[The Big Picture] Vịnh Mexico – 1 năm sau thảm họa tràn dầu

levuongthinh
24/4/2011 16:16Phản hồi: 43
[The Big Picture] Vịnh Mexico – 1 năm sau thảm họa tràn dầu
Hôm 20/04/2011 đánh dấu tròn một năm kể từ ngày xảy ra vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon trên Vịnh Mexico gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một năm sau thảm họa, người dân vùng duyên hải tại bang Louisiana vẫn phải đang vật lộn để khôi phục cuộc sống. Những tác động của thảm họa tràn dầu đến môi trường giờ đây vẫn còn là mối đe dọa chưa biết khi nào khắc phục được. Bộ sưu tập sau đây bao gồm những hình ảnh về thảm họa, những ảnh hưởng của nó đến với con người và môi trường và những nỗ lực khôi phục.


Một tảng hắc ín trôi dạt vào bờ biển ở cảng Fourchon, Louisiana ngày 13/04. Hắc ín và dầu loang vẫn còn rất nhiều ở bờ biển bang Louisiana một năm kể từ sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20/04/2010.


Tàu cứu hộ phun nước chữa cháy cho giàn khoan Deepwater Horizon của BP. Vụ cháy này đã khiến 11 người làm việc trên giàn khoan thiệt mạng.


Một con bồ nông nâu bị bao phủ bởi dầu thô ở Queen Bess Island Pelican Rookery, cách Grand Isle 3 dặm về phía Đông Bắc. Ảnh chụp ngày 05/06/2010.




Xác một con rùa trôi dạt vào bờ biển Waveland, Mississippi ngày 05/06/2010 (ảnh trên) và ngày 14/04/2011 (ảnh dưới). Số lượng cá thể loài rùa biển và cá heo chết do ảnh hưởng của hắc ín và dầu loang vẫn đang ở mức cao.




Dầu bám trên những quả trứng bồ nông trong tổ ở Cat Island vào ngày 22/05/2010 (trên) và tấm ảnh chụp ở cùng địa điểm vào ngày 08/04/2011 (dưới). Bức ảnh thứ 2 cho thấy đất đai trên đảo đã bị ô nhiễm và cây cối thưa đi nhiều, điều này đã khiến số lượng tổ bồ nông ở đây giảm đi 1/10.




Ảnh chụp cùng một địa điểm ở Barataria Bay, Louisiana vào ngày 22/05/2010 (trên) và ngày 08/04/2011. Trong bức ảnh đầu tiên, những con bồ nông đang làm tổ trên những bụi cây trong khi dầu từ ngoài khơi đã tràn vào đến bờ. Còn ở bức thứ hai, các bạn có thể thấy sự tàn phá ghê gớm của dầu thô, cây cối đã chết gần hết.

Quảng cáo






Dầu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của loài bồ nông và cây đước trong 2 bức ảnh ở trên, chụp tại cùng một địa điểm trên đảo Cat Island, Louisiana, ngày 23/05/2010 (trên) và 08/04/2011 (dưới). Hòn đảo này là nơi ở của loài bồ công nâu, nhạn biển, hải âu...




Một con bồ nông và một con cò trắng đáp xuống cùng một địa điểm ở đảo Cat Island, ảnh trên chụp vào ngày 22/05/2010 và ảnh dưới chụp ngày 13/04/2011. Các bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng của sinh thái nơi đây.

Quảng cáo




Ảnh trên là bờ biển với cây cối còn xanh tươi (ngày 22/05/2010), còn phía dưới là sự chết chóc (08/04/2011). Cả 2 bức ảnh đều được chụp ở cùng 1 địa điểm ở đảo Cat Island.




Phía dưới màu xanh của cỏ cây là màu nâu đậm của dầu thô (22/05/2010); và chừng 1 năm sau đó, màu nâu của dầu mất đi, kéo theo cả sự xanh tươi.


