnh trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 1x.
Theo thứ tự từ trái qua phải, ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 0.5x, 1x và 3x.
Lợi thế lớn nhất khi chụp ảnh bằng Galaxy Z Fold5 nói riêng và smartphone gập nói chung đó là giúp người đối diện xem được gương mặt, dáng đứng của họ khi chụp thông qua màn hình phụ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tận dụng khả năng trên để chụp ảnh nhóm.
Galaxy Z Fold5 có tính năng chụp ảnh selfie bằng camera sau rất tiện lợi cho việc chụp nhóm.
Về giao diện camera của Galaxy Z Fold5 thì mình nhận thấy phần này nhiều điểm tương đồng với các mẫu flagship khác của Samsung. Giao diện được thiết kế theo hướng trực quan, dễ làm quen sử dụng và đa dạng tính năng chụp ảnh/quay video. Thiết bị cũng có thêm mục xem hình ảnh sau khi chụp xong rất tiện lợi.
Mình nhận thấy giao diện camera của Galaxy Z Fold5 rất trực quan, dễ sử dụng.
Mình cũng có thể xem nhanh ảnh ở một phần màn hình khi chụp ảnh trên Galaxy Z Fold5.
Máy cũng hỗ trợ đa dạng chế độ chụp ảnh, quay video để người dùng có thể tạo ra những khoảnh khắc, thước phim thú vị.
Ngoài ra, mình cũng thường dùng ứng dụng ExpertRAW trên Galaxy Z Fold5 bởi phần mềm này giúp mình lưu lại hai định dạng của bức hình là RAW (để hậu kỳ sâu vào thông số, chỉnh màu ảnh,…) và JPG (sử dụng ngay để đăng lên mạng xã hội, chia sẻ với người thân/bạn bè,…).
Galaxy Z Fold5 hỗ trợ lưu ảnh định dạng JPEG và RAW ở cả chế độ Chuyên Nghiệp lẫn ứng dụng ExpertRAW.
Tuy nhiên, mình nhận thấy máy đôi khi lấy nét chậm khi chụp bằng ứng dụng ExpertRAW và điều này không xảy ra ở chế độ Chuyên nghiệp (có lẽ là một lỗi nhỏ liên quan đến phần mềm). Bên cạnh đó, máy cần khoảng 7 - 8 giây để xử lý cũng như lưu lại ảnh định dạng RAW và điều này hơi tốn thời gian một chút.
Mình nhận thấy khả năng bắt nét của Galaxy Z Fold5 ở chế độ Chuyên Nghiệp nhanh và ổn định hơn so với khi dùng ExpertRAW.
Một vài nhận định của mình
Dựa trên những trải nghiệm và giá trị mà Galaxy Z Fold5 mang lại thì đây vẫn là một mẫu smartphone màn hình gập rất chất lượng của Samsung từ phong cách thiết kế mềm mại (có thể gọi là đối lập với kiểu thiết kế có phần vuông vức trên Z Fold6), hiệu năng vẫn còn rất mạnh, trải nghiệm phần mềm đầy đủ tính năng Galaxy AI và hệ thống camera chất lượng.Tuy nhiên, phần bản lề và màn hình gập vẫn là một trong những lý do chính khiến người dùng còn e dè (vì độ bền) với Galaxy Z Fold5 nói riêng và những mẫu smartphone màn hình gập nói chung. Kể cả khi giá bán của sản phẩm đã tốt hơn nhiều so với thời điểm Z Fold6 chưa ra mắt.
Galaxy Z Fold5 dù sở hữu nhiều điểm nhấn đáng chú ý xét trên nhiều yếu tố nhưng độ bền của sản phẩm vẫn là điều khiến nhiều người dùng phải e ngại.
Vậy các bạn đánh giá như thế nào về Samsung Galaxy Z Fold5 ở thời điểm hiện tại? Các bạn mong muốn mình thực hiện thêm chủ đề với thiết bị nào của dòng smartphone gập Samsung Galaxy Z Fold Series, Z Flip Series? Hãy thực hiện bảng vote bên dưới và bình luận ở cuối bài viết để nêu lên quan điểm của bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.
Xem thêm: