6 chip CPU ấn tượng nhất, tốt nhất của Intel từ trước tới nay

P.W
9/10/2022 9:39Phản hồi: 221
6 chip CPU ấn tượng nhất, tốt nhất của Intel từ trước tới nay
Trong thế giới điện toán, Intel luôn là dân chơi có tuổi đời và bề dày thành tích ấn tượng nhất. Nhưng dù có ấn tượng đến đâu, thì sau cái thời kỳ mấy năm liền ra mắt chip CPU cao cấp chỉ có 4 nhân 8 luồng, rồi đến những năm cuối thập niên 2010 đầy khó khăn khi AMD Ryzen xuất hiện, rất khó để tất cả mọi người lên tiếng ủng hộ Intel ở thời điểm hiện tại. Ấy là chưa kể, ai cũng thích cổ vũ cho cái tên “cửa dưới” trong mỗi trận đấu David chống lại gã khổng lồ Goliath. Cũng chính nhờ “kẻ cửa dưới” AMD Ryzen ấy, Intel cũng đã phải thay đổi, không bán Core i7 4 nhân nữa.

Nhưng, Intel chắc chắn không thể có vị thế như ngày hôm nay, nếu những ngày đầu, họ không phải là một đơn vị đầy sáng tạo và dám đưa ra những thay đổi để giành ngôi vương. Và thỉnh thoảng, xin phép nhắc lại là thỉnh thoảng, Intel lại có một con chip CPU tuyệt vời, khiến thị trường thay đổi. Dưới đây là 6 cái tên như vậy.

Intel 8086 - 1978


[​IMG]

Xét trên mọi thước đo, Intel 8086 là một con chip CPU thành công ở mọi khía cạnh: Doanh số thương mại, sức mạnh xử lý, và mức độ đổi mới trong công nghệ. Con chip có tuổi đời hơn 4 thập niên này đến tận ngày hôm nay vẫn là nền móng của điện toán, là “cụ tổ” của mọi CPU kiến trúc tập lệnh x86. Mà thật ra gọi tên kiến trúc tập lệnh x86 cũng chính vì cái tên của con chip này chứ không đâu xa.

Intel nói đây là CPU 16-bit đầu tiên được ra mắt, nhưng thực tế không phải vậy. Xu hướng chip xử lý 16-bit đã có từ thập niên 1960, khi con người ứng dụng nhiều CPU kết hợp lại với nhau để có sức mạnh đủ xử lý điện toán 16-bit. Mà kể cả như thế, 8086 cũng không phải là chip đơn nhân 16-bit đầu tiên. Danh hiệu này thuộc về General Instrument CP1600 và Texas Instruments TMS9900. Thậm chí 8086 còn được tung ra thị trường một cách vô cùng gấp gáp để cạnh tranh với các đối thủ khác, khi quá trình phát triển trong phòng lab của Intel chỉ kéo dài có đúng một năm rưỡi.

Tinhte_Intel2.jpg

Ban đầu thì doanh số 8086 khá tệ vì sức ép cạnh tranh của những sản phẩm khác trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, Intel chạy một chiến dịch quảng cáo khổng lồ để giới thiệu con chip đến với khách hàng. Chiến dịch này có tên Operation Crush, nơi Intel đốt 2 triệu USD, tương đương 7,2 triệu USD của ngày hôm nay để quảng bá 8086 qua những phiên hội thảo, những bài viết trên báo và tạp chí, và những chương trình khuyến mại. Sau cùng thì họ cũng thành công, khi hơn 2500 thiết kế máy tính cá nhân ứng dụng CPU 8086. Nổi nhất phải kể đến IBM Personal Computer.

IBM PC trang bị Intel 8088, phiên bản giá rẻ của 8086, và được ra mắt vào năm 1981, và nhanh chóng thống trị toàn bộ thị trường máy tính cá nhân tại gia. Đến năm 1984, doanh thu từ Personal Computer của IBM đã gấp đôi của Apple, thị phần thì gần như độc quyền, chiếm 50 đến 60% toàn bị thị trường. Đến khi PS/2 ra mắt, cuối cùng IBM cũng dùng chip 8086, bên cạnh những CPU khác của Intel.

Tinhte_Intel3.jpg

Thành công của 8086 tạo ra một hệ quả cực kỳ lâu dài, đến tận ngày hôm nay. Một trong số đó là cho dù có tạo ra nhiều kiến trúc tập lệnh mới, nhưng đến giờ x86 vẫn là chủ đạo trên thị trường điện toán. Một hệ quả khác bất ngờ hơn, đó là vì Intel không sản xuất được đủ chip 8086 phục vụ thị trường, IBM mới bắt họ phải có một đối tác để sản xuất đủ cung ứng nhu cầu thị trường. Đối tác đó không ai khác chính là AMD.

Celeron 300A - 1998


Tinhte_Intel4.jpg

Hai thập kỷ tính từ thời điểm 8086 ra mắt, hệ sinh thái PC bắt đầu hình thành, nơi người dùng tự bỏ tiền mua linh kiện rời về ráp máy tính với cấu hình theo ý muốn của họ. Đến cuối thập niên 90, điều rõ ràng là nếu muốn lắp máy tính, anh em khi ấy sẽ phải dùng Windows, HĐH chỉ vận hành trên phần cứng x86 lúc ấy. Đương nhiên điều đó giúp Intel trở thành cái tên thống trị thị trường PC, khi chỉ có hai đơn vị khác nắm giữ bản quyền thiết kế và sản xuất CPU x86, là AMD và VIA.

Quảng cáo



Năm 93, Intel ra mắt mẫu Pentium đầu tiên, sử dụng cái tên ấy gần 30 năm cho tới vài tuần trước khi họ tuyên bố sẽ dừng sử dụng thương hiệu này trong những mẫu CPU bình dân. Pentium bản sau đương nhiên mạnh hơn bản trước, nhưng không có sáng tạo và đột phá nào đáng kể. Đương nhiên nếu so với 8086, về mặt công nghệ, Pentium cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn. Mọi chuyện ổn cho đến khi AMD ra mắt CPU K6, tạo ra hiệu năng ngang ngửa Pentium nhưng giá lại rẻ hơn. Intel đương nhiên phải có câu trả lời: Celeron.

Tinhte_Intel5.jpg

Nhìn sơ qua, Celeron có vẻ chỉ đơn giản là một mẫu Pentium hiệu năng thấp hơn, giá cũng rẻ hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là nếu ép xung con chip này, nó sẽ tạo ra hiệu năng chẳng thua gì Pentium cả. Những CPU thời ấy kiến trúc Mendocino được yêu mến vô cùng vì chúng cũng có bộ nhớ đệm L2 hệt chip Pentium cao cấp, chỉ là dung lượng thấp hơn.

Trong số những chip Mendocino của Intel (AMD cũng có APU tên mã Mendocino nhưng mà quý IV năm nay mới ra mắt cho laptop), Celeron 300A là một bé hạt tiêu đúng nghĩa. Có lúc, những overclocker có thể kéo xung nhịp của 300A lên tới ngưỡng 450 MHz, cao gấp 50% so với xung nhịp gốc. Con số này bá đạo ở chỗ, Pentium II xung nhịp 450 MHz của Intel có giá 700 USD, còn Celeron 300A có giá… 180 USD. Dĩ nhiên bộ nhớ đệm L2 ít hơn thì hiệu năng cũng thấp hơn “hàng xịn”, nhưng chênh lệch giá là quá lớn, từ đó biến 300A trở thành con chip được rất nhiều người yêu mến.

Core 2 Duo E6300 - 2006


Tinhte_Intel6.jpg

Quảng cáo


Intel có một đế chế CPU cực mạnh vào thập niên 90 nhờ Intel và Celeron. Nhưng đến đầu thập niên 2000, những vết nứt bắt đầu xuất hiện. Năm 2000 là thời điểm Pentium IV ra mắt, dựa trên kiến trúc khét tiếng tên mã NetBurst. Với kiến trúc này, Intel xác định rằng định hướng tương lai sẽ là tăng mạnh xung nhịp CPU vận hành. Thậm chí họ có kế hoạch để CPU chạy ở xung 10GHz vào năm 2005. Với chip máy chủ, Intel ra mắt Itanium, phiên bản chip x86 64-bit đầu tiên.

Chẳng may cho Intel, chiến lược này phá sản khá nhanh, và họ nhanh chóng phát hiện ra NetBurst không thể đạt ngưỡng xung nhịp họ mong muốn. Itanium cũng chẳng hơn gì, và tỷ lệ ứng dụng kiến trúc mới rất thấp, ngay cả khi nó là CPU 64-bit duy nhất trên thị trường. AMD nhìn ra cơ hội và nhanh tay chiếm lấy miếng bánh thị phần, và Intel mất thị phần với tốc độ rất nhanh, cả ở mảng desktop lẫn máy chủ. Điều đó đưa chúng ta đến với chiến lược khét tiếng, nơi Intel… đút lót cho các hãng OEM để không dùng chip AMD trong các hệ thống máy tính họ sản xuất và bán ra thị trường. Nhưng cùng lúc, Intel cũng biết họ cần một sản phẩm đủ cạnh tranh để không phải trả HP, Dell hay Asus mỗi năm hàng tỷ USD.

Tinhte_Intel7.jpg

Đến năm 2006, Core 2 series ra mắt, thay đổi hết những chip kiến trúc NetBurst ra mắt 6 năm về trước. Những CPU này không chỉ ứng dụng kiến trúc hoàn toàn mới, mà còn là lần đầu tiên chúng ta thấy một chip x86 với 4 nhân xử lý, Core 2 Quad. Core không chỉ đưa Intel trở lại cuộc đua, mà còn đưa họ dẫn trước AMD.

Dù những món đồ chơi như Core 2 Extreme X6800 và Core 2 Quad Q6600 gây ấn tượng mạnh vì hiệu năng xử lý, thì con chip giá thấp hơn, Core 2 Duo E6300 lại là một sản phẩm tuyệt vời ở khía cạnh khác, giống hệt như Celeron 300A nhiều năm về trước. Hiệu năng của nó cũng chỉ ở tầm trung bình, nhưng đem ép xung thì không chê vào đâu được. Từ xung nhịp gốc 1.86 GHz, Anandtech từng kéo E6300 lên 2.59 GHz, tạo ra hiệu năng đánh bại cả con chip cao cấp nhất của AMD khi ấy là Athlon FX-62 hai nhân.

Tinhte_Intel8.jpg

Kiến trúc Core đã hồi sinh sức mạnh kỹ thuật của Intel, thứ họ chưa từng có kể từ thập niên 1990. AMD lúc ấy rất khó đuổi kịp chứ đừng nói là đứng ngang hàng với Intel. Mãi một năm sau AMD mới có CPU 4 nhân.

Core i5-2500K - 2011


Tinhte_Intel9.jpg

Cũng may cho Intel, Core không thất bại thê thảm như NetBurst, và kiến trúc này đã cho phép họ cải tiến kiến trúc sau mỗi thế hệ sản phẩm. Cùng lúc, Intel cũng tạo ra những tiến trình sản xuất chip mới ở tốc độ rất đều đặn. Đấy chính là cái thời “tick-tock” nổi tiếng, nơi “tick” tạo ra những cải tiến trong tiến trình, còn “tock” tạo ra cải tiến của kiến trúc chip. Core 2 thế hệ đầu tiên là nhịp “tock” vì nó cũng được sản xuất dựa trên tiến trình 65nm như của NetBurst, còn thế hệ Core 2 tiếp theo là “tick”, khi nó được sản xuất trên tiến trình 45nm.

Đến năm 2011, Intel đã trải qua hai nhịp “tick - tock”, tạo ra những CPU càng lúc càng ngon, đều như vắt chanh. Còn AMD thì gần như không có cách nào đuổi kịp cả. Sau này Phenom ra mắt mới đem lại những chip CPU 4 nhân và 6 nhân ra thị trường, nhưng vì hiệu năng không đuổi kịp, nên AMD quay trở về với chiến lược bán hàng ở phân khúc dưới để giành thị phần Intel không chiếm được. Tới năm 2011, áp lực đối với AMD lại tăng lên khi Intel ra mắt Core 2nd Gen.

Tên mã kiến trúc Sandy Bridge, Core 2nd Gen là sản phẩm của nhịp “tock”, tạo ra hiệu năng IPC tăng vọt, bên cạnh xung nhịp vận hành cũng tăng theo. Hệ quả là trong vài trường hợp, chip Core đời 2 mạnh hơn tới 50% so với đời đầu. Và với Quick Sync, bộ tăng tốc encode dữ liệu video, GPU tích hợp của Core đời 2 cũng không tồi chút nào.

Tinhte_Intel10.jpg

Nhưng cái tên đáng nói nhất của thế hệ ấy, như mọi lần, không phải sản phẩm cao cấp nhất, mà đấy lại là Core i5-2500K, CPU mà mình tin nhiều anh em đã gắn bó rất lâu. Nó rẻ hơn 100 USD so với Core i7-2600K, nhưng hiệu năng thì lại chỉ thua đúng 1 con chip đời trước, Core i7-980X dành cho những hệ thống workstation. Đến giờ nhắc lại, phải khẳng định nhiều anh em vẫn sẽ có những cảm xúc tích cực về một CPU tầm trung với hiệu năng đáng nể.

Để chống lại tốc độ phát triển của Intel, năm 2011, AMD ra mắt kiến trúc Bulldozer, với những CPU FX đời mới. Anh em có thể nhớ FX-8150 là một con quái vật, nhưng chỉ ở lượng điện nó tiêu thụ, chứ hiệu năng đôi khi còn thua cả Phenom đời cũ, chứ đừng nói đến chuyện ăn được i5-2500K. Không có AMD ép Intel phải liên tục đổi mới và sáng tạo, nhiều chuyên gia khi ấy đã đưa ra lo ngại rằng Intel muốn làm gì cũng được, bán ra những sản phẩm chỉ hơn chút xíu so với thế hệ cũ, và áp mức giá không tưởng vì làm gì có lựa chọn khác.

Đáng buồn là những năm sau đó, dự đoán ấy đúng đến đau lòng.

Core i7-8700K - 2017


Tinhte_Intel11.jpg

Sandy Bridge là kiến trúc rất ổn, nhưng nó mở ra một thời kỳ tăm tối cho anh em chơi PC, những người luôn kỳ vọng thế hệ CPU sau sẽ ngon hơn và rẻ hơn thế hệ trước. Nhưng khi không còn AMD cạnh tranh, Intel không có lý do gì để ra mắt những sản phẩm đời sau ngon hơn đời trước 50% như những gì họ đã làm với Core đời đầu và đời 2. Sáu năm tiếp theo kể từ thất bại của AMD Bulldozer, Intel cứ đẻ chip sòn sòn nhưng sản phẩm cao cấp nhất cho người tiêu dùng phổ thông vẫn mãi chỉ là 4 nhân 8 luồng gắn mác Core i7.

Giá năm nào cũng giữ nguyên: Core i5 200 USD, Core i7 300 USD. Tính đến trước năm 2017, Core i3 đừng hòng có khả năng ép xung, và điều đó cũng được áp dụng cho Core i5 và i7, những phiên bản gọi là “non-K”.

Tinhte_Intel12.png

Mọi chuyện càng lúc càng khiến thị trường bực mình với thế hệ Core 7th Gen, Kaby Lake ra mắt đầu năm 2017. Theo mô hình tick-tock, vì Skylake 14nm đã ra mắt từ năm 2015, khi ấy đáng lẽ Intel phải ra mắt tiến trình 10nm rồi. Nhưng rồi Core 7th Gen giống hệt 6th Gen, vẫn là tiến trình 14nm, vẫn là kiến trúc Skylake. Với sự ra mắt này, Intel tuyên bố chiến lược “tick-tock” đã chấm dứt, thay vào đó là mô hình tiến trình - kiến trúc - tối ưu. Core 7th Gen chính là bước tối ưu. Mọi người đương nhiên không vui vẻ cho lắm.

Và rồi chúng ta có cứu cánh, đó không ai khác lại chính là AMD. May quá lần này họ không thất bại nữa. Chỉ vài tháng sau khi Core i7-7700K ra mắt, AMD ra mắt thế hệ CPU Ryzen đầu tiên. Những con chip Ryzen 1000 cuối cùng cũng đưa AMD trở lại cuộc chơi, với hiệu năng đơn nhân vừa đủ, còn hiệu năng đa nhân thì không chê vào đâu được, và đem cả những CPU 8 nhân hiệu năng cao lần đầu tiên đến với thị trường CPU tiêu dùng. Đương nhiên Kaby Lake của Intel vẫn đủ để giành lợi thế trong hiệu năng đơn nhân khi chơi game, nhưng ngần ấy là không đủ để biến Zen trở thành một thất bại như Bulldozer 6 năm về trước.

Tinhte_Intel13.jpg

Intel đối đầu với Ryzen cực kỳ nghiêm túc, và chỉ 9 tháng sau khi Core i7-7700K ra mắt, Intel đã giới thiệu Core i7-8700K. Giờ i7 có 6 nhân 12 luồng, còn i5 có 6 nhân 6 luồng xử lý, còn Core i3 giờ giống hệt như i5 của đời trước, 4 nhân 4 luồng. May mắn là mức giá của từng con chip không thay đổi so với thế hệ Kaby Lake. Coffee Lake, Core 8th Gen vẫn cứ là một bước nâng cấp của Skylake 14nm, nhưng với nhiều nhân hơn, và xung nhịp cao hơn.

Bằng giá 7700K, nên 8700K là một sản phẩm cực kỳ đáng tiền. Nó trở thành CPU flagship tốt nhất của Intel trong nhiều năm. Đối mặt với Ryzen 7 1800X, 8700K chỉ thua chút xíu hiệu năng đa nhân, còn mọi thứ khác đều tốt hơn, đã thế còn rẻ hơn 1800X những 100 USD.

Thế nhưng ở ngữ cảnh của năm 2017, mọi chuyện đang có chiều hướng không ổn cho Intel chút nào. Rõ ràng mô hình “tiến trình - kiến trúc - tối ưu” không hiệu quả, và Core 8th Gen là lần “tối ưu” thứ hai của Skylake, sau Kaby Lake. Đến năm 2018, tiến trình 10nm Cannon Lake của Intel ra mắt, và chúng ta nhận ra rõ ràng tiến trình mới của Intel rất tệ. Họ phải làm chip desktop “14nm++++” mấy lần nữa để chuyển được sang tiến trình mới?

Hóa ra là cũng phải mất 4 năm để điều đó trở thành hiện thực.

Core i9-12900K - 2021


[​IMG]

Năm 2018, Cannon Lake trên laptop chứng minh 10nm của Intel chỉ đủ tạo ra những CPU máy tính xách tay với hiệu năng làng nhàng không có gì đáng kể. Mọi thứ trở nên ổn hơn vào năm 2019 với Ice Lake, với những CPU laptop 4 nhân và nhân đồ họa ở mức tạm chấp nhận được. Rồi Intel lại cải tiến tiếp tiến trình 10nm với Tiger Lake vào năm 2020, nhưng lúc đó hiệu năng vẫn chưa đủ để tạo ra chip xử lý máy bàn.

Intel rất rất rất cần chip CPU desktop sản xuất trên tiến trình 10nm của họ. Intel 14nm giờ đã rất già cả, từ đó ngăn cản việc ứng dụng nhiều nhân xử lý hơn và tăng xung nhịp. Còn trong khi đó, với việc hợp tác cùng TSMC, AMD cứ dần dần ra mắt những CPU mới trên những tiến trình mới, bắt đầu với Ryzen 3000, kiến trúc Zen 2, rồi sau đó là Ryzen 5000 kiến trúc Zen 3, đời sau ấn tượng hơn đời trước rất nhiều. Intel cần phải comeback, càng choáng ngợp càng tốt.

Tinhte_Intel15.jpg

Đấy là những gì xảy ra vào năm 2021, với thế hệ CPU desktop đầu tiên sử dụng tiến trình 10nm, Alder Lake. Những CPU này rất khác so với 10900K và 11900K của những năm trước đó, khi ứng dụng kiến trúc hybrid, kết hợp những nhân xử lý hiệu năng cao đa luồng với những nhân xử lý hiệu năng thấp, từ đó tạo ra hiệu năng đa nhân vượt rất xa đối thủ cũng như chip flagship đời trước. Cái thời điểm Ryzen 9 5950X ra mắt, nó giống một mẫu flagship đắt tiền, và người ta cứ tưởng nếu không đủ tiền mua 12900K thì chọn 5950X là hợp lý. Hóa ra giá khuyến nghị của 12900K lại là 670 USD, rẻ hơn 5950X!

Gọi Alder Lake là một màn comeback ngoạn mục, thiết nghĩ cũng không phải nói quá.

Vấn đề của Alder Lake nói chung và Core i9-12900K nói riêng là nó ra mắt hơi muộn. Quan trọng hơn, nó tốn điện, bằng chứng cho thấy 10nm Intel vẫn chưa sẵn sàng ở thời kỳ đỉnh cao về mặt tối ưu. Nhưng pha comeback này đã đưa AMD trở về mặt đất, sau màn ra mắt đúng chất đại kình địch Intel, tức là “chặt giá người dùng” của thế hệ Ryzen 5000. Họ phải giảm giá CPU xuống để cạnh tranh được với Alder Lake. Cùng lúc, họ cũng phải ra mắt những mẫu APU và CPU giá rẻ để cạnh tranh với Core i5-12400, mẫu CPU khi ấy rẻ hơn 100 USD so với Ryzen 5600X nhưng khỏe hơn nhiều.

Tinhte_Intel16.png

AMD trong quá khứ chứng minh phải có họ thì người dùng mới không bị Intel ép giá. Và ở năm 2021, chính Intel lại chứng minh điều tương tự, không có họ thì AMD sẽ chẳng khác gì Intel đâu.

Tương lai của Intel


Giờ này, chỉ khoảng vài ngày nữa thôi, những benchmark đo đạc sức mạnh của Raptor Lake, của Core i9-13900K sẽ được các trang web trên toàn thế giới lên sóng. Điều hơi đáng tiếc là Intel không đi theo hướng mà họ đã làm vào năm ngoái khi chuyển giao giữa Rocket Lake và Alder Lake. Raptor Lake sẽ chỉ là bước nâng cấp và tối ưu tiến trình để chip tạo ra hiệu năng tương đương 12900K nhưng ăn ít điện hơn, và mức giá rẻ hơn.

Tinhte_Intel17.jpg

Nhưng nhìn xa hơn, Intel đang gặp khó. Họ được cho là đang có những tiến bộ tích cực với tiến trình 7nm, đổi tên thành Intel 4, ra mắt vào năm sau với Meteor Lake. Nhưng với một thiết kế ứng dụng ít nhất 4 tiến trình khác nhau, rắc rối có thể xảy đến ở bất kỳ bước nào. Hy vọng Intel thực hiện chiến lược thiết kế và sản xuất CPU một cách hoàn hảo, vì giờ chỉ lỡ một bước là hậu quả khôn lường về mặt kinh doanh.

Ấy là chưa kể, ngay cả khi Meteor Lake thành công, Intel cũng không được ngồi yên. Tin mừng cho chúng ta, và tin xấu cho Intel, đấy là dù 14900K có thành công thì Intel cũng không thể nào có được vị thế độc tôn như quãng thập niên 80, hoặc sau đó là những năm cuối thập niên 2000.

Tinhte_Intel18.jpg

AMD giờ có giá trị vốn hóa cao hơn cả Intel, tức là giờ Intel mới là kẻ ở chiếu dưới trên thị trường kinh doanh. Intel trong thời điểm hiện tại vừa phải thu nhỏ bộ máy tập đoàn, nhất là những mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm, cùng lúc đang dần mất thị phần vào tay AMD. Nhưng nếu lịch sử dạy điều gì đó cho chúng ta, thì đừng nên làm fan của một trong hai cái tên kể trên. Chúng ta cần cả AMD lẫn Intel cùng tồn tại, cùng cạnh tranh một cách gay gắt, nếu không muốn lịch sử từ 2011 đến 2017 lặp lại.

Theo Digital Trends
221 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

SeekerT
TÍCH CỰC
2 năm
Bộ PC đầu tiên mình mua năm 2009: core 2 duo 8400, 2GB RAM.
SeekerT
TÍCH CỰC
2 năm
@bomduc nếu nâng cấp nhiều quá thì đâu nhớ nổi
Cười vô mặt
@SeekerT Build nhiều vs bộ cũ lâu quá ko nhớ 😁
@SeekerT thời đó con này P/P cực tốt
@SeekerT Giống mình, cũng core2 duo, cũng 2gb ram, card màn hình thời ấy dung lượng vram tính bằng mb, 512mb là oách xà lách lắm rồi 😂
CPU nào của Intel cũng như sh*t thì có ấy 😃 Cảm thấy Intel và fan ngày càng nhục dần đều, chip thì bú điện bậc nhất nhưng vẫn yếu như sên, nguyên con CPU laptop gần 2 năm là Ryzen 7 5800H hiệu năng còn ăn đứt con CPU desktop i5 12600K ra sau mà 1 bên ăn có 45W một bên hơn 200W mà vẫn yếu hơn, trong khi con Ryzen 7 5800H gắn đc lên cả con Slim 7 Pro nặng có 1,4 kg full load vẫn mát mẻ trong khi 1 bên phải main xịn, tản ngon mà fan Intel vẫn gáy đc thế mới tài, còn CPU laptop i7 12th chắc còn chưa nổi móng chân của Ryzen 5 4000 U chứ nói gì đấu lại 😃 Tương lai giờ chỉ còn Apple M và Ryzen đấu với nhau, Intel nghỉ làm CPU đi gia công cho AMD dần đi là vừa
@Theloneranger0615 Haha. Bớt tấu hài đi.
@BenGlo an tâm x64 vẫn xài itanium dẹp lâu rồi nên khỏi ví dụ. intel muôn đời vẫn lởm
@dungluu Uh chính xác thì bọn Mỹ gốc đông lào qua đó sau năm 1985 hay mang theo tư tưởng văn hoá CSVN
@Theloneranger0615 Ngu
Con core 2 duo nổi tiếng nhất ở VN có lẽ lf e8400 😆 hồi đấy ai lắp máy mới cũng pick con này
denis_tien
TÍCH CỰC
2 năm
@namphuong000 trong đó có tui. haha. Mua xong bán, bán xong lại mua lại
SeekerT
TÍCH CỰC
2 năm
@namphuong000 E8400 xung cao hơn hẳn E8200 mà giá không chênh lệch mấy, ai cũng pick E8400 thay vì E8200
Khi công nghệ 3nm lên ngôi. Chip Intel và AMD cần phải thay đổi tiến trình
@hoangtu2306 Éo biết gì còn phát biểu. AMD nó có tự sản xuất đâu, công nghệ 3nn lên ngôi thì AMD nó khắc tự biết thuê gia công CPU theo 3nn. Cần thay đổi là Intel.
3d8x
ĐẠI BÀNG
2 năm
bộ đầu tiên lắp 2004 celeron 2.4ghz. Giờ lên xeon xài mãi không chịu hư.
laiviet
TÍCH CỰC
2 năm
@hero_hw Đồng ý là nó có thể hỏng, nhưng mình nói là nó là cái "ít hỏng nhất"
vanthoan
TÍCH CỰC
2 năm
@3d8x Mấy chục năm xài máy tính mà chưa hỏng con CPU nào cả. Main hỏng, RAM hỏng, ổ cứng hỏng, nguồn hỏng, các thứ hỏng, chỉ có con CPU là bất tử. Chỉ là nó quá chậm, hoặc là không tìm ra main RAM thay thế mới phải liệng con CPU đi.
@laiviet CPU thì chỉ khi nào chập điện hay nóng quá hay vô nước mới hư, mà khoản nóng quá thì lại có chế độ tự tắt máy rồi còn đâu
Haduong90
TÍCH CỰC
2 năm
@3d8x dòng Xeon trâu bỏ xừ đi, ông muốn nó hỏng trừ khi ông đổ nước vào hoặc bẻ chân nó thôi. 😆
mình cũng đã sài qua core 2 duo heheh
chúng ta cả thế giới phải cảm ơn những nỗ lực của AMD và bây h là Apple
Hợp lý rồi. Có cạnh tranh cân bằng thì tốt hơn hẳn. Dù sao cũng phải cám ơn Intel đã giúp bình dân hóa máy tính đêt giờ đây ai cũng có 1 chiếc pc trên bàn
Hi vọng AMD có những cải tiến vượt bậc
vanthoan
TÍCH CỰC
2 năm
Một thời vật lộn với con Pentium 2, chậm dã man con ngan 😔
Nói gì thì nói, Intel vẫn là ông tổ của kiến trúc x86, còn AMD lại là thằng nắm bản quyền của kiến trúc x64 mà cả Intel lẫn AMD vẫn đang dùng ngày nay. Bởi vậy AMD trả tiền cho Intel cái x86 còn Intel thì trả tiền cho AMD cái x64. Cả 2 thằng đều sở hữu chéo bản quyền, coi như hòa.
@vanthoan hòa gì. mai mốt app nào cũng 64bit xài x64 hết lúc đó cpu dẹp luôn hỗ trợ x86 thì amd ko share intel có khóc. như cpundi động giờ ngưng hỗ trợ ứng dụng 32bit rùi.
BenGlo
CAO CẤP
2 năm
@ragefighter nhà phải có móng chứ ông nội :VVVV
@BenGlo móng dỏm ai thèm nữa? quá cũ rồi. giờ móng mới x64 kìa
BenGlo
CAO CẤP
2 năm
@ragefighter Thì ông đi kêu AMD đừng xây móng bằng x86 nữa, đơn giản thôi 😂
x64 chỉ là phần nâng cấp thôi chứ phải cái gốc đâu.
@BenGlo móng gì thím? giờ app hỗ trợ x64 hết cắt phần hỗ trợ x86 là toi đời intel. như mấy con arm giờ cằt phần hỗ trợ 32bit rùi. hahah
Mình mua con PC đầu tiên năm 2001, Pentium III 450, sau đó ép xung lên 667 chạy phà phà. Thời đó gần như chỉ có Intel, AMD chạy nóng và yếu hơn.
HemakA
TÍCH CỰC
2 năm
@lightingbolt Có vẻ sai sai, Piii 450 là con chip chạy slot1 (mình từng có em 500) bus hệ thống 100MHz nên nó ko ép ra đc số lẻ 667. Con piii 667 là dòng coppermine trên socket370 bus 133.
@HemakA con mình mua là bus 133 bạn ơi
HMG2020
TÍCH CỰC
2 năm
Tôi có con laptop HP dùng chíp amd a6 4 core 2.0Ghz ram ddr3L 8G mà mở 3 tag chrome là nó lag (win 10 pro). Trong khi con i5 gen 2 chỉ 2core 2.3Ghz cũng 8G ram mà chạy phà phà.
Chưa dùng ryzen mới, nhưng đang dùng laptop i7 11800H thấy ổn
@HMG2020 Có khi do cả ổ cứng nữa bác ơi
dungluu
ĐẠI BÀNG
2 năm
@HMG2020 Chip a6-5200 phải ko bác? Con này dùng bình thường ổn ko. Em mới tìm 2 main desktop dùng chip này, mà ko biết có ngon ko, ko dùng win dc thì chuyển nó thành pc router chạy mik os.
gialong_v
ĐẠI BÀNG
2 năm
I3 10105f đâu rồi 😂
Con PC đầu tiên của mình chạy chip AMD Althon ii X3 Triple core, có 3 nhân. Hồi đó định build Intel Core 2 dual nhưng mà nhìn lại thấy con AMD rẻ rẻ hơn mà có nhiều nhân hơn nên ham, build xong thấy nó lỗi vặt nhiều quá, cứ lỗi miết... Nhưng hồi xưa không rành nên không rõ có phải do chip AMD hay không.. Giờ thì cũng đang sài chip AMD (PS5) và Apple M1 Max, sắp tới sẽ build PC chạy chip Intel 😁
yxmikan1
ĐẠI BÀNG
2 năm
@henry_1177 Bác giống tui này, cũng con x3 mà mã là 445. Giờ chết main nhưng vẫn giữ con chip làm kỉ niệm 😆
Lúc mới qua Mỹ 2013. Đi qua nhà ông chú thấy laptop amd althon II toshiba 15.6 inch trong kho đời 2001 mà ông chú mua . Xin về cài windows 7 . Thời điểm đó chơi game võ lâm truyền kỳ vẫn treo phà phà 8 acc vl 😆) . Chuyển qua chế độ safe mod mà cắm võ lâm truyền kỳ . Đó lý do vẫn thích amd đến tận giờ . Con amd cpu 13 năm tuổi vẫn chạy game võ lâm tốt . Tới lúc dọn nhà qua nhà mới năm 2015 quên ko mang theo mất luôn con laptop amd athon đầy kỷ niệm .
Mọi người cho hỏi những năm 70, 80 người ta mua máy tính cá nhân về nhà làm gì vậy? Hồi đó mình nhớ đọc ở đâu bảo giá rất đắt với chẳng có hình ảnh toàn chữ là chữ. Giá thì ngang với 10k $ bây h. Ko lẽ người ta mua về làm việc? Nếu mua về làm việc thì có thể nói là người ta làm ra tiền còn mình làm để mất tiền đấy……..Trừ khi pc đó công ty cấp or trợ giá.
@dlv.thickgame Những người thực sự có nhu cầu và có tiền thời đó sẽ mua thôi, dùng để soạn văn bản, lưu trữ, học tập, tính toán, chơi vài trò đơn giản ...
@dlv.thickgame 80 thì DH tự nhiên HCM đã dạy môn toán tin có học về lập trình rồi . Nhà tui mua 1 con pc pentium 4 : bà chị học + bà cô thì copy nhạc bán ( tiền ko )
@dlv.thickgame năm 70-80 thì ở VN gần như chưa có máy tính cá nhân đâu bạn, nước ngoài thì mình k biết.
@dlv.thickgame Ban đầu nó rất to. Dùng để lưu trữ dữ liệu của cty.
Sau này nó nhỏ lại thay cho máy đánh chữ.

Hồi xưa còn chạy trong đó có mấy cái game kiểu xếp gạch, đánh banh qua lại trên màn trắng đen. Rồi thay cho máy đánh chữ soạn văn bản.

Cho tới khi Window ra đời bởi thì thì giao diện đẹp hơn, dễ dùng hơn và game lên 1 tầm cao mới 2D rồi 3D. Rồi phát triển len lỏi vào nhiều ngành nghề.

Năm 2000 internet bùng nổ phát triển nhiều hơn nữa....
grozar
CAO CẤP
2 năm
i5-2500K đúng huyền thoại 1 thời
HemakA
TÍCH CỰC
2 năm
Tất cả các em trên mình đều có tí dính dáng và cũng tình cờ vào những đợt nâng cấp lớn của mình, trừ em 12th chưa có nâng cấp đến. Em 8086 ra đời cùng năm với mình, em 300A thì có celeron 366 (lên từ pentium 200MMX); đang chạy AthlonXP 2500+ do P4 quá nóng, mình múc luôn em c2d 6300 khi mới ra vì hoàn toàn bị thuyết phục bởi kiến trúc mới này; đến sandy thì chỉ có tiền mua i3 2100 thôi; rồi coffee lake cũng chỉ lên đến 8700 nonK.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019