Courtney Kemp, người vợ góa của Roy Wyatt Kemp, 27 tuổi, người đã thiệt mạng trong vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon, ẵm 2 cô con gái Kaylee, 3 tuổi, and Madisson, 9 tháng tuổi. Roy Wyatt Kemp là một trong số 11 công nhân đã chết vào ngày 20/04/2010 trên giàn khoan dầu ngoài khơi Vịnh Mexico.


Người đánh bắt tôm gốc Việt Sanh Dixie Le ngồi trên chiếc tàu có tên Quốc Việt đậu ở cảng đảo Grand Isle để chờ qua một ngày mà ông không ra khơi. Ông cho biết với một ngày làm việc kéo dài 8 giờ ở Vịnh Mexico, ông chỉ bắt được 3-4 giỏ tôm. BP đã đến bù cho ông số tiền 32.000USD trong khi những người đánh bắt tôm khác lại nhận được 100.000USD. Với giá xăng dầu đang tăng cao, Sanh Dixie Le đang nghĩ đến việc ra đi để tìm một cơ hội mới.


Anh Thomas Barrios, một người làm nghề đánh bắt cua và vợ anh Alicia chụp ảnh ở nhà hàng hải sản của gia đình mang tên Barrios Seafood Restaurant, ở Golden Meadow, Louisiana. Thu nhập của họ hoàn toàn đến từ việc kinh doanh hải sản. Và kể từ khi thảm họa dầu loang xảy ra, doanh số của nhà hàng đã giảm đi một nữa, họ đã phải cho nhân viên nghỉ việc. Còn anh Thomas Barrios cũng đã phải tạm dừng công việc bắt cua.


Melvin Barnes, chủ nhà hàng và chợ hải sản Cruz ở Vịnh St. Louis, Mississippi ngồi trong nhà hàng vắng vẻ của ông ngày 29/03/2011. Nguồn nước nhiễm dầu đã khiến lượng hải sản đánh bắt giảm đi, khách hàng xa rời các nhà hàng và từ chối ăn hải sản từ Vịnh Mexico. Barnes đã phải bán chiếc xe tải để lấy tiền mặt và đang chờ đợi khoản tiền đền bù.


Thị trưởng Stan Wright ghé thăm thị trấn Bayou La Batre, Alabama. Thị trấn nhỏ bé làm nghề đánh bắt hải sản này đang phải vật lộn để tồn tại kể từ khi xảy ra thảm họa tràn dầu.


Brad Mizell chỉ những vết lở loét trên cánh tay của ông trước khi tham gia cuộc họp dành cho những người ở Vịnh Mexico bị ảnh hưởng đến sức khỏe do dầu tràn vào ngày 18/04/2011 ở Vịnh St. Louis, Mississippi. Mizell làm việc cho chương trình dọn dẹp dầu loang mang tên Vessels of Opportunity của BP.


Bà Lorrie Williams nhận được cái ôm an ủi từ nhà hoạt động vì thảm họa tràn dầu Riki Ott trong cuộc họp dành cho những người ở Vịnh Mexico bị ảnh hưởng đến sức khỏe do dầu tràn vào ngày 18/04/2011 ở Vịnh St. Louis, Mississippi. Williams đã gặp vấn đề về sức khỏe kể từ khi thảm họa xảy ra; cô bị polyp phổi cùng với các bệnh về gan, tuyến giáp và máu. Riki Ott là một nhà sinh học biển và trước khi làm nghề đánh bắt hải sản, bà cũng đã từng phải hứng chịu thảm họa dầu tràn Exxon Valdez ở Alaska và giờ bà làm việc vì những nạn nhân ở Vịnh Mexico.


Bà Brenda Guidry ở Larose, Louisiana đưa tay lên trán với sự thất vọng trong một buổi gặp gỡ với người đại diện của BP vào ngày 28/03 ở Mathews, Louisiana.


Những người theo đạo Công giáo cùng cầu nguyện trong một buổi sáng sớm để tưởng niệm 1 năm xảy ra thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico vào ngày 20/04/2011, ở bãi biển Orange, Alabama.


