Mặc dù hiệu năng của mỗi thiết bị phụ thuộc phần lớn vào cấu hình phần cứng, nhưng với những mẹo từ đơn giản đến phức tạp được tổng hợp dưới đây, người dùng có thể phần nào “tăng lực” cho những smartphone Android cấu hình thấp của mình.
Nếu thuộc kiểu người không thích can thiệp nhiều đến hệ điều hành của máy, hay thiết bị Android vẫn còn đang trong thời hạn bảo hành, bạn vẫn có thể thiết lập một vài tùy chọn trong chính hệ điều hành gốc để giảm tải cho những phần cứng giới hạn.
1. Tắt tính năng Screen Animation, hình nền động
Nếu muốn chiếc smartphone Android của mình chạy mượt mà hơn, bạn cần phải hiểu rõ mình đang cần gì, tốc độ hay sự hào nhoáng bóng bẩy của giao diện người dùng? Vì thực tế, với những smartphone phổ thông, để có được giao diện đẹp đồng nghĩa với việc phải hao tốn nhiều tài nguyên hệ thống hơn.
Để góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho những phần cứng hạn chế, cách đơn giản nhất là tắt tính năng hình nền động (Live Wallpaper) cũng như các hiệu ứng động (Animation) khác trên màn hình như hiệu ứng menu động, mở khóa màn hình...
Việc lựa chọn một hình nền tĩnh thông thường để thay thế Live Wallpaper khá đơn giản trên hầu hết mọi phiên bản Android. Riêng với thao tác tắt các hiệu ứng động, nếu như thiết bị Android của bạn chạy phiên bản thấp hơn 4.0 (ICS), hãy tắt tính năng này bằng cách chọn "Settings > Display > Animation" rồi chọn “No Animation”. Với những smartphone chạy phiên bản Android từ 4.0 trở lên, hãy vào mục "Settings > Developer options" rồi bỏ chọn ở mục “Animation” để tắt hết các hiệu ứng chuyển động của hệ điều hành.
2. Chỉ cài đặt những ứng dụng cần thiết nhất
Ngoài cách tắt các hiệu ứng động như trên, để tăng tốc cho các thiết bị Android phần cứng thấp, người dùng chỉ nên cài đặt những ứng dụng cơ bản, thường dùng nhất. Bởi vì hầu hết các ứng dụng đều được cài đặt trên một bộ nhớ đặc biệt, tên gọi là ROM, vốn có dung lượng khá hạn chế và không có khả năng nâng cấp hay mở rộng thêm.
Bên cạnh đó, trước khi xuất xưởng, một số smartphone còn được hãng cài đặt sẵn một số ứng dụng của riêng mình, nên dung lượng ROM còn trống sẽ khá giới hạn. Việc cài đặt thêm nhiều ứng dụng vào ROM từ phía người dùng không chỉ làm lãng phí dung lượng lưu trữ mà còn góp phần làm giảm hiệu năng của thiết bị. Tóm lại, bạn chỉ nên cài đặt những ứng dụng thường sử dụng nhất. Với những ứng dụng không thường xuyên sử dụng, hãy đóng gói chúng lại dưới dạng các tập tin *.APK và lưu trên thẻ nhớ để có thể cài đặt lại mỗi khi cần dùng đến.
3. Tắt đồng bộ tự động, kết nối dữ liệu mạng tốc độ cao
Hầu hết các smartphone phổ thông ngày nay đều được trang bị đầy đủ 3G, Wi-Fi, GPS để tăng khả năng kết nối cho người dùng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng các tính năng này, thiết bị Android của bạn không những chạy chậm, mà còn tiêu tốn nhiều năng lượng pin hơn. Bên cạnh đó, việc thiết lập các ứng dụng tự động cập nhật khi chạy nền cũng góp phần làm tăng thêm gánh nặng cho những hệ thống sở hữu cấu hình thấp.
Chính vì thế, chỉ nên kích hoạt những tính năng này vào những lúc cần thiết. Bạn có thể tắt/mở nhanh các tính năng này thông qua tiện ích “Power control widget” một cách đơn giản và nhanh chóng trên hầu hết các phiên bản Android.
4. Dọn dẹp bộ nhớ RAM
Với hệ điều hành Android, một ứng dụng đã được kích hoạt và đóng lại bởi người dùng sẽ chỉ kết thúc thực sự một khi tiến trình của ứng dụng đó được giải phóng hoàn toàn khỏi bộ nhớ RAM. Điều này giúp cho việc khởi chạy lại ứng dụng mỗi khi cần được nhanh hơn. Tuy nhiên, với những smartphone cấu hình thấp, việc lưu lại các ứng dụng sẽ làm hao tốn đáng kể dung lượng bộ nhớ RAM, khiến máy chạy kém mượt hơn.
Một số ý kiến cho rằng việc giải phóng bộ nhớ RAM bằng cách kết thúc hoàn toàn các ứng dụng này là một thói quen không tốt. Tuy nhiên, với trường hợp dung lượng RAM thiết bị vốn hạn chế trong khi dữ liệu của ứng dụng ngày càng “phình to” thì quả là một điều phiền toái. Ngoài cách giải phóng RAM một cách thủ công, bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý bộ nhớ như NQ Android Booster hay Watchdog Task Manager nếu dung lượng bộ nhớ ROM còn “dư dả”.