Bác sĩ thú y Wendy Hatchett ở Viện nghiên cứu động vật biển có vú chuẩn bị lấy mẫu da của một con cá heo mũi chai đã chết được tìm thấy ở vùng đảo Ono, Alabama và sau đó mang tới phòng thí nghiệm ở Gulfport, Mississippi. Theo cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOOA), kể từ tháng 01/2011, đã có 155 chú cá heo mũi chai con hay cả những con đang có thai và các con cá voi nhỏ đã bị chết và sóng đánh dạt vào bờ - cao gấp 4 lần so với bình thường. Và một quan chức của NOOA cho biết, dầu loang chính là một nguyên nhân có thể đã gây ra những cái chết này.


Nhà sinh thái học Jessica Henkel của trường đại học Tulane lấy mẫu máu của một chú chim rẽ trán trắng Dunline ở bãi biển Fourchon, Louisiana trong một dự án nghiên cứu dài ngày về những tác hại của dầu loang lên những loài chim khi chúng dừng chân ở Vịnh Mexico trong quá trình di trú.


Xác chết của một cá thể rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng trôi vào bờ biển ở Pass Christian, Mississippi ngày 16/04/2011. Theo cơ quan bảo tồn cuộc sống hoang dã quốc gia Hoa Kỳ, xác chết của những con rùa biển trôi dạt vào bờ biển ở Vịnh Mexico cao cấp 3 lần mức bình thường trong tháng Ba.


Một con tàu đánh ca đang neo trên biển ở đảo Grand Isle lúc mặt trời sắp mọc. Ngành đánh bắt hải sản và du lịch ở đảo Grand Isle đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng dầu loang.


Chiếc máy bay trực thăng của lực lượng bảo vệ quốc gia bang Louisiana bay ngang qua vùng đầm lầy trên đường đến Middle Ground, Nam Louisiana. Một năm sau thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico, BP tuyên bố rằng hầu hết lượng dầu loang đã được thu hồi, tuy nhiên cơ quan quản lý ngành đánh bắt hải sản và cuộc sống hoang dã bang Louisiana cho biết, lượng dầu thu hồi được chỉ nằm ở bề mặt, trong khi dầu đã thấm vào đất, giết chết cây cỏ và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng đồng bằng này.


Những người tắm biển đi tản bộ dọc theo bờ, trong khi các công nhân dọn dẹp vẫn đang đi thu gom những miếng hắc ín. Một năm sau thảm họa, những tảng hắc ín lớn nhỏ vẫn trôi vào các bờ biển ở Vịnh Mexico.


Robert Barham, nhân viên của cơ quan quản lý ngành đánh bắt hải sản và cuộc sống hoang dã bang Louisiana bốc lên một nắm cát trên bãi biển ở South Pass, nam Louisiana.


Một nhân viên bảo vệ cuộc sống hoang dã ở Louisiana giơ bàn tay dính đầy dầu trước ống kính khi làm việc ở một vùng đầm lầy thuộc khu vực Middle Ground, Louisiana, ngày 19/04/2011.


Một nhóm công nhân đang dọn dẹp ở khu vực bờ biển bị ảnh hưởng nặng bởi dầu loang tại cửa sông Mississippi nơi nó đổ ra Vịnh Mexico.


Hai người này đang kiểm tra lại chiếc máy tạo âm thanh ngăn không cho những chú chim làm tổ trên vùng đầm lầy bị nhiễm dầu ở Vịnh Jimmy, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở bang Louisiana ngày 17/04/2011.


Công nhân cùng cần trục để nhổ bỏ những cây bụi bị ảnh hưởng bời dầu loang từ giàn khoang Deepwater Horizon.


Ảnh chụp trên cao một khu dọn dẹp dầu loang trên hòn đảo nhỏ ở Vịnh Barataria, Louisiana.


Một người phụ nữ bước trên bờ biển khi những con sóng từ Vịnh Mexico xô vào bờ trên hòn đảo Grand Isle ngày 13/04/2011. Cư dân nơi đây cho biết, dầu vẫn trôi vào bờ sau những cơn bão ngoài khơi.


Một nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm bảo tồn khoa học Manomet (Massachuset) đã bỏ ra hàng tháng để cố gắng bắt, đánh dấu radio, và lần theo những con chim mò sò nhỏ bé, một trong những loài chim hiếm sống ven biển, để giúp tính toán thiệt hại của thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico. Shiloh Shulte, sử dụng ăng-ten để bắt một tín hiệu chỉ ra rằng chú chim đã được dấu đang còn sống hay đã chết.


Trên đảo East Grand Terre, Louisiana, một cặp chim mò sò đang bước đi trên bờ biển trong khi đội dọn dẹp đang làm việc cách đó không xa.


Một con cò đứng trên chiếc ghế ở bờ biển khi hoàng hôn đang buông xuống bãi biển Orange, Louisiana.​



43 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

anhtuank15
ĐẠI BÀNG
13 năm
Thảm họa không chỉ mexico mà còn là của cả thế giới >.< , ôi nhiễm môi trường làm cho HCM ngày càng nóng ^^
đọc xong cái cm này mình làm y chang cái avatar bạn luôn >"<
thật sự rất đáng sợ. không biết bao giờ mới có thể khôi phục được.
ít nhất cũng phải 15 năm nữa...... đáng thương cho những "kẻ bị hại"..........
vntrann
TÍCH CỰC
13 năm
những tấm hình rất đẹp.....
1 năm nữa chưa chắc khôi phục được đâu
Đúng là thảm họa ... nhìn ghê người quá
loài người sẽ tự diệt nhau thôi
Cầu mong điều tốt đẹp sẽ đến với những động vật ở đó 😔
Vừa nhìn hình và đọc trích dẫn vừa nổi da gà,thấy tội nghiệp mấy con động vật quá và càng hy vọng ng dân bên đó có 1 cuộc sống mới tốt hơn
soskhanh
TÍCH CỰC
13 năm
Thời gian có thể lấy đi thì cũng có thể trả lại mọi thứ.
Rồi thời gian sẽ mang màu xanh trở lại như xưa thôi mà. 😃
kennho123
ĐẠI BÀNG
13 năm
Nhìn những động vật chết mà k biết nói gì,thảm họa thật đáng sợ
thật là đẹp, cảm ơn mod của tinh tế đã đem đến những bức hình sinh động
con người nếu ko có biện pháp ngăn ngừa thì thảm họa sẽ ngày càng nhiều thôi
những sinh vật tội nghiệp. Nạn nhân bất đắc dĩ của vụ tràn dầu
pvcuong
ĐẠI BÀNG
13 năm
nếu xảy ra ở Việt Nam thì giải quyết sao nhỉ ?
ấn tượng nhất là tấm ảnh cuối, 1 dãy nhà cao tầng phía sau...1 hàng ghế dài...1 con cò quay đầu về phía biển...không 1 bóng người...1 khung cảnh thật ảm đạm 😔
ủa, mới đó mà nhanh quá nhỉ! Cữ tưởng cách đây mấy tháng cơ chứ. Sau này mà VN có bị hiệu ứng nhà kính làm mất đất vùng biển thì chả biết dân chạy đi đâu mà sống nhỉ?
nvthanglong
ĐẠI BÀNG
13 năm
Khủng khiếp, đúng là không có gì có thể đánh đổi được môi trường sống. Mà tại sao người VN chỉ được 32k mà người khác được 100k ? vậy cũng có phân biệt chủng tộc trong bồi thường, hay tại tính người VN chịu đựng nên không đòi thêm ?

---------- Post added at 09:09 PM ---------- Previous post was at 09:07 PM ----------

Không đơn giản đâu bạn, dầu thô tồn tại cũng vài chục đến vài trăm năm mới phân hủy hết
thảm họa thật khủng khiếp, nhìn người dân và động vật ở đó đáng thương quá
Hôm bữa đọc báo thấy thảm họa dầu tràn này sẽ không quá nặng nề như vậy nếu mấy ông CEO của Bp có đạo đức kinh doanh hơn, chịu chi tiền để khắc phục hậu quả thay vì đổ lỗi cho nhau và lo lắng cho cái bảng báo cáo Tài chính của mấy ổng hơn là môi trường ....

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019