5.Gỡ bỏ các widget không cần thiết
Việc “bày biện” quá nhiều widget khác nhau trên Home Screen hay các giao diện màn hình khác nhau của smartphone cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu năng của thiết bị. Vì cơ bản, Widget cũng là một ứng dụng, càng nhiều ứng dụng đồng nghĩa với việc tài nguyên bộ nhớ hao tốn nhiều hơn.
Để góp phần “giảm tải” cho những smartphone cấu hình thấp, đơn giản hãy gỡ bỏ những Widget không cần thiết khỏi giao diện màn hình Home Screen cũng như các giao diện màn hình khác của hệ điều hành. Thao tác này không chỉ giúp smartphone chạy mượt hơn mà còn giúp bạn dễ dàng quản lý hay sắp xếp các widget trên màn hình hơn.
Riêng với nhóm đối tượng người dùng đã root máy (có quyền can thiệp sâu hơn vào hệ điều hành) có thể áp dụng những cách sau để “tăng lực” hơn nữa cho thiết bị Android của mình.
6. Gỡ bỏ các ứng dụng cài đặt sẵn trên máy
Như đã nói ở trên, hầu hết các smartphone ngày nay đều được cài đặt sẵn các ứng dụng của hãng. Điều này gây không ít phiền toái nhất là khi dung lượng bộ nhớ ROM của thiết bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm đối tượng người dùng đã bẻ khóa hệ điều hành (phiên bản bất kỳ), bạn có thể gỡ bỏ các ứng dụng này khỏi hệ thống với sự trợ giúp của một ứng dụng khác như Titanium Backup, Root Uninstaller một cách dễ dàng. Hai ứng dụng này tương thích với hầu hết mọi phiên bản Android.
Với những thiết bị Android phiên bản hệ điều hành từ 4.0 trở lên, người dùng có thể dễ dàng khóa một ứng dụng được cài đặt sẵn bằng cách chọn "Settings > Apps > All", sau đó chọn tên ứng dụng cần vô hiệu, nhấn nút Disable rồi OK là xong. Tuy nhiên, việc vô hiệu hóa ứng dụng này không hoàn toàn gỡ bỏ hẳn ứng dụng khỏi bộ nhớ ROM. Do đó, nếu muốn xóa hẳn những ứng dụng này, bạn cũng cần đến sự trợ giúp của một trong 2 công cụ trên.
7. Di chuyển ứng dụng sang thẻ nhớ
Hiện tại, một số ứng dụng tích hợp sẵn tính năng “App2SD” cho phép di chuyển một phần “nội dung” của ứng dụng đến thẻ nhớ rời để giải phóng dung lượng ROM trên smartphone.
Tuy vậy, không phải hầu hết mọi ứng dụng đều có thể dễ dàng di chuyển sang thẻ nhớ. Với trường hợp ngoại lệ này, bạn có thể sử dụng ứng dụng miễn phí DroidSail Super App2SD để di chuyển ứng dụng sang thẻ nhớ một cách dễ dàng. DroidSail Super App2SD tương thích tốt với các phiên bản Android từ 2.2 trở lên.
8. Cài đặt một bản ROM khác
Với những smartphone đã được root, việc cài đặt một bản ROM đã được chỉnh sửa và loại bỏ bớt các thành phần dư thừa cũng góp phần cải thiện tốc độ và hiệu năng của thiết bị. Tuy nhiên, việc cập nhật một bản ROM khác cho smartphone đòi hỏi sự tìm hiểu tỷ mỷ và cẩn thận từ phía người dùng. Hiện tại, có khá nhiều diễn đàn chuyên cung cấp ROM trên Internet, nhưng tốt nhất bạn chỉ nên tham khảo những bản ROM đã được kiểm tra kỹ lưỡng và lựa chọn những “tên tuổi” uy tín như diễn đàn Android XDA.
9.Tăng tốc bằng cách ép xung bộ xử lý
Chìa khóa cơ bản để tăng tốc xử lý cho các thiết bị Android chính là Kernel. Kernel được biết đến như là phần cốt lõi của hệ điều hành Android, là cầu nối giữa phần phềm và phần cứng của thiết bị. Hầu hết các smartphone Android khi xuất xưởng đều đã được thiết lập chỉ để hoạt động ở một tốc độ CPU nhất định trong Kernel.
Tuy nhiên, do Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, nên có khá nhiều nhà phát triển xây dựng những bộ Kernel khác nhau, trong đó có cả Kernel cho phép ép xung bộ xử lý. Nếu may mắn tìm được đúng bản Kernel hỗ trợ tăng tốc CPU thêm vài MHz, tốc độ thiết bị Android của bạn cũng sẽ được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, cũng tương tự như việc cập nhật ROM, người dùng phải tìm đúng bản Kernel đã được tùy biến trên diễn đàn Android XDA cho thiết bị Android của mình. Và quan trọng nhất là phải tìm hiểu và nắm vững các thao tác cài đặt Kernel cho thiết bị đang sử dụng.